Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

Mẹ của Sơ đã gọi cảnh sát khi Sơ gia nhập dòng tu; ngày nay công việc của Sơ được cả nước biết đến

Mẹ của Sơ đã gọi cảnh sát khi Sơ gia nhập dòng tu; ngày nay công việc của Sơ được cả nước biết đến

Mẹ của Sơ đã gọi cảnh sát khi Sơ gia nhập dòng tu; ngày nay công việc của Sơ được cả nước biết đến

©YouTube:Arturo Turina

Gelsomino Del Guercio - Matthew Green 

14/05/22


Câu chuyện ơn gọi của Sơ Paola D'Auria đầy giông tố, nhưng ngày nay Sơ nổi tiếng khắp nước Ý vì công việc bác ái của Sơ.

Câu chuyện ơn gọi của Sơ Paola D’Auria đầy giông tố, ít nhất phải kể đến sự can thiệp của cảnh sát. Ngày nay, Sơ nổi tiếng khắp nước Ý vì công việc bác ái của Sơ và thường xuyên xuất hiện trên một chương trình giải trí thể thao truyền hình trong 12 năm, thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình của Sơ dành cho câu lạc bộ bóng đá Lazio của Roma. Với một số người công việc thứ hai có vẻ như lạc lõng, nhưng nó đã giúp Sơ có cơ sở để nói về công việc thứ nhất.

“Câu chuyện ban đầu” của Sơ Paola

Trong một chương trình truyền hình của Ý có tên “Hôm nay là một ngày khác” (“Oggi è un altro giorno”), Sơ Paola gần đây kể lại những giai đoạn trong cuộc đời khiến Sơ trở thành một tu sĩ. Kênh Il Sussidiario chia sẻ một số lời của Sơ vào dịp đó.

Sơ Paola kể: “Mẹ tôi gửi tôi đi học ở Roma. Vào một thời điểm tôi có mong muốn [trở thành một Sơ] vì tôi đang học với các Sơ. Một hôm tôi nhìn thấy các Sơ chạy lên chạy xuống cầu thang, tất bật vì bề trên tổng quyền sắp đến. Bề trên là một người phụ nữ nhỏ bé, hơi khòm lưng đã phải rời bỏ đất nước quê hương Slovenia, vì người cộng sản đã đóng cửa tất cả các nhà của các Sơ. Khi tôi nhìn thấy điều này và thấy sự khiêm nhường của bề trên, tôi đã quyết định trở thành một nữ tu”.

Trang phục như một cô dâu

Khi trở thành một nữ tu, vào thời điểm tuyên khấn, Sơ Paola gặp nhiều khó khăn vì không có sự hỗ trợ từ gia đình. Sơ nói, “Tôi mặc trang phục như một cô dâu,” cũng như truyền thống ở một số cộng đoàn dòng tu; tuyên khấn được xem như trở thành một cô dâu thiêng liêng của Đức Kitô. Vào giây phút hân hoan ấy, Sơ chỉ có một mình. “Các chị trở thành nữ tu hôm đó đều có bà con thân quyến, nhưng tôi không có ai. Tôi đã rất buồn. Tôi bước vào nhà thờ và sau tất cả các nghi thức, tôi nhận được giấy gọi từ Tòa án Juvenile. Họ triệu tập tôi và mẹ bề trên”.

Mẹ của Sơ Paola phản đối ơn gọi của Sơ và nghĩ rằng con gái bà không phù hợp với đời sống tu trì, không những đã không có mặt để nâng đỡ Sơ; bà đã đến cảnh sát và tố cáo các nữ tu, buộc tội họ giữ con gái của bà trái với ý muốn của bà.

Sơ Paola giải thích: “Cảnh sát đến bắt tôi, vì lúc đó tôi 20 tuổi và là trẻ vị thành niên. Thậm chí, có lúc mẹ Sơ còn đến phản đối bên ngoài tu viện, ném đá vào cửa sổ.

Sơ Paola nói với người phỏng vấn truyền hình, Serena Bertone:

Tôi cùng với các nữ tu đến tòa án dự các phiên tòa xét xử liên quan. Trong các hành lang, tôi gặp một số thanh niên, những người sẽ được thẩm phán thẩm vấn và họ chỉ trỏ vào tôi, hỏi tôi đã làm gì mà phải có mặt ở đó. Tôi vẫn còn là một tập sinh, e sợ những người mà tôi phải giúp đỡ. Điều này khiến tôi rơi vào khủng hoảng và sau khi tuyên khấn, tôi ngay lập tức cố gắng đi thăm các tù nhân trong nhà tù Regina Coeli ở Roma.

