Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Viếng nhà thờ Thánh Mary ở Domnica, con tàu và hòm bia

Viếng nhà thờ Thánh Mary ở Domnica, con tàu và hòm bia

Viếng nhà thờ Thánh Mary ở Domnica, con tàu và hòm bia

Antoine Mekary | ALETEIA

Marinella Bandini

28/02/21


Nhà thờ Chặng đàng Ngày 12: Ở đây chúng ta nhìn thấy một mẫu vầng hào quang vuông. Bạn có biết ý nghĩa nó là gì không?


Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.


Ngày 12

Vương cung Thánh đường Thánh mary ở Domnica được gọi là “alla Navicella” do một bức điêu khắc cổ của La Mã — hiện giờ được chuyển thành một đài phun nước — với hình dáng của một con tàu nhỏ (“navicella” là từ hậu tố của “navis,” hoặc là “con tàu”) trong quảng trường phía trước nhà thờ. Nó giống như một bia tạ ơn nữ thần Isis, người bảo vệ cho các thủy thủ.

Danh hiệu “Domnica” được cho là chỉ về vùng đất nơi nhà thờ được xây dựng: truyền thống nói rằng nhà thờ được xây dựng trên vị trí nhà của Thánh Cyriaca, tên thánh nhân có nghĩa là “thuộc về Chúa,” và ngài đã làm việc cùng với Thánh Lawrence Phó tế. Nhiều khả năng, nhà thờ được xây dựng trên đất của đế quốc, “praedia dominica.”

Đức Giáo hoàng Paschal I đã cho nhà thờ có diện mạo như hiện nay vào thế kỷ thứ 9. Bức tranh khảm ở cung thánh có niên đại từ thời kỳ này, với Đức Mẹ ngồi trên ngai ở giữa cảnh. Dưới chân Mẹ là Đức Paschal I, với vầng hào quang hình vuông cho biết ngài đang sống vào thời điểm tác phẩm được thực hiện.

Nhà thờ và các công trình phục hồi của thế kỷ 16 được liên kết với tên của gia tộc de’ Medici, với huy hiệu của gia tộc nằm ở trung tâm của trần nhà bằng gỗ. Hai mái vòm lớn nhất nhắc lại chủ đề của con tàu (the Ark), đề cập đến Đức Trinh Nữ Maria là “Hòm Giao Ước”, và Giáo hội, di chuyển trong biển giông bão của các biến cố lịch sử để hoàn thành công cuộc cứu độ chung.

Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.” (St 22:18)

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Roma.

Viếng nhà thờ Thánh Mary ở Domnica, con tàu và hòm bia

Vương cung Thánh đường Thánh Mary ở Domnica. Theo truyền thống, nhà thờ được xây dựng trên vị trí nhà của Thánh Cyriaca, tên của ngài có nghĩa là “thuộc về Chúa,” và là người làm việc cùng với Thánh Lawrence Phó tế.

Viếng nhà thờ Thánh Mary ở Domnica, con tàu và hòm bia

Vương cung Thánh đường Thánh Mary ở Domnica được đặt tên là “alla Navicella” do một bức điêu khắc cổ của La Mã — hiện giờ được chuyển thành một đài phun nước — với hình dáng của một con tàu nhỏ (“navicella” là từ hậu tố của “navis,” hoặc là “con tàu”) trong quảng trường phía trước nhà thờ.

Viếng nhà thờ Thánh Mary ở Domnica, con tàu và hòm bia

Vương cung Thánh đường Thánh Mary ở Domnica (bên trong)

Viếng nhà thờ Thánh Mary ở Domnica, con tàu và hòm bia

Bức tranh khảm trên cung thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Mary ở Domnica (thế kỷ thứ 9)

Viếng nhà thờ Thánh Mary ở Domnica, con tàu và hòm bia

Vương cung Thánh đường Thánh Mary ở Domnica. Tên của gia tộc de’ Medici được gắn liền với nhà thờ này; huy hiệu của họ là phần trang trí trung tâm của trần nhà thờ bằng gỗ.

Viếng nhà thờ Thánh Mary ở Domnica, con tàu và hòm bia

Vương cung Thánh đường Thánh Mary ở Domnica (chi tiết của trần nhà hình vòm). Hai vòm lớn nhất nhắc lại chủ đề con tàu (the Ark), đề cập đến Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, “Hòm Bia Giao Ước,” và Giáo hội.

