Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Sứ mạng của Giáo hội rao giảng Tin mừng cho các dân tộc

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Sứ mạng của Giáo hội rao giảng Tin mừng cho các dân tộc
Angelus - Copyright: Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Sứ mạng của Giáo hội rao giảng Tin mừng cho các dân tộc

“Sứ mạng loan báo cho tất cả mọi người rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Người muốn giải thoát chúng ta, và kêu gọi chúng ta tạo thành một phần trong Vương quốc của Người”

07 tháng Bảy, 2019 14:27

Dưới đây là bản dịch của ZENIT (tiếng Anh) huấn từ Đức Thánh Cha hôm nay trước và sau giờ đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trang phúc âm hôm nay (x. Lc 10:1-12.17-20) kể về việc Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ của Ngài ra đi thực hiện sứ mạng rao giảng, cùng với các Tông đồ. Con số bảy mươi hai có lẽ chỉ tất cả mọi dân tộc. Thật vậy, trong Sách Sáng Thế bảy mươi hai dân tộc khác nhau đã được nói đến (x. 10:1-32). Do đó, việc sai đi này báo trước sứ mạng của Giáo hội loan báo Tin mừng cho mọi dân tộc. Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người” (c. 2).

Yêu cầu này của Chúa Giê-su luôn luôn có hiệu lực. Chúng ta phải luôn cầu xin “Chủ ruộng,” tức là Thiên Chúa Cha, sai những người thợ đến làm việc trong cánh đồng của Người, đó chính là thế giới. Và mỗi người chúng ta phải thực hiện việc đó với một tâm hồn rộng mở, với một thái độ thừa sai. Lời cầu nguyện của chúng ta không chỉ giới hạn riêng cho những nhu cầu của mình, cho những điều mình cần: một lời cầu nguyện mang tính Ki-tô giáo thật sự khi nó cũng bao gồm chiều kích hoàn vũ.

Khi sai bảy mươi hai môn đệ, Chúa Giê-su trao cho họ những hướng dẫn cụ thể, nó diễn tả những đặc tính của sứ mạng. Thứ nhất là cầu nguyện; — như chúng ta đã biết — thứ hai là ra đi; rồi sau đó: không mang theo túi tiền, bao bị …; hãy nói: “Bình an cho nhà này” … Chữa lành người đau yếu và nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông,” và nếu họ không tiếp đón anh em, hãy ra ngoài đường và bỏ đi (x. cc. 2-10). Những mệnh lệnh này cho thấy sứ mạng được đặt nền tảng trên sự cầu nguyện; sự ra đi: không ở nguyên một chỗ, mà là lên đường; đòi hỏi sự buông bỏ và nghèo khó; mang đến sự bình an và chữa lành, dấu chỉ của sự gần gũi của Nước Thiên Chúa, nó không phải là chủ nghĩa chiêu dụ tín đồ nhưng là công bố và làm chứng nhân, và nó cũng đòi hỏi sự ngay thẳng và tự do rời bỏ, chứng tỏ trách nhiệm của người chối bỏ thông điệp cứu độ, nhưng không kết án hoặc nguyền rủa.

Nếu sống theo như vậy, sứ mạng của Giáo hội sẽ mang đậm nét đặc trưng là niềm vui: “Nhóm Bảy Mươi Hai trở về đầy hớn hở” (c. 17), tác giả Tin mừng ghi chú. Nó không phải là một niềm vui chóng qua sinh ra từ sự thành công của sứ mạng. Ngược lại, nó là niềm vui xuất phát từ lời hứa — lời hứa Chúa Giê-su nói — “tên anh em đã được ghi trên Trời” (c. 20). Bằng cách diễn đạt này Người có ý nói đến niềm vui trong tâm hồn và không thể hủy diệt được xuất phát từ ý thức đã được Thiên Chúa kêu gọi để đi theo Con của Ngài, tức là niềm vui được làm môn đệ của Người. Chẳng hạn, hôm nay mỗi người chúng ta ở đây trong Quảng trường này hãy nghĩ đến tên chúng ta được lãnh nhận vào ngày Rửa tội: tên đó đã được “ghi trên Trời,” trong Tâm hồn của Thiên Chúa Cha. Và chính niềm vui của ơn sủng này làm cho mỗi người môn đệ trở thành một người rao giảng, trở thành một người cùng bước đi trong cộng đoàn của Chúa Giê-su, trở thành người học từ Ngài trao tặng bản thân cho người khác mà không níu giữ lại cho mình, tự do thoát khỏi cái tôi và của cải sở hữu.

