Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

7 điều cần biết về Thánh Titus Brandsma

7 điều cần biết về Thánh Titus Brandsma

Là nhà báo, nhà thần bí và là một vị thánh bổn mạng thích hợp cho thế giới blog.

7 điều cần biết về Thánh Titus Brandsma


Chi tiết của băng-rôn trong Quảng trường Thánh Phêrô trong Lễ Phong thánh Titus Brandsma ngày 15 tháng Năm, 2022. (photo: Daniel Ibáñez / EWTN News)

Kathy Schiffer

14 tháng Năm, 2022



1. Phép lạ dẫn đến sự phong thánh là của một tu sĩ cùng Dòng Cát Minh với ngài.

Khi Cha Michael Driscoll thuộc Dòng Cát Minh ở Florida nhận được chẩn đoán mắc khối u ác tính giai đoạn 4 vào năm 2004, cha biết mình phải đi đến đâu: Cha bắt đầu nài xin sự chuyển cầu của Chân phước Titus Brandsma, người đã chịu tử đạo trong trại tập trung của Đức Quốc xã tại Dachau. Một linh mục bạn đã trao cho Cha Driscoll một thánh tích hạng hai, một mảnh vải đen lấy từ áo chùng thâm của Thánh Brandsma, mà Cha Driscoll dùng tay áp vào trán mỗi ngày khi cha cầu xin được chữa lành. Cha Driscoll phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để loại bỏ những khối ung thư da nhỏ hơn trên khuôn mặt của mình, nhưng lần này căn bệnh ung thư đã lan rộng. Các bác sĩ phẫu thuật đã loại bỏ khối u ác tính di căn đang phát triển ra khỏi đầu và cổ của cha, cũng như 84 hạch bạch huyết và tuyến nước bọt. Theo các bác sĩ, cha có rất ít cơ hội hồi phục.

Nhưng cha đã phục hồi. Một ủy ban điều tra ở Giáo phận Palm Beach đã dành hơn một năm để phân tích sự chữa lành, phỏng vấn các bác sĩ của Cha Driscoll và các chuyên gia y tế khác, cũng như 12 giáo dân và hai linh mục của Cha Driscoll. Ngày 25 tháng 5 năm 2021, hội đồng phán quyết rằng sự chữa lành của linh mục thật sự là một phép lạ và họ đã gửi báo cáo tới Bộ Phong thánh của Vatican để nghiên cứu bước cuối. Vào ngày 9 tháng Mười Một, Bộ đã chấp thuận án phong thánh và chuyển phán quyết lên Đức Giáo hoàng Phanxicô. Hai tuần sau, vào ngày 25 tháng Mười Một, Đức Giáo hoàng ủy quyền cho Đức Hồng y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ, ban hành sắc lệnh chuẩn y phép lạ — bước cuối cùng trên con đường tiến tới việc phong thánh. Thánh Titus được phong thánh vào ngày 15 tháng Năm.

2. Thánh Brandsma không hề run sợ khi là nhà báo.

Ngài lên tiếng khi mọi người khác dường như đang im lặng nhìn sang hướng khác. Ngài sẵn sàng một mình phản đối lại một chính phủ chống lại ý chí của người dân. Khi ngài sống và làm việc ở Hà Lan trong những năm 1930 và 40, mạng xã hội vẫn chưa phát triển. Cái mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi là “lục địa kỹ thuật số” — cách thức mới để giao tiếp xuyên biên giới — là thứ của trí tưởng tượng. Tuy nhiên, Thánh Titus Brandsma, một linh mục dòng Cát Minh và là một nhà báo, đã giao tiếp rộng rãi với các tín hữu Hà Lan. Ngài là người biên tập cho tờ báo địa phương của ngài và là cố vấn về giáo hội cho các nhà báo Công giáo thuộc khoảng 30 tờ báo của Hà Lan.

3. Ngoài công việc báo chí, Cha Brandsma còn là một học giả.

Ngài đã giảng dạy tại một số trường đại học trên khắp Hà Lan và dịch tác phẩm của Thánh Têrêsa Ávila từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Hà Lan. Ngài là một trong những người sáng lập Đại học Công giáo Nijmegen (nay là Đại học Radboud), nơi ngài giảng dạy môn triết học và lịch sử thần bí, và sau đó giữ chức hiệu trưởng. Ngài nổi tiếng vì tinh thần quảng đại và được biết đến là người luôn sẵn sàng với những ai tìm kiếm lời khuyên của ngài.

