Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Tông du của ĐTC đến Congo: Gặp gỡ các nạn nhân của miền Đông Cộng hòa Congo: “Nước mắt của anh chị em là nước mắt của cha, nỗi đau đớn của anh chị em là nỗi đau của cha”

“Nước mắt của anh chị em là nước mắt của cha, nỗi đau đớn của anh chị em là nỗi đau của cha”

Huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ các nạn nhân của miền Đông Cộng hòa Congo

Tông du của ĐTC đến Congo: Gặp gỡ các nạn nhân của miền Đông Cộng hòa Congo: “Nước mắt của anh chị em là nước mắt của cha, nỗi đau đớn của anh chị em là nỗi đau của cha”

Vatican Media


*******

Chiều nay, lúc 16:30, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nạn nhân bạo lực ở miền đông đất nước trong hội trường của Tòa Khâm sứ ở Kinshasa.

Sau bài thánh ca mở đầu và những lời chứng của một nạn nhân đến từ giáo phận Butembo-Beniu, một nạn nhân đến từ thành phố Goma, một nạn nhân từ Bunia và một nạn nhân đến từ Bukavu và Uvira, Đức Thánh Cha đã đọc huấn từ của ngài.

Cuối cùng, trước khi ban phép lành cuối, các nạn nhân có mặt đọc lời cam kết tha thứ.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ:

__________________________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Cám ơn. Cảm ơn anh chị em đã can đảm đưa ra những lời chứng này. Chúng ta lại tiếp tục cảm thấy kinh hoàng khi nghe về tình trạng bạo lực vô nhân mà anh chị em đã tận mắt chứng kiến và phải trải qua. Chúng ta chỉ có thể khóc trong lặng lẽ, vì chúng ta chẳng còn lời nào để nói. Bunia, Beni-Butembo, Goma, Masisi, Rutshuru, Bukavu, Uvira: đây là những nơi mà giới truyền thông quốc tế ít nhắc đến. Ở những nơi đó và những nơi khác, rất nhiều anh chị em của chúng ta, những người con của một gia đình nhân loại chúng ta, đã bị bắt làm con tin theo ý thích bất chợt của những kẻ có quyền lực, những kẻ có vũ khí mạnh nhất, những vũ khí vẫn tiếp tục được lưu hành. Hôm nay trái tim cha hướng về miền đông của đất nước rộng lớn này, nơi sẽ không có hòa bình cho đến khi nào hòa bình ngự trị ở đó, ở phần phía đông của nó.

Với anh chị em, những cư dân thân yêu của miền Đông, cha muốn nói rằng: cha gần gũi với anh chị em. Nước mắt của anh chị em là nước mắt của cha; nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của cha. Với mọi gia đình đang đau buồn hoặc phải di tản do các ngôi làng bị đốt cháy và những tội ác chiến tranh khác, với những người sống sót sau bạo lực tình dục và với những thiếu nhi và người lớn bị thương tích, cha nói rằng: cha ở bên anh chị em; cha muốn mang đến cho anh chị em sự vuốt ve của Chúa. Chúa nhìn anh chị em với sự dịu dàng và lòng trắc ẩn. Trong khi những kẻ bạo lực coi anh chị em như những vật thế chấp, thì Chúa Cha trên trời của chúng ta nhìn thấy phẩm giá của anh chị em, và Người nói với từng người anh chị em: “Con thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương,” (Is 43:4). Anh chị em thân mến, Giáo hội đang và sẽ luôn đứng về phía anh chị em. Thiên Chúa yêu thương anh chị em; Người không quên anh chị em. Nhưng người ta cũng phải nhớ đến anh chị em!

Nhân danh Chúa, cùng với các nạn nhân và tất cả những người hoạt động vì hòa bình, công lý và tình huynh đệ, tôi lên án tình trạng bạo lực vũ trang, các vụ thảm sát, hãm hiếp, phá hủy và chiếm đóng các làng mạc, cướp bóc ruộng đồng và gia súc tiếp tục được thực hiện tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Cũng như việc giết người, khai thác bất hợp pháp của cải của đất nước này, và những mưu toan chia cắt đất nước để kiểm soát nó. Thật phẫn nộ khi biết rằng tình trạng mất an ninh, bạo lực và chiến tranh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều người, lại được thúc đẩy một cách đáng hổ thẹn không những bởi các thế lực bên ngoài, mà còn từ trong nước, vì mục đích theo đuổi lợi ích và lợi thế cá nhân. Tôi hướng về Chúa Cha của chúng ta ở trên trời, Đấng muốn tất cả chúng ta là anh chị em trên mặt đất này: tôi khiêm nhường cúi đầu và đau đớn trong lòng xin Người tha thứ cho bạo lực của con người đối với con người. Lạy Cha, xin thương xót chúng con! Xin an ủi các nạn nhân và những người đau khổ. Nguyện xin Chúa hoán cải tâm hồn những kẻ thực hiện các tội ác tàn bạo, mang đến sự hổ thẹn cho toàn thể nhân loại! Và xin Người mở mắt cho những người từ chối nhìn thấy những việc ghê tởm này hoặc bỏ đi khỏi chúng.

