Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Thiết bị bay "tự chế" bị vô hiệu hóa trong Thánh Lễ của Đức Thánh Cha ở Slovakia

Thiết bị bay "tự chế" bị vô hiệu hóa trong Thánh Lễ của Đức Thánh Cha ở Slovakia

Thiết bị bay giả bị vô hiệu hóa trong Thánh Lễ của Đức Thánh Cha ở Slovakia

TIZIANA FABI | AFP

Zelda Caldwell

14/12/1 - updated on 12/14/21


Hơn 60.000 tín hữu, bao gồm 90 giám mục và 500 linh mục đã tham dự sự kiện vào tháng Chín.

Theo tường thuật của tờ Jerusalem Post, một công ty của Israel được thuê để bảo vệ Đức Giáo hoàng Phanxicô trong chuyến thăm Slovakia đã vô hiệu hóa một thiết bị bay không người lái giả bay phía trên Thánh lễ ngoài trời do Đức Thánh Cha cử hành.

D-Fend, một công ty công nghệ chống thiết bị bay không người lái, đã làm việc với chính phủ Slovakia để bảo vệ Đức giáo hoàng trong chuyến thăm Slovakia từ ngày 12 đến 15 tháng Chín.

Trong chuyến tông du của Giáo hoàng, công ty đã triển khai sản phẩm Enforce Air của họ đã phát hiện một số thiết bị bay không người lái thân thiện được phép bay. Công nghệ này được thiết kế để phát hiện những thiết bị bay không người lái “giả mạo” trái phép, theo tờ Jerusalem Post đưa tin.

Khi một thiết bị bay không người lái “tự chế” được phát hiện trong thánh lễ ngoài trời ở Šaštín, với sự tham dự của Đức Giáo hoàng Phanxicô, 60.000 tín hữu, 90 giám mục và 500 linh mục, D-Fend đã thực hiện các bước để loại bỏ mối đe dọa.

“EnforceAir đã làm lệch hướng của thiết bị bay giả mạo, đưa nó trở lại vị trí cất cánh ban đầu, cách xa đám đông,” D-Fend cho biết.

Đại diện của D-Fend nói với tờ Jerusalem Post: “Bảo vệ một sự kiện nổi tiếng như vậy là điều quan trọng hàng đầu, vì vậy chúng tôi muốn sử dụng công nghệ chống thiết bị bay không người lái phù hợp nhất cho các sự kiện đông người và các tình huống nhạy cảm.”

“Giải pháp sáng tạo của EnforceAir đã kiểm soát máy bay không người lái giả đe dọa sự an toàn của giáo hoàng, đám đông và các nhân vật VIP tham dự một cách nhanh chóng và dễ dàng,” đại diện của D-Fend cho biết.

Mối đe dọa an ninh ngày càng tăng

Thiết bị bay ngày càng trở thành nguyên nhân gây lo ngại và là mối đe dọa đối với an toàn công cộng.

“Thiết bị bay không người lái đang đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia trên toàn thế giới – đối với những cơ sở hạ tầng quan trọng, dân thường và bây giờ là đối với các nhà lãnh đạo,” đại diện của D-Fend cho biết trong bài báo.

Công ty trích dẫn các vụ việc gần đây liên quan đến thiết bị bay đe dọa Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/12/2021]


Toàn văn họp báo của Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay trở về từ Hy Lạp

Toàn văn họp báo của Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay trở về từ Hy Lạp

Toàn văn họp báo của Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay trở về từ Hy Lạp

Đức Thánh Cha trao đổi trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Athens về Roma, 6 tháng 12, 2021 | Vatican Media.

Pope Francis


Trên chuyên cơ giáo hoàng, 6 tháng Mười Hai, 2021 / 10:41 am

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Roma sau chuyến đi năm ngày đến Đảo Síp và Hy Lạp. Trong chuyến thăm từ ngày 2 đến 6 tháng Mười Hai, ngài gặp gỡ người di cư và tị nạn, các nhà lãnh đạo Công giáo, Chính thống giáo, và các nhà chính trị.

