Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Nghi thức sám hối (TOÀN VĂN)

TIẾP KIẾN CHUNG: Nghi thức sám hối (TOÀN VĂN)

‘Chúng ta phải kể tội mình ra’


3 tháng Một, 2018
TIẾP KIẾN CHUNG: Nghi thức sám hối (TOÀN VĂN)
© Vatican Media
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay, buổi tiếp kiến đầu tiên của năm 2018, được tổ chức lúc 9:25 trong Đại sảnh Phao-lô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục chủ đề giáo lý về Thánh Lễ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về nghi thức sám hối, Zenit có bài dịch (tiếng Anh) toàn văn dưới đây.

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng hài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha


Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tiếp tục loạt giáo lý về Thánh Lễ, hôm nay trong bối cảnh của những nghi thức đầu Lễ, chúng ta suy tư về nghi thức sám hối. Trong thinh lặng, nó giúp chuẩn bị thái độ sẵn sàng tâm hồn để xứng đáng cử hành những mầu nhiệm thánh, đó chính là biết nhận tội của mình trước Thiên Chúa và anh em; thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân. Đúng vậy, lời mời gọi của linh mục đến toàn thể cộng đoàn đang cầu nguyện, vì tất cả chúng ta là những người có tội. Thiên Chúa có thể ban được cái gì cho một tâm hồn đầy những kiêu căng với bản thân, với những thành công của người đó? Chẳng có gì cả, vì khi một người quá tự cao thì không có khả năng đón nhận sự tha thứ, no nê với ý nghĩ xem mình là người công chính. Chúng ta hãy nghĩ đến dụ ngôn người Pha-ri-sê và người thu thuế, trong đó người thứ hai – người thu thuế — về nhà và được nên công chính, tức là được tha thứ (x. Lc 18:9-14). Một người ý thức được những sự khốn khổ của mình và cúi ánh mắt xuống với lòng khiêm nhường, cảm nhận được cái nhìn thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên mình. Từ những kinh nghiệm chúng ta biết rằng chỉ người nào biết thừa nhận lỗi lầm của mình và xin sự tha thứ, thì mới hiểu và biết tha thứ cho người khác.

Lắng nghe tiếng nói của lương tâm trong thinh lặng giúp chúng ta có thể nhận ra rằng những tư tưởng của chúng ta rất xa với những tư tưởng của Thiên Chúa, rằng lời nói và hành động của chúng ta thường theo tính trần gian, nghĩa là có những lúc nghịch lại với Tin mừng. Vì thế, ngay vào đầu Thánh Lễ, chúng ta cùng thực hiện cử chỉ sám hối qua nghi thức thú tội tổng quát, được nói lên với chủ ngữ ngôi thứ nhất số ít (Tôi). Mỗi người thú nhận với Chúa và với anh em “đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.” Đúng, cả những điều thiếu sót, đó là sao lãng làm việc tốt mà một người đáng lẽ phải làm. Chúng ta thường cảm thấy mình rất tốt vì — chúng ta nói rằng — “Tôi chưa làm gì sai phạm với ai cả.” Nhưng không làm gì sai phạm với anh em vẫn chưa đủ, chúng ta phải chọn cách làm việc thiện để làm chứng tá tốt lành thể hiện chúng ta là những môn đệ của Chúa Giê-su. Phải nhấn mạnh rằng thú tội là tốt, bất kể là với Thiên Chúa hay với anh em, rằng chúng ta là những người tội lỗi: việc này giúp chúng ta hiểu được chiều kích của tội khi nó chia cách chúng ta với Thiên Chúa, và chia rẽ chúng ta với anh em và ngược lại. Tội lỗi phá vỡ: nó phá vỡ mối quan hệ với Thiên Chúa và nó phá vỡ mối quan hệ với anh em, mối quan hệ trong gia đình, trong xã hội và trong cộng đoàn. Tội lỗi luôn phá vỡ, chia cách, chia rẽ.

