Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 13 tháng 2, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 13 tháng 2, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 13 tháng Hai, 2022

_________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trung tâm của bài Tin mừng trong Phụng vụ hôm nay là các Mối Phúc (x. Lc 6:20-23). Thật thú vị khi lưu ý thấy rằng, mặc dù một đám đông rất lớn vây quanh, nhưng Chúa Giêsu lại công bố các mối phúc bằng cách xưng hô với “các môn đệ của Ngài” (c. 20). Quả thật, các Mối Phúc xác định căn tính của người môn đệ Chúa Giêsu. Các Mối Phúc nghe thật kỳ lạ, gần như không thể hiểu được đối với những người không phải là môn đệ; nhưng ngược lại, nếu chúng ta tự vấn rằng một người môn đệ của Chúa Giêsu là như thế nào, thì câu trả lời chính là các Mối Phúc. “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (c. 20). Phúc cho anh em là những người nghèo khó; thật vậy, họ được phúc vì họ nghèo khó.

Theo ý nghĩa nào? Theo ý nghĩa rằng người môn đệ của Chúa Giêsu không tìm niềm vui của mình trong tiền bạc, quyền lực, hoặc những thứ vật chất khác; nhưng tìm trong những món quà họ đón nhận hàng ngày từ Thiên Chúa: sự sống, tạo vật, anh chị em, v.v.. Đây là những món quà của cuộc sống. Họ bằng lòng chia sẻ ngay cả những của cải họ sở hữu, vì họ sống theo luận lý của Thiên Chúa. Và luận lý của Thiên Chúa là gì? Là sự nhưng không. Người môn đệ đã học cách sống nhưng không. Sự nghèo khó này cũng là một thái độ đối với ý nghĩa của cuộc sống, vì người môn đệ Chúa Giêsu không nghĩ đến việc sở hữu nó, đến việc đã biết được mọi sự, nhưng họ biết rằng họ phải học hỏi mỗi ngày. Và đây là sự nghèo khó: ý thức phải học mỗi ngày. Mang lấy thái độ này, môn đệ của Chúa Giêsu là người khiêm nhường, cởi mở, xa rời thành kiến và sự cứng nhắc.

Có một tấm gương rất tốt trong bài đọc Tin mừng của Chúa nhật trước: Simon Phêrô, một ngư phủ dày dạn kinh nghiệm, đã chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu thả lưới vào một giờ khác thường, và rồi, đầy kinh ngạc trước vụ đánh bắt kỳ diệu, đã bỏ thuyền và tất cả đồ đạc của mình để theo Chúa. Thánh Phêrô cho thấy ông vâng lời bằng cách rời bỏ mọi thứ, và bằng cách này ông đã trở thành một người môn đệ. Ngược lại, những người gắn chặt với những ý tưởng và sự an toàn riêng của họ, sẽ thấy khó để thật sự theo Chúa Giêsu. Họ theo Ngài một chút thôi, chỉ trong những điều mà “tôi đồng ý với Ngài và Ngài đồng ý với tôi,” nhưng rồi phần còn lại thì không tiến xa hơn. Và đây không phải là người môn đệ. Họ có thể lắng nghe Ngài, nhưng họ không theo Ngài. Và vì thế họ rơi vào tình trạng buồn bã. Họ trở nên buồn bã vì tài khoản của họ không cộng thêm vào, vì thực tại thoát khỏi tâm lý của họ và họ thấy bất mãn. Mặt khác, các môn đệ biết cách tự vấn bản thân, khiêm tốn tìm kiếm Thiên Chúa mỗi ngày, và việc này cho phép họ đi sâu vào thực tế, nắm bắt được sự phong phú và phức tạp của nó.

