Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Sự trả lời của một người vợ cho những thiếu niên buôn lậu ma túy đã giết chồng của bà

Sự trả lời của một người vợ cho những thiếu niên buôn lậu ma túy đã giết chồng của bà

04 tháng Sáu, 2018
Sự trả lời của một người vợ cho những thiếu niên buôn lậu ma túy đã giết chồng của bà

Bà Claudia Bardella nói, "Thù hận chẳng dẫn đến đâu.”

Roberto Bardella, 52 tuổi, và người anh họ Rino Polato, 59 tuổi, là hai bạn đồng hành du lịch bằng xe máy từ Ý. Hai người đã từng thực hiện một số chuyến đi vài năm trước khi đến Chile và Argentina. Chuyến đi gần đây nhất của họ đến Brazil có kết thúc rất khác.

Vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm tháng Mười Hai năm 2016 ở Brazil (mùa hè ở đất nước đó), hai người dừng xe ở chân tượng Chúa Giê-su Cứu Thế, dự định tiếp tục đi đến bãi biển. Nhưng GPS của họ chỉ sai đường dẫn họ đi qua một khu ổ chuột có những tay buôn lậu ma túy bảo vệ. Một nhóm khoảng 12 thiếu niên, bắn nhiều loạt đạn về phía Roberto.

Người anh họ là Rino thì bị bắt giữ nhiều giờ, bị quăng vào trong một thùng xe cùng với xác chết của Roberto ở băng ghế ngồi phía sau. Rino đã trốn thoát không bị thương tích, nhưng rất choáng.
Câu chuyện của Rino

Dưới đây là lời kể của người anh họ đã thoát thân như phép lạ, theo các tờ báo tiếng Ý:

“Khu ổ chuột vô danh vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi dừng lại để chuyển hướng, nhưng không còn kịp.”

Một chiếc xe hơi phóng đến gần hai xe máy và Roberto ngã xuống đất: “Chú ấy chạy rất chậm. Tôi nghĩ chắc là một tai nạn.” Nhưng khi Rino gọi thì Roberto không trả lời. Ông đã chết, bị giết vì bị lầm là một cảnh sát, có thể vì chiếc camera GoPro gắn trên mũ bảo hiểm của ông.

“Có 10 đứa thiếu niên. Tôi hét lên, tôi nói rằng chúng tôi là du khách, chúng tôi là du khách Ý, và bọn chúng vây quanh tôi và quăng tôi vào trong xe hơi. Đến lúc đó tôi mới hiểu được chuyện gì đang chờ đợi tôi: tôi là nhân chứng của một vụ giết người, như vậy tôi phải biến mất.”

Những giờ tiếp theo trước khi ông thoát thật kinh hoàng, với bản án tử đang treo lơ lửng trong không khí và xác của người em họ ở băng ghế phía sau.

Phản ứng bất ngờ của Rino

Nhưng những lời thật sự làm chấn động quê nhà không phải là những lời mô tả vụ giết người và bắt cóc. Nhưng đó là những lời tha thứ của Rino.

Trong câu trả lời của ông, chúng ta nhìn thấy sự tha thứ vốn đã được gieo cấy trong con người của ông, phát triển suốt cuộc đời, và trưởng thành nên thành một đức tính với sự trợ giúp của ơn sủng và mẫu gương tốt lành. Người ta nói với ông hãy quên đi, hãy tránh xa những con người kinh khủng đó càng nhiều càng tốt, thậm chí gạt chúng ra khỏi những suy nghĩ và ký ức.

Và ông trả lời: “Chúng là người xấu ư? Trong ánh mắt của 15 thiếu niên đó, tôi không nhìn thấy sự ác tâm, mà chỉ là dấu hiệu của cuộc sống bị tàn phá bởi ma túy, bởi sự tuyệt vọng.”

Và trên máy bay, ông bắt đầu nhận được những tin nhắn của nhiều người Brazil xin ông tha thứ, thể hiện tình yêu thương và đoàn kết, và lời hứa cầu nguyện của họ.

Người góa phụ của Roberto quyết định giúp đỡ

Claudia, một góa phụ ở trong tay của những người lạ mặt bà chưa bao giờ gặp mặt, theo sự hướng dẫn của Rino.

