Thứ Năm, 23 tháng 1, 2020

TIẾP KIẾN CHUNG: Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Ki-tô hữu - ‘Họ đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có’ (Cv 28: 2)

TIẾP KIẾN CHUNG: Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Ki-tô hữu - ‘Họ đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có’ (Cv 28: 2)
© Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Ki-tô hữu - ‘Họ đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có’ (Cv 28: 2)

‘Ước mong mẫu gương của vị Tông đồ Dân ngoại hỗ trợ chúng ta trong sứ mạng loan báo ơn Cứu độ của Đức Ki-tô cho muôn dân, cam kết với mọi sức lực của chúng ta’

22 tháng Một, 2020 13:20

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:15 sáng trong Khán phòng Phaolo VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung nói về Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Ki-tô hữu, “Họ đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có,” (x. Cv 28:2).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình và đối thoại nhân dịp Tết Âm lịch, sẽ được mừng vào ngày 25 tháng Giêng.

Buổi Tiếp Kiến Chung được kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Bài giáo lý hôm nay hợp với Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Ki-tô hữu. Chủ đề năm nay là lòng hiếu khách, là điều được thực hiện bởi các cộng đồng Man-ta và Gozo, trích đoạn sách Công vụ Tông đồ nói về lòng hiếu khách của cư dân đảo Man-ta dành cho Thánh Phaolo và những bạn đồng hành của ngài, bị đắm tàu cùng với ngài. Và cha đã nói về chương này trong bài giáo lý cách đây hai tuần.

Vì thế, chúng ta bắt đầu trở lại từ kinh nghiệm đắm tàu kinh hoàng. Con tàu Thánh Phaolo đi mang đầy yếu tố của lòng thương xót. Họ bị trôi dạt trên biển suốt mười bốn ngày, và do không thể nhìn thấy mặt trời hay các vì sao, các người đi tàu bị mất phương hướng, bị lạc đường. Bên dưới họ sóng biển hùng hổ quật vào con tàu, và họ sợ rằng nó sẽ bị vỡ tan trước sức mạnh của những con sóng. Phía trên, gió và mưa quật vào họ. Sức mạnh của biển và giông tố thật quá mạnh mẽ và tàn nhẫn trước vận mệnh của những người đi biển: có tất cả 260 người!

Tuy nhiên, Phaolo là người biết rằng chuyện không phải như vậy. Đức tin nói cho ông biết rằng sự sống của ông ở trong bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đã cho Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, và Đấng đã gọi ông, Phaolo, hãy đem Tin mừng đến tận cùng trái đất. Đức tin cũng nói với ông rằng Thiên Chúa là một người Cha đầy lòng yêu thương, như những gì Chúa Giê-su đã mặc khải. Vì thế, Phaolo quay sang những người bạn đồng hành, và được niềm tin thúc đẩy, ông tuyên bố rằng Thiên Chúa sẽ không cho phép một sợi tóc trên đầu họ bị mất.

Lời tiên tri trở thành sự thật khi con tàu mắc cạn trên bờ biển đảo Man-ta và tất cả mọi người trên tàu chạm đất liền an toàn và khỏe mạnh. Và ở đó họ trải nghiệm một điều hoàn toàn mới. Đối lại với sự hung hãn ác liệt của biển trong cơn bão, họ đón nhận được “lòng tốt hiếm có” của cư dân trên đảo. Những con người này, hoàn toàn xa lạ với họ, thể hiện sự quan tâm trước những nhu cầu của họ. Người ta đốt một đống lửa để họ có thể sưởi ấm; người ta cung cấp cho họ chỗ ở để tránh mưa và lương thực. Dù họ vẫn chưa đón nhận Tin Vui của Đức Ki-tô, họ thể hiện tình yêu của Thiên Chúa qua những hành động tốt lành cụ thể. Quả thật, sự hiếu khách tự nhiên và những cử chỉ quan tâm truyền tải dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Và lòng hiếu khách của cư dân đảo Man-ta được đền đáp bằng những phép lạ chữa lành mà Thiên Chúa thực hiện trên đảo qua Thánh Phaolo. Vì vậy, nếu người dân của đảo Man-ta là dấu chỉ sự quan phòng của Thiên Chúa cho Thánh Tông đồ, thì ngài cũng là một chứng nhân cho tình yêu xót thương của Thiên Chúa dành cho họ.

Anh chị em thân mến, lòng hiếu khách là quan trọng, và cũng là một thói quen đại kết quan trọng. Trước hết, nó có nghĩa nhận biết rằng những người Ki-tô hữu khác thật sự là anh chị em của chúng ta trong Đức Ki-tô. Chúng ta là anh em. Có thể có người nói với anh chị em: “Nhưng ông ta là người Tin lành, ông ta là người Chính thống …”. Đúng, nhưng chúng ta là anh em trong Chúa Ki-tô. Nó không phải là hành động quảng đại một chiều, vì khi chúng ta đón tiếp những Ki-tô hữu khác là chúng ta chào đón họ như một món quà ban cho chúng ta. Cũng như người Man-ta — những người Man-ta tốt lành — chúng ta sẽ được đền đáp, vì chúng ta đón nhận những gì Chúa Thánh Thần đã gieo trong người anh chị em của chúng ta, vì Chúa Thánh Thần cũng phân phát ân sủng của Người khắp mọi nơi. Trước hết, đón nhận những người Ki-tô hữu theo truyền thống khác là thể hiện tình yêu của Chúa dành cho họ, vì họ cũng là con cái của Chúa — là anh em của chúng ta –, ngoài ra, nó còn hàm ý là đón nhận những gì Chúa đã thực hiện trong cuộc sống của họ. Lòng hiếu khách đại kết cần có sự sẵn sàng lắng nghe người khác, quan tâm đến những câu chuyện đức tin của cá nhân họ và câu chuyện của cộng đoàn đức tin với truyền thống khác của họ, khác với chúng ta. Lòng hiếu khách đại kết hàm ý khao khát muốn hiểu biết kinh nghiệm của những Ki-tô hữu khác về Thiên Chúa và mong nhận được những món quà tinh thần xuất phát từ điều đó. Và đây là một ân sủng; để khám phá đây là một món quà. Chẳng hạn cha nghĩ đến những thời gian trong quá khứ ở đất nước của cha. Khi một số nhà truyền giáo Tin lành Phúc âm đến, một nhóm ít người Công giáo đến đốt lều của họ. Điều này là không được; đó không phải là Ki-tô hữu. Chúng ta là anh em, tất cả chúng ta đều là anh em và chúng ta phải thể hiện lòng hiếu khách với nhau.

