Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, người tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên

Huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, người tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên

Huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, người tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên

Nhà thờ Chính tòa Syro-Catholic “Đức Bà Ơn Cứu rỗi” ở Baghdad

Thứ Sáu, 5 tháng Ba, 2021



Thưa Đức Thượng phụ, Thưa Đức Hồng y,
Thưa các linh mục và nữ tu sĩ,
Thưa anh chị em,

Tôi xin ôm lấy tất cả anh chị em với tâm tình của một người cha. Tôi cảm tạ Chúa, là Đấng qua sự quan phòng của Người, đã giúp chúng ta ngày hôm nay có thể gặp gỡ nhau. Tôi xin cảm ơn Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan và Đức Hồng Y Louis Sako vì những lời chào mừng của các ngài. Chúng ta đang họp nhau trong Nhà thờ Đức Bà ơn Cứu Rỗi này, trở nên thiêng liêng bởi máu của những anh chị em của chúng ta ở đây đã phải trả giá cuối cùng cho lòng trung thành với Chúa và Giáo hội của Người. Ước mong sự ghi nhớ về những hy sinh của họ truyền cảm hứng cho chúng ta để đổi mới niềm tin của chúng ta vào sức mạnh của thập giá và thông điệp cứu rỗi của sự tha thứ, hòa giải và tái sinh của thập giá. Vì người Kitô hữu được mời gọi làm chứng tá cho tình yêu của Chúa Kitô trong mọi lúc và mọi nơi. Đây là Tin Mừng cũng phải được loan báo và thể hiện trên đất nước thân yêu này.

Với tư cách là giám mục và linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo lý viên và ban trị sự giáo dân, tất cả anh chị em đều chia sẻ những niềm vui và đau khổ, những hy vọng và lo lắng của những người trung thành với Chúa Kitô. Nhu cầu của dân Chúa và những thách thức mục vụ khó khăn mà anh chị em phải đối mặt hàng ngày đã trở nên nặng nề hơn trong thời gian đại dịch này. Tuy nhiên, điều không bao giờ được phong tỏa hoặc hạn chế đó là lòng nhiệt thành tông đồ của chúng ta, với anh chị em nó được kín múc từ những cội nguồn xa xưa, từ sự hiện diện liên tục của Giáo hội ở những vùng đất này kể từ những thời kỳ sơ khai (xem BENEDICT XVI, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Ecclesia in Medio Oriente, 5). Chúng ta biết rằng virus của sự chán nản có những lúc dường như lây lan xung quanh chúng ta dễ dàng như thế nào. Tuy nhiên, Chúa đã ban cho chúng ta một loại vaccine hiệu quả chống lại loại virus khó chịu đó. Đó là niềm hy vọng được sinh ra từ việc liên lỷ cầu nguyện và lòng trung thành đối với việc tông đồ của chúng ta mỗi ngày. Với vaccine này, chúng ta có thể tiến bước với sức mạnh được đổi mới, để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng với tư cách là người môn đệ truyền giáo và là những dấu chỉ sống động cho sự hiện diện của vương quốc thánh thiện, công bằng và hòa bình của Thiên Chúa.

Thế giới xung quanh chúng ta rất cần được nghe thông điệp đó! Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa Kitô được rao truyền trên hết bằng chứng tá của những cuộc đời được biến đổi bởi niềm vui của Tin Mừng. Như chúng ta nhìn thấy trong lịch sử ban đầu của Giáo hội trong những vùng đất này, một đức tin sống động nơi Chúa Giêsu trở nên “lây nhiễm”; nó có thể thay đổi thế giới. Tấm gương của các thánh cho chúng ta thấy rằng vai trò môn đệ của người Kitô hữu “không những chỉ như một điều gì thực tế và đúng, mà còn như một điều gì đẹp đẽ, có khả năng đổ đầy đời sống bằng một sự huy hoàng mới và một niềm vui sâu thẳm, ngay cả giữa những khó khăn lớn” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 167).

Huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, người tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên

Khó khăn là một phần trong kinh nghiệm hàng ngày của người tín hữu Iraq. Trong những thập kỷ gần đây, anh chị em và đồng bào của mình đã phải đối phó với những hậu quả của chiến tranh và đàn áp, sự mong manh của cơ sở hạ tầng cơ bản và cuộc đấu tranh liên tục cho sự an toàn kinh tế và cá nhân, thường dẫn đến việc nhiều người phải di tản trong nước và di cư đến những nơi khác trên thế giới, trong đó có cả người Kitô hữu. Thưa các huynh đệ giám mục và linh mục, tôi cảm ơn anh em vì đã luôn gần gũi – gần gũi! – với người dân của anh em, hỗ trợ họ, cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ, và giúp họ thực hiện vai trò của mình trong việc làm vì ích chung. Các hoạt động tông đồ giáo dục và bác ái của các Giáo hội địa phương của anh em đại diện cho một nguồn mạch phong phú cho đời sống của cộng đoàn hội thánh và xã hội rộng lớn. Tôi động viên anh em hãy kiên trì trong những nỗ lực này, để bảo đảm rằng cộng đoàn Công giáo của Iraq, dù nhỏ bé như hạt cải (xem Mt 13,31-32), tiếp tục làm phong phú cho đời sống xã hội nói chung.

Tình yêu của Đức Kitô kêu gọi chúng ta gạt bỏ mọi hình thức quy ngã hoặc cạnh tranh; nó thúc đẩy chúng ta tiến đến sự hiệp thông phổ quát và thách đố chúng ta hình thành một cộng đồng anh chị em biết chấp nhận và chăm sóc lẫn nhau (xem Tông huấn Fratelli Tutti, 95-96). Đến đây tôi liên tưởng đến hình ảnh quen thuộc của tấm thảm. Các Giáo hội khác nhau hiện diện ở Iraq, mỗi Giáo hội đều có gia sản lịch sử, phụng vụ và tinh thần lâu đời, giống như rất nhiều sợi chỉ màu riêng lẻ, được đan kết với nhau, tạo nên một tấm thảm duy nhất vô cùng đẹp đẽ, một tấm thảm không những thể hiện tình huynh đệ của chúng ta mà còn chỉ về nguồn cội của nó. Vì chính Chúa là người nghệ sĩ đã hình dung ra tấm thảm này, kiên nhẫn đan dệt nó và cẩn thận sửa chữa lại, mong muốn chúng ta luôn đan kết mật thiết như những người con của Người. Từ đó, ước mong chúng ta khắc cốt ghi tâm lời khuyên bảo của Thánh Inhaxiô thành Antioch: “Đừng để những điều gây chia rẽ anh em tồn tại giữa anh em … nhưng hãy có chung một lời cầu nguyện, một tâm trí, một hy vọng, trong tình yêu và niềm vui” (Ad Magnesios, 6- 7: PL 5, 667). Chứng tá của sự hiệp nhất huynh đệ này trở nên quan trọng biết bao trong một thế giới rất thường xuyên bị phân mảnh và xé nát bởi sự chia rẽ! Mọi nỗ lực được thực hiện để xây dựng những nhịp cầu nối giữa các cộng đoàn và cơ sở hội thánh, giáo xứ và giáo phận sẽ đóng vai trò như một dấu hiệu tiên tri đối với Giáo hội ở Iraq và là một sự đáp lời hữu hiệu cho lời cầu nguyện của Chúa Giêsu rằng tất cả có thể nên một (xem Ga 17:21; Ecclesia in Medio Oriente, 37).

Huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, người tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên

Các mục tử và tín hữu, linh mục, tu sĩ và giáo lý viên cùng chia sẻ trách nhiệm thúc đẩy sứ mệnh của Giáo hội, dù theo những cách thức khác nhau. Đôi khi có thể nảy sinh những hiểu lầm và chúng ta có thể phải trải qua những căng thẳng nào đó; đó là những nút thắt cản trở việc đan dệt tình huynh đệ. Chúng là những nút thắt mà chúng ta mang trong mình; suy cho cùng, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tuy nhiên, những nút thắt này có thể được tháo cởi nhờ ân sủng, nhờ một tình yêu cao cả hơn; chúng có thể được nới lỏng nhờ liều thuốc tha thứ và nhờ sự đối thoại huynh đệ, nhờ việc kiên nhẫn mang gánh gánh nặng cho nhau (xem Gl 6: 2) và giúp nhau mạnh mẽ trong những thời điểm thử thách và khó khăn.

