Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

2 hình ảnh để suy gẫm về Chúa Giêsu: Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Đức Thánh Cha (toàn văn)

2 hình ảnh để suy gẫm về Chúa Giêsu: Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Đức Thánh Cha (toàn văn)

2 hình ảnh để suy gẫm về Chúa Giêsu: Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Đức Thánh Cha (toàn văn)

VINCENZO PINTO | AFP

Kathleen N. Hattrup

21/11/21


“Thiên Chúa cũng đến trong đêm tối, giữa những đám mây đen thường phủ trên cuộc đời chúng ta.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ Chúa Kitô Vua trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ngày 21 tháng Mười Một.

Sau đây là bản dịch (ND: tiếng Anh) bài giảng của Vatican, trong đó ngài lưu ý rằng Ngày Giới trẻ Thế giới cấp địa phương thường niên được tổ chức hàng năm vào Chúa nhật này.

*****

Hai hình ảnh từ Lời Chúa mà chúng ta đã nghe, có thể giúp chúng ta đến gần với Chúa Giêsu Vua Vũ trụ. Hình ảnh thứ nhất được lấy từ sách Khải Huyền và được báo trước bởi tiên tri Đanien trong bài đọc một, được mô tả bằng những lời, “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây” (Kh 1:7; Đn 7:13). Hàm ý nói đến cuộc tái lâm vinh quang của Chúa Giêsu là Chúa vào thời chung cuộc của lịch sử. Hình ảnh thứ hai là từ Tin Mừng: Chúa Kitô đứng trước mặt Philatô và nói với ông ta: “Tôi là vua” (Ga 18:37). Các con giới trẻ thân yêu, thật đẹp khi dừng lại và suy tư về hai hình ảnh này của Chúa Giêsu, khi chúng ta bắt đầu hành trình hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon.

Và chúng ta hãy suy gẫm về hình ảnh đầu tiên: Chúa Giêsu, Đấng sẽ đến giữa những đám mây. Hình ảnh gợi lên việc Đức Kitô đến trong vinh quang vào cuối thời gian; làm cho chúng ta nhận ra rằng lời cuối cùng của cuộc đời chúng ta sẽ thuộc về Chúa Giêsu, không thuộc về chúng ta. Vì thế Kinh thánh cho chúng ta biết, Ngài là Đấng “ngự giá đằng vân” (Tv 68:5), Đấng có quyền năng trên các tầng trời (xem sđd, câu 34). Ngài là Chúa, là mặt trời tỏa sáng từ trên cao và không bao giờ lặn, Đấng trường tồn khi mọi thứ khác qua đi, là niềm hy vọng vững chắc và vĩnh cửu của chúng ta. Ngài là Chúa. Lời tiên tri hy vọng này soi sáng những đêm đen của chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực sự đang đến, rằng Người hiện diện và đang hoạt động, hướng dẫn lịch sử của chúng ta về phía Người, hướng tới mọi điều thiện hảo. Người đến “giữa các đám mây” để làm chúng ta an lòng, như muốn nói: “Ta sẽ không bỏ anh em một mình khi giông tố ập đến cuộc đời anh em. Ta luôn ở bên anh em. Ta đến để mang lại bầu trời tươi sáng”.

Mặt khác, tiên tri Đanien nói với chúng ta rằng ông đã nhìn thấy Chúa đến giữa những đám mây khi ông “thấy những thị kiến ban đêm” (Đn 7:13). Những thị kiến ban đêm: Chúa cũng đến trong đêm, giữa những đám mây đen thường phủ trên cuộc đời chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết những khoảnh khắc như vậy. Chúng ta cần có khả năng nhận ra Người, nhìn vượt xa hơn màn đêm, ngước mắt lên để có thể nhìn thấy Người giữa bóng tối âm u.

Các con giới trẻ thân yêu, ước mong các con cũng “thấy những thị kiến ban đêm!” Điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là hãy giữ cho đôi mắt của các con vẫn sáng ngay cả trong bóng tối. Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm ánh sáng giữa bất kỳ bóng tối nào mà chúng ta thường mang trong lòng hoặc nhìn thấy xung quanh mình. Từ mặt đất hãy ngước mắt lên trời, không phải để trốn chạy nhưng để chống lại cám dỗ để mình bị giam cầm bởi nỗi sợ hãi, vì luôn có nguy cơ rằng sự sợ hãi sẽ thống trị chúng ta. Đừng khóa chặt vào bản thân và những kêu ca phàn nàn của chúng ta. Hãy ngước mắt nhìn lên! Hãy đứng dậy! Đây là lời khích lệ mà Chúa nói với chúng ta, lời mời gọi chúng ta hãy ngước mắt trông lên, hãy đứng dậy, và cha muốn lặp lại lời này trong Sứ điệp của cha gửi đến các con cho năm đồng hành cùng nhau này.