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/3/2021]


Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Quốc tế Ơn gọi 2021

Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Quốc tế Ơn gọi 2021

Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Quốc tế Ơn gọi 2021

25 tháng Tư 2021

Thánh Giuse: Giấc mơ ơn gọi

*****

Anh chị em thân mến,

Ngày 8 tháng Mười Hai vừa qua, kỷ niệm một trăm năm mươi năm ngày tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ, đánh dấu khai mạc năm đặc biệt dành cho ngài (xem Decree of the Apostolic Penitentiary, ngày 8 tháng Mười Hai năm 2020). Về phần cha, cha đã viết Tông thư Patris Corde, với mục đích “thúc đẩy lòng yêu mến của chúng ta đối với vị đại thánh này”. Thánh Giuse là một đấng phi thường, nhưng đồng thời cũng là một đấng “rất gần gũi với kinh nghiệm của con người chúng ta”. Ngài đã không làm những điều phi thường, ngài không có đặc sủng đặc biệt, và ngài cũng không xuất hiện đặc biệt trong mắt những người gặp ngài. Ngài không nổi tiếng hoặc thậm chí không đáng chú ý: các sách Tin mừng không tường thuật dù chỉ một lời của ngài. Tuy nhiên, qua cuộc sống bình thường của ngài, ngài đã đạt được một điều phi thường trước mắt Chúa.

Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn (xem 1 Sam 16: 7), và nơi Thánh Giuse, Người nhận ra tâm hồn của một người cha, có thể cho đi và tạo nên sự sống ngay giữa những công việc thường nhật. Những ơn gọi có cùng mục tiêu này: tạo nên và đổi mới đời sống mỗi ngày. Thiên Chúa mong muốn uốn nắn tâm hồn của những người cha, người mẹ: trở thành những tâm hồn rộng mở, có khả năng với những sáng kiến tuyệt vời, quảng đại hy sinh, từ bi khi an ủi những lo âu và kiên cường trong việc củng cố hy vọng. Ngày nay, chức tư tế và đời sống thánh hiến rất cần những đức tính này, trong những thời điểm được đánh dấu bởi sự mong manh nhưng cũng bởi những đau khổ do đại dịch, đã tạo ra những bấp bênh và nỗi sợ hãi về tương lai và ý nghĩa của sự sống. Thánh Giuse đến gặp chúng ta theo cách dịu dàng của ngài, giống như một trong những “vị thánh hàng xóm”. Đồng thời, chứng tá mạnh mẽ của ngài có thể hướng dẫn chúng ta trên hành trình.

Thánh Giuse gợi ý cho chúng ta ba từ khóa cho ơn gọi của mỗi cá nhân. Đầu tiên là ước mơ. Mọi người đều mơ ước tìm thấy sự viên mãn trong cuộc sống. Chúng ta thực sự nâng niu những niềm hy vọng lớn lao, những khát vọng cao cả mà các mục tiêu phù du không thể thỏa mãn – như sự thành công, tiền bạc và thú vui. Nếu chúng ta yêu cầu mọi người diễn đạt ước mơ trong đời của họ bằng một từ ngữ, sẽ không khó để hình dung ra câu trả lời: “được yêu”. Chính tình yêu mang lại ý nghĩa cho sự sống, bởi vì nó tỏ lộ sự huyền nhiệm của sự sống. Thật vậy, chúng ta chỉ có được sự sống nếu chúng ta cho đi; chúng ta thực sự sở hữu nó khi chúng ta quảng đại trao tặng nó. Thánh Giuse có nhiều điều để nói với chúng ta về điều này, vì qua những giấc mơ mà Thiên Chúa đã soi dẫn cho ngài, ngài đã biến cuộc đời ngài thành một món quà.

