Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Các Điều Răn & Ngày nghỉ, tiên báo về sự tự do

TIẾP KIẾN CHUNG: Các Điều Răn & Ngày nghỉ, tiên báo về sự tự do

TIẾP KIẾN CHUNG: Các Điều Răn & Ngày nghỉ, tiên báo về sự tự do

‘Chúng ta là nô lệ của chính bản thân và chúng ta không thể yêu thương, vì yêu thương luôn hướng đến tha nhân’

12 tháng Chín, 2018 12:52

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu và người hành hương từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Các Điều Răn, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về: Ngày nghỉ, tiên báo về sự tự do (Trích đoạn: Sách Deuteronomy, 5:12-15).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý hôm nay chúng ta quay trở lại với Điều Răn thứ ba, đó là ngày nghỉ. Các Điều Răn, công bố trong sách Xuất hành, được lặp lại trong Sách Đệ Nhị luật theo một cách thức rất giống nhau: chỉ có điều trong sách Xuất hành lý do cho sự nghỉ ngơi là chúc phúc Công trình tạo dựng, còn theo sách Đệ Nhị luật, thì đó là để kỷ niệm sự chấm dứt thân phận nô lệ. Trong ngày này người nô lệ cũng được nghỉ ngơi như ông chủ, để mừng Lễ Vượt qua thoát khỏi ách nô lệ.

Thật ra, theo về định nghĩa thì nô lệ không được nghỉ ngơi. Nhưng có quá nhiều hình thức nô lệ tồn tại, cả nội tại và ngoại tại. Có những sự cầm tù ngoại cảnh chẳng hạn những áp bức, con người bị bắt cóc bằng bạo lực và những loại bất công khác. Nhưng cũng có những nhà tù nội tâm, chẳng hạn như những giam hãm về tâm lý, những nỗi lo sợ, những giới hạn về tính cách và nhiều điều khác. Liệu có được sự nghỉ ngơi trong những điều kiện như vậy không? Trong bất kỳ trường hợp nào, liệu một người đang bị cầm tù hay bị áp bức có thể tự do được không? Và một người đang bị dằn vặt bởi những khó khăn trong nội tâm có thể tự do được không?

Thật ra có những người thậm chí đang trong tù, nhưng lại sống trong tinh thần tự do rất lớn. Chẳng hạn chúng ta có thể nhớ đến Thánh Maximilian Kolbe, hoặc nhớ đến Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, những vị đã biến sự áp bức trong bóng đêm thành nơi của ánh sáng. Rồi cũng có những người với sự mong manh yếu đuối trong tâm hồn, nhưng đã biết tìm sự nghỉ ngơi nơi lòng thương xót và đã có thể truyền đạt lại. Lòng thương xót của Chúa giải phóng chúng ta. Và khi chúng ta gặp gỡ lòng thương xót của Chúa, chúng ta tìm được sự tự do rất lớn trong nội tâm và chúng ta có thể truyền đạt nó. Vì vậy, điều quan trọng là phải mở tâm hồn ra cho lòng thương xót của Chúa để không trở thành nô lệ cho chính bản thân.

Vậy, đâu là sự tự do đích thật? Nó có bao gồm trong việc được tự do lựa chọn không? Chắc chắn đây là một phần của sự tự do, và chúng ta phải cam kết để bảo đảm quyền đó cho mọi người (x. Công đồng chung Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 73). Tuy nhiên, chúng ta biết rất rõ rằng được tự do làm bất cứ điều gì chúng ta muốn vẫn chưa đủ để có sự tự do đích thực, và thậm chí không đủ để có hạnh phúc. Sự tự do đích thực còn nhiều hơn thế.

Quả thật, có một tình trạng nô lệ xiềng xích còn nhiều hơn cả một nhà tù, hơn cả một sự khủng hoảng tồi tệ, hơn cả một sự áp bức dưới bất kỳ hình thức nào: đó là tình trạng nô lệ cho cái tôi (bản ngã). Có những người dành thời gian cả ngày xem mình trong gương để nhìn cái tôi của mình. Và khi cái tôi của một người lớn hơn cả thân xác thì họ trở thành nô lệ cho cái tôi đó. Cái tôi có thể trở thành một cai ngục tra tấn con người ở bất cứ nơi nào và đẩy con người vào tình trạng bị đàn áp nặng nề nhất, cái đó được gọi là “tội,” nó không phải là việc vi phạm một tập tục nào đó, nhưng là sự sa ngã trong cuộc sống và trở thành nô lệ (x. Ga 8:34). Cuối cùng, tội lên tiếng nói và thực hiện theo bản ngã. “Tôi muốn làm cái này và tôi bất chấp có giới hạn trong đó hay không, bất chấp nó có trong Điều Răn hay không, tôi thậm chí bất chấp cả sự yêu thương.”

