Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

6 Thánh nữ là mẹ đơn thân

6 Thánh nữ là mẹ đơn thân

6 Thánh nữ là mẹ đơn thân

09 tháng Năm, 2020

Những người mẹ đơn thân thường bị lãng quên trong Ngày của Mẹ, nhưng chắc chắn những người phụ nữ này đang cầu thay nguyện giúp cho họ từ trên thiên đàng.

Ngày của Mẹ năm nay, nhiều người phụ nữ được chồng của họ tôn vinh, những người chồng dành ít thời gian cách ly của mình (hy vọng là vậy) khuyến khích con cái làm thiệp hoặc quà cho mẹ. Ngược lại, những người mẹ đơn thân thường bị lãng quên trong Ngày của Mẹ, đặc biệt nếu con của họ còn nhỏ. Đôi khi ngay trong Giáo hội, những người mẹ đơn thân có thể cảm thấy bị lãng quên, cho dù là không nhìn thấy. Nhưng có nhiều thánh nhân là những người mẹ đơn thân, bất kể là góa phụ, ly dị, hoặc chưa bao giờ kết hôn.

Thánh Margaret Cortona (1247-1297) là tình nhân của một người đàn ông giàu có và là mẹ của đứa con của ông ta. Khi đứa con trai vẫn còn nhỏ, người cha bị sát hại, Thánh Margaret đã muốn ở lại nhà của người tình với hy vọng rằng người thừa kế của nhân tình sẽ chào đón đứa con trai của người quá cố. Thánh nữ có thể giữ lại nhiều món quà đã được tặng và bán chúng để cung cấp cho bản thân và con trai. Nhưng Margaret đã được biến đổi trước hình ảnh quan tài của người đàn ông mà chị yêu thương, một người chị biết là đã chết trong tội. Chị sám hối tội lỗi của mình và đem theo đứa con, bỏ lại sau lưng tất cả của cải mà chị được quyền hưởng. Chị muốn trở về nhà, nhưng bị đuổi bởi người mẹ kế của chị. Sau đó Margaret tìm nơi trú ngụ tại một tu viện Phan sinh, tại đây thánh nhân được cho biết là còn quá trẻ và quá đẹp để sống với các tu sĩ. Thánh nhân tìm một căn nhà trong thành phố với hai người phụ nữ khác, và thánh nhân nuôi nấng đứa con trai ở đó, người sau này trở thành một tu sĩ. Margaret trở thành thành viên của Dòng Ba Phan sinh và là cố vấn tinh thần cho nhiều người, nhưng tiếp tục chịu đựng những kết án vu khống vì quá khứ của thánh nhân.

Chân phước Columba Kang Wan-suk (1761-1801) là một người Triều tiên trở lại Kitô giáo, là người đã đưa đứa con trai riêng của chồng, cha mẹ, và mẹ chồng về với Đức Kitô. Ngược lại, chồng của thánh nữ chế nhạo đức tin của thánh nữ, và cuối cùng đã bỏ thánh nữ để lấy vợ lẽ. Columba sau đó nuôi đứa con trai riêng của chồng (Chân phước Philip Hong Pil-ju) và con gái của thánh nữ, cho các con sống giữa môi trường những người Công giáo đạo đức khi ngôi nhà của chân phước trở thành trung tâm của Giáo hội ở Triều Tiên. Columba dành phần đời còn lại như là một người rao giảng phúc âm và giáo lý viên, là người bảo vệ cho một linh mục của Triều Tiên (bị săn đuổi), và là trung tâm của cộng đoàn, trước khi bị bắt (cùng với con riêng của chồng) và chịu tử đạo ở tuổi 40.

Thánh Cecilia Yu So-sa (1761-1839) mất chồng (Chân phước Augustine Chong) là người chịu tử đạo năm 1801, khi con trai của thánh nữ là Thánh Phaolô Chong Ha-sang lên bảy tuổi và con gái của thánh nữ là Thánh Elizabeth Jeong Jeong-rye lên 5. Thánh nhân tự xoay xở nuôi hai người con, bất chấp sự bắt bớ từ một số thành viên gia đình biết được đức tin của thánh nữ. Cả ba người giữ lòng trung thành trong sự nghèo khó và phấn đấu, và chịu tử đạo trong những cuộc bách hại năm 1839. Thánh Phaolô Chong Ha-sang là một vị thánh tử đạo quan trọng nhất của Triều Tiên; chính nhờ những lời chuyển cầu của ngài mà cuối cùng các nhà thừa sai được phái đến Triều Tiên sau khi Giáo hội ở đó trải qua nhiều thập kỷ không có linh mục.

