Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 10.03.2024: “Chúa không muốn ai trong chúng ta bị hư mất”

“Chúa không muốn ai trong chúng ta bị hư mất”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 10.03.2024: “Chúa không muốn ai trong chúng ta bị hư mất”

Vatican Media


*******

Trưa Chúa nhật thứ tư Mùa Chay hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện bên cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Vào Chúa nhật thứ tư Mùa Chay này, Tin Mừng trình bày cho chúng ta nhân vật Nicôđêmô (x. Ga 3:14-21), một người Pharisêu, “một thủ lãnh của người Do Thái” (Ga 3:1). Ông đã nhìn thấy những dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện, ông nhận biết Ngài là người thầy được Thiên Chúa sai đến, và ông đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm để không bị nhìn thấy. Chúa chào đón ông, trò chuyện với ông và tỏ lộ cho ông biết rằng Ngài đến không phải để kết án nhưng để cứu thế gian (x. câu 17). Chúng ta hãy tạm dừng lại để suy ngẫm về điều này: Chúa Giêsu đến không phải để kết án nhưng để cứu độ. Thật là đẹp!

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Kitô thường cho thấy rõ ý định của những người đến Ngài gặp, đôi khi vạch trần những thái độ giả tạo của họ, chẳng hạn như với những người Pharisêu (x. Mt 23:27-32), hoặc khiến họ phải suy ngẫm về tình trạng vô trật tự trong cuộc sống của họ, như trường hợp người phụ nữ Samari (x. Ga 4:5-42). Trước mặt Chúa chẳng có gì là bí mật: Ngài đọc chúng tường tận. Khả năng này có thể đáng lo ngại, vì nếu sử dụng không đúng sẽ gây tổn hại cho con người, khiến họ phải chịu những phán xét tàn nhẫn. Thật vậy, không ai là hoàn hảo: tất cả chúng ta đều là tội nhân, tất cả chúng ta đều phạm sai lầm, và nếu Chúa dùng sự hiểu biết của Ngài về những yếu điểm của chúng ta để lên án chúng ta thì không ai có thể được cứu độ.

Nhưng không phải như vậy. Quả thật, Ngài không cần những điểm yếu đó để chỉ ngón tay vào chúng ta, nhưng để ôm lấy cuộc sống của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cứu chúng ta. Chúa Giêsu không quan tâm đến việc lên án hay xét xử chúng ta; Ngài không muốn ai trong chúng ta bị hư mất. Cái nhìn của Chúa trên mỗi người chúng ta không phải là một ngọn hải đăng sáng lóa làm chúng ta choáng váng và đưa chúng ta vào tình thế khó khăn, nhưng là ánh sáng dịu dàng của ngọn đèn dễ chịu, giúp chúng ta nhìn thấy những điều tốt lành trong chúng ta và nhận thức được cái ác, để chúng ta có thể hoán cải và được chữa lành nhờ sự hỗ trợ của ân sủng Ngài.

Chúa Giêsu đến không phải để kết án nhưng để cứu thế gian. Hãy nghĩ đến chính chúng ta rất thường xuyên lên án người khác; nhiều khi chúng ta thích nói xấu, tìm cách đồn thổi nói xấu người khác. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, cái nhìn thương xót này để nhìn người khác như Chúa nhìn chúng ta.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết cầu chúc điều tốt lành cho nhau.

___________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hai ngày trước, chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Tôi muốn gửi đến một suy nghĩ và bày tỏ sự gần gũi với tất cả phụ nữ, đặc biệt những người mà phẩm giá không được tôn trọng. Vẫn còn rất nhiều việc mà mỗi người chúng ta phải làm để phẩm giá bình đẳng của phụ nữ được thực sự công nhận. Các tổ chức, xã hội và chính trị, có nhiệm vụ căn bản là bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của mỗi con người, mang đến cho phụ nữ là những người cưu mang sự sống các điều kiện cần thiết để có thể đón nhận món quà sự sống và đảm bảo cho con cái họ một cuộc sống xứng đáng.

Tôi lo lắng và đau buồn theo dõi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang xảy ra ở Haiti và những vụ việc bạo lực xảy ra trong những ngày gần đây. Tôi gần gũi với Giáo hội và người dân Haiti thân yêu đã phải chịu nhiều đau khổ trong nhiều năm qua. Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện, nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, để mọi hình thức bạo lực có thể chấm dứt, và để mọi người có thể góp phần cống hiến của mình cho sự phát triển hòa bình và hòa giải trong nước, với sự hỗ trợ mới của cộng đồng quốc tế.

