Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

Những câu chuyện bạn chưa từng nghe: Người tổ chức WYD lần thứ nhất nói về những khởi đầu

Những câu chuyện bạn chưa từng nghe: Người tổ chức WYD lần thứ nhất nói về những khởi đầu

Những câu chuyện bạn chưa từng nghe: Người tổ chức WYD lần thứ nhất nói về những khởi đầu


Người hành hương trong chương trình đêm ở Brzegi trong Ngày Giới trẻ Thế giới 30 tháng Bảy năm 2016, Cracow, Ba Lan

01/08/23


Ông Marcello Bedeschi, một trong những người tổ chức WYD đầu tiên (và những lần tiếp theo), nói về nguồn gốc và sự phát triển của đại hội. Và lần Đức Gioan Phaolô II bị nóng trên ghế …

Ông Marcello Bedeschi, một vị lãnh đạo hiệp hội người Ý, là một trong những người bắt đầu Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) vào những năm 1980. Ông tiếp tục chịu trách nhiệm với “Quỹ Hy vọng Giáo hội của Giới trẻ” từ năm 1991 đến năm 2021, đổi tên thành “Quỹ Giới trẻ Gioan Phaolô II” sau cái chết của vị Giáo hoàng người Ba Lan năm 2005.

Ông nói chuyện với chúng tôi về khởi đầu của những sự kiện đáng kinh ngạc được gọi là Ngày Giới trẻ Thế giới — chia sẻ những giai thoại từ một số cuộc tập trung đầu tiên, và cái nhìn về cách thức WYD đang ghi dấu Giáo hội.


Mối tương quan thân thiết của ông với Đức Gioan Phaolô II đã góp phần như thế nào vào việc thành lập WYD năm 1984-85?

Ông Marcello Bedeschi: Tôi biết Đức Karol Wojtyla vào những năm 1960-1970, khi ngài còn là Tổng Giám mục Krakow. Ngài có một mối tương quan đặc biệt với Đức Cha Carlo Maccari, giám mục của tôi ở Ancona (Ý), người đã ngồi cạnh ngài trong Công đồng Vatican II. Trong các cuộc nói chuyện qua điện thoại của hai vị, và cả khi đức cha của tôi cử tôi đi sứ mạng ở Ba Lan, tôi luôn nhận thấy vị hồng y của Krakow này rất quan tâm đến việc đồng hành với giới trẻ.

Ngài luôn nói chuyện với chúng tôi về giới trẻ, nhận xét về sự hăng hái và niềm vui của họ khi được ở bên nhau. Tại Ba Lan, ngài đã tổ chức một số cuộc họp mặt, theo một cách nào đó, là những bước đầu tiên hướng tới WYD. Điều này thể hiện tầm nhìn của Công giáo xem mọi người như anh chị em của nhau.

Khi trở thành giáo hoàng, ngài đã tìm mọi cách để đưa ý tưởng này thành thực tế. Vào cuối Năm Thánh Cứu chuộc 1983-1984, ý tưởng được sinh ra từ một cuộc gặp gỡ suy tư và cầu nguyện cho giới trẻ ở Roma để họ có thể gặp gỡ Chúa.

Vì vậy, hóa ra tôi trở thành một thành viên của ủy ban bốn người tổ chức cuộc họp này cùng với Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân. Đức Hồng Y Opilio Rossi người Ý lãnh đạo hội đồng vào thời điểm đó, không lâu sau đó được thay thế bởi Đức Hồng y Eduardo Pironio, người đóng vai trò quyết định trong việc khai mạc WYD.


Như vậy, chính trên nền tảng của cuộc họp mặt đầu tiên này, khái niệm về WYD đã dần dần hình thành?

Ông Bedeschi: Cuộc họp mặt đầu tiên vào năm 1984 này đã thu hút giới trẻ từ 80 quốc gia, đó là một bất ngờ lớn. Sau đó, Đức Gioan Phaolô II đã nhân cơ hội Năm Quốc tế Giới trẻ của Liên hợp quốc để đưa ra ý tưởng về một cuộc gặp gỡ khác vào năm 1985. Cuộc gặp gỡ này, một lần nữa ở Roma, cũng diễn ra rất tốt đẹp. Điều này đưa Đức Gioan Phaolô II đến việc viết một lá thư chính thức về việc tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ luân phiên giữa cấp giáo phận và một cuộc họp mặt toàn cầu sẽ được tổ chức hai hoặc ba năm một lần.

