Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Đền thờ Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần lớn nhất thế giới ở Brazil

Đền thờ Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần lớn nhất thế giới ở Brazil

Đền thờ Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần lớn nhất thế giới ở Brazil

Với chiều cao khoảng 62 feet (gần 19m), tượng Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần được làm hoàn toàn bằng thép không gỉ.

Beatriz Camargo 

28/09/22

Bức tượng khổng lồ vị Tổng lãnh Thiên thần thường gây ngạc nhiên cho những du khách lái xe dọc theo con đường chính nối hai bang São Paulo và Paraná.

Một bức tượng Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần khổng lồ thường gây ngạc nhiên cho những du khách lái xe dọc theo đường cao tốc BR 369 ở Brazil, một trong những con đường chính nối các bang São Paulo và Paraná thuộc miền nam.

Bức tượng 15 tấn sáng bóng, cao khoảng 62 feet (ND: gần 19m) và được làm hoàn toàn bằng thép không gỉ, có thể nhìn thấy từ đường cao tốc, thu hút những người lái xe. Những ai bị cuốn hút bởi sự tò mò thì đi theo các biển chỉ đường dẫn đến Đền thờ Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần của Giáo phận. Nằm tại vị trí trên đỉnh đồi cao hơn cảnh quan chung quanh, nó chỉ cách đường cao tốc khoảng 1,6 km.

Một món quà trời cho đang chờ đợi những ai quyết định đạp phanh xe và khám phá đền thờ. Khi tiến vào khu phức hợp, quy mô của bãi đậu xe cho thấy nơi này được chuẩn bị để đón hàng nghìn lượt khách hành hương.

Ấn tượng đầu tiên đó được khẳng định bởi cơ sở hạ tầng khang trang mà khách hành hương có thể sử dụng và diện tích của đền thờ. Khi việc cử hành cầu nguyện xin ơn chữa lành và giải thoát diễn ra vào ngày 29 hàng tháng, đền thờ đạt sức chứa tối đa 4,5 nghìn người ngồi.

Một trong những tượng lớn nhất thế giới

Cách đường vào đền thờ vài thước là đến chân tượng Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần, và còn ấn tượng hơn nữa khi đến gần. Tượng đứng trên nóc một tòa nhà bốn tầng và có thể nhìn thấy cách xa hàng dặm.

Tính cả chiều cao của tòa nhà và chiều cao của bức tượng, tổng chiều cao là khoảng gần 38 mét, thấp hơn một chút so với tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro.

Bên cạnh tượng, một tấm bảng hiển thị dòng chữ sau: “Công trình này là một món quà dâng lên Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần vì đã chăm sóc Chúa Giêsu trên trần gian khi còn là trẻ thơ và là con Thiên Chúa. Người yêu cầu món quà này là Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu”.

Đền thờ Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần lớn nhất thế giới ở Brazil

Ngoài ra, tấm bảng cũng cho biết rằng đây là đền thờ Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần lớn thứ 3 trên thế giới. Thứ nhất là đền thờ Monte Sant’Angelo nằm trên sườn núi Gargano ở Ý; và thứ hai là đền Mont Saint-Michel, nằm trên một hòn đảo nhỏ ở Pháp.

Ngút tầm mắt

Tương tự như vậy, những điểm đặc thù của vùng chung quanh địa điểm là một sự thu hút lớn của chuyến tham quan. Khi khám phá địa điểm, đi theo lối bên trái của đền thờ, du khách có thể tìm thấy một điểm dừng khác nằm ngay phía bên kia đường cao tốc: Chặng đàng Thánh giá dẫn đến Hang Đức Mẹ Lộ Đức và Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần với Chín Phẩm Thiên thần, và cây thánh giá cao hơn 81 mét – thánh giá lớn nhất ở Brazil và là một trong những thánh giá cao nhất thế giới.

Cùng được khánh thành vào năm 2017 – 5 năm sau khi khánh thành Đền thờ Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần – hang Lộ Đức và Thánh giá đều gây ấn tượng với bầu khí thiêng liêng của hai nơi này.

Nét đẹp nghệ thuật thánh bên trong hang Lộ Đức không phải là điều duy nhất thu hút du khách. Những hàng người xếp dài tại khu vực này, là những tín hữu chờ để lấy một ít nước từ con suối phun chảy lên bên trong hang động. Dòng nước quý giá được chứa trong một bể chứa bên cạnh tượng Chúa Giêsu.

Rất nhiều bức ảnh đẹp được chụp bởi các tín hữu đến viếng có thể được tìm thấy trên các mạng xã hội.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/9/2022]


Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28 tháng 9, 2022

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28 tháng 9, 2022

Toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28 tháng 9, 2022

© Vatican Media


*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý cũng như từ khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý tiếp tục chủ đề giáo lý về Sự Phân định, Đức Thánh Cha tập trung phân tích chủ điểm: “Những yếu tố của phân định. Sự thân mật với Thiên Chúa” (Bài đọc: Êp 5:15, 17-20).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

____________________________________________

Bài Giáo lý về sự phân định: 3. Những yếu tố phân định. Sự thân mật với Thiên Chúa

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta lại tiếp tục các bài giáo lý về chủ đề phân định — vì chủ đề phân định là rất quan trọng để biết được những gì đang diễn ra trong lòng chúng ta, để biết được những cảm xúc và ý tưởng của mình, chúng ta phải phân định được chúng từ đâu đến, chúng dẫn tôi đi đâu, đến những quyết định gì — và hôm nay chúng ta tập trung vào yếu tố đầu tiên trong những yếu tố cấu thành nó, đó là cầu nguyện. Để phân định chúng ta cần đặt mình trong một môi trường, trong trạng thái cầu nguyện.

Cầu nguyện là một sự trợ thủ không thể thiếu cho sự phân định thiêng liêng, đặc biệt khi nó liên quan đến chiều kích cảm xúc, giúp chúng ta có thể thưa với Chúa cách đơn sơ và thân mật, như nói chuyện với một người bạn. Đó là biết cách vượt ra ngoài những suy nghĩ, đi vào sự mật thiết với Thiên Chúa, với tình cảm tự nhiên. Bí mật về cuộc sống của các thánh là sự thân mật và tâm tình riêng tư với Chúa, những điều này phát triển trong các thánh và giúp cho các ngài ngày càng dễ dàng nhận ra điều gì làm hài lòng Thiên Chúa hơn. Cầu nguyện thật sự là thân mật và tin tưởng nơi Ngài. Nó không phải là việc đọc kinh giống như con vẹt, bla bla bla, không phải. Cầu nguyện thực sự xuất phát cách tự nhiên và yêu mến Thiên Chúa. Sự thân mật này chiến thắng nỗi sợ hãi hoặc nghi ngờ rằng ý muốn của Chúa là không tốt đẹp cho chúng ta, một cám dỗ có những lúc chạy qua trong suy nghĩ của chúng ta và làm cho tâm hồn chúng ta bất bất an và chao đảo, hoặc thậm chí là cay đắng.

Phân định không phải là khẳng định hoàn toàn chắc chắn, nó không phải là phương pháp thuần túy về phương diện hóa học, nó không khẳng định tuyệt đối chắc chắn, vì nó là về cuộc sống, và cuộc sống thì không phải luôn hợp luận lý, nó có nhiều khía cạnh không thể gói gọn trong một phạm trù tư tưởng. Chúng ta muốn biết chính xác những gì cần phải làm, nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra thì không phải lúc nào chúng ta cũng làm theo. Không biết bao nhiêu lần chúng ta cũng có kinh nghiệm như thánh Tông đồ Phaolô miêu tả rằng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19). Chúng ta không chỉ là lý trí, chúng ta không phải là những cỗ máy, chỉ đưa ra những chỉ dẫn để thực hiện chúng là không đủ: những trở ngại, như sự hỗ trợ, đối với quyết định dành cho Thiên Chúa chủ yếu thuộc về tình cảm, từ con tim.

Điều đặc biệt là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện trong Tin mừng theo Thánh Máccô là trừ quỷ (x. 1:21-28). Trong hội đường ở Caphácnaum Chúa đã cứu một người thoát khỏi quỷ ám, giải thoát người đó khỏi hình ảnh giả tạo về Thiên Chúa mà Satan đã đưa ra từ lúc đầu: đó là hình ảnh một Thiên Chúa không muốn chúng ta được hạnh phúc. Người bị quỷ ám trong đoạn Tin mừng đó biết rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng điều này không làm cho anh ta tin vào Ngài. Thật vậy, anh ta nói: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” (c. 24).