Nói cách khác, người môn đệ chấp nhận nghịch lý của các Mối Phúc: họ tuyên bố rằng những ai nghèo khó, những người thiếu thốn nhiều thứ và chấp nhận điều này, thì được phúc, tức là được hạnh phúc. Nói theo cách con người, chúng ta có xu hướng suy nghĩ theo cách khác: thật hạnh phúc cho những người giàu có, với nhiều của cải, những người nhận được sự tán thưởng và là sự ghen tị của nhiều người, những người có tất cả mọi sự chắc chắn. Nhưng đây là cách suy nghĩ của thế gian, nó không phải là cách nghĩ của các Mối Phúc! Ngược lại, Chúa Giêsu tuyên bố rằng sự thành công của thế gian là một thất bại, vì nó dựa trên sự ích kỷ thổi phồng lên và rồi để lại sự trống rỗng trong tâm hồn. Đứng trước nghịch lý của các Mối Phúc, người môn đệ cho phép bản thân bị thử thách, ý thức rằng không phải Thiên Chúa phải đi theo luận lý của chúng ta, nhưng chúng ta phải đi theo luận lý của Người. Vì người môn đệ của Chúa Giêsu thì vui mừng, với niềm vui đến từ Chúa Giêsu. Bởi vì, chúng ta hãy nhớ rằng, lời đầu tiên Chúa Giêsu nói là: phúc cho, beati, mang đến cho chúng ta tên gọi của Các Mối Phúc. Điều này đồng nghĩa với việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Bằng cách giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tính quy ngã, Chúa đã phá vỡ những ổ khóa, làm mềm lòng của chúng ta, và mở ra cho chúng ta niềm hạnh phúc thật sự được tìm thấy ở nơi mà chúng ta không mong chờ. Chính Ngài là người dẫn dắt cuộc sống chúng ta, không phải chúng ta với những định kiến và đòi hỏi của mình. Cuối cùng, người môn đệ là những người cho phép bản thân được Chúa Giêsu dẫn dắt, những người mở lòng ra với Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài và theo con đường của Ngài.

Rồi chúng ta có thể tự hỏi: tôi – mỗi người chúng ta – có được sự sẵn sàng của người môn đệ không? Hay tôi cư xử với sự cứng nhắc của một người tin rằng mình là đúng, cảm thấy mình đã tề chỉnh, cảm thấy họ đã đến được tới đích? Tôi có cho phép bản thân “bị đảo lộn trong lòng” bởi nghịch lý của các Mối Phúc không, hay tôi tôi duy trì trong giới hạn của những ý tưởng của riêng tôi? Và rồi, với luận lý của các Mối Phúc, gạt sang một bên những gian nan và khó khăn, tôi có cảm nhận niềm vui khi theo Chúa Giêsu không? Đây là đặc điểm quyết định của người môn đệ: niềm vui của tâm hồn. Chúng ta đừng quên – niềm vui của tâm hồn. Đây là tiêu chuẩn để biết một người có phải là môn đệ không: người đó có niềm vui trong lòng hay không? Tôi có niềm vui trong tâm hồn không? Đây là điểm then chốt.

Xin Đức Mẹ, người môn đệ đầu tiên của Chúa, giúp chúng ta sống như những người môn đệ cởi mở và vui mừng.

____________________________________

Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Tin tức từ Ukraine là rất đáng lo ngại. Tôi phó thác mọi nỗ lực vì hòa bình cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và lương tâm của các nhà lãnh đạo chính trị. Chúng ta cùng thinh lặng cầu nguyện.

Cha thân ái chào tất cả anh chị em: người Roma và khách hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác.

Đặc biệt, cha gửi lời chào các tín hữu của giáo xứ Funchal và Estreito de Câmara de Lobos, trên đảo Madeira, Bồ Đào nha, cũng như các tín hữu đến từ Perugia và Catanzaro.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/2/2022]


Chuyến đi quốc tế đầu tiên của Đức Giáo hoàng năm 2022 sẽ đến Malta

Chuyến đi quốc tế đầu tiên của Đức Giáo hoàng năm 2022 sẽ đến Malta

Chuyến đi quốc tế đầu tiên của Đức Giáo hoàng năm 2022 sẽ đến Malta

Nhà thờ Chính tòa Mdina và khu vực xung quanh

Kathleen N. Hattrup

10/02/22


Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm quốc đảo ngày 2 và 3 tháng Tư.

