Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Đức Thánh Cha gửi thông điệp kỷ niệm 70 năm Trung tâm Công giáo Quốc tế Hợp tác với UNESCO

Đức Thánh Cha gửi thông điệp kỷ niệm 70 năm Trung tâm Công giáo Quốc tế Hợp tác với UNESCO

Hãy loại bỏ sự sợ hãi, chọn tình huynh đệ
24 tháng Ba, 2017
Đức Thánh Cha gửi thông điệp kỷ niệm 70 năm Trung tâm Công giáo Quốc tế Hợp tác với UNESCO
Đức ông Francesco Follo - Ảnh của Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại UNESCO
Trong thông điệp của ngài kỷ niệm 70 năm Trung tâm Công giáo Quốc tế Hợp tác với UNESCO (ICCC), được thành lập năm 1947, Đức Thánh Cha Phanxico khuyến khích việc loại bỏ sự sợ hãi, bạo lực và đóng cửa, và chọn “tình huynh đệ.”
Nhân dịp này, hôm thứ Năm 23 tháng Ba, 2017, ICCC tổ chức một Diễn đàn quốc tế, có chủ đề “Chúng ta muốn cùng nhau xây dựng một thế giới như thế nào?” tại tòa nhà của UNESCO ở Paris, Pháp, hợp tác với Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại UNESCO và sự đỡ đầu của UNESCO và Ủy ban UNESCO Quốc gia Pháp.
Đức ông Francesco Follo, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại UNESCO, đọc thông điệp của Đức Giáo hoàng.
Trong thông điệp này, được Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin gửi đến Christine Roche, Chủ tịch của ICCC, Đức Thánh Cha Phanxico gửi lời chào các tham dự viên và nhóm hành động của UNESCO vì “sự tái sinh nhân đạo.”
Đức Thánh Cha Phanxico gửi lời chào nồng hậu đến các tham dự viên của diễn đàn đầy đủ thông tin “Chúng ta muốn cùng nhau xây dựng một thế giới như thế nào?” được UNESCO tổ chức, năm nay tổ chức kỷ niệm lần thức 70.
Trong thông điệp, Đức Thánh Cha gửi lời chúc mừng và cảm ơn ICCC, trong sự trung thành với truyền thống của Ki-tô giáo, đã đưa ra một đóng góp to lớn cho các công trình của UNESCO, để bảo vệ phẩm giá con người, hòa bình trên thế giới, và từ đó tái sinh lại lòng nhân đạo.”
Đức Thánh Cha cũng khuyến khích phải loại bỏ sự sợ hãi, bạo lực và đóng cửa, và chọn “tình huynh đệ.” “Chủ đề quý vị đã giữ lại cho Diễn đàn này kết nối một trong những quan tâm của Đức Thánh Cha khi ngài viết Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới hôm 1 tháng 1, 2017, “một đạo đức của tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình giữa mọi người và giữa các dân tộc không thể được xây dựng trên luận lý của nỗi sợ hãi, của bạo lực và sự đóng cửa, nhưng phải xây dựng trên tính trách nhiệm, trên sự tôn trọng và trên sự đối thoại chân thành” (n. 5).
Đức Thánh Cha Phanxico khuyến khích sáng kiến góp phần xây dựng một “nền văn minh yêu thương”: “Vì thế, Đức Thánh Cha rất vui mừng trước việc tổ chức Diễn đàn này, mục tiêu nhằm thúc đẩy việc phản ánh lại những giá trị chung về tự do, công bằng và hòa bình. Vì thế, ngài khuyến khích tất cả các tham dự viên của Diễn đàn này nghiên cứu và phát triển những phương tiện hiệu quả để “xây dựng một nền văn minh yêu thương,” nó là kết quả của một sự nhận thức sâu sắc của cộng đồng quốc tế được thiết lập trên sự tôn trọng, lắng nghe, quan tâm đến nhu cầu của nhau, công bằng, đối thoại và chia sẻ.”
“Trong sự phó thác suy tư của quý vị dâng lên Thiên Chúa, Người đã đến để dẫn đưa loài người vào trong một gia đình duy nhất, Đức Thánh Cha ban phép lành của Chúa cho quý vị cũng như cho tất cả mọi tham dự viên trong Diễn đàn này,” thông điệp kết luận với chữ ký của Đức Hồng y Parolin.
Christine Roche khai mạc diễn đàn, và tiếp sau là Đức ông Guy Real Thivierge, Chủ tịch danh dự của ICCC, ngài nhắc lại lịch sử của ICCC rằng, từ sau khi được thành lập năm 1947, đã can thiệp tích cực trong UNESCO. Ngài cũng đề cập đến thông điệp của Đức Giáo hoàng Phao-lô VI gửi ông Rene Maheu, Tổng Giám đốc UNESCO lúc đó: trọng tâm của thông điệp này là nhân vị.
Đức Tổng Giám mục Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám mục giáo phận Tegucigalpa, Honduras, đã trích dẫn nhiều lần Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc) của Đức Phao-lô VI, luôn mang tính hợp thời. Ngài tập trung thông điệp của ngài vào hai cụm từ của tiêu đề “thế giới” và “xây dựng,” nhắm đến những vấn đề về sự thất học và giáo dục.
[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/03/2017]



