Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Phỏng vấn: “Ước mong Đức Thánh Cha Phanxico sẽ cổ vũ lấy Đức Romero như là mẫu gương lãnh đạo mục tử cho toàn Giáo hội”

Phỏng vấn: “Ước mong Đức Thánh Cha Phanxico sẽ cổ vũ lấy Đức Romero như là mẫu gương lãnh đạo mục tử cho toàn Giáo hội”
Vatican Media Photo

Phỏng vấn: “Ước mong Đức Thánh Cha Phanxico sẽ cổ vũ lấy Đức Romero như là mẫu gương lãnh đạo mục tử cho toàn Giáo hội”

Hướng đến Lễ Tuyên phong thánh cho Chân phước Oscar Romero, & dự đoán về chuyến đi của Đức Thánh Cha đến El Salvador vào tháng Một

11 tháng Mười, 2018 17:55

“Không thể nào tách rời sự thù ghét đức tin ra khỏi bối cảnh chính trị nơi vị tử đạo này đã hy sinh,” chuyên gia về Đức Oscar Romero nói, Cha Robert Pelton, C.S.C, thuộc Đại học Notre Dame, ngài đến Roma (ở tuổi 96!) để tham dự Lễ Tuyên phong Thánh cho Chân phước và các hoạt động liên quan. Ngài cùng đi với phái đoàn Salvadoran.

Cha Pelton là tác giả của một số sách về Đức Giám mục Romero và là nhà sản xuất bộ phim tài liệu đạt giải Monseñor: The Last Journey of Oscar Romero (Hành trình cuối cùng của Đức Romero. Ngoài đời sống và di sản của Đức Giám mục Romero, cha là chuyên gia về thần học giải phóng và phúc tử đạo ở Mỹ Latinh.

Chúa nhật ngày 14 tháng Mười, 2018, trong quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ tuyên phong các thánh gồm có một trong các đấng tiền nhiệm của ngài là Chân phước Gioan Phaolo VI, và Chân phước Tử đạo Oscar Romero (1917-1980), Tổng Giám mục của San Salvador. Khi ngài lên tiếng chống lại sự nghèo khổ, bất công xã hội, những vụ ám sát, và tra tấn, Đức Tổng Giám mục Romero bị sát hại khi đang dâng Lễ trong nhà nguyện của Nhà thương Chúa Quan phòng. Mặc dù chưa một ai bị kết án phạm tội ác này, nhưng có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Roberto D’Aubuisson, chính trị gia phe cực hữu và là người lãnh đạo đội quân tử thần đã hạ lệnh, trong cuộc nội chiến ở El Salvador.

Vào Chúa nhật, như sắc chỉ trong mật nghị thông thường ngày 19 tháng Năm cho biết, các Chân phước Oscar Romero và Đức Giáo hoàng Phaolo VI sẽ được tuyên phong thánh cùng với các Chân phước Maria Caterina Kasper, nữ tu người Đức và là người sáng lập Tu hội Tiểu muội Nghèo khó của Chúa Giê-su Ki-tô; Nazaria Ignazia Thánh Teresa Giê-su, người sáng lập Dòng Nữ tu Misioneras Cruzadas de la Iglesia; Francesco Spinelli, linh mục giáo phận và là người sáng lập Tu hội Tôn kính Mình Thánh; và Vincenzo Romano, linh mục giáo phận của Ý.

Trong một cuộc họp báo tối nay trong Văn phòng Báo chí Tòa thánh về việc tuyên phong thánh, Đức Hồng y Rosa Chavez khẳng định rằng Đức thánh Cha Phanxico đã bày tỏ ý định đến thăm El Salvador. Đức Tổng Giám mục San Salvador khẳng định với giới báo chí có mặt rằng đến thứ Hai các giám mục Salvador sẽ xin ý kiến Đức Thánh Cha Phanxico liệu ngài có chắc chắn đến thăm El Salvador hay không. Có dự đoán cho biết Đức Thánh Cha sẽ đến thăm đất nước thuộc Châu Mỹ Latinh này khi ngài đến Panama nhân dịp Ngày Giới trẻ Thế giới 2019.