Nhiều người, ngay cả những người Kitô hữu, cũng nghĩ như vậy: tức là nghĩ rằng Chúa Giêsu có thể là Con Thiên Chúa, nhưng họ nghi ngờ việc Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc; thật vậy, một số người lo sợ rằng nếu đón nhận đề nghị của Ngài cách nghiêm túc, rằng điều mà Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta, thì đồng nghĩa với việc phá hỏng cuộc sống của chúng ta, hủy hoại những ước muốn, những khát vọng mạnh mẽ nhất của chúng ta. Những suy nghĩ này đôi khi len lỏi vào trong lòng chúng ta: rằng Chúa đòi hỏi quá nhiều ở chúng ta, chúng ta sợ rằng Chúa đòi hỏi chúng ta quá nhiều, rằng Ngài không thực sự yêu thương chúng ta. Thay vào đó, trong lần gặp gỡ đầu tiên, chúng ta thấy rằng dấu hiệu của sự gặp gỡ với Thiên Chúa là niềm vui. Khi gặp Chúa trong lời cầu nguyện, tôi trở nên vui mừng. Mỗi người chúng ta đều trở nên hân hoan, một điều rất đẹp. Trái lại, sự buồn bã hay sợ hãi là dấu hiệu của sự xa cách Thiên Chúa: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn”, Chúa Giêsu nói với người thanh niên có nhiều của cải (Mt 19:17). Thật đáng buồn cho người thanh niên đó, một số trở ngại không cho phép anh thực hiện mong muốn trong lòng là theo “Thầy nhân lành” một cách gần gũi hơn. Anh ta là một thanh niên mạnh dạn, ham hiểu biết, anh ta đã chủ động đến gặp Chúa Giêsu, nhưng anh ta lại bị chia rẽ trong tình cảm của mình, đối với anh ta thì của cải là vô cùng quan trọng. Chúa Giêsu không buộc anh ta phải quyết định, nhưng bản văn ghi rằng người thanh niên “buồn bã” bỏ đi (câu 22). Những người quay lưng lại với Chúa thì không bao giờ có hạnh phúc, cho dù họ có vô vàn của cải và cơ hội để tùy ý sử dụng. Chúa Giêsu không bao giờ bắt buộc bạn phải theo Ngài, không bao giờ. Chúa Giêu cho bạn biết ý muốn của Ngài, Chúa cho bạn biết mọi điều, nhưng Ngài để bạn tự do. Và đây là điều đẹp nhất của việc cầu nguyện với Chúa Giêsu: sự tự do mà Ngài cho phép bạn. Ngược lại, khi chúng ta xa cách Chúa, điều buồn bã sẽ đọng lại trong chúng ta, một điều gì đó xấu xí trong lòng chúng ta.

Phân định những gì đang xảy ra trong lòng chúng ta không phải là điều dễ dàng, vì những vẻ bề ngoài dễ làm cho nhầm lẫn, nhưng sự thân mật với Chúa có thể làm tan biến những hoài nghi và sợ hãi một cách nhẹ nhàng, khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng dễ tiếp nhận “ánh sáng dịu dàng” của Ngài, theo cách diễn giải tuyệt vời của Thánh John Henry Newman. Các thánh tỏa sáng bằng ánh sáng phản chiếu và thể hiện sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa qua những cử chỉ đơn sơ trong ngày của họ, Thiên Chúa biến điều không thể thành có thể. Người ta nói rằng hai vợ chồng sống yêu thương nhau thật lâu thì cuối cùng sẽ trở nên tương đồng như nhau. Cũng có thể nói tương tự như vậy về lời cầu nguyện đầy lòng cảm mến: theo cách từ từ nhưng hiệu quả, nó khiến chúng ta ngày càng có khả năng nhận ra những gì là quan trọng một cách tự nhiên, như một điều gì đó bật lên từ sâu thẳm con người chúng ta. Cầu nguyện không có nghĩa là nói và nói, không: cầu nguyện có nghĩa là mở lòng ra với Chúa Giêsu, đến gần Chúa Giêsu, cho phép Chúa Giêsu đi vào tâm hồn tôi và làm cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Và ở đó chúng ta có thể phân định những suy nghĩ khi nào là của Chúa Giêsu và khi nào là của chúng ta, những suy nghĩ của chúng ta nhiều lần rất khác xa với những gì Chúa Giêsu muốn.

Chúng ta hãy xin ơn này: sống mối quan hệ bằng hữu với Chúa, như một người bạn nói với một người bạn (x. Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 53). Tôi biết một vị tu sĩ lớn tuổi gác cổng một trường nội trú, và mỗi khi có thể ngài tiến vào nhà nguyện, nhìn lên bàn thờ và nói, “Kính chào Chúa” vì ngài gần gũi với Chúa Giêsu. Tu huynh không cần phải nói blah blah blah, không: “Con chào Chúa, con gần Chúa và Chúa gần con.” Đây là mối quan hệ mà chúng ta phải có khi cầu nguyện: gần gũi, gần gũi về tình cảm, như anh chị em, gần gũi với Chúa Giêsu. Một nụ cười, một cử chỉ đơn giản và không đọc lại những lời không chạm đến tâm hồn. Như cha đã nói, hãy thưa chuyện với Chúa Giêsu như một người bạn nói chuyện với một người bạn. Đó là một ơn mà chúng ta phải xin cho nhau: xem Chúa Giêsu là người bạn của chúng ta, là người bạn tuyệt vời nhất, người bạn trung thành của chúng ta, người không tống tiền, trên hết là người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài. Ngài vẫn đứng ở cửa tâm hồn của chúng ta. Chúng ta nói: “Không, với Chúa, con không muốn biết bất cứ điều gì.” Và Ngài vẫn im lặng, Ngài luôn ở gần gần, trong tâm hồn vì Ngài luôn trung tín. Chúng ta hãy tiếp tục với lời cầu nguyện này, chúng ta có thể nói lời cầu nguyện “Ciao”, lời cầu nguyện chào Chúa với tấm lòng, lời cầu nguyện cảm mến, lời cầu nguyện gần gũi, ít lời nhưng bằng hành động và việc làm tốt lành. Cảm ơn anh chị em.

____________________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào anh chị em hành hương nói tiếng Anh tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là anh chị em đến từ Đan Mạch, Ghana, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Cha gửi lời chào thân ái đến đông đảo các nhóm sinh viên hiện diện, và đặc biệt là lớp phó tế của Trường Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ và gia đình của họ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Kitô đổ xuống trên tất cả anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Đặc biệt, cha xin chào các tín hữu của các giáo xứ Parete và Battipaglia, hy vọng rằng, với sự cam kết của tất cả mọi người, lòng nhiệt thành tôn giáo của các cộng đoàn giáo xứ sẽ phát triển.

Và ý nghĩ hướng về đất nước Ukraine đang bị đau khổ, đang chịu đựng quá nhiều đau khổ, mà những người dân nghèo chịu thử thách cách nghiệt ngã. Sáng nay tôi có nói chuyện với Đức Hồng y Krajewski, ngài đang trên đường trở về từ Ukraine và ngài đã kể cho tôi nghe những điều khủng khiếp. Chúng ta hãy nghĩ đến Ukraine và cầu nguyện cho dân tộc chịu đau khổ này.

Cuối cùng như thường lệ, suy nghĩ của cha hướng về các bạn trẻ, bệnh nhân, người già và các đôi vợ chồng mới cưới. Ước mong Lễ các Tổng lãnh Thiên thần Michael, Gabriel và Raphael, mà chúng ta sẽ cử hành vào ngày mai, khơi dậy trong mọi người lòng trung thành tuân theo các kế hoạch của Nước Trời. Cầu mong anh chị em nhận ra và làm theo tiếng nói của Vị Thầy trong lòng của anh chị em, Đấng nói trong thầm kín lương tâm của anh chị em. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các Hiến binh Vatican, nhận thánh bổn mạng là Thánh Michael Tổng lãnh Thiên thần, và sẽ cử hành Lễ ngày mai. Xin cho họ luôn noi gương Tổng lãnh Thiên thần và xin Chúa chúc phúc cho mọi điều tốt lành họ làm.

Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/9/2022]


Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Đức Thánh Cha bất ngờ đến thăm bếp ăn bác ái

Đức Thánh Cha bất ngờ đến thăm bếp ăn bác ái

Đức Thánh Cha bất ngờ đến thăm bếp ăn súp bác ái

Shutterstock | addkm

I.Media for Aleteia

25/09/22

Trong dịp Đại hội Thánh Thể Quốc gia tại Matera, miền nam nước Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dừng chân để đến thăm người nghèo.

Sau Thánh lễ tại Đại hội Thánh Thể lần thứ 27 ở Matera, Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có chuyến thăm ngắn “Bếp ăn Huynh đệ Don Giovanni Mele” trong thành phố, Phòng báo chí Vatican đưa tin cùng ngày. Ngài chào các nhân viên và làm phép khu nhà mới xây dựng của cơ sở này, được khai trương gần đây.

Đức Giáo Hoàng đã dự định đến thăm bếp ăn súp theo chương trình được công bố vào tháng Bảy, nhưng chuyến thăm bị hủy vào đầu tháng Chín. Dường như một biến cố không lường trước đã làm cho chuyến thăm viếng trở nên khả thi: Đức Thánh Cha đã đến Matera bằng xe hơi chứ không phải trực thăng, do điều kiện thời tiết mưa bão.

