Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 13 tháng 4, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 13 tháng 4, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 13 tháng Tư, 2022

___________________________

 


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta đang ở giữa Tuần Thánh, kéo dài từ Chúa nhật Lễ Lá đến Chúa nhật Phục sinh. Cả hai Chúa nhật này đều được đánh dấu đặc trưng bởi lễ diễn ra xung quanh Chúa Giêsu. Nhưng là hai ngày lễ khác nhau.

Chúa nhật vừa rồi, chúng ta chứng kiến Đức Kitô long trọng tiến vào Giêrusalem, như là một ngày hội, được chào đón như Đấng Mêsia: áo choàng (x. Lc 19:36) và nhành lá chặt từ cây cối (x. Mt 21:8) được rải trên lối đi trước mặt Ngài. Đám đông hân hoan lớn tiếng tung hô “Chúc tụng Đức Vua Đấng ngự đến,” và reo lên “Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19: 38). Những người ở đó tán dương vì họ nhìn thấy việc Chúa Giêsu tiến vào như là sự xuất hiện của một vị vua mới, người sẽ mang lại hòa bình và vinh quang. Đó là nền hòa bình mà những người đó đang mong đợi: một nền hòa bình huy hoàng là kết quả do sự can thiệp của đức vua, sự can thiệp của một đấng Mêsia hùng mạnh sẽ giải phóng Giêrusalem thoát khỏi sự chiếm đóng của người Roma. Những người khác có lẽ mơ ước về việc tái lập lại một nền hòa bình xã hội và coi Chúa Giêsu là vị vua lý tưởng, người sẽ cho đám đông ăn bánh như Ngài đã làm, và sẽ làm những phép lạ vĩ đại, từ đó mang lại nhiều công lý hơn cho thế giới.

Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ nói về điều này. Người có một Lễ Vượt Qua khác đang chờ đợi Người, không phải là một Lễ Vượt Qua khải hoàn. Điều duy nhất mà Ngài quan tâm khi chuẩn cho bị cho việc tiến vào thành Giêrusalem là cưỡi trên “một con lừa được cột sẵn, chưa ai cưỡi bao giờ” (câu 30). Đây là cách Đức Kitô mang hòa bình đến cho thế giới: qua sự hiền lành và dịu dàng, được tượng trưng bằng con lừa được buộc sẵn và chưa từng có người cưỡi trên nó. Không ai cả, vì cách làm việc của Thiên Chúa khác với cách làm của thế gian. Thật vậy, ngay trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Đó là hai cách tiếp cận khác nhau: cách thế gian mang lại hòa bình cho chúng ta, và cách Thiên Chúa ban cho chúng ta hòa bình. Hai cách khác nhau.

Nền hòa bình mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong Lễ Phục sinh không phải là nền hòa bình đi theo các chiến thuật của thế gian, vốn tin rằng có thể đạt được nó bằng sức mạnh, bằng cách chinh phục và bằng nhiều hình thức áp đặt. Trên thực tế, hòa bình này chỉ là khoảng lặng giữa các cuộc chiến tranh: chúng ta đều nhận thức rõ điều này. Sự bình an của Chúa theo đường lối hiền lành và thập giá: đó là gánh vác trách nhiệm cho người khác. Thật vậy, Đức Kitô đã tự gánh lấy sự dữ, tội lỗi và sự chết của chúng ta. Người đã tự mình gánh lấy tất cả những điều này. Bằng cách đó, Người đã giải thoát chúng ta. Người đã trả giá cho chúng ta. Sự bình an của Người không phải là kết quả của một thỏa hiệp nào đó, mà chính bởi được sinh ra từ sự tự hiến. Tuy nhiên, sự bình an nhu mì và can đảm này rất khó chấp nhận. Trên thực tế, đám đông tung hô Chúa Giêsu thì cũng chính là đám đông một vài ngày sau đó hét lên, “Hãy đóng đinh nó!” và, sợ hãi và thất vọng, sẽ không buông tha Người.

