Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Chúa Thánh Thần làm trẻ hóa các tông đồ

Chúa Thánh Thần làm trẻ hóa các tông đồ
© Vatican Media

Chúa Thánh Thần làm trẻ hóa các tông đồ

Toàn văn bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống của Đức Thánh Cha Phanxico

09 tháng Sáu, 2019 15:05

Ngày 9 tháng Sáu, 2019, Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Trong Thánh Lễ, sau bài đọc Tin mừng, Đức Thánh Cha có bài giảng mà chúng tôi tường thuật dưới đây:


******

Chúa Thánh Thần ngự đến cho các môn đệ, sau năm mươi ngày lo âu. Thật vậy, Chúa Giê-su đã lên trời. Quá đỗi vui mừng, các ông đã nhìn thấy Người, lắng nghe lời Người và thậm chí dùng chung bữa ăn với Người. Nhưng các ông vẫn chưa vượt qua được những hoài nghi và sợ hãi: họ họp nhau sau những cánh cửa đóng kín (x. Ga 20:19.26), chẳng chắc chắn về tương lai và chưa sẵn sàng để loan báo Chúa sống lại. Rồi Chúa Thánh Thần đến và những lo lắng của họ biến tan. Bây giờ các tông đồ cho thấy họ không còn một chút hãi sợ, thậm chí trước mặt những kẻ được sai đến để bắt các ông. Trước đây, các ông lo lắng để bảo vệ mạng sống của mình; bây giờ họ không còn sợ cái chết. Trước đây các ông tụ tập trong Phòng Tiệc Ly; bây giờ các ông lên đường để rao giảng cho mọi dân tộc. Trước khi Chúa Giê-su về trời, họ chờ đợi nước Chúa ngự đến với họ (x. Cv 1:6); bây giờ họ được tràn đầy nhiệt huyết để đi đến những vùng đất xa lạ. Trước đây, các ông hầu như chưa bao giờ nói trước đám đông, và khi các ông phải nói thì thường các ông vấp váp mắc lỗi, như lúc Phê-rô chối Chúa Giê-su; bây giờ các ông nói bằng parrhesia với mọi người. Hành trình của các môn đệ dường như đã đạt đến đích của con đường khi họ đột nhiên được làm trẻ lại bởi Thần Khí. Bị sự lo âu chế ngự khi họ nghĩ rằng mọi việc đã kết thúc, họ được biến đổi bởi niềm hân hoan làm họ tái sinh. Chúa Thánh Thần thực hiện công việc này. Thần Khí hoàn toàn không phải là một thực tại trừu tượng: Người là Đấng cụ thể và gần gũi nhất, Đấng biến đổi đời sống của chúng ta. Người làm điều này như thế nào? Chúng ta hãy xét đến các Tông đồ. Chúa Thánh Thần không biến các điều trở nên dễ dàng cho các ông, Người không thực hiện những phép lạ phi thường, Người không lấy đi những khó khăn và trở ngại của các ông. Thần Khí mang đến cho đời sống của các ông sự hòa hợp đã bị thiếu, sự hòa hợp của Người, vì Người là sự hòa hợp.

Hòa hợp với con người. Tận trong thẳm sâu, trong tâm hồn của các ông, các môn đệ cần được thay đổi. Câu chuyện của các ông dạy chúng ta rằng ngay cả việc được nhìn thấy Chúa Phục sinh thì vẫn chưa đủ nếu chúng ta không chào đón người trong tâm hồn của mình. Chẳng ích gì khi biết rằng Đấng Phục sinh đang sống nếu chúng ta không sống như những người được phục sinh. Đó là lý do tại sao khi Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ, Người lặp lại câu: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19.21), và ban Thần Khí. Bình an không phải là một cách để giải quyết những vấn đề bên ngoài – Chúa không cất những sự khổ cực và bắt bớ khỏi các môn đệ của người. Bình an là đón nhận Chúa Thánh Thần. Bình an được ban cho các tông đồ, sự bình an được ban tặng cho chúng ta không mang đến sự giải thoát khỏi các vấn đề nhưng là trong các vấn đề. Được tràn đầy sự bình an của Người, tâm hồn chúng ta trở nên giống như một biển sâu luôn giữ sự tĩnh lặng, ngay cả khi bề mặt của nó bị quét bởi các cơn sóng. Đó là một sự hòa hợp quá sâu thẳm đến mức nó thậm chí có thể biến sự bách hại trở thành những phúc lành. Tuy nhiên không biết bao nhiêu lần chúng ta lại chọn cách tồn tại trên bề mặt! Thay vì tìm kiếm Thần Khí, chúng ta lại cố gắng giữ mình bềnh bồng, cho rằng mọi sự sẽ cải thiện khi vấn đề này hoặc vấn đề kia biến mất, khi tôi không còn nhìn thấy người đó nữa, khi mọi việc trở nên tốt hơn. Nhưng làm như vậy là giữ mình nổi trên bề mặt: khi một vấn đề này qua đi, vấn đề khác lại tới, và chúng ta lại một lần nữa bị lo âu và sinh bệnh. Tránh những người không có suy nghĩ giống chúng ta sẽ chẳng mang đến sự yên ả. Giải quyết những vấn đề tạm thời sẽ không mang lại bình an. Điều tạo nên sự khác biệt đó chính là sự bình an của Chúa Giê-su, sự hòa hợp của Thần Khí.