Hãng thông tấn Sir – do hội đồng giám mục Ý bảo trợ – đưa tin rằng Đức Thánh Cha được tháp tùng đến bếp ăn súp bởi Đức Cha Antonio Giuseppe Caiazzo, Tổng Giám mục của Matera.

Ngồi trên xe lăn, Đức Thánh Cha chào những người đứng đón ở lối vào và sau đó ngài đi thăm nhanh cơ sở.

Vatican News giải thích rằng trung tâm này được đặt theo tên của Cha Giovanni Mele, một linh mục coi xứ địa phương nổi tiếng vì sự dấn thân và phục vụ người nghèo.

Nhà bếp phục vụ khoảng 100 suất ăn mỗi ngày. Trong thời gian đại dịch, bếp súp cung cấp các bữa ăn mang đi.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2022]


Cha Lombardi nhìn thấy tính bổ sung trong tiếng nói của 3 vị giáo hoàng (Phỏng vấn)

Cha Lombardi nhìn thấy tính bổ sung trong tiếng nói của 3 vị giáo hoàng (Phỏng vấn)

Cha Lombardi nhìn thấy tính bổ sung trong tiếng nói của 3 vị giáo hoàng (Phỏng vấn)

Fr. Federico Lombardi

I.Media for Aleteia 

18/09/22

Những tính cách khác biệt nhưng tuyệt vời ... Tôi đã tìm thấy niềm vui khi giúp người Kitô hữu hiểu rằng sự phong phú của họ mang tính bổ sung và không mâu thuẫn.

Cha Federico Lombardi vừa mừng sinh nhật lần thứ 80 và kỷ niệm 50 năm linh mục, một ngày kỷ niệm nhân đôi được tổ chức ngày 6 tháng Chín năm 2022, với một thánh lễ do Bộ Truyền thông tổ chức. Sáu năm sau khi rời khỏi vị trí đứng đầu của Đài phát thanh Vatican và Phòng Báo chí Tòa Thánh, vị tu sĩ Dòng Tên người Ý vẫn tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội, đặc biệt với tư cách là chủ tịch của Quỹ Ratzinger-Benedict XVI.

Trong một cuộc phỏng vấn với I.MEDIA, ngài nói đến kinh nghiệm cá nhân về thiên chức linh mục và những thách đố hiện tại mà các linh mục phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh những ngờ vực liên quan đến các vụ lạm dụng tính dục, một chủ đề mà cá nhân ngài đã có vai trò tích cực trong việc tạo điều kiện cho hội nghị thượng đỉnh của các vị chủ tịch các hội đồng giám mục do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập vào năm 2019.

Trong các bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô thường mời gọi các linh mục luôn nhớ về “tiếng gọi ban đầu” của họ, về “sự ngạc nhiên” của họ khi ánh mắt Chúa Giêsu nhìn đến họ… Kỷ niệm riêng của cha về tiếng gọi đó là gì? Ơn gọi của cha xuất hiện khi nào?

Cha Lombardi: Ơn gọi của tôi xuất hiện cách từ từ, trong bối cảnh một gia đình Kitô giáo sùng đạo, mang đậm dấu ấn kinh nghiệm đức tin. Tôi đang tìm kiếm một hình thức hy sinh trọn vẹn và triệt để. Ý nghĩa cuộc sống của tôi là tìm cách dâng mình hoàn toàn cho chương trình của Chúa dành cho tôi: Tôi cảm nhận ơn gọi tu trì, trước khi có ơn gọi linh mục.

Thông qua hoạt động hướng đạo sinh, tôi kinh ngạc trước vẻ đẹp của tạo vật, và tôi cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong thế giới tự nhiên xung quanh tôi, điều mà tôi xem như một ơn của Đấng Tạo Hóa dành cho tôi. Giúp đỡ người nghèo, đồng hành với người bệnh trên chuyến hỏa xa đến Lộ Đức và Loreto, và thăm bệnh nhân tại nhà của họ cũng có tác động rất lớn đối với tôi.

Tôi cũng có thể xác định hai thời điểm mạnh mẽ hơn trong đó tôi cảm thấy Chúa đang gọi tôi đưa ra quyết định dâng hiến trọn vẹn bản thân. Một lần trong một chuyến chạy xe đạp đường dài ở miền nam nước Pháp khi tôi 17 tuổi, và một lần là trong kỳ tĩnh tâm. Đây là những thời khắc đấu tranh nội tâm, nhưng chúng kết thúc bằng quyết định đi vào đời sống thánh hiến. Và tôi chọn Dòng Tên, vì tôi đã được học trong một trường của Dòng Tên.

Các giai đoạn căn bản khi bắt đầu đời sống tu trì và thiên chức linh mục của cha là gì?

Cha Lombardi: Tôi là một tu sĩ trẻ Dòng Tên vào thời điểm Công Đồng Vatican II diễn ra, và tôi được ghi dấu bởi bầu khí canh tân và năng động này. Tôi cảm nhận niềm vui tinh thần lớn lao khi đọc Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, cái nhìn tích cực về thời đại chúng ta và cái nhìn thừa sai để phục vụ thế giới.

Trong thời gian đào tạo, tôi sống với các sinh viên ở Turin, nơi tôi học môn toán. Sau đó, tôi được chuyển đến Đức, đến Frankfurt, để học thần học và năm đầu tiên của thiên chức linh mục sau khi tôi được thụ phong năm 1972. Bên cạnh việc học thần học, tôi gắn kết trong hoạt động tông đồ với những người di cư Ý và gia đình của họ.

Đây là trường kinh nghiệm đầu tiên của tôi, sứ vụ đầu tiên của tôi với tư cách là một phó tế và sau đó là một linh mục, và nó đánh dấu cách tôi sống chức tư tế của mình. Họ có văn hóa của họ, sự đơn giản của họ, các vấn đề của họ. Điều này thúc đẩy tôi cố gắng diễn đạt thông điệp Kitô giáo, cử hành Bí tích Thánh Thể, giảng theo cách đơn giản và rõ ràng nhất có thể, đi vào điều cốt yếu, xoáy vào những vấn đề cụ thể đối với những người gặp khó khăn trong cuộc sống.

Mặc dù sau đó tôi làm việc nhiều trong những lĩnh vực trí thức hơn, tôi luôn quan tâm đến điều này là nói về đức tin bằng cách nói về cuộc sống, về những hoàn cảnh cụ thể, chứ không phải bằng cách đi vào đám mây hoặc nói về những điều đẹp đẽ thuần lý thuyết mà chẳng có liên hệ trực tiếp với trải nghiệm của những người đang lắng nghe. Đây vẫn là điểm quan trọng đối với tôi, là điều tôi chưa bao giờ quên. Và những bài báo tôi viết về người Ý di cư ở Đức đã khiến bề trên chuyển tôi đến làm việc tại Roma cho tạp chí La Civiltà Cattolica, trong thời kỳ diễn ra các cuộc tranh luận hậu Công đồng và cuối triều đại của Đức Giáo hoàng Phaolô VI.

Sau khi làm việc cho tạp chí này, và sau đó làm giám tỉnh Dòng Tên ở Ý một vài năm trong khoảng những năm 1990-91, cha đã trở thành giám đốc chương trình tại Đài phát thanh Vatican. Cha đảm nhận trách nhiệm giữa thời gian xảy ra cuộc Chiến vùng Vịnh, và cha đã sống qua nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế, cũng như khủng hoảng nội bộ trong Vatican. Bằng cách nào cha kết hợp hài hòa sự tập trung vào các bản tin và đời sống cầu nguyện của một người linh mục? Làm thế nào cha thực hiện cùng một lúc hai khía cạnh trái ngược nhau này?

Cha Lombardi: Làm việc nhóm là quan trọng đối với tôi. Vì vậy, đó không chỉ là trách nhiệm cá nhân, công việc của tôi không phải là tìm ra giải pháp cho những câu hỏi cơ bản của nhân loại! Nhưng tôi làm việc với cộng đồng đài phát thanh tuyệt vời, dĩ nhiên là với các tu sĩ Dòng Tên, nhưng cùng với cả những người rất giàu kinh nghiệm khác.

Tại Phòng Báo chí và Trung tâm Truyền hình Vatican, tôi cũng được hỗ trợ bởi một đội ngũ kỹ thuật viên và biên tập viên. Trách nhiệm đối mặt với các vấn đề của đời sống Giáo hội không phải là vấn đề cá nhân, mà là vấn đề của nhóm làm việc, với những định hướng chung để tìm kiếm thái độ đúng đắn. Đối với tôi, đó là một trải nghiệm rất thú vị: tôi không phải tự mình giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới, mà là đồng hành, trình bày và giải thích sự phục vụ của giáo hoàng cho xã hội và cho Giáo hội.

Phục vụ hòa bình, công bằng, quan tâm đến người nghèo, phẩm giá của con người: tôi tìm thấy những chủ đề này trong thái độ và hành động của giáo hoàng, và cùng với nhóm, chúng tôi cố gắng đem lại kết quả cho chúng qua cách chúng tôi trình bày.

