Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Do ‘sự khó chịu nhẹ trong mình’, Đức Thánh Cha không gặp gỡ giới giáo sĩ tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran

Do ‘sự khó chịu nhẹ trong mình’, Đức Thánh Cha không gặp gỡ giới giáo sĩ tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran
Copyright: Deborah Castellano Lubov

Do ‘sự khó chịu nhẹ trong mình’, Đức Thánh Cha không gặp gỡ giới giáo sĩ tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran

Ông Matteo Bruni cho ZENIT English biết rằng Đức Thánh Cha chắc chắn tiếp tục có các buổi tiếp kiến chung & riêng khác

27 tháng Hai, 2020 13:00

Do một ‘sự khó chịu nhẹ trong mình,’ Đức Thánh Cha Phanxico đã không đến Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran sáng nay nơi ngài gặp gỡ giới giáo sĩ theo kế hoạch.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, khẳng định với Deborah Lubov của ZENIT English, trước khi công bố thông cáo như sau:

“Sáng nay,” thông cáo viết, “Đức Thánh Cha đã không đến Vương cung Thánh đường Lateran để tham dự phụng vụ sám hối với các giáo sĩ Roma.”

Thông cáo kết luận, “Do một sự khó chịu nhẹ trong mình, ngài muốn ở lại trong các phòng gần Santa Marta; những sự kiện khác vẫn tiến hành theo bình thường.”

Ông cũng cho ZENIT English biết rằng Đức Thánh Cha đã không tiếp nhóm ‘Biến đổi Khí hậu Toàn cầu’ sáng nay như kế hoạch trong Vatican, nhưng vẫn tiếp tục tất cả các cuộc tiếp kiến riêng của ngài.

Đức Hồng y Angelo De Donatis, Đại diện Roma, đọc huấn từ của Đức Thánh Cha trước giới giáo sĩ tại Vương cung Thánh đường Lateran. ZENIT sẽ dịch văn bản và chuyển đến quý vị trong thời gian sớm nhất.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/2/2020]


TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Mùa Chay

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Mùa Chay
General Audience - Copyright Vatican Media

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Mùa Chay

‘Mùa Chay là sa mạc, đó là thời gian để bỏ xuống, để thoát khỏi chiếc điện thoại di động và kết nối chúng ta với Tin mừng …’

26 tháng Hai, 2020 19:09

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:15 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, là nơi Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung phân tích về Mùa Chay: đi vào sa mạc (Trích đoạn Sách Thánh: Trích Tin mừng theo Thánh Lu-ca 4:1).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài bày tỏ sự gần gũi với các bệnh nhân Coronavirus và các nhân viên chăm sóc sức khỏe dấn thân trong công việc chăm sóc của họ.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, hành trình bốn mươi ngày đến Phục Sinh, đến trung tâm của Năm Phụng vụ và của đức tin. Đó là một hành trình theo chân Chúa Giê-su, Đấng ngay từ đầu sứ vụ của Ngài đã lui vào trong hoang mạc suốt bốn mươi ngày, để cầu nguyện và ăn chay, và bị cám dỗ bởi ma quỷ. Thật vậy, chính ý nghĩa thiêng liêng của sa mạc là điều cha muốn chia sẻ với anh chị em hôm nay.

Sa mạc mang ý nghĩa thiêng liêng gì cho tất cả chúng ta, kể cả chúng ta là những người sống ở thành phố, sa mạc mang ý nghĩa gì? Chúng ta hãy tưởng tượng mình đang ở trong sa mạc. Cảm giác đầu tiên đó là thấy mình bị bao quanh bởi sự yên lặng mênh mông: không một tiếng ồn, ngoài gió và hơi thở của chúng ta. Vậy đó, sa mạc là nơi tách biệt khỏi những sự ồn ào quay cuồng chung quanh chúng ta. Ở đó cũng không có tiếng nói nào để nhường không gian cho một Lời khác, Lời của Chúa, Lời âu yếm tâm hồn chúng ta như một làn gió hiu hiu (x. 1 V 19:12). Sa mạc là nơi của Lời, với chữ L viết hoa. Thật vậy, trong Kinh Thánh Chúa thường nói chuyện với chúng ta trong sa mạc. Người trao cho ông Môi-sê “mười lời dạy” trong sa mạc đó là mười Điều Răn. Và rồi khi dân chúng xa lánh Người, trở thành một tân nương không trung thành, Thiên Chúa nói: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân” (Hs 2:16-17). Trong sa mạc người ta lắng nghe được Lời của Chúa, Lời giống như một thanh âm nhẹ nhàng. Trở nên mật thiết với Thiên Chúa, tình yêu của Chúa được tái khám phá trong nơi hoang vắng. Chúa Giê-su thường lui vào những nơi hoang vắng để cầu nguyện mỗi ngày (x. Lc 5:16). Người dạy cho chúng ta cách tìm kiếm Chúa Cha, Đấng nói với chúng ta trong thinh lặng. Và thật không dễ để giữ cho tâm hồn được thinh lặng, vì chúng ta luôn luôn tìm cách để nói, để nói với người khác.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để dành không gian cho Lời Chúa. Đó là thời gian để tắt TV và mở Kinh Thánh. Khi cha còn nhỏ, lúc đó chưa có truyền hình, nhưng có thói quen là không nghe radio. Mùa Chay là sa mạc, đó là thời gian để bỏ xuống, để thoát khỏi chiếc điện thoại di động và kết nối chúng ta với Tin mừng. Nó là thời gian để bỏ đi những lời nói vô ích, những lời phỉ báng, những sự đồn thổi và buôn chuyện, và để thưa chuyện và dâng mình cho Chúa. Nó là thời gian để tập trung cho môi trường sinh thái khỏe mạnh của tâm hồn, để dọn sạch nó. Chúng ta sống trong một môi trường quá bị ô nhiễm bởi bạo lực ngôn từ, bởi quá nhiều lời công kích và nguy hại, mà mạng internet khuếch tán rộng rãi. Ngày nay người ta lăng mạ nhau giống như người ta chúc nhau “Ngày tốt đẹp.” Chúng ta chìm ngập trong những lời sáo rỗng, quảng cáo, những thông điệp tinh ma. Chúng ta quen với việc cảm nhận mọi điều về mọi việc và chúng ta có nguy cơ rơi vào tính thế gian làm hao mòn tâm hồn, và chẳng có một con đường nào để chữa lành điều này ngoài sự thinh lặng. Thật khó để chúng ta phân biệt được tiếng nói của Thiên Chúa nói với chúng ta, tiếng nói của lương tâm, của sự thiện. Lên tiếng gọi chúng ta trong sa mạc, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy lắng nghe điều đáng quan tâm, điều quan trọng, điều trọng yếu. Người trả lời cho tên quỷ cám dỗ Người: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). 

Còn hơn cả cơm bánh, chúng ta cần Lời Chúa, chúng ta cần thưa chuyện với Chúa: chúng ta cần phải cầu nguyện, vì chỉ có trước mặt Chúa thì những khuynh hướng của tâm hồn phơi ra ánh sáng và những mặt trái của linh hồn sụp đổ. Hãy để ý đến sa mạc, nơi của sự sống chứ không phải của sự chết, vì thưa chuyện với Thiên Chúa trong tĩnh lặng phục hồi lại sự sống cho chúng ta. Chúng ta lại cố gắng suy nghĩ về một sa mạc. Sa mạc là nơi của điều trọng yếu. Chúng ta hãy nhìn đến cuộc sống của mình: không biết bao nhiêu thứ vô ích vây quanh chúng ta! Chúng ta theo đuổi một ngàn thứ có vẻ như quan trọng, và thực tế lại không phải vậy. Thật tốt biết bao cho chúng ta khi được thoát khỏi quá nhiều thực tại không cần thiết, để tái khám phá điều quan trọng, để tái khám phá dung nhan của Đấng ở bên cạnh chúng ta! Về vấn đề này Chúa Giê-su cũng cho chúng ta mẫu gương bằng cách ăn chay. Ăn chay không phải là để giảm cân, ăn chay thật ra là tìm đến điều trọng yếu và tìm ra nét đẹp của một đời sống đơn giản.