4. Cha Brandsma đã soạn thảo lá thư mục vụ của các giám mục Công giáo Hà Lan được lưu hành rộng rãi lên án chủ nghĩa bài Do Thái, được đọc tại các giáo xứ Công giáo trên khắp đất nước.

Cảm tính xấu xa đó đã xuất hiện ở Đức, cùng với việc trục xuất những người Do Thái đầu tiên ra khỏi Hà Lan. Trong Thư, các giám mục Hà Lan đã đối chiếu giữa Công giáo và Đức Quốc xã, cho thấy hai hệ tư tưởng tương phản như thế nào. Tại nước Đức của Hitler, phản ứng của Đức Quốc xã đối với lá thư mục vụ không phải là thái độ mà các giám mục Hà Lan đã hy vọng: Hơn 3.000 người Do Thái trở lại đạo Công giáo đã bị trục xuất khỏi Hà Lan.

5. Cha Brandsma đã viết và lên tiếng chống lại các luật và sự tuyên truyền chống hôn nhân Do Thái của Đức Quốc xã.

Năm 1942, ngài bị bắt sau khi cố gắng thuyết phục các tờ báo Công giáo Hà Lan không in nội dung tuyên truyền của Đức Quốc xã (theo yêu cầu của Đức Quốc xã chiếm đóng).

6. Ngài chết tử vì đạo.

Cha Titus Brandsma bị chuyển đến trại tập trung tại Dachau vào tháng 2 năm 1942. Tháng Bảy năm đó, ngài bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc. Ngài đã tha thứ cho người y tá tiêm thuốc và tặng cho cô ấy một cỗ tràng hạt. Mặc dù khi đó cô không theo đạo, nhưng về sau cô trở thành người Công giáo.

7. Lễ kính ngài vào tháng Bảy.

Chân phước Titus Brandsma được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1985, và ngày lễ của ngài được tổ chức trong Dòng Cát Minh vào ngày 27 tháng Bảy.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/5/2022]


Họp báo giới thiệu Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn lần thứ 108 của Đức Thánh Cha Phanxicô (25 tháng Chín, 2022), 12.05.2022

Họp báo giới thiệu Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn lần thứ 108 của Đức Thánh Cha Phanxicô (25 tháng Chín, 2022), 12.05.2022

Họp báo giới thiệu Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn lần thứ 108 của Đức Thánh Cha Phanxicô (25 tháng Chín, 2022), 12.05.2022

*****

Lúc 11.30 sáng nay, trong Khán phòng “Gioan Phaolô II” của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, một hội nghị được tổ chức để trình bày Sứ điệp Ngày Thế giới người Di cư và Tị nạn lần thứ 10 của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ được tổ chức ngày 25 tháng Chín năm 2022, về chủ đề: “Xây dựng tương lai với người di cư và tị nạn”.

Trong buổi họp báo có một phần trình chiếu đoạn video chưa từng được công bố trước đây về chiến dịch chuẩn bị cho ngày này.

Các diễn giả bao gồm: Cha Fabio Baggio, C.S., thứ trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện chịu trách nhiệm phụ trách Phòng Di dân và người Tị nạn và các Dự án Đặc biệt; Tiến sĩ Pascale Debbané, nhân viên người gốc Li Băng cùng làm việc trong Bộ thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, và Đức Hồng y Francesco Montenegro, tổng giám mục hưu trí của Agrigento và là thành viên của Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện.

Sau đây là các bài phát biểu:

_______________________________________

Phát biểu của Cha Fabio Baggio, C.S.:

“Xây dựng tương lai với người di cư và tị nạn”: đây là chủ đề mà Đức Thánh Cha đã đưa ra trong Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn lần thứ 108, sẽ được tổ chức vào ngày 25 tháng Chín sắp tới.

