Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Kinh Truyền Tin của ĐTC ngày 24.09.2023: Suy niệm từ dụ ngôn người làm công nhật

“Tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa: vượt ngoài sự công bằng của con người”

Kinh Truyền Tin: Suy niệm từ dụ ngôn người làm công nhật

Kinh Truyền Tin của ĐTC ngày 24.09.2023: Suy niệm từ dụ ngôn người làm công nhật

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay (ND: 24.09.2023), Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

__________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một dụ ngôn thật kinh ngạc: người chủ vườn nho đi ra ngoài từ sáng sớm cho đến tối để gọi một số người làm công, nhưng cuối cùng, ông trả công cho mọi người bằng nhau, kể cả những người chỉ làm việc một giờ (x. Mt 20:1-16). Có vẻ như là một sự bất công, nhưng không thể đọc dụ ngôn theo các tiêu chí về tiền lương; đúng hơn, dụ ngôn có ý cho chúng ta thấy những tiêu chuẩn của Thiên Chúa, Đấng không tính toán công trạng của chúng ta, nhưng yêu thương chúng ta như những đứa con.

Chúng ta hãy xét kỹ hơn hai hành động của Chúa xuất hiện trong câu chuyện. Thứ nhất, Thiên Chúa luôn luôn ra đi để kêu gọi chúng ta; thứ hai, Ngài trả cho mọi người cùng một “quan tiền”.

Trước hết, Thiên Chúa là Đấng luôn luôn ra đi để kêu gọi chúng ta. Dụ ngôn kể rằng ông chủ “vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình” (c. 1), và sau đó ra ngoài vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày cho đến khi mặt trời lặn, để tìm những người chưa có ai thuê làm việc. Như thế, chúng ta hiểu rằng trong dụ ngôn, những người làm việc không chỉ là con người, mà trên hết là Thiên Chúa, Đấng ra đi cả ngày không mệt mỏi. Thiên Chúa là như thế: Ngài đến với chúng ta mà không chờ đợi những nỗ lực của chúng ta, Ngài không kiểm tra để đánh giá phẩm chất của chúng ta trước khi tìm kiếm chúng ta, Ngài không bỏ cuộc nếu chúng ta chậm đáp lại lời Ngài; trái lại, chính Ngài đã chủ động, và trong Chúa Giêsu, “ra đi” – đến với chúng ta, để cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài. Và Ngài tìm kiếm chúng ta vào mọi thời điểm trong ngày, tượng trưng cho các giai đoạn và các mùa khác nhau trong cuộc đời chúng ta cho đến tuổi già, như Thánh Grêgôriô Cả nói (x. Homilies on the Gospel, 19). Với tấm lòng của Chúa, không bao giờ là quá muộn; Chúa luôn tìm kiếm và chờ đợi chúng ta. Chúng ta đừng quên điều này: Chúa luôn tìm kiếm chúng ta và luôn chờ đợi chúng ta!

Chính vì Chúa quá rộng lượng nên Thiên Chúa – đây là hành động thứ hai – trả cho mọi người với cùng một “quan tiền”, đó là tình yêu của Người. Đây là ý nghĩa sau cùng của dụ ngôn: những người làm công vào giờ cuối cùng được trả lương như người đầu tiên bởi vì trên thực tế công lý của Thiên Chúa là công lý cao cả. Công lý đó vượt xa hơn. Công lý của con người nói rằng “hãy trả cho mỗi người tùy theo những gì họ xứng đáng”, trong khi công lý của Thiên Chúa không đo lường tình yêu theo thang điểm thành quả, thành tích hay thất bại của chúng ta: Chúa yêu thương chúng ta, Người yêu chúng ta vì chúng ta là con cái Người , và Thiên Chúa làm như vậy với một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu cho đi một cách tự do.

Thưa anh chị em, đôi khi chúng ta có nguy cơ đi vào mối quan hệ “thương mại” với Thiên Chúa, tập trung nhiều vào công lao của chúng ta hơn là vào lòng quảng đại của ân sủng của Chúa. Đôi khi, ngay cả với tư cách là Giáo hội, thay vì đi ra ngoài tại mọi thời điểm trong ngày và dang rộng vòng tay với mọi người, chúng ta lại có thể cảm thấy mình như là người đứng đầu lớp, phán xét người khác từ xa mà không nghĩ rằng Thiên Chúa cũng yêu thương họ với cùng một tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. Và ngay cả trong các mối quan hệ của chúng ta, vốn theo cơ cấu của xã hội, công lý mà chúng ta thực hành đôi khi không thoát ra vòng cương toả của sự tính toán, và chúng ta giới hạn việc cho đi tương ứng với những gì chúng ta nhận được, không dám đi xa hơn một chút, mà không chú ý đến hiệu quả của việc tốt lành được thực hiện cách tự do và tình yêu thương được trao đi với tấm lòng rộng mở. Thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi: tôi, một người Kitô hữu, có biết cách hướng tới tha nhân không? Tôi có quảng đại với mọi người không, tôi có biết cách trao tặng thêm sự thấu hiểu và tha thứ không, như Chúa Giêsu đã và đang làm với tôi mỗi ngày?

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta biến đổi theo thước đo của Thiên Chúa: thước đo của tình yêu không tính toán.