Bà nói, “Thù hận chẳng dẫn đến đâu.” Nhưng phải giúp đỡ những đứa trẻ phải lớn lên trong một môi trường bạo lực, bị cướp mất chân trời ý nghĩa và dễ dàng trở thành mồi cho những tên tội phạm nguy hiểm trong vùng, mang đến hy vọng và xây dựng sự tốt đẹp. Nó là một bức tường, tuy nhỏ nhưng vững chắc, để chống lại cái ác.

Và vì thế, khi việc điều tra vẫn diễn ra thì Rino và Claudia nói rằng họ muốn giúp đỡ những đứa trẻ trong các khu ổ chuột đó.

Họ nói, “Thậm chí chỉ là một điều nhỏ nhặt. Chúng tôi không cần nghĩ đến chuyện lớn, chúng tôi không có công cụ hay kỹ năng. Một bước ngoặt cũng có thể đến từ những sự thay đổi nhỏ.” Họ phải chật vật để tìm một chương trình phù hợp. Chỉ ít tháng sau họ khám phá ra cái tên Milli de Giacomi, một người phụ nữ đã thành lập chương trình Progredir Onlus trong các khu ổ chuột của Brazil để đưa ra những sự thay thế cho ma túy và bạo lực.

Ngày nay một trung tâm đã gần đầy học viên dày đặc những sự kiện, sáng kiến, và khách thăm. Và nó có một tên mới: “Hành trình của Roberto.” Có lẽ hành trình của người em họ đã không bị cắt ngắn nhiều, nhưng bất ngờ bị chuyển sang đích đến cuối cùng, là đích mà chúng ta cũng phải hối hả bước đến với những lời cầu nguyện.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/6/2018]


Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha: Lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha: Lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô
Vatican Media Screenshot

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha: Lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

Thánh Lễ tại Nhà thờ Thánh Monica ở Ostia

03 tháng Sáu, 2018 19:21

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ tại Nhà thờ Thánh Monica ở Ostia, ngày 3 tháng Sáu, 2018, Lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô.

Tin mừng mà chúng ta vừa lắng nghe nói đến Bữa Tiệc Ly, nhưng điều ngạc nhiên là lại tập trung nhiều đến những sự chuẩn bị hơn là chính bữa tiệc. Chúng ta nghe đi nghe lại từ “chuẩn bị (dọn).” Ví dụ, các môn đệ hỏi: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mc 14:12). Chúa Giê-su sai các ông đi với hướng dẫn rất rõ ràng về những chuẩn bị cần thiết và các ông tìm thấy “một căn phòng rộng rãi … đã được chuẩn bị sẵn sàng” (c. 15). Các môn đệ ra đi chuẩn bị, nhưng Chúa đã có những sự chuẩn bị của riêng Ngài.

Một điều tương tự cũng xảy ra sau phục sinh khi Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ lần thứ ba. Khi các ông đang đánh cá, Người chờ các ông trên bờ biển, nơi Người đã chuẩn bị bánh và cá cho các ông. Cho dù như vậy, Người vẫn bảo các môn đệ mang đến một ít cá mà các ông vừa đánh bắt được, chính là những mẻ cá Người đã hướng dẫn các ông phải thả lưới như thế nào (x. Ga 21:6.9-10). Chúa Giê-su đã thực hiện những sự chuẩn bị và Người yêu cầu các môn đệ cộng tác. Một lần nữa, ngay trước bữa ăn Lễ Vượt qua, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em … để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:2.3). Chúa Giê-su là người chuẩn bị, nhưng trước Lễ Vượt qua của chính Người, Người cũng yêu cầu chúng ta một cách khẩn thiết, bằng những lời kêu gọi và dụ ngôn, phải sẵn sàng, phải luôn canh chừng (x. Mt 24:44; Lc 12:40).

