Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 16 tháng Năm, 2021

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 16 tháng Năm, May 2021



Anh chị em thân mến,
Buongiorno!

Hôm nay tại nước Ý và các quốc gia khác, chúng ta cử hành Lễ Chúa Lên Trời. Trích đoạn Tin mừng (Mc 16:15-20) – kết thúc Tin mừng theo Thánh Máccô – trình bày cho chúng ta buổi gặp gỡ cuối cùng của Đấng Phục sinh với các môn đệ trước khi Ngài lên trời để ngự bên hữu Chúa Cha. Thông thường, như chúng ta biết, cảnh tạm biệt là rất buồn. Nó gây nên cảm giác mất mát, cảm giác bị bỏ rơi trong những người ở lại; nhưng ngược lại, không có cảm giác nào như vậy xảy ra với các môn đệ. Cho dù phải xa rời Chúa, họ vẫn không thấy mòn mỏi vì buồn phiền, nhưng họ vui mừng và sẵn sàng tiến vào thế giới với cương vị là những người đi rao giảng.

Tại sao các môn đệ không buồn? Tại sao chúng ta cũng hân hoan khi nhìn thấy Chúa Giêsu về trời? Vì việc Thăng thiên là hoàn tất sứ mệnh của Chúa Giêsu giữa chúng ta. Thật vậy, nếu vì chúng ta mà Chúa Giêsu từ trời xuống, thì cũng vì chúng ta mà Người lên đó. Sau khi đã xuống thế ở giữa nhân loại chúng ta và cứu chuộc nhân loại – Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, xuống thế làm người, mang lấy xác phàm của chúng ta và cứu chuộc nó – bây giờ Ngài lên trời, mang xác phàm của chúng ta theo với Ngài. Ngài là người đầu tiên vào nước thiên đàng, vì Chúa Giêsu là người, là người thật; Ngài là Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật; xác phàm của chúng ta ở trên trời và điều này mang lại cho chúng ta niềm vui. Giờ đây, ngự bên hữu Chúa Cha là một thân thể con người, lần đầu tiên là thân thể của Chúa Giêsu, và trong mầu nhiệm này, mỗi người chúng ta chiêm ngưỡng đích đến trong tương lai của chính mình. Đây hoàn toàn không phải là sự bỏ rơi; Chúa Giêsu ở lại mãi mãi với các môn đệ – với chúng ta. Ngài vẫn cầu nguyện, vì với bản tính con người, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, và với bản tính Thiên Chúa, con người và Thiên Chúa, trình bày cho Người thấy những vết thương của Ngài, những vết thương mà Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở đó, bằng xác thịt của chúng ta: Ngài là một người trong chúng ta, Đấng Thần nhân, và Ngài cầu nguyện cho chúng ta.

Và điều này cho chúng ta lòng vững tin, hoặc hơn thế là niềm vui, niềm vui lớn lao! Và lý do thứ hai cho niềm vui là lời hứa của Chúa Giêsu. Ngài nói với chúng ta: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy.” Và ở đó, với Chúa Thánh Thần, mệnh lệnh đó được Ngài ban trong lời tạm biệt của Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” Và chính quyền năng của Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đi vào thế giới, để mang theo Tin mừng. Chính Chúa Thánh Thần của ngày hôm đó, ngày Chúa Giêsu hứa, và chín ngày sau Người sẽ ngự xuống trong Lễ Ngũ Tuần. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã làm cho chúng ta có thể trở nên như ngày hôm nay. Một niềm vui thật lớn lao biết bao!

Ngài rời đi với những vết thương của Ngài, chúng là cái giá của ơn cứu độ chúng ta, và Ngài cầu nguyện cho chúng ta. Và rồi Ngài gửi Chúa Thánh Thần xuống cho chúng ta; Ngài đã hứa ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, để đi rao giảng phúc âm. Đây là lý do cho niềm vui của ngày hôm nay; đây là lý do cho niềm vui trong ngày Chúa Lên trời này.

Thưa anh chị em, trong ngày Lễ Chúa Thăng Thiên, trong khi chúng ta chiêm ngưỡng nước Thiên Đàng, nơi Chúa Kitô đã lên và ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta hãy xin Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm cho Đấng Phục sinh trên thế giới, trong những môi trường cuộc sống cụ thể.

___________________________________________________


Sau Kinh Lạy Nữ Vương Đức Thánh Cha tiếp tục:

Thưa anh chị em! Cha đang theo dõi với sự lo lắng rất lớn về những gì đang xảy ra ở Đất Thánh. Trong những ngày này, các cuộc đụng độ vũ trang bạo lực giữa Dải Gaza và Israel đã bùng lên dữ dội, có nguy cơ biến thành vòng xoáy chết chóc và hủy diệt. Nhiều người đã bị thương và nhiều người vô tội đã chết. Trong số đó có cả các trẻ em, và điều này thật kinh khủng và không thể chấp nhận được. Cái chết của họ là một dấu hiệu cho thấy người ta không muốn xây dựng tương lai, nhưng họ muốn hủy diệt nó.

