Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha giờ Kinh Truyền Tin: Mùa vọng là thời gian chuẩn bị đón Chúa

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha giờ Kinh Truyền Tin: Mùa vọng là thời gian chuẩn bị đón Chúa

© Vatican Media

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha giờ Kinh Truyền Tin: Mùa vọng là thời gian chuẩn bị đón Chúa

'Hành trình Đức tin này là hành trình sám hối’

06 tháng Mười Hai, 2020 14:28

JIM FAIR


Mùa Vọng là thời gian để các tín hữu chuẩn bị đón Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu trong huấn từ của ngài ngày 6 tháng Mười Hai năm 2020, trước giờ Kinh Truyền Tin với những người hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Khi phân tích lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả (Mc 1: 1-8), Đức Thánh Cha nhắc nhở những người có mặt trong quảng trường và theo dõi qua truyền thông xã hội rằng Mùa Vọng là “hành trình đức tin là hành trình sám hối”. Thật vậy, Gioan đã rao giảng về sự sám hối và ăn năn tội lỗi.

Đức Thánh Cha nói, “Việc lãnh nhận phép rửa là một dấu chỉ bên ngoài và hữu hình của sự sám hối của những người đã nghe lời giảng dạy của ngài và quyết định ăn năn. Phép rửa đó diễn ra khi dìm mình xuống dòng nước sông Giođan, nhưng nó cho thấy vô ích; nó chỉ là một dấu hiệu và sẽ là vô ích nếu không có sự dốc lòng ăn năn và thay đổi cuộc sống của một người.”

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói rằng những người có mặt trong Quảng trường Thánh Phêrô là rất “can đảm” bất chấp thời tiết xấu, một cơn mưa lạnh của Roma. Và ngài chỉ vào cây thông Giáng sinh ở quảng trường như một dấu hiệu của niềm hy vọng trong thời gian thử thách của đại dịch.


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: Bản tiếng Anh).


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật này (Mc 1: 1-8) giới thiệu con người và công việc của Gioan Tẩy Giả. Ngài vạch ra cho những người đương thời của ngài một hành trình đức tin tương tự như hành trình mà Mùa Vọng đề nghị cho chúng ta: đó là chúng ta chuẩn bị tinh thần để đón Chúa trong ngày Lễ Giáng Sinh. Hành trình đức tin này là hành trình sám hối. Từ ‘sám hối’ có nghĩa là gì? Trước hết, trong Kinh Thánh nó có nghĩa là thay đổi hướng đi và định hướng; và do đó cũng thay đổi cách suy nghĩ của con người. Trong đời sống luân lý và thiêng liêng, sám hối có nghĩa là biến mình từ ác thành thiện, từ tội lỗi thành yêu mến Thiên Chúa. Và đây là điều mà Gioan Tẩy Giả giảng dạy, người trong sa mạc Giuđê đã “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (câu 4). Việc lãnh nhận phép rửa là một dấu chỉ bên ngoài và hữu hình cho sự sám hối của những người đã nghe lời giảng dạy của ngài và quyết định ăn năn. Phép rửa đó diễn ra khi dìm mình xuống dòng nước sông Giođan, nhưng nó cho thấy vô ích; nó chỉ là một dấu hiệu và sẽ là vô ích nếu không có sự dốc lòng ăn năn và thay đổi cuộc sống của một người.

Sự sám hối bao gồm nỗi buồn phiền vì những tội lỗi đã phạm, khao khát được giải thoát khỏi chúng, quyết tâm mãi mãi loại trừ chúng ra khỏi cuộc sống mình. Để loại trừ tội lỗi, cũng cần phải loại bỏ tất cả những gì liên quan đến tội lỗi; những thứ có liên quan đến tội lỗi cần phải bị gạt bỏ – một não trạng theo thế gian, quá coi trọng tiện nghi, quá coi trọng khoái lạc, sự sung túc, của cải. Tấm gương minh họa cho điều này một lần nữa đến với chúng ta từ đoạn Tin Mừng hôm nay về con người của Gioan Tẩy Giả: một con người giản dị từ bỏ sự dư thừa và tìm kiếm điều trọng yếu. Đây là khía cạnh đầu tiên của sự sám hối: xa lánh khỏi tội lỗi và tính thế gian: Bắt đầu một hành trình tách ra khỏi những điều này.