Chúng ta hãy khẩn xin sự bảo trợ theo tình mẫu tử của Mẹ Maria Rất Thánh, xin Mẹ luôn giữ vững vàng cho những môn đệ Được Sai đi của Đức Ki-tô ở mọi nơi; sứ mạng loan báo cho mọi người rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Người muốn giải thoát chúng ta và kêu gọi chúng ta tạo thành một phần trong Vương quốc của Người.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến,

Dù nhiều ngày đã trôi qua, cha vẫn mời gọi anh chị em cầu nguyện cho những người nghèo, những người không được cứu giúp đã bị giết hoặc bị thương trong vụ không kích tấn công vào một trung tâm giam giữ ở Libya. Cộng đồng Quốc tế không thể khoan dung cho những biến cố xấu xa như vậy. Cha cầu nguyện cho các nạn nhân: xin Thiên Chúa của sự bình an đón nhận những người đã chết về với Người và giữ vững tinh thần cho những người bị thương. Tôi hy vọng rằng những hành lang nhân đạo cho các người di cư thiếu thốn nhất được tổ chức theo cách mở rộng và hài hòa. Cha cũng cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ thảm sát được thực hiện gần đây ở Afghanistan, Mali, Burkina Faso và Niger. Chúng ta cùng cầu nguyện.

[Phút thinh lặng]

Cha gửi lời chào nồng ấm đến tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương! Cha gửi lời chào các sinh viên của “Trường Thánh Ignatio Cleveland (Hoa kỳ), giới trẻ của Basiasco và Mairago, và các linh mục tham dự khóa tập huấn được tổ chức bởi Học viện “Sacerdos” của Roma. Cha xin chào cộng đoàn Eritrea ở Roma; anh chị em thân mến, cha cầu nguyện cho dân tộc của anh chị em. Và cha xin chào rất nhiều người Ba lan đang đứng ở phía trước mặt đây!

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin, đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/7/2019]


Tại Li-băng, những ký ức đau thương đánh dấu kỷ niệm những vụ tấn công kinh hoàng vào ngôi làng người Ki-tô giáo

Tại Li-băng, những ký ức đau thương đánh dấu kỷ niệm những vụ tấn công kinh hoàng vào ngôi làng người Ki-tô giáo
El-Kaa.Com

Tại Li-băng, những ký ức đau thương đánh dấu kỷ niệm những vụ tấn công kinh hoàng vào ngôi làng người Ki-tô giáo

‘Tôi không bao giờ nghĩ rằng những cảnh đẫm máu của Fallujah và Afghanistan lại xảy ra tại quê nhà.’

04 tháng Bảy, 2019 11:26
El-Kaa là một ngôi làng nhỏ có 2.500 người Ki-tô giáo thuộc vùng đông bắc Li-băng, gần với biên giới Syria. Dân số địa phương tăng vọt lên do sự di cư của khoảng 1.500 người Ki-tô hữu Syria chạy trốn cuộc nội chiến tại đất nước họ. Một nhà báo trẻ, làm việc tại Beirut, lớn lên ở El-Kaa, là ngôi làng với cư dân hầu hết là người Melkites. Chị nói với Tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn về những vụ tấn công của Hồi giáo vào ngôi làng ba năm trước, và hàng năm kỷ niệm về những người chết đều mang lại những ký ức cay đắng:

