Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Vào ngày lễ Thánh cùng tên, Đức Thánh Cha tặng máy thở cho 3 quốc gia

Vào ngày lễ Thánh cùng tên, Đức Thánh Cha tặng máy trợ thở cho 3 quốc gia

Vào ngày lễ Thánh cùng tên, Đức Thánh Cha tặng máy thở cho 2 quốc gia
©ALESSIA GIULIANI/CPP

24 tháng Tư, 2020

Tên khai sinh là Jorge Bergoglio, Đức Thánh Cha mừng ngày Lễ Thánh trùng tên của ngài, Thánh George, ngày 23 tháng Tư.

Đức Thánh Cha Phanxico – Jorge Mario Bergoglio – mừng “tên của ngài” vào ngày Lễ Thánh George (Jorge) vào 23 tháng Tư hàng năm. Năm nay cũng vậy, Đức Thánh Cha lại tìm cách để tặng quà thay vì nhận quà.

Máy trợ thở và các thiết bị y tế, khẩu trang, và trang bị bảo hộ cho các bác sĩ và y tá được gửi đến một số nhà thương tại ba quốc gia, nhân danh giáo hoàng để mừng ngày mang tên của ngài.

Một nhà thương ở thành phố Suceava, Romania, đã chứng kiến đợt bùng phát coronavirus: Năm máy trợ thở thế hệ mới nhất được gửi đến đó. Hai máy sẽ được chuyển đến một nhà thương ở Lecce, Ý, và ba máy được gửi đến Madrid, Tây Ban nha.

Đó là “một dấu chỉ rất đẹp rơi vào ngày đặc biệt khi Đức Thánh Cha không nhận một món quà nào nhưng lại tặng cho người khác,” Đức Hồng y Konrad Krajewski, Từ thiện Giáo hoàng, nói khi chuẩn bị vận chuyển các máy, điều mà ngài gọi là “cái ôm của Đức Thánh Cha cho toàn thế giới trong một hoàn cảnh khó khăn.”

Romania đang trải qua tình trạng khẩn cấp thật sự trong thành phố nhỏ Suceava, nơi máy trợ thở sẽ được chuyển đến. Gần 25% trường hợp nhiễm bệnh ở Romania đều ở thành phố đó. Thành phố nằm trong khu vực nghèo nhất đất nước và Liên minh Châu Âu. Ở Romania có trên 500 nạn nhân, và gần 10.000 bị nhiễm virus.

Các máy trợ thở và tất cả thiết bị Đức Thánh Cha tặng sẽ được vận chuyển bằng máy bay đồng thời chuyến bay cũng chở một nhóm 11 bác sĩ người Romania và sáu nhân viên y tế, được chính phủ Bucharest gửi đến một nhà thương ở Lecce ngày 7 tháng Tư để làm việc cùng với Ý trong cuộc chiến đấu khó khăn chống lại coronavirus.

Ba máy trợ thở đến Madrid sẽ được tiếp nhận bởi Tòa Khâm sứ, cùng với Đức Hồng y Carlos Osoro Sierra, Tổng Giám mục thủ đô Tây Ban nha, sẽ chuyển đến các nhà thương cần sử dụng nhất.

Hai máy trợ thở đến nhà thương ở Lecce sẽ được chính Đức Hồng y Krajewski chuyển đi. Trên hành trình trở lại Vatican, ngài Trưởng Từ thiện Giáo hoàng sẽ dừng chân tại Naples để nhận thuốc điều trị cho người nghèo của Rome.

Một vài ngày trước Phục sinh, hai máy trợ thở, cùng với các thiết bị y tế cho bác sĩ và y tá, và cả trứng Phục sinh, được gửi trực tiếp từ Vatican đến nhà thương Cotugno ở Naples.

Năm ngoái cũng vào ngày mang tên của ngài, Đức Thánh Cha Phanxico tặng những chuỗi Mân côi được làm cho WYD (Ngày Giới trẻ Thế giới) ở Panama cho giới trẻ ở tổng giáo phận Milan, và trứng sôcôla nặng 20 kg tặng người nghèo tại trung tâm Caritas ở Termini Station, Roma.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2020]


Đấng Đáng kính William Gagnon — Nhà Truyền giáo Lòng thương xót trong thời chiến tranh Việt nam

Đấng Đáng kính William Gagnon — Nhà Truyền giáo Lòng thương xót trong thời chiến tranh Việt nam

BLOGS |  19 tháng Tư, 2020

Đấng Đáng kính William Gagnon — Nhà Truyền giáo Lòng thương xót trong thời chiến tranh Việt nam

Những vũ khí của Thầy William là khăn scapular, chuỗi Mân côi và một tượng Đức Mẹ Fatima.