Trước tốc độ quay cuồng của cuộc sống hôm nay, sự hòa hợp dường như bị quét sang một bên. Bị lôi kéo về cả ngàn hướng khác nhau, chúng ta rơi vào nguy cơ bị kiệt sức vì lo lắng và vì thế chúng ta phản ứng tệ hại với mọi việc. Rồi chúng ta lại đi tìm một giải pháp nhanh chóng, uống hết viên thuốc này đến viên khác để tiếp tục bước đi, từ sự giật gân này sang sự giật gân khác để có cảm giác đang sống. Nhưng trên tất cả mọi sự, chúng ta cần có Thần Khí: Ngài mang đến trật tự cho sự quay cuồng của chúng ta. Thần Khí là sự bình an ở giữa những náo động, là sự vững tin giữa những ngã lòng, là niềm vui trong nỗi buồn, là sức trẻ của tuổi tác, là sự dũng cảm trong giờ thử thách. Giữa những cơn giông bão của cuộc sống, Ngài là neo vững chắc của niềm hy vọng. Như Thánh Phaolo nói với chúng ta hôm nay, Thần Khí giữ cho chúng ta không rơi trở lại nỗi sợ hãi, vì Ngài làm cho chúng ta nhận biết rằng chúng ta là những người con được yêu thương (x. Rm 8:15). Ngài là Đấng Ủi an, Đấng mang đến cho chúng ta tình yêu dịu hiền của Chúa. Không có Thần Khí, đời sống Ki-tô hữu của chúng ta trở nên rời rạc, thiếu sự yêu thương giúp đem mọi sự lại với nhau. Không có Thần Khí, Chúa Giê-su vẫn chỉ là một nhân vật nổi tiếng của quá khứ; với Thần Khí, Người là một người đang sống trong thời đại của chúng ta. Không có Thần Khí, Sách Thánh là một lá thư chết; có Thần Khí, nó là lời của sự sống. Một Ki-tô giáo không có Thần Khí chỉ là một thuyết đạo đức không có niềm vui; có Thần Khí, nó là sự sống.

Chúa Thánh Thần không chỉ mang đến sự hòa hợp trong chúng ta nhưng cả giữa chúng ta. Người làm cho chúng ta trở nên Giáo hội, xây dựng nhiều phần khác nhau thành một cấu trúc hòa hợp. Thánh Phaolo giải thích điều này rất rõ khi nói về Giáo hội, ngài thường lặp lại chữ “khác nhau”: đặc sủng khác nhau, phục vụ khác nhau, hoạt động khác nhau (1 Cr 12:4-6). Chúng ta khác nhau trong sự đa dạng về đặc sủng và năng lực. Chúa Thánh Thần phân phát chúng một cách đầy sáng tạo để tất cả chúng đều không trùng khớp nhau. Trên căn bản của sự khác nhau này, Ngài xây dựng tính hiệp nhất. Từ buổi ban đầu tạo dựng, Người đã thực hiện việc này. Vì Người là một chuyên gia trong việc biến đổi sự hỗn độn thành vũ trụ, trong cách tạo ra sự hòa hợp.

