Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

NASA đưa Đức Trinh Nữ Maria lên Sao Hỏa năm 2021

NASA đưa Đức Trinh Nữ Maria lên Sao Hỏa năm 2021


ChurchPOP Editor

25 tháng Hai, 2021

NASA đưa Đức Trinh Nữ Maria lên Sao Hỏa năm 2021Hermandad de Nuestra Señora de Flores, Patrona de Álora, Facebook / YouTube



Thật tuyệt vời!

Tàu Perseverance Rover đã hạ cánh xuống Sao Hỏa ngày 18 tháng Hai sau chuyến đi kéo dài bảy tháng từ Trái Đất trong chuyến thám hiểm sao Hỏa năm 2020 của NASA.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng Đức Mẹ với tước hiệu “Nuestra Señora de Flores” (Đức Mẹ ngàn Hoa), bổn mạng của thành phố Álora, Tây Ban Nha, đã du hành đến Sao Hỏa.

NASA đã chọn 150.000 bảng khắc chữ để robot mang lên sao Hỏa. Trung úy Không quân Francisco José Fernández nói với Sur News rằng anh đã ghi tên Đức Mẹ “Nuestra Señora de Flores”, là Đấng anh hết lòng sùng kính.

Anh Francisco giải thích, “Mục tiêu là khi robot ngừng hoạt động vĩnh viễn, những tên đó sẽ nằm bên trong cỗ máy nếu có người tìm thấy, hoặc nếu cuối cùng con người định cư trên sao Hỏa.”

Anh nói thêm, “Thật thú vị khi biết rằng trong một vài năm nữa, Tên của [Mẹ] sẽ ở đó, trong không gian, giữa các thung lũng và sa mạc của sao Hỏa.”

Trung úy Francisco vui mừng thuật lại “sự hiện diện của Đức Mẹ” trên Sao Hỏa với thành viên của Huynh đệ đoàn Đức Mẹ Nuestra Señora de Flores, Álvaro Fernández García-Gordillo. Anh nói rằng Huynh đệ đoàn đã “ngạc nhiên” và “phát điên” khi nghe tin này.

Anh Garcia-Gordillo nói, “Thật tự hào khi Đức Mẹ Ngàn Hoa rời khỏi thành phố, nhưng việc lên Sao Hỏa là điều độc nhất vô nhị. Đó là điều chúng tôi không hề nghĩ tới hay hình dung ra.”

Đây là “thẻ lên tàu vũ trụ” của Đức Mẹ:


Tước hiệu Đức Mẹ Nuestra Señora de Flores (Đức Mẹ Ngàn Hoa)

Lòng sùng kính Đức Mẹ Nuestra Señora de Flores (Đức Mẹ Ngàn Hoa) bắt nguồn từ thế kỷ 15 ở thành phố Álora, Tây Ban Nha, sau cuộc xâm chiếm Granada. Nữ hoàng Elizabeth ra lệnh xây dựng một nhà nguyện để tôn vinh Mẹ. Ngày nay nhà nguyện này là thánh địa.

Bức tượng Đức Mẹ được xây dựng cho thánh địa năm 1502. Đức Mẹ cầm một cây quyền trượng trong tay phải và bồng Chúa Hài đồng Giêsu trên tay trái. Giáo hội mừng kính ngày lễ của Mẹ vào 8 tháng Chín.


[Nguồn: churchpop]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/2/2021]


Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

By Stefano_Valeri | Shutterstock

Marinella Bandini

17/02/21


Nhà thờ Chặng đàng Thánh Giá Ngày 1: Tại đây chúng ta sẽ nhìn thấy những gì được cho là tác phẩm điêu khắc cổ xưa nhất của Khổ hình Thập giá.


Nhà thờ được gọi là “viên ngọc trai của đồi Aventine.” Để đến được Vương cung Thánh đường Thánh Sabina, trên đỉnh đồi, bạn phải leo ngược dốc cao. Đó là một nỗ lực về thể chất để nhắc nhở sự vươn cao tâm hồn: có lẽ đây là lý do tại sao nhà thờ được chọn làm nhà thờ đàng thánh giá cho Thứ Tư Lễ Tro, ngày đầu tiên của Mùa Chay.

Vương cung Thánh đường được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 và được sửa chữa nhiều lần. Ngày nay những lần phục chế đã đưa nhà thờ trở lại phong cách nguyên thủy của nó.

Trong số các “viên ngọc trai” của nhà thờ là những cánh cửa gỗ chạm khắc của thế kỷ thứ 5. Một trong những cánh cửa mô tả Chúa Kitô trên thập giá giữa hai kẻ trộm: Nó được cho là tác phẩm điêu khắc Khổ hình Thập giá lâu đời nhất còn tồn tại.

Từ năm 1218, Vương cung Thánh đường thuộc về Dòng Đa Minh. Thánh Đa Minh, đấng sáng lập Dòng, đã sống ở đây, và ngày nay bạn có thể đến thăm viếng phòng ở của ngài. Theo truyền thuyết, quỷ đã ném một hòn đá vào ngài khi ngài đang cầu nguyện. Tuy nhiên, quỷ đã ném trượt mục tiêu và cục đá làm vỡ một bia mộ. Trên thực tế, cục đá có thể là một đối trọng của chiếc cân, và có lẽ chính kiến trúc sư D. Fontana, trong quá trình trùng tu năm 1587, đã làm vỡ bia mộ. Tuy nhiên, cục đá vẫn được lưu giữ trong vương cung thánh đường.

Khởi đầu Mùa Chay, câu chuyện này là một sự nhắc nhở chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn, cùng với việc ăn chay và làm việc bác ái — những cách thực hành được Giáo hội gợi ý — như vũ khí tinh thần để chống lại những cám dỗ.

Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta,

hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van."

Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.

Giôen 2:12-13

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Vương cung Thánh đường Thánh Sabina trên Đồi Aventine, cảnh nhìn từ đồi Janiculum. Nhà thờ được gọi là “viên ngọc của Aventine.”

© By Stefano_Valeri | Shutterstock

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Vương cung Thánh đường Thánh Sabina (mặt ngoài). Thánh đường được xây dựng trong thế kỷ thứ 5.

© By DoorZone | Shutterstock

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Những cánh cửa bằng gỗ của thế kỷ thứ 5 tại nhà thờ Thánh Sabina. Các cánh cửa mô tả những cảnh trong Kinh Thánh. Vương cung Thánh đường thuộc về “Patrimonio del Fondo Edifici Culto - Bộ Nội vụ Ý.”

© Antoine Mekary | ALETEIA

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Cánh cửa gỗ của nhà thờ Thánh Sabina (chi tiết). Nó được coi là tác phẩm điêu khắc khổ hình thập giá lâu đời nhất còn tồn tại (thế kỷ thứ 5)

© Antoine Mekary | ALETEIA

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Vương cung Thánh đường Thánh Sabina: cửa vào.

© Antoine Mekary | ALETEIA

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Vương cung Thánh đường Thánh Sabina (bên trong).