Trong một thế giới bị ghi đậm dấu ấn của cuộc khủng hoảng đại dịch và các tình trạng khẩn cấp về nhân đạo cũ và mới, Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ nhắc lại nỗ lực chung để xây dựng một tương lai ngày càng hợp theo chương trình của Thiên Chúa, một tương lai hòa bình và thịnh vượng, Vương quốc của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng tương lai phải được xây dựng “với những người di cư và tị nạn”, cùng với tất cả những người sống ở các vùng ngoại vi cuộc sống, để không ai bị loại trừ. Sự hòa nhập của họ là điều kiện cần thiết để xây dựng Nước Thiên Chúa, “vì nếu không có họ thì đó không phải là Vương quốc mà Thiên Chúa muốn”.

Nhưng “xây dựng với” cũng có nghĩa là công nhận và thúc đẩy sự đóng góp của người di cư và người tị nạn trong công cuộc xây dựng này, bởi vì chỉ bằng cách này mới có thể xây dựng một thế giới bảo đảm các điều kiện cho sự phát triển toàn diện của con người của tất cả mọi người.

Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập rất nhiều đến tầm nhìn tiên tri trong sách ngôn sứ Isaia 60, trong đó sự xuất hiện của những người ngoại kiều được trình bày như một cơ hội để làm giàu về mặt kinh tế và xã hội của Thành Giêrusalem mới. Và “lịch sử dạy chúng ta rằng sự đóng góp của người di cư và người tị nạn là căn bản cho sự tăng trưởng kinh tế và xã hội của xã hội chúng ta. Điều này vẫn đúng trong thời đại của chúng ta”. Rõ ràng nó tạo ra “tiềm năng to lớn” cần được chân nhận và khai thác.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự có mặt của những người di cư và tị nạn cũng mang lại cơ hội cho sự phát triển văn hóa và tinh thần cho các cộng đồng chào đón họ. “Nhờ họ, chúng ta có cơ hội hiểu rõ hơn về thế giới của chúng ta và sự đa dạng tuyệt mỹ của nó”. Gặp gỡ và nhận thức lẫn nhau giúp chúng ta phát triển lòng nhân ái, và mở rộng tâm trí của chúng ta trước những quan điểm và cách nhìn mới.

Sứ điệp cho thấy những người di cư và tị nạn Công giáo là một “phúc lành” thật sự cho các Giáo hội địa phương, vì họ làm cho tính Công giáo được sống cách trọn vẹn hơn. “Họ thường mang đến lòng nhiệt thành có khả năng làm hồi sinh cộng đoàn của chúng ta và làm sống động các cử hành của chúng ta”. Với những cách thể hiện niềm tin và lòng sùng kính, họ góp phần làm cho trải nghiệm cộng đoàn trở nên đẹp hơn.

Theo Đức Thánh Cha, “xây dựng tương lai” là một mệnh lệnh được chia ở ngôi thứ nhất số nhiều. Đó là một bổn phận và cam kết cho tất cả mọi người, và phải bắt đầu ngay lập tức “vì tương lai bắt đầu từ hôm nay và nó bắt đầu với mỗi chúng ta”. Không có thời gian lãng phí nếu chúng ta thực sự muốn chương trình của Thiên Chúa dành cho thế giới được thực hiện.

Đức Thánh Cha kết thúc Sứ điệp của ngài với lời cầu nguyện mang đậm tinh thần Thánh Phanxicô:

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở thành những người mang đến niềm hy vọng,

để nơi nào có bóng tối,

ánh sáng của Người được chiếu tỏa,

và nơi đang có sự thất vọng,

niềm vững tin vào tương lai có thể được tái sinh.

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở thành những khí cụ công bình của Chúa,

để tình huynh đệ có thể phát triển ở nơi có sự loại trừ,

và tinh thần chia sẻ có thể lớn lên ở nơi lòng tham đang hiện hữu.

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở thành những người xây dựng Vương quốc của Người,

cùng với những người di cư và tị nạn

và tất cả những người cư ngụ trong các vùng ngoại vi.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con học được vẻ đẹp

của việc chung sống với nhau như anh chị em. Amen.


Phát biểu của Tiến sĩ Pascale Debbané

Di cư giúp xây dựng hiện tại của tôi

Đức Thánh Cha viết rằng “Xây dựng tương lai với những người di cư và người tị nạn cũng có nghĩa là công nhận và đánh giá cao mức độ mà mỗi người trong số họ có thể đóng góp trong tiến trình xây dựng”. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của tôi với tư cách là một người di cư đã làm phong phú thêm sứ mệnh được giao phó cho tôi hôm nay tại Phòng như thế nào.