Về vấn đề này, có một câu chuyện rất hay của văn hào Dostoevsky, được gọi là Truyền thuyết về The Grand Inquisitor, luôn luôn phù hợp. Câu chuyện kể về Chúa Giêsu trở lại Trái đất sau nhiều thế kỷ. Người ngay lập tức được đám đông hân hoan chào đón, họ nhận ra và tung hô Người. “À, Người đã trở lại! Hãy đến, hãy đến với chúng tôi!” Nhưng sau đó Ngài bị bắt bởi Inquisitor (ND: quan tòa của tòa án dị giáo) là người đại diện cho luận lý của thế gian. Người này chất vấn Ngài và chỉ trích Ngài dữ dội. Lý do cuối cùng cho sự quở trách là mặc dù hoàn toàn có thể, nhưng Chúa Kitô không bao giờ muốn trở thành Xê Caesar, một vị vua vĩ đại nhất của thế giới này, muốn để nhân loại được tự do hơn là khuất phục nó và giải quyết các vấn đề của thế giới bằng vũ lực. Đáng lẽ Người đã có thể thiết lập nền hòa bình trên thế giới, uốn nắn tâm hồn tự do nhưng bất ổn định của con người bằng sức mạnh của một quyền bính cao hơn, nhưng Người đã không chọn làm theo cách đó: Người tôn trọng tự do của chúng ta. “Nếu như ông đã chiếm lấy thế giới và màu tím của Caesar, thì hẳn là ông đã thiết lập một chính phủ toàn cầu và đem hòa bình đến cho toàn thế giới” (The Brothers Karamazov, Milan 2012, 345); và ông ta kết luận bằng một câu xỉ vả, “Vì nếu có ai xứng đáng với những ngọn lửa của chúng tôi thì đó chính là ông" (348). Đây là sự lừa dối được lặp đi lặp lại trong suốt lịch sử, sự cám dỗ của một nền hòa bình giả tạo, dựa trên quyền lực, sau đó dẫn đến hận thù và phản bội Thiên Chúa, và nhiều cay đắng trong tâm hồn.

Cuối cùng, theo câu chuyện, Inquisitor “mong muốn [Chúa Giêsu] nói điều gì đó, dù cay đắng và kinh khủng”. Nhưng Chúa Giêsu đã phản ứng bằng một cử chỉ nhẹ nhàng và cụ thể: “Ngài im lặng bất ngờ tiến lại gần ông cụ và khẽ hôn lên đôi môi già nua nhợt nhạt của ông” (352). Sự bình an của Chúa Giêsu không áp đảo người khác; nó không phải là một nền hòa bình có vũ trang, không bao giờ! Vũ khí của Tin Mừng là cầu nguyện, sự dịu dàng, sự tha thứ và tình yêu tự hiến cho tha nhân, tình yêu thương dành cho mọi người lân cận. Đây là cách mà sự bình an của Thiên Chúa được mang đến cho thế giới. Đây là lý do tại sao cuộc xâm lược vũ trang ngày nay, giống như mọi cuộc chiến tranh, thể hiện sự phẫn nộ chống lại Thiên Chúa, một sự bội phản báng bổ đối với Thiên Chúa của Lễ Vượt Qua, ưa thích khuôn mặt của vị thần giả tạo của thế gian này hơn là dung nhan hiền lành của Người. Chiến tranh luôn là một hành động của con người, nhằm tạo ra sự sùng bái quyền lực.

Trước Lễ Vượt Qua cuối cùng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Vâng, bởi vì trong khi sức mạnh thế gian chỉ để lại sự hủy diệt và chết chóc – chúng ta đã thấy điều này trong những ngày gần đây – thì sự bình an của Ngài tạo dựng nên lịch sử, bắt đầu từ tâm hồn của mỗi con người chào đón chúng ta. Do đó, lễ Phục sinh đích thực là Lễ của Thiên Chúa và nhân loại, bởi vì sự bình an mà Chúa Kitô đã giành được trên thập giá qua sự tự hiến của Ngài được phân phát cho chúng ta. Vì vậy, Chúa Kitô Phục Sinh, trong Ngày Phục Sinh, hiện ra với các môn đệ, và Ngài chào các ông như thế nào? “Bình an cho các con!” (Ga 20:19-21). Đây là lời chào của Chúa Kitô vinh thắng, Chúa Kitô Phục sinh.

Thưa anh chị em, Lễ Phục sinh có nghĩa là “sự chuyển qua”. Trên tất cả, năm nay là một dịp rất tốt để chuyển từ chúa của thế gian sang Chúa Kitô, từ lòng tham lam chúng ta mang trong mình trở thành lòng bác ái giải thoát chúng ta, thoát khỏi sự mong đợi một nền hòa bình do vũ lực mang đến trở thành cam kết làm chứng thật sự cho sự bình an của Chúa Giêsu. Thưa anh chị em, chúng ta hãy đặt mình trước Đấng chịu đóng đinh, là nguồn bình an của chúng ta, và cầu xin Ngài ban cho sự bình an trong lòng và hòa bình cho thế giới.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/4/2022]


Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Li Băng vào tháng Sáu

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Li Băng vào tháng Sáu

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Li Băng vào tháng Sáu

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media for Aleteia 

06/04/22


Với việc Li Băng đang đứng trước các cuộc bầu cử quốc hội, khủng hoảng kinh tế, bạo lực tôn giáo và dân sự, chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể giúp mang đến hòa bình cho vùng đất đang gặp khó khăn này.