Cha Lombardi nhìn thấy tính bổ sung trong tiếng nói của 3 vị giáo hoàng (Phỏng vấn)


Như vậy làm việc trong lĩnh vực truyền thông của Vatican mang đến kinh nghiệm về tính đồng trách nhiệm giữa các linh mục và giáo dân?

Cha Lombardi: Vâng, tất nhiên có những giáo dân có tinh thần và đức tin mạnh mẽ, nhưng tôi thực hiện công việc phục vụ này với tư cách là một linh mục, với sự đào tạo của tôi, sự nhạy cảm của tôi, và những mối quan tâm mục vụ của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình chỉ là một người quản lý. Tôi phải điều hành một tổ chức, với sự cộng tác của những người khác, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ thuần túy đến hiệu quả của việc quản lý. Cách nghĩ đó hoàn toàn nằm ngoài khả năng của tôi. Tôi phải hoạt động, hướng dẫn và tổ chức một cộng đồng những người làm truyền thông để phục vụ con người và Giáo hội, được thúc đẩy bởi đức tin của tôi, bởi tầm nhìn của Kitô giáo.

Anh không nhất thiết phải là một linh mục để làm được việc này, nhưng tôi là một linh mục, vì vậy tôi đã thực hiện việc đó bằng cách tìm sự hiệp nhất trách nhiệm về chuyên môn và tư tế của tôi trong mối quan hệ với cộng đồng nghề nghiệp đã được giao phó cho tôi.

Tôi luôn cố gắng làm việc với những người khác, từ khi còn là đội trưởng trong đội hướng đạo sinh, rồi sau khi thụ phong, là phó giám đốc của tạp chí La Civiltà Cattolica, sau đó là giám tỉnh của 1.200 tu sĩ Dòng Tên ở Ý. Đó là trách nhiệm đối với cộng đoàn, và tôi cũng đã áp dụng rất nhiều kinh nghiệm về đời sống làm việc nhóm cho công việc của tôi tại Đài phát thanh Vatican, với khoảng 400 người tại thời điểm đó.

Ba vị giáo hoàng mà cha đã trực tiếp phục vụ – Đức Gioan Phaolô II, Đức Benedict XVI và Đức Phanxicô – đã truyền cảm hứng cho cha như thế nào trong chức vụ tư tế của cha?

Cha Lombardi: Đức Gioan Phaolô II đã cho chúng tôi động lực của tầm nhìn về sứ vụ phổ quát, và lịch sử được giải thích và sống dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô và sứ vụ của Ngài là Đấng Cứu thế và Cứu chuộc, đặc biệt là qua Năm Thánh 2000. Điều này đã giúp tôi trong công việc xác định tầm nhìn lịch sử về sứ mệnh của Giáo hội đối với nhân loại, một khát khao lớn lao là phục vụ hòa bình và gia đình các dân tộc. Ngài đã đưa ra quan điểm tuyệt vời cho lịch sử, cho thế giới và Giáo hội hoàn vũ, cũng như tìm cách đề cao giới trẻ qua Ngày Giới trẻ Thế giới.

Về Đức Benedict XVI: trong thời gian học tập ở Đức, tôi rất ngưỡng mộ sự sâu sắc và hài hòa trong tư tưởng của ngài, khả năng tổng hợp, cách ngài trình bày toàn bộ tầm nhìn Kitô giáo một cách nhẹ nhàng và đối thoại với văn hóa đương đại. Khi ngài làm Giáo hoàng và tôi đưa tin về ngài, tôi thậm chí đánh giá cao hơn sự quả quyết của ngài về mối quan hệ giữa tâm linh và trí tuệ. Những bài giảng của ngài, khả năng đọc các mầu nhiệm của Chúa Kitô và nói về những mầu nhiệm đó với chiều sâu tâm linh và thần học tuyệt vời, đã thực sự thu hút tôi.

Tôi cũng nhớ đến khả năng của ngài trong việc cân bằng những căng thẳng mà Giáo hội và xã hội đang trải qua, cố gắng giữ mọi thứ lại với nhau, để trình bày Kitô giáo như một tầm nhìn đẹp đẽ, sâu sắc, có khả năng dẫn dắt trải nghiệm văn hóa hướng tới một chân lý tối thượng trong Chúa Giêsu Kitô và trong đức tin. Ngài có khả năng tích hợp tất cả những suy tư này trong một tầm nhìn hoàn toàn không hời hợt, mà rất ý thức về các vấn đề của thế giới ngày nay. Sự tổng hợp chân lý trong đức tin này đã nuôi dưỡng tôi cách sâu sắc.

Về phần Đức Phanxicô, ngài có đặc sủng phi thường về sự gần gũi, khả năng khiến mọi người cảm nhận và trải nghiệm sự gần gũi của tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mọi người, đối với người nghèo, đối với những người đau khổ. Theo nghĩa này, ngài là một hình mẫu tuyệt vời và là người thúc đẩy các mối quan hệ cụ thể với tất cả những người ngài gặp, với khả năng tự nhiên về các mối quan hệ, bằng cử chỉ và ngôn ngữ đơn giản.

Tôi thấy trong ba vị giáo hoàng này có một sự bổ sung phong phú luôn nuôi dưỡng tôi trong việc phục vụ tư tế và thiêng liêng. Tôi luôn cố gắng thấu hiểu, diễn giải và phục vụ những đặc sủng của các vị giáo hoàng, với những tính cách khác biệt nhưng tuyệt vời, và tôi tìm thấy niềm vui khi giúp người Kitô hữu hiểu rằng sự phong phú của họ là sự bổ sung và không mâu thuẫn.

Cha Lombardi nhìn thấy tính bổ sung trong tiếng nói của 3 vị giáo hoàng (Phỏng vấn)

Đức Giáo hoàng Phanxicô (trái) và cha Federico Lombardi chào các nhà báo trên chuyên cơ Giáo hoàng khi đến Rio de Janeiro ngày 22 tháng Bảy năm 2013. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã hạ cánh xuống Brazil hôm thứ Hai trong chuyến tông du nước ngoài đầu tiên của ngài với tư cách là Giáo hoàng để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới quốc tế tại Brazil, quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới. AFP PHOTO / LUCA ZENNARO / POOL / AFP PHOTO / POOL / LUCA ZENNARO

Sau khi nghỉ hưu tại Đài phát thanh Vatican và Phòng Báo chí, cha vẫn hoạt động tích cực trong một số vấn đề, bao gồm cả cuộc chiến chống lạm dụng. Ngoài việc chú ý đến các nạn nhân, cha có thể nói gì với các linh mục đang mệt mỏi vì áp lực xã hội và truyền thông liên quan đến những hiện tượng này? Bằng cách nào chúng ta có thể tìm được sự cân bằng giữa cách tiếp cận cứng rắn hơn và nghiêm khắc hơn đối với tình trạng lạm dụng, mà không rơi vào thái độ nghi ngờ chung gây ra nhiều đau khổ?

Cha Lombardi: Tôi tin rằng đứng trước những vụ lạm dụng và tai tiếng, khía cạnh nghi ngờ và sỉ nhục là không thể tránh khỏi. Đó là một cái giá mà chúng ta phải trả, như là sự chung phần vào sự đau khổ của các nạn nhân và việc thanh tẩy Giáo hội. Không có con đường thanh tẩy, sám hối, canh tân nào mà không có cái giá phải trả. Đúng là tôi phải đau khổ, tôi bị sỉ nhục với tư cách là một linh mục, nhưng tôi chấp nhận điều đó. Trên con đường theo Chúa Giêsu Kitô, có toàn bộ chiều kích của sự sỉ nhục được sinh ra với lòng khiêm nhường, với sự kiên nhẫn, với ý thức về việc phải cùng nhau gánh lấy những hậu quả của các lỗi lầm đó để đổi mới chính bản thân. Đây là một điểm rất cơ bản.

Nhưng chúng ta phải tiếp tục tin cậy vào ân sủng của Thiên Chúa, vào sự thật ơn gọi của chúng ta. Chúng ta tin vào giá trị của việc phục vụ đức tin, phục vụ Lời Chúa. Nếu chúng ta vững tin rằng chúng ta đã được gọi thì chúng ta phải tiếp tục phục vụ thông điệp ơn cứu độ nhân loại của Chúa Giêsu Kitô với lòng trung kiên và quyết tâm.

Do đó, chúng tôi phải chấp nhận và sống sự sỉ nhục một cách nghiêm túc khi thông phần vào sự đau khổ của các nạn nhân, và luôn ý thức về giá trị của việc cam kết với đời sống Kitô hữu và việc phục vụ người khác, kể cả trong thể thức chức tư tế, các bí tích và việc công bố Lời Chúa.

Cha có cái nhìn như thế nào về cuộc khủng hoảng thiên chức linh mục đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia? Liệu giai đoạn thanh tẩy này có thể dẫn đến một điều gì đó công bằng hơn, lành mạnh hơn và cuối cùng là cuốn hút hơn không?