Khía cạnh khác của sự sám hối là mục đích của hành trình, tức là tìm kiếm Thiên Chúa và vương quốc của Ngài. Tách ra khỏi những thứ thuộc thế gian và tìm kiếm Thiên Chúa và vương quốc của Ngài. Từ bỏ những tiện nghi và tâm lý thế gian không phải là chấm dứt chính nó; nó không phải là sự khắc khổ để làm việc đền tội: người Kitô hữu không phải là một “nhà tu phái khắc kỷ’. Nó là một điều khác. Sự xa lánh không phải là kết thúc mà là một phương cách để đạt được điều vĩ đại hơn, đó là Nước Thiên Chúa, hiệp thông với Chúa, tình bạn với Chúa. Nhưng điều này không dễ dàng, vì có nhiều mối dây ràng buộc chúng ta chặt chẽ với tội; điều đó không dễ dàng … Cám dỗ luôn lôi xuống, kéo xuống, và từ đó những mối dây ràng buộc chúng ta gần gũi với tội: sự bất trung, sự chán nản, hận thù, môi trường bất thiện, gương xấu. Đôi khi sự khao khát của chúng ta đối với Chúa quá yếu ớt và dường như Chúa im lặng; những lời hứa an ủi của Ngài dường như xa vời và không thực tế đối với chúng ta, giống như hình ảnh người chăn chiên quan tâm và chăm sóc, lại vang lên hôm nay trong bài đọc của Tiên tri Isaia (40: 1,11). Và vì vậy người ta bị cám dỗ để nói rằng không thể sám hối thật sự được. Chúng ta rất thường nghe thấy sự ngã lòng này! “Không, tôi không thể làm được. Tôi gần như vừa mới bắt đầu, và rồi tôi lại quay trở lại”. Và điều này thật tệ. Nhưng có thể được. Điều đó là có thể. Khi anh chị em có suy nghĩ chán nản như vậy thì đừng dừng ở đó, bởi vì nó là vũng cát lún. Nó là vùng cát lầy: vùng cát lún nguy hiểm của cuộc sống tầm thường. Đây là sự tầm thường. Chúng ta có thể làm gì trong những trường hợp này, khi một người muốn cất bước lên đường nhưng lại cảm thấy mình không thể làm được? Trước hết, hãy nhắc nhở bản thân rằng sám hối là một ơn: không ai có thể sám hối bằng sức riêng của mình. Đó là một ơn mà Chúa ban cho anh chị em, và do đó chúng ta cần phải tha thiết cầu xin Chúa. Khẩn xin Chúa biến đổi chúng ta đến mức độ mà chúng ta biết mở lòng đón nhận vẻ đẹp, sự tốt lành, sự nhân hậu của Chúa. Hãy nghĩ đến sự nhân hậu của Chúa. Chúa không phải là một người cha xấu xa, một người cha không tốt, không. Ngài dịu dàng. Ngài quá yêu thương chúng ta, giống như Người Chăn chiên Nhân lành, người đi tìm thành viên cuối cùng trong đàn chiên của mình. Đó là tình yêu, và đây là sự sám hối: ân sủng của Thiên Chúa. Anh chị em bắt đầu bước đi, vì chính Ngài là người thúc đẩy anh chị em tiến bước, và anh chị em sẽ thấy Ngài sẽ đến nơi như thế nào. Hãy cầu nguyện, hãy tiến bước, và anh chị em sẽ luôn tiến về phía trước.

Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Đấng mà chúng ta sẽ mừng kính trong hai ngày tới là Đức Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, giúp chúng ta ngày càng tránh xa khỏi tội lỗi và tính thế gian, để mở lòng ra với Thiên Chúa, với Lời Người, với tình yêu của Người phục hồi và cứu độ.

__________________________________________

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến, cha gửi lời chào chân thành đến tất cả anh chị em có mặt ở đây – với thời tiết xấu thế này, anh chị em thật can đảm – người Roma và những người hành hương, và cả những anh chị em kết nối qua các phương tiện truyền thông.