Ví dụ khi nói về cái tôi, chúng ta hãy nghĩ đến những cái đam mê của con người: sự tham lam, dục vọng, hám lợi, cáu kỉnh, đố kỵ, biếng nhác, tự phụ — vân vân — là nô lệ cho những thói xấu, nó hành hạ và dày vò con người. Không có điểm dừng cho người tham lam, vì cái cổ họng nó là kẻ giả hình của cái bụng, nó đầy nhưng nó vẫn làm cho chúng ta tưởng rằng nó trống rỗng. Cái bụng giả hình kia biến chúng ta thành người tham lam. Chúng ta trở thành nô lệ cho cái bụng giả hình. Không thể có điểm dừng cho người tham lam và đầy dục vọng là những người phải sống thỏa mãn sự khoái lạc; sự thèm muốn được sở hữu tàn phá người tham lam, luôn muốn chất đống tiền bạc, làm tổn thương người khác; ngọn lửa của sự phẫn nộ và con sâu mọt của lòng đố kỵ phá hủy những mối quan hệ. Các nhà cầm bút nói rằng lòng đố kỵ biến thân xác và linh hồn thành màu vàng. Khi một người bị bệnh gan thì người đó bị vàng da, vàng mắt. Người đố kỵ có một linh hồn màu vàng, vì họ không bao giờ có được sức khỏe tươi mới cho linh hồn. Sự đố kỵ phá hủy. Sự biếng nhác né tránh mọi việc lao động làm cho con người trở nên bất lực trong cuộc sống. Khuynh hướng quy ngã — tức là cái tôi mà cha đang nói đến – tính kiêu ngạo, khoét một rãnh sâu giữa một con người và những người khác.

Anh chị em thân mến, vậy ai là người nô lệ thật sự? Ai là người không biết đến sự nghỉ ngơi? Ai không có khả năng yêu thương? Và tất cả những thói xấu này, những tội này, cái bản ngã này ngăn cách chúng ta xa rời tình yêu và làm cho chúng ta mất khả năng yêu thương. Chúng ta là những nô lệ cho chính bản thân chúng ta và chúng ta không thể yêu thương, vì yêu thương luôn luôn hướng đến tha nhân.

Điều Răn Thứ Ba, điều răn mời gọi chúng ta kỷ niệm sự giải thoát bằng sự nghỉ ngơi, nó cho người Ki-tô hữu chúng ta một sự tiên báo về Chúa Giê-su, Đấng đập tan tình trạng nô lệ nội tại của tội lỗi để trả lại cho con người khả năng yêu thương. Yêu thương thật sự là tự do thật: nó tách chúng ta ra khỏi sự ham muốn sở hữu, tái xây dựng những mối quan hệ, có khả năng chào đón và trân trọng giá trị của tha nhân, biến mọi nỗ lực thành món quà niềm vui và làm cho con người có thể hiệp nhất với nhau. Tình yêu trả lại cho con người sự tự do ngay cả khi bị tù đày, ngay cả khi con người yếu đuối và bị giới hạn.

Đây là sự tự do chúng ta đón nhận từ Đấng Cứu Thế, Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/9/2018]


Đức Thánh Cha nói, ‘Tôi dự định đến thăm Nhật bản vào năm tới’

Đức Thánh Cha nói, ‘Tôi dự định đến thăm Nhật bản vào năm tới’
Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các thành viên của Hiệp hội Tensho Kenoh Shisetsu Kenshoukai đến từ Nhật (Vatican Media)

Đức Thánh Cha nói, ‘Tôi dự định đến thăm Nhật bản vào năm tới’

Đức Phanxico tiếp phái đoàn của Hiệp hội Tensho Kenoho Shisetsu Kenshokai đến từ Nhật

12 tháng Chín, 2018 11:48

Tôi dự định đến thăm Nhật vào năm tới … 

Đức Thánh Cha Phanxico đã bày tỏ hy vọng này khi tiếp một phái đoàn của Hiệp hội Tensho Kenoho Shisetsu Kenshokai trong Vatican trước buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay.

Trong diễn từ, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng hơn 400 năm trước, năm 1585, bốn bạn trẻ người Nhật đã đến Roma, được các vị thừa sai Dòng Tên cùng đồng hành, đến gặp gỡ giáo hoàng, khi đó là Đức Gregory XIII.