Cuối cùng, sa mạc là nơi của sự cô độc. Ngày nay cũng vậy, ngay gần bên chúng ta, có quá nhiều sa mạc. Có những người cô đơn và bị bỏ rơi. Có bao nhiêu người nghèo và người già ở cạnh bên chúng ta và phải sống trong im lặng, không lời kêu la, bị gạt ra bên lề và bị loại bỏ! Nói về họ chẳng đòi phải có một hội nghị. Nhưng sa mạc sẽ dẫn đến với họ, đến với tất cả những người bị câm lặng, cầu xin sự giúp đỡ của chúng ta trong sự im lặng. Hành trình Mùa Chay trong sa mạc là một hành trình của bác ái cho những người bé mọn nhất.

Cầu nguyện, ăn chay, làm phúc: hãy chú ý đến hành trình trong sa mạc Mùa Chay. Anh chị em thân mến, qua tiếng nói của ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa đã đưa ra lời hứa này: “Này Ta sắp làm một việc mới, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc” (Is 43:19). Con đường được mở ra trong sa mạc dẫn chúng ta từ cõi chết đến với sự sống. Chúng ta đi vào sa mạc với Chúa Giê-su, và chúng ta sẽ đi ra khỏi nó để nếm trải Phục sinh, sức mạnh của tình yêu của Thiên Chúa đổi mới sự sống. Nó sẽ xảy ra với chúng ta như nó xảy ra trong các sa mạc trổ hoa vào mùa xuân, làm cho các chồi non và cây cỏ đột nhiên đâm chồi “từ hư không.” Hãy can đảm, chúng ta hãy bước vào sa mạc Mùa Chay này, chúng ta hãy theo chân Chúa Giê-su trong sa mạc: với Ngài những sa mạc của chúng ta sẽ trổ hoa.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Một lần nữa cha bày tỏ sự gần gũi với những bệnh nhân Coronavirus, và với những nhân viên chăm sóc sức khỏe đang chăm sóc họ, cũng như những Giới chức Dân sự và tất cả những người cam kết trong việc hỗ trợ cho các bệnh nhân và ngăn chặn sự lây lan của bệnh.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/2/2020]


Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Vatican thông qua những biện pháp phòng ngừa để đối phó với dịch Coronavirus

Vatican thông qua những biện pháp phòng ngừa để đối phó với dịch Coronavirus
Vatican © Cathopic - Stefan Wise LC

Vatican thông qua những biện pháp phòng ngừa để đối phó với dịch Coronavirus

Bảy ca tử vong ở Ý

25 tháng Hai, 2020 16:59

Trước mối đe dọa sắp xảy ra của virus corona ở Ý — hiện đã có mặt ở tám khu vực, trong đó có Lazio, vùng tọa lạc của thủ đô —, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, tuyên bố quyết định hoãn lại một số sự kiện được tổ chức tại những nơi khép kín với số lượng người đông đảo.

Tuy nhiên, Buổi Tiếp Kiến Chung thứ Tư ngày 26 tháng Hai vẫn không bị hủy bỏ. Nó sẽ được tổ chức ngoài trời bắt đầu lúc 9:30 sáng.

“Vatican News” cho biết, một biện pháp ngay từ đầu được các nhân viên y tế hỗ trợ là thiết lập một phòng y tế với “một y tá và bác sĩ trực để hỗ trợ tại chỗ trong phòng khám của Vatican, trong trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng giống như coronavirus.”

Ngoài ra, “các điểm phát nước sát trùng tay” đã được đặt tại các văn phòng cho phép tiến vào Thành Vatican.

Những nguyên tắc về sức khỏe

Ông Matteo Bruni nói rằng nhân viên y tế của Vatican sẽ thực hiện “đầy đủ các quy trình được đưa ra trong các thỏa thuận với Bộ Sức khỏe của Ý,” trong trường hợp dương tính với Covid-19 — hiện tại thì chưa phát hiện ca nào. “Văn phòng Sức khỏe và Vệ sinh của Nhà nước Thành phố Vatican liên lạc thường xuyên với Vùng Lazio và Nhóm Công tác của Bộ Sức khỏe và sẽ tiếp tục thực hiện điều đó và công bố các khuyến nghị được chuyển đến.”

Trong số các biện pháp phòng ngừa nói trên, Đại học Giáo hoàng Urban đã hủy buổi giới thiệu quyển sách về đức Hồng y Celso Costantini, diễn ra vào chiều nay, với một số lượng lớn người tham gia và một số nhân vật quan trọng, trong đó có Hồng y Parolin, Hồng y Tagle và Hồng y Filoni.

Bảy trường hợp tử vong

Trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở miền Nam nước Ý là một người phụ nữ từ miền Bắc của đất nước đang đi nghỉ ở Palermo, thuộc đảo Sicily. Virus này cũng đã lan tới vùng Tuscany, nơi hai người đàn ông — ở Florence và Pistoia — đã được xét nghiệm dương tính, và ở Liguria. Bảy người đã chết, và 283 người bị nhiễm bệnh. Các khu vực bị ảnh hưởng bao gồm Lazio, Lombardy, Emilia Romagna, Veneto, Piedmont, Tuscany và Sicily.

Cổng thông tin của Vatican nói rằng mức độ chú ý tối đa đang được đặt vào các giáo phận thuộc miền Bắc. Giáo phận Venice đã tạm dừng các Thánh lễ cho đến ngày 1 tháng Ba, điều này cũng được áp dụng ở Pavia, trong khi tại Torino, từ nay đến ngày 1 tháng Ba, các hoạt động mục vụ với các nhóm người đã được tạm dừng, ngoại trừ Thánh lễ. Các thánh lễ hầu như bị tạm hoãn trong tất cả các vùng của Piacenza và Modena.

Tờ báo tiếng Tây Ban Nha “El Pais” đưa tin rằng một ngàn du khách đang ở trong một khách sạn ở Adeje (Cung điện H10 Costa Adeje), phía nam của Tenerife, bị cách ly theo chỉ thị của Cơ quan Y tế, các nguồn tin cảnh sát cho biết.

Đóng cửa biên giới

Tốc độ lây lan của virus đã khiến một số quốc gia đóng cửa biên giới với Trung Quốc và cả Iran, nơi có số người chết tăng lên trong vài ngày vừa qua. Vài tuần trước, Nga đã ra lệnh đóng cửa biên giới với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Jordan và Armenia đã đóng cửa đường biên giới với Iran.

Về phần mình, Jordan, Kuwait, Ả Rập Saudi, Iraq và Bahrain đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa với du khách đến từ Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Các trường hợp đầu tiên của virus đã được phát hiện ở Kuwait, Afghanistan, Iraq, Li-băng, Israel và Bahrain.

Ngoài ra, Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc, đã công bố một báo cáo mới liên quan đến tính mới lạ của virus corona. Theo tài liệu này, số người chết do COVID-19 ở quốc gia Châu Á này đã lên tới 2.663, nhiều hơn bảy mươi mốt người so với ngày trước đó.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/2/2020]


Tại sao gia đình là trường học yêu thương đẹp nhất

Tại sao gia đình là trường học yêu thương đẹp nhất

Tại sao gia đình là trường học yêu thương đẹp nhất
Shutterstock

22 tháng Hai, 2020

Con trẻ học biết được tình yêu của Thiên Chúa cho chúng qua tấm gương của cha mẹ.

