Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

Khi Chúa Giêsu đi ngang qua: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha ở Đảo Síp

Khi Chúa Giêsu đi ngang qua: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha ở Đảo Síp

Khi Chúa Giêsu đi ngang qua: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha ở Đảo Síp

ANDREAS SOLARO | AFP

Kathleen N. Hattrup

03/12/21


Chúng ta hãy cho Chúa Giêsu cơ hội chữa lành tâm hồn của chúng ta. Đó là bước đầu tiên; nhưng việc chữa lành tâm hồn cần thêm hai bước nữa.

Chuyến đi của Đức Giáo hoàng đến Đảo Síp chỉ có một thánh lễ cộng đoàn trên lịch trình, ngài cử hành vào ngày 3 tháng Mười Hai, tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia.

Đức Thánh Cha phân tích về hai người mù kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi.”

Sau đây là bản dịch của Vatican (ND-bản dịch tiếng Anh) bài giảng của ngài.

*****

Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù kêu lên trong đau khổ và hy vọng: “Lạy con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9:27). “Con vua Đavít” là một danh hiệu thuộc về Đấng Mêsia, người mà các ngôn sứ đã tiên báo sẽ đến từ dòng dõi Đavít. Hai người đàn ông trong Tin Mừng hôm nay bị mù, nhưng họ nhìn thấy điều quan trọng nhất: họ nhận ra rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia đã đến thế gian. Chúng ta suy nghĩ về ba bước trong cuộc gặp gỡ này. Chúng sẽ giúp cho chúng ta trong Mùa Vọng này để đón Chúa khi Người đến, khi Người đi ngang qua chúng ta.

Thứ nhất: Họ đến gặp Chúa Giêsu để được chữa lành. Văn bản kể rằng hai người mù kêu xin Chúa khi đi theo Người (xem câu 27). Họ không thể nhìn thấy Người, nhưng họ nghe thấy tiếng nói của Người và theo bước chân của Người. Trong Đấng Kitô, họ đang tìm kiếm điều mà các ngôn sứ đã báo trước: những dấu chỉ về quyền năng chữa lành và lòng từ bi của Thiên Chúa hiện diện ở giữa dân Người. Tiên tri Isaia đã viết: “Bấy giờ mắt người mù mở ra” (35: 5). Và một lời tiên tri khác mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất của phụng vụ hôm nay, đã hứa rằng: “mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy” (29:18). Hai người đàn ông trong Tin Mừng đã tin cậy nơi Chúa Giêsu. Họ đi theo Người để tìm ánh sáng cho đôi mắt của họ.

Thưa anh chị em, tại sao họ tin cậy nơi Chúa Giêsu? Bởi vì họ nhận ra rằng, trong bóng tối của lịch sử, Chúa là ánh sáng làm bừng sáng “những đêm đen” của tâm hồn và thế giới. Ánh sáng vượt qua bóng tối và chiến thắng sự đui mù. Chúng ta cũng có một loại “mù lòa” trong tâm hồn. Giống như hai người mù ấy, chúng ta thường giống như những người đi đường, chìm đắm trong bóng tối của cuộc đời. Điều đầu tiên cần làm là hãy đến gặp Chúa Giêsu, như Người đã nói với chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28).

Có ai trong chúng ta không mệt mỏi hoặc vai trĩu nặng theo một cách nào đó? Tất cả chúng ta đều như vậy. Tuy nhiên, chúng ta chống lại việc đến với Chúa Giêsu. Thường thì chúng ta thà khóa chặt lòng mình, cô đơn trong bóng tối, cảm thấy tiếc nuối cho bản thân và bằng lòng với nỗi buồn làm bạn đồng hành của mình. Chúa Giêsu là vị thầy thuốc thiêng liêng: Người là ánh sáng thật chiếu soi mọi người (x. Ga 1:9), là Đấng ban cho chúng ta muôn vàn ánh sáng, hơi ấm và tình yêu. Chỉ một Chúa Giêsu giải thoát tâm hồn khỏi sự dữ. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tôi có bị vây bọc trong bóng tối của sự chán nản và nỗi buồn, hay tôi đến với Chúa Giêsu và dâng cuộc đời cho Ngài? Tôi có đi theo Chúa Giêsu, kêu xin những nhu cầu của mình, và dâng lên sự cay đắng cho Ngài không? Chúng ta hãy làm điều đó! Chúng ta hãy cho Chúa Giêsu cơ hội để chữa lành tâm hồn của chúng ta. Đó là bước đầu tiên; nhưng việc chữa lành tâm hồn cần hai bước nữa.

