Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Vatican, Hội đồng Giám mục chuẩn bị kỷ niệm lần thứ năm Tông huấn Laudato Si’

Vatican, Hội đồng Giám mục chuẩn bị kỷ niệm lần thứ năm Tông huấn Laudato Si’

Vatican, Hội đồng Giám mục chuẩn bị kỷ niệm lần thứ năm Tông huấn Laudato Si’
FILIPPO MONTEFORTE | AFP

01 tháng Năm, 2020

Tuần lễ Laudato Si’ bao gồm tĩnh tâm và hội thảo trực tuyến về tinh thần sinh thái và tính bền vững.

Vatican đang lên kế hoạch tổ chức một tuần đánh dấu kỷ niệm lần thứ năm Tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxico, Laudato Si’, “Chăm sóc Ngôi nhà chung của Chúng ta.”

Đức Phanxico ký Tông huấn ngày 24 tháng Năm năm 2015.

Tuần lễ Laudato Si’ sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến 24 tháng Năm, và sẽ có một buổi tĩnh tâm trực tuyến và các hội thảo về “tinh thần sinh thái” và “tính bền vững”. Tuần lễ được tổ chức bởi Bộ Phát triển Con người Toàn diện của Vatican sẽ kết thúc với một ngày cầu nguyện vào 24 tháng Năm.

Trước kỷ niệm lần thứ năm, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cập nhật hướng dẫn thảo luận về tông huấn, cũng như những tài nguyên về phụng vụ và rao giảng.

“Chủ đề của Tuần lễ Laudato Si’ là ‘mọi sự được liên kết’ và tuần lễ này khởi động một hành trình thay đổi kéo dài một năm, khi chúng ta vượt qua được cuộc khủng hoảng của thời gian hiện tại bằng việc cầu nguyện, suy niệm, và cùng nhau chuẩn bị xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn,” website của Vatican về chương trình tổ chức cho biết. “Chúng tôi sẽ biến việc chuẩn bị trở thành hành động vào tháng Chín này trong Mùa Tạo dựng, là thời gian Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi tất cả mọi người Công giáo kỷ niệm như một mùa cầu nguyện và hành động hàng năm cho ngôi nhà chung của chúng ta.”

Website nói về đại dịch COVID-19 và bày tỏ hy vọng rằng Tuần lễ Laudato Si’ sẽ “giúp chúng ta tái định hình lại thế giới sẽ phục hồi sau khi đại dịch đi qua. Cuộc khủng hoảng hiện tại là một cơ hội để làm mới trở lại, và để bảo đảm rằng thế giới phục hồi sau khi khủng hoảng đi qua sẽ là bền vững và công bằng.”

“Tông huấn Laudato Si’ nói cho chúng ta biết rằng “mọi sự đều được liên kết”, và thật đáng buồn, thảm họa về sức khỏe này có rất nhiều điểm chung với thảm họa môi sinh,” website nói. “Cả hai tình trạng khẩn cấp toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Cả hai tình trạng đều tác động sâu sắc đến người nghèo và người dễ bị tổn thương, và cả hai đều cho thấy những bất công sâu sắc trong xã hội chúng ta. Cả hai sẽ chỉ được giải quyết qua một nỗ lực chung kêu gọi tính ưu việt của những giá trị chúng ta cùng chia sẻ.”

Website tiếp tục cho thấy một sự liên kết trực tiếp giữa đại dịch hiện tại và sự ngược đãi công trình tạo dựng của con người, nói đến mối liên kết giữa coronavirus chủng mới trong loài dơi và sự tàn phá môi trường sống tự nhiên của dơi, cũng như việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Nhưng trận đại dịch dường như có tác động đến môi trường đã trao cho các nhà môi trường niềm hy vọng rằng tình hình có thể cải thiện: theo một báo cáo mới, nó đã dẫn đến một “sự sụt giảm chưa từng thấy” trong lượng khí thải carbon toàn cầu.

“Lượng khí thải carbon dioxide trên toàn thế giới – khí nhà kính chịu trách nhiệm lớn nhất đối với sự nóng lên toàn cầu – được dự báo sẽ giảm khoảng 8% vào năm 2020, mức giảm kỷ lục hàng năm do các lệnh phong tỏa vì COVID-19,” theo báo cáo của USA Today. “Những hạn chế đã dẫn đến sự sụt giảm lớn trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, theo một báo cáo được công bố hôm thứ Năm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/5/2020]


Điều làm thuyết phục nhà khoa học thế tục Tấm Vải liệm Turin là thật

Điều làm thuyết phục nhà khoa học thế tục của Tấm Vải liệm thành Turin là thật

5 tháng Tám, 2015
Điều làm thuyết phục nhà khoa học thế tục Tấm Vải liệm Turin là thậtPublic Domain, Wikipedia / ChurchPOP

Khăn liệm thành Turin có những ý nghĩa khác nhau với nhiều người: một số người xem nó như một vật để tôn kính, người khác thì xem như giả mạo, có những người xem là vật quý của thời trung cổ. Tuy nhiên, đối với một nhà khoa học người Do thái, bằng chứng này khiến ông xem nó như là một điểm gặp gỡ giữa khoa học và đức tin.

