Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Tại sao Thánh Catarina thành Siena là bổn mạng của Châu Âu?

Tại sao Thánh Catarina thành Siena là bổn mạng của Châu Âu?

Tại sao Thánh Catarina thành Siena là bổn mạng của Châu  u?

revolucian | Shutterstock

Philip Kosloski 

29/04/22


Ngày 1 tháng Mười năm 1999, Thánh Gioan Phaolô II đã tôn Thánh Catarina thành Siena trở thành thánh bổn mạng của Châu Âu, ghi nhận nhiều đóng góp của thánh nữ.

Thánh Catarina thành Siena có ảnh hưởng lớn ở Châu Âu trong thế kỷ 14, và với nhiều đóng góp của thánh nữ, Thánh Gioan Phaolô II đã tôn ngài là thánh bổn mạng của Châu Âu.

Ngài đã thực hiện việc đó ngày 1 tháng Mười năm 1999, hướng tới thiên niên kỷ mới. Đặc biệt, Thánh Gioan Phaolô II muốn đưa ra cho Châu Âu những mẫu gương thánh thiện khi các quốc gia bỏ lại sau lưng một thế kỷ rất đẫm máu. Ngài nhận thấy việc học từ quá khứ của Châu Âu để hình thành nên tương lai của Châu Âu là điều phù hợp nhất.

Niềm hy vọng xây dựng một thế giới công bằng hơn, một thế giới xứng đáng hơn với con người, được khơi gợi bởi niềm mong chờ trước thềm Thiên niên kỷ thứ Ba, phải luôn đi đôi với nhận thức rằng những nỗ lực của con người sẽ trở nên vô ích nếu không có ân sủng của Chúa đồng hành: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127:1). Đây phải là một sự cân nhắc cho những người trong các năm hiện tại đang tìm cách trao cho Châu Âu một khuôn mẫu mới có thể giúp Châu lục học từ lịch sử phong phú của mình.

Đặc biệt, ngài đã chọn Thánh Catarina thành Siena trở thành một trong những vị thánh bổn mạng mới của Châu Âu. Ngài giải thích sự lựa chọn của mình, nhấn mạnh đến nhiều đóng góp của thánh nữ và niềm tin mạnh mẽ của thánh nhân.

Thánh nữ có khả năng nhanh chóng kết hợp hài hòa sự im lặng của căn phòng này, điều làm cho thánh nhân hoàn toàn vâng phục trước những linh ứng của Thiên Chúa, với hoạt động tông đồ kiệt xuất. Nhiều người, kể cả các thành viên của hàng giáo sĩ, tập trung bên thánh nhân và trở thành môn đệ của ngài, nhận ra nơi ngài món quà là tình mẫu tử thiêng liêng. Những bức thư của thánh nhân đã được lan truyền trên khắp nước Ý và Châu Âu nói chung. Thật vậy, bằng phong thái thuyết phục và nhiệt huyết trong lời nói, người nữ trẻ thành Siena đã đi sâu vào các vấn đề của xã hội và giáo hội trong thời đại của ngài.

Thánh Catarina thành Siena đã làm việc để giải quyết những mâu thuẫn giữa các nhà lãnh đạo các quốc gia và thậm chí trong Giáo hội.

Thánh Catarina không mệt mỏi trong cam kết giải quyết nhiều mâu thuẫn gây nhức nhối trong xã hội thời của ngài. Những cố gắng mang lại hòa bình của thánh nữ đã tiến đến với những người cai trị Châu Âu như vua Charles V của Pháp, vua Charles của Durazzo, công chúa Elizabeth của Hungary, Louis Đại đế của Hungary và Ba Lan, và nữ hoàng Giovanna của Naples. Những nỗ lực của thánh nhân nhằm hòa giải Florence với giáo hoàng cũng rất đáng chú ý. Đặt “Chúa Kitô chịu đóng đinh và Mẹ Maria dịu hiền” trước các bên liên quan, ngài nói rõ rằng trong một xã hội được truyền cảm hứng bởi các giá trị Kitô giáo, không bao giờ có đất cho những mâu thuẫn nghiêm trọng đến mức vũ lực thắng thế lý trí.