Cha Lombardi: Tất nhiên là tôi hy vọng như vậy! Khi nhìn thấy những khía cạnh tiêu cực, chúng ta cũng phải cố gắng phân định ra những tín hiệu tích cực mà chúng ta có thể thấy trong Giáo hội và xã hội của chúng ta. Đó là một nguyên tắc của truyền thông: Chúng ta thường có xu hướng nhìn thấy điều xấu và tiêu cực, nhưng chúng ta cũng phải nhìn thấy những khía cạnh tích cực, và có rất nhiều trong Giáo hội! Cũng có những thay đổi trong các hình thức thi hành việc phục vụ và trong đời sống của Giáo Hội, và chúng phải được tìm kiếm cùng với nhau.

Do đó, chủ đề của thượng hội đồng mà Đức Thánh Cha đưa ra cho chúng ta là rất quan trọng. Đó là quan điểm chính của triều đại giáo hoàng này: mời gọi chúng ta cùng nhau lên đường như một cộng đoàn, cảm nhận trách nhiệm chung của chúng ta, và không ngại nhìn vào thực tại, và giúp đỡ nhau, cùng nhau cầu nguyện, tìm kiếm Chúa Thánh Thần là Đấng có thể tỏ lộ theo nhiều cách.

Chúng ta hãy nghĩ về Giáo hội sơ khai: Chỉ có 12 người, nhưng Chúa Thánh Thần đã tìm thấy sức mạnh để truyền bá đức tin Kitô giáo. Trong lịch sử của mình, Giáo hội đã trải qua nhiều thay đổi. Chẳng hạn, Dòng Tên đã từng bị giải thể, nhưng sau đó lại được tái sinh… Do đó, chúng ta phải có một cách nhìn để nó không bị đóng ấn bởi một hoàn cảnh nhất thời, nhưng với đức tin hãy có cái nhìn vững tin vào công việc của Thiên Chúa và Thần Khí của Người.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/9/2022]


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

Đức Thánh Cha thúc giục giới trẻ xây dựng một nền kinh tế của sự sống

Đức Thánh Cha thúc giục giới trẻ xây dựng một nền kinh tế của sự sống

Đức Thánh Cha thúc giục giới trẻ xây dựng một nền kinh tế của sự sống

TIZIANA FABI | AFP

Kathleen N. Hattrup 

24/09/22


Đức Thánh Cha nói, con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, là những người tìm kiếm ý nghĩa trước khi là những người tìm kiếm của cải vật chất.

“Một xã hội và nền kinh tế mà không có người trẻ thì thật là buồn bã, bi quan, yếm thế,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các bạn trẻ nhóm họp tại sự kiện Nền Kinh tế Phanxicô tại Assisi ngày 24 tháng Chín năm 2022. Trước sự tung hô vang dậy của họ, Đức Thánh Cha mời gọi 1.000 người tham gia hãy “khuấy động mọi thứ lên ”để tạo điều kiện cho một sự chuyển đổi mô hình kinh tế.

“Cha đã chờ đợi khoảnh khắc này hơn ba năm nay,” Đức Thánh Cha nói, nhắc lại bức thư ngài viết gửi giới trẻ ngày 1 tháng 5 năm 2019, trong đó ngài kêu gọi họ suy ngẫm về nền kinh tế của ngày mai để trao cho nó “một linh hồn.”

Ngài bày tỏ sự hài lòng khi họ thành công trong việc hình thành một “cộng đồng thanh niên toàn cầu”, những người có “chung ơn gọi”: “thay đổi một hệ thống khổng lồ và phức tạp như nền kinh tế thế giới”.

Ngài khẳng định: “Người trẻ các con, với sự trợ giúp của Chúa, biết phải làm gì, các con có thể làm được việc đó; thanh niên đã làm việc này trước đây trong lịch sử.”

“Thế hệ của cha và những người cao tuổi để lại cho các con một di sản phong phú, nhưng chúng tôi không biết cách bảo vệ hành tinh và không bảo đảm được hòa bình,” Đức Thánh Cha nói sau khi lắng nghe một số lời chứng của các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Ngài chỉ thị cho thanh niên phải trở thành những “nghệ nhân” của ngôi nhà chung đang “rơi vào cảnh hoang tàn”, để “chuyển đổi nền kinh tế tiêu diệt thành nền kinh tế của sự sống”. Và ngài thốt lên, “Cha tin tưởng vào các con!”

Các con không phải là người “chưa đến”, các con còn là người “đã ở đây,”; các con là hiện tại.

Đức Thánh Cha thúc giục giới trẻ xây dựng một nền kinh tế của sự sống

TIZIANA FABI | AFP

3 chỉ dẫn

Trong bài diễn từ, Đức Thánh Cha đã đưa ra ba lời khuyên rút ra từ cuộc đời của Thánh Phanxicô Assisi cho các bạn trẻ đến từ hơn một trăm quốc gia.

Trước hết là “nhìn thế giới qua con mắt của người nghèo” và những người yếu thế. Ngài nhấn mạnh: “Ước mong những lựa chọn hàng ngày của các con không ‘tạo ra’ những người bị loại bỏ.”

Ngài đưa ra lời khuyên thứ hai: “Đừng quên công việc của các con, đừng quên người lao động”, và yêu cầu các bạn trẻ rằng “khi các con tạo ra sản phẩm và dịch vụ, các con đừng quên tạo ra việc làm, việc làm tốt và làm việc vì mọi người”.

Chỉ dẫn thứ ba là “hiện thân”, điều mà Đức Phanxicô giải thích rằng những người để lại dấu ấn tích cực trong lịch sử “đã chuyển những lý tưởng, ước muốn và giá trị thành những hành động cụ thể”

Ngài nói: “Giáo hội luôn từ chối sự cám dỗ của giới trí giả khi cho rằng thế giới chỉ thay đổi nhờ những kiến thức khác nhau, mà không cần nỗ lực của thân xác.”

Bảo vệ vốn tinh thần của xã hội

Đức Phanxicô cũng cảnh báo về tính không bền vững của các mối quan hệ ở một số nơi trên thế giới, một tác động tiêu cực của chủ nghĩa tiêu dùng đối với các gia đình.

Cùng với gia đình, sự chấp nhận và việc bảo vệ sự sống đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở một số khu vực trên thế giới. Chủ nghĩa tiêu dùng hiện nay tìm cách lấp đầy khoảng trống của các mối quan hệ giữa con người bằng những tiện nghi ngày càng tinh vi hơn – sự cô đơn là ngành kinh doanh lớn trong thời đại của chúng ta! – nhưng theo cách này, nó tạo ra một nạn đói hạnh phúc.

Đức Giám mục của Roma giải thích rằng vốn quan trọng nhất của mọi xã hội là tinh thần, “vô hình nhưng thực hơn vốn về tài chính hoặc công nghệ.”

Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, là những người tìm kiếm ý nghĩa trước khi là những người tìm kiếm của cải vật chất. … Công nghệ có thể làm được nhiều điều: Nó dạy chúng ta “điều gì” và “làm thế nào”; nhưng nó không cho chúng ta biết “tại sao”; và do đó hành động của chúng ta trở nên khô cằn và không mang lại sự thỏa mãn cho cuộc sống, ngay cả đời sống kinh tế.

Ngài bày tỏ lo ngại rằng người trẻ thường chịu đau khổ vì thiếu ý nghĩa trong xã hội hiện đại, đề cập đến con số rất nhiều các vụ tự tử của giới trẻ.

Đức Thánh Cha thúc giục giới trẻ xây dựng một nền kinh tế của sự sống

TIZIANA FABI | AFP

Bất bình đẳng làm ô nhiễm nghiêm trọng cho hành tinh của chúng ta

Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo nhắc lại rằng đặt người nghèo ở trung tâm khi ra những quyết định cũng cần phải hướng dẫn những nỗ lực về môi trường.

Không phải tất cả các giải pháp về môi trường đều có tác dụng giống nhau đối với những người nghèo nhất, do đó cần phải ưu tiên cho những giải pháp giảm thiểu tình trạng khốn cùng và bất bình đẳng. Khi chúng ta tìm cách cứu hành tinh, chúng ta không được bỏ mặc những người đang đau khổ.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh về “sự tôn trọng, chăm sóc và yêu thương người nghèo, đối với từng người nghèo, với những người mong manh và dễ bị tổn thương – từ khi được thụ thai trong lòng mẹ đến người đau bệnh khuyết tật, người già gặp khó khăn.”

Cha thậm chí còn tiến xa hơn nữa: nền kinh tế của Thánh Phanxicô không được giới hạn ở mức độ chỉ làm việc cho người nghèo hoặc với người nghèo. Chừng nào hệ thống của chúng ta còn “sản sinh ra” những người bị loại bỏ, và chúng ta vận hành theo hệ thống này, thì chúng ta vẫn sẽ là đồng lõa của nền kinh tế tiêu diệt.

Cuối bài diễn từ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký một “công ước” được soạn thảo bởi những tham dự viên trong thời gian họ ở Umbria. Nó bao gồm mười hai cam kết mà tuổi trẻ thực hiện để thay đổi nền kinh tế của tương lai.