Ngày nay, vùng biển mà Thánh Phaolo và những bạn đồng hành của ngài bị đắm tàu một lần nữa trở thành nơi nguy hiểm cho sinh mạng của những người đi biển. Trên khắp thế giới những người di cư nam và nữ chống chọi với những chuyến đi liều lĩnh để trốn chạy khỏi bạo lực, để trốn chạy khỏi chiến tranh, để trốn chạy khỏi sự nghèo khổ. Cũng như Phaolo và những bạn đồng hành của ngài, họ gặp phải sự thờ ơ, sự thù địch của những sa mạc, của những con sông, của biển cả … Quá nhiều lần họ không được phép cập bến vào các cảng. Nhưng thật đáng buồn, đôi khi họ vấp phải sự thù địch còn tồi tệ hơn của con người; những kẻ tội phạm buôn người bóc lột họ: ngày nay đó! Một số người cai trị chỉ xem họ như những con số và như một sự đe dọa: hôm nay đó! Đôi khi sự lạnh nhạt từ chối họ như một con sóng xô họ vào nghèo khổ hoặc những mối hiểm nguy mà họ đã phải chạy trốn.

Là người Ki-tô hữu, chúng ta phải cùng nhau hành động để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ qua Đức Giê-su Ki-tô cho những người di cư. Chúng ta có thể và phải làm chứng rằng không chỉ có sự thù địch và thờ ơ, nhưng mỗi con người đều quý giá trước mặt Chúa và được Người yêu thương. Những chia rẽ vẫn còn tồn tại giữa chúng ta ngăn trở khiến chúng ta không thể trở thành một dấu chỉ trọn vẹn cho tình yêu của Thiên Chúa. Cùng nhau hoạt động để sống lòng hiếu khách đại kết, đặc biệt đối với những người mà sự sống của họ dễ bị xúc phạm, sẽ làm cho tất cả chúng ta trở thành người Ki-tô hữu — Tin lành, Chính thống giáo, Công giáo, tất cả là Ki-tô hữu — những con người tốt lành hơn, những môn đệ tốt hơn và là một dân tộc Ki-tô giáo hiệp nhất hơn. Nó sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với sự hiệp nhất, đó là Ý định của Thiên Chúa cho chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Lời chúc Tết và kêu gọi của Đức Thánh Cha

Ngày 25 tháng Một sắp tới, ở vùng Viễn Đông và nhiều nơi khác trên thế giới, hàng triệu người nam và nữ sẽ đón mừng Năm mới Âm lịch. Cha xin gửi đến họ lời chào nồng ấm, đặc biệt chúc các gia đình trở thành nơi giáo dục các nhân đức của lòng hiếu khách, của sự khôn ngoan, của lòng tôn trọng mọi người và của sự hòa hợp với tạo vật.

Cha cũng mời gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho hòa bình, cho đối thoại và cho tình đoàn kết giữa các dân tộc: là những món quà mà thế giới ngày nay cần hơn bao giờ hết.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/1/2020]


Bổ nhiệm Thành viên thường trực của Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội

Bổ nhiệm Thành viên thường trực của Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội
Professor Dani Rodrik - Wikipedia

Bổ nhiệm Thành viên thường trực của Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội

Giáo sư Dani Rodrik Đại học Harvard

21 tháng Một, 2020 16:13
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Giáo sư Dani Rodrik người Thổ Nhĩ kỳ, giáo sư kinh tế củaTrường John F. Kennedy thuộc Ford Foundation của Chính phủ tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ, làm thành viên thường trực Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội.

Giáo sư Dani Rodrik

Giáo sư Dani Rodrik sinh tại Istanbul ngày 14 tháng Tám năm 1957. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Robert ở Istanbul, ông nhận Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Princeton. Ông là giáo sư môn kinh tế quốc tế tại Trường John F. Kennedy của Chính phủ thuộc Ford Foundation tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ; trước đây ông là Giáo sư Albert O. Hirschman tại Trường Khoa học Xã hội thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển tại Princeton (2013-2015). Ông là đồng quản lý mạng lưới Ngành Kinh tế học cho Sự Thịnh vượng Bao gồm (EfIP) và là chủ tịch đắc cử của Hiệp hội Kinh tế Quốc tế. Ông đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế bền vững, toàn cầu hóa và kinh tế chính trị; ông được biết đến nhiều nhất về công cuộc công nghiệp hóa, các chính sách phát triển và kinh tế chính trị toàn cầu hóa; và sản phẩm sách vở của ông về lĩnh vực này thật đáng kể. Trong số nhiều danh hiệu đạt được, ông đã nhận được Giải thưởng Albert O. Hirschman, Giải thưởng của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội (New York, 2007) và Giải thưởng Leontief vì sự phát triển những biên giới tư tưởng kinh tế, phát triển toàn cầu và môi trường (2002).



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/1/2020]