Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Ai-cập

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Ai-cập

Pope Francis aboard the papal plane on April 29, 2017. Credit: Ed Pentin/EWTN News.
Đức Thánh Cha Phanxico trên chuyến bay giáo hoàng ngày 29 tháng Tư, 2017. Credit: Ed Pentin/EWTN News.





Thành Vatican, 29 tháng Tư, 2017 / 03:41 chiều (CNA/EWTN News).- Trong cuộc nói chuyện với các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Ai-cập, Đức Thánh Cha Phanxico đã đụng chạm đến một loạt các vấn đề, bao gồm Bắc Triều tiên, chủ nghĩa dân túy và và một chuyến viếng thăm có thể có của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi chưa có gì được khẳng định về cuộc gặp gỡ với tổng thống Hoa kỳ, hầu hết những gì Đức Phanxico nói trong cuộc họp báo kéo dài 32 phút diễn ra trên chuyến bay từ Ai-cập về Roma ngày 29 tháng Tư của ngài, tập trung vào các chủ điểm nổi lên trong suốt chuyến viếng thăm hai ngày của ngài đến Ai-cập, nhưng là những điều có thể áp dụng cho một số những vấn đề chính trong cuộc thảo luận toàn cầu ngày nay.
Sau đây là toàn văn ghi chép buổi họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha của CNA:
Greg Burke (Giám đốc báo chí Vatican): Ở đây trong số những nhà báo có những người thực hiện chuyến đi đầu tiên và có những người đã có gần 100 … Không, hơn 100, con nghĩ vậy … Và thưa Đức Thánh Cha, con không biết là cha có biết người đã có bao nhiêu chuyến đi quốc tế không …
ĐTC Phanxico: 18!
Greg Burke: À, 18, tuyệt vời. Con chẳng biết. Mười chín là con số sắp đến, vậy là cha có một con số đẹp của các chuyến đi Giáo hoàng rồi. Tạ ơn, giây phút này luôn luôn là một thời khắc mạnh mẽ cho chúng ta, và chúng ta bắt đầu với nhóm Ý, Paolo Rodari. Con không biết cha có muốn nói gì trước không.
ĐTC Phanxico: Vâng, chào (buổi tối) và cảm ơn anh chị em về công việc của mình, vì tôi nghĩ trong 27 giờ đồng hồ qua, tôi nghĩ là rất nhiều công việc. Cảm ơn rất nhiều về những gì anh chị em đã làm, cám ơn. Tôi sẵn sàng trả lời anh chị em.
Greg Burke: Xin cảm ơn, Đức Thánh Cha.
Paolo Rodari (Repubblica): Xin chào Đức Thánh Cha, cảm ơn cha. Con muốn hỏi người về cuộc gặp gỡ hôm qua của người với ông al Sisi. Hai vị đã nói về vấn đề gì? Những chủ đề về nhân quyền đã được đề cập đến, và đặc biệt, người đã có thể nói về vụ Giulio Regeni, và người có nghĩ sự thật sẽ được phơi bày liên quan đến việc này?
ĐTC Phanxico: Về việc này tôi sẽ cho câu trả lời chung chung, việc này chạm đến vấn đề riêng tư. Nói chung khi tôi và một nguyên thủ quốc gia đối thoại riêng, việc đó được giữ riêng tư, trừ khi, theo sự đồng ý, chúng tôi nói ‘chúng tôi nói về điểm này, chúng tôi sẽ công khai nó.’ Tôi có bốn cuộc đối thoại riêng ở đây với Đức Đại Imam của al-Azhar, với ông al Sisi, với Đức Thượng phụ Tawadros và với Đức Thượng phụ Ibrahim và tôi tin rằng nó là sự riêng tư, vì sự kính trọng chúng ta phải giữ tính riêng tư … nó là chuyện mật … nhưng mé sau có câu hỏi về Regeni. Tôi có quan tâm, về phía Tòa Thánh tôi rất xúc động về vấn đề đó vì cha mẹ (của cậu) cũng hỏi tôi. Tòa Thánh rất xúc động. Tôi không nói là như thế nào hay ở đâu, nhưng chúng tôi rất xúc động.
Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Ai-cập
Greg Burke: Dario Menor Torres, từ El Correo Espanol.
Dario Menor (El Correo Espanol): Xin cảm ơn, Đức thánh Cha! Hôm qua cha nói rằng hòa bình, thịnh vượng và phát triển xứng đáng cho mọi sự hy sinh và về sau cha lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền bất biến của con người. Điều này có phải hàm ý ủng hộ cho chính phủ Ai-cập, một sự công nhận vai trò của nước này trong vùng Trung Đông, và cách họ cố gắng bảo vệ người Ki-tô hữu bất kể việc thiếu những bảo đảm về dân chủ từ phía chính phủ?
ĐTC Phanxico: Anh có thể lặp lại không … cái gì ý hàm ý gì? Tôi không nghe rõ …
Dario Menor: Nếu những lời cha nói về tầm quan trọng của hòa bình, thịnh vượng và phát triển, nói rằng chúng xứng đáng cho mọi sự hy sinh, chúng ta có thể giải thích những điều đó như là một sự ủng hộ cho chính phủ Ai-cập và cách nước này cố gắng bảo vệ cho người Ki-tô hữu bất kể thiếu những sự bảo đảm dân chủ.