Chân phước Concepcion Cabrera de Armida (1862-1937) được biết đến với tên là Conchita suốt cuộc đời. Là người mẹ của chín đứa con, Conchita trở thành góa phụ khi mới 39 tuổi và đứa con út mới chỉ 2 tuổi. Không như nhiều vị thánh quả phụ, Conchita sau đó không gia nhập đời sống tu trì nhưng một mình nuôi con, đồng thời cũng thành lập một dòng tu cho nữ và một dòng khác cho các linh mục cùng với một số nhóm khác nhau để động viên giáo dân phát triển trong sự nên thánh. Chân phước cũng là một nhà thần bí viết 60.000 trang về đời sống tâm linh của thánh nữ, tất cả trong giai đoạn ở nhà dạy dỗ các con.

Tôi tớ của Chúa Dorothy Day (1897-1980) là một người Cộng sản và sống theo lối sống đặc trưng của những người đồng niên thời đó, kể cả việc có hàng loạt bạn tình, phá thai, và có ý định quyên sinh. Sau đó chị nhìn thấy tất cả những điều này như là bằng chứng cho thấy tâm hồn vô cùng khao khát Chúa của mình, một sự khát khao không thể câm lặng bởi niềm hạnh phúc mà cuối cùng chị tìm thấy trong một cuộc hôn nhân hợp pháp và sự chào đời của đứa con gái. Chị bắt đầu đi dự Lễ và quyết định cho con được rửa tội, những quyết định mà người bạn đường của chị xỉ vả và cuối cùng dẫn đến việc ly thân. Sau khi trở lại, Dorothy thành lập phong trào Công nhân Công giáo, một phong trào liên đới với người nghèo mà qua đó chị đã nuôi dạy con gái của mình là Tamar. Một nhà hoạt động tích cực đã nhiều lần bị bắt và thậm chí bị bắn vì công cuộc chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Dorothy tìm thấy sức mạnh của mình trong Thánh Lễ hàng ngày và cam kết cầu nguyện chiêm niệm.

Tôi tớ của Chúa Catherine Doherty (1896-1985) là một nữ quý tộc người Nga kết hôn với người anh họ và phục vụ làm y tá trong Đệ nhất Thế chiến trước khi chạy trốn khỏi nước Nga trong thời Cách mạng Nga. Hai vợ chồng tìm đường sang Canada và Catherine sinh đứa con trai đầu lòng. Chẳng bao lâu sau, Catherine bỏ người chồng vũ phu và ngoại tình, sau đó trở thành một người Công giáo và nhận được phép giải. Chị và con trai chuyển đến New York, và Catherine hoạt động với người nghèo và hoạt động cho sự công bằng giữa các chủng tộc. Chị kết hôn năm 47 tuổi (sau khi con trai trưởng thành), và cùng với chồng thành lập một cộng đoàn với tên gọi Nhà Madonna vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/5/2020]


TOÀN VĂN Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu, Đấng Ủi an của chúng ta, chuẩn bị nước Thiên đàng cho chúng ta

TOÀN VĂN Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu, Đấng Ủi an của chúng ta, chuẩn bị nước Thiên đàng cho chúng ta

Copyright: Vatican Media
TOÀN VĂN Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu, Đấng ủi an của chúng ta, chuẩn bị nước Thiên đàng cho chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện cho các Tổ chức Hồng Thập tự & Trăng Lưỡi liềm đỏ


08 tháng Năm, 2020 09:54

Chúa Giêsu là Đấng an ủi của chúng ta … và Người đang chuẩn bị nước Thiên đàng cho chúng ta … 

Hôm nay ngày 8 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxico trao lời khuyên cho những người dự Thánh Lễ riêng của Ngài tại Nhà nguyện Thánh Marta, theo bản tin của Vatican News.

Vào đầu Lễ, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân Coronavirus, và đặc biệt cho các tổ chức Hồng Thập tự và Trăng Lưỡi liềm đỏ.

