Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

TOÀN VĂN HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA – Lời cầu nguyện của ông Abraham

TOÀN VĂN HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA – Lời cầu nguyện của ông Abraham
© Vatican Media

TOÀN VĂN HUẤN TỪ TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA – Lời cầu nguyện của Abraham

‘Chúng ta học cách thưa chuyện với Chúa như một đứa trẻ nói chuyện với cha nó: lắng nghe Ngài, trả lời, tranh luận, nhưng trong sáng, như một đứa trẻ với cha của nó’

03 tháng Sáu, 2020 14:30

Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Tiếp tục những bài giáo lý về cầu nguyện, trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy tư về chủ đề: “Lời cầu nguyện của ông Abraham” (St 15:1.3-6)

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Tiếp Kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.


* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Có một tiếng nói bất chợt vang lên trong đời sống của Abraham. Một tiếng nói mời gọi ông thực hiện một hành trình dường như rất vô lý: một giọng nói thúc giục ông phải rời bỏ miền đất quê hương, rời khỏi đất tổ của gia đình ông, để tiến về một tương lai mới, một tương lai khác. Và tất cả chỉ dựa trên một lời hứa mà ông phải tin tưởng. Và tin tưởng vào một lời hứa không hề dễ dàng; người ta phải can đảm lắm. Và ông Abraham tin.

Kinh Thánh giữ im lặng về quá khứ của vị Tổ phụ đầu tiên. Luận lý sự việc khiến chúng ta giả định rằng ông tôn thờ những thần linh khác; có thể ông là người thông thái, quen quan sát bầu trời và những vì sao. Quả thật, Chúa hứa với ông rằng hậu duệ của ông sẽ nên đông đảo như sao sa trên trời.

Và ông Abraham rời đi. Ông lắng nghe tiếng Chúa và ông tin tưởng vào lời của Người. Điều này là quan trọng: ông tin tưởng vào lời Chúa. Và với sự khởi hành của ông đã khai sinh ra một con đường mới để nhận thức về mối tương quan với Thiên Chúa; chính vì lý do này mà Tổ phụ Abraham hiện diện trong những truyền thống tinh thần lớn của Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo như là con người hoàn hảo của Thiên Chúa, đủ khả năng để biện hộ với Người, ngay cả khi Thánh ý của Người cho thấy vô cùng khó khăn, nếu không nói là khó có thể hiểu được.”

Vì vậy, Abraham là người của Lời. Khi Chúa nói, ông trở thành người tiếp nhận Lời đó và đời sống của ông là nơi Lời yêu cầu được nhập thể. Đây là tính mới lạ lớn lao trong hành trình tôn giáo của con người: đời sống của người tín hữu bắt đầu được nhận thức như ơn gọi, tức là như một tiếng gọi, như là nơi lời hứa được thực hiện; và ông di chuyển trên mặt đất không phải vì sự thúc bách của một điều bí ẩn, nhưng vì sức mạnh của lời hứa đó, lời hứa sẽ được thực hiện một ngày nào đó. Và Abraham tin tưởng vào lời hứa của Chúa. Ông tin tưởng và ra đi mà chẳng biết mình sẽ đi đâu — Thư gửi tín hữu Do thái nói như vậy (x. 11:8). Nhưng ông tin tưởng.

Khi đọc Sách Sáng thế, chúng ta khám phá thấy ông Abraham sống việc cầu nguyện với lòng trung thành bền bỉ với Lời đó, Lời xuất hiện theo từng giai đoạn trong suốt hành trình của ông. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng trong đời sống của Abraham thì niềm tin trở thành lịch sử; niềm tin đã trở thành lịch sử. Thật vậy, với đời sống của ông, với tấm gương của ông, Abraham dạy cho chúng ta con đường này, lối đi này, con đường mà niềm tin trở thành lịch sử. Thiên Chúa không còn được nhìn thấy chỉ trong hiện tượng vũ trụ, như là một Thiên Chúa xa vời, là Đấng có thể tạo ra sự kinh hoàng. Thiên Chúa của Abraham trở thành “Thiên Chúa của tôi,” Thiên Chúa của câu chuyện của riêng tôi, là Đấng hướng dẫn những bước đi của tôi, là Đấng không bỏ rơi tôi, Thiên Chúa của đời tôi, người đồng hành trong những cuộc phiêu lưu của tôi — Thiên Chúa Quan phòng. Cha tự hỏi bản thân và cha hỏi anh chị em: chúng ta có kinh nghiệm này về Thiên Chúa không? Về “Thiên Chúa của tôi,” Thiên Chúa đồng hành với tôi, Thiên Chúa của câu chuyện của riêng tôi, Thiên Chúa dẫn dắt những bước đi của tôi, là Đấng không bỏ rơi tôi, Thiên Chúa của đời tôi? Chúng ta có kinh nghiệm này không? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó một chút.