ĐTC Phanxico: Không, không … chúng ta phải giải thích theo đúng nghĩa đen mang giá trị trong nó … Tôi nói rằng bảo vệ hòa bình, bảo vệ sự hòa hợp các dân tộc, bảo vệ sự bình đẳng cho các công dân, bất kể họ có thể tuyên xưng niềm tin nào, là những điều giá trị. Tôi nói đến giá trị! Nếu một người lãnh đạo bảo vệ cho một giá trị hay bảo vệ một người khác, đó lại là vấn đề khác. Tôi đã thực hiện 18 chuyến đi quốc tế. Trong rất nhiều những quốc gia đó, tôi nghe thấy, ‘Nhưng thưa Giáo hoàng, đến đó, là cho thấy sự ủng hộ cho chính phủ đó,’ vì một chính phủ luôn có những cái yếu của họ hoặc họ có những đối thủ chính trị của họ, và một số người nói điều này điều kia … tôi không bị lẫn lộn (trong chuyện đó) … Tôi nói về những giá trị, và mọi người nhìn thấy, là một quan tòa nếu chính phủ này, nhà nước này, nhà nước kia ở đây, ở kia làm thăng tiến những giá trị đó …  
Dario Menor: Cha có thấy sự thôi thúc muốn đến thăm những Kim tự tháp?
ĐTC Phanxico: Nhưng, anh có biết là lúc 6 giờ sáng nay, hay vị phụ tá của tôi đã đi thăm những Kim tự tháp không?
Dario Menor: Chắc là cha muốn cùng đi với các vị đó?
ĐTC Phanxico: Chắc chắn như vậy, đúng.
Dario Menor: Cảm ơn cha rất nhiều.
Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Ai-cập
Virginie Riva (Europe 1): Thưa Đức Thánh Cha, một câu hỏi có thể bắt đầu từ chuyến đi và trải dài đến Pháp, nếu người đồng ý. Cha nói chuyện tại al-Azhar, tại trường đại học, về chủ nghĩa dân túy mị dân. Người Công giáo Pháp hiện nay bị cám dỗ bởi người theo chủ nghĩa dân túy hoặc lá phiếu cực đoan, họ bị chia rẽ và mất phương hướng. Cha có thể đưa ra những yếu tố nhận thức nào cho những cử tri Công giáo này?
ĐTC Phanxico: Rất hay … có một chiều kích về “những chủ nghĩa dân túy" (populisms) - trong các viện dẫn, vì chị biết rằng cụm từ này đối với tôi, tôi đã phải học lại nó ở Châu Âu, vì ở Châu Mỹ La-tinh nó có một ý nghĩa khác - có một vấn đề ở Châu Âu và có một vấn đề về Liên minh Châu Âu đàng sau nó … những gì tôi đã nói về Châu Âu tôi sẽ không nhắc lại ở đây … Tôi đã nói về nó bốn lần, tôi tin là vậy, hai lần ở Strasbourg, một lần ở Lễ nhận giải Charlemagne và tại lễ khai mạc kỷ niệm 60 năm. Ở đó có mọi điều tôi nói về Châu Âu. Mọi quốc gia đều tự do lựa chọn vì lý do này, hay lý do khác, vì tôi không biết vấn đề chính trị quốc nội. Đúng là Châu Âu đang có nguy cơ bị tan rã. Cái này là thật! Tôi có nói thoáng qua về nó ở Strasbourg. Tôi nói về nó mạnh hơn ở Lễ trao giải Charlemagne và gần đây không rõ nét. Chúng ta phải suy ngẫm về điều đó - Châu Âu chạy từ Đại Tây Dương đến rặng Urals - có một vấn đề làm Châu Âu hoảng sợ và có lẽ … vấn đề di cư. Điều này là đúng. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Châu Âu được tạo dựng bởi những người di cư, hàng thế kỷ này sang thế kỷ khác của những di dân. Chúng ta là những người nằm trong số đó! Nhưng nó là một vấn đề phải được nghiên cứu kỹ, cũng phải tôn trọng các ý kiến, nhưng những ý kiến công tâm của một cuộc bàn luận chính trị - bằng chữ viết hoa, viết hoa lớn, bằng chữ ‘Chính trị’ viết hoa lớn chứ không phải chữ ‘chính trị’ viết thường nhỏ của một dân tộc đến cuối cùng kết thúc bằng sự sụp đổ. Về nước Pháp, tôi nói thật. Tôi không hiểu vấn đề chính trị bên trong của Pháp. Tôi không hiểu nó. Tôi đã tìm cách để có những quan hệ tốt, cả với tổng thống hiện nay, người đã có lần có sự đối nghịch, nhưng sau đó tôi đã có thể nói rõ mọi điều, tôn trọng ý kiến của ông. Về hai ứng cử viên tổng thống, tôi không biết lịch sử của họ. Tôi chẳng biết họ từ đâu tới, cũng chẳng - có, tôi biết rằng một người đại diện cho phe cánh hữu, nhưng việc khác tôi thực sự không biết họ từ đâu đến - vì lý do này tôi không thể có ý kiến rõ ràng về nước Pháp. Nhưng, nói với người Công giáo, ở đây một trong những buổi gặp gỡ, trong lúc tôi đang chào mọi người, có người nói với tôi, ‘Nhưng tại sao cha không suy nghĩ mạnh về chính trị?’ Điều đó có nghĩa là gì? À, ông ta nói với tôi dường như đang nhờ sự giúp đỡ … lập một đảng cho người Công giáo. Đây là một con người tốt nhưng ông ta đang sống trong thế kỷ trước. Về vấn đề này, những chủ nghĩa dân túy có quan hệ với người di cư, nhưng điều này không phải từ chuyến đi. Nếu tí nữa tôi vẫn có thời gian tôi sẽ quay trở lại vấn đề này. Nếu tôi có thời gian, tôi sẽ quay lại.
Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Ai-cập
Vera Shcherbakova (ITAR-TASS): Thưa Đức Thánh Cha, trước hết cảm ơn cha vì những phép lành … cha đã ban phép lành cho con. Vài phút trước con đã quỳ xuống. Con là người Chính thống và con không thấy sự mâu thuẫn với phép Rửa tội của con, dù sao, con thấy đó như là một niềm vui lớn. Con muốn đặt câu hỏi: Những triển vọng về các mối quan hệ giữa Chính thống, rõ ràng là của Nga, nhưng cũng hôm qua trong tuyên ngôn chung với Đức Thượng phụ Cốp-tíc, ngày Phục sinh trùng nhau và rồi người ta nói về việc công nhận bí tích rửa tội … Điểm này dẫn chúng ta tới đâu? Cha đánh giá như thế nào về những mối quan hệ giữa Vatican và Nga trên bình diện Nhà nước, cũng trong việc bảo vệ những giá trị của người Ki-tô hữu ở Trung Đông và đặc biệt ở Syria? Xin cảm ơn cha.
Greg Burke: Đây là Vera Shcherbakova, thuộc thông tấn xã TASS.
ĐTC Phanxico: Christos Anesti! Tôi, với Chính thống, luôn luôn có một tình bạn tuyệt vời, từ lúc còn ở Buenos Aires, không ư? Ví dụ, mỗi ngày 6 tháng Một tôi đều đến tham dự giờ kinh chiều, tới nghe toàn bộ các bài đọc, tại Đại thánh đường Thượng phụ Plato, ngài là một tổng giám mục trong vùng Ukraine, và ngài … hai tiếng 40 phút đồng hồ cầu nguyện bằng ngôn ngữ tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng anh vẫn có thể cầu nguyện tốt, rồi sau đó là bữa tối với cộng đoàn. Ba trăm người, một bữa tối Vọng Giáng sinh, không phải bữa tối Giáng sinh. Họ vẫn không ăn các loại thực phẩm làm từ sữa hay thịt, nhưng đó là một bữa tối rất tuyệt vời và rồi chơi bingo, sổ xố … tình bạn … cả với những người Chính thống khác, và thỉnh thoảng họ vẫn cần sự giúp đỡ về pháp lý. Họ đến với Giáo triều Công giáo vì họ chỉ là những cộng đoàn nhỏ và họ phải tìm đến các luật sư. Họ vào và ra. Nhưng, tôi luôn luôn có một mối quan hệ như tình phụ tử, tình huynh đệ. Chúng tôi là những Giáo hội chị em với nhau! Với Đức Tawadros, có một tình bạn rất đặc biệt. Đối với tôi, ngài là con người vĩ đại của Chúa! Và Đức Tawadros là một thượng phụ, một giáo chủ dẫn đưa Giáo hội tiến bước, danh của Chúa Giê-su ở trước ngài. Ngài có một lòng sốt sắng tông đồ vĩ đại … Ngài là một trong những - cho phép tôi sử dụng từ này, nhưng là trích lại - ‘người nghiện’ đi tìm một ngày cố định cho Lễ Phục sinh. Tôi cũng vậy. Chúng tôi đang tìm cách. Nhưng ngài nói, ‘Chúng ta đấu tranh!’ Ngài là con người của Chúa. Ngài là một người, khi còn là giám mục, ở xa Ai-cập, đã ra ngoài để phục vụ những người khuyết tật ăn uống, một con người được gửi đến một giáo phận với năm nhà thờ và ngài để lại sau lưng 25, tôi không biết có bao nhiêu gia đình Ki-tô hữu với lòng nhiệt thành tông đồ. Anh em biết cách họ bầu chọn. Họ tìm ra ba người, rồi họ bỏ các tên vào trong một cái túi, họ gọi một thiếu nhi, họ nhắm mắt vào và em thiếu nhi chọn một tên. Thiên Chúa ở đó. Ngài rõ ràng là một Thượng phụ vĩ đại. Sự hiệp nhất của phép Rửa tội đang đi trước. Lỗi của phép Rửa tội là một điều thuộc lịch sử (Ghi chú của biên tập viên: Đức Thánh Cha Phanxico dường như đang đề cập đến ‘sự chia rẽ’ trong lịch sử về sự công nhận bí tích rửa tội giữa các truyền thống Chính thống Cốp-tíc và Công giáo. Cho đến gần đây cả hai đều không công nhận phép rửa tội được thực hiện trong Giáo hội kia), vì trong những Công đồng đầu tiên nó vẫn giống nhau, sau đó khi người Ki-tô hữu Cốp-tíc rửa tội trẻ em trong các thánh điện, khi họ muốn kết hôn, họ đến với chúng tôi, họ kết hôn với một người Công giáo, họ xin niềm tin … nhưng họ không có và họ xin phép thánh tẩy dưới một điều kiện. Việc đó bắt đầu với chúng tôi, không phải với họ … nhưng bây giờ cánh cửa đã mở và chúng tôi đang trên một con đường tốt để vượt qua vấn đề này, cánh cửa …. Trong tuyên ngôn chung, đoạn áp chót nói về điều này. Chính thống Nga công nhận phép thánh tẩy của chúng tôi và chúng tôi công nhận phép thánh tẩy của họ. Tôi đã là một người bạn thân với người Nga khi còn là giám mục của Buenos Aires , cả với người Georgia, ví dụ … nhưng đức thượng phụ của người Georgia, Ilia II, là một con người của Chúa. Ngài là một nhà thần bí! Chúng tôi người Công giáo cũng phải học từ truyền thống thần bí này của các Giáo hội Chính thống. Trong suốt chuyến đi