Ngày 28 tháng Hai năm 1972, Thầy William Gagnon bất tỉnh và qua đời. Các Thầy anh em trong Dòng Gioan Thiên Chúa chôn cất ngài trong vườn nhà dòng và bệnh viện gần Sài gòn, và liền sau đó người ta bắt đầu đến viếng mộ — các tập sinh người Việt nam mà ngài hướng dẫn thành một cộng đoàn vững mạnh, các trẻ em trong vùng chiến sự của cuộc chiến hậu thuộc địa, những người tị nạn ngài đã chăm sóc phục hồi lại sức khỏe không bị suy dinh dưỡng, và những binh sĩ ngài đã chữa lành các vết thương. Trong cộng đoàn dòng Bệnh viện, những người biết ngài thuật lại những giai thoại về lòng can đảm, sự phục vụ quên mình, và vai trò lãnh đạo trong thời loạn. Công cuộc tốt lành của Thầy William sống thọ hơn ngài, và ngài cũng biết điều này.

William Gagnon sinh năm 1905, con thứ ba trong gia đình 12 người con thuộc tầng lớp lao động người Canada gốc Pháp đã nhập cư đến Dover, New Hampshire. Ngài có một đức tin sâu sắc thể hiện ngay từ nhỏ. Khi William 13 tuổi, gia đình đang trên đường từ nhà thờ trở về trên một chiếc xe ngựa. Họ nhìn thấy khói cuộn lên từ xa xa. William ở lại trông chừng các em trong khi cha mẹ và các anh lao đến chiến đấu với đám lửa.

“Ba mẹ đừng lo,” cậu nói với mẹ. “Con sẽ ở đây và cầu nguyện.”

Không ai bị thương, và đám cháy lại dẫn đến kết quả là một vùng đất trống màu mỡ cho nông nghiệp.

Gần bước sang tuổi thanh niên, William cùng với cha và các anh đi làm tại xưởng chế biến sợi bông trong thị trấn để giúp hỗ trợ cho gia đình. Nhưng cậu cũng có một khao khát khác: trở thành một nhà truyền giáo. Cậu xin gia nhập dòng Marists (dòng truyền giáo Đức Maria), nhưng cậu bị từ chối khi kiểm tra sức khỏe khám phá cậu bị vấn đề về thận. Vài năm sau, cậu đọc được một mục báo viết về Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, vị thánh người Tây Ban nha thế kỷ 16 đã thành lập một cộng đoàn anh em chăm sóc cho bệnh nhân. Dòng tu này lôi cuốn cậu, và họ có sứ mạng trên khắp thế giới. Sau khi đến thăm cộng đoàn ở Montreal, cậu gia nhập làm thỉnh sinh năm 1930.

Vài tháng sau, thân phụ của cậu bị thương, trách nhiệm gia đình buộc cậu phải tạm thời trở về nhà. Vẫn còn quá nhiều miệng ăn trẻ phải được nuôi nấng trong nhà Gagnon, vì vậy cậu cáng đáng để trợ giúp trong suốt thời gian dưỡng bệnh của cha.

Khi cha phục hồi, William trở lại Montreal năm 1931 và kết thúc tập viện. Thầy trải qua 20 năm tiếp theo làm việc trong các nhà thương của dòng ở Canada, cũng như là bề trên giám tỉnh ở Montreal. Thời gian phục vụ ở Montreal của thầy kết thúc với một lá thư buộc từ chức giữa nhiệm kỳ mà không có lý do. Thầy lặng lẽ nộp đơn và ký tên mà không đặt nghi vấn về lá thư từ chức được gửi đến cho thầy. Thầy William chỉ yêu cầu được chuyển ra khỏi thành phố để tránh những tin đồn thổi.

Trong nhiệm vụ mới thầy tâm sự với một tu huynh khác về sự hạ nhục và nói rằng thầy đang vượt qua nó bằng sự cầu nguyện và suy niệm. Sau đó, thầy tình nguyện sang Việt nam, làm tròn khao khát từ lâu được trở thành một nhà truyền giáo. Với vốn tiếng Pháp được thừa hưởng, thầy có thể quản lý hậu cần để bắt đầu một cộng đoàn mới trong thuộc địa của Pháp.

