Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Đức Thánh Cha ở Bari: ‘Một Trung Đông không có Ki-tô hữu sẽ không còn là Trung Đông’

Đức Thánh Cha ở Bari: ‘Một Trung Đông không có Ki-tô hữu sẽ không còn là Trung Đông’
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha ở Bari: ‘Một Trung Đông không có Ki-tô hữu sẽ không còn là Trung Đông’

Trong Diễn từ Khai mạc ngày Cầu nguyện ở Bari, Đức Thánh Cha cảnh báo: ‘Có nguy cơ rằng sự hiện diện của các anh chị em trong đức tin của chúng ta sẽ biến mất, làm biến dạng khuôn mặt của khu vực’

07 tháng Bảy, 2018 11:20
Dưới đây là văn bản diễn từ khai mạc của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (tiếng Anh) tại buổi gặp gỡ đại kết cầu nguyện cho hòa bình tại thành phố Bari miền duyên hải của Ý, Đức Thánh Cha thực hiện chuyến đi ngắn 1 ngày đến đây, 7 tháng Bảy, 2018, cho buổi gặp gỡ mà ngài mời gọi các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo và các thượng phụ đại diện cho các Ki-tô hữu Trung Đông để suy tư và cầu nguyện cho vùng này.

***

Anh em thân mến,

Chúng ta đến Bari này như là những người hành hương, cánh cửa sổ này mở ra vùng Cận Đông, mang theo trong tâm hồn chúng ta các Giáo hội, các dân tộc và tất cả những người phải sống trong hoàn cảnh đau khổ quá lớn. Chúng ta đang nói với họ, “Chúng tôi gần gũi với các bạn.” Anh em thân mến, tôi xin chân thành cảm ơn anh em vì sẵn sàng và độ lượng đến đây. Tôi cũng vô cùng tri ân tất cả những vị chủ nhà của chúng ta trong thành phố này đã đón tiếp và gặp gỡ.

Mẹ Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta khi chúng ta cùng nhau bước trên hành trình. Ở đây tại Bari này Mẹ được sùng kính với tước hiệu Hodegetria: là người chỉ lối cho chúng ta. Nơi đây cũng lưu giữ thánh tích của Thánh Nicolas, vị Giám mục Đông phương mà sự sùng kính dành cho ngài vượt qua các đại dương và làm cầu nối giữa biên giới của các Giáo hội. Nguyện xin Thánh Nicholas, người thợ làm nên những kỳ công, chuyển cầu để chữa lành những vết thương của quá nhiều người đang phải mang trên mình họ. Nơi đây, khi chúng ta chiêm ngưỡng chân trời và biển cả, chúng ta cảm thấy trí óc và tâm hồn hôm nay được thôi thúc để hướng về Trung Đông, nơi giao thoa của các nền văn minh và là cái nôi của các tôn giáo độc thần.

Từ vùng Trung Đông, Thiên Chúa, “mặt trời từ trên cao” (Lc 1:78), xuống trần để thăm viếng chúng ta. Từ nơi đó, ánh sáng đức tin đã lan tỏa trên khắp thế giới. Những dòng suối luôn tươi mát của linh đạo và đời sống đan viện có nguồn cội của nó. Những nghi thức cổ xưa và duy nhất được duy trì, cùng với một di sản vô giá của nghệ thuật thánh và thần học. Ở đó gia tài của các Giáo phụ vĩ đại trong đức tin của chúng ta vẫn luôn được thể hiện trong cuộc sống. Truyền thống này là một gia tài phải được duy trì và bảo tồn với tất cả khả năng của chúng ta, vì Trung Đông là cội nguồn của tâm hồn chúng ta.

Nhưng vùng đầy ánh sáng này đã bị che phủ bởi những đám mây đen của chiến tranh, bạo lực và tàn phá, những cuộc chiếm đóng và các hình thức của trào lưu chính thống, đặc biệt trong những năm gần đây, đã tạo ra làn sóng di cư bắt buộc và sự loại bỏ. Tất cả những điều này xảy ra trong sự im lặng đồng lõa của nhiều người. Trung Đông trở thành một vùng đất của những người phải bỏ lại sau lưng họ quê cha đất tổ. Có nguy cơ rằng sự hiện diện của các anh chị em trong đức tin của chúng ta sẽ biến mất, làm biến dạng khuôn mặt của khu vực. Vì Trung Đông không có Ki-tô hữu thì không còn là Trung Đông nữa.