Những lời chúng ta thú nhận từ miệng kèm với hành động đấm ngực, thừa nhận rằng tôi đã phạm tội bởi chính lỗi của bản thân tôi, chứ không phải do người khác. Quả thật, rất thường khi vì sợ hãi hay xấu hổ, chúng ta chỉ ngón tay để tố cáo người khác. Việc thừa nhận chúng ta đáng trách là rất khó, nhưng chân thành thú nhận, thú nhận tội lỗi của chúng ta, sẽ làm chúng ta nên tốt. Cha nhớ đến một câu chuyện của một nhà thừa sai lớn tuổi kể lại, câu chuyện một người phụ nữ đến xưng tội và bắt đầu kể ra những tội của chồng bà; rồi bà tiếp tục kể tội của mẹ chồng, và tiếp đến là tội của những người hàng xóm. Đến một lúc cha giải tội phải nói với bà: “Nhưng thưa bà, bà kể xong chưa? — Rất tốt: bà đã kể xong tội của người khác. Bây giờ hãy bắt đầu xưng tội của bà.” Chúng ta phải kể tội của chúng ta!

Sau phần thú tội, chúng ta nài xin Mẹ Maria Đồng Trinh Diễm Phúc, các Thiên Thần và các thánh khẩn cầu cho chúng ta. Ở đây, sự hiệp nhất với các Thánh là rất quý báu: đó chính là sự can thiệp của “những người bạn và mẫu gương đời sống” (Preface of November 12) giữ gìn chúng ta trên hành trình tiến đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa, khi tội lỗi hoàn toàn bị tiêu diệt.

Ngoài cách “tôi thú nhận,” có thể thực hiện hành động sám hối theo những công thức khác, chẳng hạn: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì chúng con đã lỗi phạm chống lại Người. / Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi của Người cho chúng con. / Và ban ơn cứu độ cho chúng con” (x. Tv 123:3; 85:8; Gr 14:20). Đặc biệt trong ngày Chúa nhật, có thể ban phép lành và rảy nước thánh để nhắc lại Bí tích Rửa tội của chúng ta (x. OGMR, 51), để thanh tẩy tội của chúng ta. Và cũng là một phần trong nghi thức sám hối, có thể hát kinh Kyrie eleison (Kinh Thương xót): theo cách diễn đạt của Hy lạp cổ xưa, chúng ta ngợi khen Thiên Chúa – Kyrios – và khẩn nài lòng thương xót của Người (Ibid., 52).

Sách Thánh cho chúng ta nhiều ví dụ sáng ngời về những hình ảnh “sám hối,” nhìn lại bản thân sau khi đã phạm tội, và tìm được lòng can đảm để gỡ bỏ chiếc mặt nạ và mở lòng ra cho ân sủng làm canh tân lại tâm hồn. Chúng ta nhớ đến Vua Đa-vít và những lời của vua trong sách Thánh vịnh: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (51:3). Chúng ta nhớ đến Đứa con Hoang đàng trở về với cha nó; hay lời cầu xin của người thu thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13). Chúng ta cũng nhớ đến Thánh Phê-rô, đến Da-kêu, đến người phụ nữ Samari. So sánh bản thân với sự mỏng giòn của đất sét mà từ đó chúng ta được tạo dựng nên là một kinh nghiệm củng cố cho chúng ta: nó làm chúng ta biết chấp nhận những sự yếu đuối, nó mở rộng con tim của chúng ta biết khẩn cầu lòng thương xót của Chúa để biến đổi và hoán cải. Và đây là điều chúng ta làm trong nghi thức sám hối đầu Lễ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


* * *


Tiếng Ý

Cha xin gửi những lời chúc hy vọng và hòa bình cho Năm mới tới tất cả anh chị em hành hương nói tiếng Ý đang hiện diện trong Buổi Tiếp Kiến Chung đầu tiên của năm 2018.

Cha rất vui được chào đón các tham dự viên của Tổng Công hội của Dòng Nữ tu Lòng Thương xót và Dòng Thánh Giá. Cha khuyến khích anh chị em hãy thăng tiến đặc sủng bằng tinh thần phục vụ và trung thành với Giáo hội.

