Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

Carlo Acutis là ai? 10 điều bạn cần biết về Chân phước

Carlo Acutis là ai? 10 điều bạn cần biết về Chân phước

Carlo Acutis là ai? 10 điều bạn cần biết về Chân phước

Chân phước Carlo Acutis/ Diocese of Assisi

CNA Staff

Denver Newsroom, 11 tháng Mười, 2021 / 14:10 pm


Carlo Acutis, một thiếu niên Công giáo người Ý qua đời năm 2006, được tuyên phong Chân phước ngày 10 tháng Mười năm 2020 ở Assisi.

Acutis, một game thủ và lập trình viên máy tính rất yêu bóng đá và Thánh Thể, đã nhận được sự quan tâm trên toàn thế giới.

Như vậy Carlo Acutis là ai? Sau đây là những gì bạn cần biết:


1.  Carlo Acutis sinh ngày 3 tháng Năm, 1991, ở London, nơi cha mẹ cậu làm việc. Chỉ vài tháng sau, cha mẹ cậu là ông Andrea Acutis và bà Antonia Salzano, chuyển đến Milan.

2.  Khi là một thiếu niên, Carlo được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Cậu đã dâng những đau khổ của mình cho Đức Giáo hoàng Benedict XVI và cho Giáo hội, nói rằng “Con xin dâng tất cả những đau khổ mà con sẽ phải chịu cho Chúa, cho Đức Giáo hoàng và Giáo hội.”

3.  Cậu qua đời vào ngày 12 tháng Mười năm 2006, và được chôn cất tại Assisi, theo yêu cầu của cậu, vì lòng yêu mến của cậu đối với Thánh Phanxicô Assisi. Án phong thánh của cậu bắt đầu vào năm 2013. Cậu được gọi là “Đấng Đáng kính” năm 2018, và được phong “Chân phước” vào ngày 10 tháng Mười năm 2020.



Những điểm nổi bật của Thánh lễ phong Chân phước cho Carlo Acutis được cử hành tại Assisi, Ý. Cha mẹ và anh chị em của cậu đã đến tham dự buổi lễ. Trái tim của cậu được trình bày như một thánh tích. Xin Chân phước #CarloAcutis cầu nguyện cho chúng ta!

4.  Từ khi còn nhỏ, Carlo dường như đã có một lòng yêu mến đặc biệt dành cho Chúa, mặc dù cha mẹ của cậu không quá mộ đạo. Mẹ của cậu nói rằng trước khi có Carlo, bà chỉ đi lễ khi Rước Lễ lần đầu, Thêm sức và đám cưới của bà. Nhưng khi còn nhỏ, Carlo thích đọc kinh Mân Côi. Sau khi Rước lễ lần đầu, cậu đi lễ thường xuyên, và Chầu Thánh Thể trước hoặc sau Thánh lễ. Cậu đi xưng tội hàng tuần. Cậu yêu cầu cha mẹ đưa đi hành hương — đến những nơi của các vị thánh, và đến những địa điểm xảy ra phép lạ Thánh Thể.

5.  Chứng tá đức tin của cậu đã dẫn đến sự hoán cải sâu sắc của mẹ cậu, bởi vì, theo lời vị linh mục xúc tiến án phong thánh của chân phước, cậu “đã cố gắng lôi kéo những người thân, cha mẹ mình đến tham dự Thánh lễ mỗi ngày. Câu chuyện không phải như bình thường; không phải cha mẹ cậu ấy đưa cậu bé đến tham dự Thánh lễ, nhưng chính cậu ấy đã tìm cách để tự mình đi tham dự Thánh lễ và thuyết phục người khác rước lễ hàng ngày”.

6.  Cậu nổi tiếng về việc bảo vệ các trẻ bị bắt nạt ở trường, đặc biệt là những trẻ khuyết tật. Khi cha mẹ của một người bạn ly hôn, Carlo đã cố gắng hết sức để đưa bạn mình vào cuộc sống gia đình nhà Acutis.