này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ đại kết. Đức Thượng phụ Bartholomew cũng có ở đó. Đức Tổng giám mục Chính thống Hy lạp ở đó rồi về sau có các giáo hội Ki-tô - Anh giáo, rồi thư ký của Liên minh các Giáo hội của Geneva (Ghi chú của biên tập viên: Đức Thánh Cha Phanxico đang đề cập đến Hội nghị các Giáo hội Châu Âu) và tất cả mọi điều đó tạo con đường đại kết đang trên hành trình. Con đường đại kết đang trên hành trình, bằng những công việc bác ái, bằng những công việc giúp đỡ, chung sức làm những việc khi có thể cùng làm với nhau. Không tồn tại một con đường đại kết bất động! Đúng là các nhà thần học phải nghiên cứu và đi đến một sự thống nhất, nhưng điều đó sẽ không thể kết thúc tốt đẹp nếu chúng ta không bước đi. Chúng ta có thể cùng nhau làm những điều gì? Cầu nguyện với nhau, hoạt động với nhau, làm bác ái với nhau … nhưng, cùng nhau. Và tiến bước. Những quan hệ với Đức Thượng phụ Kirill rất tốt lành. Họ rất tốt lành. Cũng thế, Đức Tổng giám mục Chính tòa Hilarion nhiều lần đến nói chuyện với tôi và chúng tôi có mối quan hệ tốt với nhau.
Greg Burke: Chị ấy đang hỏi về vấn đề Chính phủ…
ĐTC Phanxico: À, với Chính phủ! Tôi biết rằng Chính phủ nói đến chuyện này, chuyện bảo vệ người Ki-tô hữu ở Trung Đông. Việc này tôi biết và tôi tin rằng chống lại bách hại là rất tốt … ngày nay có nhiều người tử đạo hơn trong những thế kỷ đầu, nhiều nhất trong vùng Trung Đông.
Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Ai-cập
Greg Burke: Phil Pulella...câu hỏi này nói về chuyến đi, nhưng để xem nó sẽ kết thúc ở đâu …
Phil Pulella (Reuters): Nếu có thể con muốn nói về một chủ đề khác, nhưng con sẽ bắt đầu bằng chuyến đi. Hôm qua cha có nói trong bài diễn văn đầu tiên về sự nguy hiểm của hành động đơn phương, và mọi người phải là những nhà xây dựng hòa bình. Bây giờ cha đã nói rất rõ ràng về “chiến tranh thế giới thứ ba theo từng vùng,” nhưng dường như hôm nay sự lo sợ và quan tâm này tập trung vào những gì đang diễn ra ở Bắc Hàn …
ĐTC Phanxico: Đúng, nó là điểm trung tâm!
Pulella: Chính xác, nó là điểm chú ý. Tổng thống Trump đã gửi một hạm đội quân sự đến vùng biển gần Bắc Hàn, Chủ tịch Bắc Hàn đe dọa dội bom Nam Hàn, Nhật và thậm chí cả Hoa kỳ nếu họ thành công trong việc xây dựng những tên lửa tầm xa. Người ta sợ hãi và nói đến khả năng của một cuộc chiến tranh nguyên tử dường như chắc chắn. Thưa Đức thánh Cha, nếu người gặp Tổng thống Trump, và cả những người khác, người sẽ nói gì với những nhà lãnh đạo này là những người chịu trách nhiệm về tương lai của nhân loại? Vì chúng ta đang trong một thời gian khủng hoảng …
ĐTC Phanxico: Tôi sẽ kêu gọi họ, tôi kêu gọi họ và tôi sẽ kêu gọi họ như tôi đã kêu gọi những nhà lãnh đạo trong những vị trí khác nhau hoạt động để giải quyết những vấn đề trên con đường ngoại giao, và có những người trợ giúp, có rất nhiều trên thế giới. Có những nhà trung gian đưa ra … có những quốc gia như Na-uy chẳng hạn, không ai có thể kết án Na-uy là một quốc gia độc tài, và đất nước đó luôn sẵn sàng giúp đỡ, lấy một tên làm ví dụ, nhưng còn nhiều nước khác. Con đường là con đường của đàm phán, con đường của những giải pháp ngoại giao. Cuộc chiến thế giới theo từng vùng này mà tôi đã nói về nó khoảng 2 năm trước hoặc sau gì đó, nó xảy ra từng vùng, nhưng những vùng này trở nên to hơn, chúng được chú ý vào, người ta tập trung và chúng đang trở nên nóng. Mọi thứ đã nóng lên, như vấn đề tên lửa ở Bắc Hàn đã nằm ở đó hơn một năm nay, bây giờ vấn đề trở nên quá nóng. Tôi luôn luôn nói phải giải quyết các vấn đề trên con đường ngoại giao, đàm phán, vì tương lai của nhân loại … ngày nay một cuộc chiến tàn phá lan rộng và tôi không nói là một nửa nhân loại, nhưng là một phần tốt đẹp của nhân loại, và đó là văn hóa, mọi thứ. Nó thật kinh khủng. Tôi nghĩ là nhân loại hôm nay không thể chống đỡ nổi nó. Chúng ta hãy nhìn sang những quốc gia đang chịu đau khổ vì nội chiến, bên trong nước, nơi có những ngọn lửa chiến tranh, chẳng hạn trong vùng Trung Đông, nhưng cả ở Châu Phi, ở Yemen. Chúng ta hãy dừng lại! Chúng ta hãy tìm một giải pháp ngoại giao! Và vấn đề đó tôi tin là Liên Hợp quốc có trách nhiệm phải lấy lại vai trò lãnh đạo của mình, vì nó đã bị mờ nhạt đi một chút.