WYD cấp giáo phận đầu tiên diễn ra vào năm 1986, tiếp theo là WYD đầu tiên được tổ chức ở nước ngoài vào năm 1987 tại Buenos Aires. Đích thân Đức Gioan Phaolô II giám sát toàn bộ dự án, bao gồm tất cả các chi tiết và biểu tượng của đại hội, chẳng hạn trao thánh giá WYD cho các bạn trẻ để thánh giá có thể được mang đi khắp thế giới. Việc này diễn ra ngay cả ở những nơi không thể nghĩ đến, kể cả khi thánh giá được lén lút đưa qua Bức màn sắt để đi vào các nước Cộng sản. Tôi nhớ những chuyến đi đó với sự căng thẳng rất cao.

Những câu chuyện bạn chưa từng nghe: Người tổ chức WYD lần thứ nhất nói về những khởi đầu

WYD 1987 (Buenos Aires, Argentina)

Ông và những người tổ chức chọn các thị trấn chủ nhà đầu tiên như thế nào?

Ông Bedeschi: Nhiều Giáo hội địa phương muốn làm chủ nhà tổ chức WYD. Quốc tịch Argentina của Đức Hồng Y Pironio đã đưa đến việc tổ chức WYD ở Buenos Aires, trong đó Cha Jorge Mario Bergoglio (Đức Giáo hoàng Phanxicô tương lai) đã tham dự với tư cách là một linh mục Dòng Tên. Năm 1989, WYD ở Santiago de Compostela nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc hành hương và đi bộ. Người hành hương từ khắp Châu Âu đã quy tụ về Tây Ban Nha bằng nhiều phương tiện khác nhau. Phong trào này đã giúp phổ biến việc đi bộ như một cách để gặp gỡ Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha muốn những cuộc họp mặt này giúp người Công giáo suy tư về các câu hỏi quan trọng nhất liên quan đến đức tin Kitô giáo. WYD cũng đã phát triển một khía cạnh văn hóa, với những cuộc triển lãm được tổ chức với sự cộng tác của Bảo tàng Vatican. Tại WYD Cologne 2005, triển lãm Dung nhan Chúa Kitô giống như một bài giáo lý, cùng với những bài giáo huấn của các giám mục đưa ra.

Tại WYD Rio, cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với người Amazon bản địa tại Tòa Khâm sứ đã giúp ngài đưa ra suy tư về hệ sinh thái, dẫn đến tông huấn Laudato Si’ và Thượng Hội đồng về Amazon. Quỹ Gioan Phaolô II dành cho Giới trẻ đã rất tích cực tổ chức các hội thảo về những chủ đề này tại những kỳ WYD tiếp theo ở Krakow, Panama, và bây giờ là Lisbon.


Người Pháp có những kỷ niệm đẹp về WYD ở Paris năm 1997. Nó đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với nhiều người Công giáo, mang lại cho họ động lực mới vào thời điểm họ cảm thấy bị phân mảnh và là thiểu số giữa một xã hội thế tục. Sự kiện Paris có đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của những cuộc họp mặt này không?

Ông Bedeschi: Đúng vậy, bài bình luận báo chí về WYD Paris, trên cả báo Công giáo và báo “thế tục”, cho thấy rằng sự kiện này là nền tảng. Nó chứng tỏ khả năng của người trẻ trong việc tham gia đối thoại, cùng nhau huy động mang thông điệp Kitô giáo vào cuộc sống.

Nhiều kỷ niệm về Paris năm 1997 vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi. Ví dụ, tôi nhớ chúng tôi đã tổ chức một cuộc triển lãm về Chúa Giêsu tại Tòa thị chính Paris. Việc này đã gây ra một số phản đối từ các nhà hoạt động thế tục, nhưng các tác phẩm đã thành công rực rỡ.