© Antoine Mekary | ALETEIA

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Vương cung Thánh đường Thánh Sabina: bức bích họa trên gian cung thánh của Taddeo Zuccari miêu tả Chúa Giêsu, các tông đồ, và các thánh được chôn cất trong vương cung thánh đường (1560).

© Antoine Mekary | ALETEIA

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Hòn đá của quỷ trong Vương cung Thánh đường Thánh Sabina. Theo truyền thuyết, quỷ ném cục đá vào Thánh Đa Minh, nhưng bị trượt mục tiêu và cục dá đã làm vỡ một bia mộ.

© Antoine Mekary | ALETEIA

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Những cửa sổ trong Vương cung Thánh đường Thánh Sabina. Vào thế kỷ 17, nhiều cửa sổ được che lại vì môi trường ít sáng hơn được cho là thích hợp cho việc cầu nguyện hơn.

© Antoine Mekary | ALETEIA

Nhà thờ Thánh Sabina: Nơi Thánh Đa Minh phải né tránh một cục đá do quỷ ném

Vương cung Thánh đường Thánh Sabina (chi tiết bên trong). Tại một điểm thuộc phần trên của gian giữa nhà thờ được phủ bằng những bức tranh khảm. Ngày nay, những khoảng trống giữa các vòm cung được trang trí bằng các ảnh biểu tượng “opus sectile” (dát đá cẩm thạch).

© Antoine Mekary | ALETEIA

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/2/2021]


Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Emanuele Mazzoni Photo | Shutterstock

Bret Thoman, OFS

03/02/21

Bài thứ hai trong loạt bài viết về chuyến hành hương khám phá các địa điểm liên quan đến Thánh Phanxicô và Thánh Clare.


Trong bài thứ hai của loạt ba bài viết “Theo bước chân của Thánh Phanxicô và Thánh Clare,” chúng ta sẽ khám phá những địa điểm trong Thung lũng Spoleto. Trong khi Thánh Phanxicô lớn lên ở thành phố Assisi, thì nhiều biến cố liên quan đến sự hoán cải của ngài lại diễn ra bên ngoài các bức tường thành. Nhiều người hành hương và du khách đến Assisi trải nghiệm linh đạo Phan Sinh đích thực không phải ở Assisi, mà ở vùng nông thôn trong thung lũng.

Địa điểm đầu tiên là Thánh địa San Damiano. Khởi đầu của sự hoán cải, Thánh Phanxicô đang cầu nguyện tại đây thì nghe thấy một giọng nói với ngài từ thập giá rằng: “Phanxicô, hãy đi sửa chữa lại Ngôi nhà của Ta đang bị hư nát, như con có thể nhìn thấy.” Ngài đến thị trấn Foligno gần đó, tại đây ngài bán số vải của thân phụ để xây dựng lại nhà thờ này. Việc đó dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ của họ. Cuối cùng, ngài đối mặt với cha mình trước mặt giám mục và người dân thị trấn, và khước từ toàn bộ tài sản thừa kế của mình. Sau đó, ngài bắt đầu công việc xây dựng lại nhà thờ San Damiano, tiếp theo là hai nhà thờ khác trong thung lũng. Thập giá ban đầu nói chuyện với Thánh Phanxicô hiện ở trong Vương cung Thánh đường Thánh Clare ở Assisi, trong khi ở đây tại San Damiano có một bản sao. Sau đó, Thánh Bônaventura viết rằng thập giá đã được đóng dấu thiêng liêng vào linh hồn của Thánh Phanxicô ở San Damiano về sau tự tỏ lộ ra bên ngoài trên thân thể của ngài ở Laverna.

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Khung cảnh đi bộ từ Assisi xuống San Damiano là một trong những cảnh đẹp nhất trong vùng.
© Photo courtesy of Bret Thoman

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Bên trong thánh đường San Damiano nhỏ này, Chúa Kitô nói Thánh Phanxicô xây dựng lại Giáo hội qua khổ giá.
© Photo courtesy of Bret Thoman

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Khổ giá ban đầu của San Damiano được bảo tồn trong Vương cung Thánh đường Thánh Clare ở Assisi.
© José Luiz Bernardes Ribeiro | CC BY-SA 4.0

Từ San Damiano, rẽ trái trên con đường trải nhựa và đi theo cầu thang bên phải theo các biển chỉ dẫn đến San Masseo. Trong 15 phút, bạn sẽ đến khu đất vườn được cắt tỉa rất công phu của Tu viện San Masseo. Thánh Phanxicô đã đến đây để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Từ thế kỷ Mười Một, San Masseo là một tu viện Dòng Biển Đức. Năm 2010, một nhóm các tu sĩ từ cộng đoàn Biển Đức đại kết ở Bose đã tái thiết lập một cộng đoàn chiêm niệm ở đây.

Rời San Masseo tiếp tục đi về phía thung lũng. Băng qua Via Francesca và bắt đầu một chuyến đi bộ thơ mộng trong vùng đồng bằng trên Via San Rufino d’Arce bên dưới Assisi. Ở cuối con đường, đối diện với nghĩa trang, là một tu viện có hàng rào bao quanh, tu viện Suore Missionare della Susa. Trong khuôn viên là Nhà thờ San Rufino d’Arce. Đây là một phần của Nhà thương ArceLeper của Assisi. Nhà thờ Santa Maria Maddalena gần đó, cách 100m, cũng là một phần của khu phức hợp.

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Trong khu phức hợp Benedictine của San Masseo gần Assisi là một cộng đoàn các tu sĩ.
© Photo courtesy of Bret Thoman

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Nhà thờ Santa Maria Maddalena nằm ở trung tâm của một trại phong, hay nhà thương phong, vào thời Trung Cổ.
© Photo courtesy of Bret Thoman

Tại đây, trong vùng ngoại vi của Arce, một biến cố xảy ra đã làm thay đổi Thánh Phanxicô mãi mãi, đánh dấu một phần quan trọng trong sự hoán cải của ngài. Ngài ôm một người bệnh phong. Về sau, ngài viết trong Chúc thư của ngài trước khi chết: “Khi tôi đang ở trong tội lỗi, dường như rất cay đắng cho tôi khi nhìn thấy những người bệnh phong. Và chính Chúa đã dẫn dắt tôi đến giữa họ và tôi đã thương xót họ. Và khi tôi rời bỏ họ, thì điều dường như cay đắng đối với tôi đã được biến thành sự ngọt ngào của linh hồn và thân xác; và sau đó, tôi nấn ná lại một chút và rời bỏ thế gian.”

Cuộc gặp gỡ với người phong có sức mạnh rất lớn đối với Phanxicô vì trước khi hoán cải, Phanxicô ghét đến gần những người bệnh phong. Tuy nhiên, mối tương quan của ngài với Chúa Kitô đã biến đổi ngài và khiến ngài cảm thấy niềm vui khi được ôm lấy và phục vụ những người bệnh phong.