Cha chào các chủng sinh của Học viện Thừa sai Consolata; các thành viên của Gia đình Cầu nguyện và Bác ái của Agropoli và các nhóm giáo xứ, đặc biệt anh chị em từ Mozzo, từ Belvedere di Tezze sul Brenta và từ Sant’Arsenio.

Cha gửi lời chào đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Trong Năm Mới này cha mời tất cả hãy đón nhận và chia sẻ lòng nhân từ của Thiên Chúa mỗi ngày. Các bạn trẻ thân yêu, hãy là những sứ giả của tình yêu của Đức Ki-tô giữa mọi người; anh chị em bệnh nhân thân mến, hãy tìm sự hỗ trợ của Chúa trong sự đau khổ, và chúng con những đôi uyên ương mới thân yêu, hãy làm chứng nhân cho niềm vui của Bí tích Hôn nhân qua tình yêu chung thủy và dành cho nhau.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/1/2018]


10 người đã dâng hiến cuộc đời cho tha nhân năm 2017

10 người đã dâng hiến cuộc đời cho tha nhân năm 2017

01 tháng Một, 2018
10 người đã dâng hiến cuộc đời cho tha nhân năm 2017

Aleteia giới thiệu những chứng nhân bác ái của năm.

Những ai là Mẹ Teresa Calcutta của thời đại chúng ta? Ai là những chứng nhân của lòng bác ái và yêu thương vô điều kiện dành cho tha nhân, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất?

Trong năm 2017 này, cũng như trong hai thiên niên kỷ qua, rất nhiều người thuộc các nền tảng Ki-tô giáo khác nhau đã dâng hiến cuộc đời của họ đến mức hy sinh mạng sống vì tha nhân, hoặc cống hiến trong việc lan truyền tình yêu của Thiên Chúa qua sự cho đi mỗi ngày một cách quảng đại của họ cho những người thiếu thốn nhất.

Dưới đây chúng tôi xin trình bày 10 mẫu gương chứng nhân của lòng bác ái của những người đã sống, hoặc đang sống lời của Chúa Giê-su sâu sắc nhất: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).

1) Ignacio Echeverría, “anh hùng ván trượt” trong các vụ tấn công ở London


Thế giới nhớ đến anh như là vị “anh hùng ván trượt,” vì Ignacio Ecchevaría, một nhân viên ngân hàng 39 tuổi, không ngần ngại đối đầu với một trong những kẻ khủng bố ngày 3 tháng Sáu, 2017 trong vụ tấn công Cầu London, bằng một trong những dụng cụ của môn thể thao đam mê của anh: một ván trượt.

Có thể anh vẫn cứ tiếp tục lộ trình của mình trên chiếc xe đạp và chạy trốn như bao người khác, nhưng anh đã xuống xe và đối mặt với kẻ giết người, cứu thoát mạng sống của nhiều người đang cố tìm cách chạy thoát. Anh đã bị đâm tử thương khi hai kẻ khủng bố khác tấn công sau lưng anh.

Ignacio, có một văn bằng luật, là thành viên của hội Công giáo Tiến hành và là một người đam mê thể thao thực thụ (ngoài trượt ván, anh yêu môn lướt sóng, chơi golf, và môn bóng squash). Anh đã rời quê hương Tây Ban nha đến làm việc ở đây với vị trí một người phân tích cho ngân hàng HSBC, công việc của anh tại đây là ngăn chặn rửa tiền. Một số người đã đề nghị Giáo hội xem xét khả năng phong chân phước cho anh.

2) Gaetano Nicosia, “thiên thần của những người bệnh phong” ở Trung quốc


Cha Gaetano Nicosia, một nhà thừa sai dòng Sa-lê-diêng (Salesian), đến Macao năm 1963 để chăm sóc cho khoảng 100 người bệnh phong, họ đã phải tị nạn trên đảo Coloane. Bị ruồng bỏ vì số phận, họ rơi vào những hoàn cảnh vô cùng thê thảm, vô cùng đau khổ vì tình trạng vệ sinh thật kinh khủng, bạo lực, và tự tử.