Như anh chị em thấy, cây thông Giáng sinh đã được dựng lên ở Quảng trường, và cảnh hang đá Chúa giáng sinh đang được bài trí. Trong những ngày này, cũng như tại nhiều gia đình, hai dấu chỉ của Lễ Giáng sinh đang được chuẩn bị, để làm cho trẻ em hân hoan … và cả người lớn nữa! Chúng là dấu hiệu của hy vọng, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này. Chúng ta hãy bảo đảm rằng chúng ta không chỉ dừng lại với dấu hiệu, nhưng đi đến ý nghĩa, tức là đến với Chúa Giêsu, đến với tình yêu của Thiên Chúa mà Ngài đã mặc khải cho chúng ta; đến với sự tốt lành vô bờ mà Ngài đã làm tỏa rạng trên thế giới. Không có đại dịch nào, không có khủng hoảng nào có thể dập tắt ánh sáng này. Chúng ta hãy cho phép nó đi vào tâm hồn của mình, và chúng ta hãy đưa bàn tay trợ giúp cho những người cần nó nhất. Bằng cách này, Thiên Chúa sẽ lại giáng lâm trong chúng ta và giữa chúng ta.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/12/2020]


CHUYÊN MỤC: ‘Không bao giờ lặp lại: đối mặt với sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái toàn cầu’’ – Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh & Tòa Thánh đồng hợp sức

CHUYÊN MỤC: ‘Không bao giờ lặp lại: đối mặt với sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái toàn cầu’’ – Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh & Tòa Thánh đồng hợp sức

© Vatican Media

CHUYÊN MỤC: ‘Không bao giờ lặp lại: đối mặt với sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái toàn cầu’ – Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh & Tòa Thánh đồng hợp sức

Đức Hồng y Parolin: ‘Tòa Thánh lên án tất cả mọi hình thức bài Do thái, nói rằng những hành động như vậy không phải là Kitô giáo cũng không phải con người’

24 tháng Mười Một, 2020 00:45

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


Lên án tất cả mọi hình thức bài Do là điều quan trọng … Khi chúng ta nhìn thấy sự tái diễn của nó, chúng ta phải lên tiếng ‘Không bao giờ lặp lại!’

Đây là tiêu điểm hàng đầu của buổi Hội nghị chuyên đề trực tuyến ngày 19 tháng Mười Một được tổ chức bởi bà Callista Gingrich, Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh, và sứ quán của bà tại Roma, với chủ đề “Không bao giờ lặp lại: Đối mặt với sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái toàn cầu.”

Phóng viên cấp cao Vatican của ZENIT theo dõi sự kiện được tổ chức trực tuyến bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh tuân thủ những quy định và điều khoản phòng chống COVID 19. Hội nghị chuyên đề được truyền phát trực tiếp trên trang Facebook của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Tòa Thánh.

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, có bài phát biểu kết thúc tại Thành Vatican. Ông Phil Pullella, Trưởng phòng tin tức Ý của Reuter, điều phối các thảo luận giữa ban chuyên gia lỗi lạc. Ngài Elan Carr, Đặc phái viên Hoa Kỳ về Giám sát và Chống Chủ nghĩa Bài Do Thái, tham dự từ California.

Hội nghị chuyên đề nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tưởng nhớ và giáo dục về Holocaust (ND: nạn tàn sát người Do Thái thời Đức Quốc Xã), cũng như chia sẻ các phương pháp tốt nhất để đối đầu với sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái trên khắp thế giới.

Bà Đại sứ Gingrich chỉ trích và lưu ý: “Chỉ bảy mươi lăm năm sau khi trại tập trung Auschwitz được giải phóng và chủ nghĩa Quốc xã bị đánh bại, chủ nghĩa bài Do Thái lại gia tăng. Ở nhiều nơi trên thế giới, người Do Thái bị lăng mạ, bị xem như quỷ ám, và bị tấn công về thể xác.”

Tại Hoa Kỳ, mức độ các vụ bài Do Thái đã tăng lên, và ở châu Âu – bà nói thêm – gần 80 phần trăm người Do Thái ở châu Âu tin rằng chủ nghĩa bài Do Thái là một vấn đề ngày càng tăng mạnh, và 40 phần trăm sống trong nỗi sợ hãi bị tấn công hàng ngày.