Tối nay, anh chị em Hồi giáo của chúng ta sẽ bắt đầu tháng Ramadan: Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với tất cả họ.

Cha chào tất cả anh chị em đến từ Rome, từ nước Ý và từ nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, cha chào các sinh viên của Trường Cao đẳng Pamplona Irabia-Izaga, và anh chị em hành hương đến từ Madrid, Murcia, Malaga và Saint Mary’s Plainfield, New Jersey.

Cha chào các thiếu nhi và thiếu niên chuẩn bị Rước lễ lần đầu và Thêm sức từ giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe và Thánh Philip Tử Đạo ở Rome, anh chị em tín hữu ở Reggio Calabria, Quartu Sant’Elena và Castellamonte.

Cha thân ái chào mừng cộng đoàn Công giáo của Cộng hòa Dân chủ Congo tại Rome. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước này, cũng như ở Ukraine đang chịu đau khổ và vùng Thánh Địa. Cầu mong những sự thù địch đang gây ra biết bao đau khổ cho dân thường sẽ sớm chấm dứt.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/3/2024]


2 vị Thánh nữ truyền cảm hứng cho các nhà giáo dục Công giáo

2 vị Thánh nữ truyền cảm hứng cho các nhà giáo dục Công giáo

2 vị Thánh nữ truyền cảm hứng cho các nhà giáo dục Công giáo

Shutterstock I Triff

Isabella H. de Carvalho

08/03/24


Khi Đức Giáo hoàng lên án việc chối bỏ sự học tập của phụ nữ, một hội nghị ở Rome làm nổi bật 2 vị nữ thánh đã thực hiện sứ mệnh giáo dục cho tất cả mọi người.

“Con đường dẫn đến sự cải thiện xã hội là thông qua việc giáo dục các thanh thiếu nữ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với những người tham dự tại hội nghị về phụ nữ thánh thiện diễn ra tại Rome, vào ngày 7 tháng Ba năm 2024, một ngày trước Ngày Quốc tế Phụ nữ. Khi Đức Thánh Cha lên án sự phân biệt đối xử vẫn còn xảy ra ngày nay đối với phụ nữ trong giáo dục, hội nghị đã làm nổi bật hai vị thánh, Thánh Elizabeth Ann Seton và Thánh Mary Mackillop, những người đã thực hiện sứ mệnh giáo dục tất cả mọi người, ngay cả khi điều kiện khó khăn.

Bài phát biểu của Đức Thánh Cha nói, “Trong một thế giới nơi phụ nữ vẫn phải chịu đựng rất nhiều bạo lực, bất bình đẳng, bất công và ngược đãi – một điều đáng hổ thẹn […] – một hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng là sự học hành của phụ nữ”, diễn từ được đọc bởi một vị giám mục vì Đức Giáo hoàng vẫn đang bị bệnh. Ngài viết: Giáo dục thanh thiếu nữ và phụ nữ “mang đến lợi ích cho sự phát triển tổng thể của con người”, trước khi dành thời gian chào riêng từng người tham dự.

Tất cả thính giả đều tham dự hội nghị có chủ đề “Phụ nữ trong Giáo hội: Những người xây dựng nhân loại” diễn ra vào ngày 7 và 8 tháng Ba tại Đại học Holy Cross ở Rome.

Sự kiện tập trung vào câu chuyện của 10 vị thánh nữ và những điều các ngài dạy cho cả nam giới và nữ giới ngày nay. Đối với hội thảo về “bác ái trong giáo dục”, các diễn giả tập trung vào Thánh Elizabeth Ann Seton và Thánh Mary Mackillop, mặc dù cả hai đều bị gặp phải những nghịch cảnh và khó khăn, nhưng câu chuyện của các ngài đã cho thấy sự cống hiến của các ngài trong việc giáo dục cho tất cả mọi người.


Trường Công giáo miễn phí đầu tiên ở Mỹ

Thánh Elizabeth Ann Seton là vị thánh người Mỹ bản địa đầu tiên, chào đời năm 1774 và qua đời năm 1821. Thánh nữ được coi là người đặt nền móng cho nền giáo dục Công giáo ở Hoa Kỳ. Sau khi chồng mất vì bệnh lao và bị cộng đồng xa lánh vì cải đạo từ Thánh Công Hội (Episcopalianism) sang Công giáo, ngài chuyển đến Baltimore, Maryland. Tại đây, được giám mục địa phương hỗ trợ, ngài bắt đầu dạy các thiếu nhi và thiếu niên nữ ngay tại nhà của mình.