7.  Cậu cũng là một lập trình viên, và đã xây dựng một trang web lập danh mục và quảng bá các phép lạ Thánh Thể. Trên trang web, cậu nói với mọi người rằng “chúng ta càng rước Thánh Thể thường xuyên, chúng ta sẽ càng trở nên giống Chúa Giêsu, để trên trần gian này chúng ta sẽ có sự nếm trải về thiên đàng.”


8.  Carlo thích trò chơi điện tử. Bàn điều khiển mà cậu lựa chọn là Playstation, hoặc có thể là PS2, được sản xuất năm 2000, khi Carlo mới 9 tuổi. Chúng ta biết rằng cậu chỉ cho phép mình chơi game một giờ mỗi tuần, như một sự đền tội và kỷ luật tinh thần, nhưng cậu muốn chơi nhiều hơn nữa.

9.  Ban đầu, có báo cáo cho rằng thân xác của Carlo Acutis không bị hư nát. Một phát ngôn nhân của án phong chân phước cho Acutis nói với CNA rằng toàn bộ thân xác hiện ra khi khai quật, nhưng “không phải là không bị hư nát.” Tuy nhiên, cậu được đặt nằm yên trong một ngôi mộ bằng kính, và chân phước được những người hành hương đến tôn kính cho đến ngày 17 tháng Mười năm 2020. Cậu nằm trong mộ kính với bộ đồ jeans và một đôi giày Nikes, trang phục bình thường mà cậu ưa thích khi còn sống.

10. Trái tim của cậu, hiện được coi là một thánh tích, được trưng bày trong một hòm thánh tích tại Vương cung Thánh đường Thánh Phanxicô ở Assisi. Mẹ chân phước cho biết gia đình đã muốn hiến tạng khi cậu qua đời, nhưng không thể thực hiện được vì căn bệnh ung thư máu.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/10/2021]


Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên của cuộc họp Nghị viện Tiền-COP26

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên của cuộc họp Nghị viện Tiền-COP26

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên của cuộc họp Nghị viện Tiền-COP26

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Bảy, 9 tháng Mười, 2021


Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến những tham dự viên Cuộc họp Nghị viện Tiền-COP 26, được xúc tiến tại Ý với sự cộng tác của Vương quốc Anh, diễn ra ở Roma, tại lâu đài Palazzo Montecitorio, từ ngày 8 đến ngày 9 tháng Mười năm 2021.

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha với những người có mặt:

____________________________________

Thưa quý vị,

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến quý vị và tôi cảm ơn Bà Casellati và Ông Fico vì những lời tốt đẹp.

Cách đây vài ngày, vào ngày 4 tháng Mười, tôi đã cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà khoa học ký một Lời kêu gọi chung về COP26. Nguồn cảm hứng cho Cuộc gặp gỡ đó, với nhiều tháng đối thoại căng thẳng diễn ra trước đó, trích lời trong Lời Kêu gọi, là “nhận thức về những thách thức chưa từng có đang đe dọa chúng ta và sự sống trên ngôi nhà chung xinh đẹp của chúng ta… và sự cần thiết có một tình liên đới sâu sắc hơn nữa khi đối mặt với đại dịch toàn cầu và mối quan tâm ngày càng tăng” về vấn đề đó (Đức tin và Khoa học: Hướng đến COP26, Lời kêu gọi chung, ngày 4 tháng Mười năm 2021).

Trong buổi Họp mặt, trên tinh thần huynh đệ, chúng tôi khẳng định sự hội tụ đầy ấn tượng của tất cả các tiếng nói khác nhau của chúng tôi trên hai điểm. Thứ nhất, sự đau buồn của chúng ta trước tai họa nghiêm trọng đã đổ xuống gia đình nhân loại và ngôi nhà chung; và thứ hai, nhu cầu cấp thiết phải thay đổi hướng đi, để chuyển đổi cách dứt khoát và quyết tâm thoát khỏi văn hóa vứt bỏ, rất phổ biến trong xã hội của chúng ta, để hướng tới một văn hóa quan tâm.

Thách thức đó rất phức tạp và khó khăn, nhưng nhân loại có đủ các phương tiện để thực hiện sự thay đổi này, nó đòi hỏi sự hoán cải đích thực và một quyết tâm kiên định để thực hiện nó. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người giữ các vị trí trọng trách trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội.

