Linh mục đầu tiên của Mông cổ sau ngàn năm nói chuyện với Aleteia
Chúng tôi phỏng vấn cha Giu-se Enkhee-Baatar, linh mục đầu tiên gốc người Mông cổ sau một ngàn năm
asianews-it
Aleteia: Cha được tiến chức ở Mông cổ ngày 28 tháng 8, 2016, và cha trở thành linh mục bản xứ đầu tiên trong cả ngàn năm qua! Cha cảm thấy tầm quan trọng lịch sử của việc này như thế nào?
Cha Giu-se Enkhee-Baatar: Tôi rất vui và vinh dự được chọn để tiến chức ở Mông cổ, và góp một phần nhỏ trong sứ vụ. Những nhà thừa sai đầu tiên đến Đế Quốc Mông Cổ là những vị theo bè Nestorius. Họ đến vào khoảng đầu thế kỷ thứ 7 và thứ 8. Sau đó, một số bộ lạc Mông cổ theo Ki-tô giáo. Rồi, vào thế kỷ 13 dưới triều đại nhà Nguyên, các nhà thừa sai Công giáo đến. Theo một số tài liệu lịch sử, Đế quốc có khoảng 30.000 người Công giáo Mông cổ vào lúc đó. Giáo hội sau đó duy trì gần 100 năm dưới triều đại nhà Nguyên. Có thể lúc đó đã có một số linh mục được tiến chức, nhưng tôi chưa tìm được tài liệu lịch sử đáng tin cậy nào. Sau sự sụp đổ của nhà Nguyên, và sự trỗi dậy của nhà Minh, Ki-tô giáo biến mất khỏi đất nước.
Theo ý cha, tại sao thời gian lại trôi qua quá lâu giữa lần loan báo Tin mừng đầu tiên trong đất nước của cha cho đến lần phong chức đầu tiên này?
Có một số lý do giải thích khoảng trống giữa lần rao giảng Tin mừng đầu tiên đến sự hồi sinh hiện tại của Giáo hội. Trước hết, đó là sự nổi dậy của người Hồi giáo ở Trung đông làm cản trở các nhà thừa sai đến Mông cổ, một đất nước nằm sâu trong lục địa. Ngoài ra, đầu thế kỷ 16 và 17, Mông cổ thừa nhận Phật giáo Tibet và cuối cùng trở thành quốc giáo. Mông cổ là một quốc gia thần quyền cho đến cuộc cách mạng cộng sản. Khi đất nước trở thành quốc gia Cộng sản năm 1924, những chương trình rao giảng phúc âm của quốc gia bị bắt giữ. Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản năm 1990, những nhà thừa sai đầu tiên, có 3 vị, đến Mông cổ năm 1992. Năm tới chúng tôi sẽ kỷ niệm 25 năm sự hiện diện của Giáo hội Công giáo ở đây.
Phải mất nhiều thời gian để rao giảng Phúc âm vì đất nước của chúng tôi có nguồn gốc ảnh hưởng sâu của các pháp sư (Tengrism) và một số nền tảng khác, gần đây hơn, ảnh hưởng bởi nguồn gốc Phật giáo. Đó là lý do tại sao người dân xem Ki-tô giáo như một tôn giáo nước ngoài và đôi khi như một sự đe dọa cho truyền thống và văn hóa Mông cổ.
Mông cổ có ít người Công giáo. Liệu thực tế cha là người Mông cổ sẽ giúp việc rao giảng cho người trong nước dễ dàng hơn?
Đức Giê-su nói, “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì thiếu. Vì vậy chúng tôi cần thêm linh mục, nữ tu và các thừa sai giáo dân để làm việc phục vụ cho vương quốc của Thiên Chúa. Nếu anh phục vụ Thiên Chúa và dân Người toàn tâm toàn ý bằng lời nói, bằng việc làm và bằng đời sống của anh, quốc tịch của anh là gì sẽ không còn là vấn đề. Anh sẽ luôn là nguồn hỗ trợ tuyệt vời và là khí cụ rao giảng Tin mừng cho đất nước và cho thế giới.
Tuy nhiên, chúng tôi cần thêm nhiều linh mục gốc bản xứ vì họ biết cách áp dụng những giáo huấn của Đức Ki-tô và của Giáo hội ở đây tốt hơn. Từ đó người Mông cổ sẽ hiểu rõ hơn và chấp nhận, không phải như một giáo huấn của một tôn giáo ngoại quốc nhưng là một tôn giáo rất gần gũi với truyền thống của họ, với văn hóa và lối sống của họ.
Giáo xứ của cha có lớn không, số lượng tín hữu, tỷ lệ phần trăm người Công giáo ở Mông cổ?
Trong toàn quốc, có khoảng 1200 người Công giáo chiếm chỉ 0.04% dân số chung. Tuy nhiên, tổng số người Ki-tô hữu trong nước vào khoảng 2%. Chúng tôi có 6 giáo xứ và vài ba “họ đạo” [trong tổng số 21 tỉnh của Mông cổ, 17 tỉnh có người Công giáo hiện diện].
Những thử thách mục vụ đang chờ đợi cha trong những tháng đầu là gì?
Tôi vừa mới được tiến chức 1 tuần trước và ở trong nhà Thừa sai của Giáo hội Công giáo. Hiện tại tôi đang chờ bài sai chính thức cho biết tôi sẽ đi đâu cho công tác mục vụ đầu tiên của tôi.
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/09/2016]