Những cuộc xung đột đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng, phá vỡ cơ cấu kinh tế xã hội của một quốc gia và gây ra những vết thương khó chữa lành. Chúng là những cuộc đấu tranh phân cực trong đó các động cơ mang tính sắc tộc, lãnh thổ và phe nhóm đan xen vào nhau; xung đột liên quan đến quyền sở hữu đất đai, sự vắng mặt hoặc tình trạng yếu kém của các thể chế, và sự thù ghét và oán hận được đánh dấu bằng sự báng bổ bạo lực nhân danh một vị thần giả tạo. Tuy nhiên, trên tất cả, một cuộc chiến tranh được khơi mào bởi lòng tham vô độ đối với nguyên liệu thô và tiền đã thúc đẩy một nền kinh tế được vũ khí hóa và cần có sự bất ổn và tham nhũng. Thật là một sự ô nhục và giả hình khi con người bị hãm hiếp và giết chết, trong khi ngành thương mại gây ra tình trạng bạo lực và chết chóc này tiếp tục phát triển!

Tôi tha thiết kêu gọi toàn thể người dân, tất cả các tổ chức trong nước và ngoài nước đang dàn dựng cuộc chiến ở Cộng hòa Dân chủ Congo nhằm cướp bóc, áp bức và gây bất ổn cho đất nước. Các anh đang làm giàu cho mình qua việc khai thác bất hợp pháp những của cải của đất nước này và qua sự hy sinh cách tàn bạo của những nạn nhân vô tội. Hãy lắng nghe tiếng khóc của máu của họ (x. St 4:10), hãy mở đôi tai của các anh để đón nhận tiếng Chúa, Đấng kêu gọi các anh hoán cải, và đón nhận tiếng nói lương tâm của các anh: hãy từ bỏ vũ khí, hãy chấm dứt chiến tranh. Đã quá đủ rồi! Hãy ngừng việc làm giàu bằng cái giá phải trả của người nghèo, hãy ngừng làm giàu từ những tài nguyên và đồng tiền nhuốm máu!

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể bắt đầu từ đâu? Chúng ta phải hành động như thế nào để thúc đẩy hòa bình? Tôi xin khiêm nhường đề nghị bắt đầu trở lại với hai cách nói “không”hai cách nói “có”.

Thứ nhất, nói không với bạo lực, mọi lúc và mọi nơi, không có từ “nếu” hoặc “nhưng”. Không bạo lực! Yêu đồng bào mình không có nghĩa là nuôi lòng hận thù người khác. Ngược lại, yêu quê hương đất nước của chúng ta có nghĩa là từ chối tham gia với những người kích động bạo lực. Việc sử dụng hận thù và bạo lực là một lời nói dối bi thảm; không bao giờ có thể chấp nhận hận thù và bạo lực, không bao giờ có thể biện minh, không bao giờ có thể dung thứ, và đặc biệt hơn nữa đối với các Kitô hữu. Hận thù chỉ nuôi thêm hận thù và bạo lực thêm bạo lực. Chúng ta phải nói “không” một cách rõ ràng và mạnh mẽ với tất cả những ai tìm cách gây bạo lực và hận thù nhân danh Thiên Chúa. Hỡi người dân Congo thân yêu, đừng để mình bị dụ dỗ bởi những cá nhân hoặc các nhóm kích động bạo lực nhân danh Thiên Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa hòa bình, không phải chiến tranh. Rao giảng về sự thù ghét là một hình thức báng bổ, và sự thù ghét luôn làm băng hoại tâm hồn con người. Thật vậy, những người sống bằng bạo lực không bao giờ sống tốt; họ nghĩ rằng họ đang cứu mạng sống họ, nhưng họ lại bị nhấn chìm trong vòng xoáy của sự dữ khiến họ phải chiến đấu với những người anh chị em mà họ đã lớn lên và chung sống trong nhiều năm, và cuối cùng giết chết họ trong lòng.

Tuy nhiên, nói “không” với bạo lực thì không đủ để tránh các hành vi bạo lực. Chúng ta cũng cần phải loại bỏ những gốc rễ của bạo lực: lòng tham, sự đố kỵ, và trên hết là sự oán hận. Khi cúi đầu kính trọng trước những đau khổ mà rất nhiều người phải gánh chịu, tôi xin mọi người hãy cư xử như anh chị em, những chứng nhân can đảm đã gợi ý cho chúng ta, đã làm và có can đảm để giải giới tâm hồn. Nhân danh Chúa Giêsu, Đấng tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh vào chân tay Ngài, treo Ngài lên thập giá, tôi xin mọi người: xin hãy giải giới tâm hồn của anh chị em. Điều này không có nghĩa là chúng ta không phẫn nộ trước cái ác hay không lên án nó; không, đây là nhiệm vụ của chúng ta! Nó cũng không có nghĩa là cho phép miễn trừ hoặc dung túng cho các hành vi tàn bạo, tiếp tục như thể không có chuyện gì xảy ra. Nhân danh hòa bình, nhân danh Thiên Chúa của hòa bình, chúng ta được yêu cầu phải phi quân sự hóa tâm hồn của mình; tẩy trừ mọi nọc độc, xua tan hận thù, từ bỏ lòng tham, xóa bỏ cay đắng. Nói “không” với tất cả những điều này có vẻ như yếu đuối, nhưng trên thực tế, nó giải phóng chúng ta, vì nó mang lại cho chúng ta sự bình an. Đúng vậy, hòa bình được sinh ra từ những tâm hồn không oán hận.