Bước tiếp theo: Họ chia sẻ sự đau khổ của mình. Tin Mừng không nói về việc chữa lành cho một người mù, chẳng hạn như trường hợp của anh Batimê (x. Mc 10:46-52) hay người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9:1-41). Ở đây có hai người mù. Họ ở ven đường cùng với nhau. Họ chia sẻ sự đau khổ, nỗi bất hạnh khi bị mù, và khát khao có được ánh sáng chiếu tỏa trong tầm hồn “đêm tối” của họ. Khi họ nói, họ dùng số nhiều, vì họ cùng nhau làm mọi việc: cả hai đều đi theo Chúa Giêsu, cả hai đều kêu cầu Người và xin chữa lành; không phải mỗi người cho riêng mình, mà cùng nhau như một. Điều quan trọng là họ nói với Đức Kitô: Xin thương xót chúng tôi. “Chúng tôi”, không phải “tôi”. Họ cùng nhau xin giúp đỡ. Đây là một dấu hiệu hùng hồn cho đời sống người Kitô hữu và là đặc điểm riêng biệt của tinh thần Hội thánh: suy nghĩ, nói và hành động như “chúng ta”, từ bỏ chủ nghĩa cá nhân và cảm giác tự mãn đầu độc tâm hồn.

Khi chia sẻ sự đau khổ và tình bằng hữu huynh đệ, hai người mù này có nhiều điều để dạy chúng ta. Mỗi người chúng ta đều mù lòa theo một cách nào đó do hậu quả của tội, nó ngăn cản chúng ta “nhìn thấy” Thiên Chúa là Cha chúng ta và là anh chị em với nhau. Vì đó là điều do tội gây ra; nó bóp méo thực tế: nó khiến chúng ta xem Chúa như một bạo chúa, và người khác là những vấn đề. Đó là công việc của kẻ cám dỗ, kẻ bóp méo mọi thứ, đưa họ vào ánh sáng tiêu cực, để khiến chúng ta rơi vào tuyệt vọng và cay đắng. Và rồi chúng ta trở thành con mồi cho một nỗi buồn vô tận, một điều nguy hiểm không phải từ Thiên Chúa. Chúng ta không được đối mặt với bóng tối một mình. Nếu mang sự mù lòa tâm hồn một mình, chúng ta trở nên bị áp đảo. Chúng ta cần sát cánh bên nhau, chia sẻ nỗi đau và cùng nhau đối mặt với con đường phía trước.

Anh chị em thân mến, đối mặt với bóng tối trong tâm hồn và những thử thách trước mắt chúng ta trong Giáo hội và xã hội, chúng ta được mời gọi đổi mới cảm thức về tình huynh đệ. Nếu chúng ta vẫn chia rẽ, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân mình, hoặc nhóm của mình, nếu chúng ta từ chối gắn bó với nhau, nếu chúng ta không đối thoại và cùng nhau bước đi, chúng ta sẽ không bao giờ được chữa lành hoàn toàn khỏi sự mù quáng của mình. Sự chữa lành xảy ra khi chúng ta cùng nhau mang nỗi đau, khi chúng ta cùng nhau đối mặt với vấn đề của chúng ta, khi chúng ta lắng nghe và nói chuyện với nhau. Đó là ân sủng của việc sống trong cộng đoàn, nhận ra tầm quan trọng của việc ở cùng nhau, trở thành cộng đồng. Đây là điều tôi xin nơi anh chị em: rằng anh chị em hãy luôn ở bên nhau, luôn hiệp nhất; rằng anh chị em cùng nhau tiến bước với niềm vui là những anh chị em Kitô hữu, là con cái của một Cha. Và tôi cũng xin điều đó cho chính mình.

Và bây giờ là bước thứ ba: Họ hân hoan loan báo Tin Vui. Sau khi Chúa Giêsu chữa lành cho họ, hai người đàn ông trong Tin Mừng, mà chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính chúng ta, bắt đầu rao truyền tin vui cho toàn vùng, nói về nó ở mọi nơi. Có một chút trớ trêu trong việc này. Chúa Giêsu đã bảo họ đừng nói cho ai biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng họ lại làm ngược lại hoàn toàn (x. Mt 9:30-31). Từ những gì chúng ta được kể, rõ ràng ý định của họ không phải là không vâng lời Chúa; họ chỉ đơn giản không thể kiềm chế sự phấn khởi của mình khi được chữa lành, và niềm vui được gặp Chúa Giêsu. Đây là một dấu hiệu đặc biệt khác của người Kitô hữu: niềm vui sướng khôn tả của Tin mừng, “tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của tất cả những người gặp gỡ Chúa Giêsu” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 1); niềm vui của Tin Mừng dẫn đến việc làm chứng cách tự nhiên và giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ của một đức tin riêng tư, u ám và hay than van.