Lời Kêu gọi chung mà tôi đang trình bày một cách tượng trưng với quý vị thông qua Chủ tịch của hai Viện của Quốc hội Ý, bao gồm một số những cam kết mà chúng tôi dự định thực hiện trong lĩnh vực hành động và làm gương, cũng như trong lĩnh vực giáo dục. Thật vậy, chúng ta thấy rằng chúng ta đang phải đối mặt với một thách đố giáo dục quan trọng, vì “mọi sự thay đổi đều đòi hỏi một quá trình giáo dục nhằm phát triển khối đoàn kết toàn cầu mới và một xã hội thân thiện hơn” (Thông điệp Khởi động Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục, ngày 12 tháng Chín năm 2019). Thách thức thúc đẩy một nền giáo dục về hệ sinh thái toàn diện là một thách thức mà chúng tôi, là những người đại diện của các tôn giáo, cam kết mạnh mẽ.

Đồng thời, chúng tôi kêu gọi các chính phủ áp dụng ngay một đường hướng hành động nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu và thực hiện các bước đi can đảm, bao gồm việc tăng cường hợp tác quốc tế. Cụ thể, chúng tôi kêu gọi họ thúc đẩy một bước chuyển đổi sang năng lượng sạch; áp dụng thực hành cách sử dụng đất bền vững, ngăn chặn nạn phá rừng và phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, ưu tiên các hệ thống lương thực thân thiện với môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương, nỗ lực chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng, thúc đẩy những lối sống và mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Điều này có nghĩa là sự chuyển đổi hướng tới một mô hình phát triển toàn diện và bao gồm hơn, đặt nền tảng trong tính liên đới và trách nhiệm, và những ảnh hưởng của chúng đối với thế giới việc làm cũng sẽ phải được xem xét cẩn thận.

Để giải quyết được thách đố này, mọi người đều có một vai trò để thực hiện. Trong đó vai trò của các nhà lãnh đạo chính trị và chính phủ là đặc biệt quan trọng, và thực sự vô cùng quan trọng. Sự thay đổi hướng đi khó khăn này đòi hỏi sự khôn ngoan, tầm nhìn xa và sự quan tâm đến ích chung: nói một cách ngắn gọn, đó là những giá trị nền tảng của một nền chính trị tốt. Với vai trò là các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà lập pháp, quý vị có trách nhiệm tác động đến hành động của mọi người bằng những cách thức mà luật pháp quy định, “đặt ra các quy tắc về hành vi được chấp nhận vì lợi ích chung” (Tông huấn Laudato Si’, 177), và tôn trọng những nguyên tắc nền tảng khác như phẩm giá của nhân vị, tình liên đới và nguyên tắc phụ trợ (xem Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 160ff.). Việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta đương nhiên thuộc phạm vi của những nguyên tắc này. Để chắc chắn, vấn đề không chỉ là ngăn cản và chế tài những hành vi không phù hợp, mà trên hết là khuyến khích những con đường mới để theo đuổi cách cụ thể, những con đường phù hợp hơn với mục tiêu mà chúng ta muốn đạt được. Đây là những yếu tố cần thiết phải được xem xét khi chúng ta phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris và đóng góp vào kết quả tích cực của COP26.

Tôi hy vọng rằng công việc và cam kết của quý vị trong quá trình chuẩn bị cho COP26 và sau đó sẽ được soi sáng bằng hai nguyên tắc quan trọng là trách nhiệmsự liên đới. Chúng ta mắc món nợ này đối với thế hệ trẻ, những thế hệ tương lai, những người xứng đáng được chúng ta nỗ lực hết mình để bảo đảm rằng họ được sống trong hy vọng. Để điều này xảy ra, nhu cầu cấp thiết cần có các luật khôn ngoan và công bằng vượt qua những giới hạn bó khuôn của một nền chính trị nhất định và nhanh chóng đạt được sự đồng thuận phù hợp, thông qua việc sử dụng các phương tiện đáng tin cậy và minh bạch.

Một lần nữa tôi cảm ơn quý vị đến thăm. Xin Chúa chúc phúc cho quý vị, gia đình và công việc của quý vị.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/10/2021]