Trong chiến tranh, gia đình tôi phải di cư sang Canada. Chúng tôi được chào đón nồng nhiệt và nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng địa phương thông qua trường học, giáo xứ của chúng tôi và các hoạt động khác nhau mà chúng tôi tham gia.

Khi còn là một thiếu niên, tôi cảm thấy rất tội lỗi vì đã bỏ lại đất nước của mình. Hội nhập là một thách thức đối với tôi. Ở trường, tôi được yêu cầu hòa nhập bình thường và kìm nén cảm xúc cho riêng mình, như thể cuộc sống của tôi vẫn bình thường, nhưng không phải vậy! Lòng tôi đầy sự giận dữ, buồn bã và thất vọng. Thật không may, tôi đã không thể che giấu nó và thường xuyên gặp rắc rối! Rất may, thầy giáo tiếng Anh của tôi đã giúp tôi thể hiện sự tức giận của mình bằng cách bắt tôi hàng ngày viết vào tập san mà thầy phải sửa lại để đánh giá kỹ năng viết của tôi. Tôi và thầy không cùng tôn giáo, sự đồng cảm của thầy đối với tôi đã khiến tôi cảm nghiệm được lòng tốt và phá bỏ những ranh giới của định kiến. Đến lượt tôi, tôi đã có thể chia sẻ sự cởi mở này khi tôi trở về đất nước của mình sau chiến tranh.

Hôm nay, tôi làm việc trong Văn phòng Người Di cư và Tị nạn của Vatican, hỗ trợ các nhà thờ địa phương ở Trung Đông. Thông qua việc việc hoán cải bản thân cách miệt mài và biến đổi thực tại, tôi đã phải tha thứ và chữa lành để hoàn thành sứ mệnh của mình trong vai trò là Điều phối viên khu vực. Khi đó lòng tốt của con người mà tôi nhận được đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp tôi chữa lành và thấu hiểu tình huynh đệ.

Bởi vì tương lai bắt đầu từ ngày hôm nay và bắt đầu với mỗi chúng ta, tôi cảm tạ vì sự quan phòng đã tìm ra cách thức để tôi sử dụng kinh nghiệm của mình là một người di cư để giúp xây dựng tương lai cho những người di cư và tị nạn khác, để chương trình của Thiên Chúa dành cho thế giới có thể trở thành hiện thực và Vương quốc của công bình, huynh đệ và hòa bình có thể đến.


Phát biểu của Đức Hồng y Francesco Montenegro

Xây dựng tương lai với người di cư và người tị nạn

Một lần nữa, năm nay chúng ta chào đón sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi tới Giáo hội nhân Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn sắp tới, sẽ được cử hành vào ngày 25 tháng Chín. Điểm trung tâm là chủ đề cam kết xây dựng tương lai với những người di cư, tị nạn và những người sống ở các vùng ngoại vi cuộc sống.

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suy ngẫm về mối liên hệ sâu xa giữa chiều kích của cuộc sống vĩnh hằng mà chúng ta đang hướng tới và hiện tại của lịch sử đang cho thấy đầy lộn xộn và lo lắng vì những gì đang xảy ra (chiến tranh, gạt bỏ bên lề, bất bình đẳng). Dường như có một hố sâu thăm thẳm giữa lời công bố về nơi cư ngụ trên thiên đàng được giao phó cho Giáo hội, là lời đầy hy vọng, và lịch sử nơi sinh sống của con người.

Tương lai mà Đức Giáo hoàng nói đến trong sứ điệp của ngài không phải là một “ngày mai” chung chung nhưng là sự chắc chắn thuộc về người có lòng tin biết rằng mình đang hành trình hướng tới cõi vĩnh hằng; cũng như hiện tại không thể bị đóng khung trong một tập hợp các sự kiện gây lúng túng không liên quan gì đến chương trình của Thiên Chúa. Cộng đoàn Kitô hữu có trách nhiệm sống hôm nay qua việc tìm cách thực hiện chương trình của Thiên Chúa thông qua sự công bình, hòa bình và tôn trọng phẩm giá của mỗi người. Theo cách này, khi cộng đoàn vượt qua thời gian tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, cộng đoàn chuẩn bị cho tương lai.