Bây giờ đi bộ về hướng nam với thành phố Assisi và Núi Subasio nằm ở mé bên trái. Trong khoảng 20 phút, vừa qua Nghĩa trang British War (Chiến tranh Anh) là Vương cung thánh đường Rivotorto theo phong cách tân gothic. Bên trong là hai căn phòng hầm nơi Thánh Phanxicô và các tu huynh đầu tiên sống cùng nhau trong những ngày đầu. Thánh Phanxicô và những tu huynh tiên khởi sống ở đây trong cảnh nghèo khó, ăn củ cải dại và làm những công việc lặt vặt để bố thí. Họ ngủ trong túp lều bên phải, cầu nguyện một cách tự nhiên trong không gian giữa các túp lều, và nấu ăn trong túp lều bên trái. Từ đây, họ đi bộ đến các nhà thương gần đó để phục vụ những người phong cùi. Cha Murray Bodo, OFM, trong quyển sách The Journey and the Dream (tạm dịch: Hành trình và Mơ ước) kinh điển của mình, đã mô tả trải nghiệm của Thánh Phanxicô và những người anh em đầu tiên ở Rivotorto như là “tuần trăng mật” của cuộc đời họ trong những năm đầu tiên. Họ cảm nhận một tiếng gọi đặc biệt đối với sự nghèo khó và đơn sơ, nhưng tràn đầy niềm vui. Từ Rivotorto, Thánh Phanxicô lên đường đến Roma vào năm 1209 cùng với 12 anh em đầu tiên của mình, để tìm sự chuẩn nhận cho cách sống của họ từ Đức Giáo hoàng Innocent III.

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Trong Vương cung thánh đường Rivotorto là hai căn phòng hầm nơi Thánh Phanxicô sống với những tu huynh đầu tiên.
© Buffy1982 | Shutterstock

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Tái xây dựng những căn phòng hầm nơi Thánh Phanxicô sống cùng với những anh em đầu tiên.
© Photo courtesy of Bret Thoman

Bây giờ rời khỏi Rivotorto để đến một thánh đường khác mà Thánh Phanxicô đã xây dựng lại. Đi về phía nam theo hướng trung tâm Rivotorto, rẽ phải theo đường dành cho xe đạp Spoleto-Assisi. Tiếp tục đi theo đường này một đoạn cho đến khi bạn đến một trung tâm cưỡi ngựa. Ở phía sau bất động sản này là một số tòa nhà đổ nát. Tòa nhà xa nhất có tháp chuông là nhà thờ cổ San Pietro della Spina. Đây là một trong ba nhà thờ Thánh Phanxicô đã xây dựng lại trong thời gian đầu hoán cải. Nó một lần nữa rơi vào cảnh đổ nát và là một phần của tài sản tư nhân.

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Ra khỏi con đường đất nện là nhà thờ San Pietro of Spina đổ nát, một trong ba nhà thờ Thánh Phanxicô đã xây dựng lại. Ngày nay nó thuộc sở hữu tư nhân và kể từ đó lại rơi vào cảnh hoang tàn.
© Photo courtesy of Bret Thoman

Bây giờ quay trở lại các nhà thờ cho người phong và đi theo đường ray xe lửa đến thị trấn St. Mary of the Angels. Tại cửa hàng McDonald’s, rẽ trái và đi bộ trên vỉa hè lát gạch đỏ nhộn nhịp cho đến khi bạn đến Vương cung Thánh đường Thánh Mary các Thiên thần. Vương cung Thánh đường lớn bao quanh nhà nguyện nhỏ cũng được gọi là Portiuncula (một chữ tiếng Ý cổ có nghĩa là “Phần đất nhỏ”). Thánh Phanxicô yêu quý ngôi nhà thờ này hơn tất cả những nơi khác. Thánh Phanxicô yêu quý nhà thờ này vì lòng sùng kính Đức Mẹ của ngài. Theo tu sĩ Thomas of Celano là người viết tiểu sử đầu tiên của ngài: “Ngài tràn đầy một tình yêu không thể diễn tả được đối với Thân Mẫu của Chúa Giêsu, bởi vì chính Mẹ là người đã làm cho Đức Chúa trở thành người anh của ngài.” Thánh Phanxicô đã viết rằng việc tôn vinh Đức Trinh Nữ Diễm phúc là điều đúng đắn, vì Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng rất thánh của Mẹ. Thánh Phanxicô qua đời tại đây, ngày 3 tháng Mười năm 1226. Vị trí này cũng được đánh dấu bằng một nhà nguyện. Mỗi năm, lễ Transitus của Thánh Phanxicô được tổ chức tại đây, tưởng nhớ việc ngài bước vào cuộc sống đời sau.

Chuyến hành hương theo bước chân Thánh Phanxicô ở Thung lũng Spoleto

Vương cung thánh đường Thánh Mary of the Angels là nhà mẹ của Dòng Phan Sinh OFM kể từ khi Thánh Phanxicô sống và qua đời ở đây vào đầu thế kỷ 13.
© Kimahri88 | CC BY-SA 4.0


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/2/2021]


Đức Thánh Cha nói chuyện với Hội nghị LA: Trong những cơn khủng hoảng, tâm hồn con người được bộc lộ

Đức Thánh Cha nói chuyện với Hội nghị LA: Trong những cơn khủng hoảng, tâm hồn con người được bộc lộ

Đức Thánh Cha nói chuyện với Hội nghị LA: Trong những cơn khủng hoảng, tâm hồn con người được bộc lộ

Grzegorz Gałązka/EAST NEWS

Kathleen N. Hattrup

19/02/21

Đức Thánh Cha nói cùng nhau ước mơ là điều vô cùng quan trọng, và cùng nhìn về phía trước.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói chuyện với các tham dự viên trong một hội nghị về giáo dục ở Los Angeles, thúc giục các bạn trẻ “hãy trở thành những thi sĩ của một vẻ đẹp mới của con người, một vẻ đẹp của tình huynh đệ và thân thiện mới!”

Trong một thông điệp video gửi tới Đại hội về Giáo dục Tôn giáo với chủ đề “Hãy công bố Lời hứa!”, Đức Thánh Cha nói về cuộc khủng hoảng của đại dịch. Ngài ghi nhận biết bao nhiêu chứng tá về lòng quảng đại mà chúng ta đã nhìn thấy giữa những thử thách. Ngài cũng nhắc lại một chủ đề chính trong thông điệp của ngài khi ban phép lành “urbi et orbi” ngoại thường lúc bắt đầu đại dịch: đó là “bạn không bao giờ thoát khỏi một cuộc khủng hoảng mà trở về như trước, hoặc bạn trở nên tốt hơn hoặc tệ hơn, nhưng bạn không bao giờ thoát khỏi nó mà trở về như cũ.”

Trong những khủng hoảng, tâm hồn con người được bộc lộ: sự kiên vững, lòng nhân từ, sự vĩ đại, sự nghèo nàn. Khủng hoảng khiến chúng ta phải lựa chọn và cam kết bản thân theo một con đường.

