Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Đức Thánh Cha bất ngờ đến thăm bếp ăn bác ái

Đức Thánh Cha bất ngờ đến thăm bếp ăn bác ái

Đức Thánh Cha bất ngờ đến thăm bếp ăn súp bác ái

Shutterstock | addkm

I.Media for Aleteia

25/09/22

Trong dịp Đại hội Thánh Thể Quốc gia tại Matera, miền nam nước Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dừng chân để đến thăm người nghèo.

Sau Thánh lễ tại Đại hội Thánh Thể lần thứ 27 ở Matera, Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có chuyến thăm ngắn “Bếp ăn Huynh đệ Don Giovanni Mele” trong thành phố, Phòng báo chí Vatican đưa tin cùng ngày. Ngài chào các nhân viên và làm phép khu nhà mới xây dựng của cơ sở này, được khai trương gần đây.

Đức Giáo Hoàng đã dự định đến thăm bếp ăn súp theo chương trình được công bố vào tháng Bảy, nhưng chuyến thăm bị hủy vào đầu tháng Chín. Dường như một biến cố không lường trước đã làm cho chuyến thăm viếng trở nên khả thi: Đức Thánh Cha đã đến Matera bằng xe hơi chứ không phải trực thăng, do điều kiện thời tiết mưa bão.

Hãng thông tấn Sir – do hội đồng giám mục Ý bảo trợ – đưa tin rằng Đức Thánh Cha được tháp tùng đến bếp ăn súp bởi Đức Cha Antonio Giuseppe Caiazzo, Tổng Giám mục của Matera.

Ngồi trên xe lăn, Đức Thánh Cha chào những người đứng đón ở lối vào và sau đó ngài đi thăm nhanh cơ sở.

Vatican News giải thích rằng trung tâm này được đặt theo tên của Cha Giovanni Mele, một linh mục coi xứ địa phương nổi tiếng vì sự dấn thân và phục vụ người nghèo.

Nhà bếp phục vụ khoảng 100 suất ăn mỗi ngày. Trong thời gian đại dịch, bếp súp cung cấp các bữa ăn mang đi.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2022]


Cha Lombardi nhìn thấy tính bổ sung trong tiếng nói của 3 vị giáo hoàng (Phỏng vấn)

Cha Lombardi nhìn thấy tính bổ sung trong tiếng nói của 3 vị giáo hoàng (Phỏng vấn)

Cha Lombardi nhìn thấy tính bổ sung trong tiếng nói của 3 vị giáo hoàng (Phỏng vấn)

Fr. Federico Lombardi

I.Media for Aleteia 

18/09/22

Những tính cách khác biệt nhưng tuyệt vời ... Tôi đã tìm thấy niềm vui khi giúp người Kitô hữu hiểu rằng sự phong phú của họ mang tính bổ sung và không mâu thuẫn.

Cha Federico Lombardi vừa mừng sinh nhật lần thứ 80 và kỷ niệm 50 năm linh mục, một ngày kỷ niệm nhân đôi được tổ chức ngày 6 tháng Chín năm 2022, với một thánh lễ do Bộ Truyền thông tổ chức. Sáu năm sau khi rời khỏi vị trí đứng đầu của Đài phát thanh Vatican và Phòng Báo chí Tòa Thánh, vị tu sĩ Dòng Tên người Ý vẫn tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội, đặc biệt với tư cách là chủ tịch của Quỹ Ratzinger-Benedict XVI.

Trong một cuộc phỏng vấn với I.MEDIA, ngài nói đến kinh nghiệm cá nhân về thiên chức linh mục và những thách đố hiện tại mà các linh mục phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh những ngờ vực liên quan đến các vụ lạm dụng tính dục, một chủ đề mà cá nhân ngài đã có vai trò tích cực trong việc tạo điều kiện cho hội nghị thượng đỉnh của các vị chủ tịch các hội đồng giám mục do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập vào năm 2019.

Trong các bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô thường mời gọi các linh mục luôn nhớ về “tiếng gọi ban đầu” của họ, về “sự ngạc nhiên” của họ khi ánh mắt Chúa Giêsu nhìn đến họ… Kỷ niệm riêng của cha về tiếng gọi đó là gì? Ơn gọi của cha xuất hiện khi nào?