Kinh nghiệm này của Abraham cũng được chứng thực bởi một trong những văn bản nguyên thủy nhất của lịch sử đời sống thiêng liêng: Ký ức của Blaise Pascal. Nó bắt đầu như sau: “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp, không phải Thiên Chúa của các triết gia và những nhà thông thái. Sự vững chắc, vững chắc. Yêu thương. Niềm vui. Bình an. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô.” Bản Ký ức này được viết trên một miếng giấy da nhỏ, và được tìm thấy sau khi ông chết, khâu trong áo khoác của một nhà triết gia, không diễn tả suy tư của một người trí thức, hay điều mà một người thông thái có thể nhận thức về Thiên Chúa, nhưng là ý thức thật sống động xuất phát từ sự hiện hữu của Người. Pascal thậm chí ghi chú lại chính xác giây phút ông cảm nhận được thực tại đó, cuối cùng đã tìm thấy nó: đó là buổi tối ngày 23 tháng Mười Hai năm 1654. Ngài không phải là một Thiên Chúa trừu tượng hoặc một Thiên Chúa ngoài vũ trụ — không. Ngài là Thiên Chúa của con người, của một tiếng gọi, là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacóp, Thiên Chúa là sự vững chắc, là yêu thương, là niềm vui.

“Lời cầu nguyện của Abraham được bày tỏ trước hết bởi các hành động: là một người trầm tĩnh, ông xây dựng bàn thờ Thiên Chúa tại mỗi chặng đường trên hành trình” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2570). Abraham không xây dựng một đền thờ, nhưng rải rác trên lối đi sỏi đá để nhắc về con đường Thiên Chúa đã đi qua. Một Thiên Chúa luôn gây ngạc nhiên, như khi Ngài đến thăm ông trong hình dạng của ba người khách, là những người mà ông và bà Sara đón tiếp ân cần và là người thông báo cho họ về sự chào đời của người con trai Isaac (x. St 18:1-15). Ông Abraham khi đó đã 100 tuổi, và vợ của ông là 90, hơn hoặc kém gì đó. Và họ tin tưởng, hai ông bà tin tưởng Thiên Chúa và bà Sara, vợ ông, đã thụ thai — ở tuổi đó! Đây là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đồng hành với chúng ta.

Vì thế, ông Abraham trở nên gần gũi với Thiên Chúa, có thể tranh luận với Ngài, nhưng luôn luôn trung thành. Ông thưa chuyện với Thiên Chúa và tranh luận. Đến mức độ thử thách cao nhất khi Chúa yêu cầu ông dâng lễ tế là con trai Isaac của ông, người con của tuổi già, người thừa tự duy nhất của ông. Ở đây Abraham sống niềm tin đầy kịch tính, khi ông bước đi dò dẫm trong đêm tối, dưới bầu trời lúc này chẳng còn sao. Và rất nhiều lần, chuyện cũng xảy đến cho chúng ta khi bước đi trong bóng đen, nhưng với niềm tin. Chính Thiên Chúa đã ngăn giữ bàn tay của ông Abraham đang sẵn sàng hành động, vì Ngài nhìn thấy lòng sẵn sàng tuyệt đối của ông (x. St 22:1-19).