Sau đây mời độc giả đọc bản ghi chép đầy đủ cuộc họp báo của Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay từ Hy Lạp về Ý.

_______________________________________

Ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh: Xin kính chào Đức Thánh Cha, xin chào (buổi sáng) người và cảm ơn người vì đã dẫn dắt chúng con trong những ngày bận rộn vừa qua, thậm chí chạm đến bằng chính bàn tay của mình vào điều mà người gọi là “những nỗi đau”. Và cũng xin cảm ơn người vì không gian này để có thể trao đổi với nhau.

ĐTC Phanxicô: Xin chào và cảm ơn anh chị em. Tôi lo là cuộc họp này không diễn ra được vì sự chậm trễ, nhưng vẫn thực hiện được. Cảm ơn anh chị em rất nhiều, tôi xin lắng nghe những câu hỏi của anh chị em.

Ông Bruni: Cảm ơn Đức Thánh Cha, câu hỏi đầu tiên đến từ anh Constandinos Tsindas thuộc đài truyền hình Síp.

Constandinos Tsindas, Tập đoàn truyền hình Síp: Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn người vì cơ hội. [...] Và cảm ơn người vì cơ hội và vì chuyến thăm Đảo Síp và Hy Lạp. Thưa Đức Thánh Cha, những nhận xét mạnh mẽ của người về đối thoại liên tôn ở Síp và Hy Lạp đã có tiếng vang rất lớn trên quốc tế, và đã tạo ra những mong chờ đầy thách thức. Họ nói rằng xin lỗi là điều khó thực hiện nhất. Người đã làm điều đó theo cách thật đặc biệt ở Athens. Nhưng về mặt thực tế, Vatican có kế hoạch gì trong việc đưa Công giáo và Chính thống giáo lại với nhau? Có phải một Thượng Hội đồng đã được lên lịch?

Thượng hội đồng tính là căn bản của Kitô giáo, bắt nguồn từ Chúa Ba ngôi và kết quả từ tiếng nói chung của Giáo hội trên toàn thế giới. Như đã được cho thấy bây giờ, chỉ một Giáo hội hiệp nhất trong một môi trường toàn cầu hóa và thiếu nhân bản mới có thể thực sự hiệu quả. Như Đức Thánh Cha đã nói, Thánh John Chrysostom là một điển hình về sự thẩm thấu giữa tư tưởng Hy Lạp và Kitô giáo; ngài khẳng định rằng “về phương diện con người, Giáo hội là giáo sĩ và giáo dân, trong khi đối với Thiên Chúa, tất cả chúng ta là đoàn chiên của Người.”

Cùng với Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew, người kêu gọi tất cả mọi người Kitô hữu kỷ niệm 17 thế kỷ của Công đồng Đại kết Nicea đầu tiên vào năm 2025. Các bước tiếp theo trong tiến trình này là gì?

Và cuối cùng - xin lỗi Đức Thánh Cha vì câu hỏi dài này, nhưng nó nằm trong tinh thần của chuyến đi của người - gần đây có một cách diễn đạt được thể hiện ở EU: người ta thay lời chúc “Giáng sinh vui vẻ” (Merry Christmas) bằng câu “Ngày lễ vui vẻ” (Happy Holidays). Tại sao mọi người không nhận biết rằng Kitô giáo không phải là một hệ tư tưởng mà là một kinh nghiệm sống tìm cách đưa con người từ cõi phàm trần đến cõi vĩnh hằng? Vì vậy, tôi tồn tại bởi vì bạn của tôi cũng có thể tồn tại. Nó là “chúng ta” chứ không phải là “tôi”. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều.

ĐTC Phanxicô: Vâng cảm ơn anh. Tôi đã xin được tha thứ, tôi đã xin sự tha thứ trước mặt Đức Ieronymos, hiền huynh Ieronymos của tôi. Tôi đã xin tha thứ cho tất cả những chia rẽ đang tồn tại giữa các Kitô hữu, nhưng trên hết là cho những chia rẽ mà người Công giáo chúng tôi đã gây ra. Tôi cũng muốn xin sự tha thứ, khi nhìn vào cuộc chiến tranh giành độc lập. Đức Ieronymos đã dạy tôi một điều: rằng một bộ phận người Công giáo đã liên minh với các chính phủ Châu Âu để nền độc lập của Hy Lạp không diễn ra; Mặt khác, ở trên các đảo, người Công giáo các đảo đã giữ vững nền độc lập, ra trận, một số đã hy sinh vì quê hương của họ. Nhưng điểm trung tâm là - chúng ta cứ nói như vậy - vào thời điểm đó đã liên kết với Châu Âu.