Pulella: Cha có muốn gặp gỡ Tổng thống Trump khi ông đến Châu Âu không? Đã có đề nghị gặp gỡ chưa?
ĐTC Phanxico: Tôi vẫn chưa được Phủ Quốc vụ khanh thông báo là có đề nghị hay chưa, nhưng tôi tiếp mọi nguyên thủ chính phủ xin tiếp kiến.
Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Ai-cập
Greg Burke: Con nghĩ là những câu hỏi về chuyến đi đã hết. Chúng ta vẫn có thể lấy thêm một câu, rồi chúng ta phải đi dùng bữa tối lúc 6.30. Có Antonio Pelayo từ Antena 3, cha có biết …
Antonio Pelayo (Antena 3): Cảm ơn, Đức Thánh Cha, tình hình ở Venezuela gần đây đã bị làm xấu đi một cách rất nghiêm trọng, và đã có nhiều người chết. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha liệu Tòa Thánh có ý định thực hiện hành động này không, can thiệp hòa bình, và hành động này có thể có những hình thức như thế nào?
ĐTC Phanxico: Đã có một sự can thiệp từ phía Tòa Thánh theo yêu cầu mạnh mẽ của bốn tổng thống hoạt động như những nhà trung gian. Và vẫn chưa tìm được lối ra. Và nó vẫn còn ở đó. Nó chưa tìm được lối ra vì những đề nghị không được chấp nhận hoặc bị làm loãng đi. Nó là kiểu “được-được,’ nhưng rồi ‘không-không.’ Tất cả chúng ta biết tình hình khó khăn ở Venezuela. Đó là một quốc gia tôi rất yêu quý. Và tôi biết là bây giờ người ta đang nài nỉ, tôi không biết rõ là nó từ đâu, tôi tin nó từ bốn vị tổng thống, về sự tái khởi động lại việc tạo điều kiện thuận lợi và họ đang tìm địa điểm. Tôi nghĩ là việc này phải có điều kiện của nó, những điều kiện rất cụ thể. Một phần của phe đối lập không muốn điều này. Vì nó rất kỳ lạ, phe đối lập bị chia rẽ và về mặt khác cho thấy những xung đột luôn luôn xấu đi. Nhưng, có điều đang diễn ra . Tôi có được thông tin về điều đó, nhưng nó vẫn còn bấp bênh lắm. Nhưng tất cả những gì có thể làm cho Venezuela phải được thực hiện, với những bảo đảm cần thiết, nếu không thì chúng ta đang chơi trò ‘tin tin pirulero’ (Ghi chú của biên tập viên: đây là một thuật ngữ tiếng Tây ban nha có nghĩa là thử việc này, rồi thử việc khác rồi lại việc khác mà chẳng biết mình đang làm gì). Nó không có hiệu quả …
Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha từ Ai-cập
Greg Burke: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Và bây giờ chúng ta chuyển sang …
Jörg Heinz Norbert Bremer (Frankfurter Allgemeine Zeitung): Vài ngày trước cha có nói về chủ đề của những người tị nạn ở Hy lạp, ở Lesbos, và cha có dùng cụm từ này “trại tập trung” vì có quá nhiều người. Với chúng con là người Đức đây rõ ràng là một cụm từ rất, rất nghiêm trọng, và nó rất gần nghĩa với cụm từ “trại hủy diệt.” Có những người nói rằng đây là một sai lầm về ngôn ngữ. Cha có ý nói gì trong cụm từ này?