Anh chị em thân mến, chúng ta học cách cầu nguyện với niềm tin tưởng: lắng nghe Thiên Chúa, bước đi, đối thoại tới mức tranh luận. Chúng ta không sợ tranh luận với Thiên Chúa! Cha sẽ nói một điều thậm chí có vẻ một chút dị biệt. Rất nhiều lần, cha nghe có người nói với cha: “Cha biết không, chuyện này xảy ra với con và con rất giận Chúa.” “Con có can đảm để nổi giận với Chúa sao?” “Vâng, con rất giận.” “Nhưng đó là một hình thức cầu nguyện,” vì chỉ có một đứa trẻ mới có thể tức giận với cha của nó và rồi gặp lại ông. Chúng ta học từ Abraham để cầu nguyện với niềm tin, để đối thoại, để tranh luận, nhưng luôn luôn sẵn sàng đón nhận Lời Chúa và đem ra thi hành. Chúng ta học cách thưa chuyện với Chúa như một đứa trẻ nói chuyện với cha nó: lắng nghe Ngài, trả lời, tranh luận, nhưng trong sáng, như một đứa trẻ với cha của nó. Abraham dạy chúng ta cầu nguyện như vậy. Cảm ơn anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/6/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter ngày 30-31/05/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter ngày 30-31/05/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter ngày 30-31/05/2020


30 tháng Năm: Anh em linh mục thân mến, trong tình huynh đệ tôi muốn chia sẻ với anh em tất cả những điều tôi đã suy tư và cảm nhận trong thời gian đại dịch này, để chúng có thể hỗ trợ chúng ta trong hành trình ca khen Thiên Chúa và phục vụ anh em.

30 tháng Năm: Đức tin cho chúng ta một trí tưởng tượng thực tế và sáng tạo, đủ khả năng để loại bỏ luận lý bắt chước, thay thế hoặc bảo tồn; nó mời gọi chúng ta khởi động một mùa luôn luôn mới: mùa của Thiên Chúa.

31 tháng Năm: Chúng ta cần Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đôi mắt mới, mở trí óc và tâm hồn chúng ta để đối mặt với thời gian hiện tại và tương lai sau khi đã học được bài học này: rằng nhân loại là một. Không ai được giải thoát một mình. Không một người nào.

31 tháng Năm: Trong những cơn thử thách lớn của nhân loại, trong đó là #trận đại dịch, chúng ta sẽ thoát khỏi đại dịch tốt hơn hoặc xấu hơn. Chúng ta sẽ không giống nhau. Và đó là lý do tại sao hôm nay chúng ta hãy mở lòng cho Chúa Thánh Thần để Người có thể biến đổi tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta thoát ra tốt hơn.

31 tháng Năm: Chúa Thánh Thần, sự ghi nhớ của Thiên Chúa, làm sống động trong chúng ta sự ghi nhớ về ân huệ đã đón nhận. Giải thoát chúng ta khỏi sự tê liệt của bệnh ích kỷ và thức tỉnh trong chúng ta khát khao phục vụ, khát khao làm điều thiện. #Pentecost

31 tháng Năm: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến: Người là sự hòa hợp; hãy làm cho chúng con trở thành người xây dựng sự hiệp nhất. Người luôn trao ban chính Người; xin ban cho chúng con lòng can đảm thoát ra khỏi bản ngã, để yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, để trở nên một gia đình. Amen. #Pentecost

31 tháng Năm: Chúng ta nhìn Giáo hội với đôi mắt của Thần Khí chứ không bằng con mắt của thế gian nhìn thấy chúng ta thuộc cánh tả hoặc cánh hữu. Thần Khí chỉ nhìn thấy những người con trai và con gái của Chúa Cha, là anh chị em của Chúa Giêsu. Thế gian nhìn thấy những người bảo thủ hoặc cấp tiến. Thần Khí nhìn thấy những người con cái của Thiên Chúa. 

31 tháng Năm: #Truyền giáo là một sự đáp lời tự do và đầy ý thức cho tiếng gọi của Thiên Chúa. Tuy nhiên chúng ta chỉ phân định được tiếng gọi này khi chúng ta có một mối tương quan yêu mến riêng tư với Chúa Giêsu hiện diện trong Hội Thánh của Người. http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/missions/documents/papa-francesco_20200531_giornata-missionaria2020.html

31 tháng Năm: Tôi vô cùng mong muốn người Kitô hữu chúng ta được hiệp nhất sâu sắc hơn như là những chứng nhân của lòng thương xót cho gia đình nhân loại đang bị thử thách nặng nề trong những ngày này. Chúng ta hãy xin Thần Khí món quà hiệp nhất, vì chỉ khi chúng ta sống như anh chị em thì chúng ta mới có thể làm lan tỏa tinh thần huynh đệ.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 1/06/2020]