“Tấm Khăn liệm thách thức (niềm tin cốt lõi của nhiều người) vì có hàm ý mạnh mẽ rằng có một điều gì đó vượt ra ngoài khoa học cơ bản đang diễn ra ở đây,” Barrie Schwortz, một trong những chuyên gia khoa học hàng đầu về Khăn liệm thành Turin, đăng trên CNA.

Thừa nhận rằng ông không biết liệu có điều gì đó vượt ra ngoài khoa học hay không, ông nói thêm: “Đó không phải là điều thuyết phục tôi: chính khoa học đã thuyết phục tôi.”


Một người Do Thái không thực hành đạo nghiên cứu cổ vật

Tấm Khăn liệm thành Turin là một trong những thánh tích nổi tiếng nhất được tin là có liên quan đến cuộc Khổ nạn của Đức Kitô. Được người Kitô hữu tôn kính qua nhiều thế kỷ như là tấm khăn liệm mai táng của Chúa Giêsu, tấm khăn được khoa học nghiên cứu sâu rộng để tìm hiểu tính xác thực của nó, và nguồn gốc của ảnh.

Bức ảnh trên tấm vải dài 14 bộ (khoảng 4,3m) và rộng 3 bộ rưỡi (khoảng 1,1m) có in dấu hình ảnh xác chết của một người đàn ông – mặt trước và lưng – người bị tra tấn tàn nhẫn và bị đóng đinh.

Ông Schwortz, hiện là một nhiếp ảnh gia kỹ thuật đã nghỉ hưu và là một người thường xuyên thuyết trình về tấm khăn liệm, trước đây là thành viên của Dự án Tấm Khăn liệm thành Turin 1978 tập họp các nhà khoa học có uy tín đến nghiên cứu cổ vật.

Khi đó ông là một người Do thái không thực hành đạo, ông đã lưỡng lự khi trở thành một thành viên trong nhóm và hoài nghi về tính xác thực của tấm khăn liệm – cho rằng nó chẳng là gì ngoài một bức tranh vẽ tỷ mỷ. Tuy nhiên, ông bị kích thích bởi những câu hỏi khoa học được đặt ra từ bức tranh.

Cho dù có dè dặt, nhưng ông Schwortz thuật lại chuyện bị thuyết phục ở lại dự án bởi một nhà khoa học bạn trong nhóm – một chuyên gia hình ảnh của NASA và là một người Công giáo – đã nói đùa với ông: “Anh có nghĩ rằng Chúa muốn có một người trong dân tộc được chọn của Ngài ở trong nhóm của chúng tôi không?”

Và ông Schwortz đã nhanh chóng đối mặt với một trong những bí ẩn lớn về hình ảnh vẫn còn khiến các nhà nghiên cứu bị mê hoặc cho đến ngày nay.


Ảnh 3D bí ẩn

Ông giải thích rằng một công cụ đặc biệt sử dụng cho dự án được thiết kế để đánh giá tia X, nó cho phép vùng sáng và tối của hình ảnh được phóng dài theo chiều thẳng đứng vào không gian, theo tỷ lệ cân đối căn cứ trên vùng sáng và tối.

Đối với một bức ảnh bình thường, kết quả sẽ là một hình ảnh bị bóp méo: tuy nhiên, với tấm khăn liệm, kết quả là một ảnh nổi 3D tự nhiên của một người hiện lên. Điều này có nghĩa là “có một mối tương liên giữa độ phân giải hình ảnh và tấm vải – vùng sáng và tối trên hình ảnh – với khoảng cách cơ thể.”

Ông nói, “Cách duy nhất có thể xảy ra là do những sự tương tác giữa tấm vải và cơ thể. Không thể phóng ảnh đó lên. Nó không phải là một tấm ảnh – ảnh chụp không có loại thông tin đó, tác phẩm nghệ thuật không có.”

Bằng chứng này khiến ông tin rằng hình ảnh trên tấm vải liệm được tạo ra theo một cách vượt ngoài khả năng của công nghệ hiện đại.