Anh chị em thân mến, thật vui khi thấy anh chị em sống sứ điệp giải phóng của Tin Mừng với niềm vui. Tôi cảm ơn anh chị em vì điều này. Đó không phải là sự chiêu mộ tín đồ – xin làm ơn, đừng bao giờ tham gia vào việc chiêu mộ tín đồ! – nhưng hãy làm chứng; không phải là chủ nghĩa luân lý phán xét mà là lòng thương xót ôm lấy; không phải là sự sùng đạo bề ngoài nhưng là sống tình yêu. Tôi động viên anh chị em tiếp tục thăng tiến trên con đường này. Giống như hai người mù trong Tin Mừng, chúng ta hãy gặp gỡ Chúa Giêsu một lần nữa, và trở thành chứng nhân gan dạ của Chúa Giêsu cho tất cả những người chúng ta gặp gỡ! Chúng ta hãy đi ra ngoài, mang theo ánh sáng mà chúng ta đã nhận được. Chúng ta hãy tiến bước để soi sáng màn đêm thường vây phủ chúng ta! Chúng ta cần những người Kitô hữu được soi sáng, nhưng trên hết là những người đầy ánh sáng, những người có thể chạm vào sự mù lòa của anh chị em chúng ta bằng tình yêu dịu dàng và bằng những cử chỉ và lời an ủi thắp lên ánh sáng hy vọng giữa bóng tối. Những người Kitô hữu có thể gieo hạt giống Tin Mừng trên các cánh đồng khô cằn của cuộc sống hàng ngày, và mang lại hơi ấm cho những vùng đất hoang vu của đau khổ và nghèo đói.

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu cũng đang đi qua các đường phố của Síp, các đường phố của chúng ta, nghe thấy tiếng kêu cầu của sự mù lòa của chúng ta. Ngài muốn chạm vào mắt chúng ta, chạm vào tâm hồn chúng ta, và dẫn chúng ta đến ánh sáng, cho chúng ta sự tái sinh thiêng liêng và sức mạnh mới. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn làm. Người hỏi chúng ta câu hỏi giống như câu mà Người đã hỏi hai người mù: “Các anh có tin tôi làm được điều đó không?” (Mt 9:28). Chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu làm được điều này không? Chúng ta hãy làm mới niềm tin của chúng ta vào Người. Chúng ta hãy thưa với Người: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng ánh sáng của Chúa lớn hơn bóng tối của chúng con; chúng con tin rằng Chúa có thể chữa lành cho chúng con, Chúa có thể canh tân mối tương giao của chúng con, Chúa có thể tăng thêm niềm vui cho chúng con. Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! [Tất cả lặp lại: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!]


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/12/2021]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Đón chào tại sân bay Larnaca và gặp gỡ cộng đồng Công giáo, 02.12.2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Đón chào tại sân bay Larnaca và gặp gỡ cộng đồng Công giáo, 02.12.2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Đón chào tại sân bay Larnaca và gặp gỡ cộng đoàn Công giáo, 02.12.2021

Nghi thức đón chào chính thức tại Sân bay Larnaca

Gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, phó tế, giáo lý viên, và các hội đoàn và phong trào của giáo hội ở Síp, trong Nhà thờ Chính tòa Maron Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc

***** 


Nghi thức đón chào chính thức tại Sân bay Larnaca

Khi đến sân bay quốc tế Larnaca, Đức Thánh Cha Phanxicô được Chủ tịch Hạ viện đón tiếp. Ba thiếu nhi trong trang phục truyền thống tặng hoa vinh danh Đức Giáo hoàng.

Sau nghi thức duyệt Đội Danh dự và phần giới thiệu các phái đoàn, Đức Giáo hoàng và Chủ tịch Hạ viện tiến đến phòng chờ VIP. Sau đó, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng xe hơi đến Nhà thờ Chính tòa Maron Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc ở Nicosia để gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, phó tế, giáo lý viên, các hội đoàn và phong trào của Giáo hội ở Síp.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Đón chào tại sân bay Larnaca và gặp gỡ cộng đồng Công giáo, 02.12.2021

Gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, phó tế, giáo lý viên, và các hội đoàn và phong trào của Giáo hội ở Síp, trong Nhà thờ Chính tòa Maron Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc

Chiều nay, lúc 16:05 (15.05 giờ Roma), Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, phó tế, giáo lý viên, các hội đoàn và phong trào giáo hội của đảo Síp tại Nhà thờ Chính tòa Maron Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc.

Khi đến nơi, Đức Giáo hoàng được Đức Thượng phụ Antioch của Giáo hội Thánh Maron, Đức Hồng y Béchara Boutros Raï, O.M.M., và Đức Tổng Giám mục Maron Selim Jean Sfeir của Síp, đón chào tại lối vào chính. Sau đó họ cùng tiến vào Thánh đường.

Sau bài thánh ca mở đầu, tiếp theo là lời chào mừng của Đức Thượng phụ Antioch thuộc giáo hội Thánh Maron, xen kẽ giữa các bài hát và lời chứng của một nữ tu dòng Phanxicô và một nữ tu Josephine, và bài đọc trích Tông đồ Công vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc diễn từ của ngài.

