17 tháng Ba, 2018
© Vatican Media
Ngày 17 tháng Ba, 2018, lúc 9:30, máy bay trực thăng chở Đức Thánh Cha Phanxico từ Pietrelcina hạ cánh trong sân vận động “Antonio Massa” của San Giovanni Rotondo.
Khi đến Đức Thánh Cha được đón tiếp bởi đức Tổng Giám mục của Manfredonia-Vieste-San Giovanni Rotondo là Đức ông Michele Castoro, và thị trưởng thành phố, tiến sĩ Costanzo Cascavilla.
Trước khi rời sân vận động, Đức Thánh Cha làm phép một tấm bảng đồng chỉ “Hành trình” của những người hành hương đến Đền Thánh Michael mà ông thị trưởng muốn đặt trong Via Francigena. Sau đó ngài đi xe đến nhà thương Nhà Xoa dịu Đau khổ; từ quảng trường trước nhà thương, Đức Thánh Cha chào và ban phép lành cho các bệnh nhân.
Lúc 10.00 Đức Thánh Cha đến Nhà thương “Gioan Phaolo II” và được đón tiếp bởi Tiến sĩ Domenico Crupi, tổng giám đốc của Nhà Xoa dịu Đau khổ. Sau đó ngài đến thăm 21 bệnh nhi nội trú trong Khoa Nhi Ung thư máu trên tầng ba, và Trường Bệnh viện tư cũng được thành lập bởi Cha Pio, cuối cùng ngài chào những người hoạt động thiện nguyện “Clowntherapy”.
Cuối chuyến thăm, Đức Thánh Cha đến viếng Đền thờ Thánh Mary, tại đây ngài được đón tiếp bởi Bề trên Tỉnh dòng Capuchins, Cha Maurizio Placentino, bề trên nhà là cha Carlo Laborde, và giám sở là cha Francis Dileo. Đức Thánh Cha chào cộng đoàn tu sĩ trong Đền thánh của cộng đoàn Capuchins và viếng xác Thánh Pio Năm Dấu Thánh và Crucifix of the Stigmata, để lại một dây các phép như một món quà trưng bày; sau đó ngài gặp gỡ và chào các Tu huynh đau ốm, trước khi đến phòng của Thánh nhân.
Lúc 11.30, ngài dâng Thánh Lễ trên sân trước nhà thờ Thánh Pio. Cuối cùng, sau khi chào đức Tổng giám mục của Manfredonia-Vieste-San Giovanni Rotondo, là Đức ông Michele Castoro, Đức Thánh Cha Phanxico chào thăm một số giới chức chính quyền và một đại diện tín hữu.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến sân vận động “Antonio Massa” của San Giovanni Rotondo, tại đây ngài lên máy bay lúc 13.00 để trở về Roma. Máy bay trực thăng chở Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống sân trực thăng Vatican lúc 14.00.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ:
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong các Bài đọc Kinh Thánh hôm nay chúng ta đã lắng nghe, cha muốn chọn ra ba từ: cầu nguyện, sự bé mọn, khôn ngoan.
Cầu nguyện. Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giê-su cầu nguyện. Những lời này tuôn chảy từ trong trái tim của Người: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11: 25). Lời cầu nguyện thốt lên một cách tự nhiên trong Chúa Giê-su, nó không phải là tùy thích: Người thường xuyên đi vào những nơi thanh vắng để cầu nguyện (x. Mc 1: 35); đối thoại với Chúa Cha lúc còn sáng sớm. Và tất nhiên, bằng cách này các môn đệ đã khám phá ra sự cầu nguyện là quan trọng đến dường nào đến nỗi một ngày nọ các ông yêu cầu Người: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11: 1). Nếu chúng ta muốn bắt chước Chúa Giê-su, chúng ta cũng hãy bắt đầu từ nơi Người khởi đầu, tức là từ sự cầu nguyện.