Chúng ta hãy liên lỷ cầu nguyện để người Israel và người Palestine có thể tìm thấy con đường đối thoại và tha thứ, để trở thành những người kiên nhẫn xây dựng hòa bình và công bằng, từng bước mở ra cho một hy vọng chung, cho sự chung sống giữa các anh chị em.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em; chúng ta hãy dâng lên Nữ vương Hòa bình lời khẩn cầu cho hòa bình. Kính mừng Maria …

Hôm nay bắt đầu “Tuần lễ Laudato Si’”, nhằm giáo dục ngày càng nhiều người biết lắng nghe tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo. Tôi xin cảm ơn Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện, Phong trào Khí hậu Công giáo Toàn cầu, Caritas Quốc tế và nhiều tổ chức thành viên, và tôi mời gọi mọi người cùng tham gia.

Cha xin anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau, những người hôm qua đã tham dự Lễ tuyên phong Chân phước, tại Đền Thánh Gioan Lateran ở Rôma này, cho linh mục Francis Mary Thánh giá, người sáng lập dòng nam nữ tu Chúa Cứu độ. Ngài là một người loan báo Tin Mừng không mệt mỏi, sử dụng mọi phương tiện mà lòng từ bi Đức Kitô soi dẫn trong ngài. Ước mong lòng nhiệt thành tông đồ của ngài là tấm gương và là chỉ dẫn cho những người trong Giáo hội, những người được mời gọi để mang lời và tình yêu của Chúa Giêsu đi vào mọi môi trường. Xin một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước! Ảnh của ngài ở phía trước…

Cha thân ái chào tất cả anh chị em, người dân Rôma, người Ý và từ nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Nhóm AGESCI-Lupetti đến từ giáo xứ Thánh Grêrôriô Cả ở Rôma; và Chủng viện Redemptoris Mater thuộc Giáo phận Florence.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc, và các bạn trẻ của Immacolata rất giỏi. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/5/2021]


Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Everett Collection | Shutterstock

Marinella Bandini

06/04/21


Nhà thờ Chặng Đàng Ngày 48: Đức Giáo hoàng khi đó đang bị bệnh và không được thông báo về vụ hỏa hoạn phá hủy vương cung thánh đường.



Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.


Ngày 48

Đã có lần, một bài diễn thuyết của Thánh Phaolô trong sách Công vụ Tông đồ đã được đọc vào thứ Ba sau Lễ Phục sinh. Đó là lý do tại sao hôm nay nhà thờ chặng đàng là Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành.

Nhà thờ hiện tại được xây dựng sau trận hỏa hoạn năm 1823, nhưng nó phản ánh trung thực cấu trúc của Vương cung thánh đường thời Constantinus. Vụ hỏa hoạn thiêu rụi vương cung thánh đường cổ kính xảy ra vào đêm 15 - 16 tháng Bảy năm 1823, có thể do sự bất cẩn của một số công nhân đang làm việc trên mái của vương cung thánh đường: một cục than có lẽ còn âm ỷ, đã bắt lửa trong đêm.

Tin tức ngay lập tức tin tức lan truyền khắp Rôma. Chỉ còn lại một người không biết: Giáo hoàng. Đức Piô VII đang bị ốm nặng, và không được thông báo. Ngài qua đời một tháng sau đó mà không hề hay tin về vụ cháy.

Việc xây dựng lại vương cung thánh đường được bắt đầu bởi Đức Leo XII. Với công trình này, đức giáo hoàng đã kêu gọi lòng hảo tâm của các tín hữu: trong thông điệp “Ad plurimas”, ngài mời mọi người đóng góp tùy theo khả năng của họ để giúp hỗ trợ việc xây dựng lại. Lời mời gọi này cũng được nhiều nguyên thủ quốc gia đáp lời, trong đó có Sa hoàng Nicholas I.

Tân Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô được Đức Piô IX thánh hiến vào ngày 10 tháng Mười Hai năm 1854. Tuy nhiên, công việc vẫn tiếp tục: vào năm 1874 các bức tranh khảm trên mặt tiền được hoàn thành, trong khi vào năm 1928, một sân trong được bao quanh bởi hàng cột được thêm vào. Vương cung thánh đường dài 430 bộ Anh (131 mét), rộng 213 bộ Anh (65 mét) và cao gần 98 bộ (30 mét).

Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô… (Cv 2:38)

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Rôma.

Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Nhà thờ hiện tại được xây dựng sau một trận hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn vương cung thánh đường trước đó trong đêm ngày 15 sang 16 tháng Bảy năm 1823.

Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành sau khi bị thiêu rụi bởi trận hỏa hoạn, được mô tả trong bức tranh của họa sĩ Jean Faure (1823).

Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành trước trận hỏa hoạn, một bức vẽ minh họa của kiến trúc sư Giovanni Battista Piranesi (1748-49).

Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành ngày nay. Việc tái xây dựng tôn trọng trung thực cấu trúc nguyên thủy.

Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Khu sân trong được bao quanh bởi hàng cột đã được thêm vào năm 1928.

Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành chỉ đứng sau Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô về kích thước: dài 430 bộ Anh (131 mét), rộng 213 bộ (65 mét) và cao gần 100 bộ (30 mét).

Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Huy hiệu của Đức Giáo hoàng Lêô XII, được đóng khung trên trần của Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành. Việc xây dựng lại vương cung thánh đường được bắt đầu dưới triều đại giáo hoàng của ngài.

Viếng “sự phục sinh” của Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành

Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành. Bức tranh khảm miêu tả Đức Thánh Cha Phanxicô. Vương cung thánh đường nổi tiếng với những bức tranh khảm chân dung tất cả các giáo hoàng.

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/5/2021]