Thầy William và các anh em Canada cùng dòng đến Việt nam năm 1952 trong giữa cuộc chiến tranh Đông dương. Người Pháp đang cố gắng duy trì một chút ít sức mạnh để chống lại các lực lượng miền bắc. Các thầy thành lập một nhà thương trong điều kiện chiến tranh tàn phá và họ sẽ làm việc trong hai thập kỷ tới. Các thầy có thể nghe thấy tiếng các trái lựu đạn rơi xuống mái nhà và lăn xuống cỏ, tiếng súng giòn giã và bom nổ, có lúc ở xa, có lúc ngay gần nhà. Thầy William đã đặt một bức tượng Đức Mẹ Fatima bên ngoài căn nhà để bảo vệ, hướng về phía chiến sự. Những lời cầu nguyện hàng ngày dâng lên mẹ Maria đã có hiệu quả. Khi một quả bom thổi tung mái nhà của bệnh viện, không một ai bị thương.

Các thầy chăm sóc cho tất cả mọi người, dân thường và binh sĩ, bất kể họ chiến đấu cho ai, nhưng các thầy không luôn luôn được đáp trả với lòng tốt. Sau khi một người đàn ông khỏi bệnh nặng nhờ sự chăm sóc của các thầy, ông ta đưa bức ảnh của các thầy cho du kích. Không ai biết bằng cách nào người đó lại có được bức ảnh, nhưng hành động của người đàn ông là một sự đe dọa nghiêm trọng đối với các thầy, từ việc bị bắt giữ hoặc có thể chết. Người ta biết có những linh mục không cẩn thận và đã chết. Theo yêu cầu của giám mục, các thầy rời nhiệm sở trong ít ngày cho đến khi nguy hiểm qua đi. Nhưng Thầy William quyết tâm không nao núng.

Thầy William viết gửi cho các bề trên ở Canada. "Tất cả chúng con, chúng con vẫn là những nhà thừa sai dòng tu, và chỉ làm việc cho người nghèo, bất kể những gì đang xảy ra xung quanh chúng con.”

Cuộc xung đột tạo ra một dòng người tị nạn từ miền bắc vào miền nam. Các tu sĩ cũng di chuyển vào miền nam. Vùng truyền giáo ở Biên Hòa, gần Sài Gòn, sẽ trở thành tỉnh dòng Việt Nam của Dòng Bệnh viện và là trung tâm công tác của Thầy William.

Ngài giữ nhiều vị trí — bề trên giám tỉnh, y sĩ, tổng thầu, thầy dạy nhà tập, người gây quỹ, và nhân viên xã hội. Thầy William đã được đặt làm bề trên giám tỉnh của vùng truyền giáo với lý do chính đáng. Ngài là một nhà tổ chức xuất sắc và người lãnh đạo tinh thần. Thầy lãnh đạo với tính thực tế, đơn giản và khiêm nhường. Thầy đảm nhận cả những công việc đơn giản nhất và ít thú vị nhất — nắm tay bệnh nhân, chuẩn bị hậu sự cho các tử thi để mai táng, mua thức ăn ở chợ, phục vụ súp cho các bệnh nhân lao. Thầy cũng hướng dẫn công việc xây dựng bệnh viện mới, gồm cả những công việc hậu cần đi lấy vật liệu và tuyển người lao động. Thầy cũng tham gia vào công việc làm gạch bằng cát và nước.

Thầy cũng tận dụng các thiết bị của quân đội Mỹ. Những người lính chua cay cười nhạo thầy và các tu huynh khi họ lấy những đồ đạc thiết bị văn phòng cũ đem về cho bệnh viện. Thầy mỉm cười đáp lại. Thầy có niềm tin và hy vọng để xây dựng, vì biết rằng một quả bom có thể sớm phá hủy mọi thứ.