ĐTC Phanxico: Trước hết anh phải đọc kỹ mọi điều tôi nói. Tôi nói rằng những quốc gia quảng đại nhất ở Châu Âu là Ý và Hy lạp. Điều đó là đúng vì họ gần với Libya và Syria hơn. Về phía Đức, tôi luôn thán phục về khả năng hội nhập. Khi tôi còn học ở đó, có nhiều người Turk được hội nhập ở Frankfurt. Họ được hội nhập và có một đời sống bình thường. Không có sự sai lầm về ngôn ngữ: có những trại tập trung, xin lỗi: những trại tị nạn là trại tập trung đông người thực sự. Có thể có một số ở Ý, hoặc là ở vùng khác … ở Đức, tôi không chắc, nhưng anh cứ nghĩ những gì người ta làm, những người bị khép kín trong một khu trại và không thể ra ngoài. Hãy nghĩ về những gì đã xảy ra ở Bắc Âu khi người ta muốn vượt biển và đi sang nước Anh. Họ bị khép kín ở bên trong. Nhưng nó làm tôi bật cười một chút, và đây là một tí văn hóa của Ý, nhưng nó làm tôi bật cười vì trong một trại tị nạn ở Sicily, một người đại diện của hội Công giáo Hành động kể với tôi, một trong những người đại diện từ các giáo phận ở Argentina - có một hay hai ở trong vùng đó, tôi không biết là giáo phận nào - những người đứng đầu của thành phố đó nơi có trại tị nạn đến nói chuyện với những người tị nạn trong trại, và họ nói: thưa các bạn, ở đây ở bên trong đây, nó sẽ làm tổn thương các bạn và sức khỏe thần kinh của các bạn  … các bạn phải đi ra ngoài, nhưng xin đừng làm điều gì xấu. Chúng tôi không thể mở cửa, nhưng chúng tôi có thể đục một cái lỗ nhỏ ở đàng sau. Hãy đi ra, hãy bước đi thật đẹp, và đây là cách xây dựng những mối quan hệ với những người sống trong thành phố đó,  mối quan hệ rất tốt, và những người (tị nạn) này không phải là những tội phạm, họ không gây ra tội ác. Sự thật duy nhất là bị khép kín mà không có bất cứ việc gì để làm, đây là một cái trại lager! (Ghi chú của biên tập viên: ngài đang ám chỉ đến một cái tên của tiếng Đức đặt cho trại tập trung. Ví dụ, Auschwitz là một “lager”). Nhưng nó chẳng có gì liên quan đến nước Đức cả, không có gì.
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha.
ĐTC Phanxico: Cảm ơn anh chị em vì công việc này mà anh chị em làm để giúp rất nhiều người. Anh chị em không biết điều tốt lành mà anh chị em có thể làm với những bản tin của anh chị em, những bài viết, những suy nghĩ của anh chị em. Chúng ta phải giúp mọi người và cũng giúp cho truyền thông, vì truyền thông … cầu xin làm sao báo chí dẫn chúng ta đến với những điều tốt, cầu xin nó đừng dẫn chúng ta đến sự lạc hướng và không giúp gì được chúng ta. Cảm ơn anh chị em rất nhiều! Chúc bữa tối ngon miệng, và nhớ cầu nguyện cho tôi!
Ed Pentin, Elise Harris, Alan Holdren và Andrea Gagliarducci đóng góp cho bản tường thuật này.
[Nguồn: catholicnewsagency]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/05/2017]



Tuyên Bố Chung của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Cốp-tíc Tawadros II

Tuyên Bố Chung của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Cốp-tíc Tawadros II

‘Tự do tôn giáo, trong đó có tự do lương tâm, nằm trong phẩm giá của con người, là tảng đá góc của tất cả những sự tự do khác. Nó là một quyền thiêng liêng và bất biến.’
28 tháng Tư, 2017
Tuyên Bố Chung của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Cốp-tíc Tawadros II
CTV Screenshot
Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng phụ Giáo chủ Chính thống Cốp-tíc Tawadros II hôm nay đã ký một tuyên bố chung, chuẩn bị kết thúc chuyến viếng thăm 28-29 tháng Tư của Đức Thánh Cha đến Ai-cập. Chuyến đi đánh dấu chuyến Tông du thứ 18 của Đức Thánh Cha và là quốc gia thứ 27 ngài đến thăm.
Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng phụ Chính thống Cốp-tíc ở Cairo:
***
TUYÊN BỐ CHUNG
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO
VÀ ĐỨC THƯỢNG PHỤ TAWADROS II
1.  Chúng ta, Phanxico, Giám mục của Roma và Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo, và Tawadros II, Giáo chủ của Alexandria và Thượng phụ của Ngai Tòa Mác-cô, cảm tạ Thiên Chúa trong Thánh Thần ban cho chúng ta cơ hội hân hoan được gặp gỡ lại một lần nữa, để trao cho nhau cái ôm huynh đệ và cùng nhau dâng lời cầu nguyện chung. Chúng ta tôn vinh Đấng Toàn Năng vì những mối dây liên kết huynh đệ và tình bạn giữa Ngai Tòa Phê-rô và Ngai Tòa Mác-cô. Đặc ân được cùng nhau ở đây trên đất nước Ai-cập là một dấu chỉ của sự gần gũi, của đức tin và tình yêu thương của Đức Ki-tô Chúa chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa vì đất nước Ai-cập yêu dấu này, “mảnh đất quê hương trong tâm hồn chúng ta,” như Đức Giáo chủ Shenouda III đã nói, “dân tộc được Đức Chúa giáng phúc” (x. Is 19:25) với nền văn minh Pha-ra-ông cổ xưa, di sản của Hy lạp và La mã, truyền thống Cốp-tíc và sự hiện diện của Hồi giáo. Ai-cập là nơi Gia đình Thánh đã tìm nơi nương náu, một mảnh đất của những vị tử đạo và các thánh.