Và cũng xin lỗi về tai tiếng của sự chia rẽ, ít nhất là vì những gì chúng tôi có lỗi. Tinh thần tự giác. Chúng ta ngậm miệng khi nghe thấy rằng chúng ta phải xin tha thứ, nhưng tôi luôn nghĩ rằng Chúa không bao giờ mệt mỏi với việc tha thứ, không bao giờ. Chúng ta mới là những người cảm thấy mệt mỏi với việc xin tha thứ, và khi chúng ta không xin Chúa tha thứ, chúng ta sẽ thấy khó xin điều đó từ anh chị em của mình. Xin tha thứ từ một người anh em hoặc chị em thì khó hơn là từ Thiên Chúa, bởi vì chúng ta biết rằng Ngài sẽ phán: “Được, con hãy về đi, con đã được tha thứ.” Tuy nhiên, với anh chị em sẽ có sự xấu hổ và nhục nhã. Nhưng trong thế giới ngày nay, chúng ta cần có thái độ khiêm tốn và xin lỗi. Rất nhiều chuyện đang xảy ra trên thế giới, nhiều sinh mạng đã mất, quá nhiều cuộc chiến … Làm sao chúng ta không xin tha thứ?

Trở lại chuyện này, tôi muốn xin lỗi vì những chia rẽ, ít nhất là vì những gì chúng tôi đã gây ra. Đối với những người khác, chính các nhà lãnh đạo của họ phải làm như vậy, nhưng tôi xin lỗi cho chúng tôi và cũng cho tình tiết đó trong cuộc chiến mà một số người Công giáo đứng về phía các chính phủ Châu Âu, và những người trên các hòn đảo đã chiến đấu để bảo vệ .... Tôi không biết như vậy đã đủ chưa (để trả lời câu hỏi của anh).

Và một lời xin lỗi cuối cùng — lời xin lỗi này xuất phát từ trái tim tôi — một lời xin lỗi về thảm kịch của những người di cư, vì tai tiếng của rất nhiều sinh mạng bị chết chìm trên biển.

Ông Matteo Bruni: Câu hỏi thứ hai của anh ấy là về khía cạnh thượng hội đồng, và anh viết: Giáo hội là sự tổng hợp, về mặt con người, chúng ta là giáo sĩ và giáo dân, trong khi đối với Thiên Chúa, tất cả chúng ta là một đoàn chiên.

ĐTC Phanxicô: Đúng, chúng ta là một đoàn chiên, đó là sự thật. Sự phân chia này — giáo sĩ và giáo dân — là sự phân chia theo chức năng, vâng, theo khả năng. Nhưng có một sự hiệp nhất, một đoàn chiên duy nhất và sự ảnh hưởng lẫn nhau của những khác biệt trong Giáo hội là tính thượng hội đồng, nghĩa là (một tiến trình) lắng nghe nhau và cùng nhau tiến về phía trước, Syn odòs: cùng nhau tiến về phía trước. Đây là ý thức về tính thượng hội đồng mà các Giáo hội Chính thống của các bạn và các Giáo hội Công giáo Đông phương đã bảo tồn. Nhưng Giáo hội Latinh đã quên Thượng Hội đồng, chính Thánh Phaolô VI là người đã khôi phục lại con đường thượng hội đồng, cách đây 54, 56 năm, và chúng ta đang trên hành trình hướng tới thói quen thượng hội đồng, cùng nhau tiến bước.

Ông Matteo Bruni: Và câu hỏi cuối cùng là về lễ Giáng sinh, và anh ấy nói: Có thể chúng ta không hiểu rằng Kitô giáo không phải là một hệ tư tưởng mà là một kinh nghiệm sống? Họ muốn hủy bỏ lễ Giáng sinh.