Dưới đây là bản dịch toàn văn thông điệp video (tiếng Anh) của Vatican:

*****

Anh chị em thân mến,

Xin gửi lời chúc thân ái hậu đến tất cả các tham dự viên trong Hội nghị về Giáo dục Tôn giáo được Tổng Giáo phận Los Angeles tài trợ, để kỷ niệm năm thứ 65 của mình và kỷ niệm 50 năm “Ngày Giới trẻ.” Chúc mừng những sáng kiến này đã thực hiện một hành trình dài và đầy hiệu quả, và hiện đang diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Rõ ràng là chúng ta đang trong một thời gian khó khăn đối với tất cả mọi người, và nó là thời gian khủng hoảng. Trong bối cảnh này, lời kêu gọi của hội nghị thật vô cùng phù hợp: “Hãy công bố lời hứa! Chúng ta cần phải công bố và ghi nhớ rằng chúng ta có lời hứa của Thiên Chúa, và Thiên Chúa luôn luôn giữ lời hứa của Người (xem 1 Cr 1:9-11). Chúng ta cũng phải nhớ rằng “mọi con người nam nữ, và mọi thế hệ, đều mang triển vọng về những năng lực tương quan, tri thức, văn hóa và tâm linh mới mẻ” (Tông huấn Fratelli tutti, 196).

Đại dịch đã đánh dấu cuộc sống của con người và lịch sử của cộng đồng chúng ta. Đối mặt với tình huống này và những tình huống khác, cần phải xây dựng ngày mai, cần phải nhìn về tương lai, và để làm được như vậy, cần phải có sự nỗ lực, sức mạnh và sự cống hiến của mọi người. Chúng ta cần hành động theo phong cách của người Samari, đó là việc hãy cho phép bản thân bị tác động bởi những gì chúng ta nhìn thấy, biết rằng đau khổ sẽ thay đổi chúng ta, và chúng ta phải can dự vào sự đau khổ của người khác. Chứng tá của tình yêu quảng đại và nhưng không mà chúng ta đã chứng kiến ​​trong suốt những tháng này, biết bao nhiêu chứng tá, đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trên lương tâm và cả trên cơ cấu xã hội, dạy chúng ta biết bao nhiêu sự gần gũi, quan tâm, đồng hành và hy sinh là cần thiết để nuôi dưỡng tình anh em. Chúng là sự công bố và thực hiện lời hứa của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ một nguyên tắc chung: anh không bao giờ thoát khỏi một cuộc khủng hoảng mà trở về như trước, hoặc anh trở nên tốt hơn hoặc tệ hơn, nhưng anh không bao giờ thoát khỏi nó mà trở về như cũ. Trong những khủng hoảng, tâm hồn con người được bộc lộ: sự kiên vững, lòng nhân từ, sự vĩ đại, sự đơn sơ. Khủng hoảng khiến chúng ta phải lựa chọn và cam kết bản thân theo một con đường.

“Trong thời đại này của chúng ta, bằng cách nhìn nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần phục sinh một cảm hứng phổ quát về tình huynh đệ … Chúng ta cần một cộng đoàn nâng đỡ và trợ giúp mình, trong đó chúng ta có thể giúp nhau hướng nhìn về phía trước. Thật quan trọng biết bao việc biết cùng mơ ước với nhau,” và cùng nhìn về phía trước! (Tông huấn Fratelli tutti, 8).

Cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ. Cha mời gọi các con hãy hy vọng, đó là điều “nói với chúng ta về một cái gì đó cắm rễ sâu trong mọi trái tim con người, dù hoàn cảnh và điều kiện lịch sử của chúng ta thế nào đi nữa” (Tông huấn Fratelli tutti, 55). Hỡi các bạn trẻ, hãy trở thành những thi sĩ của một vẻ đẹp mới của con người, một vẻ đẹp của tình huynh đệ và thân thiện mới!

Và chúng ta hãy ghi nhớ thực tại này nữa: “Các giấc mơ … được kiến tạo cùng với nhau. Chúng ta hãy mơ ước, trong tư cách là một gia đình nhân loại duy nhất, như những bạn đồng hành chia sẻ cùng một cốt nhục, như những đứa con của cùng mẹ trái đất là ngôi nhà chung của mình, mỗi người chúng ta đóng góp bằng sự phong phú của những niềm tin tưởng và xác tín của mình, mỗi chúng ta với tiếng nói của mình, tất cả đều là anh chị em” (Tông huấn Fratelli tutti, 8).

Cha phó thác anh chị em cho sự dịu dàng của Mẹ Maria, Mẹ của Giáo hội, và ban phép lành cho anh chị em. Xin cảm ơn các vị thừa tác viên và các thầy cô giáo về những gì anh chị em làm và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/2/2021]


Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Từ Đức Piô XI đến Đức Giáo hoàng Phanxicô: Lịch sử các buổi Linh thao tại Vatican

Từ Đức Piô XI đến Đức Giáo hoàng Phanxicô: Lịch sử các buổi Linh thao tại Vatican

Từ Đức Piô XI đến Đức Giáo hoàng Phanxicô: Lịch sử các buổi Linh thao tại Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô tĩnh tâm với Giáo triều Roma tại Casa Divin Maestro ở Ariccia, Ý, 4 tháng Ba, 2017. Credit: Vatican Media.

Courtney Mares

Vatican City, 22 tháng Hai, 2021 / 07:00 am MT (CNA). - Trong gần 100 năm, các đức giáo hoàng đã dành thời gian cho một kỳ tĩnh tâm hàng năm và suy niệm trong các buổi linh thao.

Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Roma đã bắt đầu Chúa nhật tĩnh tâm Mùa Chay kéo dài một tuần, nhưng lần đầu tiên kể từ sau Công đồng Vatican II, do đại dịch coronavirus, lần tĩnh tâm này không diễn ra như một thời gian cầu nguyện chung.

Thay vào đó, năm nay đức giáo hoàng yêu cầu các thành viên của Giáo triều Roma tự sắp xếp cho mình một cuộc tĩnh tâm Mùa Chay riêng từ ngày 21 đến 26 tháng Hai. Tất cả các sự kiện của Giáo hoàng, kể cả buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư, đều tạm ngưng trong tuần này.

Đức Giáo Hoàng Piô XI bắt đầu thực hành tuần linh thao hàng năm tại Vatican, mời các linh mục Dòng Tên hướng dẫn linh thao của thánh Inhaxiô cho chính ngài và Giáo triều vào năm 1925. Đức Piô XI là một người rất ngưỡng mộ Thánh Inhaxiô thành Loyola, người sáng lập Dòng Tên, công bố thánh nhân là bổn mạng của tuần linh thao vào năm 1922.

Trong thông điệp “Mens nostra” thúc đẩy việc thực hành các bài linh thao, Đức Piô XI đã chính thức thiết lập tuần tĩnh tâm của Vatican như một thông lệ hàng năm vào năm 1929.