Cha Nicosia, sinh tại Ý năm 1915, nói được tiếng Trung quốc, vì ngài đã bắt đầu công cuộc thừa sai giữa những cộng đoàn người Trung hoa từ năm 1935, ở Hong Kong, Macao, và trong tỉnh Quảng đông của Trung quốc đến khi Cộng sản trục xuất ngài khỏi Trung hoa lục địa năm 1950.

Khi đức Giám mục Macau yêu cầu dòng Sa-lê-diêng giúp chăm sóc cho những người bệnh phong ở Coloane, Cha Nicosia đến sống với họ, như Thánh Đa-miên (Damian Molokai) đã làm. Từ năm 1963 đến 2011, trong suốt 48 năm, ngài cùng chia sẻ cuộc sống với những người bệnh phong, làm biến đổi nơi đó.

Ngài đưa các y tá và bác sĩ lên đảo, giúp mang đến thực phẩm chất lượng và phong phú, sửa sang lại các căn nhà, mang điện và nước sạch đến, xây dựng một nông trại và đào tạo nghề nghiệp để mỗi bệnh nhân phong có thể có được một việc làm, và ngài đã xây dựng một trường học và một nhà thờ.

Năm 2011, khi đó ngài đã quá già và rời sứ mạng, không còn người nào trên đảo mang căn bệnh Hansen. Chứng tá sự sống của vị linh mục làm cho hầu hết thành viên của cộng đồng theo đức tin Ki-tô giáo. Cha Nicosia qua đời ở Hong Kong ngày 6 tháng Mười Một, thọ 102 tuổi.

3) Sudha Varghese, người giải phóng “tầng lớp tiện dân” của Ấn độ


Ở Ấn độ, chị được gọi là “Nari Gunjan” nghĩa là “tiếng nói của phụ nữ.” Chúng tôi đang nói về Nữ tu Sudha Varghese, một tu sĩ của Dòng Con Đức Bà.

Công việc của chị cho phép chị giải phóng người Musher, “dalits” (tầng lớp tiện dân) của Bang Bihar, đặc biệt là phụ nữ, thoát khỏi sự lạm dụng tình dục và những xúc phạm khác.

Trước khi chị đến trong thập niên 1980, người ta biết là người Musher phải ăn thịt chuột. Họ không có một chút tài sản riêng, việc làm của họ là lau nhà vệ sinh và làm trong những hầm sản xuất rượu.

Phụ nữ và trẻ em của họ thường bị lạm dụng tình dục trong những nhà của các tầng lớp ưu tú. Họ không có cơ hội đi học. Các bé gái thường bị bắt kết hôn lúc 10 tuổi.

Nữ tu Sudha Varghese, sinh năm 1949 trong một gia đình giàu có ở Kerala, đã phá vỡ vòng xoay khắc nghiệt đó bằng cách tạo ra một mạng lưới các trung tâm đào tạo cho các bé gái người Musher, nhiều em là những bà mẹ đơn thân. Chị bị nhiều đe dọa tính mạng vì công việc của chị.

Sống như một người tiện dân trong suốt hai thập kỷ, chị đã bổ sung cho công việc bác ái với những Trung tâm Vui học, đó là những trung tâm giáo dục cho trẻ em trao tặng một tương lai cho “pariahs,” thậm chí thành lập những đội bóng cricket lớn.

4) Marta Mya Thwe, “Mẹ Teresa của Miến điện”


Mọi người biết đến chị với tên gọi “Mẹ Teresa của Miến điện,” nhưng tên thật của chị là Mya Thwe. Chị là một nữ tu Dòng Thánh Giu-se, và chị dâng hiến cuộc đời cho nạn nhân AIDS trong nước.