Bây giờ chúng ta chuyển sang tiếng “không” thứ hai: nói không với sự buông xuôi. Hòa bình kêu gọi chúng ta chiến đấu với sự chán nản, thất vọng và ngờ vực khiến chúng ta nghĩ rằng tốt hơn hết là chúng ta không tin tưởng người khác, sống xa cách và xa nhau, hơn là đưa tay giúp đỡ và cùng nhau tiến bước. Vẫn nhân danh Thiên Chúa, một lần nữa tôi mời gọi tất cả những người đang sống ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo không bỏ cuộc mà hãy dấn thân xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Mặc dù tương lai hòa bình sẽ không từ trên trời rơi xuống, nhưng nó có thể diễn ra nếu chúng ta tháo cởi khỏi tâm hồn mình thuyết định mệnh và sự buông xuôi, mọi sợ hãi liên quan đến người khác. Một tương lai khác sẽ đến nếu nó vì tất cả mọi người chứ không vì một số ít, nếu nó là vì người khác và không chống lại người khác. Một tương lai mới sẽ đến nếu chúng ta nhìn những người khác, dù là người Tutsi hay người Hutu, không còn là đối thủ hay là kẻ thù, mà là anh chị em, và nếu chúng ta tin rằng trong tâm hồn họ, dù ẩn giấu đến đâu, họ cũng ấp ủ cùng một khát vọng hòa bình. Ngay cả ở miền Đông, hòa bình là có thể! Chúng ta hãy tin điều đó! Chúng ta hãy làm việc cho điều đó, mà không ủy thác nó cho người khác!

Tương lai không thể được xây dựng bằng cách tiếp tục khép kín trong những lợi ích riêng của chúng ta, hoặc trong các nhóm sắc tộc hoặc gia đình của chúng ta. Một câu nói tiếng Swahili dạy chúng ta: “jirani ni ndugu” [người hàng xóm của chúng ta là anh chị em]. Anh chị em thân mến, vậy thì tất cả những người hàng xóm đều là anh chị em của anh chị em, cho dù họ là người Burundi, Ugandan hay Rwanda. Tất cả chúng ta là anh chị em vì tất cả chúng ta đều là con của cùng một Chúa Cha. Đó là giáo huấn đức tin Kitô giáo được phần lớn dân chúng tuyên xưng. Vì vậy, hãy ngước mắt nhìn lên Chúa, và đừng giữ mình là những tù nhân của nỗi sợ hãi, vì sự ác mà mọi người đã phải chịu đựng cần phải được biến thành sự thiện cho tất cả mọi người. Mong rằng sự nản chí đang làm chúng ta mất khả năng nhường chỗ cho một nhiệt huyết mới, cho một cuộc đấu tranh dũng cảm vì hòa bình, cho những dự án đầy can đảm vì tình huynh đệ, cho vẻ đẹp của việc cùng nhau kêu lên, không bao giờ nữa! Không bao giờ có bạo lực nữa, không bao giờ oán hận nữa, không bao giờ buông xuôi nữa!

Và như vậy, chúng ta đi đến hai cách nói “có” vì hòa bình. Đầu tiên, nói có đối với sự hòa giải. Các bạn thân mến, những gì các bạn sắp làm là một điều kỳ diệu. Các bạn mong muốn cam kết tha thứ cho nhau và khước từ chiến tranh và xung đột như một cách thức để giải quyết những khác biệt. Và các bạn muốn làm như vậy bằng cách cùng nhau cầu nguyện, tập trung quanh Thánh giá, dưới đó, với lòng can đảm lớn lao, các bạn đặt các dấu hiệu của mọi bạo lực mà các bạn đã chứng kiến và chịu đựng: đồng phục, dao rựa, búa, rìu, dao… Thập giá tự nó là một công cụ tra tấn và chết chóc, một thứ khủng khiếp nhất được sử dụng vào thời Chúa Giêsu, thế nhưng, được tình yêu của Chúa biến đổi, nó đã trở thành một phương tiện hòa giải phổ quát, một cây sự sống.