Đức Thánh Cha đến thăm, dùng bữa trưa với các tù nhân ở Milan

Đức Thánh Cha đến thăm, dùng bữa trưa với các tù nhân ở Milan

Có mặt trong nhà tù San Vittore là 2 linh mục, 1 thầy phó tế, 10 nữ tu, 4 chủng sinh
25 tháng Ba, 2017
Đức Thánh Cha đến thăm, dùng bữa trưa với các tù nhân ở Milan
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO
Trong chuyến thăm mục vụ đến thành phố Milan miền Bắc Ý ngày 25 tháng Ba, 2017, Đức Thánh Cha đến nhà tù San Vittore lúc trưa. Ngài là giáo hoàng đầu tiên đến thăm nhà tù từ khi nó được xây dựng năm 1879. Với 893 tù nhân bị giam giữ có sự phục vụ của 2 linh mục, 1 phó tế, 10 nữ tu và 4 chủng sinh.
Đức Thánh Cha đến thăm, dùng bữa trưa với các tù nhân ở Milan
Mỗi Chúa nhật, có bốn Thánh Lễ được dâng trong khu nhà tù. Cũng có lần chuỗi Mân Côi ở đó trong suốt tuần.
Nhân dịp chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxico, trước hết, chính các tù nhân đã chuẩn bị gửi cho Đức Giáo hoàng những lá thư, trong đó họ miêu tả hoàn cảnh của họ, cảm giác tội lỗi của họ, mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, đức tin của họ, và sự vui mừng của họ với chuyến thăm của Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha đến thăm, dùng bữa trưa với các tù nhân ở Milan
Đến nhà tù, Đức Thánh Cha được nhiều người đại diện đón tiếp, trong đó có giám đốc và linh mục tuyên úy.
Khi vào bên trong, Đức Thánh Cha chào thăm 80 tù nhân, và dùng bữa trưa với người bị tạm giữ. Sau đó Đức Thánh Cha đến Công viên Monza Park, nơi ngài dâng một Thánh Lễ lúc 3 giờ chiều.
Đức Thánh Cha đến thăm, dùng bữa trưa với các tù nhân ở Milan
Tất cả hình ảnh của L’Osservatore Romano – Photo.va
[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/03/2017]



‘Thiên Chúa biến điều không thể thành có thể’ (Bài giảng của Đức Thánh Cha tại Milan)

‘Thiên Chúa biến điều không thể thành có thể’ (Bài giảng của Đức Thánh Cha tại Milan)

