Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

‘Để trải nghiệm được tình yêu, chúng ta cần phải bắt đầu từ đây: hãy để cho bản thân được tha thứ.’

8 tháng Tư, 2018
Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót
© Vatican Media
Dưới đây là văn bản Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót, 8 tháng Tư, 2018, do Vatican cung cấp:

Trong Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe đi nghe lại từ “nhìn thấy.” Các môn đệ vui mừng khi nhìn thấy Chúa (Ga 20:20). Rồi các ông kể cho Tô-ma: “Chúng tôi đã được thấy Chúa” (c. 25). Nhưng Tin mừng lại không mô tả các ông nhìn thấy Chúa như thế nào; Tin mừng không miêu tả Đức Giê-su phục sinh. Tin mừng chỉ đề cập một chi tiết: “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn” (c. 20). Dường như Tin mừng muốn nói cho chúng ta biết rằng đó là cách mà các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su: qua các dấu thương của Người. Chuyện tương tự cũng xảy ra với Tô-ma. Cả ông cũng muốn xem thấy “dấu đinh ở tay Người” (c. 25), và sau khi nhìn thấy, ông đã tin (c. 27).

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

Dù ông thiếu lòng tin, nhưng chúng ta phải cảm ơn Tô-ma, vì ông không thỏa mãn khi chỉ nghe thấy những người khác nói rằng Chúa Giê-su đã sống lại, hoặc đơn thuần chỉ nhìn thấy Ngài bằng da bằng thịt. Ông muốn được nhìn thấy tận bên trong, được dùng tay của ông để chạm vào các dấu thương của Chúa, đó là những dấu chỉ tình yêu của Người. Tin mừng gọi Tô-ma là Đi-đi-mô (c. 24), có nghĩa là Anh em sinh đôi, và qua việc này, ông quả thật là anh em sinh đôi của chúng ta. Vì cả với chúng ta, nếu chỉ biết rằng Thiên Chúa hiện hữu là không đủ. Một Thiên Chúa đã phục sinh nhưng lại xa cách không làm trọn vẹn cuộc sống của chúng ta; một Thiên Chúa ở quá xa không cuốn hút chúng ta, tuy nhiên sự công chính và thánh thiện của Người là cách xa chúng ta rất nhiều. Không, cả chúng ta cũng cần phải “nhìn thấy Thiên Chúa,” được chạm đến Người bằng bàn tay của chúng ta và biết rằng Người đã sống lại, và sống lại cho chúng ta.

Làm sao chúng ta có thể nhìn thấy được Người? Cũng như các môn đệ: qua các dấu thương của Người. Nhìn vào các vết thương của Người, các môn đệ hiểu được độ sâu thẳm của tình yêu của Người. Các ông hiểu rằng Người đã tha thứ cho các ông, cho dù có một vài người đã chối Người và từ bỏ Người. Đi vào những dấu thương của Chúa Giê-su là chiêm ngắm tình yêu vô bờ tuôn chảy từ trái tim của Người. Đây là con đường; đó là nhận ra rằng trái tim của Người đập cho tôi, cho anh chị em, cho mỗi người chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể xem mình là người Ki-tô hữu, gọi chúng ta là người Ki-tô hữu và nói về nhiều giá trị đức tin rất đẹp, nhưng giống như các môn đệ, chúng ta cần phải nhìn thấy Chúa Giê-su bằng các chạm đến được tình yêu của Người. Chỉ như vậy thì chúng ta mới đi vào trung tâm điểm của đức tin, và như các môn đệ, chúng ta tìm được sự bình an và niềm vui (x. cc. 19-20) vượt qua được mọi hoài nghi.

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

Tô-ma sau khi nhìn thấy những vết thương của Chúa đã kêu lên: “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” (c. 28). Cha muốn phân tích về tính từ mà Tô-ma sử dụng: của tôi. Nó là một tính từ sở hữu. Khi chúng ta suy nghĩ về từ đó, nó có vẻ không phù hợp để nói về Thiên Chúa. Làm sao Thiên Chúa chỉ là của tôi? Làm sao tôi có thể lấy Đấng Toàn Năng làm của riêng tôi? Thật ra khi chúng ta dùng từ của tôi, chúng ta không xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng chúng ta tôn vinh lòng thương xót của Người. Vì Thiên Chúa mong muốn “trở thành chúng ta”. Cũng như trong một câu chuyện tình yêu, chúng ta nói với Người: “Người đã xuống thế làm người cho con, Người chịu chết và sống lại cho con và vì thế Người không chỉ là Thiên Chúa; nhưng Người là Thiên Chúa của con, Người là sự sống của con. Trong Người, con đã tìm được tình yêu mà con đang đi tìm, và còn hơn rất nhiều so với những gì con có thể tưởng tượng.”