“Hôm nay là Ngày Hồng Thập tự và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người làm việc trong các cơ quan cao quý này. Xin Chúa chúc lành cho công việc của họ thực hiện quá nhiều điều tốt lành.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha suy tư về Tin mừng trong ngày, trong đó Chúa Giêsu an ủi các tông đồ vì các ông trở nên buồn bã khi được Chúa cho biết rằng một người trong các ông sẽ phản bội Ngài.

Đức Giáo hoàng người Argentina phân tích rằng sự an ủi có thể mang nhiều hình thức: chân tình, trịnh trọng, hoặc thậm chí chỉ là giả tạo.

Ngài nói rõ cách Chúa Giêsu an ủi chúng ta trong những lúc khó khăn thì khác, nó có ba hình thức: sự gần gũi, sự thật và hy vọng.

Ngài nhấn mạnh rằng sự an ủi của Chúa Giêsu là không bao giờ xa cách, nhưng luôn luôn gần gũi.

Khi Chúa Giêsu an ủi, Ngài không sử dụng những từ ngữ trống rỗng. Ngài nói với chúng ta “Ta ở đây; Ta ở đây với con.” Sức mạnh của sự hiện diện của Ngài và sự gần gũi của Ngài nói với chúng ta cho dù nó trong thinh lặng.

Suy tư về sự thật, Đức Thánh Cha Phanxico nhận xét rằng trình thuật Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu không giấu sự thật đối với các môn đệ của Ngài.

Chúa Giêsu nói lên sự thật một cách nhẹ nhàng, không tìm cách làm tổn thương các môn đệ của Ngài. Đức Giáo hoàng Dòng Tên trình bày rằng Chúa Giêsu nói lên sự thật vì Ngài là “Đường, Sự thật và là Sự Sống.”

Với niềm hy vọng, Chúa Giêsu an ủi các môn đệ của Ngài và khôi phục lại niềm hy vọng của họ.

Đức Phanxico nhắc nhở rằng Chúa Giêsu đã nói: “Tâm hồn các con đừng xao xuyến. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Thầy đi để chuẩn bị chỗ cho các con,” (Ga. 14:2).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đi trước chúng ta để mở cánh cửa thiên đàng cho tất cả chúng ta.

Đức Thánh Cha lưu ý: “Như Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ của Ngài rằng Ngài sẽ trở lại để đưa họ lên với Ngài, thì Ngài cũng sẽ trở lại để đưa chúng ta. Chúa Giêsu không hứa rằng chúng ta sẽ không chịu đau khổ, nhưng là khi chúng ta trải qua đau khổ, Ngài sẽ ở gần bên để an ủi chúng ta.

Đức Phanxico thừa nhận rằng thật “không dễ dàng để mình được an ủi bởi Chúa.” Ngài nhấn mạnh rằng trong những lúc khó khăn, chúng ta có thể trở nên tức giận với Chúa và chúng ta không để cho Ngài an ủi chúng ta.”

Đức Phanxico kết luận bằng lời cầu nguyện; Đức Phanxico cầu xin rằng chúng ta có thể cho phép bản thân được Chúa an ủi. Sự an ủi của Người “là gần gũi, Người là Sự thật, và Người mở ra những cánh cửa hy vọng.”

***

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT]

Cuộc chuyện trò của Chúa Giêsu với các môn đệ lại diễn ra tại bàn ăn, trong bữa Tiệc Ly (x. Ga 14:1-6). Chúa Giêsu thì buồn và tất cả các ông đều buồn: Chúa Giêsu đã nói một người trong các ông sẽ phản bội Ngài (x. Ga 13:21), và tất cả đều nhận thức rằng một điều gì đó kinh khủng sẽ xảy ra. Chúa Giêsu bắt đầu an ủi những người thuộc về Ngài. Chúa an ủi các môn đệ của Ngài, và ở đây chúng ta nhìn thấy cách Chúa Giêsu an ủi. Chúng ta có rất nhiều cách an ủi, từ sự chân tình nhất, từ sự gần gũi hơn đến trịnh trọng hơn, giống như những bức điện tín chia buồn kia. “Vô cùng đau buồn khi …” Nó chẳng an ủi ai, nó là một lời chung chung; nó là một sự an ủi theo nghi thức. Nhưng, Chúa an ủi như thế nào? Quan trọng là phải biết được điều này vì, khi chúng ta phải trải qua những giây phút đau buồn trong cuộc sống, chúng ta cũng phải biết được sự an ủi thật sự của Chúa là gì.