Trong thế giới ngày nay, thiếu sự hòa hợp đã dẫn đến những chia rẽ trầm trọng. Có những người sở hữu quá nhiều và có những người lại chẳng có gì, những người muốn sống đến một trăm tuổi và những người thậm chí không thể được chào đời. Trong kỷ nguyên của vi tính, những khoảng cách đang lớn lên: chúng ta càng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhiều, thì chúng ta lại càng trở nên ít xã hội tính hơn. Chúng ta cần Thần Khí của sự hiệp nhất để tái sinh chúng ta thành Giáo hội, thành Dân Chúa, và thành gia đình nhân loại. Luôn luôn có cám dỗ muốn xây “những cái tổ,” để giữ lấy nhóm nhỏ của chúng ta, giữ lấy những điều và những người chúng ta thích, chống lại tất cả những cái ở bên ngoài vào. Từ cái tổ chuyển sang thành môn phái là một bước đi nhỏ: không biết bao nhiêu lần chúng ta xác định bản sắc của chúng ta chống lại một ai đó hoặc một điều gì đó! Ngược lại, Chúa Thánh Thần đem những người xa cách lại với nhau, hiệp nhất những người xa xôi, đem về gia đình những người đã tản mát. Người hòa trộn những âm sắc khác nhau trong một hợp âm đơn vì Người chỉ nhìn thấy sự tốt lành vượt trên tất cả. Người nhìn đến các cá nhân trước khi nhìn đến những lỗi lầm của họ, nhìn đến con người trước những hành động của họ. Thần Khí định hình cho Giáo hội và thế giới như là một nơi của những người con trai và con gái, của anh chị em. Những danh từ này đứng trước tất cả các tính từ. Ngày nay, đã trở thành một cái mốt đó là hét lên những tính từ, và thật đáng buồn, thậm chí là lăng mạ. Lấy cái ác đáp lại cái ác, từ nạn nhân trở thành những kẻ gây hấn, đó không phải là con đường để đi suốt cuộc sống. Tuy nhiên, những ai sống bởi Thần Khí thì đem sự bình an đến nơi có bất hòa, đem hòa thuận đến nơi có xung khắc, là những người đáp trả cho điều ác bằng việc thiện. Họ trả lời cho sự kiêu căng bằng tính nhu mỳ, cho sự hận thù bằng điều tốt lành, cho những tiếng gào thét bằng sự im lặng, cho những tin đồn thổi bằng lời cầu nguyện, cho tư tưởng chủ bại bằng lòng can đảm.

Để nếm trải được sự hòa hợp của Thần Khí, chúng ta cần phải đón lấy cách nhìn của Người về mọi sự. Rồi mọi sự sẽ thay đổi: với Thần Khí, Giáo hội là Dân Thánh của Chúa, với sứ mạng loan truyền niềm vui, người khác trở thành anh chị em của chúng ta, tất cả được yêu thương bởi cùng một Cha. Còn nếu không có Thần Khí, Giáo hội chỉ là một tổ chức, sứ mạng trở thành sự tuyên truyền, sự hiệp nhất chỉ là gượng ép. Thần Khí là sự cần thiết trước hết và sau hết của Hội thánh (x. THÁNH PHAOLO VI, Tiếp Kiến Chung, 29 tháng Mười Một 1972). Người “ngự đến ở nơi Người được yêu mến, nơi Người được mời, nơi Người được mong đợi” (THÁNH BONAVENTURE, Bài giảng Chúa nhật thứ Tư sau Phục sinh). Mỗi ngày chúng ta hãy khẩn xin ơn sủng của Thần Khí. Lạy Chúa Thánh Thần, là sự hòa hợp của Thiên Chúa, Người là Đấng biến sự hãi sợ thành niềm tín thác và sự vị kỷ thành vị tha, xin hãy đến, ban cho chúng con niềm vui của sự phục sinh và của những tâm hồn mãi luôn trẻ trung. Lạy Chúa Thánh Thần là sự hòa hợp của chúng con, Người là Đấng làm cho chúng con trở nên một thân thể, xin rót đổ sự bình an của Người trên Giáo hội và thế giới. Xin làm cho chúng con trở thành những người thợ xây dựng hòa thuận, những người gieo sự tốt lành, những tông đồ của niềm hy vọng.

[01024-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/6/2019]


Chín ngày lóe sáng sự hợp tác giữa Hoa kỳ-Tòa Thánh và làm thay đổi thế giới

Chín ngày lóe sáng sự hợp tác giữa Hoa kỳ-Tòa Thánh và làm thay đổi thế giới

Tổng thống Ronald Reagan mỉm cười với đám đông khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đứng bên cạnh ông trong một lần xuất hiện chung tại sân bay Fairbanks, Alaska, 2 tháng Năm, 1984. (Scott Stewart)


7 Tháng Sáu, 2019

Chín ngày bừng sáng của sự hợp tác giữa Hoa kỳ-Tòa Thánh và làm thay đổi thế giới

Đại sứ Hoa kỳ tại Tòa Thánh Callista Gingrich phản ánh về mối quan hệ chặt chẽ giữa Tổng thống Ronald Reagan và Thánh Gioan Phaolo II.

Callista Gingrich

Bốn mươi năm trước vào tuần này, Thánh Gioan Phaolo II trở về quê hương Ba Lan của ngài với cương vị là một Tân Giám mục của Roma. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo hoàng đến thăm một đất nước Cộng sản.