Giáo sư Susan Timoney của Đại học Công giáo Hoa Kỳ phát biểu trong hội nghị: “Tôi nghĩ đức ái trong giáo dục tóm tắt sứ mệnh của Thánh Elizabeth đối với giáo dục và trường học của ngài”. Chúng ta thấy “lòng bác ái của Thánh Elizabeth được thể hiện qua mong muốn giáo dục tất cả trẻ em vào thời điểm khi giáo dục chủ yếu dành cho những người giàu có”.

Thánh nữ không chỉ chào đón các học sinh thuộc mọi thành phần kinh tế mà còn cả từ các Tông giáo Kitô khác, mặc dù bản thân ngài từng bị phân biệt đối xử. Ngày nay vẫn còn khoảng 19% học sinh trong các trường Công giáo ở Hoa Kỳ thuộc tông phái khác hoặc không thuộc tông phái nào.

Thánh Elizabeth viết, “Tôi tránh xa mọi hình thức thành kiến hoặc phân biệt đối xử. Sự bao gồm là mục tiêu của tôi, vì lòng trắc ẩn của Kitô giáo được thể hiện cách phổ quát hơn là có chọn lọc”.


Giảng dạy ở mọi góc của nước Úc

Tương tự như vậy, Thánh Mary Mackillop “đã thể hiện cách thức dành sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo,” Giáo sư Maeve Louise Heaney thuộc Đại học Công giáo Úc ở Brisbane, Úc, phát biểu trong hội nghị.

Sinh năm 1842, với sự giúp đỡ của một linh mục địa phương, Thánh Mary Mackillop đã thành lập một dòng tu, Dòng Nữ tu Thánh Giuse Thánh Tâm, điều hành các trường học địa phương và nhà trẻ ở Úc để giúp đỡ cách đặc biệt cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và ở các vùng nông thôn.

Thánh nữ nổi tiếng với câu nói “đừng bao giờ nhìn thấy một hoàn cảnh thiếu thốn mà không làm điều gì đó”, và trên thực tế, việc thành lập các cơ sở này đã trực tiếp trả lời cho các điều kiện kinh tế xã hội ở Úc khi đó.

Giáo sư Heaney cho biết: “Công việc của thánh nữ vào thời điểm đó mang tính tiên tri, giáo dục, giáo dục Công giáo cho những người không được học hành”, nhấn mạnh cách mà thánh nữ có thể đọc được “các dấu chỉ của thời đại”.

Tại thời điểm Thánh Mary Mackillop qua đời năm 1909, đã có 600 nữ tu Dòng Josephite chăm sóc 1.000 trẻ em và người lớn có hoàn cảnh khó khăn và giảng dạy cho hơn 12.400 học sinh ở 117 trường học.


Không chỉ là giảng dạy

Nhiều tham dự viên hội nghị ở Rome là các nhà giáo dục, vì sự kiện này được tổ chức bởi một mạng lưới các đại học Công giáo và các tổ chức khác trên khắp thế giới. Các nữ tu, giáo sư, linh mục và nhiều người khác chú ý lắng nghe phần trình bày của Giáo sư Timoney và Giáo sư Heaney về hai vị nữ thánh và cuộc đời của họ.

Một số người ghi chú, những người khác tập trung lắng nghe giọng nói phát ra từ bộ tai nghe đang phiên dịch tại hội nghị. Cả hai giáo sư đều nhắc lại bài phát biểu của Đức Thánh Cha sáng hôm đó, có lẽ vẫn còn vang vọng trong đầu nhiều người tham dự.

Đức Thánh Cha nói, “Tôi hy vọng rằng môi trường giáo dục của các bạn, ngoài việc là nơi học tập, nghiên cứu và học hành, nơi của ‘thông tin’, sẽ còn là nơi ‘đào tạo’, nơi trí óc và tâm hồn rộng mở trước sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.”

“Thời đại của chúng ta bị thiêu đốt bởi hận thù, trong đó gia đình nhân loại của chúng ta cần cảm nhận được sức mạnh của tình yêu, thay vào đó lại thường xuyên bị thương tích bởi bạo lực, chiến tranh và những hệ tư tưởng bóp nghẹt các cảm xúc cao quý nhất của trái tim con người. Chính trong bối cảnh này, sự đóng góp của phụ nữ là cần thiết hơn bao giờ hết”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/3/2024]