Đức Thánh Cha thúc giục giới trẻ xây dựng một nền kinh tế của sự sống

TIZIANA FABI | AFP

Và Đức Thánh Cha kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Cha, chúng con xin tha thứ vì đã làm tổn hại trái đất, vì đã không tôn trọng những nền văn hóa của người bản địa, vì đã không trân trọng và yêu thương những người nghèo nhất trong số người nghèo, vì đã tạo ra của cải mà không chia sẻ.

Lạy Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã linh hứng cho trái tim, đôi tay và trí óc của những người thanh niên này bằng Thần Khí của Người, và sai họ lên đường đi về miền đất hứa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến lòng quảng đại, tình yêu và khát khao của họ muốn dành cuộc đời cho lý tưởng cao cả.

Xin hãy chúc phúc cho công việc, cho sự học tập và ước mơ của họ; xin đồng hành với họ trong khó khăn và đau khổ, giúp họ biến những khó khăn và đau khổ thành đức hạnh và sự khôn ngoan.

Xin hãy hỗ trợ cho niềm khát khao sự thiện hảo cho cuộc sống của họ, nâng đỡ họ khi đứng trước những chán nản vì các gương xấu, xin đừng để họ ngã lòng nhưng xin cho họ biết tiếp tục trên con đường của họ. Xin Chúa, với Người Con yêu dấu duy nhất đã trở thành một người thợ mộc, ban cho họ niềm vui trong công cuộc biến đổi thế giới bằng tình yêu thương, tài trí và đôi bàn tay. Amen.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/9/2022]


Chúng ta thực hiện cam kết mới xây dựng tương lai phù hợp với chương trình của Thiên Chúa

Chúng ta thực hiện cam kết mới xây dựng tương lai phù hợp với chương trình của Thiên Chúa

Huấn từ trước Kinh Truyền tin

Chúng ta thực hiện cam kết mới xây dựng tương lai phù hợp với chương trình của Thiên Chúa

© Vatican Media


*******

Trong chuyến thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thành phố Matera để bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc gia lần thứ 27, ngài thực hiện giờ Kinh Truyền tin.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha.

______________________________________________

Huấn từ trước Kinh Truyền tin

Cuối buổi cử hành này, tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em đã tham dự, đại diện cho Dân thánh Chúa ở Ý. Và tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Zuppi đã đóng vai trò là người phát ngôn của đại hội. Tôi chúc mừng cộng đoàn giáo phận Matera-Irsina về những cố gắng tổ chức và chào đón, và tôi cảm ơn tất cả những anh chị em đã cộng tác trong Đại hội Thánh Thể này.

Giờ đây, trước khi bế mạc, chúng ta cùng hướng về Đức Trinh Nữ Maria, Người Phụ Nữ Thánh Thể. Chúng ta phó thác cho Mẹ cuộc hành trình của Giáo Hội tại Ý, để trong mỗi cộng đoàn có thể cảm nhận được hương thơm ngát của Chúa Kitô, Bánh Hằng Sống từ Trời xuống. Hôm nay tôi mạnh dạn nói lời yêu cầu với nước Ý: hãy sinh thêm con cái, hãy có thêm nhiều con cái. Và chúng ta xin sự cầu bầu của Mẹ cho những nhu cầu cấp thiết nhất của thế giới.

Tôi nghĩ, đặc biệt là cho Myanmar. Trong suốt hơn hai năm, đất nước cao quý đó đã chịu tử đạo bởi các cuộc đụng độ vũ trang và bạo lực nghiêm trọng, gây ra nhiều nạn nhân và nhiều người di tản. Tuần này, tôi đã nghe thấy tiếng khóc đau thương trước cái chết của các trẻ em trong một ngôi trường bị đánh bom. Chúng ta thấy rằng trong thế giới ngày nay đang có chiều hướng đánh bom các trường học. Cầu mong tiếng khóc của những trẻ nhỏ này được nghe thấy! Những thảm kịch này không được xảy ra!

Xin Mẹ Maria, Nữ vương Hòa bình, an ủi người dân Ukraine tử vì đạo và ban sức mạnh ý chí cho những người đứng đầu các Quốc gia để nhanh chóng tìm ra những sáng kiến hiệu quả nhằm chấm dứt chiến tranh.

Tôi cùng với các giám mục Cameroon lên tiếng kêu gọi giải phóng một số người bị bắt cóc ở giáo phận Mamfe, trong đó có năm linh mục và một nữ tu. Tôi cầu nguyện cho họ và cho người dân của giáo tỉnh Bamenda: xin Chúa ban bình an cho các tâm hồn và cho đời sống xã hội của đất nước thân yêu đó.

Hôm nay, Chúa nhật này, Giáo hội kỷ niệm Ngày Thế giới Di dân và Người Tị nạn, với chủ đề: “Xây dựng tương lai với những người di cư và tị nạn”. Chúng ta hãy thực hiện cam kết mới xây dựng tương lai phù hợp với chương trình của Thiên Chúa: một tương lai trong đó mỗi người có thể tìm thấy vị trí của mình và được tôn trọng; trong đó người di cư, người tị nạn, người di tản và các nạn nhân của nạn buôn người được sống trong hòa bình và có phẩm giá. Để Nước Thiên Chúa được trở thành hiện thực cho họ, không có loại trừ. Cũng nhờ những anh chị em đó mà các cộng đoàn có thể phát triển về mặt xã hội, kinh tế, văn hóa và tinh thần; và việc chia sẻ các truyền thống đa dạng làm phong phú cho Dân Chúa. Tất cả chúng ta hãy chung sức làm việc để xây dựng một tương lai hòa nhập và huynh đệ hơn! Người di cư phải được chào đón, được đồng hành, hỗ trợ và hòa nhập.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2022]


Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Những bức ảnh hiếm về Thánh Pio, một nhà thần bí khiêm nhường mang những dấu thương của Chúa Kitô

Những bức ảnh hiếm về Thánh Pio, một nhà thần bí khiêm nhường mang những dấu thương của Chúa Kitô

Những bức ảnh hiếm về Thánh Pio, một nhà thần bí khiêm nhường mang những dấu thương của Chúa Kitô

PD

Thánh Pio thường nói cho hối nhân biết tội mà họ đã cố tình bỏ qua.

Philip Kosloski

24/04/18


Những bức ảnh này cho thấy một vị linh mục thánh thiện đã nhận được những ơn thiêng liêng đặc biệt để phục vụ dân Chúa.


Thánh Pio Pietrelcina (thường được gọi là “Cha” Pio), là một linh mục người Ý khiêm nhường mà Chúa chọn để thực hiện những phép lạ phi thường trong đời sống của không biết bao nhiêu người đến với ngài xin được giúp đỡ về mặt thiêng liêng. Nhờ quyền năng của Thiên Chúa, ngài có thể đọc được linh hồn của con người, xuất hiện ở hai nơi cùng một lúc, và bay lên khỏi mặt đất, và ngài nhận được những dấu thương thánh của Chúa Giêsu Kitô (năm dấu thánh) trên thân mình ngài. Thánh Pio không xin bất kỳ điều gì trong những ơn này, nhưng là một bình đơn sơ mà Chúa sử dụng cho các mục đích thiêng liêng của Người.

Dưới đây là một số bức ảnh hiếm về nhà thần bí khiêm nhường cho thấy một trong những vị thánh phi thường nhất của thế kỷ 20.


Những bức ảnh hiếm về Thánh Pio, một nhà thần bí khiêm nhường mang những dấu thương của Chúa Kitô


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2022]


Làm việc vì một thế giới nhân văn hơn, công bằng và huynh đệ hơn bằng cách nào?

Làm việc vì một thế giới nhân văn hơn, công bằng và huynh đệ hơn bằng cách nào?

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi xin đề xuất ba cách”

Làm việc vì một thế giới nhân văn hơn, công bằng và huynh đệ hơn bằng cách nào?

© Vatican News


*******

Trong Khán phòng Phaolô VI sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các thành viên tham dự Cuộc Họp Toàn cầu của Deloitte.

Dưới đây, chúng tôi đăng lại huấn từ của Đức Thánh Cha trước những người có mặt trong cuộc gặp gỡ:

_________________________________________________

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến, chào mừng các bạn!

Tôi xin cảm ơn ông Renjen về những lời tóm tắt công việc của các bạn hỗ trợ thế giới kinh doanh đưa ra những quyết định đúng đắn trong những tình huống khác nhau. Tôi biết rằng tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, có 350.000 người làm việc cho công ty của các bạn tham gia đưa ra lời khuyên và sự trợ giúp cho các tổ chức khác. Đây quả là một trách nhiệm nặng nề!

Ngày nay, thế giới đang phải chịu đựng những điều kiện môi trường ngày càng xấu. Ngoài ra, nhiều dân tộc và các nhóm xã hội phải sống trong tình trạng không xứng phẩm giá do thiếu dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục và các quyền căn bản khác. Trong khi gia đình nhân loại của chúng ta trở nên toàn cầu hóa và được kết nối với nhau, thì đói nghèo, bất công và bất bình đẳng vẫn tồn tại.