Cuối cùng, sau giờ đọc kinh cầu là nghi thức ban phép lành và dâng quà tặng lên Đức Thánh Cha, ngài di chuyển bằng xe hơi đến Dinh Tổng thống ở Nicosia để tham dự lễ nghênh tiếp, thăm ngoại giao Tổng thống nước Cộng hòa, và gặp gỡ các nhà chức trách, xã hội dân sự và Đoàn Ngoại giao.

Sau đây là bài diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với Cộng đoàn Công giáo:


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Đức Hồng y,

Thưa Đức Thượng phụ,

Thưa các huynh đệ giám mục,

Các linh mục, tu sĩ nam nữ, và các giáo lý viên,

Anh chị em thân mến, Χαίρετε! [Lời chào!]

Tôi thật vui mừng được ở đây giữa anh chị em. Tôi xin bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Hồng y Béchara Boutros Raï về những lời rất đẹp của ngài, và tôi thân ái chào Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em về thừa tác vụ và sự phục vụ của anh chị em, đặc biệt là với các nữ tu trong công tác giáo dục mà các chị đang thực hiện trong những trường học, được các trẻ em trên đảo tham gia rất tốt, và là nơi gặp gỡ, đối thoại và hướng dẫn nghệ thuật xây dựng những cầu nối. Cảm ơn tất cả anh chị em vì sự gần gũi với mọi người, đặc biệt trong môi trường xã hội và việc làm, là nơi khó khăn hơn.

Tôi chia sẻ với anh chị em niềm vui của tôi khi đến thăm vùng đất này và hành trình như một người hành hương theo bước chân của vị đại tông đồ Banaba, một người con của dân tộc này, một người môn đệ yêu mến Chúa Giêsu và một sứ giả dũng cảm của Tin Mừng. Khi đến thăm các cộng đoàn Kitô giáo mới thành lập, ngài đã nhìn thấy ân sủng của Thiên Chúa đang hoạt động; ngài mừng rỡ và thúc giục mọi người “hãy bền lòng gắn bó cùng Chúa” (xem Cv 11:23). Tôi đến với cùng một ước muốn: được nhìn thấy ân sủng của Thiên Chúa đang hoạt động trong Hội Thánh và trong miền đất của anh chị em, để cùng vui mừng với anh chị em về những điều kỳ diệu mà Chúa đã làm, và thúc giục anh chị em hãy luôn bền lòng, không mệt mỏi hay ngã lòng. Thiên Chúa vĩ đại hơn! Người luôn vĩ đại hơn những mâu thuẫn của chính chúng ta. Hãy luôn kiên trì!

Khi nhìn vào anh chị em, tôi thấy sự đa dạng phong phú của anh chị em, mỗi người trong anh chị em thật sự khác nhau, giống như một món “salad trái cây” rất ngon vậy! Tôi xin chào mừng Giáo hội Thánh Maron, đã đến đảo trong các giai đoạn liên tục suốt nhiều thế kỷ, và thường trải qua nhiều thử thách, nhưng vẫn giữ vững đức tin. Khi nghĩ về Li Băng, tôi rất lo lắng vì cuộc khủng hoảng mà đất nước đang phải đối mặt; tôi thấu cảm với những đau khổ của một dân tộc bị tàn phá và thử thách bởi bạo lực và nghịch cảnh. Tôi mang trong mình lời cầu nguyện khát vọng hòa bình trỗi dậy từ trái tim của đất nước đó. Tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đang làm trong Giáo hội, và cho Síp. Cây tuyết tùng của Li Băng được nhắc đến nhiều lần trong Kinh thánh như một ví dụ về vẻ đẹp và sự hùng vĩ. Tuy nhiên, ngay cả một cây tuyết tùng vĩ đại cũng mọc lên từ gốc rễ của nó và phát triển dần dần. Anh chị em là những gốc rễ đó, được trồng cấy ở Síp để lan tỏa hương thơm và vẻ đẹp của Tin Mừng. Cảm ơn anh chị em!

Tôi cũng xin chào Giáo hội Latinh, đã hiện diện ở đây hơn một thiên niên kỷ, theo thời gian đã làm chứng cho ​​sự nhiệt thành của đức tin gia tăng, cùng với con cái của Giáo hội. Bây giờ, với sự hiện diện của nhiều anh chị em di cư của chúng ta, Giáo hội xuất hiện như một dân tộc “đa sắc”, một điểm gặp gỡ thực sự giữa các sắc tộc và văn hóa khác nhau. Khuôn mặt này của Giáo hội phản ánh vị trí riêng của Síp trong lục địa Châu Âu: đó là một vùng đất của những cánh đồng màu vàng óng, một hòn đảo được vuốt ve bởi sóng biển, nhưng trên hết là lịch sử của các dân tộc đan quyện với nhau, một bức tranh khảm của những cuộc gặp gỡ.