“Đó là một hành trình phi thường, vì đó là lần đầu tiên một nhóm đại diện cho đất nước vĩ đại của các bạn đến thăm Châu Âu,” ngài nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng của chuyến đi. Ngoài ra, Đức Thánh Cha nhắc đến những vị tử đạo và chân phước của Nhật.

Đức Thánh Cha Phanxico kết luận, nhờ những người hiện diện chuyển tải đến “dân tộc thân yêu và đất nước vĩ đại của các bạn tình bạn của Giáo hoàng Roma và sự kính trọng của toàn Giáo hội Công giáo.”

Dưới đây là văn bản diễn từ của ngài do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):


***


Xin chào các bạn đến từ nước Nhật!

Tôi rất vui được gặp gỡ các bạn và cùng với các bạn có các Cha Renzo De Luca và Shinzo Kawamura.

Giáo hoàng rất vui được chào đón các bạn, những đại diện của Hiệp hội Tensho Kenoho Shisetsu Kenshokai, đến Roma. Hơn 400 năm trước, năm 1585, bốn bạn trẻ người Nhật đã đến Roma, được các vị thừa sai Dòng Tên cùng đồng hành, đến gặp gỡ giáo hoàng, khi đó là Đức Gregory XIII. Đó là một hành trình phi thường, vì đó là lần đầu tiên một nhóm đại diện cho đất nước vĩ đại của các bạn đến thăm Châu Âu. Bốn bạn trẻ đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt, không riêng của Giáo hoàng, nhưng của tất cả các thành phố và những nơi họ đi qua: Lisbon, Madrid, Florence, Roma, Venice, Milan, Genoa … Người Châu Âu gặp gỡ người Nhật và người Nhật có kinh nghiệm tại Châu Âu và trung tâm của Giáo hội Công giáo. Nó là một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nền văn hóa và truyền thống tinh thần lớn, và nó xứng đáng phải được duy trì trong ký ức, như Hiệp hội của các bạn thực hiện.

Hành trình của những bậc tiền nhân trẻ tuổi của các bạn kéo dài hơn tám năm; thời đó chưa có máy bay. Hành trình của các bạn bây giờ ngắn hơn và đỡ mệt hơn. Nhưng tôi hy vọng các bạn cảm nhận được sự chào đón của Giáo hoàng cũng như các vị tiền nhân của các bạn xưa kia, cũng như họ, các bạn sẽ có kinh nghiệm về niềm vui của buổi gặp gỡ này và được tạo động lực để trở thành những đại sứ của tình bạn và là những người thúc đẩy các giá trị nhân văn và giá trị Ki-tô giáo vĩ đại khi trở về đất nước của các bạn. Bốn bạn trẻ của kỷ nguyên Tensho đã làm như vậy, thể hiện sự cam kết và lòng can đảm. Đặc biệt tôi nhớ đến vị trưởng đoàn là Mancio Ito, người đã trở thành một linh mục, và ngài Julian Nakaura, người đã bị hành hình trên ngọn đồi các vị tử đạo nổi tiếng của Nagasaki cùng với nhiều vị khác và đã được tuyên phong chân phước.

Tôi biết rằng Hiệp hội của các bạn thúc đẩy những dự án tốt đẹp về văn hóa và tình đoàn kết. Tôi đặc biệt khuyến khích các bạn với những nỗ lực hiện tại hãy xây dựng một quỹ để đào tạo thanh thiếu niên và trẻ mồ côi, nhờ sự đóng góp của những công ty thấu hiểu các vấn đề này. Các bạn mong muốn chứng minh rằng tôn giáo, văn hóa và kinh tế có thể cùng chung sức trong hòa bình để xây dựng một thế giới nhân văn hơn qua chương trình sinh thái học nhân văn toàn diện. Điều này rất phù hợp với những gì tôi mong muốn cho gia đình nhân loại hôm nay và ngày mai, như tôi đã viết trong Tông huấn Laudato sì (Chúc tụng Chúa). Đó là con đường đúng đắn cho tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta.

Một lần nữa tôi cảm ơn chuyến viếng thăm của các bạn. Cũng như bốn vị tiền nhân trẻ tuổi của các bạn, xin hãy chuyển đến dân tộc thân yêu và đất nước vĩ đại của các bạn tình bạn của Giáo hoàng Roma và sự kính trọng của toàn Giáo hội Công giáo.

Nhân cơ hội này, tôi muốn bày tỏ mong muốn của tôi được đến thăm đất nước Nhật vào năm tới. Tôi hy vọng có thể thực hiện được ước mong này.

[Văn bản của Vatican (bản tiếng Anh)]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/9/2018]