“Ngày 27 tháng Sáu năm 2016, tôi tỉnh giấc vì nhiều tin nhắn gửi đến điện thoại của tôi. Tin nhắn đầu tiên tôi đọc cho biết rằng họ đang cần máu trong tất cả các bệnh viện trong vùng, và ngay lập tức tôi biết rằng một chuyện kinh hoàng đã xảy ra. Tôi xuống giường và đi sang phòng khách, tại đó TV đang chiếu cảnh huyên náo; nét mặt mẹ tôi tái nhợt. Tôi đọc dòng tiêu đề: mấy giờ trước, lúc 5 giờ sáng, ngôi làng El-Kaa của tôi đã bị tấn công bởi bốn tên khủng bố. Năm người bị giết; nhiều người bị thương. Tôi theo dõi báo cáo của các giới chức và chính trị gia đến làng của chúng tôi và động viên chúng tôi cứ ở lại trong làng.

“Đó là ngày tồi tệ nhất trong đời tôi. Tôi nản lòng, buồn, và tuyệt vọng. Tôi không bao giờ nghĩ rằng những cảnh đẫm máu của Fallujah và Afghanistan lại xảy ra ở quê nhà.

“Khi cuộc chiến Syria bắt đầu, vùng này trở thành điểm nóng. Tại biên giới giữa Li-băng và Syria, có những vụ đụng độ giữa quân đội Syria, Quân đội Syria Tự do, và các nhóm Hồi giáo khác nhau. Hơn 30.000 người tị nạn Syria đến sống tại các trại trên các khu đất nông nghiệp chia cách ngôi làng của tôi với Syria. Khi quân đội Syria tăng thêm sức mạnh, sự nguy hiểm lại càng tăng cao. Pháo kích từ mọi phía rơi xuống chúng tôi, sự nguy hiểm luôn rình rập cuộc sống của chúng tôi.

“Vào cuối ngày định mệnh đó, cho dù đã có những đề phòng về an ninh, bốn kẻ đánh bom cảm tử lọt vào El-Kaa khoảng 10 giờ đêm và kích nổ bom trên người gần Nhà thờ Thánh Elias, nơi mọi người đang tập trung. Không ai tử vong, nhưng hơn 20 người bị thương. Tôi không thể miêu tả cảnh tượng của Kaa trong những ngày sau đó: các đường phố vắng ngắt; không ai dám ngồi trên ban công; một số gia đình bỏ chạy sang Beirut.

“Lúc đó, mẹ tôi đang bệnh, vì vậy tôi không thể trở về làng trong hai tuần lễ. Cuối cùng khi tôi trở về, tôi kinh hoàng về những gì nhìn thấy. Máu và thịt người phủ khắp các bức tường gần Nhà thờ Thánh Elias; mọi người hiếm khi rời khỏi nhà. Nếu có thì chỉ để đi mua thực phẩm trong ngày. Vì vậy, vào ban đêm, khi mọi sự trở nên hoàn toàn im ắng, tôi lái xe trên đường và bật nhạc thật lớn. Tôi muốn thách thức nỗi sợ hãi của riêng mình và của người khác. Tôi muốn chứng minh rằng El-Kaa vẫn còn sống.

“Ba năm đã trôi qua, và dù thời gian không thể làm dịu cơn đau của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn sống, và chúng tôi phải tạ ơn Chúa vì điều đó. Người trao sự sống cho chúng tôi để chúng tôi có thể duy trì Ki-tô giáo ở đây và dạy cho người khác biết rằng sự bền chí là điểm cốt lõi trong đức tin của chúng tôi. Chúng tôi bước đi theo những bước chân của Đức Ki-tô, tin tưởng nơi Ngài và bản thân chúng tôi.”

Tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn đã giúp các Ki-tô hữu ở El-Kaa trong mấy năm theo nhiều cách khác nhau, trợ cấp lương thực cũng như giúp họ chi trả cho nhiên liệu sử dụng trong mùa đông.

Khouloud Tawm viết cho Tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn, một tổ chức bác ái Công giáo quốc tế hỗ trợ cho những người đau khổ và bị bắt bớ ở trên 140 quốc gia. www.churchinneed.org (Hoa kỳ); www.acnuk.org (Anh); www.aidtochurch.org (Úc); www.acnireland.org (Ireland); www.acn-aed-ca.org (Canada)



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/7/2019]