Thánh Catarina thành Siena có một đời sống nổi bật và những cố gắng của thánh nhân đã giúp định hình Châu Âu, để lại một di sản tinh thần mạnh mẽ mà tất cả mọi người đều có thể học tập.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2022]


Tiếp các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Đặc trách việc Bảo vệ trẻ vị thành niên, 29.04.2022

Tiếp các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Đặc trách việc Bảo vệ trẻ vị thành niên, 29.04.2022

Tiếp các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Đặc trách việc Bảo vệ trẻ vị thành niên, 29.04.2022

Thứ Sáu, 29 tháng Tư, 2022

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng đặc trách việc Bảo vệ Trẻ vị thành niên, vào cuối Phiên họp Khoáng đại, sau đây là những lời của ngài với các thành viên:

________________________________


Anh chị em thân mến, chúc ngày tốt lành! Xin chào mừng!

Tôi rất vui được chào đón anh chị em nhân buổi bế mạc phiên họp khoáng đại của anh chị em. Xin cảm ơn Đức Hồng y O’Malley về những lời giới thiệu của ngài, và tôi cảm ơn tất cả anh chị em đã cam kết thực hiện công việc bảo vệ trẻ em, trong đời sống chuyên môn và trong việc phục vụ các tín hữu. Ngày nay, nhờ vào nỗ lực của anh chị em, trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương được an toàn hơn trong Giáo hội. Tôi cũng xin cảm ơn Đức Hồng y O’Malley vì sự kiên trì mà ngài đã theo đuổi sự nghiệp này bất chấp mọi trở ngại. Xin cảm ơn hồng y!

Sự phục vụ được trao phó cho anh chị em là một công việc phải được thực hiện cách cẩn trọng. Ủy ban cần có sự chú ý thường xuyên để Giáo hội không chỉ là một nơi an toàn cho trẻ vị thành niên và là nơi chữa lành, mà còn có thể chứng tỏ hoàn toàn đáng tin cậy trong việc thúc đẩy quyền của trẻ em trên toàn thế giới. Thật đáng buồn, các tình huống đe dọa phẩm giá của trẻ em vẫn tiếp tục tồn tại, và đây phải là mối quan tâm của tất cả các tín hữu và tất cả những người có thiện chí.

Có những lúc, thực trạng của sự lạm dụng và những ảnh hưởng lâu dài và gây hại của nó đối với cuộc sống của “những người bé mọn” dường như lấn lướt các nỗ lực của những người cố gắng đáp lại bằng tình tình yêu thương và sự thấu hiểu. Con đường chữa lành là một con đường dài và khó khăn; nó đòi hỏi niềm hy vọng vững vàng, niềm hy vọng vào Đức Kitô, Đấng đã bước lên thập tự giá và thậm chí vượt xa hơn thập tự giá. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mang, và sẽ luôn luôn mang những dấu thương của khổ hình thập giá trên thân thể vinh hiển của Người. Những vết thương đó cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa cứu chúng ta không phải bằng cách đi ngang qua những đau khổ của chúng ta mà bằng cách đi vào trong những đau khổ đó, biến đổi chúng bằng sức mạnh tình yêu của Ngài. Quyền năng chữa lành của Chúa Thánh Thần không làm thất vọng; lời hứa của Thiên Chúa về sự sống mới không làm thất vọng. Chúng ta cần phải có niềm tin nơi Chúa Giêsu Phục sinh và đặt cuộc sống của chúng ta vào trong những vết thương trên thân thể phục sinh của Người.

Lạm dụng dưới bất kỳ hình thức nào cũng không thể chấp nhận được. Việc lạm dụng tình dục trẻ em là đặc biệt nghiêm trọng, là một hành vi xúc phạm đến một sự sống vừa bắt đầu đơm hoa. Thay vì được nâng niu, người bị lạm dụng bị tổn thương sâu sắc, đôi khi là vĩnh viễn. Gần đây, tôi nhận được một lá thư từ một người cha có đứa con trai bị lạm dụng, và hậu quả là thậm chí không thể rời khỏi phòng của ông trong suốt nhiều năm, tác động của việc lạm dụng đối với ông và cả gia đình là quá lớn. Những người bị lạm dụng đôi khi cảm thấy như bị mắc kẹt giữa sự sống và cái chết. Đây là những thực tế đau đớn mà chúng ta không thể nào cất đi được.