_________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hôm nay là Ngày Thế giới Di dân và người Tị nạn, với chủ đề: “Tự do lựa chọn di cư hay ở lại”, để nhắc nhở rằng di cư phải là một lựa chọn tự do, và không bao giờ là lựa chọn duy nhất. Thật vậy, quyền di cư giờ đây đã trở thành một nghĩa vụ đối với nhiều người, trong khi đó phải có quyền không di cư, quyền ở lại quê hương của mình. Điều cần thiết là mọi người phải được bảo đảm quyền được sống một đời sống đúng phẩm giá trong xã hội mà họ đang sống. Thật đáng buồn, nghèo đói, chiến tranh và khủng hoảng khí hậu đã buộc rất nhiều người phải chạy trốn. Vì vậy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm tạo ra những cộng đồng sẵn sàng và rộng mở để chào đón, thăng tiến, đồng hành và hội nhập những người đến gõ cửa nhà chúng ta.

Thách đố này là trọng tâm của Hội nghị Rencontres Méditerranéennes, diễn ra trong những ngày gần đây ở Marseille, và tôi đã tham dự phiên bế mạc hôm qua, khi đến thành phố đó, nơi giao nhau của các dân tộc và văn hóa.

Tôi đặc biệt cảm ơn các giám mục của Hội đồng Giám mục Ý đã làm mọi việc có thể để giúp đỡ những anh chị em di dân của chúng ta. Chúng ta vừa nghe Đức Tổng Giám mục Baturi trên truyền hình, trong chương trình “A Sua Immagine” giải thích về vấn đề này.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là chủng viện giáo phận quốc tế Redemptoris Mater ở Cologne, Đức. Cha cũng chào nhóm người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh hiếm gặp được gọi là ataxia, cùng với các thành viên gia đình của họ.

Tôi nhắc lại lời mời gọi tham gia buổi canh thức cầu nguyện đại kết mang tên “Cùng nhau”, sẽ diễn ra vào Thứ Bảy ngày 30 tháng Chín sắp tới tại Quảng trường Thánh Phêrô, để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng Hội đồng sẽ bắt đầu ngày 4 tháng Mười.

Chúng ta hãy nhớ đến Ukraine bị bao vây và cầu nguyện cho dân tộc đang phải chịu nhiều đau khổ này.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/9/2023]


Đức Giáo Hoàng đến thăm một trong những quận nghèo nhất nước Pháp

Đức Giáo Hoàng đến thăm một trong những quận nghèo nhất nước Pháp

Đức Giáo Hoàng đến thăm một trong những quận nghèo nhất nước Pháp

YARA NARDI / POOL / AFP

I.Media

23/09/23


Các nữ tu của Mẹ Teresa đã sắp xếp để Đức Thánh Cha có thể dành thời gian với khoảng 50 khách mời.

Vào sáng ngày thứ hai trong chuyến thăm Marseille, ngày 23 tháng Chín năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành một khoảng thời gian riêng cho những người túng thiếu tại một trung tâm được điều hành bởi Dòng Thừa sai Bác ái – các nữ tu của Mẹ Teresa – ở Saint-Mauront, quận nghèo nhất của thành phố Marseille.

Đức Giáo hoàng 86 tuổi đến thành phố của Pháp vào ngày 22 tháng Chín. Ngay sau đó ngài gặp gỡ hàng chục người đến từ Hiệp hội Fratello, một hiệp hội ngài biết rất rõ. Hiệp hội này được thành lập ở Pháp năm 2014 và đã giúp thúc đẩy Ngày Thế giới Người nghèo.

Sáng nay, Đức Thánh Cha đã có nhiều cuộc họp riêng khác, đầu tiên với Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, chính trị gia Margaritis Schinas người Hy Lạp, và sau đó với đại diện của các tổ chức giúp đỡ người di cư trên biển.

Sau những cuộc gặp gỡ không chính thức này, Đức Thánh Cha người Argentine đã đến quận Saint-Mauront, nơi được biết đến là một trong những quận nghèo nhất ở Pháp. Hơn 50 người chờ đón ngài tại nhà của Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Đức Thánh Cha được một nhóm nhỏ người hân hoan chào đón trong sân với những biểu ngữ chào mừng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Một vòng hoa được các nữ tu quàng trên cổ ngài theo truyền thống của Ấn độ.

Ông Yannick, 52 tuổi đến từ Marseilles, nằm trong số những người có mặt, ông nói với các phóng viên rằng ông rất vui mừng trước chuyến thăm của Đức Giám mục Roma, và ca ngợi “tinh thần cao thượng” của các nữ tu vẫn luôn “giữ tinh thần tốt” mặc dù họ phải đối mặt với tình trạng “thiếu tôn trọng” khi đứng trước những thực tại khắc nghiệt của đường phố.

Trong cuộc gặp gỡ không có phóng viên ghi hình này, Đức Thánh Cha Phanxicô tặng cộng đoàn một tượng Thánh Giuse ẵm Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay.

Sau đó, Đức Giáo hoàng trở lại Palais du Pharo để tham dự phiên bế mạc hội nghị Rencontres Méditerranéennes.

Ngài đến Marseille để tham dự sự kiện quy tụ các giám mục của những quốc gia quanh vùng Địa Trung Hải để thảo luận về những thách thức chung của các quốc gia đó.

Đáng chú ý là vấn đề di cư, vì Đức Thánh Cha cảm thán rằng Địa Trung Hải giống như một nghĩa trang.

Tổ chức Di trú Quốc tế cho biết ít nhất 2.000 người đã thiệt mạng kể từ đầu năm khi cố vượt Địa Trung Hải. Từ năm 2014, tổ chức này thống kê được 27.364 người chết và mất tích trên biển.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/9/2023]