Cha Lombardi: Ơn gọi của tôi xuất hiện cách từ từ, trong bối cảnh một gia đình Kitô giáo sùng đạo, mang đậm dấu ấn kinh nghiệm đức tin. Tôi đang tìm kiếm một hình thức hy sinh trọn vẹn và triệt để. Ý nghĩa cuộc sống của tôi là tìm cách dâng mình hoàn toàn cho chương trình của Chúa dành cho tôi: Tôi cảm nhận ơn gọi tu trì, trước khi có ơn gọi linh mục.

Thông qua hoạt động hướng đạo sinh, tôi kinh ngạc trước vẻ đẹp của tạo vật, và tôi cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong thế giới tự nhiên xung quanh tôi, điều mà tôi xem như một ơn của Đấng Tạo Hóa dành cho tôi. Giúp đỡ người nghèo, đồng hành với người bệnh trên chuyến hỏa xa đến Lộ Đức và Loreto, và thăm bệnh nhân tại nhà của họ cũng có tác động rất lớn đối với tôi.

Tôi cũng có thể xác định hai thời điểm mạnh mẽ hơn trong đó tôi cảm thấy Chúa đang gọi tôi đưa ra quyết định dâng hiến trọn vẹn bản thân. Một lần trong một chuyến chạy xe đạp đường dài ở miền nam nước Pháp khi tôi 17 tuổi, và một lần là trong kỳ tĩnh tâm. Đây là những thời khắc đấu tranh nội tâm, nhưng chúng kết thúc bằng quyết định đi vào đời sống thánh hiến. Và tôi chọn Dòng Tên, vì tôi đã được học trong một trường của Dòng Tên.

Các giai đoạn căn bản khi bắt đầu đời sống tu trì và thiên chức linh mục của cha là gì?

Cha Lombardi: Tôi là một tu sĩ trẻ Dòng Tên vào thời điểm Công Đồng Vatican II diễn ra, và tôi được ghi dấu bởi bầu khí canh tân và năng động này. Tôi cảm nhận niềm vui tinh thần lớn lao khi đọc Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, cái nhìn tích cực về thời đại chúng ta và cái nhìn thừa sai để phục vụ thế giới.

Trong thời gian đào tạo, tôi sống với các sinh viên ở Turin, nơi tôi học môn toán. Sau đó, tôi được chuyển đến Đức, đến Frankfurt, để học thần học và năm đầu tiên của thiên chức linh mục sau khi tôi được thụ phong năm 1972. Bên cạnh việc học thần học, tôi gắn kết trong hoạt động tông đồ với những người di cư Ý và gia đình của họ.

Đây là trường kinh nghiệm đầu tiên của tôi, sứ vụ đầu tiên của tôi với tư cách là một phó tế và sau đó là một linh mục, và nó đánh dấu cách tôi sống chức tư tế của mình. Họ có văn hóa của họ, sự đơn giản của họ, các vấn đề của họ. Điều này thúc đẩy tôi cố gắng diễn đạt thông điệp Kitô giáo, cử hành Bí tích Thánh Thể, giảng theo cách đơn giản và rõ ràng nhất có thể, đi vào điều cốt yếu, xoáy vào những vấn đề cụ thể đối với những người gặp khó khăn trong cuộc sống.

Mặc dù sau đó tôi làm việc nhiều trong những lĩnh vực trí thức hơn, tôi luôn quan tâm đến điều này là nói về đức tin bằng cách nói về cuộc sống, về những hoàn cảnh cụ thể, chứ không phải bằng cách đi vào đám mây hoặc nói về những điều đẹp đẽ thuần lý thuyết mà chẳng có liên hệ trực tiếp với trải nghiệm của những người đang lắng nghe. Đây vẫn là điểm quan trọng đối với tôi, là điều tôi chưa bao giờ quên. Và những bài báo tôi viết về người Ý di cư ở Đức đã khiến bề trên chuyển tôi đến làm việc tại Roma cho tạp chí La Civiltà Cattolica, trong thời kỳ diễn ra các cuộc tranh luận hậu Công đồng và cuối triều đại của Đức Giáo hoàng Phaolô VI.