Từ ngày 2 đến 10 tháng Sáu năm 1979, vị Giáo hoàng người Ba Lan đi khắp đất nước nơi ngài chào đời, đọc hơn 50 bài diễn văn, và thôi thúc một cuộc cách mạng lương tâm làm biến đổi Ba Lan và định hình lại bối cảnh tinh thần và chính trị của thế kỷ 20.

Hàng triệu người Ba Lan, bị đè bẹp dưới ách của nền chuyên chế Xô-viết, đổ xô ra để xem Đức Thánh Cha. Trong ngày thứ nhất của chuyến hành hương của ngài, trong Quảng trường Chiến thắng của Warsaw, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II tuyên bố, “Không thể có một Châu Âu đúng nghĩa nếu không có nền độc lập của Ba Lan được đánh dấu trên bản đồ!”

Đó là một tuyên ngôn được lắng nghe trên toàn thế giới — và bởi một vị tổng thống Hoa Kỳ tương lai ở California.

Ronald Reagan được thôi thúc. Khi đó, ông dẫn một chương trình phát thanh nổi tiếng và dành rất nhiều buổi phát thanh tường thuật chuyến hành hương lịch sử của Đức Gioan Phaolo II. “Đã từ lâu lắm chúng ta mới nhìn thấy một vị lãnh đạo với lòng dũng cảm và một sự cống hiến bất khoan nhượng như vậy đối với đạo đức,” ông Reagan nói.

Vài tháng sau, vào tháng Mười Một năm 1979, cựu thống đốc của tiểu bang California tuyên bố tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Chẳng bao lâu sau khi nhậm chức, tổng thống xin hội kiến với Đức Giáo hoàng.

Hai nhà lãnh đạo gặp gỡ trong Thành Vatican năm 1982, và ngay sau đó Tổng thống Reagan hỏi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II rằng ngài nghĩ khi nào thì Đông Âu sẽ thoát khỏi sự thống trị của Xô-viết. Khi Đức Giáo hoàng trả lời, “Trong đời của chúng ta,” tổng thống liền bắt tay ngài và xin Đức Thánh Cha cùng cộng tác để khiến điều đó được xảy ra.

Khi ông về Hoa Kỳ, tổng thống chỉ thị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ làm việc sát sao với Vatican. Ông ra lệnh mở một sứ quán chính thức. Hai năm sau, năm 1984, Sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh được thiết lập.

Trước thời điểm đó, Hoa Kỳ và Tòa Thánh chỉ giữ mối quan hệ tôn trọng, nhưng không chính thức. Mối quan hệ mới này, như Tổng thống Reagan nói, “sẽ tồn tại vì lợi ích của những người yêu hòa bình ở khắp nơi.”

Vị Giáo hoàng người Ba Lan và Tổng Thống Mỹ không bị ảo tưởng về trách vụ khó khăn phía trước trong việc đánh bại chủ nghĩa Cộng sản Xô-viết, là chủ nghĩa đã gây ra hàng chục triệu cái chết. Sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết thành “đống tro tàn của lịch sử” ngày 25 tháng Mười Hai năm 1991, đã không thành sự nếu không có vai trò lãnh đạo của họ.

Đương nhiên, sự cần thiết của quan hệ đối tác lịch sử này không chấm dứt với sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Ngày nay, các chính phủ đang phải đối mặt với những thách thức khác — cũng lớn lao và nguy hiểm tương tự. Từ phản ứng đối với những khủng hoảng nhân đạo, đến việc bảo vệ nhân quyền, đến việc làm trung gian và ngăn ngừa xung đột và bạo lực, mối quan hệ đối tác của chúng tôi là một sức mạnh toàn cầu vì điều thiện.

Cũng như Hoa Kỳ, Tòa Thánh can dự trên mọi châu lục, với cách tiếp cận và tính khả tín trong những khu vực bất ổn nhất của thế giới — trong những nơi nhiều chính phủ không thể hoạt động.

Sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh tin tưởng vào sự tiếp cận và sức ảnh hưởng rất lớn này. Chúng tôi hoạt động như một vị trí gắn kết — tác động đến mạng lưới của Vatican để thúc đẩy những ưu tiên chung của chúng tôi trên toàn thế giới.

Những nỗ lực của chúng tôi đã không thể trở thành sự thật nếu không có tầm nhìn và cam kết của Tổng thống Reagan và Thánh Gioan Phaolo II. Sự hợp tác của họ đã mở ra con đường; và mẫu gương của họ luôn mãi hiện hữu.

Sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa Thánh tự hào vinh danh và ủng hộ di sản vĩ đại này.

Callista Gingrich là Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh.



[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/6/2019]