Tôi muốn nói với tất cả các bạn rằng: Hãy là cây sự sống! Hãy trở nên giống như những cây hấp thụ ô nhiễm và trả lại oxy. Hoặc như một tục ngữ nói: “Ở đời, hãy làm như cây cọ: nó đón nhận đá sỏi, nó trả lại bằng quả.” Thật vậy, lời tiên tri của Kitô giáo có nghĩa là lấy điều thiện để đáp lại điều ác, lấy tình yêu đáp lại hận thù, lấy hòa giải đáp lại chia rẽ. Đức tin mang đến một khái niệm mới về công bình, không bằng lòng với việc trừng phạt và khước từ trả thù, thay vào đó mong muốn mang đến sự hòa giải, để làm lắng dịu những xung đột mới, loại bỏ oán giận và mang lại sự tha thứ. Tất cả những điều này mạnh mẽ hơn sự dữ. Anh chị em có biết tại sao không? Bởi vì chúng biến đổi thực tại từ bên trong, thay vì phá hủy nó từ bên ngoài. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đánh bại sự dữ, như Chúa Giêsu đã làm trên cây thánh giá, bằng cách gánh lấy nó và biến đổi nó bằng tình yêu của Người. Bằng cách này, nỗi đau biến thành niềm hy vọng. Các bạn thân mến, chỉ có sự tha thứ mới có thể mở ra cánh cửa cho tương lai, vì nó mở ra cánh cửa cho một nền công bình mới chấm dứt vòng luẩn xoáy của sự trả thù. Hòa giải là tạo ra một ngày mới. Đó là tin tưởng vào tương lai hơn là neo đậu trong quá khứ; đó là đặt cược cho hòa bình hơn là cam chịu chiến tranh; và đó là thoát khỏi những bức tường giam hãm cách nhìn sự vật của chúng ta, để có thể mở lòng với người khác và cùng với họ, nếm trải tự do.

Cuối cùng, chữ “có ” mang tính quyết định: có với niềm hy vọng. Nếu chúng ta ví hòa giải như một cái cây, một cây cọ trĩu quả, thì hy vọng chính là dòng nước làm cho cây đó sinh sôi nảy nở. Niềm hy vọng này có một suối nguồn, và suối nguồn đó có một tên mà tôi muốn công bố cùng với các bạn: Giêsu! Với Chúa Giêsu, sự dữ không còn có tiếng nói cuối cùng đối với sự sống; với Chúa Giêsu, Đấng đã đi vào mồ, điểm dừng cuối cùng trong hành trình con người chúng ta, khởi đầu của một lịch sử mới, những khả năng mới không ngừng nảy nở. Với Chúa Giêsu, mỗi ngôi mộ có thể trở thành một chiếc nôi, mỗi đồi Canvê là một khu vườn Phục Sinh. Với Chúa Giêsu, niềm hy vọng được sinh ra và không ngừng tái sinh: cho những ai đã phải gánh chịu cái ác, và ngay cả những người đã gây ra nó.

Thưa anh chị em ở phía đông của đất nước, niềm hy vọng này là dành cho anh chị em, và anh chị em có quyền đối với nó. Tuy nhiên, nó cũng là một quyền phải tìm kiếm. Bằng cách nào? Bằng cách kiên nhẫn gieo hòa bình từng ngày. Tôi xin trở lại với hình ảnh cây cọ. Tục ngữ có câu: “Khi bạn ăn quả cọ, bạn nhìn thấy cây cọ, cho dù người trồng cây đã về với lòng đất từ lâu”. Nói cách khác, để đạt được những hoa trái mà anh chị em hy vọng, anh chị em phải làm việc với tinh thần của những người trồng cây cọ, hướng đến các thế hệ tương lai chứ không phải những kết quả ngay lập tức. Gieo sự thiện là điều tốt lành cho chúng ta: nó giải thoát chúng ta khỏi những mối quan tâm hẹp hòi về lợi ích cá nhân và cho chúng ta một lý do để sống mỗi ngày: nó thêm hương vị cho cuộc sống của chúng ta cách hậu hĩnh và nó làm cho chúng ta ngày càng trở nên giống Thiên Chúa hơn, người gieo giống kiên trì gieo hạt giống hy vọng cách miệt mài.

Hôm nay, tôi nghĩ đến và tôi chúc phúc cho tất cả những người gieo rắc hòa bình đang làm việc trên đất nước này: những cá nhân và tổ chức đã quảng đại cung cấp cứu trợ và cứu giúp những nạn nhân bạo lực, bóc lột và thiên tai, những người nam và nữ đến đây được thúc đẩy bởi lòng mong muốn nâng cao phẩm giá con người. Một số người đã hy sinh vì phục vụ cho hòa bình, như ngài Đại sứ Luca Attanasio, người hộ tống quân sự của ông, Vittorio lacovacci, và người tài xế Mustapha Milambo, họ đã bị giết cùng với ông hai năm trước ở phía đông đất nước. Họ là những người gieo hy vọng và sự hy sinh của họ sẽ không bị mất đi.

