Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân

‘Thật là không thực tế nếu làm ra vẻ yêu thương tha nhân nhưng lại không yêu mến Thiên Chúa, và cũng thật là viển vông nếu ra vẻ yêu mến Thiên Chúa nhưng không yêu thương tha nhân’

04 tháng Mười Một, 2018 14:52

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 4 tháng Mười Một, 2018, trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin buổi trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trung tâm của Tin mừng Chúa nhật này (x. Mc 12:28b-34) là Giới răn về yêu thương: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Một kinh sư hỏi Chúa Giê-su: “Điều răn nào đứng đầu?” (c. 28). Người trả lời bằng cách trích dẫn lời tuyên xưng đức tin mà mọi người Israel đều bắt đầu và kết thúc một ngày với nó và câu đó bắt đầu như sau, “Nghe đây, hỡi Israel: Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6:4). Israel đặt nền tảng đức tin trong thực tại trọng yếu của toàn bộ sự tuyên tín: chỉ có một Đức Chúa duy nhất và Đức Chúa là “của chúng tôi,” với ý nghĩa rằng Người tự ràng buộc với chúng ta trong một khế ước vĩnh viễn; Người đã yêu thương chúng ta, Người yêu thương chúng ta, và người sẽ vẫn mãi mãi yêu thương chúng ta. Chính từ nguồn mạch này, từ tình yêu này của Thiên Chúa mà Giới răn mang hai khía cạnh được đặt ra: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. [...] “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (cc. 30-31).

Chọn hai giới răn này được chính Thiên Chúa gửi đến cho dân Người và kết hợp chúng lại với nhau, một lần nữa Chúa Giê-su dạy cho tất cả mọi người rằng việc yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân không thể tách rời nhau, còn hơn thế nữa, chúng phải luôn đi đôi với nhau. Mặc dù nếu đặt theo chuỗi trình tự, thì chúng là hai mặt của một huy chương: hai khía cạnh này được sống kết hợp với nhau thì chúng sẽ là sức mạnh thật sự của người tín hữu! Yêu mến Thiên Chúa là sống vì Người, sống cho Người, cho những gì thuộc về Người và những gì Người làm. Và Thiên Chúa của chúng ta là sự trao tặng không một chút tính toán; Người là sự tha thứ không giới hạn; Người là mối quan hệ làm thăng tiến và giúp con người phát triển. Vì vậy, yêu mến Thiên Chúa có nghĩa là đầu tư sức lực của con người mọi ngày để trở thành những cộng tác viên của Người trong việc phục vụ anh em mà không tính toán, trong việc tha thứ không giới hạn và trong việc xây dựng những mối quan hệ hiệp nhất và huynh đệ.

Thánh sử Mác-cô không chỉ rõ ai là người anh em vì anh em là người mà tôi gặp gỡ trên đường đi mọi ngày. Nó không phải là việc tìm chọn trước người anh em của tôi: thái độ như vậy không phải là người Ki-tô hữu, nó là cách của người dân ngoại, nhưng nó là việc có đôi mắt để nhìn thấy người anh em và có một trái tim để mong ước cho người anh em khỏe mạnh. Nếu chúng ta thực hành cách nhìn theo cái nhìn của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ luôn luôn lắng nghe người đang thiếu thốn, và luôn ở bên cạnh họ. Những thiếu thốn của người anh em chắc chắn cần có những câu trả lời hiệu quả, và trước khi những thiếu thốn đó kêu gọi sự chia sẻ, thì bằng một hình ảnh mà chúng ta có thể hình dung ra, đó là người đang đói không chỉ cần một chén súp nhưng cần cả một nụ cười, cần được lắng nghe và một lời cầu nguyện, có thể thực hiện cùng nhau. Tin mừng hôm nay mời gọi tất cả chúng ta không chỉ quan tâm duy nhất đến những nhu cầu cấp thiết của những người anh em nghèo khó nhất của chúng ta, nhưng đặc biệt là quan tâm đến sự gần gũi huynh đệ với họ, ý nghĩa của cuộc sống và sự dịu dàng. Điều này đặt ra thách đối cho các cộng đoàn Ki-tô hữu của chúng ta: đó là việc tránh nguy cơ trở thành những cộng đoàn có rất nhiều sáng kiến nhưng lại ít có những mối quan hệ; nguy cơ trở thành những cộng đoàn “tiếp tế”, nhưng lại rất ít tình cộng đồng, theo ý nghĩa Ki-tô giáo trọn vẹn.