Trong suốt ba thập kỷ qua, nhờ công việc của chị ở bang Mon đã nhanh chóng làm thay đổi tuổi thọ của các nạn nhân AIDS, họ không nhận được sự chăm sóc thích đáng và đau khổ vì bị đuổi ra khỏi gia đình và xã hội.

Năm 2002, chị thành lập trung tâm sức khỏe “Tấm gương Bác ái,” cung cấp một nơi ở, thức ăn, thuốc, giáo dục, và đào tạo nghề nghiệp cho các trẻ mồ côi và nạn nhân AIDS.

Hiện nay các trung tâm này đang mở rộng ra khắp đất nước: những nạn nhân AIDS không còn bị xem là tầng lớp bần tiện bị khinh miệt, nhưng những người mang virus trong mình vẫn có phẩm giá và một tương lai đầy hứa hẹn.

5) Henri Burin des Roziers, luật sư của “những người không có đất” ở Brazil


Một luật sư cho “những người không có đất” ở Brazil. Đó là cách người ta gọi cha Henri Burin des Roziers, linh mục dòng Đa minh người Pháp, ngài qua đời tại Pháp ngày 26 tháng Mười Một, 2017, ở Paris.

Sau những công việc căng thẳng hỗ trợ các sinh viên và người nhập cư Bắc Phi ở Pháp, ngài đến Brazil năm 1978 để phục vụ trong Ủy ban Mục vụ về Đất, được thành lập hai năm trước đó bởi Hội đồng Giám mục Brazil để giúp nhiều nhân viên đất đai chịu đựng những bất công.

Cùng với các cha Dòng Đa minh khác, “Frei Henri,” là tên gọi của ngài ở Brazil, trở thành một luật sư cho những nhân viên nghiên cứu thực địa bị bỏ tù một cách bất công hay thậm chí bị tra tấn, cũng như cho các gia đình của những nhân viên nghiên cứu bị sát hại.

Năm 2000, hoạt động của ngài tại Ủy ban Mục vụ về Đất lần đầu tiên dẫn đến việc kết án một “fazendeiro” (chủ đất) của tiểu bang Para vì đã sát hại một lãnh đạo của công đoàn. Một số fazendeiros phản ứng bằng cách treo giá cái đầu của linh mục.

Năm 2005, những đe dọa mạng sống trở nên kinh hoàng hơn. Năm đó, nhà thừa sai người Mỹ, Nữ tu Dorothy Stang (73 tuổi), cùng làm chung với Cha Henri để giúp những nhân viên nghiên cứu thực địa, bị giết chết. Cái giá cho đầu của ngài lúc đó là 50.000 reales (ngày nay tương đương $15.000 USD).

6) Christopher Hartley, nguồn nước của Ethiopia


Giáng sinh này, ngài đưa ra một lời kêu gọi rất tha thiết đối với phương Tây: từ Gode, thuộc vùng đông nam Ethiopia, trong sa mạc, gần biên giới Somalia, ngài van xin có nước cho thị trấn của ngài, đang chết vì khát.

Cha Christopher Hartley, sinh năm 1959 ở London trong một gia đình Anh-Tây Ban nha, hoạt động nhiều năm với Mẹ Teresa Calcutta. Cha đã chiến đấu trong một thập kỷ cho sức khỏe, tuổi thọ, và phục hồi lại phẩm giá của hàng ngàn người, hầu hết là người Hồi giáo, ở những vùng đất chưa bao giờ nhìn thấy một nhà thừa sai Ki-tô giáo.

Khi nhìn thấy từng ngày từng ngày người dân chết vì các nhiễm trùng, Cha Christopher khởi động một dự án giúp giải quyết vấn đề lâu dài: xây dựng một hệ thống lọc nước cho con sông Wabi Shebelle trong vùng Gode và cung cấp cho người dân. Dự án này, được các kỹ sư Châu Âu khen ngợi, cứu thoát hàng chục ngàn con người.