‘Thật tốt nếu chúng ta tự vấn mình: Bằng cách nào để sống niềm vui Tin mừng hôm nay trong thành phố của chúng ta? Liệu niềm hy vọng Ki-tô hữu có thể có trong hoàn cảnh này, ở đây và bây giờ?’
25 tháng Ba, 2017
‘Thiên Chúa biến điều không thể thành có thể’ (Bài giảng của Đức Thánh Cha tại Milan)
CTV Screenshot
“Không điều gì là không làm được đối với Thiên Chúa” (Lc 1:37): đó là phần kết của câu trả lời của Thiên Thần cho Mẹ Maria. Khi chúng ta tin rằng mọi việc tùy thuộc vào khả năng, tùy thuộc vào sức mạnh của chúng ta, vào những chân trời thiển cận của chúng ta, nhưng thay vì vậy, chúng ta hãy sẵn sàng để cho bản thân mình được trợ giúp, để cho bản thân chúng ta được chỉ bảo, khi chúng ta mở lòng ra cho ơn sủng, thì dường như những điều không thể bắt đầu trở nên có thể.”
Đức Thánh Cha Phanxico nói điều này khi suy tư về việc Thiên Chúa có thể biến những điều không thể thành có thể, trong bài giảng của ngài ở Monza Park hôm nay, 25 tháng Ba, 2017, trong chuyến thăm mục vụ một ngày của ngài đến thành phố Milan ở phía bắc nước Ý.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Zenit bài giảng của Đức Thánh Cha:
***
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Chúng ta vừa nghe loan báo quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta: Sự Truyền Tin cho Mẹ Maria (x. Lc 1:26-38) – một trích đoạn khó hiểu, tràn đầy sự sống, mà tôi thích đọc dưới ánh sáng của một sự loan báo khác: đó là sự ra đời của Gio-an Tẩy Giả (x. Lc 1:5-20). Hai sự loan báo tiếp theo nhau được kết nối mà khi đối chiếu sẽ cho chúng ta thấy những gì Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta nơi Con của Người.
Sự truyền tin của Gio-an Tẩy giả xảy ra khi Za-ca-ri-a, tư tế, đang chuẩn bị bắt đầu nghi thức tế lễ đi vào Thánh điện của Đền thờ, trong khi mọi người đi dâng lễ đợi ở phía ngoài. Ngược lại, sự truyền tin của Chúa Giê-su diễn ra trong một nơi bị lãng quên của Ga-li-lê, trong một thành ngoại vi và chẳng có một chút tiếng thơm nào (x. Ga 1:46), trong sự vô danh của ngôi nhà của một cô gái tên là Maria.
Một sự đối nghịch, cho thấy rằng Đền thờ mới của Thiên Chúa, sự gặp gỡ mới của Thiên Chúa với dân Người, nói chung, sẽ diễn ra ở những nơi chúng ta không hề mong chờ, trong những vùng ven, trong vùng ngoại vi. Ở đó, họ sẽ gặp gỡ, ở đó họ sẽ gặp gỡ nhau, Thiên Chúa sẽ trở thành nhục thể từ cung lòng của Mẹ Người ở đó để cùng đồng hành với chúng ta. Bây giờ Người sẽ không còn ở trong một nơi được dành riêng cho một vài người trong khi đại đa số vẫn đứng ở ngoài với những mong chờ. Không có điều gì và không ai sẽ bị thờ ơ trước Ngài, không hoàn cảnh nào sẽ bị tước mất sự hiện diện của Ngài: niềm vui của Sự Cứu độ bắt đầu trong cuộc sống hàng ngày của ngôi nhà của một cô gái làng Na-za-rét.
Chính Thiên Chúa là người có sáng kiến và chọn cách đưa Người vào nhà của chúng ta, như Người đã làm với Mẹ Maria, trong những cố gắng hết mình mỗi ngày của chúng ta, đầy những lo âu cùng với những khát vọng. Và quả thật chính trong những thành phố của chúng ta, trong các trường học và đại học, những quảng trường và bệnh viện mà những sự loan báo đẹp nhất chúng ta có thể nghe thấy được thực hiện: “Mừng vui lên, Đức Chúa ở cùng bà!” Đó là một niềm hân hoan làm trổ sinh sự sống, làm trổ sinh hy vọng, biến thành hiện thực theo cách chúng ta nhìn vào ngày mai, trong thái độ mà chúng ta nhìn vào tha nhân. Đó là một niềm hân hoan biến thành tình hiệp nhất, lòng hiếu khách, và lòng thương xót cho tất cả mọi người.