Thưa anh chị em, những người con của Ituri, của Bắc và Nam Kivu, cha gần gũi với anh chị em; Tôi ôm lấy anh chị em và chúc lành cho tất cả anh chị em. Tôi chúc lành cho tất cả mọi trẻ em, người lớn, người già, tất cả những người bị thương tổn do bạo lực ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo, đặc biệt là tất cả các phụ nữ và những người mẹ. Và tôi cầu nguyện rằng phụ nữ, mọi người phụ nữ, được tôn trọng, được bảo vệ và quý trọng. Bạo lực đối với phụ nữ và các bà mẹ là bạo lực chống lại chính Thiên Chúa, Đấng từ một người phụ nữ, từ một người mẹ, đã mang lấy thân phận con người của chúng ta. Xin Chúa Giêsu, người anh của chúng ta, là Thiên Chúa hòa giải, Đấng đã trồng cây thánh giá sự sống trong lòng bóng tối tội lỗi và đau khổ, Chúa Giêsu, Thiên Chúa của hy vọng tin tưởng nơi anh chị em, nơi đất nước và tương lai của anh chị em, chúc lành và an ủi tất cả anh chị em. Xin Chúa tuôn đổ sự bình an của Người vào tâm hồn anh chị em, trên gia đình của anh chị em và trên toàn thể nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/2/2023]


Tông du của ĐTC đến Congo - Thánh Lễ ở Kinshasa: “Cách thức gìn giữ và nuôi dưỡng sự bình an của Chúa Giêsu: tha thứ, cộng đoàn và sứ mệnh”

“Cách thức gìn giữ và nuôi dưỡng sự bình an của Chúa Giêsu: tha thứ, cộng đoàn và sứ mệnh”

Bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha ở Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo

Tông du của ĐTC đến Congo - Thánh Lễ ở Kinshasa: “Cách thức gìn giữ và nuôi dưỡng sự bình an của Chúa Giêsu: tha thứ, cộng đoàn và sứ mệnh”

Misa en Kinsaa, República Democrática del Congo, 1 febrero 2022 © Vatican Media


*******

Sáng nay, sau khi rời Tòa Khâm sứ ở Kinshasa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã di chuyển bằng xe hơi đến Sân bay N’dolo để cử hành Thánh lễ.

Khi đến nơi, sau khi đổi sang xe giáo hoàng và sau vài vòng chạy giữa các tín hữu, lúc 9 giờ 30 sáng, Đức Thánh Cha chủ tế Thánh Lễ bằng tiếng Pháp và tiếng Lingala cho các giáo phận Zaire, cầu nguyện cho hòa bình và công lý.

Trong Thánh Lễ, sau khi đọc Tin Mừng, Đức Thánh Cha có bài giảng.

Vào cuối Thánh lễ, sau lời chào mừng của Đức Cha Fridolin Ambongo Besungu, O.F.M. Cap., Tổng Giám mục Chính tòa Kinshasa, Đức Thánh Cha trở về Tòa Khâm sứ bằng xe hơi, nơi ngài dùng bữa trưa riêng.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ:

__________________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Bandeko, bobóto [Anh chị em thân mến, bình an ở cùng anh chị em]

R/ Bondeko [Tình huynh đệ]

Bondéko [Tình huynh đệ]

R/Esengo [Niềm vui]

Esengo, niềm vui: được nhìn thấy và gặp gỡ anh chị em là một niềm vui lớn lao. Cha đã rất mong chờ giây phút này; chúng ta đã phải đợi thêm một năm mới! Cảm ơn anh chị em đã ở đây!

Tin Mừng vừa kể cho chúng ta rằng niềm vui của các môn đệ vào buổi chiều ngày Phục Sinh là rất lớn lao, và niềm vui này bừng lên “khi các ông được thấy Chúa” (Ga 20:20). Trong bầu không khí hân hoan và kinh ngạc này, Chúa Giêsu Phục Sinh nói với họ. Người nói gì với các ông? Trước hết là bốn từ đơn giản: “Peace be with you!” (“Bình an cho anh em!”) (câu 19). Là một lời chào, nhưng còn hơn cả một lời chào: đó là một ân ban. Bởi vì sự bình an, bình an được các thiên thần loan báo trong đêm Chúa giáng sinh tại Bêlem (x. Lc 2:14), sự bình an mà Chúa Giêsu hứa để lại cho các môn đệ (x. Ga 14:27), bây giờ lần đầu tiên, được trang trọng ban cho họ. Sự bình an của Chúa Giêsu, cũng được ban cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ, là sự bình an Phục Sinh: bình an này đến từ sự phục sinh, vì trước hết Chúa phải đánh bại những kẻ thù của chúng ta là tội lỗi và sự chết, và hòa giải thế giới với Chúa Cha. Ngài đã phải trải qua sự cô đơn và bị bỏ rơi của chúng ta, địa ngục của chúng ta, đón nhận và xóa bỏ những khoảng cách ngăn cách chúng ta với sự sống và niềm hy vọng. Giờ đây, sau khi xóa bỏ khoảng cách giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ của Người.

Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của họ. Ngày hôm đó, họ hoàn toàn bị nhục nhã bởi sự ô nhục của thập giá, bị tổn thương trong lòng vì đã trốn chạy và bỏ rơi Chúa Giêsu, thất vọng trước kết cục cuộc đời của Chúa và sợ rằng cuộc đời của họ cũng sẽ kết thúc theo cách tương tự. Họ cảm thấy tội lỗi, thất vọng, buồn phiền và sợ hãi… Tuy nhiên, Chúa Giêsu đến và công bố sự bình an, ngay khi tâm hồn các môn đệ của Người đang suy sụp. Ngài loan báo sự sống, ngay khi họ đang cảm thấy bị bao vây bởi cái chết. Nói cách khác, sự bình an của Chúa Giêsu đến, một cách hoàn toàn bất ngờ và đầy ngạc nhiên, vào chính thời điểm khi mọi mọi sự dường như đã kết thúc đối với họ, thậm chí không có lấy một tia bình an. Đó là điều Chúa làm: Chúa làm chúng ta ngạc nhiên; Người nắm lấy tay chúng ta khi chúng ta vấp ngã; Người nâng chúng ta lên khi chúng ta rơi xuống vực. Thưa anh chị em, với Chúa Giêsu, sự dữ không bao giờ chiến thắng, sự dữ không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. “Vì Người là sự bình an của chúng ta” (Êp 2:14), và sự bình an của Người luôn chiến thắng. Do đó, chúng ta, những người thuộc về Chúa Giêsu, không bao giờ được khuất phục trước sự buồn phiền; chúng ta không được phép để cho sự buông xuôi và chủ nghĩa định mệnh tóm lấy chúng ta. Cho dù bầu không khí đó đang bao trùm xung quanh chúng ta, nhưng nó không được làm như vậy đối với chúng ta. Trong một thế giới bị chán nản vì bạo lực và chiến tranh, người Kitô hữu phải giống như Chúa Giêsu. Như để nhấn mạnh điểm này, Chúa Giêsu nói với các môn đệ một lần nữa: Bình an cho anh em! (x. Ga 20:19,21). Chúng ta được kêu gọi biến thông điệp hòa bình đầy bất ngờ và tiên tri của Chúa thành của chúng ta và công bố thông điệp đó cho thế giới.

Đồng thời, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: làm cách nào chúng ta có thể gìn giữ và nuôi dưỡng sự bình an của Chúa Giêsu? Chính Chúa chỉ ra ba suối nguồn bình an, ba suối nguồn mà chúng ta có thể kín múc khi chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng bình an. Đó là tha thứ, cộng đoàn và sứ mệnh.

Chúng ta hãy nhìn đến suối nguồn đầu tiên: tha thứ. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (c. 23). Tuy nhiên, trước khi trao sức mạnh tha thứ cho các tông đồ, Chúa đã tha thứ cho họ, không phải bằng lời nói mà bằng một hành động, hành động đầu tiên của Chúa Phục Sinh. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng, “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn” (c. 20). Chúa Giêsu cho họ thấy những vết thương của Người. Chúa cho họ thấy những vết thương của Người, bởi vì sự tha thứ được sinh ra từ những vết thương. Nó được sinh ra khi những vết thương của chúng ta không để lại vết sẹo hận thù, nhưng trở thành phương cách để chúng ta nhường chỗ cho người khác và chấp nhận những khuyết điểm của họ. Khuyết điểm của chúng ta trở thành cơ hội, và sự tha thứ trở thành con đường dẫn đến bình an. Điều này không có nghĩa là chúng ta bỏ đi và hành động như thể không có gì thay đổi; thay vào đó, chúng ta mở lòng yêu thương người khác. Đó là điều Chúa Giêsu làm: đứng trước sự buồn bã và sự xấu hổ của những người đã chối bỏ Ngài và chạy trốn, Ngài cho thấy những vết thương của mình và mở ra suối nguồn của lòng thương xót. Chúa không nói nhiều, nhưng mở rộng trái tim bị thương tổn của Ngài, để nói với chúng ta rằng Chúa luôn luôn bị tổn thương vì tình yêu dành cho chúng ta.

Thưa anh chị em, khi cảm giác tội lỗi và nỗi buồn xâm chiếm chúng ta, khi mọi việc không diễn ra êm xuôi, thì chúng ta biết phải tìm kiếm ở đâu: nơi những vết thương của Chúa Giêsu, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta bằng tình yêu bị thương tích và vô biên của Người. Chúa biết những vết thương của anh chị em; Chúa biết những vết thương của đất nước, của dân tộc, của vùng đất của anh chị em! Chúng là những vết thương nhức nhối, liên tục bị nhiễm độc bởi sự hận thù và bạo lực, trong khi liều thuốc công lý và dầu thơm hy vọng dường như không bao giờ đến. Anh chị em thân yêu, Chúa Giêsu đau khổ cùng với anh chị em. Chúa nhìn thấy những vết thương mà anh chị em mang trong mình, và Người khao khát được an ủi và chữa lành cho anh chị em; Chúa trao cho anh chị em trái tim bị tổn thương của Người. Trong tâm hồn anh chị em, Thiên Chúa lặp lại những lời Người đã nói hôm nay qua ngôn sứ Isaia: “Ta sẽ chữa nó cho lành, sẽ dẫn nó đi và cho nó đầy tràn an ủi” (Is 57:18).