Chúng ta có thể tự hỏi: những người Ki-tô hữu chúng ta đã cầu nguyện đủ chưa, trong khi cầu nguyện, rất nhiều chuyện chen vào tâm trí, rất nhiều điều cần thiết phải làm … Rồi có những lúc, chúng ta gạt việc cầu nguyện sang một bên vì chúng ta quá để tâm trí vào hoạt động xã hội chẳng đem đến kết quả gì khi chúng ta quên “điều gì là cần thiết” (Lc 10: 42), khi chúng ta quên rằng nếu không có Ngài chúng ta không thể làm được gì (x. Ga 15: 5), và do đó chúng ta từ bỏ việc cầu nguyện. Thánh Pio, năm mươi năm sau khi ngài lên trời, giúp chúng ta vì ngài mong muốn để lại cho chúng ta gia tài là sự cầu nguyện. Ngài đề nghị, “Hãy cầu nguyện thật nhiều, các con của ta, cầu nguyện mọi lúc, đừng bao giờ bỏ bê” (Trình bày tại Đại hội các Nhóm Cầu nguyện Quốc tế lần thứ hai, 5 tháng Năm, 1966).
Trong Tin mừng Chúa Giê-su cũng cho chúng ta thấy cách cầu nguyện như thế nào. Trước hết, Người thưa: “Con xin ngợi khen cha”; Người không bắt đầu bằng những cách nói như vầy, “Con cần điều này và điều nọ,” nhưng là, “Con xin ngợi khen cha.” Chúng ta không thể biết được Chúa Cha nếu không mở lòng mình ra để ngợi khen, không dành thời gian cho riêng Ngài, không tôn thờ Ngài. Chúng ta đã quên đi sự nguyện cầu tôn thờ, sự nguyện ngắm ngợi khen! Chúng ta phải làm sống lại việc này. Mỗi chúng ta hãy tự hỏi: tôi phải tôn thờ như thế nào? Tôi phải tôn thờ khi nào? Khi nào tôi ca khen Thiên Chúa? Hãy làm sống lại sự nguyện cầu tôn thờ và ngợi khen. Nó là bối cảnh riêng tư, mặt đối mặt, giữ thinh lặng trước mặt Chúa, sự thầm kín để đi vào sự kết hiệp sâu đậm hơn với Người. Sự cầu nguyện có thể phát sinh theo yêu cầu, thậm chí cho một trường hợp khẩn cấp, nhưng phải có sự trưởng thành trong cầu nguyện và tôn thờ. Sự cầu nguyện trưởng thành, nó sẽ trở nên hoàn toàn riêng tư, như với Chúa Giê-su, Đấng đã bước vào sự đối thoại hoàn toàn không gò bó với Chúa Cha: “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11: 26). Và rồi, trong sự đối thoại hoàn toàn tự do và tín thác, cầu nguyện diễn ra mọi lúc của cuộc sống và trước mặt Thiên Chúa.
Và rồi chúng ta hãy tự hỏi mình: những lời cầu nguyện của chúng ta có giống của Chúa Giê-su không, hay chúng chỉ làm như những cuộc gọi khẩn cấp tùy lúc? “Con cần cái này,” và thế là tôi cầu nguyện ngay. Vậy lúc anh chị em không cần bất cứ điều gì, anh chị em làm gì? Hay chúng ta xem chúng như những liều thuốc an thần uống theo toa, để tìm một chút an lòng thoát khỏi những căng thẳng? Không, cầu nguyện là một hành động của tình yêu, là việc ở lại với Chúa và mang đến cho Người cuộc sống của trần gian: nó là một công việc không thể thiếu được của lòng thương xót tinh thần. Và nếu chúng ta không phó thác anh em của chúng ta và hoàn cảnh của chúng ta cho Chúa, vậy ai sẽ làm việc đó? Ai sẽ cầu thay nguyện giúp, ai sẽ quan tâm đến việc gõ cửa trái tim của Chúa để mở ra cánh cửa cho nhân loại đang thiếu thốn? Vì điều này mà Cha Pio đã để lại cho chúng ta những nhóm cầu nguyện. Ngài nói với họ, “Chính việc cầu nguyện, việc này sẽ liên kết sức mạnh của tất cả những linh hồn tốt lành, làm lay chuyển thế giới, phục hồi lại lương tâm … chữa lành những chứng bệnh, thánh hóa công việc, nâng cao sức khỏe, tạo sức mạnh đạo đức … làm lan rộng nụ cười của Thiên Chúa và ban phép lành trên những người bạc nhược và yếu đuối (ibid). Chúng ta hãy giữ lấy những lời này, và một lần nữa tự hỏi: tôi có cầu nguyện không? Và khi tôi cầu nguyện, tôi có biết cách cầu nguyện không, tôi có biết cách tôn thờ không, tôi có biết dâng lên Chúa cuộc sống của tôi và của tất cả mọi người không?