Lời chứng của những nạn nhân thể hiện một vết thương hở trên thân thể Chúa Kitô, đó là Giáo hội. Tôi thúc giục anh chị em hãy làm việc thật cần mẫn và can đảm để làm cho những vết thương này được biết đến, tìm kiếm những người phải chịu đựng chúng, và nhận ra nơi những người đó là chứng nhân của Đấng Thế đang chịu đau khổ của chúng ta. Vì Giáo hội biết về Chúa Phục sinh đến mức độ đi theo Người như là một Người Tôi Tớ đau khổ. Đây là con đường mà tất cả chúng ta phải đi: các giám mục, các bề trên dòng, linh mục, phó tế, những người thánh hiến, giáo lý viên và giáo dân. Mỗi thành viên của Giáo hội, tùy theo tình trạng thích hợp của mình, được kêu gọi đảm nhận trách nhiệm ngăn chặn các trường hợp lạm dụng và hoạt động cho công bằng và chữa lành.

Bây giờ tôi muốn nói những lời liên quan đến tương lai của anh chị em. Với Tông hiến Praedicate Evangelium, như Đức Hồng y đã đề cập đến, tôi chính thức thành lập Ủy ban như một phần của Giáo triều Rôma, nằm trong trong Bộ Giáo lý Đức tin (xem số 78). Có lẽ có người nghĩ rằng việc này có thể gây rủi ro cho sự tự do suy nghĩ và hành động của anh chị em, hoặc thậm chí làm mất đi tầm quan trọng của vấn đề mà anh chị em đang giải quyết. Đó không phải là ý định của tôi, cũng không phải là mong muốn của tôi. Và tôi mời gọi anh chị em hãy thận trọng để điều này không xảy ra.

Ủy ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên được thành lập trong Bộ chuyên trách giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục đối với các thành viên giáo sĩ. Tuy nhiên, tôi đặt vai trò lãnh đạo và nhân sự của anh chị em riêng biệt, và anh chị em sẽ tiếp tục liên hệ trực tiếp với tôi thông qua vị Chủ tịch Đặc Ủy viên của anh chị em. Ủy ban được đặt ở đó, bởi vì không thể có một “ủy ban vệ tinh”, chạy vòng quanh nhưng không nằm trong sơ đồ tổ chức. Ủy ban ở đó, nhưng với Chủ tịch riêng, được bổ nhiệm bởi Giáo hoàng. Tôi muốn anh chị em đề xuất các phương pháp tốt hơn để giúp cho Giáo hội có thể bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương cũng như hỗ trợ việc chữa lành cho các nạn nhân, với nhận thức rằng công lý và việc phòng ngừa là sự bổ sung cho nhau. Thật vậy, sự phục vụ của anh chị em mang đến một tầm nhìn chủ động và tương lai cho các quy trình và cách thực hiện tốt nhất có thể được áp dụng trong toàn thể Giáo hội.

Ở nhiều nơi, những hạt giống quan trọng về vấn đề này đã được gieo trồng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Tông hiến đánh dấu một sự khởi đầu mới. Nó đặt anh chị em vào sơ đồ tổ chức của Giáo triều trong Bộ, nhưng độc lập, với một vị Chủ tịch do Giáo hoàng bổ nhiệm. Độc lập. Anh chị em có trách nhiệm mở rộng phạm vi của sứ mệnh này để việc bảo vệ và chăm sóc những người bị lạm dụng có thể trở thành quy chuẩn trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội. Sự cộng tác chặt chẽ của anh chị em với Bộ Giáo lý Đức tin và với các Bộ khác phải làm phong phú thêm cho công việc của anh chị em, đồng thời công việc của anh chị em có thể làm phong phú thêm cho công việc của Giáo triều và các Giáo hội địa phương. Tôi giao cho Ủy ban và Bộ Giáo lý Đức tin, cho các Bộ khác xác định những cách hiệu quả nhất để điều này xảy ra. Cùng nhau làm việc, các bộ này thực hiện bổn phận của Giáo hội cách cụ thể là bảo vệ tất cả những người mà Giáo hội chịu trách nhiệm. Bổn phận đó đặt nền tảng trên nhận thức về nhân vị với phẩm giá nội tại của nó, với sự quan tâm đặc biệt đến những người dễ bị tổn thương nhất. Những nỗ lực được thực hiện ở cấp độ của Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương sẽ thực hiện chương trình bảo vệ, chữa lành và công bằng, phù hợp với khả năng của từng nơi.

