Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (Toàn văn)

TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (Toàn văn)
© Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (Toàn văn)

Lần đầu tiên một Giáo hoàng đến thăm Bán đảo Ả-rập, ZENIT cũng có mặt tại đó

06 tháng Hai, 2019 13:29

Buổi Tiếp Kiến Chung ngày 6 tháng Hai năm 2019 được tổ chức lúc 9:30 trong Đại sảnh Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung nói về chuyến Tông du của ngài đến các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất vừa kết thúc, đánh dấu lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đặt chân lên Bán đảo Ả-rập. Phóng viên Vatican của ZENIT, Deborah Castellano Lubov cùng tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxico trên chuyến bay giáo hoàng.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài mời gọi cầu nguyện cho những người di cư từ Haiti, nạn nhân của vụ đắm tàu xảy ra gần Bahamas.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Trong những ngày vừa qua, cha thực hiện chuyến Tông du ngắn đến các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất. Một chuyến đi ngắn nhưng vô cùng quan trọng vì nó đã viết lên một trang sử mới trong cuộc đối thoại giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo — theo sau lần gặp gỡ năm 2017 với Đức Đại Al-Azhar, ở Ai-cập — và cam kết thúc đẩy hòa bình trên thế giới trên nền tảng tình huynh đệ con người.

Lần đầu tiên một Giáo hoàng đến Bán đảo Ả-rập. Và Đấng Quan Phòng đã định cho một Giáo hoàng với tước hiệu Phanxico, 800 năm sau chuyến viếng thăm của Thánh Phanxico Assisi đến với Quốc vương al-Malik al-Kamil. Cha thường suy nghĩ đến Thánh Phanxico trong suốt hành trình này: ngài đã giúp cha luôn mang Tin mừng và sự yêu thương của Chúa Giê-su Ki-tô trong tâm hồn, trong lúc sống qua nhiều thời khắc khác nhau trong chuyến viếng thăm. Tin mừng của Đức Ki-tô ở trong tâm hồn cha, lời cầu nguyện lên Chúa Cha cho toàn thể con cái của Người, đặc biệt cho những người nghèo nhất, cho những nạn nhân của sự bất công, của chiến tranh, của nạn nghèo khổ …; cầu nguyện rằng sự đối thoại giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo là một nhân tố quyết định cho nền hòa bình trên thế giới ngày nay.

Tôi xin cảm tạ Đức Hoàng Thái tử, ngài Tổng thống, Phó Tổng thống và toàn thể những nhà chức trách của các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, đã đón tiếp tôi vô cùng nhã nhặn. Đất nước trong những thập niên vừa qua phát triển rất mạnh. Nó đã trở thành một giao lộ giữa phương Đông và phương Tây, là một “ốc đảo” đa sắc tộc và đa tôn giáo, và vì thế là một nơi rất phù hợp để thúc đẩy văn hóa gặp gỡ. Tôi xin bày tỏ lòng tri ân chân thành đến Đức Giám mục Phaolô Hinder, Đại diện Tông tòa của Nam Ả-rập, ngài đã sắp xếp và tổ chức sự kiện cho cộng đồng Công giáo, và tôi cũng xin gửi lời “cảm ơn” đến các linh mục, các Tu sĩ và giáo dân là những người làm sống động sự hiện diện của Ki-tô giáo trên vùng đất đó.

Cha có cơ hội được đến chào vị linh mục đầu tiên — ngài đã cận bách niên — ngài đến đó và thành lập rất nhiều cộng đoàn. Ngài bây giờ phải ngồi xe lăn, bị mù nhưng nụ cười không bao giờ rời khỏi môi của ngài, nụ cười vì đã được phục vụ Thiên Chúa và đã làm rất nhiều công cuộc tốt lành. Cha cũng đến chào một linh mục gần trăm tuổi khác — nhưng vị này vẫn còn đi lại và vẫn tiếp tục làm việc. Chúc mừng! — Và rất nhiều linh mục ở đó để phục vụ cộng đoàn Ki-tô hữu theo nghi lễ Latinh, theo nghi lễ Syro-Malabar, nghi lễ Syro-Malankar, theo nghi lễ Maron, họ đến từ Li-băng, từ Ấn độ, từ Philippines và các quốc gia khác.