“Tổng thống Aoun đã được Sứ thần Tòa Thánh thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Li Băng vào tháng Sáu”, tài khoản Twitter của phủ tổng thống Li Băng viết ngày 5 tháng Tư năm 2022. Chuyến đi sẽ là chuyến đầu tiên của Đức Giáo hoàng Phanxicô đến một đất nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng mà ngài đã bày tỏ mối quan tâm lớn trong nhiều dịp. Tòa thánh cho biết đây là “một trong những đề xuất đang được xem xét.”

Một thông cáo được công bố trên trang web của phủ tổng thống Li Băng cho biết, “Tổng thống nước Cộng hòa, Tướng Michel Aoun, đã tiếp Đức Tổng Giám mục Joseph Spiteri, Sứ thần Tòa thánh tại Li Băng, tại Cung điện Baabda chiều nay, ngài sứ thần đã gửi cho ông một văn bản thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thăm Li Băng vào tháng Sáu tới.”

Tuy nhiên, văn bản nhấn mạnh rằng chuyến đi vào tháng Sáu này sẽ diễn ra với điều kiện là “ngày của chuyến đi, chương trình và ngày đưa ra thông báo chính thức [được] quyết định, trong sự phối hợp giữa Li Băng và Tòa thánh.”

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết đây là “một trong những đề xuất đang được xem xét.” Khi được I.MEDIA đặt câu hỏi, một vị giám mục Công giáo ở Li Băng cho biết ngài vừa nghe thông tin.

Do đó, chuyến đi của Đức Giáo hoàng vào tháng Sáu sẽ đến vài tuần sau các cuộc bầu cử quốc hội Li Băng vào ngày 15 tháng Năm. Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, “trụ cột” của ngành ngoại giao Vatican, đã trao đổi với đoàn ngoại giao chính thức tại Tòa thánh vào tháng Hai rằng việc tổ chức các cuộc bầu cử này là một “bước đi không thể thiếu” để khôi phục sự ổn định cho đất nước.

Ngài cũng xác nhận rằng một chuyến đi của Đức Giáo hoàng tới Li Băng đang được xem xét từ khoảng tháng Năm đến tháng Mười Hai năm nay.


“Đức Thánh Cha có thể đến rất vội vàng”

Thông cáo cho biết Tổng thống Aoun bày tỏ “niềm vui mừng” khi biết Đức Giáo hoàng đã đồng ý đến thăm đất nước của ông. Ngày 21 tháng Ba, ông đã đến Roma để chính thức lặp lại mong muốn được chào đón vị giáo hoàng người Argentina trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican.

Trong nhiều dịp khác nhau, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xúc động trước số phận của Li Băng bị ảnh hưởng nặng nề bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị. Vào tháng Bảy năm 2021, ngài đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đại kết vì hòa bình ở Li Băng quy tụ các nhà lãnh đạo Kitô giáo phương Đông tại Vatican.

Ông Vincent Gelot, người đứng đầu các dự án của Oeuvre d’Orient ở Li Băng và Syria, nói với I.MEDIA: “Tình hình đất nước thật thê thảm và Đức giáo hoàng có thể đến như một vấn đề cấp bách để mang lại một tầm nhìn, một hy vọng nào đó. Ông cũng phân tích rằng bằng qua việc đến với đất nước của những cây Cedars (tuyết tùng), Đức Giáo hoàng người Argentina cũng có thể gửi một thông điệp đến nước láng giềng Syria.


Những chuyến đi tiếp theo của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Vừa trở về sau chuyến tông du hai ngày đến Malta, Đức Giáo hoàng đã chính thức lên kế hoạch thăm nước Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan từ ngày 2 đến ngày 7 tháng Bảy. Một chuyến đi đến Canada vào cuối tháng Bảy gần đây cũng đã được đề cập bởi Đức Giáo Hoàng.

Trên máy bay từ Roma về Roma, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo cho biết rằng một cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Kirill của Moscow ở Trung Đông đang được cân nhắc.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/4/2022]