Sau khi làm việc cho tạp chí này, và sau đó làm giám tỉnh Dòng Tên ở Ý một vài năm trong khoảng những năm 1990-91, cha đã trở thành giám đốc chương trình tại Đài phát thanh Vatican. Cha đảm nhận trách nhiệm giữa thời gian xảy ra cuộc Chiến vùng Vịnh, và cha đã sống qua nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế, cũng như khủng hoảng nội bộ trong Vatican. Bằng cách nào cha kết hợp hài hòa sự tập trung vào các bản tin và đời sống cầu nguyện của một người linh mục? Làm thế nào cha thực hiện cùng một lúc hai khía cạnh trái ngược nhau này?

Cha Lombardi: Làm việc nhóm là quan trọng đối với tôi. Vì vậy, đó không chỉ là trách nhiệm cá nhân, công việc của tôi không phải là tìm ra giải pháp cho những câu hỏi cơ bản của nhân loại! Nhưng tôi làm việc với cộng đồng đài phát thanh tuyệt vời, dĩ nhiên là với các tu sĩ Dòng Tên, nhưng cùng với cả những người rất giàu kinh nghiệm khác.

Tại Phòng Báo chí và Trung tâm Truyền hình Vatican, tôi cũng được hỗ trợ bởi một đội ngũ kỹ thuật viên và biên tập viên. Trách nhiệm đối mặt với các vấn đề của đời sống Giáo hội không phải là vấn đề cá nhân, mà là vấn đề của nhóm làm việc, với những định hướng chung để tìm kiếm thái độ đúng đắn. Đối với tôi, đó là một trải nghiệm rất thú vị: tôi không phải tự mình giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới, mà là đồng hành, trình bày và giải thích sự phục vụ của giáo hoàng cho xã hội và cho Giáo hội.

Phục vụ hòa bình, công bằng, quan tâm đến người nghèo, phẩm giá của con người: tôi tìm thấy những chủ đề này trong thái độ và hành động của giáo hoàng, và cùng với nhóm, chúng tôi cố gắng đem lại kết quả cho chúng qua cách chúng tôi trình bày.

Cha Lombardi nhìn thấy tính bổ sung trong tiếng nói của 3 vị giáo hoàng (Phỏng vấn)


Như vậy làm việc trong lĩnh vực truyền thông của Vatican mang đến kinh nghiệm về tính đồng trách nhiệm giữa các linh mục và giáo dân?

Cha Lombardi: Vâng, tất nhiên có những giáo dân có tinh thần và đức tin mạnh mẽ, nhưng tôi thực hiện công việc phục vụ này với tư cách là một linh mục, với sự đào tạo của tôi, sự nhạy cảm của tôi, và những mối quan tâm mục vụ của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình chỉ là một người quản lý. Tôi phải điều hành một tổ chức, với sự cộng tác của những người khác, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ thuần túy đến hiệu quả của việc quản lý. Cách nghĩ đó hoàn toàn nằm ngoài khả năng của tôi. Tôi phải hoạt động, hướng dẫn và tổ chức một cộng đồng những người làm truyền thông để phục vụ con người và Giáo hội, được thúc đẩy bởi đức tin của tôi, bởi tầm nhìn của Kitô giáo.

Anh không nhất thiết phải là một linh mục để làm được việc này, nhưng tôi là một linh mục, vì vậy tôi đã thực hiện việc đó bằng cách tìm sự hiệp nhất trách nhiệm về chuyên môn và tư tế của tôi trong mối quan hệ với cộng đồng nghề nghiệp đã được giao phó cho tôi.

Tôi luôn cố gắng làm việc với những người khác, từ khi còn là đội trưởng trong đội hướng đạo sinh, rồi sau khi thụ phong, là phó giám đốc của tạp chí La Civiltà Cattolica, sau đó là giám tỉnh của 1.200 tu sĩ Dòng Tên ở Ý. Đó là trách nhiệm đối với cộng đoàn, và tôi cũng đã áp dụng rất nhiều kinh nghiệm về đời sống làm việc nhóm cho công việc của tôi tại Đài phát thanh Vatican, với khoảng 400 người tại thời điểm đó.

Ba vị giáo hoàng mà cha đã trực tiếp phục vụ – Đức Gioan Phaolô II, Đức Benedict XVI và Đức Phanxicô – đã truyền cảm hứng cho cha như thế nào trong chức vụ tư tế của cha?