Giáo hội, là công giáo, là phổ quát, là một không gian rộng mở, trong đó tất cả mọi người được chào đón và quy tụ lại với nhau bởi lòng thương xót và lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Không có và không nên có những bức tường trong Giáo hội Công giáo. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó! Không ai trong chúng ta được kêu gọi đến đây để chiêu mộ tín đồ trong vai trò là những người thuyết giáo, chưa bao giờ. Cách chiêu mộ tín đồ là không kết quả và không cho sự sống. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi bởi lòng thương xót của Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi khi kêu gọi, không bao giờ mệt mỏi khi ở gần, không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chúng ta tìm thấy nguồn cội của ơn gọi Kitô hữu ở đâu? Trong lòng thương xót của Chúa. Chúng ta không bao giờ được quên điều đó. Chúa không làm chúng ta thất vọng; lòng thương xót của Người không làm chúng ta thất vọng. Người luôn chờ đợi chúng ta. Xin hãy nhớ rằng, không có và không được có những bức tường trong Giáo hội Công giáo. Vì Giáo hội là ngôi nhà chung, là nơi của những mối tương quan và cùng tồn tại trong sự đa dạng, với nhiều nghi thức khác nhau. Người nghĩ theo cách này, người nhìn mọi việc theo cách khác, Nữ tu này nhìn mọi việc theo cách khác… Đây là sự đa dạng của tổng thể; và ở đó, trong sự đa dạng đó, là tính phong phú của sự hiệp nhất. Ai tạo nên sự hiệp nhất này? Chúa Thánh Thần. Ai tạo nên sự đa dạng này? Chúa Thánh Thần. Bất cứ ai nhìn thấy điều này đều hiểu. Chúa Thánh Thần là tác giả của sự đa dạng và là tác giả của sự hòa hợp. Thánh Basil thường diễn đạt theo cách này: “Ipse harmonia est”. Thần Khí là Đấng ban sự đa dạng các ân tứ và tạo nên sự hiệp nhất hài hòa của Giáo Hội.

Anh chị em thân mến, tôi muốn chia sẻ với anh chị em về Thánh Banaba, người anh và người bảo trợ của anh chị em, bằng hai từ mô tả cuộc đời và sứ mệnh của ngài.

Từ thứ nhất là kiên nhẫn. Về Banaba, người ta nói rằng ngài là người có đức tin và sự khôn ngoan lớn lao được chọn bởi Hội thánh ở Giêrusalem – chúng ta có thể nói là Giáo hội Mẹ – là người thích hợp nhất để đến thăm một cộng đoàn mới, cộng đoàn Antiokia, được thành lập với một số người ngoại giáo trở lại. Ngài được cử đi xem chuyện gì đang xảy ra, để xem xét mọi thứ. Ở đó, ngài tìm thấy những người đến từ một thế giới khác, một nền văn hóa khác, một sự nhạy cảm tôn giáo khác. Họ là những người vừa có một kinh nghiệm thay đổi cuộc đời; kinh nghiệm của họ là một niềm tin tràn đầy nhiệt thành, nhưng vẫn còn mong manh như lúc khởi đầu. Trong tình huống này, thái độ của Thánh Banaba là kiên nhẫn tuyệt đối. Ngài biết cách đợi cho cây lớn lên. Đây là sự kiên nhẫn để tiếp tục tiến về phía trước; sự kiên nhẫn để đi vào cuộc sống của những cá nhân chưa được biết đến cho đến nay; sự kiên nhẫn để chấp nhận những điều mới mà không vội vàng phán xét. Sự kiên nhẫn của ngài là sự kiên nhẫn để phân định có khả năng nhận biết các dấu chỉ công việc của Thiên Chúa ở mọi nơi, sự kiên nhẫn để “nghiên cứu” các nền văn hóa và truyền thống khác. Trên hết, Banaba có lòng kiên nhẫn đồng hành: ngài biết cách đồng hành và cho phép sự trưởng thành diễn ra. Ngài không áp đảo đức tin còn mong manh của những người mới đến bằng cách tiếp cận khắt khe và thiếu linh hoạt, hoặc bằng cách đưa ra những đòi hỏi quá mức về việc tuân thủ các giới luật. Không. Ngài cho phép họ phát triển. Ngài đồng hành với họ, cầm tay họ và đối thoại với họ. Thánh Banaba không bị chướng mắt; ngài giống như những người cha người mẹ không bị chướng mắt bởi con cái, luôn đồng hành và giúp chúng phát triển. Hãy ghi nhớ điều này: sự chia rẽ và cách chiêu mộ tín đồ trong Giáo hội là không đúng. Hãy đồng hành với người khác, cho phép họ phát triển. Và nếu bạn cần sửa lỗi ai đó, hãy làm điều đó với tình yêu, với sự bình an. Thánh Banaba là người của lòng kiên nhẫn.