2.  Mối ràng buộc sâu sắc của tình bạn và huynh đệ giữa chúng ta có nguồn gốc trong sự hiệp nhất trọn vẹn đã tồn tại giữa các Giáo hội trong những thế kỷ đầu và được thể hiện theo nhiều cách khác nhau qua những Công đồng Chung ban đầu, bắt đầu từ Công đồng Ni-xê năm 325, và sự đóng góp can đảm của Thánh Athanasiô Tiến sĩ Hội Thánh, ngài đã nhận được tước hiệu “Người Bảo vệ Đức tin.” Sự hiệp thông của chúng ta được bày tỏ qua việc cầu nguyện và những nghi thức phụng vụ tương tự, sự tôn kính cùng những vị tử đạo và các thánh, và trong sự phát triển và mở rộng đời sống đan tu, theo gương của Thánh An-tôn Cả, được gọi là Cha của mọi tu sĩ đan tu.
Kinh nghiệm chung của sự hiệp thông này trước thời gian chia cắt có một tầm quan trọng rất đặc biệt trong những nỗ lực của chúng ta để phục hồi lại sự hiệp thông trọn vẹn hôm nay. Hầu hết những mối quan hệ đã tồn tại trong những thế kỷ đầu giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Cốp-tíc vẫn tiếp tục cho đến ngày nay bất kể những chia rẽ, và gần đây đã được tái sinh. Những mối quan hệ đó thách đố chúng ta phải tăng cường những nỗ lực chung để kiên trì trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất hữu hình trong sự đa dạng, dưới hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
3.  Chúng ta nhắc lại với lòng tri ân cuộc gặp gỡ lịch sử bốn mươi bốn năm trước giữa những vị tiền nhiệm của chúng ta, Đức Giáo hoàng Phao-lô VI và Đức Giáo chủ Shenouda III, trong một cái ôm của hòa bình và huynh đệ, sau nhiều thế kỷ khi những sự gắn kết yêu thương lẫn nhau không thể tìm được cơ hội để bày tỏ do những khoảng cách nổi lên giữa chúng ta. Tuyên Bố Chung các ngài ký ngày 10 tháng Năm, 1973 thể hiện một điểm mốc lịch sử trên con đường đại kết, và được xem là điểm khởi đầu cho Ủy ban Đối thoại Thần học giữa hai Giáo hội của chúng ta, nó đã trổ sinh nhiều hoa trái và mở ra con đường tiến đến sự đối thoại mở rộng hơn giữa Giáo hội Công giáo và toàn thể gia đình của các Giáo hội Chính thống Đông phương. Trong Tuyên bố đó, các Giáo hội của chúng ta thừa nhận rằng, theo truyền thống tông truyền, họ tuyên xưng “một niềm tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi” và “thiên tính của Người Con duy nhất của Thiên Chúa … Thiên Chúa hoàn hảo với thiên tính của Người, con người hoàn hảo với nhân tính của Người.” Chúng ta cũng thừa nhận rằng “sự sống nước trời được ban cho chúng ta và được nuôi dưỡng trong chúng ta qua bảy phép bí tích” và “chúng ta tôn kính Đức Maria Đồng Trinh, Mẹ của Ánh sáng Sự thật, là “Theotokos (Mẹ Chúa Giê-su).
4.  Với tâm tình tri ân sâu thẳm chúng ta nhắc lại buổi gặp gỡ huynh đệ của chúng ta tại Roma ngày 10 tháng Năm, 2013, và thành lập ngày 10 tháng Năm như là ngày hàng năm chúng ta đào sâu hơn tình bạn và tình anh em giữa các Giáo hội của chúng ta. Tinh thần canh tân của sự gần gũi này đã làm cho chúng ta có thể nhận thức thêm một lần nữa rằng mối ràng buộc hiệp nhất chúng ta được đón nhận từ Đức Chúa duy nhất của chúng ta trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Vì qua Bí tích Rửa tội mà chúng ta trở thành những thành viên của một Thân thể của Đức Ki-tô là Giáo hội (x. 1 Cor 12:13). Di sản chung này là nền tảng của cuộc lữ hành của chúng ta cùng nhau tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn, khi chúng ta phát triển lên trong sự yêu thương và hòa giải.
5.  Chúng ta ý thức rằng chúng ta vẫn còn quãng đường xa trên cuộc lữ hành này, tuy nhiên chúng ta nhắc lại không biết bao nhiêu việc đã được hoàn thành. Đặc biệt chúng ta luôn khắc ghi cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo chủ Shenouda III và Thánh Gio-an Phao-lô II, ngài đến như một người hành hương về Ai-cập trong Đại Năm Thánh 2000. Chúng ta quyết định bước theo những bước chân của các ngài, được thúc đẩy bởi tình yêu của Đức Ki-tô Đấng Chăn Chiên Nhân Lành, trong niềm tin sâu sắc rằng qua cách cùng đồng hành với nhau, chúng ta phát triển trong sự hiệp nhất. Cầu xin cho chúng ta lấy được sức mạnh từ Đức Chúa, suối nguồn hiệp nhất và hoàn hảo yêu thương.
6.  Sự yêu thương này tìm được cách thế thể hiện sâu thẳm nhất trong việc cầu nguyện chung. Khi những người Ki-tô hữu cầu nguyện với nhau, họ nhận ra rằng những gì hiệp nhất họ lớn hơn những gì làm chia rẽ họ rất nhiều. Lòng khát khao hiệp nhất của chúng ta nhận được sự linh hứng từ lời cầu nguyện của Đức Ki-tô “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Chúng ta cùng đào sâu những nguồn cội chung trong đức tin tông truyền bằng việc cùng nhau cầu nguyện và bằng việc tìm đến những bản dịch chung Lời Cầu nguyện của Chúa và một ngày mừng Phục sinh chung.