Thiên Chúa là tình yêu, Người đã tạo dựng chúng ta vì yêu để chúng ta có thể yêu thương người khác để duy trì sự hiệp nhất với Người. Thật là không thực tế nếu làm ra vẻ yêu thương tha nhân nhưng lại không yêu mến Thiên Chúa, và cũng thật là viển vông nếu ra vẻ yêu mến Thiên Chúa nhưng không yêu thương tha nhân. Hai chiều kích của tình yêu, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, là đặc trưng nổi bật trong tình hiệp nhất của người môn đệ Đức Ki-tô.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta biết chào đón và làm chứng cho lời giáo huấn cao quý này trong cuộc sống hàng ngày.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân

Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Cha xin bày tỏ sự đau buồn sau vụ tấn công khủng bố xảy ra hai ngày trước, nhắm vào Giáo hội Chính thống Cốp-tíc ở Ai-cập. Cha cầu nguyện cho các nạn nhân, những người hành hương bị giết chỉ đơn giản vì họ là người Ki-tô hữu, và cha cầu xin Mẹ Maria Rất Thánh an ủi các gia đình và toàn thể cộng đoàn. Chúng ta cùng đọc kinh Kính Mừng: Kính Mừng Maria … 

Hôm qua trong Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran đã diễn ra Lễ tuyên phong Chân phước Mẹ Clelia Merloni, Nhà sáng lập Dòng Nữ tu Tông đồ Thánh Tâm Chúa Giê-su. Một người phụ nữ hoàn toàn dâng hiến cho Thánh ý của Thiên Chúa, nhiệt thành trong bác ái, kiên trì trước những nghịch cảnh và anh dũng trong sự tha thứ. Chúng ta cảm tạ Chúa vì chứng tá rao giảng sáng ngời của vị tân Chân phước và chúng ta hãy noi theo gương của Chân phước về sự tốt lành và lòng thương xót. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô vị tân Chân phước.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương, đặc biệt là các sinh viên đến từ Vienna, giới trẻ của Giorgio La Pira Work từ Florence, các gia đình trẻ của Raldon (Verona), các tín hữu từ Milan, Petosino, Civitanova Marche, thuộc giáo phận Ozieri, các thiếu niên chuẩn bị Thêm sức của Longare và Modena.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và xin, đừng quên cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/11/2018]


Tổng trưởng Bộ Truyền thông Vatican Paolo Ruffini làm nổi bật những nghị cụ thể của tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng 2018

Tổng trưởng Bộ Truyền thông Vatican Paolo Ruffini làm nổi bật những nghị cụ thể của tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng 2018
Paolo Ruffini 9 Oct. 2018 @ Vatican News

Tổng trưởng Bộ Truyền thông Vatican Paolo Ruffini làm nổi bật những nghị cụ thể của tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng 2018

Một tổ chức đưa giới trẻ lên tầm mức quốc tế

29 tháng Mười, 2018 14:18

Ngày 28 tháng Mười, 2018, trình bày về Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ với giới báo chí, ông Paolo Ruffini đã làm nổi bật lên một số đề nghị cụ thể của các Nghị Phụ.

Ông Tổng trưởng Bộ Truyền thông dừng lại mục 123 của Tài liệu, trong đó Thượng Hội đồng “được yêu cầu phải tạo ra được sự tham gia hiệu quả, thường xuyên và tích cực của người trẻ trong các vị trí mang tính trách nhiệm chung của các Giáo hội, cũng như trong tổ chức của các Hội đồng Giám mục và Giáo hội hoàn vũ.” Nó cũng kêu gọi củng cố lại hoạt động của Phòng Giới trẻ thuộc Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, qua việc thiết lập một tổ chức đưa giới trẻ lên tầm mức quốc tế.”

Mục 141 kêu gọi “sự hợp tác tốt hơn” giữa các thực tại mục vụ liên quan đến người trẻ — thừa tác vụ mục vụ cho người trẻ, gia đình, ơn gọi, đại học, xã hội, văn hóa, bác ái, giải trí v.v.. Văn bản viết, thật vậy, trong “thế giới bị phân mảnh này, nó tạo ra nhiều sự phân tán và nhiều thứ tư trang, cho nên người trẻ cần được giúp đỡ để biết làm hài hòa cuộc sống.”

Ông Paolo Ruffini cũng đề cập đến mục 119, nói đến khát khao của người trẻ được tham gia trong Thượng Hội đồng như là “những vai chính của cuộc sống và của sứ mạng của Giáo hội.” Các Nghị Phụ tin rằng đó là một lời kêu gọi “thực hành công đồng tính . . . ở mọi cấp độ,” cụ thể đó là “thúc đẩy sự tham gia của tất cả những người đã được rửa tội và những người thiện chí, mỗi người tùy vào tuổi tác, môi trường cuộc sống và ơn gọi.”

Ngoài ra, trong mục 17, các Nghị Phụ hy vọng lấy lại sự ưu tiên cho trách nhiệm thừa tác vụ và tinh thần của các linh mục, bằng cách giảm bớt những trách vụ quản lý, để có thêm thời gian và sức lực để phục vụ người trẻ. 

Cuối cùng, ngài Tổng trưởng của Bộ đề cập đến những đoạn nhấn mạnh về vai trò của phụ nữ (13, 55, 163), và đặc biệt là số 148, trong đó đề nghị “một sự thay đổi văn hóa đầy can đảm và một sự thay đổi trong cách thực hành thừa tác vụ hàng ngày,” để thăng tiến “sự có mặt của phụ nữ trong các tổ chức của hội thánh ở mọi cấp độ, trong đó có những vị trí trọng trách,” cũng như “sự tham gia của nữ giới trong các quy trình có tính quyết định của hội thánh, liên quan đến vai trò của thừa tác vụ chức thánh.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/10/2018]