Ngài viết: “Từ lâu, Tòa thánh, thường khen ngợi các bài linh thao bằng lời nói, đã dạy các tín hữu bằng chính gương sáng và quyền bính của mình, biến đền thờ Vatican uy nghi thành Phòng Tiệc ly để suy niệm và cầu nguyện; thói quen mà chúng tôi đã sẵn lòng đón nhận, với niềm vui và sự an ủi lớn lao cho chính chúng tôi.”

“Và để chúng tôi có thể duy trì niềm vui và sự an ủi này, cho chính bản thân chúng tôi và những người gần gũi với chúng tôi, chúng tôi đã có những sắp xếp để tổ chức các buổi linh thao hàng năm tại Vatican.”

Lúc đầu, các buổi linh thao tại Vatican diễn ra trong tuần lễ đầu tiên của Mùa Vọng. Trong số các tu sĩ Dòng Tên đã giảng linh thao của Thánh Inhaxiô tại Vatican có Cha Paolo Dezza, người đã hướng dẫn suy niệm vào năm 1942 cho Đức Giáo hoàng Piô XII. Cha Dezza sau này trở thành cha giải tội của Thánh Phaolô VI.

Trong khi các tu sĩ Dòng Tên thường hướng dẫn các buổi linh thao thường niên của giáo hoàng trong suốt 30 năm, thì Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã mời các giáo sĩ khác của Ý, bao gồm một linh mục quản xứ và một giám mục, hướng dẫn các bài suy niệm cho giáo triều. Ngài cũng tạm hoãn tất cả các buổi thực hành vào năm 1963 do các cuộc họp của Công đồng Vatican II.

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã chuyển các buổi suy niệm thường niên từ Mùa Vọng sang Mùa Chay và là người đầu tiên chọn những vị không phải là người Ý để giảng các bài suy niệm. Ngài đặc biệt mời một vị hồng y trẻ từ Ba Lan đến để hướng dẫn tuần tĩnh tâm Mùa Chay: Đức Hồng y Karol Wojtyła, người đã giảng vào năm 1976 về “Chúa Kitô, dấu hiệu cho người đời chống báng” hai năm trước khi được bầu làm giáo hoàng.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mời Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, là Đức Giáo hoàng Benedict XVI tương lai, đến giảng tuần tĩnh tâm vào năm 1983 và năm 2000 là Đức ông François-Xavier Nguyễn Văn Thuận thuyết giảng một năm trước khi ngài được phong làm Hồng y.

Đức Benedict XVI đã mời các hồng y từ Châu Phi đến giảng các bài linh thao, trong đó có Đức Hồng y Francis Arinze và Đức Hồng y Laurent Monsengwo Pasinya.

Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên chuyển tuần tĩnh tâm từ Vatican đến một nhà tĩnh tâm ngoài Roma. Trong bảy năm qua, tuần tĩnh tâm đã diễn ra trong nhà tĩnh tâm ở thị trấn Ariccia thuộc khu đồi Alban Hills, phía đông nam của Roma, tuy nhiên đức giáo hoàng đã không thể tham dự vào năm 2020 do bị cảm lạnh.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham gia tuần tĩnh tâm Mùa Chay “từ nhà”, tham dự các buổi linh thao và suy tư từ nhà ở của ngài tại Casa Santa Marta.

Theo linh mục Pauline, người điều hành trung tâm tĩnh tâm Casa Divin Maestro, nơi đã diễn ra tuần tĩnh tâm của giáo hoàng từ năm 2014, một ngày thông thường trong tuần tĩnh tâm bắt đầu bằng Thánh lễ. Sau bữa sáng, các giám mục và hồng y nghe bài suy niệm đầu tiên trong nhà nguyện.

Bài suy niệm thứ hai diễn ra sau bữa trưa, Cha Olinto Crespi cho CNA biết vào năm 2017. Thời gian khác dành cho việc cầu nguyện. Nhà tĩnh tâm cũng cung cấp truy cập internet, vì vậy những vị đứng đầu các bộ cần phải trả lời email hoặc làm một số công việc trong tuần có thể thực hiện được.

Vì không có người giảng cho các buổi tĩnh tâm riêng của Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho mỗi thành viên của Giáo triều Roma một quyển sách để kèm vào các bài đọc thiêng liêng của họ.

Cuốn sách được viết bởi một tu sĩ Dòng Xitô giấu tên vào thế kỷ 17 và có tựa đề “Abbi a cuore il Signore”, có nghĩa là “Hãy giữ Chúa trong trái tim bạn.” Ban đầu quyển sách được viết để giúp cho các tu sĩ trong tu viện San Bartolo của Ý để phát triển đời sống thiêng liêng của họ.

Trong văn bản, “Master of San Bartolo” viết: “Thiên Chúa sẽ gặp gỡ bạn tại nơi mà nhân tính của bạn đã đi xuống tận cùng các bước của sự yếu đuối và bạn tiến đến nhận thức về giới hạn của mình. Nếu bản thân bạn không chọn con đường hạ mình xuống, cuộc sống sẽ đưa bạn đến nơi bạn không muốn, vì như Chúa dạy, chỉ những ai sống sự yếu đuối của mình với lòng khiêm nhường mới được tôn vinh.”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/2/2021]


Đức Thánh Cha chào ban giám đốc và các cầu thủ của đội bóng đá Sampdoria

Đức Thánh Cha chào ban giám đốc và các cầu thủ của đội bóng đá Sampdoria

Đức Thánh Cha chào ban giám đốc và các cầu thủ của đội bóng đá Sampdoria


Khán phòng Clementine

Thứ Sáu, 19 tháng Hai 2021



Đức Thánh Cha chào ban giám đốc và các cầu thủ của đội bóng đá Sampdoria 


Bài phát biểu ứng khẩu của Đức Thánh Cha

Cảm ơn anh chị em đến thăm!

Tôi không chuẩn bị bài phát biểu. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi rất vui, và nói với anh chị em rằng thể thao, và cả bóng đá, là một con đường của cuộc sống, của sự trưởng thành, và của sự thánh thiện. Anh em cứ tiến tới; nhưng phải luôn luôn là một đội luôn luôn là một đội, điều này là quan trọng.

Tôi muốn nhấn mạnh đến hai điểm, và đây là điểm thứ nhất: là một đội, anh em làm mọi việc như là một đội. Những chiến thắng đẹp nhất là những chiến thắng mà anh em đạt được với tư cách là một đội. Ở quê tôi, nếu một cầu thủ chỉ chơi bóng một mình, chúng tôi nói “anh ta ăn bóng”: anh ta lấy bóng cho mình và không nhìn người khác. Không. Luôn luôn là một đội

Điều thứ hai: đừng đánh mất tinh thần nghiệp dư, nghĩa là thể thao nghiệp dư, thể thao được sinh ra chính từ ơn gọi để thực hiện nó. Những ích lợi khác là thứ yếu, nhưng điều quan trọng chính là nó phải duy trì tính nghiệp dư trong tinh thần.