Thiên Chúa không thấy phiền khi trở nên “của chúng ta” vì tình yêu đòi sự tin tưởng, lòng thương xót đòi sự tín thác. Khởi đầu của Mười Điều Răn, Chúa nói: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20:2), và tái khẳng định lại: “Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương” (c. 5). Ở đây chúng ta nhìn thấy cách Thiên Chúa trình bày Người như một người yêu ghen tương và gọi Người là Thiên Chúa của ngươi. Từ tận sâu thẳm trong tâm hồn của Tô-ma thốt ra câu trả lời: “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” Như hôm nay qua những dấu thương của Đức Ki-tô, chúng ta đi vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra rằng lòng thương xót không chỉ đơn thuần là một trong những phẩm chất của Người, nhưng nằm trong từng nhịp đập của trái tim của Người. Rồi cũng như Tô-ma, chúng ta không còn sống như các môn đệ, hoang mang, nhiệt thành nhưng vẫn còn dao động. Cả chúng ta nữa, chúng ta đã phải lòng Thiên Chúa! Chúng ta đừng e ngại cụm từ này: phải lòng Thiên Chúa.

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

Làm sao để chúng ta thấu cảm được tình yêu này? Làm sao hôm nay chúng ta chạm đến được lòng thương xót của Chúa Giê-su bằng chính bàn tay của mình? Lại một lần nữa, Tin mừng cho chúng ta một chìa khóa khi nhấn mạnh rằng ngay buổi tối Phục sinh (x. c. 19), ngay sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giê-su bắt đầu bằng việc ban ơn Thần Khí để tha thứ tội lỗi. Để trải nghiệm được tình yêu, chúng ta cần phải bắt đầu từ đây: hãy để cho bản thân được tha thứ. Để cho bản thân được tha thứ, tôi phải tự hỏi mình, và mỗi anh chị em cũng vậy: tôi có cho phép bản thân tôi được tha thứ không? Để trải nghiệm được tình yêu đó, chúng ta phải bắt đầu như từ đó. Tôi có cho phép bản thân tôi được tha thứ không? “Nhưng thưa cha, đi xưng tội thấy khó quá …” Trước mặt Thiên Chúa chúng ta bị cám dỗ hành động giống như các tông đồ đã làm trong Tin mừng: giấu mình sau những cánh cửa đóng kín. Các ông làm như vậy vì sợ, cả chúng ta cũng có thể e sợ, xấu hổ không dám mở cửa tâm hồn và xưng thú những tội của chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sủng hiểu được sự xấu hổ, không nhìn nó như một cánh cửa đóng kín, nhưng như là bước chân đầu tiên đến với một cuộc gặp gỡ. Khi chúng ta cảm thấy xấu hổ, chúng ta hãy tạ ơn: điều này có nghĩa là chúng ta không chấp nhận cái xấu, và đó là điều tốt. Xấu hổ là một lời mời gọi âm thầm của linh hồn đang cần Thiên Chúa để vượt qua được cái xấu. Thảm kịch xảy ra là khi chúng ta không còn biết xấu hổ điều gì nữa. Chúng ta đừng e sợ trải nghiệm sự xấu hổ! Chúng ta hãy chuyển từ sự xấu hổ thành sự tha thứ! Đừng e sợ bị xấu hổ! Đừng e sợ!


Nhưng còn một cánh cửa khác vẫn đóng kín trước sự tha thứ của Chúa, cánh cửa của sự buông xuôi. Buông xuôi luôn luôn là một cánh cửa đóng kín. Các môn đệ đã có kinh nghiệm này vào ngày Phục sinh khi họ chán nản nhận thấy rằng mọi việc có vẻ quay trở lại như trước đây. Họ vẫn đang ở Giê-ru-sa-lem, chán chường; “chương của Giê-su” trong cuộc đời của họ dường như đã chấm dứt, và sau quá nhiều thời gian đi theo Ngài, chẳng có gì thay đổi, họ buông bỏ. Cả chúng ta cũng có thể suy nghĩ: “Tôi đã là một Ki-tô hữu lâu lắm rồi, nhưng chẳng có gì thay đổi trong tôi; tôi vẫn cứ phạm những tội như vậy.” Rồi, trong sự chán nản, chúng ta từ bỏ lòng thương xót. Nhưng Chúa thách đố chúng ta: “Nhưng con có tin rằng lòng thương xót của Ta lớn hơn sự khổ sở của con không? Con có phải là người tái phạm không? Vậy hãy là một người tái phạm cầu xin lòng thương xót, và chúng ta sẽ thấy ai là người bước ra hiên ngang.” Trong bất cứ tình huống nào, – và bất cứ ai đã quen thuộc với bí tích Hòa giải đều biết điều này – mọi sự đều không giữ nguyên theo cách ban đầu của nó. Mỗi khi chúng ta được tha thứ, chúng ta lại được an ủi và động viên, vì mỗi lần chúng ta trải nghiệm thêm tình yêu, và được cái ôm chặt hơn của Chúa Cha. Và khi chúng ta lại sa ngã, chính vì chúng ta được yêu, nên chúng ta trải nghiệm sự phiền muộn lớn hơn – một sự phiền muộn có ích sẽ dần dần cách ly chúng ta ra khỏi tội. Rồi chúng ta khám phá ra rằng sức mạnh của sự sống là đón nhận sự tha thứ của Chúa và tiến bước từ sự tha thứ này đến với sự tha thứ khác. Đây là cách cuộc sống đi qua: từ sự xấu hổ này đến sự xấu hổ khác, từ lần tha thứ này đến lần tha thứ khác. Đây là đời sống người Ki-tô hữu.