Vị linh mục, người trao tặng nước uống cho người dân theo đúng nghĩa trong quốc gia Châu Phi đông dân thứ hai, thú nhận rằng mỗi ngày ngài đều nghe thấy trong lòng lời của Chúa Giê-su nói với các tông đồ: “Chính anh em hãy cho họ ăn!” Và trên hết, ngài nghe thấy tiếng Chúa khi Người nói, “Ta khát, và ngươi cho Ta uống.”

7) Rafaela Wlodarczak, mẹ của các trẻ mồ côi trong cuộc xung đột Palestine-Israel


Một phụ nữ trẻ người Ba lan có thể làm gì cho những trẻ mồ côi Palestine trong cuộc chiến tranh Sáu Ngày giữa Israel và các nước Ả-rập? Nữ tu Rafaela Wlodarczak, một tu sĩ Dòng Thánh Elizabeth, không che giấu sau vẻ mảnh dẻ của mình: chị xăn tay áo lên theo thói quen và năm 1968 chị đã xây dựng “Ngôi nhà Hòa bình” bằng chính đôi tay của mình cùng với sự giúp đỡ của các nữ tu khác trên Núi Olives ở Giê-ru-sa-lem.

Căn nhà nhanh chóng trở nên quá chật chội so với nhu cầu, và sau đó một “Ngôi nhà Hòa bình” khác được xây dựng cho trẻ em thiếu thốn trong thành Giê-ru-sa-lem.

Ngày 8 tháng Mười Hai này, “Ngôi nhà Hòa bình” đã kỷ niệm 50 năm tuổi mà trong đó công việc của các nữ tu không những cung cấp nơi ở và giúp những trẻ em thiếu thốn nhất ở Palestine, nhưng trên hết, cung cấp những gì các em cần cho tương lai: giáo dục sự tôn trọng người khác, trong hòa bình.

Vì lý do ngày, tháng Sáu năm ngoài, Đức Thánh Cha Phanxico tặng Nữ tu Rafaela Wlodarczak người Ba lan Thánh giá “Pro Ecclesia et Pontifice”.

8) Rosemary Nyirumbe, một tương lai cho trẻ em chiến binh ở Uganda


DR

Trong quá khứ CNN đã gọi chị là “Anh hùng của năm”, vì chị đã tạo dựng tương lai cho hơn 2.000 phụ nữ, nạn nhân của lạm dụng và bạo lực của nhóm Lord’s Resistance Army (LRA) ở Uganda.

Mọi việc bắt đầu 16 năm trước. Rosemary Nyirumbe, một nữ tu cùng với các nữ tu Dòng Thánh Tâm Chúa Giê-su, nhận ra rằng trong ngôi trường chị đang điều hành ở Gulu có một số em gái đã bị LRA bắt làm nô lệ, một trong những nhóm khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới.

Một số người nói với chị rằng những kẻ ngược đãi đã bắt buộc các em phải giết những thành viên trong chính gia đình các em. Những nạn nhân của sự tàn bạo khủng khiếp nhất, cuộc sống của các em dường như bị tàn phá mãi mãi.

Nữ tu Rosemary không hỏi thêm các em câu hỏi nào. Chị mở cửa nhà dòng ra cho các em. Chẳng bao lâu sau những phụ nữ khác bắt đầu đến gõ cửa: một số đang mang thai sau khi bị hãm hiếp, những em khác là chiến binh thiếu nữ đang tìm đường chạy trốn khỏi sự kinh hoàng.

Vừa cung cấp nơi ở, Nữ tu Rosemary trao cho các em rất nhiều tình thương và một tương lai: đào tạo nghề nghiệp với các lớp nấu ăn và may mặc. Ngày nay, rất nhiều em đang là giáo viên hoặc thợ may, nằm trong số tầng lớp được kính trọng nhất trong đất nước.

Những phụ nữ này hiện nay nổi tiếng khắp thế giới với những túi xách của họ sản xuất, đa màu sặc sỡ, vì chúng được làm từ những lon soda. Một số ngôi sao điện ảnh Hollywood mua chúng như là một hành động từ thiện, trả tới giá $5.000.