Chúa Giê-su chuẩn bị cho chúng ta và yêu cầu chúng ta phải biết sẵn sàng. Vậy Người chuẩn bị cho chúng ta những gì? Một nơi ở và một bữa tiệc. Một nơi ở xứng đáng hơn rất nhiều so với “căn phòng rộng rãi được chuẩn bị sẵn” trong Tin mừng. Đó là một ngôi nhà mênh mông bao la ngay ở đây, là Giáo hội, nơi có, và phải có đủ chỗ cho mọi người. Nhưng Người cũng dành riêng một nơi cho chúng ta ở trên cao, trên thiên đàng, để chúng ta có thể cùng ở với Người và với nhau muôn đời. Ngoài một chỗ ở, Người còn chuẩn bị cho chúng ta một bữa tiệc, đó là Bánh mà Người đã cho đi chính Mình Người: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy” (Mc 14:22). Hai món quà này, một nơi ở và bữa tiệc là tất cả những gì cần thiết cho sự sống của chúng ta. Đó là “phòng ở và bàn ăn” sau cùng của chúng ta. Cả hai đều được ban tặng cho chúng ta trong Thánh Lễ.

Chúa Giê-su chuẩn bị cho chúng ta một nơi ở ngay đây trên trần gian này vì Thánh Thể là nhịp đập trái tim của Giáo hội. Trái tim đó sinh ra và tái sinh Giáo hội; trái tim đó tập hợp Giáo hội lại với nhau và ban sức mạnh cho Giáo hội. Nhưng Thánh Thể cũng chuẩn bị cho chúng ta một nơi ở trên cao, trong sự trường sinh, vì đó là Bánh bởi trời. Bánh từ trời xuống – là vật chất duy nhất trên trần gian ban hương vị của sự trường sinh; ngay cả bây giờ, Thánh Thể ban cho chúng ta một sự nếm trải trước về một tương lai vô biên lớn hơn tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng hay tưởng tượng. Đó là bánh bảo đảm cho những mong chờ lớn lao nhất của chúng ta và nuôi dưỡng những ước mơ cao đẹp nhất của chúng ta. Nói tóm lại, đó là một sự cam kết cho cuộc sống trường sinh – không chỉ đơn giản là một lời hứa nhưng là một cam kết, một sự nếm trải rõ ràng về những gì chờ đợi chúng ta ở đó. Thánh Thể là “sự đặt chỗ trước” của chúng ta trong bữa đại tiệc trên trời; chính Chúa Giê-su là lương thực cho hành trình của chúng ta tiến về sự sống và niềm hạnh phúc trường tồn.

Trong bánh thánh, Chúa Giê-su chuẩn bị cho chúng ta một bữa tiệc, nguồn lương thực nuôi dưỡng chúng ta, cùng với một nơi ở. Trong cuộc sống, chúng ta chắc chắn cần được nuôi dưỡng: được nuôi dưỡng không chỉ bằng lương thực nhưng còn bằng những dự định và sự yêu thương, những hy vọng và khát khao. Chúng ta khát khao được yêu thương. Tuy nhiên những lời ca tụng êm tai nhất, những món quà đẹp nhất, và những công nghệ tiên tiến nhất vẫn không đủ; chúng không bao giờ làm chúng ta hoàn toàn thỏa mãn. Thánh Thể là một lương thực đơn giản, giống như bánh, nhưng lại là nguồn lương thực duy nhất làm thỏa mãn, vì chẳng còn tình yêu nào cao vời hơn thế. Chính ở đó chúng ta thật sự gặp gỡ Chúa Giê-su; chúng ta chia sẻ sự sống của Ngài và chúng ta cảm nhận tình yêu của Ngài. Chính ở đó anh chị em có thể nhận ra rằng cái chết và sự phục sinh của Ngài là cho anh chị em. Và khi anh chị em tôn thờ Chúa Giê-su trong Phép Thánh Thể, là anh chị em đón nhận Thần Khí nơi Ngài và anh chị em tìm được sự bình an và niềm vui. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chọn lương thực hằng sống này! Chúng ta hãy khẩn xin ơn sủng biết khát khao Thiên Chúa, với lòng ham muốn vô bờ được đón nhận những gì Người đã chuẩn bị cho chúng ta.