Anh chị em thân mến, chúng ta cần một Giáo hội kiên nhẫn. Một Giáo Hội không cho phép bản thân khó chịu và bối rối trước sự thay đổi, nhưng bình tĩnh đón nhận sự mới mẻ và phân định các tình huống dưới ánh sáng của Tin Mừng. Công việc anh chị em đang thực hiện trên hòn đảo này, khi anh chị em chào đón những người anh em, những người chị em mới đến từ các bờ biển khác của thế giới, là vô cùng quý giá. Cũng như Thánh Banaba, anh chị em cũng được kêu gọi để nuôi dưỡng một cái nhìn kiên nhẫn và chăm chú, để trở thành những dấu chỉ hữu hình và khả tín cho lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ ai bên ngoài ngôi nhà, không bao giờ để ai thiếu vòng tay yêu thương của Người. Giáo hội Síp cũng có những vòng tay rộng mở này: Giáo hội chào đón, hội nhập và đồng hành. Đây cũng là một thông điệp quan trọng cho Giáo hội trên khắp Châu Âu, bị đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng đức tin. Chẳng mấy tốt đẹp nếu hấp tấp và nóng nảy, hoài cổ hoặc cáu kỉnh; thay vào đó, chúng ta hãy làm tốt để tiến về phía trước, đọc các dấu chỉ của thời đại cũng như các dấu chỉ của cuộc khủng hoảng. Chúng ta cần bắt đầu loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, kiên nhẫn, theo sát các Mối Phúc, trên hết là loan báo Tin Mừng cho thế hệ tiếp nối. Thưa các huynh đệ Giám mục, tôi xin anh em hãy là những mục tử kiên nhẫn trong sự gần gũi. Không mệt mỏi trong việc tìm kiếm Chúa trong lời cầu nguyện, gặp gỡ các linh mục của mình, gặp gỡ các anh chị em thuộc các nền tảng tuyên xưng Kitô giáo khác với sự tôn trọng và nhân từ, gặp gỡ các tín hữu bất cứ nơi nào họ có thể. Thưa các linh mục thân mến, tôi xin có lời với anh em: hãy kiên nhẫn với các tín hữu, luôn sẵn sàng động viên họ; hãy là những thừa tác viên không mệt mỏi cho sự tha thứ và lòng thương xót của Chúa. Đừng bao giờ là những người phán xét khe khắt, nhưng hãy là những người cha yêu thương.

Khi tôi đọc Dụ ngôn về Người con hoang đàng, người anh là một quan tòa hà khắc, nhưng người cha thì nhân từ, là hình ảnh của Chúa Cha luôn tha thứ; thật vậy Chúa Cha luôn chờ đợi để tha thứ cho chúng ta.

Năm ngoái, một nhóm thanh niên trình diễn nhạc pop muốn diễn Dụ ngôn về Người con Hoang đàng, bằng âm nhạc và lời thoại… Thật tuyệt! Tuy nhiên, phần đẹp nhất là cuộc trò chuyện cuối cùng, khi người con hoang đàng đến gặp một người bạn và nói: “Tôi không thể tiếp tục như thế này. Tôi muốn trở về nhà, nhưng tôi sợ cha đóng sầm cửa trước mặt và quăng tôi ra ngoài. Tôi sợ và không biết phải làm gì”. “Nhưng cha của bạn là một người tốt!” “Đúng, nhưng bạn biết không… anh trai tôi đang ở đó, một người rất nóng tính”. Ở cuối màn trình diễn này về đứa con hoang đàng, bạn của người con nói với anh ta: “Chỉ cần làm một điều này: viết thư cho cha của bạn và nói với ông rằng bạn muốn về nhà nhưng bạn sợ ông không chào đón bạn. Nói với cha rằng nếu ông ấy muốn chào đón bạn, ông ấy hãy cột một chiếc khăn tay trên cửa sổ cao nhất của ngôi nhà. Bằng cách đó, cha bạn sẽ cho bạn biết trước là ông ấy sẽ chào đón bạn hay đuổi bạn đi”. Cảnh diễn kết thúc. Trong cảnh tiếp theo, người con trai đang trên đường về nhà của cha mình. Và khi anh ta đang trên đường, anh ta quay lại, và mọi người nhìn thấy ngôi nhà của cha anh ta: nó phủ kín những chiếc khăn tay màu trắng! Phủ kín! Chúa cũng làm như vậy đối với chúng ta. Đây là Thiên Chúa của chúng ta. Người không bao giờ mệt mỏi với sự tha thứ. Và khi người con bắt đầu nói: “Cha ơi, con đã…”, người cha liền nói, “Đừng nói gì hết” và che miệng đứa con.