7.  Trong khi chúng ta trên hành trình tiến đến ngày phúc lành lúc chúng ta sẽ tụ họp tại cùng bàn Tiệc Thánh, chúng ta có thể hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực và chứng minh bằng con đường hữu hình sự phong phú lớn lao đã hiệp nhất chúng ta. Chúng ta có thể cùng nhau mang lấy chứng tá cho những giá trị nền tảng như sự thánh thiện và phẩm giá của sự sống con người, sự thiêng liêng của hôn nhân và gia đình, và sự tôn trọng mọi loài thụ tạo, được Đức Chúa trao cho chúng ta. Đứng trước nhiều thách đố hiện nay như tính trần tục hóa và sự toàn cầu hóa tính thờ ơ, chúng ta được kêu gọi để đưa ra một câu trả lời chung dựa trên nền tảng của những giá trị Tin mừng và những kho báu của các truyền thống của chúng ta. Liên quan đến việc này, chúng ta được khuyến khích phải gắn kết trong việc nghiên cứu sâu hơn về những Giáo phụ Đông phương và La-tinh, và thúc đẩy một sự trao đổi hiệu quả về đời sống mục vụ, đặc biệt trong việc giảng dạy giáo lý, và trong việc làm phong phú tu đức lẫn nhau giữa các cộng đoàn đan viện và dòng tu.
8.  Chứng tá Ki-tô giáo chung của chúng ta là một dấu chỉ đầy ơn sủng của sự hiệp nhất và hy vọng cho xã hội Ai-cập và các tổ chức của nó, một hạt giống được gieo trồng để trổ sinh hoa trái công bằng và hòa bình. Vì chúng ta tin rằng mọi con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta cố gắng để đạt được sự an bình và hòa hợp qua sự chung sống hòa bình của người Ki-tô giáo và Hồi giáo, từ đó mang chứng tá cho lòng khát khao của Đức Chúa về sự hiệp nhất và hòa hợp của toàn gia đình nhân loại và phẩm giá bình đẳng của mỗi con người. Chúng ta cùng có quan tâm chung về sự thịnh vượng và tương lai của Ai-cập. Tất cả mọi thành viên của xã hội đều có quyền và bổn phận tham gia trọn vẹn trong đời sống của dân tộc, được hưởng quyền công dân trọn vẹn và bình đẳng và cùng cộng tác để xây dựng đất nước. Sự tự do tôn giáo, trong đó có tự do lương tâm, từ cội nguồn phẩm giá của con người, là tảng đá góc của mọi sự tự do khác. Nó là một quyền thiêng liêng và bất biến.
9.  Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện liên lỷ cho tất cả những người Ki-tô hữu ở Ai-cập và trên toàn thế giới, và đặc biệt ở Trung Đông. Những chịu đựng thảm kịch và những sự đổ máu của các tín hữu của chúng ta bị bách hại và bị giết vì lý do duy nhất là người Ki-tô hữu, nhắc chúng ta hơn bao giờ hết rằng tinh thần đại kết của sự hy sinh vì đạo hợp nhất chúng ta và động viên chúng ta trên con đường tiến đến hòa bình và hòa giải. Vì, như thánh Phao-lô viết: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1 Cr 12:26).
10.  Mầu nhiệm của Đức Giê-su đã chết và sống lại vì yêu là trung tâm của hành trình của chúng ta tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Một lần nữa, những vị tử đạo là người dẫn đường cho chúng ta. Trong Giáo hội sơ khai máu của các vị tử đạo là hạt giống cho những Ki-tô hữu mới. Cũng như vậy trong thời đại của chúng ta, nguyện xin máu của rất nhiều người hy sinh vì đạo là hạt giống cho sự hiệp nhất giữa tất cả những môn đệ của Đức Ki-tô, một dấu chỉ và khí cụ của tình hiệp thông và hòa bình cho thế giới.
11.  Trong sự vâng phục công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa Giáo hội, giữ gìn Giáo hội qua những thời đại, và dẫn đưa Giáo hội đến sự hiệp nhất trọn vẹn – sự hiệp nhất mà Đức Giê-su Ki-tô đã cầu xin:
Hôm nay chúng ta, Giáo hoàng Phanxico và Giáo chủ Tawadros II, để làm hài lòng trái tim Chúa Giê-su, cũng như trái tim của những người con của chúng ta trong đức tin, chúng ta cùng nhau tuyên bố rằng, hòa cùng một tâm hồn và trí óc, sẽ không đòi buộc phải lặp lại bí tích thánh tẩy đã được thực hiện bởi một trong hai Giáo hội của chúng ta cho bất kỳ người nào muốn gia nhập Giáo hội kia. Chúng ta tuyên bố điều này trong sự vâng phục Thánh Kinh và tín điều của ba Công đồng Đại kết nhóm họp ở Ni-xê, Constantinople và Ê-phê-sô.
Chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa Cha hướng dẫn chúng ta, trong những lúc và theo những cách thức Chúa Thánh Thần sẽ chọn, đến sự hiệp nhất trọn vẹn trong Thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô.
12.  Vậy, chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi những giáo huấn và gương mẫu của Thánh Tông đồ Phao-lô, ngài viết: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Eph 4:3-6).
Cairo, 28 tháng Tư, 2017

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/04/2017]