Cha Lombardi: Đức Gioan Phaolô II đã cho chúng tôi động lực của tầm nhìn về sứ vụ phổ quát, và lịch sử được giải thích và sống dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô và sứ vụ của Ngài là Đấng Cứu thế và Cứu chuộc, đặc biệt là qua Năm Thánh 2000. Điều này đã giúp tôi trong công việc xác định tầm nhìn lịch sử về sứ mệnh của Giáo hội đối với nhân loại, một khát khao lớn lao là phục vụ hòa bình và gia đình các dân tộc. Ngài đã đưa ra quan điểm tuyệt vời cho lịch sử, cho thế giới và Giáo hội hoàn vũ, cũng như tìm cách đề cao giới trẻ qua Ngày Giới trẻ Thế giới.

Về Đức Benedict XVI: trong thời gian học tập ở Đức, tôi rất ngưỡng mộ sự sâu sắc và hài hòa trong tư tưởng của ngài, khả năng tổng hợp, cách ngài trình bày toàn bộ tầm nhìn Kitô giáo một cách nhẹ nhàng và đối thoại với văn hóa đương đại. Khi ngài làm Giáo hoàng và tôi đưa tin về ngài, tôi thậm chí đánh giá cao hơn sự quả quyết của ngài về mối quan hệ giữa tâm linh và trí tuệ. Những bài giảng của ngài, khả năng đọc các mầu nhiệm của Chúa Kitô và nói về những mầu nhiệm đó với chiều sâu tâm linh và thần học tuyệt vời, đã thực sự thu hút tôi.

Tôi cũng nhớ đến khả năng của ngài trong việc cân bằng những căng thẳng mà Giáo hội và xã hội đang trải qua, cố gắng giữ mọi thứ lại với nhau, để trình bày Kitô giáo như một tầm nhìn đẹp đẽ, sâu sắc, có khả năng dẫn dắt trải nghiệm văn hóa hướng tới một chân lý tối thượng trong Chúa Giêsu Kitô và trong đức tin. Ngài có khả năng tích hợp tất cả những suy tư này trong một tầm nhìn hoàn toàn không hời hợt, mà rất ý thức về các vấn đề của thế giới ngày nay. Sự tổng hợp chân lý trong đức tin này đã nuôi dưỡng tôi cách sâu sắc.

Về phần Đức Phanxicô, ngài có đặc sủng phi thường về sự gần gũi, khả năng khiến mọi người cảm nhận và trải nghiệm sự gần gũi của tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mọi người, đối với người nghèo, đối với những người đau khổ. Theo nghĩa này, ngài là một hình mẫu tuyệt vời và là người thúc đẩy các mối quan hệ cụ thể với tất cả những người ngài gặp, với khả năng tự nhiên về các mối quan hệ, bằng cử chỉ và ngôn ngữ đơn giản.

Tôi thấy trong ba vị giáo hoàng này có một sự bổ sung phong phú luôn nuôi dưỡng tôi trong việc phục vụ tư tế và thiêng liêng. Tôi luôn cố gắng thấu hiểu, diễn giải và phục vụ những đặc sủng của các vị giáo hoàng, với những tính cách khác biệt nhưng tuyệt vời, và tôi tìm thấy niềm vui khi giúp người Kitô hữu hiểu rằng sự phong phú của họ là sự bổ sung và không mâu thuẫn.

Cha Lombardi nhìn thấy tính bổ sung trong tiếng nói của 3 vị giáo hoàng (Phỏng vấn)

Đức Giáo hoàng Phanxicô (trái) và cha Federico Lombardi chào các nhà báo trên chuyên cơ Giáo hoàng khi đến Rio de Janeiro ngày 22 tháng Bảy năm 2013. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã hạ cánh xuống Brazil hôm thứ Hai trong chuyến tông du nước ngoài đầu tiên của ngài với tư cách là Giáo hoàng để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới quốc tế tại Brazil, quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới. AFP PHOTO / LUCA ZENNARO / POOL / AFP PHOTO / POOL / LUCA ZENNARO

Sau khi nghỉ hưu tại Đài phát thanh Vatican và Phòng Báo chí, cha vẫn hoạt động tích cực trong một số vấn đề, bao gồm cả cuộc chiến chống lạm dụng. Ngoài việc chú ý đến các nạn nhân, cha có thể nói gì với các linh mục đang mệt mỏi vì áp lực xã hội và truyền thông liên quan đến những hiện tượng này? Bằng cách nào chúng ta có thể tìm được sự cân bằng giữa cách tiếp cận cứng rắn hơn và nghiêm khắc hơn đối với tình trạng lạm dụng, mà không rơi vào thái độ nghi ngờ chung gây ra nhiều đau khổ?