Thưa các linh mục: xin đừng khắt khe trong tòa giải tội. Khi anh em thấy ai đó đang gặp khó khăn, hãy nói: “Tôi hiểu, tôi hiểu”. Điều này không có nghĩa là “quá nuông chiều”, không phải. Tuy nhiên, nó có nghĩa là mang lấy trái tim của một người cha, giống như trái tim của người cha là Thiên Chúa. Công việc Chúa hoàn thành nơi mỗi người là một “lịch sử thiêng liêng”: chúng ta hãy tán tụng về nó. Với sự đa dạng về con người của dân tộc, sự kiên nhẫn cũng có nghĩa là anh em phải có đôi tai và trái tim rộng mở để đón nhận những sự nhạy cảm tinh thần khác nhau, những cách thể hiện niềm tin khác nhau, những văn hóa khác nhau. Giáo hội không muốn biến mọi thứ trở nên đồng nhất, hoàn toàn không, nhưng để hòa nhập mọi nền văn hóa, mọi trạng thái tâm lý của con người với lòng kiên nhẫn của người mẹ, vì Giáo hội là mẹ. Với ân ban của Chúa, đây là điều chúng ta muốn đạt được trên con đường thượng hội đồng, qua việc cầu nguyện kiên trì và nhẫn nại lắng nghe, cho một Giáo hội nhu mì với Thiên Chúa và cởi mở với con người. Đây là sự kiên nhẫn, một trong những đặc điểm của Thánh Banaba.

Có một đặc điểm quan trọng thứ hai trong lịch sử của Thánh Banaba mà tôi muốn làm nổi bật: cuộc gặp gỡ giữa ngài với Thánh Phaolô thành Tác-xô và tình bằng hữu huynh đệ của họ, giúp họ cùng nhau thực hiện sứ mệnh. Sau khi Thánh Phaolô trở lại, “mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ” (Cv 9:26), vì trước đây ông là kẻ bắt bớ không thương xót những người Kitô giáo. Ở đây, Sách Tông đồ Công vụ kể cho chúng ta nghe một điều rất cảm động: “Banaba liền đứng ra bảo lãnh ông” (câu 27), đưa ông đến với cộng đoàn, kể lại những gì đã xảy ra với ông và xác minh cho ông. Chúng ta hãy lắng nghe những lời đó, “ngài đứng ra bảo lãnh cho ông”. Chúng gợi lên sứ mệnh của chính Chúa Giêsu, vì Ngài đã dẫn các môn đồ đi theo Ngài qua các con đường của Galilê và gánh lấy nhân loại của chúng ta bị thương tích bởi tội lỗi. Hành động của ngài là một cách tiếp cận của tình bằng hữu và sự chia sẻ cuộc sống. “Tự mình mang lấy”, “tự mừng gánh lấy” có nghĩa là đón lấy lịch sử của người khác, dành thời gian để thấu hiểu họ mà không dán nhãn cho họ – tội dán nhãn cho mọi người! – mang họ trên vai chúng ta khi họ mệt mỏi hoặc bị thương, như người Samari nhân hậu đã làm (x. Lc 10:25-37). Đây là tình huynh đệ, và đây là những lời tôi muốn nói với anh em: thứ nhất là kiên nhẫn, thứ hai là tình huynh đệ.

Thánh Banaba và Thánh Phaolô, như là anh em, cùng nhau lên đường để loan báo Tin Mừng, ngay cả khi bị bắt bớ. Tại Antiokia, “hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người” (Cv 11:26). Sau đó, theo ý muốn của Chúa Thánh Thần, cả hai được sai đi cho một sứ mệnh lớn lao hơn, và vì vậy “họ đáp tàu đi đảo Síp” (Cv 13:4). Lời Chúa tăng tiến và lớn mạnh, không chỉ do những phẩm chất con người của hai ngài, nhưng trên hết vì họ là anh em trong Chúa, và tình huynh đệ của họ làm rạng rỡ giới răn yêu thương. Họ là những người anh em khác nhau – cũng như các ngón tay trên bàn tay của chúng ta, mỗi ngón đều khác – nhưng có cùng phẩm giá. Sau đó, như việc xảy ra trong cuộc sống, một biến cố bất ngờ đã xảy ra: Sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta biết rằng hai người đã có bất đồng gay gắt và họ đi theo con đường riêng (xem Cv 15:39). Anh em có thể tranh cãi và có lúc đánh nhau. Tuy nhiên, Thánh Phaolô và Banaba không đi theo con đường riêng vì lý do cá nhân, nhưng vì họ bất đồng về thừa tác vụ, về cách thực hiện sứ mệnh của họ, và về vấn đề này họ có những ý kiến ​​khác nhau. Trong nhiều vấn đề, Thánh Banaba muốn đưa Thánh Máccô đi truyền giáo, nhưng Thánh Phaolô thì không. Họ tranh luận, tuy nhiên từ một số bức thư sau này của Thánh Phaolô, chúng ta thấy rằng không có sự hiềm thù nào giữa hai ngài. Thánh Phaolô thậm chí còn viết thư cho Timôthê, người đã phải tham gia cùng Thánh Phaolô ngay sau đó: “Anh hãy mau mau đến với tôi … Anh hãy đem anh Máccô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi” (2 Tm 4:9,11). Đây là ý nghĩa của tình huynh đệ trong Giáo hội: chúng ta có thể tranh luận về tầm nhìn, về quan điểm – và chúng ta làm như vậy là tốt, vì một chút bất đồng cũng tốt cho chúng ta – về nhận thức và ý tưởng khác nhau, bởi vì không bao giờ tranh luận không phải là điều tốt.