Thật may mắn, Sơ Paola vẫn kiên trì trong ơn gọi. Sơ đã làm chứng cách rất công khai qua việc có mặt trên các phương tiện truyền thông, điều này thu hút sự chú ý không riêng bởi lòng nhiệt thành của Sơ đối với thể thao, mà còn với công việc mở rộng với người nghèo và người đau khổ. Trong một phỏng vấn với phóng viên Roberto Zichittella của Famiglia Cristiana, Sơ mô tả cách Sơ thực hiện sứ mệnh của mình:

Buổi sáng, tôi dạy các em ở trường Thánh Tâm (…). Sau đó, tôi chăm sóc ba mái ấm. Một nơi là nhà của những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, một nơi khác là nhà ở của những trẻ em và thiếu niên bị bỏ rơi, nhà thứ ba làm trung tâm dành cho người cao tuổi vào ban ngày, buổi tối nó trở thành một bếp ăn từ thiện. Ngoài ra, hầu như ngày nào tôi cũng làm thiện nguyện trong nhà tù Regina Coeli, trong khi Chủ nhật hàng tuần, tôi đi cùng xe tải đến ngoại ô Roma để phân phát thực phẩm và quần áo cho những người khó khăn nhất.

Công việc của Sơ đã có ảnh hưởng lớn đến mức Sơ được trao tặng Huân chương Công trạng của nước Cộng hòa Ý trong một buổi lễ vào ngày 2 tháng Sáu năm 2021, do Tổng thống Ý chủ trì. Sơ trả lời báo chí với sự khiêm nhường và hài hước. Famiglia Cristiana tường thuật vào thời điểm khi Sơ được báo tin qua điện thoại, Sơ trả lời: “Điều đó có nghĩa là gì? Anh đang phong tôi làm hiệp sĩ chăng? Như vậy có nghĩa là anh sẽ gửi cho tôi một con ngựa?” “Tôi làm những việc rất bình thường mà mọi người đều làm…”

Hơn bao giờ hết, thế giới cần chứng tá của những người tôi trung của Thiên Chúa, những người có thể sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng, cả trực tiếp và gián tiếp. Các bậc cha mẹ có thể khó chấp nhận khi một người con của họ muốn theo đuổi ơn gọi tu trì, nhưng như Sơ Paola cho chúng ta thấy, sự hy sinh đó có thể dẫn đến một tác động tích cực mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng được.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2022]


Tiếp phái đoàn B’nai B’rith International, 30.05.2022

Tiếp phái đoàn B’nai B’rith International, 30.05.2022

Tiếp phái đoàn B’nai B’rith International, 30.05.2022

*****

Sáng nay Đức Thánh Cha tiếp một phái đoàn của tổ chức B’nai B’rith International.

Sau đây là diễn từ của ngài với những người hiện diện:

___________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến,

Một lần nữa tôi rất vui mừng được chào đón một phái đoàn Do Thái, vì các chuyến thăm như vậy trong hai năm qua đã phải hoãn lại do đại dịch. Tổ chức của các bạn có lịch sử liên hệ lâu dài với Tòa thánh, bắt đầu từ những năm sau khi công bố Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II.

Trong suốt những năm qua, các bạn đã cam kết không mệt mỏi cho các hoạt động nhân đạo. Người gặp khó khăn có quyền đón nhận sự giúp đỡ và tình liên đới từ cộng đồng; trên hết, họ có quyền hy vọng. Nếu bổn phận chăm sóc người khác là nghĩa vụ của mọi thành viên trong gia đình nhân loại của chúng ta, thì nghĩa vụ đó còn được áp dụng nhiều hơn cho người Do Thái và Kitô hữu chúng ta. Đối với chúng ta, giúp đỡ người khốn khó cũng có nghĩa là kính trọng ý muốn của Đấng Tối Cao, Đấng mà theo lời Thánh Vịnh, “Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ” (Tv 146:9). Chúa dõi mắt trông xem những người nghèo và những người ở vùng ngoại vi của xã hội.

Giúp đỡ những người hèn mọn, nghèo khó, bệnh tật: đây là cách cụ thể nhất để thúc đẩy tình huynh đệ nhân loại cao cả hơn. Khi nghĩ đến nhiều cuộc xung đột và những hình thức nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan gây nguy hại cho sự an toàn của con người trong thế giới hôm nay, chúng ta không thể không nhận ra rằng yếu tố rủi ro lớn nhất thường xuất hiện trong sự nghèo khó về vật chất, giáo dục và tinh thần, từ đó trở thành mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng hận thù, oán giận, thất vọng và lập trường cực đoan.

Các bạn thân mến, trong thời đại của chúng ta nền hòa bình thế giới cũng đang bị đe dọa bởi các hình thức của thuyết quyền lợi đặc thù và chủ nghĩa dân tộc, được thúc đẩy bởi lợi ích vị kỷ và lòng tham vô độ. Rốt cuộc điều này thậm chí còn làm tăng nguy cơ khinh rẻ phẩm giá và quyền của con người nhiều hơn. Liều thuốc giải cho sự leo thang cái ác này là sự hồi tưởng: hồi tưởng về quá khứ, hồi tưởng về các cuộc chiến tranh, hồi tưởng về thảm họa Shoah và không biết bao nhiêu những sự tàn ác khác.