Các Tin Mừng kể cho chúng ta bốn giấc mơ (xem Mt 1:20; 2: 13.19.22). Chúng là những tiếng gọi từ Thiên Chúa, nhưng thật không dễ dàng chấp nhận chúng. Sau mỗi giấc mơ, Thánh Giuse phải thay đổi chương trình của mình và chấp nhận rủi ro, hy sinh những kế hoạch của bản thân để làm theo những ý định huyền nhiệm của Chúa, Đấng mà ngài tuyệt đối tin tưởng. Chúng ta có thể tự hỏi, “Tại sao lại đặt quá nhiều sự tin tưởng vào một giấc mơ trong đêm?” Mặc dù thời xưa giấc mơ rất được coi trọng, nhưng nó vẫn chỉ là một điều nhỏ bé khi đứng trước thực tại cụ thể của cuộc sống. Tuy nhiên, Thánh Giuse đã để cho mình được hướng dẫn bởi những giấc mơ mà không do dự. Tại sao? Vì tâm hồn ngài luôn hướng về Chúa; nó đã nghiêng về Người. Một dấu chỉ nhỏ cũng đủ để “tai trong” của ngài nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa. Điều này cũng áp dụng cho tiếng gọi của chúng ta: Thiên Chúa không thích tỏ lộ Người theo cách kỳ vỹ, gây áp lực trên sự tự do của chúng ta. Người truyền đạt chương trình của Người cho chúng ta một cách nhẹ nhàng. Người không làm chúng ta choáng ngợp bằng những thị kiến chói lọi, mà âm thầm nói vào sâu thẳm tâm hồn chúng ta, đến gần chúng ta và nói với chúng ta qua những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Bằng cách này, như Người đã làm với Thánh Giuse, Người đặt ra trước mắt chúng ta những chân trời sâu sắc và bất ngờ.

Thật vậy, những giấc mơ của Thánh Giuse đã đưa ngài đến những trải nghiệm mà ngài chưa bao giờ hình dung được. Giấc mơ đầu tiên đảo ngược lại việc hứa hôn của ngài, nhưng làm cho ngài trở thành dưỡng phụ của Đấng Mêsia; giấc mơ thứ hai khiến ngài phải chạy trốn sang Ai Cập, nhưng đã cứu được mạng sống của gia đình. Sau giấc mơ thứ ba, báo trước việc ngài sẽ quay trở về quê hương, giấc mơ thứ tư lại khiến ngài phải thay đổi chương trình một lần nữa, đưa ngài đến Nadarét, nơi Chúa Giêsu sẽ bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa. Giữa tất cả những biến động đột ngột này, ngài tìm thấy sự can đảm để làm theo ý định của Thiên Chúa. Trong ơn gọi cũng vậy: tiếng gọi của Chúa luôn thúc giục chúng ta thực hiện bước đi đầu tiên, hiến thân, tiến bước về phía trước. Không thể có niềm tin mà không có phiêu lưu. Chỉ bằng cách vững tin từ bỏ chính mình cho ân sủng, gạt qua một bên những chương trình và sự tiện nghi của bản thân, chúng ta mới có thể thực sự nói lời “xin vâng” với Chúa. Và mọi tiếng “xin vâng” đều mang đến hoa trái vì nó trở thành một phần của một bản thiết kế lớn hơn, trong đó chúng ta chỉ thoáng nhìn thấy những chi tiết, nhưng là bản thiết kế mà Thiên Chúa là người Nghệ sĩ biết rõ và thực hiện, biến mọi cuộc đời trở thành một kiệt tác. Về điểm này, Thánh Giuse là một mẫu gương nổi bật về việc chấp nhận những chương trình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự chấp nhận của ngài là rất chủ động: không bao giờ miễn cưỡng hay cam chịu. Thánh Giuse “chắc chắn không cam chịu một cách thụ động, nhưng chủ động một cách can đảm và vững vàng” (Tông thư Patris Corde, 4). Xin ngài trợ giúp tất cả mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ đang phân định, biến những ước mơ của Thiên Chúa cho họ trở thành hiện thực. Xin ngài khơi dậy trong họ lòng can đảm để nói lời “xin vâng” với Chúa, Đấng luôn làm ngạc nhiên và không bao giờ làm thất vọng.