Như những gì Người đã làm với các môn đệ của Người, ngày hôm nay Chúa Giê-su cũng yêu cầu chúng ta biết chuẩn bị. Cũng như các môn đệ, chúng ta hãy hỏi Ngài: “Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con đi dọn chỗ ở đâu?” Ở đâu? Chúa Giê-su không nói cụ thể những nơi được chọn trước. Người tìm những nơi không được tình yêu chạm đến, không có niềm hy vọng. Những nơi thiếu thốn đó là nơi Người muốn đến và Người yêu cầu chúng ta dọn đường cho Người. Không biết bao nhiêu người thiếu nơi ở đúng phẩm giá hoặc thiếu lương thực hàng ngày! Tất cả chúng ta đều biết có những người cô đơn, đang gặp các vấn đề và thiếu thốn: họ là những nhà tạm bị bỏ rơi. Chúng ta là những người đón nhận từ Chúa Giê-su nơi ở và bàn ăn, đến đây để chuẩn bị một nơi ở và bữa ăn cho những người này, những anh chị em đang thiếu thốn của chúng ta. Chúa Giê-su trở nên tấm bánh bẻ ra cho chúng ta; để đáp lại, Người yêu cầu chúng ta biết cho đi bản thân vì người khác, không còn sống cho riêng bản thân nhưng sống cho nhau. Bằng cách này, chúng ta “trở nên như thánh thể,” tuôn đổ trên trần gian tình yêu mà chúng ta đã đón nhận từ máu thịt của Chúa. Thánh Thể được biến thành cuộc sống khi chúng ta vượt qua được bản thân mình để đến với tất cả tha nhân xung quanh chúng ta.

Tin mừng kể cho chúng ta rằng các môn đệ đã chuẩn bị khi họ “ra đi và vào đến thành” (c. 16). Ngày nay cũng vậy Chúa kêu gọi chúng ta chuẩn bị cho Người đến không phải bằng việc giữ khoảng cách nhưng là đi vào các thành phố. Trong đó có cả thành phố này, với tên gọi Ostia – nghĩa là cổng vào, cổng chính. Lạy Chúa, Người muốn chúng con mở cho Người bao nhiêu cánh cửa ở đây? Người kêu gọi chúng con phải dỡ bỏ bao nhiêu ba-ri-ê chặn các cánh cổng, chúng con phải phá bổ bao nhiêu bức tường? Chúa Giê-su muốn những bức tường thờ ơ và câu kết ngầm phải bị chọc thủng, những khung sắt đàn áp và kiêu ngạo bị bẻ gãy, những con đường phải được khai thông cho công bình, những sự tốt đẹp và hợp pháp. Vùng duyên hải mênh mông của thành phố này nói cho chúng ta biết thật đẹp biết bao khi mở rộng tâm hồn chúng ta và khởi hành theo những hướng mới trong cuộc sống. Nhưng điều này cũng đòi phải tháo cởi những nút thắt cột chặt chúng ta vào những cọc neo của sự sợ hãi và thất vọng. Thánh Thể mời gọi chúng ta cho phép bản thân mình được dẫn đưa bởi con sóng của Đức Giê-su, không đứng im trên bãi biển hy vọng rằng có điều gì đó sẽ trôi đến, nhưng dám dấn thân ra sâu, tự do, can đảm và hiệp nhất.

Câu kết thúc đoạn Tin mừng kể cho chúng ta rằng các môn đệ “hát thánh vịnh xong thì ra đi” (c. 26). Kết thúc Thánh Lễ chúng ta cũng sẽ ra đi; chúng ta sẽ tiến bước cùng với Chúa Giê-su, Người sẽ đi qua các con phố của thành phố này. Chúa Giê-su muốn cư ngụ giữa anh chị em. Người muốn trở thành một phần cuộc sống của anh chị em, muốn đi vào nhà của anh chị em và ban tặng lòng thương xót giải phóng của Người, sự bình an và sự an ủi của Người. Anh chị em đã trải qua những hoàn cảnh đau thương; Chúa muốn ở gần anh chị em. Chúng ta hãy mở rộng cửa đón Người và nói rằng:

Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con.

Tâm hồn chúng con, gia đình chúng con và thành phố chúng con

chào đón Người.

Chúng con tạ ơn Người vì Người đã chuẩn bị cho chúng con

lương thực hằng sống và một nơi ở trong Vương quốc của Người.

Xin giúp chúng con biết nhiệt thành chuẩn bị đường đi cho Chúa,

hân hoan đem Chúa, Đấng là Đường, đến cho mọi người,

và từ đó mang đến tình huynh đệ, công bằng, và hòa bình

cho những khu phố của chúng con. Amen.


00879-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/6/2018]