Sức mạnh và sự bình an của Thầy William đến từ lời cầu nguyện. Các hạt mân côi trượt qua các ngón tay của thầy trong những khoảnh khắc rảnh rỗi. Ban đêm, thầy quỳ xuống trước thập giá trong phòng của mình để suy niệm về cái chết phi lý của Chúa Giêsu, tuy cuối cùng đã kết thúc trong Phục sinh. Trong việc chăm sóc cho người bệnh và người đau khổ, thầy hiệp nhất với Đức Kitô để đền bù tội lỗi của thế giới. Thầy William được đặt làm bề trên tỉnh dòng truyền giáo vì một lý do. Thầy là một nhà tổ chức và lãnh đạo tinh thần xuất sắc, nhưng thầy xem mình là người bé mọn nhất trong Dòng Bệnh viện, hữu ích nhất trong những công việc thấp kém và không bị cuốn vào những sự phức tạp của hoạt động chính trị và lý thuyết chiến tranh. Thầy ở đó để phục vụ Đức Kitô trong những người bệnh. Sự lãnh đạo và những quyết định của thầy trong suốt 20 năm nguy hiểm và chiến tranh đã được hướng dẫn bởi sự chiêm niệm của ngài về Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Còn nơi nào khác để thầy có thể tìm được ý nghĩa sự đau khổ của những người vô tội đến bệnh viện mỗi ngày? Những cảnh tượng có thể làm quặn nhói con tim. Hàng ngàn người cố gắng thoát khỏi sự kinh hoàng của chiến tranh để tìm đến chăm sóc y tế, nghỉ ngơi và lương thực tại bệnh viện. Những người tị nạn bị suy dinh dưỡng và kiệt sức sau những cuộc đi bộ đường dài, có thể với những chấn thương chưa được chữa lành và thường có trẻ em đi theo.

Đôi khi không thể làm được gì nhiều với rất ít trang thiết bị họ có. Thầy William dọn dẹp một cái bàn để hai thầy khác có thể làm thủ tục cấp cứu cho một phụ nữ có con nhỏ. Trong khi các y tá đưa người phụ nữ đến bàn, Thầy William bế đứa trẻ lên, trấn an rằng mẹ bé sẽ ổn, và đặt đứa bé chơi với những trẻ khác ở ngoài phòng. Rồi thầy quay lại giúp. Người phụ nữ xin được rửa tội và Thầy William đổ nước. Đó là tất cả những gì thầy có thể làm. Người phụ nữ đã nấc lên. Bây giờ, thầy chỉ có thể mang đứa bé lại bên xác của mẹ nó. Thầy bước ra khỏi bệnh viện và kêu lên với Chúa — cho người phụ nữ và cho đứa trẻ, và cho hòa bình.

Vào ban đêm, thầy rảo bước đến nhà nguyện dưới ánh sáng lóe lên của pháo kích và tiếng đì đùng văng vẳng của bom — “bản hòa tấu,” như cách gọi của thầy. Một lần nữa, thầy cầu nguyện cho hòa bình, cho người qua đời, và sự bảo trợ cho những người di cư. Thầy cũng là một người xây dựng hòa bình giữa các tu huynh anh em, một trung gian hòa giải được trang bị bằng lời cầu nguyện. Thầy muốn có sự bình an trong cộng đoàn và trong mỗi tu huynh anh em của thầy. Nếu thầy nghe thấy tiếng nói xấu sau lưng hoặc cãi nhau, thầy lại tăng gấp đôi lời cầu nguyện của mình lên Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thầy sống hòa hợp với những người xung quanh và biết cách thể hiện lòng trắc ẩn với từng người. Một ngày nọ, thầy nhìn thấy một tu huynh truyền giáo trẻ vô cùng suy sụp. Thầy William nghi ngờ rằng tu huynh trẻ đó nhớ nhà, nhất là khi mối quan hệ của tu huynh đó với người cha đã trở nên xa cách. Thầy William động viên tu huynh trẻ viết thư về nhà và tìm đến người chú của người đàn ông đó, cũng là một trong những Thầy Dòng Bệnh viện ở Canada. Chậm chậm nhưng chắc chắn, và thậm chí từ xa, hai cha con đã hòa giải.

Cuộc xung đột và chiến tranh di chuyển về phía nam qua những năm sáu mươi. Khi công việc của họ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, thì Thầy cũng bắt đầu tin rằng mình có một trực giác thiên phú. Ngày 1 tháng Hai năm 1968, bảy ngàn người di cư tập trung tại các sân bệnh viện. Tết Nguyên đán sắp đến và nhiều tin đồn bắt đầu lan đi. Một số người cho rằng sẽ có một lệnh ngừng bắn tạm thời để mừng ngày lễ hội. Những người khác nghe nói rằng một cuộc tấn công dữ dội đang âm ỷ. Thầy William chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng ngài biết chắc rằng nếu không có nguồn lực để chăm sóc cho rất nhiều người, không có sự vệ sinh đúng cách sẽ có thể dẫn đến việc lây lan bệnh tật, Thầy William nói với tất cả mọi người phải giải tán.