Từ ngữ thứ hai đánh dấu hành trình của Thánh Giuse và hành trình của ơn gọi: sự phục vụ. Các sách Phúc âm cho thấy Thánh Giuse đã sống hoàn toàn vì người khác chứ không bao giờ vì bản thân. Dân thánh Chúa khẩn cầu ngài là người bạn đời khiết tịnh nhất, dựa trên khả năng yêu thương vô hạn của ngài. Bằng cách giải phóng tình yêu thoát khỏi mọi sự chiếm hữu, ngài trở nên rộng mở cho sự phục vụ hiệu quả hơn. Sự chăm sóc yêu thương của Ngài đã trải dài qua các thế hệ; sự bảo vệ chu đáo của ngài đã khiến ngài trở thành người bảo trợ của Giáo hội. Là một người biết cách thể hiện ý nghĩa của sự tự hiến trong cuộc sống, Thánh Giuse cũng là người bảo trợ cho một cái chết hạnh phúc. Tuy nhiên, sự phục vụ và hy sinh của ngài chỉ có thể thực hiện được, vì chúng được nâng đỡ bởi một tình yêu cao cả hơn: “Mọi ơn gọi đích thực đều được sinh ra từ việc tự hiến, là hoa trái của sự hy sinh chín chắn. Thiên chức linh mục và đời sống thánh hiến cũng đòi hỏi phải có sự chín chắn như vậy. Dù ơn gọi của chúng ta là gì, kết hôn, độc thân hay sống trinh khiết, việc cho đi chính mình sẽ không thành toàn nếu nó chỉ dừng lại ở sự hy sinh; nếu thế, thay vì trở thành một dấu chỉ của vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu, việc cho đi chính mình sẽ có nguy cơ trở thành biểu hiện của bất hạnh, buồn bã và thất vọng” (sđd., 7).

Đối với Thánh Giuse, phục vụ – như một biểu hiện cụ thể của ơn tự hiến – không đơn thuần là một lý tưởng cao đẹp, nhưng đã trở thành một quy tắc cho cuộc sống hàng ngày. Ngài cố gắng tìm kiếm và chuẩn bị một nơi để Chúa Giêsu chào đời; ngài đã làm hết sức mình để bảo vệ Hài nhi thoát khỏi cơn thịnh nộ của Hêrôđê bằng cách sắp xếp một chuyến đi vội vã đến Ai Cập; ngài lập tức quay lại Giêrusalem khi Chúa Giêsu bị lạc; ngài hỗ trợ gia đình bằng công việc của mình, ngay cả khi ở trên đất nước xa lạ. Tóm lại, ngài thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau bằng thái độ của những người không ngã lòng khi cuộc sống không diễn ra như họ mong muốn; ngài cho thấy sự sẵn lòng là nét điển hình của những người sống để phục vụ. Bằng cách này, Thánh Giuse đón nhận những hành trình thường xuyên và thường là bất ngờ của cuộc sống: từ Nadarét đến Bêlem cho cuộc điều tra dân số, rồi đến Ai Cập và trở lại Nadarét, và hàng năm lên Giêrusalem. Ngài luôn sẵn sàng đối mặt với hoàn cảnh mới mà không phàn nàn, luôn sẵn sàng giúp đỡ để giải quyết tình huống. Chúng ta có thể nói rằng đây là bàn tay nối dài của Chúa Cha trên trời vươn tới Con của Người trên trần gian. Thánh Giuse thật sự là tấm gương mẫu mực cho mọi ơn gọi, được kêu gọi để trở thành bàn tay luôn chủ động của Chúa Cha, vươn tới con cái của Người.

Vì vậy, tôi yêu quý ý nghĩ về Thánh Giuse, người bảo vệ Chúa Giêsu và Giáo hội, như người bảo vệ các ơn gọi. Quả thực, từ sự sẵn sàng phục vụ của ngài đã dẫn đến sự quan tâm bảo vệ. Tin Mừng cho chúng ta biết “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14), từ đó cho thấy sự quan tâm mau mắn của ngài cho sự an lành cho gia đình mình. Ngài không phí thời gian để phiền muộn về những điều ngài không thể kiểm soát, mà dành trọn sự quan tâm cho những người được giao phó cho ngài chăm sóc. Sự quan tâm chu đáo ấy là dấu chỉ của một ơn gọi đích thực, là chứng tá của một đời sống được tình yêu của Thiên Chúa chạm đến. Thật là một mẫu gương đẹp của đời sống người Kitô hữu chúng ta khi chúng ta từ chối theo đuổi những tham vọng của mình hoặc đắm chìm trong những ảo tưởng của mình, nhưng thay vào đó quan tâm đến những gì Chúa đã trao phó cho chúng ta qua Giáo hội! Và Thiên Chúa sẽ rót đổ Thần Khí và sự sáng tạo của Người trên chúng ta; Người thực hiện những điều kỳ diệu trong chúng ta, như Người đã làm nơi Thánh Giuse.