Vậy bằng cách nào các nhà tư vấn, các nhà quản lý và các chuyên gia giàu kinh nghiệm có thể giúp đảo ngược hoặc ít nhất là khắc phục được tình trạng này? Họ sẽ tổ chức công việc như thế nào để phấn đấu cho một thế giới nhân văn, công bằng và huynh đệ hơn? Tôi xin đề xuất ba cách.

Trước hết là luôn nhận thức rằng các bạn có thể để lại dấu ấn. Điều này có nghĩa bảo đảm rằng dấu ấn của các bạn là tích cực và hướng tới sự phát triển toàn diện của con người. Kiến thức, kinh nghiệm, những kỹ năng và mạng lưới quan hệ rộng lớn của các bạn tạo thành một “quỹ phi vật chất” khổng lồ có thể giúp các doanh nhân, chủ ngân hàng, các nhà quản lý và quản trị công hiểu được tình huống của họ, hình dung ra tương lai và đưa ra những quyết định. Vì vậy, bằng cách giúp họ thấu hiểu là các bạn giúp họ đưa ra quyết định. Điều này mang lại cho tổ chức của các bạn và mỗi người các bạn khả năng hướng dẫn những lựa chọn, tác động đến các tiêu chí và đánh giá mức độ ưu tiên cho các công ty, các trường đại học, các cơ quan siêu quốc gia, chính quyền các quốc gia và địa phương, và những người ra quyết định ở cấp độ chính trị.

Các bạn nhận thức rõ về “sức mạnh” của mình. Điều này cần được đồng hành liên tục bởi mong muốn đưa các phân tích và đề xuất của các bạn theo hướng phù hợp với mô hình sinh thái toàn diện. Một câu hỏi rất tốt đặt ra cho bản thân khi các bạn đánh giá điều gì hiệu quả và điều gì không hiệu quả là: “Chúng ta muốn để lại cho con cháu của chúng ta một thế giới như thế nào?”

Gợi ý thứ hai mà tôi muốn đưa ra là đảm nhận và hoàn thành trách nhiệm văn hóa của các bạn, điều này cũng bắt nguồn từ sự phong phú về trí tuệ và sự kết nối của các bạn. Với “trách nhiệm văn hóa”, tôi muốn nói đến hai điều: bảo đảm các tiêu chuẩn chuyên môn thích đáng, đồng thời là tiêu chuẩn về nhân học và đạo đức cho phép các bạn đề xuất những phản ứng phù hợp với tầm nhìn của Tin mừng về kinh tế và xã hội; nói cách khác, với học thuyết xã hội của Công giáo. Đây là vấn đề đánh giá tác động trực tiếp và gián tiếp của các quyết định, và tác động của chúng, trước hết là đối với các cộng đồng, cá nhân và môi trường, sau đó mới đến doanh nghiệp. “Các nền văn hóa khác nhau đã triển nở qua các thế kỷ cần phải được giữ gìn, nếu không muốn thế giới chúng ta bị nghèo nàn đi. Đồng thời, những nền văn hóa ấy cần được khuyến khích mở ra với những kinh nghiệm mới, xuyên qua sự gặp gỡ với những thực tại khác” (Tông huấn Fratelli Tutti, 134).

Một gợi ý thứ ba là đề cao tính đa dạng. Tất cả các tổ chức liên quan đến con người – tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng, hiệp hội, phong trào – đều có quyền có thể bảo vệ và phát triển bản sắc riêng của họ, nếu được lãnh đạo cách trung thực và phù hợp. Ở đây chúng ta có thể nói về “đa dạng sinh học của doanh nghiệp”, diễn đạt cách tốt đẹp như một sự bảo đảm về quyền tự do kinh doanh và quyền tự do lựa chọn cho khách hàng, người tiêu dùng, người gửi tiết kiệm và nhà đầu tư. Đa dạng sinh học của doanh nghiệp cũng là điều kiện tất yếu cho sự ổn định, cân bằng và thịnh vượng của con người. Đây là những gì diễn ra trong tự nhiên và cũng có thể xảy ra trong các “hệ sinh thái” kinh tế.

Trong mười lăm năm qua, thế giới đã liên tục trải qua những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Chúng ta chưa giải quyết xong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 thì lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ chính phủ và các nền kinh tế thực, tiếp theo là trận đại dịch và cuộc chiến ở Ukraine với tất cả những hậu quả và mối đe dọa toàn cầu của nó.

Trong khi đó, hành tinh của chúng ta tiếp tục chịu đựng những hậu quả của sự biến đổi khí hậu; những cuộc chiến tàn ác và ẩn mặt diễn ra ở nhiều vùng khác nhau, và hàng chục triệu người đã buộc phải di cư khỏi quê hương của họ. Trong khi đời sống hàng ngày đã được cải thiện đối với một phần nhân loại, thì phần khác lại phải gánh chịu những lựa chọn vô đạo đức và trở thành nạn nhân của một hình thức phát triển nghịch phát triển. Thật vậy, Thánh Phaolô VI đã giải thích rất rõ rằng phát triển công bằng xã hội là tên gọi mới của hòa bình (xem Thông điệp Populorum Progressio, 76-80).

Các nhà tư vấn chuyên nghiệp có thể làm gì trong tình huống khó khăn và bấp bênh này? Họ có thể làm được nhiều việc bằng cách thiết lập các phân tích và đề xuất với một quan điểm và tầm nhìn toàn diện. Quả thật, việc làm xứng phẩm giá cho con người, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, giá trị kinh tế và xã hội, và tác động tích cực đến cộng đồng đều có mối liên hệ với nhau.

Nhận thức được vai trò của mình, các nhà tư vấn ngày nay được kêu gọi để đề xuất và thảo luận về các hướng đi mới cho những thách thức mới. Các kế hoạch cũ chỉ có hiệu quả một phần trong những bối cảnh khác nhau. Tôi gọi thế hệ tư vấn mới này là “những chuyên gia tư vấn toàn diện”: là các chuyên gia và những nhà chuyên môn quan tâm đến mối liên hệ giữa các vấn đề và giải pháp của họ và là những người theo đuổi khái niệm nhân loại học tương quan. Một nhân loại học như vậy “giúp con người nhận ra giá trị của các chiến lược kinh tế nhằm mục đích trước hết nâng cao chất lượng cuộc sống toàn cầu dẫn đến con đường phúc lợi cho con người, trước khi mở rộng lợi nhuận. Trên thực tế, không có lợi nhuận nào là hợp pháp khi nó không đạt được mục tiêu thăng tiến toàn diện nhân vị, đích đến phổ quát của của cải, và lựa chọn ưu tiên cho người nghèo,” [1] và, chúng ta có thể nói thêm, là sự chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Tôi hy vọng rằng các bạn có thể hỗ trợ các tổ chức đáp lời cho tiếng gọi này. Các bạn có những kỹ năng phù hợp để hợp tác xây dựng cầu nối cần thiết giữa mô hình kinh tế hiện tại – dựa trên tiêu dùng quá mức và đang trải qua giai đoạn cuối của nó – và mô hình mới tập trung vào sự hòa nhập, điều độ, chăm sóc và phúc lợi. Tôi khuyến khích các bạn hãy trở thành “những nhà tư vấn toàn diện” để hợp tác trong việc tái định hướng lối sống của chúng ta trên hành tinh, một lối sống đã làm tổn hại khí hậu và sự bất bình đẳng.

Các bạn thân mến, để cảm ơn các bạn về cuộc gặp gỡ này và bày tỏ những lời chúc tốt đẹp của tôi cho công việc của các bạn, tôi ban phép lành cho các bạn và gia đình, đặc biệt là con cái của các bạn, người bệnh và người già là sự khôn ngoan của chúng ta. Và tôi xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi. Và nếu ai trong các bạn không cầu nguyện hoặc không tin, ít nhất cầu chúc điều tốt lành cho tôi. Tôi cần nó! Cảm ơn các bạn.

_________________________________

[1] Congregation for the Doctrine of the Faith – Dicastery for Promoting Integral Human Development, Oeconomicae et pecuniariae quaestiones. Considerations for an ethical discernment regarding some aspects of the present economic-financial system” (6 January 2018), 10.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2022]


Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 21 tháng 9,2022: "Kazakhstan có ơn gọi trở thành một quốc gia của sự gặp gỡ"

"Kazakhstan có ơn gọi trở thành một quốc gia của sự gặp gỡ"

Toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 21 tháng 9,2022: "Kazakhstan có ơn gọi trở thành một quốc gia của sự gặp gỡ"

© Vatican News


********

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:00 sáng trong Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung kể về chuyến đi mới đây của ngài đến Kazakhstan nhân dịp Đại hội 7 các Nhà Lãnh đạo các Tôn giáo Truyền thống và Thế giới.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi nhân Ngày bệnh Alzheimer Thế giới được tổ chức hôm nay, và lời kêu gọi thứ hai cho tình hình ở “đất nước Ukraine đau khổ”, kêu gọi cầu nguyện và gần gũi với người dân Ukraine.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

_______________________________________________


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tuần trước, từ thứ Ba đến thứ Năm, tôi đã đến Kazakhstan, một quốc gia rộng lớn ở Trung Á, để dự Đại hội 7 các Nhà Lãnh đạo các Tôn giáo Truyền thống và Thế giới. Tôi xin trân trọng cảm ơn ngài Tổng thống nước Cộng hòa và các vị Hữu trách khác của Kazakhstan về sự chào đón thân tình dành cho tôi, và những nỗ lực quảng đại trong việc tổ chức. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các Đức Giám mục và tất cả các cộng tác viên về lượng công việc khổng lồ mà các vị đã phải thực hiện, và đặc biệt là niềm vui mà các vị đã cho tôi khi được gặp gỡ và chào tất cả mọi người.