Ngoài những bài diễn văn, một bước đi mở rộng được thực hiện tại Abu Dhabi: Đức Đại Imam của Al-Azhar và cha ký Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người, trong đó chúng tôi xác tín về ơn gọi phổ quát của mọi người nam và nữ đều là anh em, là con cái của Thiên Chúa; chúng tôi lên án mọi hình thức bạo lực, đặc biệt bạo lực được khoác lên mình bằng những động cơ tôn giáo, và chúng tôi cam kết loan truyền những giá trị đích thực và hòa bình trên thế giới. Văn kiện này sẽ được nghiên cứu trong các trường học và đại học ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cha cũng đề nghị anh chị em hãy đọc nó, hiểu về nó, vì nó tạo một sự khích lệ để tiếp tục trong cuộc đối thoại về tình huynh đệ con người.

Trong một thời đại như của chúng ta ngày nay, trong đó những kích động rất mạnh muốn nhìn thấy sự xung đột nổ ra giữa các nền văn minh Ki-tô giáo và Hồi giáo, đồng thời cho rằng tôn giáo là nguyên nhân của xung khắc, thì chúng tôi muốn đưa ra một tín hiệu rõ ràng và xác quyết rằng việc gặp gỡ nhau là có thể, sự tôn trọng nhau và đối thoại là có thể, mặc dù trong sự đa dạng của các nền văn hóa và truyền thống, thế giới Ki-tô giáo và Hồi giáo đều chân nhận và bảo vệ những giá trị chung: sự sống, gia đình, ý thức về tôn giáo, tôn vinh người cao tuổi, giáo dục thế hệ trẻ và nhiều giá trị khác.

Chỉ có hơn một triệu người Ki-tô hữu sống ở các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất: là các công nhân người bản xứ thuộc nhiều quốc gia Châu Á. Sáng hôm qua cha gặp gỡ một đại diện của cộng đoàn Công giáo trong Nhà thờ Chính tòa Thánh Giu-se ở Abu Dhabi — một ngôi nhà thờ rất đơn sơ — và sau đó, sau cuộc gặp gỡ này, cha đã dâng Thánh Lễ cho tất cả mọi người — có đông người quá! – Họ nói là trong số đó gồm có số lượng người người bên trong Sân Vận động, với sức chứa 40.000 người, và những người bên ngoài Sân Vận động tham dự trực tiếp qua các màn hình, con số lên đến 150.000 người! Cha dâng Thánh Lễ trong Sân Vận động của thành phố, công bố Tin mừng của các Mối phúc. Trong Thánh lễ cùng đồng tế với các Đức Thượng Phụ, các Đức Tổng Giám mục và các Giám mục hiện diện, chúng tôi đặc biệt cầu cho hòa bình và công bằng, với ý chỉ đặc biệt cho vùng Trung đông và Yemen.

Anh chị em thân mến, hành trình này là “những điều ngạc nhiên” của Chúa. Vì vậy chúng ta cùng ngợi khen Người và sự Quan phòng của Người, và chúng ta cầu xin để cho những hạt giống được gieo rắc sẽ trổ sinh hoa trái theo như Thánh ý của Người.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/2/2019]


Yemen: Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết khủng hoảng nhân đạo

Yemen: Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết khủng hoảng nhân đạo
© Save The Children

Yemen: Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết khủng hoảng nhân đạo

Một phần mười trẻ em bị buộc phải rời khỏi gia đình do bạo lực

03 tháng Hai, 2019 16:28

Ngày 3 tháng Hai năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen, lời kêu gọi của ngài sau giờ đọc Kinh Truyền tin buổi trưa với các khách hành hương trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

Đức Thánh Cha nói, “Cha lo lắng rất nhiều cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen. Người dân đã kiệt quệ do cuộc xung đột kéo dài và rất nhiều trẻ em đang bị đói, nhưng họ vẫn không thể tiếp cận được với nguồn lương thực. Thưa anh chị em, tiếng khóc của những trẻ em này và của cha mẹ các em đã thấu lên trước nhan Chúa.

“Tôi kêu gọi các bên có liên quan và Cộng đồng Quốc tế nhanh chóng thực hiện những thỏa thuận đã đạt được, để bảo đảm sự phân phát thực phẩm và làm những công cuộc tốt lành cho dân chúng. Cha mời gọi tất cả anh chị em cùng cầu nguyện cho những người anh em Yemen của chúng ta … Chúng ta cùng tha thiết kêu cầu vì các trẻ chỉ là những em bé đang rất đói; đang rất khát; các bé không có viên thuốc điều trị và đang có nguy cơ phải chết. Chúng ta hãy mang suy tư này về gia đình.”

Theo báo cáo của tổ chức Save the Children ngày 31 tháng Một, năm 2019, ít nhất một phần mười trẻ em ở Yemen (1,5 triệu) đã bị buộc phải bỏ nhà cửa vì vì cuộc chiến khốc liệt kéo dài suốt bốn năm, khiến cho các em đối mặt với những sự nguy hiểm như đói khát, bệnh tật, và bạo lực.