Sau sự xấu hổ và buông xuôi, vẫn còn một cánh cửa khác đóng kín. Đôi khi nó thậm chí cứng như sắt: tội của chúng ta, cùng một tội. Khi tôi phạm một tội trọng, nếu tôi với tất cả sự cương quyết, không muốn tha thứ cho bản thân, thì làm sao Chúa tha thứ cho tôi? Tuy nhiên, cánh cửa này chỉ đóng kín về một phía, đó là phía của chúng ta; nhưng đối với Thiên Chúa, không có cánh cửa nào bị đóng hoàn toàn. Như Tin mừng nói với chúng ta, như chúng ta đã nghe, Người muốn tiến vào “qua những cánh cửa đóng kín,” khi mọi cánh cửa dường như đã bị cài then, thì chính ở đó Thiên Chúa thực hiện những sự kỳ công của Người. Người không bao giờ từ bỏ chúng ta; chính chúng ta là người bắt Người đứng ở ngoài. Nhưng khi chúng ta đi xưng tội, một điều kỳ diệu chưa từng nghe thấy xảy ra: chúng ta khám phá ra rằng chính tội đã cầm giữ chúng ta xa cách khỏi Thiên Chúa trở thành nơi chúng ta gặp gỡ Người. Chính đó là nơi Thiên Chúa đón lấy những vết thương vì yêu đến để gặp gỡ những vết thương của chúng ta. Người làm cho những vết thương khốn khổ của chúng ta trở thành như những vết thương vinh quang của riêng Người. Ở đó có sự biến đổi: những vết thương khốn khổ của chúng ta trở nên tương đồng như những vết thương vinh quang của Người. Vì Người là lòng thương xót và hoạt động kỳ diệu trong những sự khốn khổ của chúng ta. Giống như Tô-ma, hôm nay chúng ta hãy khẩn xin ơn sủng biết tạ ơn Chúa: tìm được niềm vui trong sự tha thứ của Người, và tìm được sự hy vọng trong lòng thương xót của Người.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/4/2018]


Toàn văn Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót

Toàn văn Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót

“Chúng ta cùng nép mình dưới áo choàng của Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Xót thương”

8 tháng Tư, 2018
Toàn văn Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót
Vatican Media Screenshot
THÀNH PHỐ VATICAN, 8 THÁNG TƯ, 2018 (Zenit.org). - Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

* * *

Trước Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trước khi ban Phép Lành cuối, chúng ta hãy hướng sang Đức Mẹ. Nhưng trước hết tôi xin nói lời cảm ơn tất cả những người tham dự trong Lễ này, đặc biệt các Hội Thừa sai Lòng Thương xót, tập trung nhân dịp đại hội. Cảm ơn vì sự phục vụ của anh chị em!

Theo lịch Juilian hôm nay là ngày Mừng Đại Lễ Phục sinh, xin gửi đến anh chị em thuộc các Giáo hội Đông phương những lời chúc nồng hậu tốt đẹp nhất. Nguyện xin Chúa Phục sinh đổ tràn đầy ánh sáng và bình an và an ủi những cộng đoàn sống trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Xin gửi lời chào đặc biệt đến những anh chị em người Rom và Sinti hiện diện ở đây, nhân dịp Ngày “Romano Dives” Quốc tế của anh chị em. Tôi cầu chúc sự bình an và tình huynh đệ cho những thành viên của các dân tộc cổ xưa này, và tôi hy vọng rằng Ngày này sẽ thúc đẩy văn hóa gặp gỡ, với thiện chí hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Đây là con đường dẫn đến sự hội nhập thật sự. Anh chị em người Rom và Sinti thân mến, xin hãy cầu nguyện cho tôi và chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho những anh em tị nạn người Syria của anh chị em.

Tôi xin chào anh chị em hành hương có mặt ở đây, các nhóm giáo xứ, các gia đình, các Hội đoàn, và chúng ta cùng nép mình dưới áo choàng của Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Xót thương.

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


Sau Kinh Truyền Tin

Bản tin kinh hoàng từ Syria cho biết những vụ đánh bom gây ra hàng chục nạn nhân, nhiều người trong đó là phụ nữ và trẻ em. Bản tin về nhiều người chịu những hậu quả do các chất hóa học chứa trong bom. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời, cho những người bị thương, và cho những gia đình đang chịu đau khổ.

Chẳng có một cuộc chiến tranh tốt hay xấu và không điều gì — không có điều gì có thể biện minh cho việc sử dụng những công cụ hủy diệt tấn công những con người và những dân tộc không có sự bảo vệ. Chúng ta hãy cầu nguyện để những người chịu trách nhiệm về chính trị và quân sự có thể chọn một con đường khác, con đường đàm phán, con đường duy nhất dẫn đến hòa bình, không phải là con đường dẫn đến cái chết và sự hủy diệt.

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/4/2018]