Đức Hồng y Giovanni Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh của Vatican, cho biết Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict không thể đến tham dự Lễ Phong Thánh vào Chúa nhật này, vì “ngài không được nhanh nhẹn như vài tháng trước đây.”

Cha Pelton nói với Zenit trong phỏng vấn, “Ở El Salvador, vẫn có những vết thương sâu hoắm tồn tại trong đất nước đau khổ đó. Tôi cầu nguyện rằng qua sự tuyên phong thánh cho Đức Romero và Phaolo VI lần này sẽ bắt đầu tiến trình chữa lành cần thiết.”

Dưới đây là phỏng vấn Cha Pelton của ZENIT về thánh nhân sắp được tuyên phong Oscar Romero:


***


Giáo hội đã tuyên phong Chân phước – và thậm chí rất thường tuyên phong thánh – cho không biết bao nhiêu vị tử đạo, không chỉ những vị sống trong quá khứ xa xôi, nhưng cả những vị trong các khoảng thời gian gần đây. Nhiều vị là tử đạo của chủ nghĩa quốc xã, của chủ nghĩa cộng sản, có một số vị tử đạo trong thời điểm của Đức Romero (thập niên 1970 của thế kỷ 20) và của vùng địa lý thuộc Châu Mỹ Latinh. Tại sao?

Giáo hội Công giáo Mỹ Latinh chỉ gần đây mới nổi bật lên trong Giáo hội Công giáo toàn cầu, và đó là tính từ thời gian của Hội nghị Medellin (1968). Lúc đó, Giáo hội Mỹ Latinh nhìn thấy mình trong bối cảnh của hiến chế tín lý Lumen Gentium, “Giáo hội trong thế giới hiện đại” (Lumen Gentium) và đây là một sự dịch chuyển quan trọng cho Giáo hội.

Đức Tổng Giám mục Romero là ai? Cha có thể mô tả sơ qua về ngài cho những người không biết ngài?

Ngài là một linh mục xứ rất đơn sơ khi Giáo hội Mỹ Latinh bắt đầu hiểu được vị trí của mình trong Giáo hội Công giáo rộng lớn, dưới ánh sáng những giáo huấn của Công đồng Vatican II. Ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi kiến thức thần học ngài được đào tạo ở Roma. Ngài nắm bắt được ý nghĩa công cuộc tân phúc âm hóa của Đức Giáo hoàng Phaolo VI. Trên quan điểm mục vụ, ngài rất xúc động trước mẫu gương mục vụ của bạn ngài là Cha Rutilio Grande (một linh mục Dòng Tên của El Salvador, bị sát hại năm 1977, linh mục đầu tiên bị ám sát trước khi nổ ra nội chiến. Cái chết của ngài làm thay đổi thái độ của Đức Tổng Giám mục Romero đối với chính phủ của Salvador, NDR).

Nói về phúc tử đạo, luật của Giáo hội đòi hỏi rằng người tử đạo chịu chết ‘in odium fidei’, (‘vì sự thù hận đức tin’) đối với đức tin Ki-tô giáo được tuyên xưng bởi chính người chịu tử đạo. Đây có phải là trường hợp của ngài Romero?

Đúng là như vậy. Tuy nhiên, không thể nào tách rời sự thù ghét đức tin ra khỏi bối cảnh chính trị nơi vị tử đạo này đã hy sinh. Đức Gioan Phaolo II đã mở rộng cách hiểu này khi năm 2000 ngài đã thêm tên của Đức Oscar Romero vào sổ các thánh tử đạo. (Việc này diễn ra trước khi vụ án chính thức của ngài Romero được trình lên.)

Án phong Chân phước và sau đó là tuyên phong Thánh của ngài Romero có một tiến trình dài và phức tạp. Lịch sử ‘phúc tử đạo’ của ngài thường được đọc và giải thích dưới các phạm trù thuộc hệ tư tưởng và chính trị, điều đã gây ra những tranh cãi và sự chống đối. Nhưng có phải ngài Romero thật sự là một giám mục và cũng là một chính trị gia?