Theo LHQ, hơn nửa triệu trẻ em đã phải di tản do chiến tranh trong vùng toàn quyền Hodeidah chỉ trong sáu tháng vừa qua. Như vậy tính trung bình mỗi ngày có hơn 2000 trẻ em phải di tản tính từ tháng Sáu năm trước. Và đó mới chỉ là con số ở Hodeidah, nơi phải gánh chịu cuộc chiến nặng nề nhất ở Yemen.

Người dân di tản tránh bạo lực lại đối mặt với những sự nguy hiểm đe dọa tính mạng ngay khi họ bước chân lên đường. Mối nguy hiểm trực tiếp đe dọa mạng sống hoặc bị thương là những loại chất nổ được sử dụng một cách bừa bãi bởi tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột mà không quan tâm đến mệnh lệnh pháp luật phải bảo vệ người dân trong cuộc xung đột.

Ngày 23 tháng Tám năm ngoái, 22 trẻ em và bốn phụ nữ được báo cáo bị giết trong một cuộc không kích đánh vào chiếc xe của họ khi họ đang cố gắng di tản khỏi cuộc chiến ở Hodeidah. Gần đây hơn tám thường dân bị giết trong một trung tâm cho các gia đình di tản ở Hajjah, có thể do các miểng đạn từ cuộc pháo kích gần đó. Nhóm quan sát ACLED báo cáo đã có ít nhất 25 vụ tấn công nhằm vào những người di tản trong nước chỉ trong nửa đầu năm 2018.

Nếu các gia đình di tản tìm cách sống sót được trong hành trình đầy nguy hiểm và tránh được những cuộc không kích và pháo kích để đến được nơi an toàn, họ phải đối mặt với những khó khăn khác trong những cộng đồng địa phương rất căng thẳng hoặc nơi các trại thiếu nguồn cung cấp lương thực và vệ sinh cơ bản. Việc này đẩy trẻ em vào nguy cơ suy dinh dưỡng và bệnh tật trong một đất nước với hệ thống chăm sóc sức khỏe có tất cả nhưng đã bị sụp đổ hoàn toàn và khoảng 14 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói. Tổ chức Save the Children ước tính 85.000 trẻ em đã chết vì nạn đói từ năm 2015.


Tamer Kirolos, Giám đốc quốc gia của Save the Children của Yemen, nói:

“Trong cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất của thế giới, một số trẻ em dễ bị tổn thương nhất là những em đã phải chạy trốn khỏi nhà cửa vì chiến tranh. Các em bị buộc phải bỏ học và đang trong nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng. Chúng tôi nghe được câu chuyện có những em bị chết cóng trong những tháng mùa đông lạnh buốt vì các em thiếu chỗ ở phù hợp và các gia đình không đủ khả năng mua nhiên liệu cần thiết để đốt lửa. Các cộng đồng địa phương vốn đã phải chật vật để sinh tồn đang chịu sức ép rất lớn, không thể đối phó được với làn sóng các gia đình di tản khổng lồ vào các thị trấn và thành phố của họ. Những trẻ em này đã bị cướp mất các quyền sống căn bản, sức khỏe và giáo dục. Các em đang cần sự hỗ trợ ngay lúc này.”


Patrick Watt, giám đốc toàn cầu về Chiến dịch, Bảo vệ và Truyền thông của Save the Children Quốc tế, nói:

“Chúng tôi hoan nghênh sự giảm bớt đáng kể những trận chiến sau khi các bên tham chiến đồng ý ngừng bắn ở Hodeidah vào tháng trước, nhưng tình hình vẫn căng thẳng và cảng Hodeidah vẫn không thể hoạt động ở mức cần thiết để giải quyết nhu cầu nhân đạo cấp bách của hàng triệu người Yemen. Điều đó có nghĩa là trẻ em chết vì những nguyên nhân hoàn toàn có thể phòng tránh được vì thực phẩm và thuốc men thiết yếu không thể đưa vào nước này. Chúng tôi tìm được rất ít bằng chứng cho thấy mọi thứ đã thay đổi cho người dân Yemen, đặc biệt là trẻ em, họ vẫn tiếp tục chịu đau khổ.

“Cộng đồng quốc tế phải bảo đảm việc thi hành hiệp ước Stockholm và thực hiện ngay những bước đi thiết thực và cụ thể để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng nhân đạo này do con người gây ra, bao gồm đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở đối với hàng hóa nhân đạo và thương mại và sự ổn định nền kinh tế Yemen.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2019]