Trẻ em dường như có một trực giác cảm nhận được tình yêu kết hiệp cha mẹ của chúng. Chúng chú ý điều đó qua những chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày: những đối thoại, hành vi, và những hành động yêu thương và tha thứ.

Trẻ em sẽ tốt hơn rất nhiều khi cha mẹ của chúng biết cách giải quyết các vấn đề gia đình bằng cách thực thi đức ái qua hành động. Khi những giá trị yêu thương trước hết được gieo trồng trong mối quan hệ giữa vợ và chồng, đứa trẻ sẽ có ý tưởng rõ ràng về ý nghĩa của yêu thương.

Yêu thương là cho đi 

Tình yêu là một sự hòa trộn tinh tế của cảm giác và lý trí tạo ra sự thôi thúc mạnh mẽ cho tất cả mọi mối quan hệ gia đình. Nó là một dòng sông mênh mông có thể quét trôi tất cả mọi thứ, vì vậy nó cần có hai bờ vững chắc để giữ cho dòng nước chảy trong nó: sự thông minh và ý chí.

Tình yêu thường chỉ được hiểu theo ý nghĩa của sự khao khát, và không thường được hiểu theo nghĩa trao tặng và hy sinh. Thật vậy, yêu thương phải có tính tương hỗ giữa cha mẹ và con cái; bằng không nó bị giới hạn là một sự bắt chước đơn thuần theo cha mẹ, như trẻ em làm một cách tự nhiên khi chúng yêu cha mẹ.

Tình yêu có thể biến thành “sự hiến thân”, như khi cha mẹ kiểm soát con cái họ một cách thái quá. Ngược lại, nó có thể rơi vào tinh thần hy sinh quá mức, như trong trường hợp nhiều người mẹ không còn một chút thời gian cho bản thân và bị nhầm lẫn giữa yêu thương và để cho bản thân bị chiếm hết toàn bộ sức lực và thời gian. Tất cả những sự lệch hướng này cần phải được chuyển thành tình yêu đích thực đó là đón nhận để cho đi.

Sự phát triển của con trẻ trong yêu thương đi qua bốn giai đoạn: yêu bản thân khi chúng còn nhỏ; sau đó quan tâm người khác hơn bản thân, với những tình bạn đầu đời; rồi làm chủ những ham muốn và tin tưởng người khác ở tuổi thiếu niên; và cuối cùng chuyển từ lý tưởng sang thực tại khi chúng bước vào tuổi trưởng thành, qua tình yêu rung động tiến đến với người khác. 

“Khi mâu thuẫn giữa các đứa con của tôi nổ ra, chúng khóc và la hét, và tôi để cho chúng một chút thời gian để giải quyết trước khi cố gắng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra để tôi có thể tận dụng tình huống để dạy cho chúng một bài học thật sự về lòng khoan dung. Mọi sự đều là ân sủng!” Người mẹ của một gia đình đông con luôn nghĩ đến lòng khoan dung đi trước công lý nói.

Phản ánh tình yêu của Thiên Chúa

Yêu thương con cái mình như Thiên Chúa yêu thương chúng, với tình yêu dịu dàng, là để phản ánh tình yêu của Thiên Chúa qua tình yêu của cha mẹ. Liệu người ta đã nói đủ về ân sủng chuyển đến qua những hành vi dịu dàng của cha mẹ (những hành vi không ngăn chặn sự kiên quyết)? Những hành động của cha mẹ trình bày Thiên Chúa cho con cái của họ còn hơn cả ngàn lời nói.

Bằng cách làm hài hòa giữa món quà cho đi và sự khát khao — hai khuôn mặt của tình yêu — gia đình là hiện thân cho tính tương quan của tình yêu. Tình yêu vừa là sự khát khao lẫn món quà cho đi: đôi khi là một món quà của sự khát khao, và đôi khi là khát khao cho đi bản thân. Sự ham muốn, là một sự cần thiết tự nhiên nơi trẻ em, phải trưởng thành để trở thành một hình thức siêu nhiên của tình yêu (hy sinh) trong tuổi thiếu niên. Khi con cái nhận được sự giáo dục thành công trong gia đình — một ngôi trường để học yêu thương — nó đưa đến sự phát triển từ một tình yêu mang cảm xúc thuần túy sang một tình yêu nhưng không và hy sinh trọn vẹn.

Cha Michel Martin-Prével



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/2/2020]


Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Đức Thánh Cha ở Bari kêu gọi chiến đấu chống lại ‘thói quen thích kêu ca’

Đức Thánh Cha ở Bari kêu gọi chiến đấu chống lại ‘thói quen thích phàn nàn’
© Vatican Media

Đức Thánh Cha ở Bari kêu gọi chiến đấu chống lại ‘thói quen thích kêu ca’

‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em’

23 tháng Hai, 2020 15:04

Đức Thánh Cha Phanxico đến Bari, Ý, hôm Chúa nhật với thông điệp hòa bình, gặp gỡ các giám mục của vùng Địa Trung hải và dâng Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Thánh Nicholas.

Trình bày bài giảng Thánh Lễ theo Tin mừng trong ngày, trình thuật của Thánh Mát-thêu về Bài giảng trên Núi, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Chúa Giê-su mang tính cách mạng tại thời điểm đó – và vẫn cần phải được đón nhận ngày nay: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”

Đức Thánh Cha nói, “Sự thờ phụng Thiên Chúa thì ngược lại với văn hóa hận thù. Và phải chiến đấu với văn hóa hận thù bằng việc chống lại thói quen thích kêu ca.

“Chúa không dè dặt; Người không đầu hàng trước những thỏa hiệp. Người đòi hỏi nơi chúng ta tính cực đoan của đức ái. Đây là sự cực đoan hợp pháp duy nhất của Ki-tô giáo: tính cực đoan của tình yêu.”



Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Chúa Giê-su trích dẫn luật xưa: “Mắt đền mắt răng đền răng” (Mt 5:38; Xh 21:24). Chúng ta biết ý nghĩa luật đó là gì: khi một người lấy một thứ gì đó của bạn, thì bạn được lấy lại cùng một thứ như vậy từ người kia. Luật ăn miếng trả miếng đó thật ra là một dấu hiệu tiến bộ, vì nó tránh việc trả thù quá mức. Nếu một người làm hại bạn, thì bạn có thể làm hại lại người đó với cùng mức độ như vậy; bạn không thể làm điều gì đó tồi tệ hơn. Chấm dứt vấn đề ở đó, trong sự đáp trả sòng phẳng, là một bước tiến.

Nhưng Chúa Giê-su đi xa hơn điều này: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác” (Mt 5:39). Nhưng lạy Chúa, làm sao mà được? Nếu có kẻ nghĩ xấu về con, nếu có kẻ làm con tổn thương, tại sao con lại không thể trả đũa lại kẻ đó với cùng mức độ? “Không”, Chúa Giê-su nói. Phi bạo lực. Không một hành vi bạo lực nào.