Tôi chúc điều này cho tất cả anh em. Tôi sẽ cầu nguyện cho anh chị em, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Và giờ đây tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/2/2021]


Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận sự từ nhiệm của Đức Hồng y Robert Sarah khỏi Bộ Phụng tự

Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận sự từ nhiệm của Đức Hồng y Robert Sarah ở Bộ Phụng tự

Đức Hồng y Sarah nói trong một câu Tweet ngày 20 tháng Hai rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận sự từ nhiệm của ngài sau sinh nhật thứ 75.

Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận sự từ nhiệm của Đức Hồng y Robert Sarah khỏi Bộ Phụng tự


Đức Hồng y Robert Sarah (photo: François-Régis Salefran / Wikimedia Commons)

Hannah Brockhaus/CNA

20 tháng Hai, 2021


VATICAN CITY — Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Bảy đã chấp nhận sự từ nhiệm của Đức Hồng Y Robert Sarah khỏi vị trí tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.

Đức Hồng y Sarah, bước sang tuổi 75 vào tháng 6 năm 2020, là giám chức người Phi cao cấp nhất tại Vatican, được Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phụng vụ vào tháng Mười Một năm 2014.

Trước đây ngài từng phục vụ ở vị trí chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum và là thư ký của Thánh bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc.

Vị hồng y người Guinea đã viết một bộ ba quyển sách được đọc rộng rãi trên khắp thế giới Công giáo: God or Nothing (2015), The Power of Silence (2016) và The Day Is Now Far Spent (2019).

Đức Hồng y Sarah cho biết trong một câu Tweet hôm 20 tháng Hai rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chấp nhận sự từ nhiệm của ngài sau sinh nhật lần thứ 75.

Ngài viết trên Twitter, “Tôi ở trong tay Chúa. Tảng đá duy nhất là Chúa Kitô. Chúng tôi sẽ sớm gặp nhau ở Roma và những nơi khác.”

Aujourd’hui, le pape a accepté la renonciation de ma charge de Préfet de la Congrégation pour le Culte Divin après mon soixante-quinzième anniversaire. Je suis entre les mains de Dieu. Le seul roc, c’est le Christ. Nous nous retrouverons très vite à Rome et ailleurs. +RS pic.twitter.com/4sTLa4JjWB

— Cardinal R. Sarah (@Card_R_Sarah) February 20, 2021

Trong nhiệm kỳ của ngài tại Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Đức Hồng y Sarah đã tạo được tiếng tăm với những bình luận thẳng thắn về Giáo hội và thế giới.

Vào năm 2016, ngài khuyến khích các linh mục cử hành Thánh lễ quay mặt về hướng đông, khiến một phát ngôn nhân của Vatican nói rằng những lời của ngài đã bị “hiểu sai”.

Trong Thượng hội đồng đầu tiên về Gia đình vào năm 2014, Đức Hồng y Sarah đã phản đối những điều mà ngài cho là các nỗ lực của giới truyền thông “thúc đẩy Giáo hội [thay đổi] giáo lý của mình” về sự kết hợp đồng tính luyến ái.

Tại thượng hội đồng gia đình năm 2015, ngài nói về những đe dọa đối với thể chế hôn nhân và gia đình khi tuyên bố rằng “chủ nghĩa phát xít Đức quốc xã và chủ nghĩa cộng sản như thế nào trong thế kỷ 20, thì tư tưởng đồng tính luyến ái và phá thai của phương Tây và chủ nghĩa cuồng tín Hồi giáo ngày nay như vậy.”

Đức Hồng y Sarah cũng là trung tâm của cuộc tranh cãi về việc trình bày quyển sách From the Depths of Our Hearts (tạm dịch: Từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta), là tác phẩm đồng tác giả của ngài và Đức Giáo hoàng hưu trí Benedict XVI vào tháng Một năm 2020.

Quyển sách, có phụ đề là “Chức linh mục, luật độc thân và cuộc khủng hoảng của Giáo hội Công giáo”, gây ra những tuyên bố mâu thuẫn về mức độ tham gia của Đức Giáo hoàng hưu trí trong dự án.

Đức Hồng y Sarah đã bảo vệ mình trong các tuyên bố trên Twitter, nói rằng ngày 17 tháng Một năm 2020 ngài đã gặp Đức Benedict và “không có sự hiểu lầm nào giữa chúng tôi.”

Cuốn sách bao gồm một chương của Đức Giáo hoàng Benedict, một chương ghi của ngài Sarah, và phần mở đầu và kết luận, được cho là do hai người cùng thực hiện.

Đức Hồng y Sarah đã được xem như là papabile, hoặc là một ứng viên cho chức giáo hoàng, trong mật nghị năm 2013 bầu Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Sinh năm 1945 tại Guinea thuộc Pháp, ngài Sarah thụ phong linh mục năm 1969 cho Giáo phận Conakry, sau thời gian tu học tại Bờ Biển Ngà, Guinea, Pháp, Senegal, Roma và Giêrusalem.

Ngài Sarah được bổ nhiệm làm tổng giám mục Conakry năm 1979, ở tuổi 34, ngài giữ vị trí ở đó cho đến năm 2001, kể cả trong thời kỳ độc tài của Ahmed Sékou Touré.

Đức Hồng y Sarah đã được ca ngợi vì đã chống lại chế độ độc tài Mác xít của Sékou Touré, và vì đã duy trì sự hiệp nhất của Giáo hội như một thể chế độc lập khi các giáo sĩ và giáo dân Công giáo bị đàn áp.

Năm 2001, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đưa Đức Hồng y Sarah đến Vatican khi bổ nhiệm ngài làm thư ký của Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc.

Ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum vào tháng Mười năm 2010, và một tháng sau, ngài được nâng lên bậc hồng y.

Đức Hồng y Sarah được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Phụng tự năm 2014.

Trong đại dịch coronavirus vào tháng Tư năm 2020, Đức Hồng Y Sarah cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Valeurs actuelles của Pháp rằng không được từ chối việc hỗ trợ bí tích của một linh mục cho các bệnh nhân và người hấp hối.

Ngài nói: “Các linh mục phải làm mọi cách để duy trì sự gần gũi với các tín hữu. Họ phải làm mọi điều trong khả năng của mình để hỗ trợ những người hấp hối, mà không làm phức tạp thêm nhiệm vụ của những người chăm sóc và chính quyền dân sự”.

Ngài nói tiếp, “Nhưng không ai có quyền tước đi sự trợ giúp thiêng liêng của một linh mục cho người bệnh hay người hấp hối. Đó là một quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm”.