Đức Giáo hoàng sẽ thăm Malta vào ngày 2 và 3 tháng Tư năm 2022, ông Matteo Bruni, Giám đốc văn phòng báo chí Vatican chính thức xác nhận vào ngày 10 tháng Hai. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 36 của vị Giáo hoàng 85 tuổi ra khỏi lãnh thổ nước Ý kể từ khi được bầu chọn vào năm 2013. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh đảo quốc Malta đang kỷ niệm một ngày lễ rất đặc biệt, vụ đắm tàu của Thánh Phaolô.

Ông Bruni thông báo, “Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Malta, chính quyền dân sự và Giáo hội Công giáo của đất nước, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến Tông du đến Malta từ ngày 2 đến ngày 3 tháng Tư năm 2022, thăm các thành phố Valletta, Rabat, Floriana và đảo Gozo. Chương trình và thông tin chi tiết về chuyến đi sẽ được thông báo trong thời gian sắp tới.”

Ít phút trước, Tổng giáo phận Malta đã đưa tin chính thức qua tài khoản Twitter của giáo phận.

Chuyến đi quốc tế đầu tiên của Đức Giáo hoàng năm 2022 sẽ đến Malta


Người phát ngôn cho biết Đức Giáo hoàng sẽ thăm thủ đô của đất nước là Valletta, cũng như các thành phố Rabat, Floriana và đảo Gozo, mà không khẳng định việc vị đứng đầu Giáo hội Công giáo có đến thăm ngôi làng Hal Far hay không – như thông báo của tổng giáo phận.

Nằm ở phía nam của Malta, thành phố này có một trung tâm cho người di cư. Báo chí Malta địa phương đưa tin rằng chuyến thăm trung tâm là một phần của chương trình. Vào tháng Mười Hai, trong chuyến tông du cuối cùng của năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm một trại di cư trên đảo Lesbos, Hy Lạp.


Vị giáo hoàng thứ ba đến thăm Malta

Chuyến đi này đã được lên kế hoạch từ lâu. Nó đã được công bố vào tháng Năm năm 2020 trước khi bị hủy do đại dịch Covid-19. Sau đó, chuyến thăm được đề cập vào cuối năm 2021 – như một phần của chuyến đi đến Síp và Hy Lạp nói riêng – trước khi bị hoãn lại một lần nữa.

Được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp vào ngày 8 tháng Mười năm 2021, Thủ tướng của quần đảo, ông Robert Abela, cho biết vào cuối buổi tiếp kiến rằng chuyến đi sẽ diễn ra vào năm sau.

Qua việc đến thăm Malta, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thực hiện chuyến đi đầu tiên trong năm 2022 ra ngoài lãnh thổ nước Ý – ngài dự kiến sẽ đến Florence vào ngày 27 tháng Hai để có cuộc họp với các giám mục và thị trưởng vùng Địa Trung Hải. Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm hòn đảo sau hai chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1990 và 2001, và Đức Bênêđictô XVI vào năm 2010.


Malta trong sách Tông đồ Công vụ

Thánh Phaolô nhận thấy đảo Malta chào đón một cách đặc biệt, điều đã mang đến cho hòn đảo này tiếng tăm về lòng hiếu khách, như đã được các vị giáo hoàng gần đây đề cập đến.

10 câu đầu tiên của sách Công vụ đoạn 28 kể lại câu chuyện đắm tàu của Thánh Phaolô:

Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Man-ta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Ông Phao-lô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.” Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần.

Gần nơi ấy, có đồn điền của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púp-li-ô. Ông tiếp đón chúng tôi và niềm nở cho chúng tôi trú ngụ trong ba ngày. Có ông thân sinh ông Púp-li-ô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phao-lô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi. Thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành. Họ trọng đãi chúng tôi, và khi chúng tôi xuống tàu, họ đã đem tới những gì chúng tôi cần dùng.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/2/2022]