Như tôi đã nói, lý do chính của chuyến đi là tham dự Đại hội các Nhà Lãnh đạo các Tôn giáo Truyền thống và Thế giới. Sáng kiến ​​này đã được thực hiện trong 20 năm qua bởi các Nhà Hữu trách của đất nước, thể hiện cho thế giới thấy đất nước như một nơi gặp gỡ và đối thoại ở cấp độ tôn giáo, và do đó, là nước đi đầu trong việc thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ của con người. Đây là Đại hội lần thứ Bảy. Một quốc gia được độc lập trong 30 năm qua đã có bảy kỳ đại hội, cứ ba năm một lần. Điều này có nghĩa là các tôn giáo được đặt làm trung tâm cho những nỗ lực xây dựng một thế giới nơi chúng ta lắng nghe nhau và tôn trọng lẫn nhau trong sự đa dạng. Và đây không phải là chủ nghĩa tương đối, không, đất nước đang lắng nghe và tôn trọng. Và công lao cho điều này thuộc về chính phủ Kazakhstan đã tự giải phóng khỏi ách thống trị của chế độ vô thần, và đang đề xuất một con đường văn minh, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa cực đoan. Đó là một vị trí cân bằng và hiệp nhất.

Đại hội đã thảo luận và thông qua Tuyên ngôn cuối cùng, tuyên ngôn này là tiếp nối với Tuyên ngôn đã ký tại Abu Dhabi vào Thánh Hai năm 2019 về tình huynh đệ của con người. Tôi muốn giải thích bước tiến này là thành quả của một cuộc hành trình bắt đầu từ xa: dĩ nhiên, tôi đang nghĩ đến Cuộc họp Liên tôn lịch sử vì Hòa bình do Thánh Gioan Phaolô II triệu tập tại Assisi năm 1986, bị chỉ trích nhiều bởi những người thiếu tầm nhìn; Tôi đang nghĩ đến tầm nhìn xa của Thánh Gioan XXIII và Thánh Phaolô VI; và tầm nhìn của những tâm hồn vĩ đại của các tôn giáo khác – tôi nhớ lại Đức Mahatma Gandhi. Nhưng làm sao chúng ta có thể không nhớ đến rất nhiều vị tử đạo, nam nữ ở mọi lứa tuổi, ngôn ngữ và quốc gia, những người đã trả giá bằng mạng sống của họ vì lòng trung thành với Thiên Chúa của hòa bình và tình huynh đệ? Chúng ta biết rằng: những thời khắc trang trọng là rất quan trọng, nhưng sau đó chính là cam kết mỗi ngày, đó là bằng chứng cụ thể để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Ngoài Đại hội, chuyến đi này đã cho tôi cơ hội gặp gỡ các giới Hữu trách của KazakhstanGiáo hội sống động ở đó.

Sau khi thăm ngài Tổng thống nước Cộng hòa – người mà tôi một lần nữa gửi lời cảm ơn vì lòng tốt của ông – chúng tôi đến Phòng hòa nhạc mới, là nơi tôi có cơ hội nói chuyện với các nhà Lãnh đạo chính trị, các vị đại diện xã hội dân sự, và Ngoại giao đoàn. Tôi nhấn mạnh đến ơn gọi của Kazakhstan là trở thành một đất nước của sự gặp gỡ: thực tế có khoảng một trăm năm mươi dân tộc – một trăm năm mươi dân tộc! – cùng chung sống ở đó và hơn 80 ngôn ngữ được sử dụng. Ơn gọi này, do đặc điểm địa lý và lịch sử – ơn gọi trở thành một đất nước của sự gặp gỡ, văn hóa, ngôn ngữ – đã được chào đón và theo đuổi như một con đường đáng được khuyến khích và ủng hộ. Tôi cũng hy vọng rằng có thể tiếp tục xây dựng một nền dân chủ ngày càng trưởng thành, có khả năng đáp ứng cách hiệu quả cho các nhu cầu của toàn xã hội. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi thời gian, nhưng phải thừa nhận rằng Kazakhstan đã có những lựa chọn rất tích cực, chẳng hạn như nói “không” với vũ khí nguyên tử và đưa ra các chính sách tốt về năng lượng và môi trường. Điều này thật can đảm. Vào thời điểm khi cuộc chiến bi thảm này đưa chúng ta đến mức độ một số người nghĩ đến vũ khí nguyên tử, nghĩ đến sự điên rồ đó, đất nước này nói “không” với vũ khí nguyên tử ngay từ đầu.

Về phần Giáo hội, tôi rất vui mừng được gặp gỡ một cộng đoàn của những con người hạnh phúc, tràn đầy nhiệt huyết. Người Công giáo chiếm con số rất ít trong đất nước rộng lớn đó. Nhưng điều kiện này, nếu sống đức tin, có thể mang đến hoa trái loan báo Tin mừng: trước hết là phúc lành của sự bé mọn, của men, muối và ánh sáng cậy dựa vào Chúa chứ không dựa trên một hình thức nào đó của con người. Hơn nữa, sự nhỏ bé về con số mời gọi phát triển các mối quan hệ với người Kitô hữu thuộc các tông phái khác, và tình huynh đệ với tất cả mọi người. Vì vậy, một đoàn chiên nhỏ, vâng, nhưng cởi mở, không khép kín, không phòng thủ, cởi mở và tin cậy vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi hơi cách tự do đến nơi theo ý muốn của Ngài. Chúng tôi cũng nhớ đến phần u ám đó, những vị tử đạo, những vị tử đạo của Dân thánh Chúa, vì họ đã chịu đựng sự áp bức của chế độ vô thần trong nhiều thập kỷ, cho đến khi được giải phóng cách đây ba mươi năm, những con người đã phải chịu đựng quá nhiều vì đức tin trong thời gian dài bị bắt bớ. Bị giết, bị tra tấn, bị bỏ tù vì đức tin.

Chúng tôi cử hành Thánh Lễ tại Nur Sultan với đoàn chiên nhỏ bé nhưng hân hoan này trong quảng trường Expo 2017, được bao quanh bởi những kiến trúc vô cùng hiện đại. Đó là Lễ Suy tôn Thánh giá. Và điều này khiến chúng ta suy ngẫm: trong một thế giới khi sự tiến bộ và thoái trào đan xen nhau, Thập giá của Chúa Kitô vẫn luôn là cái neo của ơn cứu độ: là dấu chỉ của hy vọng không làm thất vọng vì nó được thiết lập trên tình yêu của Thiên Chúa, đầy lòng thương xót và trung tín. Chúng ta dâng lên Ngài lời cảm tạ về chuyến đi này, cũng như chúng ta cầu nguyện rằng nó sẽ sinh hoa trái phong phú cho tương lai của Kazakhstan và cho đời sống của Giáo hội lữ hành ở vùng đất đó. Cảm ơn anh chị em.

___________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hôm nay là Ngày Thế giới Bệnh Alzheimer, một căn bệnh ảnh hưởng đến rất nhiều người, và họ thường bị đẩy ra ngoài lề xã hội vì tình trạng này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người mắc bệnh Alzheimer, cho gia đình của họ và cho những người yêu thương chăm sóc họ, để họ có thể ngày càng được hỗ trợ và giúp đỡ. Trong lời cầu nguyện này cha cầu nguyện cho những người phải chống chọi với bệnh haemodialysis, dialysis và cấy ghép có mặt ở đây.

Và tôi cũng muốn đề cập đến tình hình kinh hoàng ở Ukraine đang bị đau khổ. Đức Hồng y Krajewski đã đến đó lần thứ tư. Hôm qua ngài gọi điện thoại cho tôi, ngài đang ở đó, trợ giúp trong khu vực Odessa và mang đến sự gần gũi. Ngài kể cho tôi nghe về sự đau đớn của dân tộc này, sự tàn bạo, quái gở, những tử thi bị tra tấn mà họ tìm thấy. Chúng ta hãy đoàn kết với dân tộc rất cao thượng và tử vì đạo này.

____________________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin chào những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Anh, Đan Mạch, Na Uy, Giêrusalem và Hoa Kỳ. Cha gửi lời chào cách đặc biệt đến các tân chủng sinh của Đại học Venerable English khi đang bắt đầu chương trình đào tạo linh mục tại Roma. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta tuôn đổ xuống trên từng người anh chị em và gia đình.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/9/2022]