Các con đã được trao cho một nhiệm vụ thú vị nhưng cũng đầy thách thức: đứng vững trong khi mọi thứ xung quanh chúng ta dường như đang sụp đổ; trở thành những người lính canh để nhìn thấy ánh sáng trong các thị kiến ban đêm; trở thành những người xây dựng giữa nhiều đống đổ nát của thế giới hôm nay; có khả năng mơ ước. Điều này rất quan trọng: một người trẻ không có khả năng mơ ước thì đáng buồn là đã trở nên già trước tuổi! Có khả năng mơ ước, vì đây là điều những người ước mơ làm: họ không ở trong bóng tối, nhưng thắp sáng một ngọn nến, một ngọn lửa hy vọng báo trước bình minh sắp đến. Hãy ước mơ, hãy nhanh chóng và dũng cảm nhìn về tương lai.

2 hình ảnh để suy gẫm về Chúa Giêsu: Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Đức Thánh Cha (toàn văn)

Cha muốn nói với các con một điều: chúng ta, tất cả chúng ta, đều biết ơn khi các con mơ ước. “Nhưng thật vậy sao? Khi người trẻ ước mơ, đôi khi họ làm huyên náo…”. Cứ gây tiếng ồn đi, vì tiếng ồn của các con là kết quả của những giấc mơ của các con. Khi các con lấy Chúa Giêsu làm ước mơ cho cuộc đời mình, và các con đón nhận Chúa Giêsu với niềm vui và sự nhiệt tình dễ lan tỏa, điều đó có nghĩa là các con không muốn sống trong đêm tối. Điều này tốt cho chúng ta! Cảm ơn các con vì tất cả những lúc các con dũng cảm làm việc để biến ước mơ của mình thành hiện thực, khi các con luôn luôn tin tưởng vào ánh sáng ngay cả trong những thời khắc tăm tối, khi các con nhiệt thành cam kết làm cho thế giới của chúng ta tươi đẹp và nhân văn hơn.

Cảm ơn vì tất cả những thời gian khi các con vun đắp ước mơ về tình huynh đệ, làm việc để chữa lành những vết thương cho tạo vật của Chúa, chiến đấu để bảo đảm sự tôn trọng phẩm giá của những người dễ bị tổn thương, và lan tỏa tinh thần liên đới và chia sẻ. Trên hết, cảm ơn các con vì trong một thế giới chỉ nghĩ đến việc thu vén hiện tại, có xu hướng bóp nghẹt những lý tưởng vĩ đại, các con đã không đánh mất khả năng ước mơ trong thế giới này! Đừng sống cuộc sống của mình cách uể oải hoặc ngủ mê. Nhưng ngược lại, hãy ước mơ và sống. Điều này cũng giúp ích cho người lớn và cho Giáo hội. Trong cương vị Giáo hội cũng vậy, chúng ta cần phải ước mơ, chúng ta cần nhiệt huyết tuổi trẻ để trở thành những chứng nhân của Thiên Chúa là Đấng luôn trẻ trung!

Cha nói cho các con biết một điều khác: nhiều ước mơ của các con cũng giống như những giấc mơ của Tin Mừng. Tình huynh đệ, tình liên đới, công lý, hòa bình: đây là những ước mơ của chính Chúa Giêsu cho nhân loại. Đừng sợ gặp gỡ Chúa Giêsu: Ngài yêu những mơ ước của các con và giúp các con biến chúng thành hiện thực. Đức Hồng y Martini thường nói rằng Giáo hội và xã hội cần “những người mơ ước luôn mở lòng đón nhận những điều bất ngờ của Chúa Thánh Thần” (Conversazioni notturne a Gerusalemme, Sul rischio della fede, t. 61). Những người ước mơ luôn mở lòng đón nhận những điều bất ngờ của Chúa Thánh Thần. Thật là đẹp! Cha hy vọng và cha cầu nguyện rằng các con sẽ là một trong những người mơ ước này!