Cùng nhau, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu luôn ban cho chúng ta cơ hội được tha thứ và bắt đầu lại, cũng như sức mạnh để tha thứ cho bản thân, cho tha nhân và cho lịch sử! Đó là điều Chúa Kitô muốn. Người muốn xức dầu cho chúng ta bằng sự tha thứ của Người, ban cho chúng ta sự bình an và lòng can đảm để đến lượt mình biết tha thứ cho người khác, can đảm trao cho người khác một sự ân xá tâm hồn. Thật tốt biết bao khi chúng ta gột rửa tâm hồn mình khỏi sự tức giận và hối hận, khỏi mọi dấu vết của phẫn uất và thù địch!

Anh chị em thân mến, ước mong ngày hôm nay là thời gian của ân sủng để anh chị em đón nhận và cảm nghiệm sự tha thứ của Chúa Giêsu! Cầu mong đây là thời điểm thích hợp cho những ai đang mang gánh nặng trong lòng và ước mong họ được nâng lên để một lần nữa có thể hít thở tự do. Và mong rằng đây là thời điểm tốt cho tất cả những người trong đất nước này, những người tự gọi mình là Kitô hữu nhưng lại tham gia vào bạo lực. Thiên Chúa đang nói với các bạn: “Hãy hạ vũ khí xuống, hãy ôm lấy lòng thương xót”. Với tất cả những người bị thương tổn và bị áp bức của dân tộc này, Chúa đang nói: “Đừng e ngại chôn lấp những vết thương của con trong vết thương của Ta”. Chúng ta làm điều này, thưa anh chị em. Đừng sợ lấy cây thánh giá đeo trên cổ và trong túi ra, cầm lấy thánh giá trong hai bàn tay và ôm vào lòng, để chia sẻ những vết thương của anh chị em với những vết thương của Chúa Giêsu. Sau đó, khi trở về nhà, anh chị em hãy lấy thánh giá treo trên tường và ôm lấy nó. Hãy cho Đức Kitô cơ hội để chữa lành tâm hồn anh chị em, trao quá khứ của anh chị em cho Chúa, cùng với tất cả những nỗi sợ hãi và vấn đề của anh chị em. Thật đẹp biết bao khi anh chị em mở cửa lòng và mở cửa ngôi nhà của mình cho sự bình an của Chúa! Và tại sao lại không viết những lời của Chúa lên tường nhà, viết chúng trên quần áo, và đặt chúng như một biển hiệu trên các ngôi nhà của anh chị em: Bình an cho anh em! Trương những lời này lên sẽ là một tuyên bố tiên tri cho đất nước của anh chị em, và là một sự chúc phúc của Chúa cho tất cả những người anh chị em gặp. Bình an cho anh em: chúng ta hãy đón nhận sự tha thứ từ Thiên Chúa và đến lượt chúng ta cũng hãy tha thứ cho nhau!

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào suối nguồn bình an thứ hai: cộng đoàn. Chúa Giêsu Phục Sinh không nói với một trong các môn đệ của Người; Chúa hiện ra với các ông trong một nhóm. Về điều này, Chúa ban bình an của Người xuống cho cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên này. Không có Kitô giáo nếu không có cộng đoàn, cũng như không có bình an nếu không có tình huynh đệ. Nhưng với tư cách là một cộng đoàn, chúng ta đang hướng về đâu, chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an ở đâu? Chúng ta hãy nhìn lại các môn đệ. Trước Phục sinh, họ theo Chúa Giêsu, nhưng vẫn tiếp tục suy nghĩ theo cách của con người: họ hy vọng vào một Đấng Cứu Thế chiến thắng, người sẽ đánh bại những kẻ thù, làm nên những điều phi thường và phép lạ, đồng thời làm cho họ trở nên giàu sang và tiếng tăm. Thế nhưng những ước muốn trần tục đó đã để lại cho họ đôi bàn tay trắng và cướp đi sự bình an của cộng đoàn, làm nảy sinh những tranh cãi và chống đối (x. Lc 9:46; 22:24). Chúng ta đối mặt với cùng một mối nguy hiểm: ở cùng với người khác, nhưng lại đi con đường của riêng mình; trong xã hội, và ngay cả trong Giáo hội, chúng ta tìm kiếm quyền lực, sự nghiệp, những tham vọng của riêng mình… Chúng ta đi theo con đường của riêng mình thay vì con đường của Chúa, và chúng ta có kết cục giống như các môn đệ: giấu mình sau những cánh cửa đóng kín, vô vọng, và đầy sợ hãi và thất vọng. Tuy nhiên, vào ngày Phục Sinh, một lần nữa họ tìm thấy con đường đến bình an, nhờ Chúa Giêsu, Đấng thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20:22). Nhờ Chúa Thánh Thần, họ không còn nhìn vào những điều gây chia rẽ họ, nhưng nhìn vào những gì liên kết họ. Họ sẽ đi vào thế giới không còn vì bản thân họ, mà vì những người khác; không phải để thu hút sự chú ý, mà để mang lại hy vọng; không phải để được chấp nhận, nhưng để sống cuộc đời của họ một cách hân hoan cho Chúa và cho tha nhân.