Cha Lombardi: Tôi tin rằng đứng trước những vụ lạm dụng và tai tiếng, khía cạnh nghi ngờ và sỉ nhục là không thể tránh khỏi. Đó là một cái giá mà chúng ta phải trả, như là sự chung phần vào sự đau khổ của các nạn nhân và việc thanh tẩy Giáo hội. Không có con đường thanh tẩy, sám hối, canh tân nào mà không có cái giá phải trả. Đúng là tôi phải đau khổ, tôi bị sỉ nhục với tư cách là một linh mục, nhưng tôi chấp nhận điều đó. Trên con đường theo Chúa Giêsu Kitô, có toàn bộ chiều kích của sự sỉ nhục được sinh ra với lòng khiêm nhường, với sự kiên nhẫn, với ý thức về việc phải cùng nhau gánh lấy những hậu quả của các lỗi lầm đó để đổi mới chính bản thân. Đây là một điểm rất cơ bản.

Nhưng chúng ta phải tiếp tục tin cậy vào ân sủng của Thiên Chúa, vào sự thật ơn gọi của chúng ta. Chúng ta tin vào giá trị của việc phục vụ đức tin, phục vụ Lời Chúa. Nếu chúng ta vững tin rằng chúng ta đã được gọi thì chúng ta phải tiếp tục phục vụ thông điệp ơn cứu độ nhân loại của Chúa Giêsu Kitô với lòng trung kiên và quyết tâm.

Do đó, chúng tôi phải chấp nhận và sống sự sỉ nhục một cách nghiêm túc khi thông phần vào sự đau khổ của các nạn nhân, và luôn ý thức về giá trị của việc cam kết với đời sống Kitô hữu và việc phục vụ người khác, kể cả trong thể thức chức tư tế, các bí tích và việc công bố Lời Chúa.

Cha có cái nhìn như thế nào về cuộc khủng hoảng thiên chức linh mục đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia? Liệu giai đoạn thanh tẩy này có thể dẫn đến một điều gì đó công bằng hơn, lành mạnh hơn và cuối cùng là cuốn hút hơn không?

Cha Lombardi: Tất nhiên là tôi hy vọng như vậy! Khi nhìn thấy những khía cạnh tiêu cực, chúng ta cũng phải cố gắng phân định ra những tín hiệu tích cực mà chúng ta có thể thấy trong Giáo hội và xã hội của chúng ta. Đó là một nguyên tắc của truyền thông: Chúng ta thường có xu hướng nhìn thấy điều xấu và tiêu cực, nhưng chúng ta cũng phải nhìn thấy những khía cạnh tích cực, và có rất nhiều trong Giáo hội! Cũng có những thay đổi trong các hình thức thi hành việc phục vụ và trong đời sống của Giáo Hội, và chúng phải được tìm kiếm cùng với nhau.

Do đó, chủ đề của thượng hội đồng mà Đức Thánh Cha đưa ra cho chúng ta là rất quan trọng. Đó là quan điểm chính của triều đại giáo hoàng này: mời gọi chúng ta cùng nhau lên đường như một cộng đoàn, cảm nhận trách nhiệm chung của chúng ta, và không ngại nhìn vào thực tại, và giúp đỡ nhau, cùng nhau cầu nguyện, tìm kiếm Chúa Thánh Thần là Đấng có thể tỏ lộ theo nhiều cách.

Chúng ta hãy nghĩ về Giáo hội sơ khai: Chỉ có 12 người, nhưng Chúa Thánh Thần đã tìm thấy sức mạnh để truyền bá đức tin Kitô giáo. Trong lịch sử của mình, Giáo hội đã trải qua nhiều thay đổi. Chẳng hạn, Dòng Tên đã từng bị giải thể, nhưng sau đó lại được tái sinh… Do đó, chúng ta phải có một cách nhìn để nó không bị đóng ấn bởi một hoàn cảnh nhất thời, nhưng với đức tin hãy có cái nhìn vững tin vào công việc của Thiên Chúa và Thần Khí của Người.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/9/2022]