Bây giờ chúng ta đến với hình ảnh thứ hai, Chúa Giêsu nói với Philatô: “Tôi là vua.” Chúng ta được đánh động bởi sự xác quyết của Chúa Giêsu, sự can đảm của Ngài, sự tự do tối thượng của ngài. Chúa Giêsu bị bắt, bị dẫn đến pháp quan, bị thẩm vấn bởi những người có quyền kết án tử hình Ngài. Trong một tình huống như vậy, Ngài có quyền để tự bảo vệ mình, và thậm chí “dàn xếp” bằng cách đi đến một thỏa hiệp. Nhưng ngược lại, Chúa Giêsu không che giấu thân phận, không che giấu ý định của Ngài, hoặc lợi dụng kẽ hở mà chính Philatô đã để lại cho Ngài. Với lòng can đảm sinh ra từ sự thật, Ngài trả lời: “Tôi là vua.” Ngài nhận trách nhiệm về cuộc sống của Ngài: Tôi có một sứ mệnh và tôi sẽ đi tới cùng để làm chứng cho Vương quốc của Cha tôi. Ngài nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37). Đây là Chúa Giêsu, Đấng đã đến không có sự hai mặt, để công bố bằng chính đời sống của Ngài rằng Vương quốc của Ngài khác với các vương quốc của thế gian; rằng Thiên Chúa không cai trị để gia tăng quyền lực của mình và để đè bẹp người khác; Người không cai trị bằng vũ lực. Vương quốc của Ngài là Vương quốc của tình yêu: “Tôi là vua,” nhưng là vua của Vương quốc tình yêu; “Tôi là vua” của Vương quốc của những người hiến mạng sống vì ơn cứu độ của người khác.

Các bạn trẻ thân mến, sự tự do của Chúa Giêsu cuốn hút chúng ta. Chúng ta hãy cho phép nó vang lên trong chúng ta, thử thách chúng ta, đánh thức trong chúng ta lòng can đảm sinh ra từ sự thật. Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: Nếu tôi ở vị trí của Philatô, nhìn vào mắt Chúa Giêsu, tôi sẽ xấu hổ về điều gì? Đối diện với sự thật của Chúa Giêsu, sự thật đó chính là Chúa Giêsu, những cách tôi lừa dối hoặc ngụy tạo, những cách tôi làm phật lòng Ngài là gì? Mỗi người chúng ta sẽ tìm thấy những cách đó. Hãy tìm kiếm chúng, hãy tìm ra chúng. Tất cả chúng ta đều có những sự hai mặt này, những thỏa hiệp này, “những sự dàn xếp” này để thập giá sẽ biến mất. Thật tốt lành khi đứng trước Chúa Giêsu, Đấng là sự thật, để được giải thoát khỏi những ảo tưởng của mình. Thật tốt lành khi thờ phượng Chúa Giêsu, và kết quả là được tự do trong lòng, nhìn cuộc sống như đúng bản chất của nó, và không bị lừa dối bởi những thời trang hiện tại và những phô trương của chủ nghĩa tiêu dùng làm lóa mắt nhưng cũng làm u mê. Các con thân yêu, chúng ta không ở đây để bị mê hoặc bởi những thanh âm quyến rũ của thế gian, mà để nắm lấy cuộc sống của mình, để “cháy hết mình”, để sống trọn vẹn!

Bằng cách này, với sự tự do của Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy sự can đảm chúng ta cần để bơi ngược dòng. Cha muốn nhấn mạnh điều này: bơi ngược dòng, có dũng khí để bơi ngược dòng. Không phải là cám dỗ thường ngày để chống lại người khác, giống như những người muôn đời xem mình là nạn nhân và những người theo thuyết âm mưu, họ luôn đổ lỗi cho người khác; nhưng thay vào đó là chống lại dòng chảy bệnh hoạn của tính ích kỷ, tư duy khép kín và cứng nhắc của chúng ta, thường chỉ tìm kiếm những nhóm cùng chí hướng để tồn tại. Không phải điều này, mà là bơi ngược dòng nước để trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Vì Ngài dạy chúng ta chỉ dùng sức mạnh nhẹ nhàng và khiêm nhường của điều thiện để đối lại sự dữ. Không có lối tắt, không lừa dối, không hai mặt.

2 hình ảnh để suy gẫm về Chúa Giêsu: Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua của Đức Thánh Cha (toàn văn)

Thế giới của chúng ta, bị thương tổn bởi quá nhiều sự dữ, không cần thêm bất kỳ thỏa hiệp nhập nhằng nào nữa, những con người di chuyển bên này bên nọ như thủy triều – gió thổi họ tới đâu thì họ tới đó, lợi ích cá nhân đưa họ tới đâu thì họ tới đó – hoặc ngả nghiêng sang phải hoặc trái, tùy thuộc vào những gì thuận tiện nhất, những con người “nhập nhằng.” Một người Kitô hữu như thế có thể giống “người làm xiếc trên dây” hơn là một người Kitô hữu. Những người luôn giữ thái độ thỏa hiệp nước đôi tìm mọi cách để tránh làm bẩn tay mình, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, để không phải quá nghiêm túc với cuộc sống. Xin các con đừng là những người trẻ như thế. Thay vào đó, hãy trở nên tự do và trung thực, hãy là lương tâm phê bình của xã hội. Đừng ngại phê bình! Chúng ta cần sự phê bình của các con. Chẳng hạn, nhiều người trong các con phê bình về sự ô nhiễm môi trường. Chúng ta cần điều này! Hãy tự do khi phê bình. Hãy say mê sự thật, để với những ước mơ của mình, các con có thể nói: “Đời tôi không bị trói buộc bởi nếp nghĩ của thế gian: Tôi tự do, bởi vì tôi được trị vì với Chúa Giêsu cho công lý, tình yêu và hòa bình!”