Vào tháng Năm năm ngoái, Đức Hồng y Sarah khẳng định rằng ngài đã bị nhầm lẫn với tư cách là người ký tên trong một bức thư ngỏ gây tranh cãi khi cho rằng các sức mạnh có thể khai thác đại dịch để mở ra một chính phủ một thế giới.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/2/2021]


Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, được Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, ký nhân dịp hội nghị trực tuyến được FAO tổ chức cho “Ngày Thế giới các loại đậu hạt”

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, được Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, ký nhân dịp hội nghị trực tuyến được FAO tổ chức cho “Ngày Thế giới các loại đậu hạt”

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp hội nghị trực tuyến được FAO tổ chức cho “Ngày Thế giới các loại đậu hạt”, được ký bởi Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh


Thưa ông Tổng Giám đốc FAO,

Thưa các vị chức trách đáng kính và các vị đại diện ngoại giao,

Thưa quý ông quý bà,

Tôi hân hạnh có cơ hội tham dự sự kiện này để kỷ niệm một ngày nữa là Ngày Thế giới các loại Đậu hạt. Sáng kiến này cũng nhằm làm nổi bật vai trò quan trọng của người phụ nữ nông thôn trong việc sản xuất và phân phối lương thực thông qua các cơ chế hợp tác, về cơ bản, họ tìm thấy lý trí và sức mạnh của mình trong tình yêu thương người khác và trong việc cùng nhau làm việc.

Các loại đậu hạt là thực phẩm tốt lành có tiềm năng to lớn trong việc củng cố an ninh lương thực trên toàn thế giới. Chúng không phải là những thành phần đầy kiêu hãnh và không hàm ý sang trọng, nhưng chúng là một thành phần thiết yếu của chế độ ăn uống lành mạnh. Chúng là những thực phẩm đơn giản và bổ dưỡng vượt qua các rào cản địa lý, nguồn gốc xã hội và văn hóa. Đậu lăng, đậu hạt, đậu ăn trái, hoặc đậu gà (chickpea) có thể được tìm thấy trên bàn ăn của nhiều gia đình, vì chúng đáp ứng nhiều nhu cầu về protein trong khẩu phần ăn hàng ngày của chúng ta.

Tôi muốn nhắc quý vị rằng chữ legumes (họ đậu) xuất phát từ từ tiếng Latinh là legumen, và dùng để chỉ các loại rau đậu, được thu hoạch không phải bằng cách cắt xén mà bằng cách nhổ bằng tay. Một cách tự nhiên điều này gợi lên những bàn tay bị chai sần do tiếp xúc với đất và khí hậu khó chịu lâu giờ, mà những người lao động ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ, đã và đang tiếp tục thực hiện.

Thật đáng buồn, như các số liệu thống kê cho thấy, vẫn còn nhiều người, gồm cả trẻ em, không được tiếp cận với các nguồn tài nguyên cơ bản nhất và thiếu thức ăn lành mạnh và đủ chất. Cái đói vẫn tiếp tục tấn công với tai họa chết người của nó ở nhiều khu vực trên thế giới, tình hình đó trở nên trầm trọng hơn bởi sự khủng hoảng sức khỏe mà chúng ta đang trải qua. Bây giờ điều cấp thiết là phải cày cấy mặt đất mà không tàn phá nó, để chúng ta có thể chia sẻ hoa trái của nó không chỉ giữa chúng ta mà còn cho các thế hệ đến sau chúng ta.

Đặc biệt, những người phụ nữ nông thôn và phụ nữ bản địa có nhiều điều để dạy chúng ta về những nỗ lực và sự hy sinh giúp chúng ta xây dựng cấu trúc bảo đảm việc tiếp cận với thực phẩm, song song và không lệ thuộc vào người khác, phân phối công bằng sản phẩm và khả năng cho mọi người được thực hiện khát vọng của họ.

Một chế độ ăn uống lành mạnh phải là quyền phổ quát. Do đó, vai trò căn bản của các Chính phủ là phải biến điều này trở thành hiện thực, cũng như khuyến khích các chính sách giáo dục cộng đồng thúc đẩy việc kết hợp các loại thực phẩm bổ dưỡng phù hợp với từng tình huống cụ thể, và những nơi mà các loại đậu chắc chắn là một phần của chế độ ăn cùng với các loại thực phẩm khác bổ sung cho chúng.

Chúng ta cùng nhau bước đi trong hy vọng. Chúng ta hãy noi gương những việc làm cao đẹp của người phụ nữ nông thôn không từ bỏ sứ mệnh của họ để nuôi dưỡng con cái của họ và con cái của những gia đình khác. Chúng ta hãy thực hiện đúng giá trị cam kết trở thành một phần của ngôi nhà chung là nơi có không gian cho tất cả mọi người, không loại bỏ bất kỳ ai. Chúng ta hãy nuôi dưỡng mọi người theo cách lành mạnh, để mọi người đều có cơ hội như nhau và chúng ta có thể xây dựng một thế giới hòa nhập và công bằng.

Văn hào Jorge Luis Borges người Argentina đã từng nói rằng “mọi người phải nghĩ rằng [...] tất cả những gì xảy ra với họ, thậm chí cả sự sỉ nhục, xấu hổ, bất hạnh, tất cả những gì đã được trao cho họ giống như miếng đất sét, như là nguyên liệu cho nghệ thuật của họ; họ phải tận dụng tối đa nó [...] Những thứ này đã được trao cho chúng ta để chúng ta có thể chuyển hóa chúng, để chúng ta có thể tận dụng được những hoàn cảnh khốn khó của cuộc đời mình, những điều thuộc vĩnh cửu hoặc những điều khao khát được trường tồn” (“La ceguera”, trong Siete noches, trích từ: Obras Completas III. 1975-1985, Buenos Aires, EMECÉ, 1997, trang 285). Vì vậy, tôi mời gọi quý vị hãy phát triển nghệ thuật của chúng ta, trở nên mạnh mẽ và kiên cường như những cây thuộc họ đậu và đoàn kết để dứt khoát chấm dứt nạn đói.

Tổng Giám mục Paul R. Gallagher

Ngoại Trưởng


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/2/2021]


Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 21 tháng Hai, 2021



Anh chị em thân mến, buongiorno!

Thứ Tư vừa qua, với nghi thức xức tro, chúng ta đã bắt đầu hành trình Mùa Chay của mình. Hôm nay, Chúa nhật đầu tiên của mùa phụng vụ này, Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường để sống hiệu quả trong bốn mươi ngày dẫn đến Lễ Phục sinh hàng năm. Đó là con đường Chúa Giêsu đã đi, mà Phúc Âm, với phong cách riêng của Thánh Máccô, tóm lược bằng cách kể rằng trước khi bắt đầu rao giảng, Ngài lui vào sa mạc trong bốn mươi ngày, nơi Ngài bị Satan cám dỗ (xem 1: 12-15). Thánh sử nhấn mạnh rằng “Thần Khí liền đẩy người vào hoang địa” (câu 12). Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài ngay sau khi Ngài lãnh nhận phép Rửa của Gioan ở sông Giođan; cùng một Thần Khí đó giờ đây thúc giục Ngài đi vào sa mạc, đối mặt với Kẻ Cám dỗ, chiến đấu với ma quỷ. Toàn bộ đời sống của Chúa Giêsu được đặt dưới dấu chỉ của Thần Khí của Chúa, Đấng làm sống động, truyền cảm hứng và hướng dẫn Ngài.