Từ thứ hai: sự bé mọn. Trong Tin mừng, Chúa Giê-su ngợi khen Chúa Cha vì Người đã mạc khải những bí mật của Nước của Người cho những người bé mọn. Vậy ai là những người bé mọn này, ai biết được cách đón nhận những bí mật của Thiên Chúa? Người bé mọn là những người đang cần sự vĩ đại, những người không tự mãn, những người không nghĩ rằng họ chỉ cần chính bản thân họ. Người bé mọn là những người có một tâm hồn khiêm nhường và rộng mở, nghèo khó và thiếu thốn, là những người ý thức được sự cần thiết của cầu nguyện, để phó dâng bản thân và để cho bản thân họ được đồng hành. Tâm hồn của những người bé nhỏ này giống như một cây ăng-ten: nó tiếp nhận tín hiệu từ Thiên Chúa, ngay lập tức, họ hiểu được ngay lập tức. Vì Chúa tìm cách liên lạc với mọi người, nhưng những người cho mình là vĩ đại tạo ra độ nhiễu sóng rất lớn, và lòng khao khát Chúa không đến được với những người tự thấy thỏa mãn, họ không có không gian cho Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao Người thích những người bé mọn, Người mạc khải cho họ, và con đường đến gặp gỡ Người là con đường biết sấp mình trước Người, biết hướng vào tâm hồn, biết chân nhận mình đang thiếu thốn. Mầu nhiệm của Chúa Giê-su Ki-tô là một mầu nhiệm của sự bé mọn: Người đã tự hạ mình, Người đã trút bỏ mình. Mầu nhiệm của Chúa Giê-su, như chúng ta nhìn thấy nơi Mình Thánh trong mỗi Thánh Lễ, là một mầu nhiệm của sự bé mọn, của tình yêu khiêm nhường, và chỉ có thể đón nhận được bằng cách trở nên bé nhỏ và thường xuyên gặp gỡ những người bé mọn.
Và bây giờ chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có biết cách tìm kiếm Thiên Chúa ở đâu không? Tại đây có một đền thờ đặc biệt nơi Người hiện diện vì có rất nhiều người bé mọn mà Người yêu thương. Thánh Pio gọi đó là “một đền thờ của cầu nguyện và khoa học,” nơi tất cả chúng ta được kêu gọi để trở thành “những kho dự trữ sự yêu thương” cho tha nhân” (Diễn từ Kỷ niệm Khánh thành Lần thứ nhất, 5 tháng Năm, 1957): đó là Nhà Xoa dịu Sự Đau khổ. Nơi người bệnh chúng ta tìm được Giê-su, và qua việc chăm sóc đầy yêu thương của những người chăm sóc cho vết thương của tha nhân là có con đường đến gặp gỡ Giê-su. Những ai chăm sóc cho những người bé mọn luôn ở bên Chúa và đánh bại văn hóa loại bỏ, một văn hóa chỉ đề cao người quyền lực và cho rằng người nghèo là vô ích. Những ai quan tâm đến người bé mọn hơn là công bố một lời tiên tri về sự sống chống lại những tiên tri của sự chết trong mọi thời đại, thậm chí cả ngày hôm nay, đó là những tiên tri loại bỏ con người, loại bỏ trẻ em, loại bỏ người cao tuổi, vì họ không còn hữu dụng. Khi còn bé ở trường học, người ta dạy chúng tôi về lịch sử của thời Sparta. Cha đã hoảng sợ vì những điều thầy giáo nói, thầy nói rằng một em bé sinh ra nếu bị dị tật họ sẽ đưa bé lên đỉnh núi và ném bé xuống để những em bé đó không còn tồn tại. Các học sinh kêu lên: “Tàn ác quá!” Thưa anh chị em, chúng ta đang làm giống như vậy, mà còn tàn ác hơn nữa bằng khoa học. Những gì không còn cần thiết, những gì không còn khả năng sinh lợi thì phải bị loại bỏ. Đây là văn hóa loại bỏ: ngày nay người ta không cần những người bé mọn, và đây là lý do tại sao Chúa Giê-su bị gạt ra ngoài.