Những câu chuyện bạn chưa từng nghe: Người tổ chức WYD lần thứ nhất nói về những khởi đầu

WYD 1997 (Paris, France)

Tôi cũng bị giật mình vì một sự cố trong buổi lễ chào mừng ở Champ de Mars, đối diện tháp Eiffel: Đức Gioan Phaolô II đã bị bỏng rát vì gác tay của chiếc ghế bành bằng sắt đang nóng như nung vì sức nóng và thiếu bóng râm. Một người lính chạy vội đến doanh trại của học viện quân sự, ngay phía sau khán đài, để lấy một chiếc ghế khác dễ chịu hơn cho Đức Giáo hoàng. Đức Gioan Phaolô II xúc động và thích thú trước cử chỉ này, và ngài thường kể cho tôi nghe về điều đó!


WYD vẫn tiếp tục sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời vào năm 2005. Ông có suy nghĩ gì về cách các vị kế nhiệm ngài quản lý di sản này?

Ông Bedeschi: Điều chắc chắn là Đức Gioan Phaolô II là người khởi xướng ban đầu, nhưng ngài cũng muốn chuyển giao lại một cách tự nhiên. Do đó, ý tưởng này được Đức Bênêđictô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô đón nhận, cả hai vị đều có những tính cách rất khác nhau, nhưng thể hiện tính liên tục qua việc các ngài tham dự WYD.

Việc khởi động lại WYD Lisbon sau đại dịch Covid-19 không phải là một phần kết được dự tính trước, nhưng nó đã dần dần đưa trở lại đúng hướng. Từ nước Ý, chúng tôi dự đoán có 20.000 bạn trẻ tham dự: hiện chúng tôi đã có số đăng ký 65.000. Hiện tượng tương tự có thể được nhìn thấy ở tất cả các quốc gia Châu Âu. Vì vậy, sẽ có một sự cuồng nhiệt thực sự!

Một trong những điều làm tôi xúc động nhất là các ơn gọi nảy sinh tại WYD: ơn gọi linh mục, tu trì, gia đình, sự nghiệp… Đối với nhiều người trẻ, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng, WYD đã cung cấp một động lực quyết định cho ơn gọi của họ, định hướng cho cuộc sống của họ. Các linh mục và những nhà lãnh đạo các phong trào Công giáo cần ý thức điều này.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/8/2023]


Đức Giáo hoàng Phanxicô ghi dấu lịch sử: vị Giáo hoàng đầu tiên trên Facebook Live

Đức Giáo hoàng Phanxicô ghi dấu lịch sử: vị Giáo hoàng đầu tiên trên Facebook Live

First Facebook Live Of Pope Francis

Đức Giáo hoàng Phanxicô ghi dấu lịch sử: vị Giáo hoàng đầu tiên trên Facebook Live

Đức Thánh Cha chào mọi người qua trang Facebook của Cha Enzo Fortunato.

JULY 29, 2023 22:17

REDACCIÓN ZENIT




(ZENIT News / Rome,29.07.2023).

“Chào buổi tối những người tốt lành. Có đúng là anh chị em là người tốt lành không? Cha Enzo đã nói với tôi như vậy.”

Đây là những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trực tiếp trên trang Facebook của Cha Enzo Fortunato, ngài nói với những người dùng có liên kết với Dòng Phanxicô. “Cảm ơn vì công việc của anh chị em và vì lòng ước muốn được nuôi dưỡng bằng nước là Lời Chúa,” Đức Thánh Cha tiếp tục nói trên video truyền trực tiếp. “Nếu chúng ta thiếu nước thì không có kết quả. Lời Chúa như nước, là sự sống, luôn ở bên chúng ta và làm cho chúng ta lớn lên. Hãy tiến bước, với Lời Chúa, đừng từ bỏ Lời Chúa và tiếp tục là người tốt.”

Cha Enzo Fortunato đã gây ngạc nhiên cho những người sử dụng trang Facebook của cha: “Những gì chúng ta sắp trải qua là một khoảnh khắc của ân sủng, một sự ngạc nhiên,” cha nói trong video. “Chúng ta đang ở cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và tôi đã nói với ngài rằng anh chị em cầu nguyện cho ngài hàng đêm, rằng những người tốt lành cầu nguyện cho ngài. Và rồi tôi đã xin Đức Thánh Cha ban phép lành và suy tư của ngài về ý nghĩa của việc nuôi dưỡng bản thân mỗi ngày bằng Lời Chúa.”

Video kết thúc với phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô và xin cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và Giáo hội.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/8/2023]