Ngài Romero là một giám mục và là người tử đạo, người cuối cùng đã hiểu được thực tại của ngài nhờ sự trợ giúp của Đức Phaolo VI và Cha Rutilio Grande. Chân phước Romero trong những thư từ liên lạc với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nói rằng ngài kiên trì chịu đựng vì sự kiên cường trong mục vụ của ngài.

Có cảm giác rằng chính Đức Thánh Cha Phanxico, sau một thời gian dài, đã mang đến sự toại nguyện cho bước ngoặt quyết định trong án tuyên phong chân phước và sau đó là phong thánh … Có phải như vậy không?

Đúng, tôi đồng ý vì Đức Thánh Cha Phanxico và ngài San Romero đã trải qua những sự thay đổi tương tự nhau. Tôi có thể nói rằng Đức Thánh Cha Phanxico đã “khai thông” toàn bộ tiến trình.

Đức Thánh Cha Phanxico cũng đến từ Châu Mỹ Latinh … Có mối liên hệ nào giữa vấn đề này và việc tuyên phong thánh cho ngài Romero không?

Tôi tin là có một sự liên hệ; cả hai vị đã trải qua một sự biến đổi tâm hồn giữa một Giáo hội mới.

Những giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh rất nhiều vào các vấn đề thuộc Giáo huấn Xã hội của Giáo hội chẳng hạn sự nghèo đói, sự phát triển, nạn tham nhũng, sự phân chia công bằng những của cải. Việc phong thánh này có chứa một thông điệp theo ý nghĩa này không?

Tôi hy vọng là có. Ước mong rằng Đức Thánh Cha Phanxico cổ vũ lấy ngài Romero như là mẫu gương lãnh đạo mục tử cho toàn Giáo hội.

Cuộc nội chiến ở San Salvador đã tạo ra những sự chia rẽ sâu sắc trong Giáo hội và xã hội Salvador. Liệu việc phong thánh này có nguy cơ sẽ tái mở một vài vết thương cũ?

Có những vết thương sâu hoắm vẫn tồn tại trong đất nước đau khổ đó. Tôi cầu nguyện rằng qua sự tuyên phong thánh cho Đức Romero và Phaolo VI lần này sẽ bắt đầu tiến trình chữa lành cần thiết. Ước mong các vị tử đạo trên khắp thế giới kêu gọi chúng ta có những thay đổi sâu sắc trong tâm hồn và hoạt động mục vụ.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/10/2018]


Thượng Hội đồng: thế giới số, sự sợ hãi, sự cô đơn và Triều Tiên

Thượng Hội đồng: thế giới số, sự sợ hãi, sự cô đơn và Triều Tiên
Thông cáo báo chí thường ngày của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ

Thượng Hội đồng: thế giới số, sự sợ hãi, sự cô đơn và Triều Tiên

Ba vấn đề nổi bật trong thông cáo báo chí thường ngày của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ: thế giới số, sự sợ hãi, sự cô đơn và Bán đảo Triều Tiên.

Russell Pollitt, SJ

Tiến sĩ Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông của Vatican, nói rằng những thảo luận trong đại hội của Thượng Hội đồng tiếp tục trong một bầu khí nhẹ nhàng và vui tươi với nhiều sự tương tác phấn khởi giữa các giám mục và các bạn trẻ. Ông cho biết có những nhấn mạnh đến thực tế rằng bác ái không thể chỉ rao giảng bằng lời nhưng phải được nhìn thấy bằng hành động. Ông nói với các ký giả về một bạn trẻ nói với các Nghị Phụ rằng hàng ngàn người trẻ đang hướng nhìn về các ngài mong chờ một điều gì đó cụ thể từ Thượng Hội đồng, họ tin rằng các Nghị Phụ sẽ đáp ứng được những hy vọng của họ. Tiến sĩ Ruffini cũng nói rằng một bài tham luận về tính thế tục thúc giục các giám mục hãy nhìn đến vấn đề này không chỉ là một phong trào xấu nhưng như là một phong trào giúp giải phóng tôn giáo thoát khỏi mối liên hệ với những bản sắc riêng của dân tộc. Nó thách đố Giáo hội bước đến một đức tin trưởng thành hơn.