ĐTC Phanxicô: À, anh đang đề cập đến tài liệu của Liên minh Châu Âu về “Lễ Giáng sinh” .... Đó là một sai lầm của thời đại. Đây là điều mà rất nhiều chế độ độc tài đã cố gắng làm trong suốt lịch sử: hãy nghĩ về Napoleon, hãy nghĩ về chế độ độc tài của Đức Quốc xã và chế độ độc tài của Cộng sản .... Đó là một kiểu “tục hóa” làm phai mờ dần .... Đó là điều không có tác dụng trong lịch sử. Việc này khiến tôi nghĩ đến một điều mà tôi tin rằng, nói về Liên minh Châu Âu, tôi tin là cần thiết. Liên minh Châu Âu phải nắm lấy những lý tưởng của các người Cha sáng lập, đó là những lý tưởng về sự thống nhất, về sự vĩ đại, và phải chú ý không mở cửa cho các hình thức thực dân hóa hệ tư tưởng. Điều này có thể dẫn đến việc chia rẽ các quốc gia và đưa đến sự thất bại của Liên minh Châu Âu. Liên minh Châu Âu phải tôn trọng mỗi quốc gia như nó đã được cơ cấu bên trong, sự đa dạng của các quốc gia, và không tìm cách đặt tiêu chuẩn hóa. Tôi nghĩ họ sẽ không làm như vậy, đó không phải là ý định của họ. Nhưng hãy cẩn thận, vì đôi khi người ta đến và ném ra các dự án kiểu như vậy, và họ không biết phải làm gì .... Mỗi quốc gia có một đặc thù riêng, nhưng mỗi quốc gia đều mở cửa cho các quốc gia khác. Liên minh Châu Âu: chủ quyền của riêng mình, chủ quyền của các anh chị em trong một khối thống nhất tôn trọng tính duy nhất của mỗi quốc gia. Và hãy cẩn thận để không trở thành phương tiện cho chủ nghĩa thực dân hệ tư tưởng. Đây là lý do tại sao văn bản đó về Giáng sinh là một sai lầm của thời đại.

Ông Matteo Bruni: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi thứ hai – hay thứ ba – đến từ chị Iliana Magra thuộc tờ Kathimereni của Hy Lạp.

Chị Iliana Magra, Kathimirini: Con xin chào Đức Thánh Cha. Cảm ơn Cha đã đến thăm Hy Lạp. Trong bài diễn từ của cha tại Phủ Tổng thống ở Athens, cha đã nói về sự “thoái trào” của nền dân chủ trên toàn thế giới và đặc biệt là ở châu Âu .... Cha có thể giải thích kỹ một chút về điều đó và cho chúng con biết cha đang đề cập đến những quốc gia nào không? Và cha sẽ nói gì với các nhà lãnh đạo cực hữu và cử tri khắp Châu Âu, những người tuyên bố mình là những người Kitô giáo mộ đạo nhưng đồng thời cổ vũ các giá trị và chính sách phi dân chủ?

ĐTC Phanxicô: Đúng vậy, dân chủ là một kho tàng, một kho tàng của nền văn minh, và nó phải được trân quý, nó phải được bảo vệ. Và không chỉ được bảo vệ bởi một thực thể mạnh hơn, nhưng là giữa chính các quốc gia với nhau, bảo vệ nền dân chủ của những quốc gia khác.

Chống lại nền dân chủ, ngày nay tôi nhìn thấy hai mối nguy hiểm: một là chủ nghĩa dân túy (populism), đang tồn tại ở đây ở kia, và đang bắt đầu đe dọa. Tôi đang nghĩ đến một chủ nghĩa dân túy khổng lồ của thế kỷ trước, chủ nghĩa Quốc xã. Chủ nghĩa Quốc xã là một chủ nghĩa dân túy mà trên danh nghĩa bảo vệ các giá trị quốc gia, nó đã hủy diệt đời sống dân chủ, thậm chí giết người, tiêu diệt họ, nó trở thành một chế độ độc tài nhuốm máu.