Thưa anh chị em, luôn có mối nguy hiểm khiến chúng ta có thể đi theo tinh thần thế gian thay vì Thần Khí của Đức Kitô. Làm cách nào để chúng ta có thể chống lại cám dỗ của quyền lực và tiền bạc và không đầu hàng trước sự chia rẽ, trước những quyến rũ của lòng tham danh vọng làm xói mòn cộng đoàn, và trước những ảo tưởng giả tạo của lạc thú và phù phiếm khiến chúng ta trở nên ích kỷ và xem mình là trung tâm? Một lần nữa, qua ngôn sứ Isaia, Chúa chỉ đường cho chúng ta. Ngài nói với chúng ta: “Ta ngự … với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung, và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát” (Is 57:15). Cách thức của Ngài là chia sẻ với người nghèo: đó là liều thuốc giải độc tốt nhất chống lại những cám dỗ của sự chia rẽ và tính thế gian. Có can đảm để nhìn đến người nghèo và lắng nghe họ, bởi vì họ là những thành viên của cộng đoàn chúng ta chứ không phải là những người xa lạ cần phải tránh xa khỏi tầm mắt và lương tâm của chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng với người khác, thay vì khóa chặt trong những vấn đề của riêng mình hoặc những mối quan tâm hời hợt. Chúng ta hãy bắt đầu từ những người nghèo và sẽ khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều có chung sự nghèo khó nội tâm, rằng tất cả chúng ta đều cần Thần Khí của Thiên Chúa để giải thoát chúng ta khỏi tinh thần thế gian, và rằng sự khiêm nhường là sự cao cả và tình huynh đệ là của cải đích thực của mọi người Kitô hữu. Chúng ta hãy tin tưởng vào cộng đoàn, và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, xây dựng một Giáo hội thoát khỏi tinh thần thế gian và tràn đầy Chúa Thánh Thần, không quan tâm đến việc tích trữ của cải và ngập tràn tình yêu thương anh em!

Cuối cùng, chúng ta đến với suối nguồn bình an thứ ba: sứ mệnh. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21). Người sai chúng ta như Chúa Cha đã sai Người. Thế nhưng Chúa Cha đã sai Người đến thế gian như thế nào? Chúa Cha sai Người đi phục vụ và hiến mạng sống vì nhân loại (x. Mc 10:45), để tỏ lòng thương xót đối với từng người (x. Lc 15) và tìm kiếm những người xa lạc (x. Mt 9:13). Tóm lại, Chúa Cha đã sai Người đến với mọi người: không chỉ cho người công chính, mà cho tất cả mọi người. Về phương diện này, những lời của ngôn sứ Isaia một lần nữa vang lên: “"Bình an! Bình an cho khắp xa gần! Đức Chúa phán,” (Is 57:19). Đầu tiên là xa, rồi đến gần: không chỉ cho “riêng chúng ta”, mà còn cho tất cả mọi người.

Thưa anh chị em, chúng ta được kêu gọi trở thành những nhà thừa sai bình an, và điều này sẽ mang đến cho chúng ta sự bình an. Đó là một quyết định mà chúng ta phải đưa ra. Chúng ta cần tìm chỗ cho mọi người trong tâm hồn mình; tin rằng những khác biệt về sắc tộc, vùng miền, xã hội, tôn giáo và văn hóa chỉ là thứ yếu và không phải là trở ngại; rằng người khác là anh chị em của chúng ta, là thành viên của cùng một cộng đồng nhân loại; và sự bình an của Chúa Giêsu mang đến cho thế gian là cho tất cả mọi người. Chúng ta cần phải tin rằng người Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hợp tác với mọi người, để phá vỡ vòng xoáy bạo lực, để phá bỏ những âm mưu thù hận. Vâng, người Kitô hữu, được Chúa Kitô sai đi, được kêu gọi trở thành lương tâm bình an trong thế giới của chúng ta. Không đơn thuần là những lương tâm phê phán, mà chính yếu là những chứng nhân của tình yêu. Không quan tâm đến quyền lợi riêng của họ, nhưng quan tâm đến những quyền lợi của Tin Mừng, đó là tình huynh đệ, tình yêu và sự tha thứ. Không quan tâm đến công việc của riêng mình, mà là những người thừa sai cho “tình yêu điên cuồng” của Thiên Chúa dành cho mỗi con người.

Bình an cho anh em, hôm nay Chúa Giêsu nói với mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, mỗi nhóm sắc tộc, khu phố và thành phố trên đất nước tuyệt vời này. Bình an cho anh em! Nguyện xin những lời này của Chúa chúng ta vang lên trong thinh lặng của tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghe những lời đó nói với chúng ta và chúng ta hãy chọn trở thành chứng nhân của sự tha thứ, trở thành những người xây dựng cộng đoàn, những người mang sứ mệnh bình an đến trong thế giới của chúng ta.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/2/2023]