Các con thân mến, cha hy vọng và cầu nguyện rằng mỗi người trong các con có thể vui mừng nói: “Với Chúa Giêsu, tôi cũng là một vị vua.” Tôi cũng trị vì: như một dấu chỉ sống động cho tình yêu của Thiên Chúa, cho lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của Người. Tôi là một người ước mơ, bị lóa mắt bởi ánh sáng của Tin Mừng, và tôi nhìn ngắm với niềm hy vọng trong những thị kiến ban đêm. Và bất cứ khi nào tôi vấp ngã, tôi lại khám phá ra nơi Chúa Giêsu lòng can đảm để tiếp tục chiến đấu và hy vọng, lòng can đảm để tiếp tục ước mơ. Ở mọi giai đoạn trong cuộc đời.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/11/2021]


Kỹ thuật tô màu phim: phục hồi tuyệt vời những thước phim năm 1896 của Đức Giáo hoàng Leo XIII

Kỹ thuật tô màu phim: phục hồi tuyệt vời những thước phim năm 1896 của Đức Giáo hoàng Leo XIII

Zelda Caldwell  20/11/21

Zelda Caldwell

20/11/21

https://www.youtube.com/watch?v=3IVQ-1t92hA&t=5s


Đức Giáo hoàng Lêô XIII (sinh năm 1810 - mất năm 1903) sống cùng thời với Napoléon Bonaparte, John Adams, Thomas Jefferson và James Madison.

Công đoạn tô màu khiến các chủ thể của ảnh và phim cũ có vẻ gần gũi hơn với chúng ta.

Theo một bài báo trên trang Tonyplugged.com, ông David Martin, đã lấy những thước phim ghi hình người đầu tiên được quay phim và tô màu cho những thước phim đó. Người đó chính là Đức Giáo hoàng Lêô XIII, cũng là vị giáo hoàng đầu tiên được quay phim.

Đoạn phim mới được phục chế được ghi hình ban đầu bởi ông William Kennedy-Laurie Dickson, nhà phát minh ra máy ghi hình ảnh động người Scotland, và là cựu nhân viên của ông Thomas Edison. Dickson đã đi du lịch vòng quanh thế giới với chiếc máy ảnh mà ông gọi là “The Biograph”, ghi lại một số sự kiện lịch sử quan trọng bao gồm Lễ Kim cương của Nữ hoàng Victoria vào năm đó, các trận chiến trong cuộc Chiến tranh Boer năm 1899 và 1900.

“Tôi chọn bộ phim đặc biệt này vì thực tế lịch sử về người đầu tiên được quay phim,” ông Martin nói với ReligionUnplugged.com.

Ông Martin cho biết: “Đoạn video về Đức Giáo Hoàng Lêô XIII quả thật có một chút thách thức hơn, vì những thước phim gốc bị xấu đi nhiều hơn bình thường và do đó phải xử lý thêm.”

Lấy bối cảnh trên nền nhạc phẩm “Jesu, der du meine Seele” của Johann Sebastian Bach, đoạn phim được phục chế thể hiện ba cảnh: Đức Giáo hoàng Leo XIII trong các khu vườn Vatican, trên một chiếc xe ngựa, và sau đó ngồi xuống.

Bộ phim cũng cho thấy Phép lành Tòa Thánh đầu tiên được ghi hình trên phim.

Đức Giáo hoàng Leo XIII bao nhiêu tuổi?

Nếu đưa ra những đối chiếu thì ngài sống cùng thời với hoàng đế Napoléon Bonaparte trị vì, ngài sinh cùng năm với nhà soạn nhạc Chopin, một năm sau Abraham Lincoln, và sống cùng thời với những người cha sáng lập nước Mỹ John Adams, Thomas Jefferson, và James Madison.

Đức Giáo hoàng Leo XIII, “Giáo hoàng Kinh Mân Côi”

Được gọi là “Giáo hoàng Kinh Mân Côi”, Đức Lêô XIII đã ban hành 11 tông huấn về Kinh Mân Côi, và là người đề xướng mạnh mẽ lòng sùng kính Đức Mẹ. Ngài cũng là tác giả của Kinh Thánh Micae. Thông điệp Rerum novarum năm 1891 của ngài biện hộ quyền của người lao động.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/11/2021]