9) Paolo Cortesi, hay là người liều lĩnh đón nhận người tị nạn


Nhà thừa sai Dòng Khổ nạn, Paolo Cortesi, được chọn là “Người của năm” ở Bulgaria, cộng với sự công nhận danh giá của quốc gia, được Ủy ban Helsinki Bulgaria tặng, vì sự đóng góp của ngài trong công cuộc bảo vệ nhân quyền.

Đây là lần đầu tiên danh hiệu được trao tặng cho một người không phải quốc tịch Bulgaria (Cha Cortesi là người Ý). Đây cũng là lần đầu tiên đại diện một tôn giáo được chọn.

Chào đón đề nghị của Đức Thánh Cha Phanxico, Cha Cortesi đã đón một gia đình tị nạn người Syria vào nhà xứ, trong thành phố Belene.

Quyết định của cha làm các nhóm cực đoan địa phương tức giận, họ đe dọa sát hại cha. Bất chấp tất cả, ngài không giữ lòng căm thù: “Con người ở đây rất tốt, nhưng thỉnh thoảng chỉ là nhen nhúm một chút lửa thôi,” cha cười và nói khi nhận danh hiệu.

10) Dominique de La Rochefoucauld-Montbel, một hoàng tử trong việc phục vụ người thiếu thốn nhất

Archiwum Prywatne

Dominique de La Rochefoucauld-Montbel, một thành viên vĩ đại của Dòng Malta, cộng tác với một trong những tổ chức nhân đạo lớn nhất hành tinh, nhưng rất ít nhà báo biết tới.

Trên những dòng nước của Địa Trung hải, trong chín năm qua, tổ chức này với những chiếc thuyền và các đội y tế đã cứu thoát mạng sống 53.712 người di cư và người tị nạn (vâng, các bạn đọc đúng con số đó) từ Trung đông và Châu Phi ra đi lao vào những cuộc phiêu lưu nguy hiểm để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn ở Châu Âu.

Dominique La Rochefoucauld-Montbel là một hoàng thân, là thành viên của một trong những gia đình quý tộc lâu đời nhất của Pháp, ông dành trọn cuộc đời cho việc trợ giúp của Ki-tô giáo đối với những người thiếu thốn nhất.

Những con số của công cuộc hợp tác của ông rất ấn tượng: nó đã thực hiện gần 2000 dự án cứu trợ ở 120 quốc gia, với 100.000 người thiện nguyện, họ được hỗ trợ bởi 25.000 nhân viên toàn thời gian.

Trong năm vừa qua, họ đã chăm sóc cho hơn 1,6 triệu người ở một trong 435 trung tâm được hỗ trợ của Dòng Malta Quốc tế, tổ chức cứu trợ phi chính phủ của Dòng Malta.

Ví dụ, ở Iraq, tổ chức chăm sóc cho những người tị nạn ở Dohuk, Erbil, và Nineve, và điều hành những phòng khám chữa bệnh di động cho phép tiếp cận được những thị trấn xa xôi nhất.

Ở Syria, tổ chức hỗ trợ nhà thương nhi Aleppo, với sự phục vụ đặc biệt duy nhất trong vùng, được trang bị đầy đủ để giúp những em bé sinh thiếu tháng hoặc bị ảnh hưởng bởi những căn bệnh nguy hiểm.

Khi được hỏi tại sao ông lại làm tất cả những công việc này, hoàng thân trả lời: “Chúng tôi nhìn thấy Đức Ki-tô trong những bệnh nhân và trong những người đau khổ. Chúng tôi nhìn thấy Ngài nơi những người tị nạn. Tin mừng nói: ‘Ta đói và các người cho ta ăn; ta khát và các người cho ta uống …’ Đây là bản chất cho ý nghĩa của một thành viên của Dòng Malta.”

Bài này được đăng lần đầu trong phiên bản tiếng Tây Ban nha của Aleteia và được dịch lại cho những độc giả nói tiếng Anh.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/1/2018]