Ở đây, tôi muốn nói một lời đặc biệt với các giám mục huynh đệ. Tôi thích suy nghĩ về thừa tác vụ giám mục của chúng ta theo thuật ngữ gần gũi: chúng ta cần phải duy trì sự gần gũi với Chúa trong lời cầu nguyện, gần gũi với các tín hữu được giao phó cho chúng ta chăm sóc, và gần gũi với các linh mục của chúng ta. Đặc biệt gần gũi với các linh mục của anh em. Đừng để họ xem anh em chỉ là một người quản lý hay người điều hành, mà là những người cha thực sự, quan tâm đến hạnh phúc của họ, sẵn sàng hỗ trợ và động viên với trái tim rộng mở. Đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện của anh em, bằng thời gian của anh em, sự đánh giá cao của anh em đối với công việc của họ, và những cố gắng của anh em dẫn dắt sự phát triển của họ. Bằng cách này, đối với các linh mục của anh em, anh em sẽ trở thành dấu chỉ hữu hình và mẫu gương của Chúa Giêsu, là Người Mục Tử Nhân Lành, người biết đàn chiên của mình và hiến mạng sống cho chúng (xem Ga 10:14-15).

Thưa các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, các chủng sinh chuẩn bị cho thừa tác vụ trong tương lai: tất cả các con đã nghe thấy tiếng Chúa gọi trong lòng và giống như cậu Samuen và các con đã trả lời: “Dạ, con đây” (1 Sa 3: 4). Ước mong tiếng trả lời, mà cha mời gọi các con hãy đổi mới hàng ngày, dẫn dắt từng người các con trở nên can đảm và nhiệt thành chia sẻ Tin Mừng, luôn sống và bước đi trong ánh sáng của Lời Chúa mà chúng ta được ban ơn và có trách nhiệm công bố. Chúng ta biết rằng sự phục vụ của chúng ta chắc chắn cần phải có thành phần quản trị, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải dành toàn bộ thời gian cho các cuộc họp hoặc ngồi sau bàn làm việc. Điều quan trọng là phải đi ra giữa đoàn chiên của chúng ta và trao tặng món quà là sự hiện diện và đồng hành của chúng ta cho các tín hữu trong những thành phố và làng mạc của chúng ta. Cha đặc biệt nghĩ đến những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau: người trẻ tuổi, người già, người bệnh và người nghèo. Khi chúng ta phục vụ người lân cận bằng sự tận tụy như anh em đang làm, với tinh thần từ bi, khiêm nhường, nhân hậu và yêu thương, thì chúng ta đang thật sự phục vụ Chúa Giêsu, như chính Người đã nói với chúng ta (xem Mt 25,40). Và bằng cách phục vụ Chúa Giêsu nơi người khác, chúng ta khám phá ra niềm vui đích thực. Đừng bao giờ lùi bước khỏi dân thánh Chúa mà các con đã được sinh ra trong đó. Hãy nhớ đến những người mẹ và người bà của các con, như Thánh Phaolô nói là những người đã nuôi dạy các con trong đức tin (xem 2 Ti 1: 5). Hãy là những mục tử, những người phục vụ người dân, không phải là công chức. Hãy luôn là một phần của dân Chúa, không bao giờ tách rời như thể các con là một giai cấp đặc quyền. Đừng từ bỏ dòng dõi cao quý đó là dân thánh của Thiên Chúa.