Nhưng chúng ta hãy nghĩ về sa mạc. Chúng ta hãy dừng một lát trên môi trường tự nhiên và có tính tượng trưng này, rất quan trọng trong Kinh Thánh. Sa mạc là nơi Chúa nói với tâm hồn con người, và là nơi lời cầu nguyện là câu trả lời, nghĩa là sa mạc của sự cô độc, tâm hồn tách rời khỏi những thứ khác, và chỉ trong tình trạng như vậy thì sự cô độc mở lòng ra với Lời Chúa. Nhưng nó cũng là nơi của thử thách và cám dỗ, nơi Kẻ Cám dỗ, lợi dụng sự mỏng giòn và thiếu thốn của con người, lén lút lồng ghép tiếng nói dối trá của hắn vào, như là một sự thay thế cho tiếng nói của Chúa, một tiếng nói thay thế khiến anh chị em nhìn thấy một con đường khác, một con đường lừa bịp khác. Kẻ Cám dỗ quyến rũ. Thật vậy, trong suốt bốn mươi ngày Chúa Giêsu trải qua trong sa mạc, “trận đấu tay đôi” giữa Chúa Giêsu và quỷ bắt đầu, và nó kết thúc bằng cuộc Thương khó trên Thập giá. Toàn bộ sứ vụ của Chúa Kitô là một trận chiến chống lại Ác Thần qua nhiều cách thể hiện: chữa lành bệnh tật, giải phóng những người bị quỷ ám, tha thứ tội. Nó là một cuộc chiến đấu. Sau giai đoạn đầu tiên trong đó Chúa Giêsu cho thấy rằng Ngài nói và hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, dường như quỷ nắm tay trên, khi Con Thiên Chúa bị chối bỏ, bị bỏ rơi và cuối cùng bị bắt và bị kết án tử. Có vẻ như Ngài đã chiến thắng ma quỷ. Dường như Ngài là người chiến thắng. Trong thực tế, cái chết là “sa mạc” cuối cùng phải vượt qua để cuối cùng đánh bại Satan và giải thoát tất cả chúng ta khỏi quyền lực của nó. Và bằng cách này Chúa Giêsu đã chiến thắng sa mạc sự chết, để chiến thắng trong cuộc Phục sinh.

Hằng năm, vào đầu Mùa Chay, Tin Mừng kể về những cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc nhắc nhở chúng ta rằng đời sống của người Kitô hữu, theo bước chân của Chúa, là một trận chiến chống lại ma quỷ. Tin mừng cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu sẵn sàng đối mặt với Kẻ Cám dỗ, và đánh bại hắn; đồng thời nó nhắc nhở chúng ta rằng ma quỷ cũng được cơ hội hành động với chúng ta, với những cám dỗ của hắn. Chúng ta phải nhận thức về sự có mặt của kẻ thù rất quỷ quyệt này, kẻ tìm kiếm sự kết án đời đời của chúng ta, tìm kiếm thất bại của chúng ta, và chúng ta phải chuẩn bị để bảo vệ mình chống lại hắn và để chiến đấu với hắn. Với niềm tin, cầu nguyện và sám hối, ơn Chúa bảo đảm cho chúng ta chiến thắng kẻ thù. Nhưng cha muốn nhấn mạnh một điều: trong những lần cám dỗ, Chúa Giêsu không bao giờ đối thoại với quỷ, không bao giờ. Trong cuộc sống Chúa Giêsu không bao giờ có sự đối thoại với quỷ, không bao giờ. Hoặc là Ngài trục xuất chúng ra khỏi người bị ám hoặc Ngài kết án hắn, hoặc Ngài chỉ ra sự hiểm độc của hắn, nhưng không bao giờ đối thoại. Và trong sa mạc dường như có một cuộc đối thoại vì quỷ ba lần đưa ra các đề nghị và Chúa Giêsu đã đáp trả. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại bằng lời của Ngài. Ngài trả lời bằng Lời của Chúa, với ba trích đoạn Sách Thánh. Và điều này, với tất cả chúng ta, khi tên cám dỗ tiến tới, hắn bắt đầu quyến rũ chúng ta: “Nhưng hãy nghĩ về điều này, hãy làm việc đó …”, và bắt đầu đối thoại. Nếu chúng ta bằng lòng đối thoại với ma quỷ chúng ta sẽ bị đánh bại. Hãy ghi nhớ điều này trong trí lòng anh chị em: anh chị em đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ, chẳng có cuộc đối thoại nào có kết quả. Chỉ có Lời Chúa.

Trong Mùa Chay, Chúa Thánh Thần cũng thúc đẩy chúng ta vào trong sa mạc, như Chúa Giêsu. Nó không phải là một nơi thuộc vật chất như chúng ta đã thấy, nhưng hơn thế nó là một chiều kích của cuộc sống trong đó chúng ta có thể thinh lặng và lắng nghe Lời Chúa, “để sự hoán cải thực sự có hiệu quả trong chúng ta” (Collect, First Sunday of Lent, B, dịch từ tiếng Ý). Đừng sợ sa mạc, hãy tìm kiếm thêm nhiều thời gian cầu nguyện, thời gian thinh lặng, để đi vào tâm hồn chúng ta. Đừng sợ. Chúng ta được kêu gọi để noi theo những bước chân của Chúa, làm mới lại những lời hứa Rửa Tội của chúng ta: từ bỏ Satan, và tất cả những việc làm và những lời hứa trống rỗng của nó. Kẻ thù đang rình rập ở ngoài kia, hãy ý thức điều đó. Nhưng đừng bao giờ đối thoại với nó. Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu hiền mẫu của Mẹ Maria Đồng Trinh.

____________________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào nồng hậu đến tất cả anh chị em, người dân Roma và khách hành hương. Đặc biệt, cha chào các tín hữu Ba Lan đang đứng ở hàng đầu. Hôm nay suy nghĩ của cha hướng về Đền thờ Płock ở Ba Lan, nơi chín mươi năm trước Chúa Giêsu đã mặc khải chính Ngài cho Thánh Faustina Kowalska, trao phó cho thánh nữ một thông điệp đặc biệt về lòng thương xót của Chúa. Qua Thánh Gioan Phaolô II thông điệp này đã tiến đến toàn thế giới, và đó chính là Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, và Đấng ban tặng cho chúng ta lòng thương xót của Chúa Cha. Chúng ta hãy mở rộng cõi lòng, nói lên với niềm tin, “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.”

Cha chào các bạn trẻ và anh chị em thuộc nhóm Talitha Kum của giáo xứ San Giovanni dei Fiorentini ở Roma. Cảm ơn sự có mặt của anh chị em, và hãy tiếp tục những công việc tốt lành của anh chị em với niềm vui.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật đẹp, thật đẹp, trong ánh nắng mặt trời, và một Chúa nhật hạnh phúc!

Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/2/2021]