Chúng ta có thể suy nghĩ rằng lời dạy của Chúa Giê-su là một phần của một kế hoạch; cuối cùng những kẻ xấu sẽ chừa bỏ. Nhưng đó không phải là lý do Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta phải yêu thương ngay cả những người làm hại chúng ta. Vậy thì lý do là gì? Chính Chúa Cha, Cha của chúng ta, tiếp tục yêu thương mọi người, ngay cả khi tình yêu của Người không được đền đáp. Chúa Cha “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (c. 45). Trong bài đọc một hôm nay, Người nói với chúng ta: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19:2). Nói một cách khác là: “Hãy sống như Ta, hãy tìm kiếm những điều như Ta tìm kiếm.” Và đây chính là những gì Chúa Giê-su đã làm. Ngài đã không chỉ ngón tay vào những kẻ kết án Ngài hoàn toàn phi lý và đưa Ngài đến với cái chết đau thương, nhưng giang rộng vòng tay ra cho họ trên thập giá. Và Ngài tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh xuyên qua cổ tay của Người (x. Lc 23:33-34).

Nếu chúng ta muốn trở thành những môn đệ của Đức Ki-tô, nếu chúng ta muốn gọi mình là người Ki-tô hữu, đây là con đường duy nhất; chẳng còn con đường nào khác. Được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta được kêu gọi hãy yêu thương; được tha thứ, chúng ta được kêu gọi hãy thứ tha; được chạm đến bởi tình yêu, chúng ta được kêu gọi hãy yêu thương mà không đợi người khác yêu thương trước; được cứu thoát một cách nhưng không, chúng ta được kêu gọi đừng tìm kiếm ích lợi từ những việc thiện chúng ta làm. Anh chị em cũng có thể nói rằng: “Nhưng Chúa Giê-su đi quá xa! Ngài thậm chí nói: ‘hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em’ (Mt 5:44). Chắc Ngài nói như vậy để thu hút sự chú ý của mọi người, nhưng Ngài không thật sự có ý nói như vậy.” Nhưng Người thật sự có ý nói như vậy. Ở đây Chúa Giê-su không nói theo những cách nghịch biện hoặc sử dụng những cụm từ đẹp. Người rất thẳng thắn và rõ ràng. Người trích dẫn luật xưa và trịnh trọng nói với chúng ta: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù.” Lời của Người là vô cùng thận trọng và chính xác.

Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Đây là sự đổi mới của Ki-tô giáo. Nó là sự khác biệt của Ki-tô giáo. Cầu nguyện và yêu thương: đây là những gì chúng ta phải thực hiện; và không chỉ làm cho những người yêu thương chúng ta, không chỉ cho những bạn bè và dân tộc chúng ta. Tình yêu của Chúa Giê-su không biết đến biên giới hoặc rào cản. Chúa yêu cầu chúng ta lòng can đảm để yêu thương mà không tính toán. Vì sự tính toán của Chúa Giê-su đó là yêu thương mà không suy tính. Không biết bao nhiêu lần chúng ta từ chối mệnh lệnh này, để cư xử cũng giống như mọi người khác! Và giới răn yêu thương của Người không đơn thuần là một thách đố; đó là trung tâm điểm của Tin mừng. Nơi đâu mệnh lệnh yêu thương phổ quát được quan tâm, chúng ta không chấp nhận những bào chữa hoặc biện hộ cho sự dè dặt cẩn trọng. Chúa không dè dặt, Người không đầu hàng trước những thỏa hiệp. Người đòi hỏi nơi chúng ta tính cực đoan của đức ái. Đây là sự cực đoan hợp pháp duy nhất của Ki-tô giáo: tính cực đoan của tình yêu.

Hãy yêu kẻ thù. Hôm nay trong Thánh Lễ này và sau đó, chúng ta hãy tự mình lặp lại những lời này thật kỹ và thực hiện những lời đó với người đối xử không tốt với chúng ta, những người làm phiền chúng ta, những người chúng ta thấy khó mà chấp nhận được, những người làm mất sự bình an của chúng ta. Hãy yêu kẻ thù. Chúng ta cũng hãy tự hỏi mình rằng: “Tôi thật sự quan tâm đến điều gì trong cuộc sống này? Về những kẻ thù, hay về những người không ưa tôi? Hay về sự yêu thương?” Đừng lo lắng về sự thâm hiểm của người khác, về những người nghĩ xấu cho anh chị em. Thay vì vậy, hãy bắt đầu tháo cởi vũ khí trong tâm hồn để nhường chỗ cho tình yêu Chúa Giê-su. Vì những ai yêu mến Thiên Chúa thì không có kẻ thù trong lòng.

Sự thờ phụng Thiên Chúa thì ngược lại với văn hóa hận thù. Và phải chiến đấu với văn hóa hận thù bằng việc chống lại thói quen thích kêu ca. Không biết bao nhiêu lần chúng ta kêu ca về những thứ chúng ta thiếu, về những việc không đi theo hướng thuận lợi! Chúa Giê-su biết tất cả những gì không đạt hiệu quả. Người biết rằng luôn luôn có ai đó không thích chúng ta, hoặc một người nào đó làm cho cuộc sống chúng ta trở nên sầu khổ. Tất cả mọi điều Người yêu cầu chúng ta làm là cầu nguyện và yêu thương. Đây là cuộc cách mạng của Chúa Giê-su, cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử: từ oán ghét kẻ thù trở thành yêu thương kẻ thù của chúng ta; từ thói quen kêu ca phàn nàn trở thành văn hóa trao tặng. Nếu chúng ta thuộc về Chúa Giê-su, thì đây là con đường chúng ta được kêu gọi để đi theo! Không có con đường nào khác.

Quả thật, anh chị em có thể phản đối: “Tôi hiểu sự cao cả của lý tưởng, nhưng đó không phải là cách mà cuộc sống thật sự diễn ra! Nếu tôi yêu thương và tha thứ, tôi sẽ không sống sót được trên thế giới này, nơi mà lập luận của sức mạnh thắng thế và mọi người dường như chỉ quan tâm đến bản thân họ.” Như vậy có phải luận lý của Chúa Giê-su, cách Ngài nhìn mọi việc, là luận lý của kẻ bại trận? Trong con mắt của thế gian, đúng là như vậy, nhưng trong con mắt của Thiên Chúa, đó là luận lý của người chiến thắng. Như Thánh Phaolo nói cho chúng ta biết trong bài đọc hai: “Đừng ai tự lừa dối mình … Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa” (1 Cr 3:18-19). Chúa nhìn thấy những điều chúng ta không thể nhìn thấy. Người biết cách để chiến thắng. Người biết rằng chỉ có thể chiến thắng sự dữ bằng sự thiện. Đó là cách Người đã cứu thoát chúng ta: không phải bằng lưỡi gươm, nhưng bằng thập giá. Yêu thương và tha thứ là cách sống như một người chiến thắng. Chúng ta sẽ thua nếu chúng ta bảo vệ đức tin bằng sức mạnh.

Chúa sẽ lặp lại cho chúng ta những lời Người nói với Phê-rô trong vườn Cây Dầu: “Hãy xỏ gươm vào bao” (Ga 18:11). Trong những Vườn Cây Dầu của ngày nay, trong thế giới thờ ơ và bất công của chúng ta dường như chứng thực cho sự đau đớn của hy vọng, thì người Ki-tô hữu không thể hành động giống như những môn đệ ban đầu thì rút gươm ra nhưng sau đó lại chạy trốn. Không, giải pháp không phải là rút gươm của chúng ta ra để chống lại người khác hoặc chạy trốn khỏi thời gian chúng ta đang sống. Giải pháp đó là con đường của Chúa Giê-su: yêu thương tích cực, yêu thương khiêm nhường, yêu “đến cùng” (Ga 13:1).

Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa Giê-su với tình yêu vô biên của Người nâng tầm nhân tính của chúng ta lên. Cuối cùng chúng ta tự hỏi: “Liệu chúng ta có thực hiện được không?” Nếu mục tiêu là bất khả thi, Chúa đã chẳng yêu cầu chúng ta cố gắng vì nó. Rất khó mà đạt được bằng sự cố gắng của riêng bản thân chúng ta; nó là một ân sủng và chúng ta phải khẩn cầu ơn đó. Hãy xin Chúa ban cho sức mạnh để yêu thương. Hãy thưa với Người: “Lạy Chúa, xin giúp con biết yêu thương, xin dạy con biết tha thứ. Con không thể tự mình làm được điều đó, con cần Người.” Nhưng chúng ta cũng phải xin ơn để có thể nhìn người khác không như những sự cản trở và phiền toái, nhưng như những người anh chị em để được yêu thương. Chúng ta rất thường cầu xin sự trợ giúp và ơn cho riêng mình, nhưng lại ít khi cầu nguyện để học cách yêu thương! Chúng ta cần phải năng cầu nguyện nhiều hơn xin ơn sống tinh thần của Tin mừng, để trở thành người Ki-tô hữu đích thực. Vì đến “buổi hoàng hôn của cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu thương” (Thánh Gioan Thánh giá, những Câu nói về Ánh sáng và tình yêu, 57).

Hôm nay chúng ta hãy chọn yêu thương, bằng bất cứ giá nào, cho dù phải lội ngược dòng. Chúng ta đừng đầu hàng theo lối suy nghĩ của thế gian, hoặc bằng lòng với những biện pháp nửa vời. Chúng ta hãy chấp nhận thách đố của Chúa Giê-su, thách đố của đức ái. Và chúng ta sẽ trở thành những Ki-tô hữu đích thực và thế giới của chúng ta sẽ trở nên nhân văn hơn.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/2/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico viếng thánh tích của Thánh Nicholas

Đức Thánh Cha Phanxico viếng thánh tích của Thánh Nicholas
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico viếng thánh tích của Thánh Nicholas

‘Những lời cầu nguyện thật sự là sức mạnh, là sức mạnh của cộng đoàn Ki-tô hữu’

23 tháng Hai, 2020 15:51

Ngày 23 tháng Hai năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxico đã dành khoảng thời gian ngắn sau những cuộc nói chuyện để đến viếng mộ của Thánh Nicholas ở Bari. Thánh tích của vị thánh nổi tiếng lưu giữ trong vương cung thánh đường mang tên của ngài.

Theo bản tin của Vatican News, trước Thánh Lễ tại Bari, Đức Thánh Cha chào đám đông trong Quảng trường phía trước Vương cung Thánh đường. Đức Thánh Cha dừng lại một lát để ban phép lành cho các thiếu nhi, trước khi cảm ơn các tín hữu một cách đặc biệt vì đã đồng hành với công cuộc của cuộc họp “Địa Trung hải, tiền tuyến của hòa bình” bằng lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói, “Những lời cầu nguyện chính là sức mạnh, là sức mạnh của một cộng đoàn Ki-tô hữu. Các mục tử cầu nguyện, nhưng trong những ngày này các ngài phải làm việc. Nhưng các ngài cảm thấy được đồng hành và an toàn với những lời cầu nguyện của anh chị em. Cha cảm ơn anh chị em rất nhiều vì công việc này, vì công việc tông đồ cầu nguyện này, cầu nguyện cho Giáo hội. Anh chị em đừng quên: hãy cầu nguyện cho Giáo hội, cho các mục tử … Và trong những lúc khó khăn chúng ta thậm chí cầu nguyện nhiều hơn, vì phải luôn uôn có Chúa đến để giải quyết các vấn đề.”

Thánh Nicholas là một giám mục Ki-tô giáo thuộc thành Myra ven biển của Hy Lạp cổ đại trong vùng Tiểu Á trong thời Đế quốc La Mã. Vì nhiều phép lạ được cho là nhờ sự can thiệp của ngài, ngài cũng được gọi là Thánh Nicholas Người làm Phép lạ. Thánh Nicholas là thánh bổn mạng của các thợ may, nhà buôn, cung thủ, những người trộm cắp đã ăn năn trở lại, những người bán dâm, trẻ em, người làm bia, chủ hiệu cầm đồ, và các sinh viên học sinh trong nhiều thành phố và quốc gia Châu Âu. Thói quen theo truyền thuyết bí mật tặng quà của ngài tạo ra nhân vật truyền thống là Ông già Noel.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/2/2020]


Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Đức Thánh Cha khen ngợi những người cống hiến cho nền giáo dục Công giáo vì công việc của họ mỗi ngày

Đức Thánh Cha khen ngợi những người cống hiến cho nền giáo dục Công giáo vì công việc của họ mỗi ngày
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha khen ngợi những người cống hiến cho nền giáo dục Công giáo vì công việc của họ mỗi ngày

Diễn từ tại Bộ Giáo dục Công giáo, giải thích lời kêu gọi trong Khế ước Giáo dục Toàn cầu sắp tới

20 tháng Hai, 2020 16:16

“Tôi cảm ơn anh chị em vi công việc anh chị em làm qua sự cống hiến mỗi ngày, và tôi khẩn xin các ơn của Chúa Thánh Thần đổ xuống trên anh chị em ban cho anh chị em sức mạnh trong sứ mạng giáo dục …”

Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ điều này trong diễn từ của ngài hôm nay ngày 20 tháng Hai năm 2020, trước phiên họp khoáng đại của Bộ Giáo dục Công giáo (của các Chủng viện và Học viện) tại Vatican.

Bộ có thẩm quyền trong ba khu vực khác nhau: tất cả các chủng viện (ngoài các chủng viện thuộc thẩm quyền của các Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc và Bộ các Giáo hội Đông phương) và các nhà đào tạo tu sĩ và các Tu hội đời; các đại học, phân khoa, học viện và trường trung học, hoặc trực thuộc giáo hội hoặc thuộc dân sự trong dân thánh; và tất cả các trường học và học viện giáo dục trực thuộc thẩm quyền hội thánh.

Đức Thánh Cha cảm ơn Bộ vì những cố gắng của bộ, lưu ý rằng phiên họp khoáng đại trong những ngày này cho họ cơ hội “để duyệt xét lại khối công việc dày đặc được thực hiện trong ba năm vừa qua, và để đưa ra những cam kết cho tương lai với tâm hồn rộng mở và hy vọng.”

Đức Phanxico nói, “Phạm vi năng lực của Bộ gắn kết anh chị em trong thế giới giáo dục đầy thú vị, mà nó không bao giờ là một hành động lặp đi lặp lại, nhưng là nghệ thuật của sự phát triển, của sự trưởng thành, và vì lý do này nó không bao giờ giống nhau.”

Nhắc nhở rằng giáo dục là một thực tại năng động, Đức Thánh Cha phản ánh về những khía cạnh khác nhau của nó, đặc biệt về phương diện sinh thái, xã hội và tập thể. Ngài cũng phản ánh về Ngày Khế ước Giáo dục Toàn cầu sắp tới vào ngày 14 tháng Năm, và lý do tại sao ngài cảm thấy buộc phải thúc đẩy nó.

Ngài nói, “Nó là một lời kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm về chính trị, quản trị, tôn giáo và giáo dục để tái xây dựng lại “ngôi làng giáo dục.” Mục đích của việc tập hợp với nhau không phải là để phát triển các chương trình, nhưng để tìm ra một bước đi chung “để làm sống lại cam kết và cùng với các thế hệ trẻ, làm mới lại đam mê về một nền giáo dục rộng mở và bao gồm hơn, có khả năng lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại xây dựng và hiểu biết lẫn nhau.

“Khế ước giáo dục không phải là một mệnh lệnh đơn thuần, nó không phải là “sự khôi phục” thuyết duy thực nghiệm mà chúng ta đã đón nhận từ nền giáo dục Khai sáng. Nó phải mang tính cách mạng.”