Bà nói: “Điều này thật quá đáng, và mọi xã hội tự do đều có trách nhiệm trong việc đảo ngược xu hướng này.”

Bà lưu ý, Hoa Kỳ đã có những hành động táo bạo nhằm nâng cao nhận thức về Holocaust và đối đầu với sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái trong và ngoài nước.

“Như ngài Tổng thống đã nói vào đầu năm nay khi đánh dấu kỷ niệm 75 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz,” [Chúng tôi] tự cam kết về cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái, và cam kết với hai từ phải thường xuyên lặp lại: “Never Again!” (Không bao giờ lặp lại.)

Bà nói, “Để bảo đảm những hành động tàn bạo như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nữa đòi phải có hành động,” và nêu chi tiết những gì Hoa Kỳ đã làm.

Vào năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ Trump đã ký Đạo luật Công lý cho những Người Sống sót đến ngày nay không được bồi thường, trong đó yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo Quốc hội về các bước mà 47 quốc gia thực hiện để bồi thường cho những người sống sót sau thảm họa Holocaust và những người thừa kế của họ đối với những tài sản đã bị Đức Quốc xã và các chính quyền cộng sản sau chiến tranh chiếm giữ. Năm 2019, Tổng thống đã ban hành một Sắc lệnh hành pháp, đảm bảo rằng Đề mục VI của Đạo luật Quyền Công dân năm 1964 mở rộng đến việc phân biệt đối xử bài Do Thái. Tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phát sóng trực tuyến hội nghị lần đầu tiên về chống chủ nghĩa bài Do Thái.

Bà Đại sứ Gingrich nói, “Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang thúc giục các chính phủ khác bảo đảm an ninh đầy đủ cho cộng đồng người Do Thái của họ và đang ủng hộ việc điều tra, truy tố và trừng phạt những tội ác thù hận”.

Trong khi chính phủ Hoa Kỳ làm việc với Liên minh Châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu, Liên minh Tưởng niệm Holocaust Quốc tế và các tổ chức quốc tế khác để đương đầu và chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, bà cũng lưu ý rằng “các cộng đồng tín ngưỡng, thông qua những quan hệ đối tác, liên minh, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau cũng đóng một vai trò quan trọng.”

Lên án tất cả các hình thức bài Do Thái

Đức Hồng Y Parolin cũng lên án sự gia tăng hiện tượng này và kêu gọi hành động, ngài than thở: “Chúng tôi đã chứng kiến sự lan rộng của bầu không khí xấu và phản kháng, trong đó lòng căm thù bài Do Thái đã được thể hiện qua một số vụ tấn công ở nhiều quốc gia khác nhau.”

Ngài nói: “Tòa thánh lên án tất cả các hình thức bài Do Thái, nhắc lại rằng những hành vi đó không phải là Kitô giáo cũng không phải con người.”

Ngài Quốc Vụ khanh Vatican nhắc lại rằng trong buổi Tiếp Kiến chung ngày 13 tháng Mười Một năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thêm một nhận xét tự phát “bằng một giọng rất rõ ràng và lớn tiếng”: ‘Người Do Thái là anh em của chúng ta! Và không được ngược đãi họ. Các bạn rõ không?’

Đức Hồng y Parolin nói, Đức Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh rằng với một người Kitô hữu, bất kỳ hình thức bài Do Thái nào đều là sự chối bỏ cội nguồn Kitô giáo của chính họ, và do đó hoàn toàn là một sự mâu thuẫn.

“Thật vậy, người Do Thái là anh chị em của chúng ta và chúng tôi tự hào vì có được họ như vậy. Chúng ta chia sẻ một di sản thiêng liêng phong phú luôn phải được tôn trọng và trân quý. Chúng tôi đang phát triển trong sự hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ và những cam kết chung, và đây là cách để tiến bước.”

“Rõ ràng, việc lên án mọi hình thức bài Do Thái đều là một khía cạnh cơ bản để đối phó với vấn đề,” ngài nhấn mạnh và lưu ý: “và quả thật nó giúp chống lại điều đó.”

Ngài nói tiếp, “Tuy nhiên, chúng ta phải tự hỏi liệu việc lên án đã là đủ chưa hay buộc phải có những cân nhắc và các biện pháp khác.”

[...]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/11/2020]