Cũng như Mẹ Maria, chúng ta cũng có thể bị bối rối. “Làm sao điều đó có thể xảy ra” trong những lúc có quá nhiều điều phải suy xét? Phải có suy xét về cuộc sống, về công việc, về gia đình. Có sự suy xét về người nghèo và người di cư; có sự suy xét về giới trẻ và tương lai của họ. Tất cả dường như bị biến thành những con số, về mặt khác lại quên rằng cuộc sống mỗi ngày của quá nhiều gia đình bị cảnh báo bởi sự mong manh và bất an. Trong khi có quá nhiều tiếng thống khổ đang gõ cửa, trong khi có quá nhiều người trẻ trở nên bất mãn vì thiếu những cơ hội thực sự, những suy xét bủa vây khắp nơi.
Nhịp điệu quay cuồng mà chúng ta bị buộc phải chịu đựng dường như chắc chắn cướp mất của chúng ta sự hy vọng và niềm vui. Những áp lực và sự bất lực trên khuôn mặt của quá nhiều hoàn cảnh dường như làm khô héo tâm trí và làm cho chúng ta trở nên vô tình trước vô vàn những thách đố. Và thật ngược đời, trong khi mọi thứ được thúc bách để xây dựng – về lý thuyết – một xã hội tốt hơn, cuối cùng lại không còn một chút thời gian cho bất kỳ điều gì hay cho ai. Chúng ta không còn thời gian cho gia đình, thời gian cho cộng đoàn, chúng ta không còn thời gian cho tình bạn, cho sự hiệp nhất và cho sự ghi nhớ.
Thật tốt nếu chúng ta tự vấn mình: Bằng cách nào để sống niềm vui Tin mừng hôm nay trong thành phố của chúng ta? Liệu niềm hy vọng Ki-tô hữu có thể có trong hoàn cảnh này, ở đây và bây giờ?
Hai câu hỏi này đụng chạm đến giá trị của chúng ta, cuộc sống của gia đình chúng ta, của đất nước chúng ta của thành phố chúng ta. Chúng đụng chạm đến cuộc sống của con cái chúng ta, của những lớp người trẻ của chúng ta và chúng đòi hỏi về phần của chúng ta một con đường mới để định vị bản thân mình trong lịch sử. Nếu niềm vui và sự hy vọng của người Ki-tô hữu tiếp tục còn tồn tại, chúng ta không thể, chúng ta không muốn đứng im trước quá nhiều hoàn cảnh đau thương như những khán giả đứng nhìn bầu trời hy vọng rằng “trời sẽ tạnh mưa.” Tất cả những gì đang diễn ra đòi hỏi chúng ta phải dám nhìn vào hiện tại với lòng dũng cảm, với lòng dũng cảm của một người biết rằng niềm vui ơn cứu độ định hình trong cuộc sống hàng ngày của một cô gái làng Na-za-rét.
Trước sự bối rối của Mẹ Maria, trước sự bối rối của chúng ta, có ba chìa khóa mà Thiên Thần cung cấp cho chúng ta giúp chúng ta dám chấp nhận sứ mạng được trao phó cho chúng ta.
  1. Gợi lên ký ức. Việc đầu tiên Thiên Thần làm là gợi lên ký ức, từ đó mở ra hiện tại của Mẹ Maria trước toàn bộ lịch sử của Ơn Cứu độ. Người gợi lại lời hứa đã làm với Đa-vít như là hoa trái của Giao Ước với Gia-cóp. Maria là người con của Giao Ước. Ngày nay chúng ta cũng được mời gọi để nhìn lại quá khứ của mình để không quên chúng ta từ đâu đến, để không quên những vị tiền nhân của chúng ta, cha ông của chúng ta và tất cả những gì họ đã trải qua để hôm nay chúng ta đến được nơi mình đang ở. Vùng đất này và dân tộc của nó đã biết sự đau thương của hai cuộc đại chiến thế giới và có khi đã nhìn thấy danh tiếng xứng đáng của họ về nền công nghiệp và văn minh bị làm ô nhiễm bởi những tham vọng vượt ngoài tầm kiểm soát. Ký ức giúp chúng ta không ở lại trạng thái những tù nhân của bài diễn văn gieo rắc các rạn nứt và chia rẽ xem chúng như những cứu cánh duy nhất để giải quyết xung đột. Gợi lên ký ức là một liều thuốc giải tốt nhất cho việc trừ khử của chúng ta trước những giải pháp ma mị của sự chia rẽ và bất hòa.