Đức Thánh Cha cảm ơn tất cả những người hiện diện và các nhà giáo dục Công giáo vì sự cam kết họ đặt vào công việc hàng ngày.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:


* * *

Thưa các Đức Hồng y,

Thưa các huynh đệ trong giám mục đoàn và linh mục đoàn,

Thưa anh chị em!

Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Versaldi vì những lời giới thiệu chân tình của ngài, và tôi xin chào thân ái tất cả anh chị em. Buổi họp của anh chị em trong Hội nghị Khoáng đại trong những ngày này cho anh chị em cơ hội để duyệt xét lại khối công việc dày đặc được thực hiện trong ba năm vừa qua, và để đưa ra những cam kết cho tương lai với tâm hồn rộng mở và hy vọng. Phạm vi năng lực của Bộ gắn kết anh chị em trong thế giới giáo dục đầy thú vị, mà nó không bao giờ là một hành động lặp đi lặp lại, nhưng là nghệ thuật của sự phát triển, của sự trưởng thành, và vì lý do này nên nó không bao giờ giống nhau.

Giáo dục là một thực tại năng động, nó là một chuyển động mang con người đến với ánh sáng. Nó là một loại chuyển động đặc biệt, với những đặc tính riêng biệt làm cho nó trở thành một động lực phát triển, hướng đến sự phát triển trọn vẹn của con người trong chiều kích cá nhân và xã hội của người đó. Tôi muốn dừng lại trên một số đặc điểm tiêu biểu của nó.

Một khía cạnh của giáo dục đó là hoạt động sinh thái học. Nó là một trong những lực đẩy hướng đến mục tiêu đào tạo toàn diện. Nền giáo dục đặt toàn bộ con người vào trung tâm của nó có mục đích đưa con người đến sự hiểu biết về bản thân, hiểu biết về ngôi nhà chung trong đó người đó được đặt vào để sinh sống, và trên hết là khám phá ra tình huynh đệ như là một mối quan hệ tạo ra thành phần cấu tạo đa văn hóa của nhân loại, một nguồn mạch làm phong phú lẫn nhau.

Hoạt động giáo dục này, như tôi đã viết trong Tông huấn Laudato si’, góp phần phục hồi “các cấp độ khác nhau về thế quân bình sinh thái, tạo sự hoà hợp với chính bản thân chúng ta, với người khác, với thiên nhiên và với các loại sinh vật khác, và với Thiên Chúa.” Nền giáo dục này cần những nhà giáo dục “có khả năng phát triển một nền đạo đức sinh thái, và giúp đỡ mọi người, thông qua việc giáo dục hiệu quả, để phát triển tình liên đới, trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng thương cảm” (210).

Liên quan đến phương pháp, giáo dục là một hoạt động bao gồm. Sự bao gồm đó tiến đến với tất cả những người bị loại trừ: những người bị loại trừ vì nghèo khổ, vì tình trạng bấp bênh do chiến tranh, đói kém và thiên tai, vì tính chọn lọc của xã hội, và vì những khó khăn gia đình và cuộc sống. Sự bao gồm được thể hiện rõ trong hoạt động giáo dục hỗ trợ cho những người tị nạn, những nạn nhân của nạn buôn người, và người di cư, mà không có sự phân biệt đặt trên nền tảng giới tính, tôn giáo hay sắc tộc. Sự bao gồm không phải là một phát minh hiện đại, nhưng nó là một phần không thể thiếu của thông điệp cứu độ của Ki-tô giáo. Ngày nay cần phải đẩy mạnh hoạt động giáo dục bao gồm này để đối phó với văn hóa loại bỏ phát xuất từ sự chối bỏ tình huynh đệ như là yếu tố cấu thành của nhân loại.

Một khía cạnh tiêu chuẩn khác của giáo dục là hoạt động xây dựng hòa bình. Nó mang tính hòa hợp – tôi sẽ nói về vấn đề này, nhưng chúng được liên kết với nhau – một hoạt động hòa bình, một người mang đến hòa bình. Chính bản thân người trẻ là chứng nhân cho điều này; với sự cam kết và khát khao sự thật của họ, họ liên tục nhắc chúng ta nhớ rằng “hy vọng không phải là hão huyền và hòa bình luôn luôn là một thiện ích có thể đạt được” (Diễn từ trước các Thành viên trong Ngoại giao đoàn Chính thức tại Tòa Thánh, ngày 9 tháng Một năm 2020). Hoạt động giáo dục xây dựng hòa bình là một sức mạnh được nuôi dưỡng để chống lại “sự tôn thờ bản ngã” (egolatry) tạo ra những rạn nứt bất ổn giữa các thế hệ, giữa các dân tộc, giữa các văn hóa, giữa người giàu và người nghèo, giữa nam giới và nữ giới, giữa kinh tế và đạo đức, giữa con người và môi trường (x. Bộ Giáo dục Công giáo, Khế ước Giáo dục Toàn cầu. Instrumentum laboris, 2020). Những rạn nứt và đối kháng này, gây mầm bệnh cho các mối quan hệ, che đậy một nỗi sợ hãi về sự đa dạng và khác biệt. Vì lý do này, giáo dục, với sức mạnh làm nguôi dịu của nó, được đòi hỏi phải đào tạo con người có khả năng hiểu được rằng tính đa dạng không cản trở sự hiệp nhất; ngược lại, nó là yếu tố không thể thiếu cho tính phong phú của bản sắc riêng của một người và của tất cả mọi người.

Một yếu tố khác của giáo dục là hoạt động nhóm. Nó không bao giờ là hoạt động của một cá nhân con người hay một cơ quan. Tuyên ngôn Gravissimum educationis khẳng định rằng trường học “thiết lập như một trung tâm trong đó công việc và sự tiến bộ phải được chia sẻ chung giữa gia đình, thầy cô giáo, các đoàn thể thuộc nhiều hình thức khác nhau cùng thúc đẩy đời sống văn hóa, dân sự, và tôn giáo, cũng như xã hội dân sự và toàn thể cộng đồng nhân loại” (5). Tông hiến Ex corde Ecclesiae, mà kỷ niệm năm thứ ba mươi công bố rơi vào năm nay, khẳng định rằng “một Đại học Công giáo theo đuổi mục tiêu của mình qua việc đào tạo một cộng đồng con người đích thực được thúc đẩy bởi tinh thần của Đức Ki-tô” (21). Nhưng tất cả mọi đại học được kêu gọi phải trở thành một “cộng đồng học tập, nghiên cứu và đào tạo” (Tông hiến Veritatis gaudium, art. 11 § 1).

Hoạt động nhóm này từ lâu đã bị khủng hoảng vì một số lý do. Vì vậy, tôi cảm thấy cần phải thúc đẩy Ngày Khế ước Giáo dục Toàn cầu vào ngày 14 tháng Năm này, trao phó việc tổ chức cho Bộ Giáo dục Công giáo. Nó là một lời kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm về chính trị, quản trị, tôn giáo và giáo dục để tái xây dựng lại “ngôi làng giáo dục.” Mục đích của việc tập hợp với nhau không phải là để phát triển các chương trình, nhưng để tìm ra một bước đi chung “để làm sống lại cam kết và cùng với các thế hệ trẻ, làm mới lại đam mê về một nền giáo dục rộng mở và bao gồm hơn, có khả năng lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại xây dựng và hiểu biết lẫn nhau. Khế ước giáo dục không phải là một mệnh lệnh đơn thuần, nó không phải là “sự khôi phục” thuyết duy thực nghiệm mà chúng ta đã đón nhận từ nền giáo dục Khai sáng. Nó phải mang tính cách mạng

Chưa bao giờ cần phải hợp nhất những nỗ lực trong một liên minh giáo dục rộng lớn như ngày nay để đào tạo nên những con người trưởng thành, có khả năng vượt qua được sự phân mảnh và đối kháng và tái xây dựng cấu trúc của các mối quan hệ cho một nhân loại huynh đệ hơn. Để đạt được những mục tiêu này cần phải can đảm: “Can đảm để đặt nhân vị vào trung tâm [...]. Can đảm để tận dụng những năng lượng tốt nhất của chúng ta [...]. Can đảm để rèn luyện những cá nhân sẵn sàng phục vụ cộng đồng” (Thông điệp buổi khởi động Khế ước Giáo dục, 12 tháng Chín 2019). Can đảm để trả lương cao cho các nhà giáo dục.