Cùng với tiếng gọi của Chúa, là điều biến những ước mơ lớn lao nhất của chúng ta thành hiện thực và sự đáp lời của chúng ta, được tạo nên từ lòng quảng đại phục vụ và tận tâm chăm sóc, có một đặc điểm thứ ba trong đời sống hàng ngày của Thánh Giuse và ơn gọi Kitô hữu của chúng ta, đó là lòng trung thành. Thánh Giuse là “người công chính” (Mt 1:19) hằng ngày kiên trì âm thầm phục vụ Thiên Chúa và các kế hoạch của Người. Vào một thời điểm đặc biệt khó khăn trong cuộc đời, ngài cân nhắc thấu đáo về việc phải làm (xem câu 20). Ngài không để mình bị áp lực vội vàng. Ngài không khuất phục trước sự cám dỗ để hành động hấp tấp, chiều theo bản năng của mình hoặc chỉ sống cho hiện tại. Thay vào đó, ngài kiên nhẫn suy xét mọi điều.

Ngài biết rằng thành công trong cuộc sống được xây dựng dựa trên sự trung thành kiên trì với những quyết định quan trọng. Điều này được thể hiện qua sự nhẫn nại chăm chỉ công việc của một người thợ mộc khiêm nhường (xem Mt 13:55), một sự nhẫn nại âm thầm, không vang danh trong thời đại của ngài, nhưng đã truyền cảm hứng cho đời sống hàng ngày của không biết bao nhiêu người cha, người lao động và người Kitô hữu kể từ đó. Đối với một ơn gọi – cũng như chính cuộc sống – chỉ trưởng thành nhờ sự trung thành mỗi ngày.

Lòng trung thành đó được nuôi dưỡng như thế nào? Dưới ánh sáng của sự trung tín của chính Thiên Chúa. Những lời đầu tiên mà Thánh Giuse nghe thấy trong giấc mơ là một lời mời gọi đừng sợ, vì Thiên Chúa luôn mãi trung tín với lời hứa của Người: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại” (Mt 1,20). Đừng ngại: Thưa anh chị em, Chúa cũng nói những lời này với anh chị em, bất cứ khi nào anh chị em cảm thấy rằng mình không thể trì hoãn ước muốn hiến dâng cuộc sống cho Người, ngay cả giữa những bấp bênh và đắn đo. Người lặp lại những lời này khi anh chị em tìm cách làm theo ý định của Người mỗi ngày, trong bất cứ thực tại nào của anh chị em, có thể ngay giữa những thử thách và hiểu lầm. Đó là những lời anh chị em sẽ nghe thấy một lần nữa, ở mỗi bước đi trong ơn gọi của mình, khi anh chị em trở lại mối tình đầu tiên của mình. Chúng là một điệp khúc đồng hành với tất cả những ai – như Thánh Giuse – nói lời xin vâng với Chúa bằng đời sống của họ, qua lòng trung thành của họ mỗi ngày.

Lòng trung thành này là bí mật của niềm vui. Một bài thánh ca trong phụng vụ nói về “niềm vui thanh cao” hiện diện trong gia đình Nadarét. Đó là niềm vui của sự đơn sơ, niềm vui được trải nghiệm hàng ngày bởi những người quan tâm đến điều thực sự quan trọng: sự gần gũi trung thành với Thiên Chúa và với người lân cận. Thật tốt biết bao nếu cùng một bầu không khí, đơn sơ và rạng rỡ, giản dị và đầy hy vọng, tràn ngập các chủng viện, các dòng tu và nhà xứ của chúng ta! Tôi cầu nguyện rằng anh chị em cũng sẽ cảm nhận được niềm vui này, thưa anh chị em là những người đã quảng đại chọn Thiên Chúa là ước mơ của cuộc đời, phục vụ Người trong anh chị em của mình với lòng trung thành, đó là bằng chứng hùng hồn trong một thời đại của những lựa chọn và cảm xúc phù du không mang lại niềm vui lâu bền. Xin Thánh Cả Giuse, Đấng bảo vệ các ơn gọi, đồng hành với anh chị em bằng trái tim hiền phụ của ngài!

Roma, Đền Thánh Gioan Lateran, 19 tháng Ba, 2021, Lễ Thánh Giuse

Phanxicô


[Nguồn: vatican.va]

Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/3/2021]