Một lần nữa tôi xin đề cập đến những anh chị em của chúng ta đã chết trong vụ tấn công khủng bố ở Nhà thờ Chính tòa này cách đây khoảng mười năm và án phong chân phước đang được tiến hành. Cái chết của họ là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng việc kích động chiến tranh, thái độ thù hận, bạo lực hoặc đổ máu là không phù hợp với những giáo huấn tôn giáo đích thực (xem Tông huấn Fratelli Tutti, 285). Tôi cũng muốn tưởng nhớ đến tất cả các nạn nhân của bạo lực và sự ngược đãi, bất kể họ thuộc nhóm tôn giáo nào. Ngày mai tại Ur, tôi sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo hiện diện trên đất nước này, để một lần nữa tuyên bố niềm tin của chúng ta rằng tôn giáo phải phục vụ cho sự nghiệp hòa bình và hiệp nhất giữa tất cả con cái Chúa. Tối nay, tôi xin cảm ơn anh chị em vì đã nỗ lực để trở thành những người kiến tạo hòa bình, trong cộng đoàn của anh chị em và với những tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác, gieo hạt giống hòa giải và chung sống huynh đệ có thể dẫn đến sự tái sinh niềm hy vọng cho tất cả mọi người.

Huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, người tận hiến, chủng sinh, giáo lý viên

Ở đây tôi đặc biệt nghĩ đến những người trẻ tuổi. Người trẻ ở khắp nơi là một dấu hiệu của lời hứa và hy vọng, nhưng đặc biệt là ở đất nước này. Ở đây anh chị em không chỉ có những kho báu khảo cổ học vô giá, mà còn có kho báu vô giá cho tương lai: những người trẻ! Những người trẻ là kho báu của anh chị em; họ cần anh chị em chăm sóc cho họ, nuôi dưỡng những ước mơ của họ, đồng hành với sự trưởng thành của họ và nuôi dưỡng hy vọng của họ. Mặc dù họ còn trẻ tuổi, nhưng sự kiên nhẫn của họ đã bị thử thách rất nhiều bởi các cuộc xung đột trong những năm qua. Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng, cùng với những người cao tuổi, họ là điểm kim cương trên đất nước này, là hoa quả trù phú nhất của cây. Nó tùy thuộc vào việc chúng ta có trau giồi sự phát triển tốt lành của họ và nuôi dưỡng niềm hy vọng của họ.

Thưa anh chị em: trước hết qua phép rửa tội và phép thêm sức của anh chị em, và sau đó qua việc thụ phong hoặc tuyên khấn, anh chị em đã được thánh hiến cho Chúa và được sai đi làm môn đệ truyền giáo tại miền đất này gắn liền với lịch sử cứu độ. Anh chị em là một phần của lịch sử đó, trung thành làm chứng cho những lời hứa chắc chắn của Thiên Chúa khi anh chị em cố gắng xây dựng một tương lai mới. Cầu mong chứng tá của anh chị em, đã được trưởng thành qua nghịch cảnh và được làm vững mạnh bởi máu của các vị tử đạo, trở thành ánh sáng chiếu tỏa ở Iraq và xa hơn nữa để công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa và làm cho tinh thần của dân tộc này vui mừng trong Chúa là Đấng Cứu độ của chúng ta (xem Lc 1:46-47).

Một lần nữa cha cảm tạ vì chúng ta đã có thể ở bên nhau. Xin Đức Mẹ Ơn Cứu Rỗi và Thánh Tôma Tông đồ cầu bầu cho anh chị em và luôn bảo vệ anh chị em. Tôi chúc lành cho anh chị em và cộng đoàn của anh chị em. Và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/3/2021]


5 điều cần biết về chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq

5 điều cần biết về chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq

5 điều cần biết về chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq

TIZIANA FABI/AFP/East News

I.Media for Aleteia

04/03/21

Đây sẽ là chuyến đi thứ 33 của Đức Phanxicô ra ngoài nước Ý.

Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị bắt đầu chuyến tông du lần thứ 33 của ngài ra ngoài nước Ý, với chuyến đi đến Iraq từ ngày 5 đến 8 tháng Ba. Ngài sẽ là vị Kế nhiệm Thánh Phêrô đầu tiên đặt chân lên miền đất của Iraq.