Thế giới số

Tiến sĩ Ruffini nói tuy rằng thế giới số là một sự phát triển vĩ đại và giúp sự trao đổi thông tin tiện lợi vì nó cũng không có biên giới. Mối nguy hiểm của việc lợi dụng để thao túng và một văn hóa bạo lực hiện lên rất thật trong những hình ảnh và các bài viết. Giáo hội phải trợ giúp để dẫn đưa nhân loại trở lại với thế giới số.

Đức Tổng Giám mục Bruno Forte đến từ Ý nói rằng đại hội Thượng Hội đồng công nhận có nhiều người trẻ bị cô đơn, không gắn kết vào thực tại của những mối quan hệ, nhưng lại đi tìm kiếm trên mạng. Đại hội Thượng Hội đồng cân nhắc về cách thức để Giáo hội tiến đến với những người trẻ bị cô đơn trong bóng tối trước những màn hình máy tính, điều mà ngài nói rằng nó đe dọa nuốt chửng họ.

Sự sợ hãi và cô đơn

Đức Tổng Giám mục Forte phác họa lên hai mẫu người trẻ mà ngài thấy nổi bật lên qua những buổi thảo luận. Thứ nhất là những người trẻ đầy tràn hy vọng và ước mơ cho tương lai, đặc biệt là những người thoát ra khỏi những hoàn cảnh chính trị và kinh tế. Thứ hai là những người trẻ ở Phương Tây, là những người theo ngài cho biết là rất e sợ và cô đơn. Ngài nói rằng điều này sinh ra từ thế giới số nhưng cũng vì lý do không có sự kết nối với quá khứ của họ và với những thế hệ người lớn tuổi. Sự kết nối liên thế hệ bị cắt đứt làm mất đi ký ức và do đó người trẻ mất đi cội nguồn.

Một dự thính viên từ Ấn độ, anh Percival Holt, cho biết rằng ngay cả trong Thượng hội đồng thì một số giám mục phải vất vả lắm mới hiểu được người trẻ do khoảng cách thế hệ. Anh nói rằng các ngài cố gắng làm như vậy và việc tiếp tục đối thoại là rất quan trọng. Giáo hội và người trẻ phải kiên trì đồng hành với nhau, anh cho biết thêm.

Đức Giám mục Lazzaro You Heung-sik từ Nam Hàn cho biết rằng ngài cũng gặp một số người trẻ rất e sợ. Họ e sợ trước những hy sinh và những ảnh hưởng đến lối sống của họ nếu có sự thống nhất giữa Bắc và Nam Hàn. Ngài cho biết ngài tin rằng đây không phải là số đông người trẻ và rất nhiều người nhìn thấy những ích lợi của một tiến trình như vậy.

Triều Tiên

Nói về tình hình ở Triều Tiên, Đức Giám mục Heung-sik nói rằng cho đến cuối năm ngoái thì nhiều người tin sẽ có một cuộc chiến nổ ra giữa Bắc và Nam Hàn. Việc đó nay đã thay đổi. Ngài nghĩ đó là nhờ Thế vận hội Olympic và nói rằng sự kiện đã giúp thiết lập một mối quan hệ giữa hai nước. Ngài nói ngài tin Bắc Hàn sẵn sàng bắt đầu việc mở cửa. Ngài nói nhà lãnh đạo Nam Hàn, ông Moon Jae-in, cho biết ông đã nói với đối tác Bắc Hàn, là ông Kim Jong-un, rằng cách tốt nhất cho đất nước quay trở lại với cộng đồng quốc tế là mời Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm. Nếu Đức Thánh Cha đến thăm thì đây sẽ là một bước nhảy lớn tiến đến hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Đức Giám mục lưu ý rằng còn rất nhiều công việc phải làm và sẽ cần phải có những thay đổi - ngài đặc biệt đề cập đến việc Bắc Hàn phải bảo đảm sự tự do tôn giáo. Ngài nói rằng qua việc lắng nghe và thu thập ý kiến, đặc biệt những ý kiến của các bạn trẻ, Giáo hội có thể hỗ trợ để mọi việc được tiến triển và khi làm như vậy sẽ tạo ra một không khí hợp tác.



[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/10/2018]