Khi có một sự hòa bình quá khắt khe, Thiên Chúa không hiện diện. Trong một gia đình, anh chị em tranh luận và trao đổi quan điểm. Tôi hoài nghi những người không bao giờ tranh luận, bởi vì họ luôn có những chương trình hành động giấu kín. Tình huynh đệ trong Giáo hội có nghĩa là chúng ta có thể tranh luận về tầm nhìn, về nhận thức, về những ý tưởng khác nhau và trong một số trường hợp nhất định, nói những điều thẳng thắn với nhau có thể hữu ích, không nói sau lưng người khác, với những câu chuyện phiếm không mang lợi ích cho ai. Tranh luận có thể là cơ hội để phát triển và thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta hãy luôn nhớ rằng: chúng ta tranh luận không phải vì mục đích tranh đấu hay áp đặt ý kiến ​​riêng của mình, nhưng để bày tỏ và sống sức sống của Thần Khí Đấng là tình yêu và sự hiệp thông. Chúng ta có thể tranh cãi, nhưng chúng ta vẫn là anh chị em. Tôi nhớ khi lớn lên, chúng tôi có năm người. Chúng tôi đã tranh cãi với nhau, đôi khi gay gắt, nhưng không phải mọi ngày. Sau đó tại bàn ăn, tất cả chúng tôi đều ngồi cùng nhau. Trong gia đình có mẹ, Giáo hội Mẹ, có những tranh luận: con cái tranh luận.

Anh chị em thân mến, chúng ta cần một Giáo hội huynh đệ, một Giáo hội là tác nhân của tình huynh đệ trong thế giới của chúng ta. Ở đây Síp có nhiều sự nhạy cảm về tinh thần và hội thánh, những nguồn gốc và lịch sử khác nhau, các nghi thức và truyền thống khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không nên coi sự đa dạng như một mối đe dọa đối với bản sắc; chúng ta không nên ghen tị hoặc phòng thủ. Nếu chúng ta rơi vào cám dỗ này, thì nỗi sợ hãi sẽ tăng lên, và sợ hãi làm nảy sinh ngờ vực, sự ngờ vực dẫn đến sự nghi ngờ và sớm muộn gì cũng dẫn đến xung đột. Chúng ta là anh chị em, được yêu thương bởi một Chúa Cha duy nhất. Anh chị em đang hòa mình trong Địa Trung Hải, một vùng biển giàu lịch sử, một vùng biển đã là cái nôi của nhiều nền văn minh, một vùng biển mà ngày nay nhiều cá nhân, nhiều dân tộc và nền văn hóa từ mọi nơi trên thế giới vẫn đến. Bằng tinh thần huynh đệ của mình, anh chị em có thể nhắc nhở tất cả mọi người, và toàn thể Châu Âu, rằng chúng ta cần cùng nhau xây dựng một tương lai xứng đáng cho nhân loại, vượt qua những chia rẽ, phá bỏ các bức tường, ước mơ và làm việc vì sự hiệp nhất. Chúng ta cần chào đón và hòa nhập lẫn nhau, và cùng đồng hành với nhau như anh chị em, tất cả chúng ta!

Tôi cảm ơn anh chị em về chính con người anh chị em và những gì anh chị em làm, vì niềm vui khi anh chị em loan báo Tin Mừng và vì những cố gắng và hy sinh mà anh chị em kiên trì thể hiện và truyền bá thông điệp của Tin mừng. Đây là con đường được các Thánh Tông đồ Phaolô và Banaba vạch ra cho anh chị em. Tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ luôn luôn là một Giáo hội kiên nhẫn phân định, không bao giờ hoảng sợ, nhưng phân định, đồng hành và hội nhập, một Giáo hội huynh đệ dành chỗ cho những người khác, và có thể bất đồng trong khi vẫn luôn hiệp nhất và phát triển qua những bất đồng như vậy. Tôi chúc lành cho từng người trong anh chị em và tôi xin anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi, vì tôi đang rất cần! Efcharistó! [Cảm ơn anh chị em!]


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/12/2021]