Tôi cũng nhìn thấy trong việc xây dựng một khế ước giáo dục toàn cầu điều kiện thuận lợi cho sự phát triển một liên minh đa học thuật và đa ngành, điều mà Tông hiến Veritatis gaudium gần đây đã chỉ ra cho các ngành học của hội thánh, như là “nguyên tắc trí tuệ quan trọng cho sự thống nhất trong sự khác nhau của kiến thức và tôn trọng những cách diễn đạt đa dạng, có tương quan và hội tụ, […] trong mối quan hệ với toàn cảnh đã bị phân mảnh và thường mang tính cục bộ của các môn học đại học và với tính đa nguyên của các niềm tin thuộc văn hóa và những lựa chọn văn hóa – không kiên định, mâu thuẫn và mang tính tương đối” (Lời nói đầu, 4 c).

Trong viễn cảnh rộng lớn về giáo dục này tôi hy vọng anh chị em sẽ tiếp tục áp dụng một cách hiệu quả chương trình cho những năm sắp tới, đặc biệt trong việc phác thảo một Hướng dẫn, trong việc thành lập một Trạm Quan sát Thế giới, và trong việc nghiên cứu và cập nhật các môn học của hội thánh và trong sự quan tâm lớn hơn đến việc chăm sóc mục vụ đại học như là một công cụ của tân phúc âm hóa. Tất cả đây là những cam kết mà chúng ta có thể đóng góp hiệu quả cho việc củng cố khế ước, với ý thức chúng ta được dạy bởi Lời Chúa: “giao ước giữa Thiên Chúa và con người, giao ước giữa các thế hệ, giao ước giữa các dân tộc và văn hóa, giao ước – trong trường học – giữa thầy cô giáo và học viên – và cả cha mẹ – giao ước giữa con người, động vật, thực vật và thậm chí các thực tại vô tri vô giác là những điều làm cho ngôi nhà chung của chúng ta trở nên đẹp và đa sắc. Mọi sự đều có liên quan với nhau, mọi sự được tạo dựng để trở thành một hình tượng sống động của Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa Ba Ngôi Tình yêu!” (Diễn từ trước Cộng đồng Học thuật của Viện Đại học Sophia của Loppiano, 14 tháng Mười Một năm 2019).

Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em vi công việc anh chị em làm qua sự cống hiến mỗi ngày, và tôi khẩn xin các ơn của Chúa Thánh Thần đổ xuống trên anh chị em ban cho anh chị em sức mạnh trong sứ mạng giáo dục. Và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.

[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/2/2020]


Tượng Đức Maria Đồng trinh cao hơn Đức Ki-tô Cứu Thế

Tượng Đức Maria Đồng trinh cao hơn tượng Đức Ki-tô Cứu Thế

Tượng Đức Maria Đồng trinh cao hơn Đức Ki-tô Đấng Cứu Thế
CC Wikimedia


Bức tượng Đức Đồng trinh này lớn hơn bức tượng bằng đá nguyên khối Chúa Giê-su ở Rio de Janeiro và Đức Ki-tô Hòa bình ở Cochabamba, Bolivia.


Cao 149 bộ (gần 45,5m), Đức Nữ Đồng trinh của thành phố Oruro, tọa lạc trên đỉnh núi cao 12.000 bộ (hơn 3657m) phía nam La Paz, Bolivia, trông xuống toàn cảnh dân cư trong vùng. Tượng này cao hơn tượng Đức Ki-tô Cứu Thế của Rio de Janeiro 22 bộ (hơn 6,7m). Được đặt tên là Virgen de la Candelaria (Đức Nữ Đồng trinh Candlemas) hoặc Virgen del Socavón (Đức Nữ Đồng trinh của Hầm mỏ,- Virgin of the Mine), tượng được tôn kính đặc biệt bởi các thợ mỏ người Bolivia, họ khẩn xin Mẹ Thiên Chúa rằng sự dồi dào về khoáng sản trong vùng không bị cạn kiệt.

Tượng Đức Maria Đồng trinh cao hơn Đức Ki-tô Đấng Cứu Thế


Sự sùng kính được UNESCO công nhận

Một đại hội được tổ chức ngày 2 tháng Hai, trong suốt thời gian lễ hội Oruro — sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm — trong khu thánh địa cung hiến cho Đức Nữ Đồng trinh. Truyền thuyết kể rằng năm 1789, một bức bích họa Đức Maria Đồng trinh xuất hiện một cách kỳ diệu trong một trong các giếng của mỏ bạc giàu nhất của Oruro. Từ đó, hàng năm các tín hữu trong phục trang trojng thể đi qua đoạn đường 5km, và nhảy múa và hát và quỳ gối trước ảnh Đức Đồng trinh đặt trong thánh điện. Sự sùng kính này quá mạnh mẽ đến mức lễ hội của thành phố Oruro được ghi vào Di sản Văn hóa Phi Vật thể của Nhân loại của UNESCO năm 2008.

Một tượng đài kỷ niệm

Lòng yêu mến của người dân đối với Đức Nữ Đồng trinh quá lớn đến mức năm 2009 chính quyền quyết định xây một bức tượng khổng lồ để phản ánh mức độ của lòng sùng kính. Hơn 110 công nhân làm việc với “tượng đài” này, với chiều cao tương đương một tòa nhà 9 tầng. Một mặt trăng nằm dưới chân Mẹ, Đức Nữ Đồng trinh bế Chúa Hài đồng Giê-su trên cánh tay trái, trong khi tay phải Mẹ cầm một cây nến. Kết cấu được thiết kế chịu được các chấn động địa chấn, và các đường dẫn thu lôi cũng như đèn báo an toàn được lắp đặt để cảnh báo cho máy bay và máy bay trực thăng.

Ở tầng trệt của tượng Đức Nữ Đồng trinh là một nhà nguyện để tín hữu có thể cầu nguyện. Khi leo lên các tầng, du khách có thể thưởng lãm thành phố với toàn cảnh rất ấn tượng, và quang cảnh này thậm chí còn ngoạn mục hơn ở các tầng trên đỉnh: 140 ngôi sao trên áo choàng của Đức Nữ Đồng trinh, thiết kế như những cửa sổ, cho quang cảnh đẹp mê hồn. Cho đến nay, tượng Đức Nữ Đồng trinh Oruro vẫn giữ vị trí là tượng đài tôn giáo cao nhất ở Mỹ La-tinh.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/2/2020]


Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Bệnh viện Trung Quốc điều trị virus corona có lịch sử của Công giáo

Bệnh viện Trung Quốc điều trị virus corona có lịch sử của Công giáo

Bệnh viện Trung Quốc điều trị virus corona có lịch sử của Công giáo

21 tháng Hai, 2020

Nhà thương được xây dựng để tưởng nhớ nhà truyền giáo Dòng Phan Sinh người Ý đã cống hiến cuộc đời cho người dân Trung Quốc.

Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc luôn nằm trên các bản tin trong suốt nhiều tuần lễ, vì virus COVID-19 đã lây lan trong khắp thủ phủ và trên toàn thế giới. Các giới chức Trung Quốc đã áp đặt rộng rãi việc cách ly và xây dựng các bệnh viện mới để đối phó với sự bùng nổ.

Một trong những bệnh viện đầu tiên được chỉ định để điều trị dịch có lai lịch quá khứ của Công giáo. Một website của Dòng Phan Sinh OFM cho biết tiền thân của Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán là Nhà thương Bệnh Truyền nhiễm Vũ Hán, được đặt tên là Nhà thương Công giáo Tưởng nhớ Cha Mei Hán Khẩu khi nó được thành lập năm 1926. Nó được đặt theo tên của một nhà truyền giáo Dòng Phan Sinh người Ý, Cha Pascal Ange (Angelicus) Melotto, người đã lấy tên Trung Quốc là Mei Zhanchun.

“Mei” là một chữ Trung Quốc có nghĩa là “quả mận,” website cho biết.

Sinh tại thị trấn Lonigo nước Ý năm 1864, Melotto gia nhập Dòng Phan Sinh năm 1880 và sang Trung Quốc năm 1902. Bị liên lụy do một mâu thuẫn trong địa phương, Cha bị bắt cóc năm 1923. Một khoản tiền chuộc lớn được đặt ra, và các sứ quán Ý và Pháp can thiệp để cố gắng giải quyết vấn đề.

Website viết, “Khi bị bắt cóc, cha bị di chuyển nhiều lần giữa các tỉnh Hồ Bắc và Hà Nam và qua đời ba tháng sau, khi một trong những kẻ bắt cóc bắn vào bụng cha bằng một viên đạn tẩm độc. Trước khi chết, cha nói, ‘Tôi hạnh phúc vì chết cho người Trung Quốc. Tôi sống ở Trung Quốc vì người Trung Quốc và bây giờ tôi hạnh phúc được chết cho họ’.”

Trang web cho biết thêm chi tiết:

Trong quá khứ, khi một nhà truyền giáo nước ngoài bị giết, quốc gia quê hương của nhà truyền giáo đó đòi những khoản bồi thường khổng lồ từ Trung Quốc, từ đó tạo cảm tưởng rằng Giáo hội đứng về phe của đế quốc. Tuy nhiên, năm 1919, Đức Giáo hoàng Benedict XV công bố Tông thư Maximum illud cảnh báo chống lại sự liên kết giữa chủ nghĩa đế quốc và tôn giáo, và vì vậy vị Khâm sứ đầu tiên đến Trung Quốc, là Hồng y Celso Costantini, nhấn mạnh rằng thay vì nhượng bộ cho chính phủ vừa được thành lập của Mussolini, cần phải xây dựng một nhà thương để tôn vinh cha Melotto. Cuối cùng hài cốt của cha được chuyển đến một đài kỷ niệm được gọi là Đền Plum (“mei”) Pavilion.

Là một trong năm nhà thương Công giáo trong vùng, Nhà thương Tưởng niệm Cha Mei đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ người nghèo ở Hán Khẩu. Năm 1949, có 150 giường, hai phòng khám, 20 nữ tu Phan Sinh Christian Doctrine, và bảy y tá. Năm 1952, khi tất cả các nhà truyền giáo bị trục xuất, nhà thương bị tịch thu và đổi tên. Năm 2008, tòa nhà bệnh viện ban đầu bị phá hủy và bệnh viện được chuyển đến một vị trí khác và đổi thành Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán. Đền Plum Pavilion bị tháo dỡ, đang chờ để được lắp đặt lại trong một ngày nào đó … và sự hiện diện thừa sai Phan Sinh cũng chờ đợi cơ hội được tiếp tục tại nơi mà Dòng đã ra đi.

Thật đáng tiếc, một bác sĩ 29 tuổi chiến đấu chống lại virus đã chết do bệnh này khi được điều trị tại Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán ngày 30 tháng Một.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/2/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 11-15/2/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 11-15/2/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 11-15/2/2020


11 tháng Hai: Đức Giê-su Ki-tô tặng ban lòng thương xót của Người cho những ai chịu sự đau đớn do các hoàn cảnh mong manh, đau khổ, và yếu đuối. Ngài mời gọi mọi người chia sẻ sự sống của Ngài và trải nghiệm tình yêu dịu dàng của Ngài. #WorldDayOfTheSick http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/sick/documents/papa-francesco_20200103_giornata-malato.html

12 tháng Hai: "Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an" (Mt 5:4). Thật khôn ngoan và phúc cho người đón nhận sự đau khổ vì yêu, vì họ sẽ nhận được sự ủi an của Chúa Thánh Thần, Đấng là sự dịu dàng của Thiên Chúa, là Đấng tha thứ và sửa lại lỗi lầm. #GeneralAudience#Beatitudes

12 tháng Hai: Cha gửi Tông huấn mới này đến toàn thế giới. Cha làm việc này để giúp thức tỉnh cảm thức của họ và mối quan tâm về miền đất cũng là “vùng đất của chúng ta.” #QueridaAmazonia http://w2.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20200202_querida-amazonia.html

12 tháng Hai: Cha mơ ước về một vùng Amazon chiến đấu vì quyền của người nghèo, những dân tộc bản địa và người bé mọn nhất trong anh chị em của chúng ta, nơi tiếng nói của họ có thể được nghe thấy và phẩm giá của họ được thăng tiến. #QueridaAmazonia

12 tháng Hai: Thiên Chúa, Đấng chăm sóc cho chúng ta trước hết, dạy chúng ta biết chăm sóc cho anh chị em chúng ta và môi trường mà Ngài ban cho chúng ta mỗi ngày. Đây là môi trường sinh thái đầu tiên mà chúng ta cần. #QueridaAmazonia http://w2.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20200202_querida-amazonia.html

12 tháng Hai: Cha mơ ước về những cộng đoàn Ki-tô hữu có khả năng cam kết quảng đại, hiện thân trong vùng Amazon, và tặng cho Giáo hội những khuôn mặt mới với những điểm đặc trưng của vùng Amazon. #QueridaAmazonia

12 tháng Hai: Các dân tộc Amazon có quyền được nghe Tin mừng: sự loan báo Thiên Chúa là Đấng vô cùng yêu thương mọi người nam và nữ, và đã mạc khải tình yêu này một cách trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô, đã chịu đóng đinh vì chúng ta và đã sống lại trong đời sống chúng ta. #QueridaAmazonia

13 tháng Hai: Chúng ta thường lãng quên Thiên Chúa và quay sang những thần khác: tiền bạc, sự hư ảo, kiêu ngạo. Chúng ta hãy xin ơn hiểu biết khi tâm hồn chúng ta rơi vào tính thế gian. Ân sủng và tình yêu của Chúa sẽ ngăn chúng ta lại nếu chúng ta kêu xin trong lời cầu nguyện. #HomilySantaMarta

14 tháng Hai: Hôm nay thật là tốt khi chúng ta nghĩ đến những người - như một hành động cảm tạ Thiên Chúa - đã đồng hành với chúng ta trên hành trình cuộc sống: những người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp … Chúa muốn chúng ta cùng với nhau nên như một dân tộc. Xin cảm tạ Chúa vì Người không bao giờ để chúng con một mình! #HomilySantaMarta

15 tháng Hai: Lời cầu nguyện của chúng ta đừng chỉ giới hạn riêng vào những nhu cầu, những gì chúng ta cần: lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu thật sự khi nó cũng mang chiều kích phổ quát.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/2/2020]