Tối hôm sau, các sân bệnh viện bị ném bom trong cuộc oanh tạc Sài Gòn. Những người không chịu rời đi bị giết. Nhiều tháng sau, với chiến sự chẳng có gì giảm bớt và ngày càng đặc biệt nóng hơn, Thầy William không cho cộng đoàn tụ tập trong phòng cộng đồng trong giờ giải trí thông thường. Nếu tất cả họ ở đó, họ sẽ trở thành nạn nhân của trái bom rơi trúng vào phòng cộng đồng. Một đêm kia, sự bình an tâm hồn của Thầy William cứu thoát ngài. Cuộc chiến xung quanh họ rất gắt và các làn đạn đã bắn trúng tu viện. Thầy William luôn khuyên cộng đoàn hãy cố gắng ngủ qua đêm và tin tưởng rằng thời gian của họ trên thế gian nằm trong tay Thiên Chúa. Tuy nhiên đêm đó, với những làn đạn bắn vào tu viện, anh em không thể ngủ được, và họ đi đánh thức bề trên giám tỉnh.

“Có chuyện gì vậy?” Thầy William hỏi khi đứng ở ngưỡng cửa phòng của mình.

Một tu huynhnhảy tới chỗ Thầy William và đẩy thầy lui lại. Một viên đạn rít bay ngang qua họ và phát nổ trong khung cửa nơi Thầy William đã đứng. Thầy William đứng dậy và cho mọi người quay lại phòng để ngủ.

Ngay từ đầu, Dòng Bệnh viện cũng đã cộng tác rất gần gũi với các Cha Dòng Chúa Cứu Thế. Các tu huynh thực hiện những buổi tĩnh tâm với các cha và được đồng hành vào trong rừng. Rời bỏ thành thị, các thầy đi vào hai làng dân tộc thiểu số của Việt Nam để phân phát thuốc và ban các bí tích. Thầy William cũng vô cùng xúc động trước chuyến thăm khu người phong do các Nữ tu Dòng Bác ái Thánh Vinh sơn Phaolô điều hành.

Sau năm 1970, sức khỏe của Thầy William bắt đầu suy giảm. Thầy đã dành những tháng cuối đời cho sứ mạng bằng cách thực hiện những công việc đơn giản mà thầy có thế mạnh trong phòng khám phát thuốc và xin lỗi cộng đoàn vì trở thành một gánh nặng. Khi thầy qua đời, thầy được đặt nằm trên một lớp thảm lá trà và một tấm khăn trắng, và những người mà thầy phục vụ nhất quyết tặng cho thầy một quan tài bằng gỗ “tếch” (teak). Thầy được mai táng gần nhà nguyện. Ngày nay, những tấm bia tạ ơn tô điểm cho ngôi mộ của thầy, chứng ngôn của những người khẳng định rằng họ đã nhận được ơn qua sự chuyển cầu của thầy.

Có một lần thầy nói, “Tất cả mọi sự vinh quang của trần thế chẳng là gì mà chỉ như làn khói và lửa của rơm khô. Tất cả những gì còn lại đó là sự tốt lành nhỏ bé mà chúng ta đã làm, nếu chúng ta tìm cách vận dụng hết mức ơn mà Chúa Nhân lành ban cho chúng ta trong mỗi thời điểm của cuộc sống.”

Thầy William xây dựng các tập sinh người Việt Nam cùng kết hợp với các thầy người Canada thành một nền tảng vững chắc để tiếp tục công việc của Dòng Bệnh viện trong tương lai. Vùng truyền giáo tồn tại sau sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam, và vẫn còn tiếp tục đến ngày nay.

Thầy không bao giờ tìm danh tiếng cho mình, nhưng đời sống tận hiến anh dũng của thầy cho bệnh nhân và người nghèo dành cho ngài tước hiệu đáng kính năm 2015. Án phong thánh của thầy cần tìm được một trường hợp phép lạ chữa khỏi một căn bệnh ngay lập tức, tuyệt đối và kéo dài qua sự chuyển cầu riêng của thầy trước khi thầy bước sang bước tiếp theo trong tiến trình phong thánh là được tuyên phong chân phước.



[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/4/2020]