  2. Thuộc về Dân Thiên Chúa. Ký ức làm cho Mẹ Maria ý thức việc Mẹ thuộc về Dân Thiên Chúa. Thật tốt cho chúng ta khi nhớ rằng chúng ta là những thành viên của Dân tộc của Thiên Chúa! Người Milan, đúng, thuộc cộng đoàn Ambrosio, chắc chắn rồi, nhưng là một phần của Dân Thiên Chúa vĩ đại – một dân tộc tập hợp hàng ngàn khuôn mặt, lịch sử, nguồn gốc, một dân tộc đa văn hóa, đa sắc tộc. Đây là một trong những sự phong phú của chúng ta. Đó là một dân tộc được kêu gọi để chào đón những sự khác biệt, để hội nhập họ trong sự tôn trọng và sáng tạo và để đón mừng tính mới lạ đến từ những anh em khác; đó là một dân tộc không e sợ ôm ấp lấy những ranh giới và những đường biên; đó là một dân tộc không e sợ cho đi lòng hiếu khách đối với những người thiếu thốn vì dân tộc đó biết rằng Chúa của họ đang hiện diện nơi đó.
  3. Sự có thể của điều không thể. “Không có gì là không thể làm được đối với Thiên Chúa” (Lc 1:37): đó là phần kết của câu trả lời của Thiên Thần cho Mẹ Maria. Khi chúng ta tin rằng mọi việc tùy thuộc vào khả năng, tùy thuộc vào sức mạnh của chúng ta, vào những chân trời thiển cận của chúng ta, nhưng thay vì vậy, chúng ta hãy sẵn sàng để cho bản thân mình được trợ giúp, để cho bản thân chúng ta được chỉ bảo, khi chúng ta mở lòng ra cho ơn sủng, dường như những điều không thể bắt đầu trở nên có thể. Những vùng đất này biết rất rõ điều đó, theo dòng lịch sử của họ, đã trổ sinh rất nhiều ân tứ, rất nhiều nhà thừa sai, quá nhiều sự phong phú cho đời sống của Giáo hội! Qua nhiều thời gian, vượt qua chủ nghĩa yếm thế khô cằn và chia rẽ, họ đã mở lòng ra trước sáng kiến của Thiên Chúa và trở thành những những dấu chỉ cho thấy một vùng đất có thể trổ sinh hoa trái như thế nào nếu nó không khóa chặt mình vào với những ý tưởng của riêng nó, trong những giới hạn và trong những khả của nó để mở ra cho mọi người.
Hôm qua, Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những trợ thủ đắc lực, Người tiếp tục tìm kiếm những người đàn ông và phụ nữ có khả năng tin tưởng, có khả năng ghi nhớ, có cảm nhận là một phần của Dân Người để cộng tác với sự sáng tạo của Thánh Thần. Thiên Chúa tiếp tục bước đi trong những vùng ngoại ô và đường phố của chúng ta. Ngài dấn thân vào mọi nơi để tìm kiếm những tâm hồn có khả năng lắng nghe lời mời gọi của Ngài và biến nó thành cụ thể ở đây và ngay bây giờ. Diễn giải lời của Thánh Ăm-brô-xi-ô theo đoạn này, chúng ta có thể nói: Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những tâm hồn như tâm hồn của Mẹ Maria, sẵn sàng tin tưởng thậm chí trong những hoàn cảnh quá đỗi phi thường (x. Esposizione del Vangelo sec. Luca II: 17: PL 15, 1559). Nguyện xin Thiên Chúa làm cho niềm tin và sự hy vọng này được phát triển trong chúng con.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Lúc 5 giờ chiều, cuối Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đến Sân Vận động Meazza-San Siro để gặp gỡ những thanh thiếu niên vừa nhận lãnh bí tích Thêm sức.
***
Chúng ta có thể xem tại đây, qua kênh Vatican YouTube:

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/03/2017]