Ngày hôm nay được bắt đầu bằng lời cầu xin của chúng ta rằng ánh sáng của Thiên Chúa sẽ phá tan bóng tối của trần gian. Chúng ta cũng đã thắp lên “ngọn đèn một tim lửa”, biểu tượng của một Giáo hội duy nhất, trước mộ Thánh Nicholas. Hôm nay, cùng đồng tâm chúng ta thắp lên một ngọn lửa hy vọng. Ước mong rằng những ngọn đèn chúng ta sẽ thắp lên tại đây trở thành tín hiệu cho thấy rằng một ánh sáng sẽ tiếp tục chiếu soi trong bóng đêm. Ki-tô hữu là ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5:14) không chỉ những lúc ánh sáng chói lòa xung quanh họ, nhưng cả trong những thời khắc đen tối của lịch sử, họ không được đầu hàng trước bóng tối âm u vây quanh nhưng phải nhóm lên tia lửa hy vọng bằng dầu của lời cầu nguyện và sự yêu thương. Vì khi chúng ta giang đôi tay hướng lên trời lúc cầu nguyện, và khi chúng ta mở rộng vòng tay cho những anh chị em của chúng ta mà không màng đến lợi lộc, thì ngọn lửa của Thần Khí, Thần Khí của sự hiệp nhất và bình an, sẽ được thắp lên và bùng lên thành ngọn lửa lớn.

Chúng ta cùng hiệp nhất cầu nguyện, khẩn nài Chúa trên trời ban cho nền hòa bình mà những người quyền thế của trần gian này vẫn chưa có thể tìm được. Từ những dòng nước của sông Nile đến Thung lũng Gio-đan và vượt xa hơn nữa, từ dòng sông Orontes đến con sông Tigris và sông Euphrates, mong sao lời khẩn xin của Thánh vịnh lại vang lên: “Chúc thành đô an lạc!” (122:8). Chúng ta hãy cùng lặp đi lặp lại lời nguyện: Chúc hòa bình cho anh chị em! gửi đến tất cả những anh chị em đau khổ của chúng ta, và tất cả những người bạn thuộc mọi dân tộc và niềm tin của chúng ta. Cùng với tác giả Thánh vịnh, chúng ta hãy dâng lời nguyện này lên một cách đặc biệt cho Giê-ru-sa-lem, cho thành thánh được Chúa yêu đã bị con người làm tổn thương, mà Chúa phải tiếp tục khóc thương: Chúc hòa bình cho anh chị em!

Hãy có hòa bình! Đây là tiếng kêu của tất cả những A-ben của hôm nay, một tiếng kêu thấu lên ngai tòa Thiên Chúa. Với họ, chúng ta không có quyền nói câu, “Con là người giữ em con hay sao?” (St 4:9) ở Trung Đông hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Sự thờ ơ là sát nhân, và chúng ta khát khao cất lên tiếng nói chống lại sự thờ ơ sát nhân này. Chúng ta muốn lên tiếng nói thay cho những người không có tiếng nói, họ là những người chỉ có thể gạt đi những giọt lệ. Vì Trung Đông ngày nay đang khóc, đang đau khổ và câm lặng khi những người khác chà đạp lên những vùng đất đó để tìm quyền lực và của cải. Đại diện cho những người bé mọn, những người hèn kém, những người bị thương tổn, và tất cả những người được Thiên Chúa đứng cạnh bên, chúng ta cùng khẩn xin, “Hãy có hòa bình!” Nguyện xin “Thiên Chúa giàu lòng từ bi lân ái” (2 Cr 1:3), Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành (x. Tv 147:3), lắng nghe lời khẩn nguyện của chúng con.

[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/7/2018]


Các nhà giáo dục Công giáo đi theo công nghệ

Các nhà giáo dục Công giáo đi theo công nghệ
Nhóm ISTE 2018 từ Team From Colegio Cumbres Alpes De Queretaro,

Các nhà giáo dục Công giáo đi theo công nghệ

Các sinh viên hướng đến tương lai tại ISTE ở Chicago

09 tháng Bảy, 2018 17:41
Nếu bạn nghĩ rằng giáo dục Công giáo chỉ là học Giáo lý và học thuộc các kinh thì bạn mới chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của toàn bức tranh.

Trường học Công giáo ngày nay đang thúc đẩy việc sử dụng công nghệ để học tập – và phúc âm hóa. Lấy một trường hợp điển hình, một nhóm sinh viên từ học viện Colegio Cumbres Alpes de Queretaro, cách Mexico City khoảng hai giờ, nằm trong số hàng ngàn sinh viên và thầy cô giáo (rất nhiều người đến từ các trường Công giáo) tham dự ISTE 2018, từ 24-27 tháng Sáu tại McCormick Place ở Chicago.