Cái nhìn về lịch sử cứu độ này đòi hỏi một luận lý bao dung: tất cả chúng ta đều được kêu gọi để tiến vào Ngôi nhà vĩnh cửu. Do đó, tiêu đề của Ngày này là: “Xây dựng tương lai cùng với người di cư và tị nạn”. Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta chuyển từ luận lý chấp nhận cách đơn thuần sang luận lý tình huynh đệ phổ quát của Phúc âm, trong đó tha nhân – và đặc biệt là người nghèo – là người anh em mà tôi buộc phải cùng đồng hành. Không có một số người chào đón và những người khác được chào đón, nhưng là những người anh em mà chúng ta phải yêu thương, học cách làm cho sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo hoặc xã hội trở thành một cơ hội tuyệt vời để phát triển cho tất cả mọi người.

Kinh nghiệm làm giám mục ở Agrigento cho phép tôi khẳng định những nguyên tắc đã truyền cảm hứng cho Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tất cả những gì xảy ra ở Lampedusa, với những người di cư liên tục đến, đã làm bàng hoàng không chỉ cộng đoàn giáo xứ và giáo phận Agrigento, mà tôi tin có thể nói là toàn thế giới. Người ta phải làm gì khi phải đối mặt với hàng nghìn người đến trên những chiếc tàu đóng tạm bợ mỗi ngày? Người ta phải làm gì – như năm 2013 – khi vài trăm người trong số họ đã bị chìm khi chỉ cách bờ biển ít mét, bị mất mạng sống? Khi bạn đối mặt với những sự thật này, bạn nhận ra rằng chỉ có nguyên tắc của tình huynh đệ mới có thể giúp bạn. Nếu bạn cố gắng nhìn vào mắt của người đàn ông đó, người phụ nữ đó hoặc đứa trẻ đó, bạn hiểu rằng người đó cũng giống như bạn, là anh em hoặc chị em của bạn. Trong khoảnh khắc đó, mọi sự khác biệt, mọi lời chỉ trích về chính trị, luận lý của các con số hay luật pháp của quốc gia này hay quốc gia kia, đều nằm ngoài bên lề. Đôi mắt kia nói lên phẩm giá của người đó vượt lên trước, và vượt hơn cả tình trạng người đó thuộc quốc gia “X” hoặc tôn giáo “Y”. Xây dựng tương lai đòi hỏi phải có cái nhìn đó đối với tha nhân, thoát khỏi mọi định kiến ​​và mọi đặc quyền. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng quan điểm này có thể chứng tỏ là một cơ hội phát triển cho tất cả mọi người. Lịch sử dạy chúng ta rằng nơi nào tương lai được xây dựng theo luận lý bao dung, thì cuối cùng tất cả mọi người đều đạt được không những sự tôn trọng mà còn về kinh tế và văn hóa.

Đức Giáo Hoàng đưa ra lời kêu gọi này đối với tất cả mọi người và đặc biệt đối với giới trẻ. Thật vậy, họ là những người có khuynh hướng tốt nhất để hòa vào tầm nhìn này. Vì vậy, nhiều hiệp hội, Công giáo và không Công giáo, tiếp cận người di cư và tị nạn đúng theo tinh thần mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn. Việc phá bỏ rào cản đối với những người trẻ là điều tự nhiên. Họ cảm thấy tương lai như ngôi nhà của họ và tôi tin rằng chúng ta phải tin tưởng vào khả năng của họ nhiều hơn để xây dựng con đường hội nhập giữa tất cả các dân tộc trên trái đất.

Chúng tôi chắc chắn rằng thông điệp sẽ nhận được sự chào đón của các cộng đồng Kitô giáo và của nhiều người có thiện chí mong muốn được sống trong một thế giới được ghi đậm dấu ấn của công lý, tình huynh đệ và hòa bình. Lời cầu nguyện kết thúc bản văn rất hay. Tôi sẽ lặp lại phần trung tâm:

“Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở thành những người xây dựng Vương quốc của Người,

cùng với những người di cư và tị nạn

và tất cả những người cư ngụ trong các vùng ngoại vi.”


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/5/2022]