“Chả có cách gì một người làm giả thời trung cổ lại có kiến thức để tạo ra thứ gì đó như vậy, và làm theo một phương pháp mà đến cả ngày nay chúng ta cũng không thể hình dung ra – là kỷ nguyên theo hướng hình ảnh nhiều nhất của lịch sử loài người.”

Ông nói: “Hãy nghĩ về điều đó: trong túi của bạn, bạn có một máy chụp, và một máy vi tính, kết nối với nhau trong một thiết bị bé xíu.”

“Tấm vải liệm đã trở thành một trong những cổ vật được nghiên cứu nhiều nhất trong lịch sử loài người, và khoa học hiện đại không có lời giải thích làm thế nào những tính chất hóa học và vật lý này có thể được tạo ra.”


Bằng chứng “áp đảo ủng hộ cho tính xác thực của nó”

Mặc dù hình ảnh trên Tấm vải liệm thành Turin là bằng chứng thuyết phục nhất đối với ông, ông nói rằng đó chỉ là một phần nhỏ của tất cả các dữ liệu khoa học cho thấy nó là sự thật.

“Thực sự, nó là một tổng hợp của hàng ngàn bằng chứng nhỏ, mà khi kết hợp lại với nhau, chúng sẽ là bằng chứng mạnh mẽ về tính xác thực của nó.”

Mặc dù có bằng chứng, nhiều người hoài nghi đặt nghi vấn đối với bằng chứng khi không nhìn thấy sự thật. Vì lý do này, Schwortz đã ra mắt trang web www.shroud.com, phục vụ như một nguồn tài nguyên cho dữ liệu khoa học về tấm Khăn liệm.

Tuy nhiên, ông nói có nhiều người vẫn đặt câu hỏi về bằng chứng, nhiều người tin rằng nó chẳng là cái gì khác ngoài một bức tranh vẽ tỷ mỷ.

Ông nói: “Tôi nghĩ lý do những người hoài nghi phủ nhận khoa học là, nếu họ chấp nhận bất kỳ điều gì thì niềm tin cốt lõi của họ đã bị thách thức đáng kể, và họ sẽ phải quay lại và tái xác định họ là ai và họ tin vào điều gì. Việc dễ dàng hơn là cứ thẳng thừng chối bỏ nó, và chẳng phải lo lắng về nó. Bằng cách đó họ không phải đặt vấn đề với niềm tin của chính họ.”

“Tôi nghĩ một số người thà là không để ý đến nó hơn là bị thách thức.”


Nơi khoa học dừng lại và niềm tin bắt đầu

Ông Schwortz nhấn mạnh rằng khoa học cho thấy tấm vải liệm là tấm vải mai táng của một người đàn ông, được chôn cất theo truyền thống Do Thái sau khi bị đóng đinh theo cách hợp với Tin Mừng. Tuy nhiên, ông nói nó không phải là bằng chứng về sự phục sinh – và đây là nơi đức tin đi vào.

“Đó là một hình ảnh trước khi phục sinh, vì nếu đó là một hình ảnh sau khi phục sinh, nó sẽ là một người sống – không phải là một người đã chết,” ông nói thêm rằng khoa học không thể kiểm tra loại hình ảnh được tạo ra bởi một thân xác con người sống lại từ cõi chết.

“Tấm vải liệm là một bài kiểm tra về đức tin, không phải là bài kiểm tra về khoa học. Có một điểm đối với Tấm Khăn liệm là nơi khoa học dừng lại, và mọi người phải tự quyết định.”

“Câu trả lời cho đức tin sẽ không phải là một mảnh vải. Nhưng có lẽ, câu trả lời cho đức tin nằm trong con mắt và tâm hồn của những người nhìn vào nó.”

Khi nói đến việc làm chứng cho điểm gặp gỡ này giữa đức tin và khoa học, Schwortz ở một vị trí riêng biệt: ông chưa bao giờ trở lại Kitô giáo, nhưng vẫn thực hành Do Thái giáo. Và ông nói, điều này làm cho bằng chứng của ông như một nhà khoa học trở nên đáng tin cậy hơn.

“Tôi nghĩ rằng tôi phục vụ Chúa tốt hơn theo cách này, khi tôi tham gia việc kiểm tra Tấm Khăn liệm, bằng cách là người cuối cùng trên thế giới mà mọi người sẽ mong đợi được thuyết trình về thánh tích Kitô giáo tối thượng.”

“Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa với sự khôn ngoan vô hạn của Người biết rõ hơn tôi, và Người đưa tôi đến đó vì một lý do.”



[Nguồn: churchpop]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/5/2020]