Dưới đây là 5 điểm cần nhìn lại trong chuyến đi lịch sử này.


1- Iraq: chuyến đi được mong đợi từ lâu của Đức Gioan Phaolô II

Đức Thánh Cha Phanxicô đang trên bước đường làm hiện thực một ước mơ mà Đức Gioan Phaolô II đã không thể thực hiện được. Trong Năm Thánh 2000, Đức Giáo hoàng người Ba Lan đã lên kế hoạch đi đến Ur, cách khoảng 220 dặm về phía nam Baghdad, đến thăm viếng nơi Abraham, tổ phụ của những người tin, đã sinh sống. Vì những lý do an ninh và chính trị, ước mơ của ngài đã không thể thực hiện được.

Đây là một điều đau lòng mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghĩ đến. Vào đầu tháng Hai, ngài nói với các nhà báo Mỹ rằng đấng tiền nhiệm của ngài đã “khóc” vì không thể đặt chân lên vùng đất Lưỡng Hà. Ngài nói thêm rằng ngài không muốn người dân Iraq phải thất vọng lần thứ hai, đó thông điệp được ngài nhắc lại tại buổi tiếp kiến chung vào ngày 3 tháng Ba.

Đức ông Pascal Gollnisch, giám đốc của hội bác ái Oeuvre d’Orient vui mừng: “Thật là một dấu hiệu tuyệt vời khi ngài có thể đi đến quê hương của tổ phụ Abraham hai mươi năm sau mong ước của Đức Gioan Phaolô II. Vị trí của Ur là một điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ, một địa điểm mà ba tôn giáo độc thần có thể nhận ra những gì hợp nhất giữa họ, nghĩa là con cháu và tinh thần của tổ phụ Abraham. Đó sẽ là một trong những điểm nhấn của hành trình này”, vị Tổng đại diện của người Công giáo Đông phương tại Pháp nhấn mạnh.


2- Chuyến đi đầu tiên của giáo hoàng trong thời COVID-19

Ngày 26 tháng Mười Một năm 2019, khi đức giáo hoàng xuống máy bay đưa ngài trở về từ Nhật Bản và Thái Lan, không ai có thể ngờ rằng vị giáo hoàng người Argentina sẽ không thể đi tông du nước ngoài trong quãng thời gian hơn một năm. Thật vậy, cuộc khủng hoảng COVID-19, bắt đầu vài tuần sau đó, đã đặt nghi vấn về tất cả các chương trình cho những chuyến tông du của Giáo hoàng — chẳng hạn các chuyến đi đến Papua Tân Guinea và Indonesia đã phải hủy bỏ.

Đối với vị đứng đầu Giáo hội Công giáo, sự e sợ đó là sự hiện diện của ngài có thể dẫn đến các cuộc di chuyển của những đám đông lớn sẽ tạo điều kiện cho sự lây lan của dịch bệnh. “Thật lòng, tôi không thể tạo nên những cuộc tập trung đông người,” ngài nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng Giêng năm ngoái. Ngài thậm chí còn đề cập đến khả năng hoãn chuyến thăm Iraq, nếu tình hình sức khỏe đòi hỏi điều đó.


3- Mười lăm giờ trên máy bay, chín chuyến bay trong chương trình

Ở tuổi 84, Đức Giáo hoàng Phanxicô sắp thực hiện chuyến công du thứ 33 ra bên ngoài nước Ý. Gần đây, các hoạt động của ngài bị hạn chế bởi cơn đau thần kinh tọa tái phát, đức giáo hoàng sẽ phải lên và xuống máy bay hoặc trực thăng tới 9 lần. Ngoài 1.900 dặm (hơn 3.057km) mà ngài sẽ phải đi từ Roma đến Baghdad (cả đi về là 3.800 dặm), Đức Giáo hoàng người Argentina sẽ di chuyển gần 950 dặm (hơn 1258km) trong Iraq, đều đi bằng đường hàng không.