Hạt giống đã được gieo đang bắt đầu sinh hoa kết trái tốt. Các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên bởi các thành viên giáo sĩ đã giảm trong những năm vừa qua ở các khu vực trên thế giới có sẵn dữ liệu và các nguồn đáng tin cậy. Tôi muốn anh chị em hàng năm chuẩn bị cho tôi một báo cáo về những sáng kiến của Giáo hội trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương. Điều này có thể khó khăn khi bắt đầu, nhưng tôi yêu cầu anh chị em bắt đầu ở nơi cần thiết, để cung cấp một báo cáo đáng tin cậy về những gì hiện đang được thực hiện và những gì cần thay đổi, để các cơ quan có thẩm quyền có thể hành động. Báo cáo này sẽ là một yếu tố minh bạch và trách nhiệm giải trình, và tôi hy vọng sẽ cung cấp một đánh giá rõ ràng về tiến bộ của chúng ta trong nỗ lực này. Nếu không có sự tiến bộ đó, người tín hữu sẽ tiếp tục mất lòng tin vào các vị chủ chăn của họ, và việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng sẽ ngày càng trở nên khó khăn.

Ngoài ra còn có một số nhu cầu tức thời hơn mà Ủy ban có thể giúp đáp ứng, đặc biệt là về phúc lợi và việc chăm sóc mục vụ cho những người đã từng bị lạm dụng. Tôi đã quan tâm theo dõi những cách mà Ủy ban, từ khi thành lập, đã tạo ra các cơ hội để lắng nghe và gặp gỡ các nạn nhân. Anh chị em đã giúp đỡ rất nhiều trong sứ mệnh mục vụ của tôi đối với tất cả những người đến với tôi sau những kinh nghiệm đau đớn của họ. Vì lý do này, tôi kêu gọi anh chị em hỗ trợ các Hội đồng Giám mục – điều này là rất quan trọng: hỗ trợ và quan sát trong cuộc đối thoại với các Hội đồng Giám mục – trong việc thành lập các trung tâm phù hợp, nơi những cá nhân đã từng bị lạm dụng và các thành viên gia đình của họ có thể tìm được sự chấp nhận, và sự lắng nghe chăm chú, đồng thời được đồng hành trong tiến trình chữa lành và công lý, như được chỉ ra trong Tự sắc Vos Estis Lux Mundi (x. Art. 2). Nỗ lực này cũng sẽ là cách thể hiện bản chất thượng hội đồng của Giáo hội, của sự hiệp thông và nguyên tắc phụ trợ. Đừng quên cuộc gặp gỡ cách đây gần ba năm với các vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục. Họ phải thiết lập các ủy ban và những phương tiện cần thiết để thực hiện các quy trình chăm sóc những người bị lạm dụng, bằng tất cả các phương pháp mà anh chị em có và để trừng phạt những kẻ lạm dụng. Và anh chị em phải giám sát điều này. Tôi động viên anh chị em.

Anh chị em thân mến, tôi xin gửi đến anh chị em lời cảm ơn chân thành nhất về công việc mà anh chị em đã làm. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi, bởi vì công việc này không dễ dàng. Cảm ơn anh chị em! Xin Chúa tiếp tục tuôn đổ trên anh chị em dồi dào ân phúc của Ngài. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em! Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/4/2022]