Tổ chức Quốc tế Công nghệ trong Giáo dục (International Society for Technology in Education (ISTE) là một tổ chức phi lợi nhuận cùng hợp tác với cộng đồng giáo dục toàn cầu để đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề hóc búa và thúc đẩy sự cải tổ. Mạng lưới toàn cầu của chúng tôi tin rằng công nghệ sẽ giữ vai trò thay đổi cách dạy và học. Xin quý vị xem thêm chi tiết tại iste.org.

Sự kiện tại Chicago có hàng trăm cuộc triển lãm và trưng bày trong đó các sinh viên có thể chia sẻ những dự án của họ và chứng kiến những gì các bạn khác đã hoàn thành. Nhóm Queretaro tập hợp bài trình bày với tiêu đề “Trải nghiệm sự độc lập của Mexico năm 1810 với VR” (virtual reality: thực tế ảo).

ZENIT có cơ hội gặp gỡ giáo viên trưởng đoàn, cô María Elena Urbán Salazar, cô có bằng Thạc sĩ Educational Technology.

ZENIT: Xin cô cho biết về đoàn của cô.

Maria Elena: Chúng tôi có 8 học sinh lớp 10 và 11 tham gia sự kiện. Khoảng 60 học sinh ở trường góp phần chuẩn bị cho dự án, cùng với 5 giáo viên tiếng Tây Ban nha, tiếng Anh, lịch sử, nghệ thuật, và công nghệ.

ZENIT: Khán giả trải nghiệm phần trình chiếu VR như thế nào?

Maria Elena: Để có hiệu ứng tốt nhất bạn cần cài đặt ứng dụng YOUTUBE vào thiết bị di động và đeo kính VR. Đường liên kết phim: https://youtu.be/dNoACnIOkNE . Khi xem phim, bạn phải chọn tùy chọn “Cardboard” trên điện thoại để tách nó và truyền sang kiếng đeo để có trải nghiệm thực tế ảo.

ZENIT: Nhưng vẫn có thể xem phim tại đường link mà không cần kết nối kiếng.

Maria Elena: Dĩ nhiên là được. Video được ghi hình bằng máy quay 360º, vì thế bạn theo dõi nó theo chiều kích đó. Có thể xem phim trên máy tính xách tay hoặc máy tính bảng mà không cần kính VR, nhưng bạn cần phải có chuột để di chuyển.

ZENIT: Kinh nghiệm của việc xây dựng bản trình chiếu này dạy điều gì cho học sinh?

Maria Elena: Dạy cho các em cách làm việc nhóm, để trở thành những người lãnh đạo chủ động, sử dụng công nghệ để giải quyết những thách đố, và tầm quan trọng của nghệ thuật và tính nhạy cảm khi giao tiếp. Điều này cho thấy rằng cách học bằng trải nghiệm phát triển những khả năng, kiến thức, và xây dựng nhân cách trong cuộc sống.

ZENIT: Học sinh sẽ học được những gì khi tham dự hội nghị?

Maria Elena: Học sinh có thể trình bày dự án của các em cho các giáo sư và hiệu trưởng trên toàn thế giới và tự hào về văn hóa của quốc gia cũng như dân tộc. Và các em có thể liên kết với các dự án mới của các học viện giáo dục khác, xây dựng cộng đồng toàn cầu để chia sẻ việc học hành của các em.

ZENIT: ISTE hỗ trợ cô như thế nào với cương vị là giáo viên?

Maria Elena: ISTE đưa ra những tiêu chuẩn quốc tế cho học sinh, Một “Bản hướng dẫn cách sử dụng” để ứng dụng công nghệ trong phòng học cho các học sinh của thế kỷ XXI. Đây là cách mà giáo viên của học viện Colegio Cumbres Alpes de Queretaro sử dụng để tập trung sự chú ý vào các môn học của họ và tạo ra những dự án hợp tác, biến kinh nghiệm trong lớp học thành một cơ hội học tập tích cực qua công nghệ giáo dục.

ZENIT: Như vậy … công nghệ đóng một vai trò then chốt trong trường của cô?

Maria Elena: Đúng. Chúng tôi nổi tiếng là một trường đi tiên phong, đào tạo những doanh nhân trẻ với các giá trị Ki-tô giáo, họ là những người muốn tạo ra thay đổi trong xã hội. Họ có thể áp dụng những kỹ năng, sự sáng tạo, và sự đổi mới của họ trong giải pháp cho các vấn đề và đáp ứng được nhu cầu của xã hội.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/7/2018]