Và trong trích đoạn Tin mừng này, chúng ta nhìn thấy rằng Chúa luôn luôn an ủi trong sự gần gũi, với sự thật và hy vọng. Đó là ba đặc tính của sự an ủi của Chúa, trong sự gần gũi — không bao giờ xa cách: Thầy ở đây. Lời an ủi thật đẹp đó: “Thầy ở đây.” “Thầy ở đây với con”, và thường thường là trong thầm lặng. Nhưng chúng ta biết rằng Ngài ở đây. Ngài luôn luôn ở đây — sự gần gũi đó là phong cách của Thiên Chúa, cũng ở trong sự Nhập thế, hóa thân Người trở nên gần gũi với chúng ta. Chúa an ủi bằng sự gần gũi, và Ngài không sử dụng những từ ngữ trống không, hơn thế Ngài thích sự tĩnh lặng hơn. Sức mạnh của sự gần gũi, của sự hiện diện, và Ngài nói ít, nhưng gần gũi.

Một đặc tính thứ hai của sự gần gũi của Chúa Giêsu, của cách an ủi của Chúa Giêsu là sự thật: Chúa Giêsu là sự thật. Ngài không nói những điều theo nghi thức là những lời giả dối: “Không, cứ bình tĩnh, mọi sự cũng sẽ qua, chẳng có gì sẽ xảy đến, nó sẽ qua đi, mọi điều sẽ qua đi …” Không, Ngài nói sự thật. Ngài không giấu sự thật, vì trong trích đoạn này chính Ngài nói: “Thầy là sự thật” (x. Ga 14:6). Và sự thật là: “Thầy sẽ đi,” tức là “Thầy sẽ chết” (x. cc.2-3). Chúng ta đứng trước cái chết; đó là sự thật. Và Ngài nói điều đó một cách đơn sơ và thậm chí nói một cách nhẹ nhàng, không làm tổn thương. Chúng ta đứng trước cái chết; Ngài không giấu sự thật.

Và đây là đặc tính thứ ba: Chúa Giêsu an ủi trong hy vọng. Vâng, đó là một thời khắc kinh khủng. Nhưng “tâm hồn các con đừng xao xuyến. (...) Tin vào Thầy” (c. 1). Chúa Giêsu nói: “Thầy nói với anh em rồi, trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. (. . .)” “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em” (c. 2). Ngài đi trước để mở các cánh cửa, những cánh cửa của nơi mà tất cả chúng ta sẽ đi qua, vì thế tôi hy vọng: “Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (c. 3). Chúa lại đến mỗi khi một người trong chúng ta trên đường rời bỏ thế giới này. “Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy”: niềm hy vọng. Ngài sẽ đến và dắt tay chúng ta và đem chúng ta đến <đó>. Ngài không nói “Không, anh em sẽ không chịu đau khổ, chẳng có gì đâu …” Không, Ngài nói sự thật: “Thầy ở bên anh em.” Đây là sự thật: giây phút hiểm nguy và cái chết thật là kinh khủng. Tuy nhiên, tâm hồn anh em đừng xao xuyến. Hãy ở lại trong sự bình an đó, sự bình an là nền tảng của mọi niềm an ủi, vì Thầy sẽ đến và dắt tay anh em đến nơi Thầy ở.”

Thật không dễ dàng cho phép bản thân được Chúa an ủi. Thường thường, trong những thời khắc tồi tệ, chúng ta trở nên tức giận với Chúa và chúng ta không để cho Ngài đến và nói với chúng ta theo cách này, với sự dịu dàng của Ngài, với sự gần gũi của Ngài, với sự hiền lành của Ngài, với sự thật và niềm hy vọng này.

Chúng ta hãy xin ơn biết cho phép bản thân được an ủi bởi Chúa. Sự an ủi của Chúa thì hữu hiệu và không lừa gạt. Nó không phải là sự mê man, không, nhưng đó là sự gần gũi, là sự thật và nó mở ra cho chúng ta những cánh cửa hy vọng.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/5/2020]