Ngài sẽ hai lần di chuyển trên trực thăng quân sự — đến Mosul và Qaraqosh. Ở Iraq, chuyến bay dài nhất sẽ mất hơn một giờ (Baghdad — Erbil); nhanh nhất là giữa Mosul và Qaraqosh, sẽ chỉ mất 20 phút. Chỉ trong 4 ngày nữa, vị Giám mục Roma sẽ trải qua khoảng 15 giờ trên bầu trời.


4- Những điều kiện sức khỏe và an toàn (rất) bấp bênh

Một đợt bùng phát COVID-19 đang tăng trở lại và các sự cố an ninh nghiêm trọng… Chuyến thăm Iraq của Đức Giáo hoàng diễn ra trong những hoàn cảnh tế nhị, đó là cách nói giảm thiểu. “Chúng tôi còn xa mới có được những kịch bản tốt nhất,” một người thạo tin đất nước nói. Trước hết, về mặt sức khỏe, khi số ca mắc mới đã xuống mức rất thấp vào giữa tháng Một, thì đường cong rõ ràng đã đảo ngược và gây lo lắng cho các nhà chức trách, những người đã thực hiện các biện pháp hạn chế (giới nghiêm và ở tại nhà vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật cho đến khi kết thúc chuyến thăm của Giáo hoàng vào ngày 8 tháng Ba).

Về mặt an ninh, vụ đánh bom cảm tử ở trung tâm Baghdad vào ngày 21 tháng Một và các cuộc tấn công bằng tên lửa vào giữa tháng Hai ở khu vực Erbil — nơi Đức Giáo hoàng sẽ cử hành thánh lễ trong một sân vận động — minh họa cho sự bất ổn của một quốc gia đã nghe âm thanh của vũ khí trong rất nhiều năm.

“Dĩ nhiên, bối cảnh là đặc biệt, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng nếu Đức Giáo hoàng đến Iraq, đó là vì đất nước đang đau khổ,” Tu huynh Olivier Poquillon Dòng Đa Minh đến từ Mosul nói. “Bạn biết đấy, ở phương Đông, khi bạn muốn tôn vinh người khác, bạn không mời họ đến nhà của mình, mà bạn đến gặp họ. Đây chính là điều mà Đức Giáo hoàng muốn làm: đến thăm các thành viên đau khổ trong gia đình của ngài,” vị tu sĩ nói tiếp và xác định chuyến đi này là “một chuyến thăm của lòng trắc ẩn”.


5- Một cuộc gặp gỡ lịch sử trong chương trình

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của người Hồi giáo dòng Shiite trên thế giới chắc chắn sẽ là một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm của Giáo hoàng. Vào ngày 6 tháng Ba, một ngày sau khi đến Iraq, Đức Giáo hoàng người Argentina sẽ gặp ngài Đại Ayatollah al-Sistani, 90 tuổi, tại nơi ở khiêm tốn của ngài ở Najaf, một thành thiêng liêng của người Hồi giáo Shiite, nơi có lăng mộ của Đức Imam Ali.

Trong khi dự kiến sẽ không có tuyên ngôn chung vào cuối cuộc họp — như trường hợp giữa Đức Giáo hoàng và nhà lãnh đạo Sunni al-Tayyeb vào năm 2019 — cuộc họp này có ý nghĩa rất quan trọng.

Cha Christopher Clohessy, giáo sư tại Học viện Giáo hoàng Nghiên cứu về Ả Rập và Hồi giáo học (PISAI) cho biết: “Đối với Hồi giáo Shia, ngày nay đã trở thành thiểu số, cuộc gặp gỡ này với Đức Giáo hoàng Phanxicô là quan trọng vì nó có nghĩa là toàn thể gia đình Hồi giáo đều được xét đến.” Vị học giả lỗi lạc về Hồi giáo Shia nói rằng bằng cử chỉ này, Đức Giáo hoàng “đang gửi một thông điệp đến người Shia rằng họ không bị lãng quên và đảm bảo với họ rằng họ là một phần không thể thiếu của tiến trình đối thoại và hòa bình trên thế giới.”

Quý vị xem thêm thông tin về chuyến đi ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/3/2021]