Cuối cùng từ thứ ba là sự khôn ngoan. Trong bài Đọc Một, Chúa nói: “Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh” (Gr 9: 22). Sự khôn ngoan thật không tự lừa gạt rằng nó có những giá trị vĩ đại và sức mạnh thật không nằm trong quyền lực. Những ai phô trương bản thân đầy sức mạnh và những ai dùng cái ác để đáp trả cái ác là thiếu khôn ngoan. Sự khôn ngoan duy nhất và vũ khí vô địch là đức ái được khơi gợi bởi đức tin, vì nó có sức mạnh đánh bật được những sức mạnh của cái ác. Thánh Pio đã chiến đấu chống lại điều ác suốt cuộc đời của ngài và chiến đấu một cách khôn ngoan, như Thiên Chúa: bằng sự khiêm nhường, bằng sự vâng phục, bằng thập giá, dâng lên sự đau khổ vì yêu. Và mọi người khâm phục ngài, nhưng ít người làm như vậy. Nhiều người nói rất hay, nhưng mấy ai bắt chước? Rất nhiều người sẵn sàng đặt một dấu “Like” trên trang của những thánh nhân vĩ đại, nhưng có ai thực hiện giống như các ngài? Vì đời sống người Ki-tô hữu không phải là một điều “thích” (like), đó là một “món quà” cho tôi. Đời sống sẽ tỏa hương khi nó được cho đi như một món quà; nó sẽ trở nên vô vị khi nó bị giữ riêng cho bản thân.
Và trong Bài đọc một Chúa cũng giải thích cách tìm được sự khôn ngoan của cuộc sống ở đâu: “Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này: rằng họ hiểu biết Ta” (c. 23). Biết Người, tức là gặp gỡ Người là Thiên Chúa Đấng giải thoát và tha thứ: đây là con đường của sự khôn ngoan. Trong Tin mừng, Chúa Giê-su khẳng định: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi” (Mt 11:28). Có ai trong chúng ta cảm thấy bị loại trừ ra khỏi lời mời gọi này không? Ai có thể nói rằng “tôi không cần điều đó?” Thánh Pio đã dâng lên cuộc sống của ngài và biết bao sự đau khổ để làm cho những anh em của ngài có thể gặp được Chúa. Và con đường quyết định để gặp gỡ Ngài là việc Xưng tội, Bí tích Hòa giải. Ở đó, một sự sống khôn ngoan bắt đầu và khởi đầu trở lại, được yêu thương và được tha thứ; ở đó bắt đầu sự chữa lành tâm hồn. Cha Pio là một tông đồ của tòa giải tội. Ngày nay ngài mời gọi chúng ta đến đó; và ngài nói với chúng ta: “Con đang đi đâu vậy? Đến với Chúa Giê-su hay đến với sự buồn bã của con? Con trở về đâu? Trở về với Đấng đã cứu con, hay trở lại với sự gục ngã của con, những sự hối tiếc, những tội của con? Hãy đến, hãy đến, Chúa đang chờ đợi con. Hãy can đảm. Không có một lý do nào quá tồi tệ đến mức loại trừ con ra khỏi lòng thương xót của Người.”
Những nhóm cầu nguyện, những bệnh nhân của Nhà Xoa dịu, tòa giải tội: ba dấu chỉ hữu hình nhắc chúng ta nhớ đến ba gia tài quý báu: sự cầu nguyện, sự bé mọn và sự khôn ngoan của cuộc sống. Chúng ta hãy cầu xin ơn sủng biết gieo cấy những gia tài này mỗi ngày.
© Libreria Editrice Vatican
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/3/2018]