Như các trang Kinh thánh chứng thực ký ức tinh thần chung của chúng ta đưa chúng ta trở lại với hành động bạo lực thuở nguyên thủy: Cain, kẻ đã giết em trai của mình là Aben. “Đức Chúa phán với Cain: ‘Aben em ngươi đâu rồi?’ Cain thưa: ‘Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?’” (St 4:9). Cain phủ nhận việc biết tung tích của đứa em mà anh ta vừa giết. Anh ta dửng dưng không quan tâm. Bạo lực luôn đi kèm với sự dối trá và dửng dưng.

Em ngươi đâu? Tất cả chúng ta cần phải bị thôi thúc bởi câu hỏi này, và thường xuyên lặp lại cho chính bản thân mình. Chúng ta không thể đánh mất ước mơ của Thiên Chúa về một thế giới gồm các anh chị em, và thay thế nó bằng một thế giới chỉ có những trẻ, bị ghi đậm dấu ấn bạo lực và thờ ơ. Đứng trước bạo lực, trước sự thờ ơ, các trang Kinh thánh cho chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của những người anh em, chị em của chúng ta. Họ trình bày cho chúng ta “thách đố của người khác”. Đó là thước đo lòng trung thành của chúng ta, đối với lòng nhân ái của chúng ta: nó được đo lường bằng tình huynh đệ, bằng sự quan tâm của chúng ta đối với người khác.

Nổi bật về vấn đề này là những câu hỏi lớn mà trong Kinh thánh, Đấng Toàn năng đã đặt ra cho nhân loại từ thuở ban đầu. Người hỏi Cain: “Em ngươi đâu rồi?”, Người thậm chí hỏi Adam: “Ngươi ở đâu?” (St 3:9). Cả hai câu hỏi đều được kết nối bởi cùng một nghi vấn từ: Ở đâu? Chúng ta không thể là chính mình cách trọn vẹn nếu không quan tâm đến anh chị em của chúng ta. Chúng ta không thể tìm thấy Đấng Hằng hữu nếu không chào đón người lân cận của chúng ta.

Vì vậy điều tốt lành là chúng ta cần phải giúp đỡ nhau, bởi vì trong mỗi con người chúng ta, trong mọi truyền thống tôn giáo và trong mọi xã hội loài người, luôn luôn có nguy cơ khiến chúng ta ôm giữ những hận thù và nuôi dưỡng những bất đồng với người khác, và đôi khi làm việc đó nhân danh các nguyên tắc tuyệt đối và thậm chí thiêng liêng. Đây là sự cám dỗ dối trá của bạo lực; đây là sự dữ đang ẩn nấp ở cửa trái tim (x. St 4:7). Đây là ảo tưởng cho rằng các bất đồng có thể được giải quyết bằng bạo lực và chiến tranh. Tuy nhiên, bạo lực luôn tạo thêm nhiều bạo lực hơn, vũ khí chỉ tạo ra cái chết, và chiến tranh không bao giờ là giải pháp mà là một vấn đề, một thất bại.

Trình thuật sách Sáng thế ký tiếp tục, vì lý do này “Đức Chúa ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông” (câu 15). Điều này cho thấy “chiến lược” của Thiên Chúa: phá vỡ vòng xoáy của bạo lực, vòng xoáy của hận thù, và bắt đầu bảo vệ lẫn nhau. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ kiên trì trong việc này, rằng các bạn sẽ tiếp tục bảo vệ những người chị em và anh em của chúng ta, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và bị bỏ rơi. Chúng ta có thể cùng nhau thực hiện việc này: chúng ta có thể làm việc vì người nghèo, vì hòa bình, vì công lý và bảo vệ tạo vật.

Ngay cả trước khi tôi trở thành Giáo hoàng, việc thúc đẩy và đào sâu cuộc đối thoại giữa Do Thái giáo và Công giáo luôn là một điều gần gũi với tâm hồn tôi – khi còn là một học sinh ở trường, tôi đã có những người bạn Do Thái –, vì chính cuộc đối thoại được tạo nên từ sự gặp gỡ và những cử chỉ cụ thể của tình huynh đệ. Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước, trên nền tảng của các giá trị tinh thần chung của chúng ta, để bảo vệ phẩm giá con người trước mọi bạo lực và tìm kiếm hòa bình. Xin Đấng Toàn năng chúc phúc cho chúng ta, để tình bạn của chúng ta ngày càng phát triển và chúng ta có thể cùng nhau làm việc vì ích chung. Cảm ơn các bạn. Shalom!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2022]