Hôm nay tôi nói rằng — vì chị đặt câu hỏi về các chính phủ cánh hữu — chúng ta hãy cẩn thận để các chính phủ — tôi không nói cánh hữu hay cánh tả, tôi đang nói điều khác — đừng trượt xuống dốc của chủ nghĩa dân túy này, của điều được gọi là dân túy chính trị, không liên quan gì đến “chủ nghĩa bình dân” (popularism), là cách thể hiện tự do của các dân tộc, họ thể hiện bản sắc riêng, văn hóa dân gian, giá trị của họ, nghệ thuật của họ, và bảo tồn bản sắc của họ.

Chủ nghĩa dân túy là một chuyện, “chủ nghĩa bình dân” là một chuyện khác. Mặt khác, nền dân chủ bị suy yếu, nó đi vào con đường suy giảm từ từ, khi các giá trị quốc gia bị hy sinh, bị nhạt nhòa dần của một “đế quốc” – chúng ta hãy dùng một từ xấu xí, nhưng tôi không thể tìm được từ khác. Một loại chính phủ siêu quốc gia. Đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Chúng ta cũng không được rơi vào chủ nghĩa dân túy, nơi mà mọi người — nhưng không phải là nhân dân, mà là một chế độ độc tài của “chúng ta chứ không phải người khác” — hãy nghĩ về chủ nghĩa Quốc xã, cũng đừng đi vào con đường làm mất dần bản sắc của chúng ta trong một chính phủ quốc tế. Về vấn đề này, có một quyển tiểu thuyết được viết vào năm 1903. Chị sẽ nói rằng “vị Giáo hoàng này đi sau thời đại quá xa khi nói đến văn học!” Một cuốn tiểu thuyết của Benson, một nhà văn người Anh, “Chúa tể của Trái đất” hoặc “Chúa tể của thế giới” — nó có cả hai tiêu đề — người mơ về một tương lai trong đó một chính phủ quốc tế với các biện pháp kinh tế và chính trị điều hành tất cả các các quốc gia khác, và khi bạn có được chính phủ kiểu như vậy, ông giải thích, bạn sẽ mất tự do và bạn cố gắng đạt được sự bình đẳng giữa tất cả mọi người; điều này xảy ra khi có một siêu cường quyết định hành vi kinh tế, văn hóa và xã hội đối với các quốc gia khác.

Nền dân chủ bị suy yếu bởi nguy cơ của chủ nghĩa dân túy, không phải là “chủ nghĩa bình dân” (là điều tốt), và bởi mối nguy hiểm của những sự giới thiệu này tới các cường quốc kinh tế và văn hóa quốc tế ... Đó là điều tôi nghĩ đến, nhưng tôi không phải là nhà khoa học chính trị. Tôi đang nói những gì tôi nghĩ.

Ông Matteo Bruni: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi thứ ba đến từ anh Manuel Schwarz của hãng thông tấn Đức DPA, (Deutsche Presse-Agentur).

Anh Manuel Schwarz, Deutsche Presse-Agentur: Thưa Đức Thánh Cha, trước hết xin cảm ơn người đã cho chúng con được đồng hành trong hành trình quan trọng này. Di cư là một chủ đề trung tâm không chỉ ở Địa Trung Hải mà còn ở các khu vực khác của Châu Âu, đặc biệt là ở Đông Âu ngày nay, với rất nhiều “hàng rào thép gai” như cha nói. Và với cuộc khủng hoảng ở Belarus. Đức Thánh Cha mong đợi điều gì từ các quốc gia trong khu vực này? Ví dụ như Ba Lan và cả Nga. Và cha mong đợi điều gì từ các quốc gia quan trọng khác ở Châu Âu? Chẳng hạn như Đức, nơi sẽ có một chính phủ mới sau kỷ nguyên của Bà Angela Merkel.

ĐTC Phanxicô: Đối với những người ngăn cản nhập cư hoặc đóng cửa biên giới — cái mốt bây giờ là xây những bức tường, dựng hàng rào thép gai, concertinas [dây thép gai cuộn tròn] — người Tây Ban Nha hiểu từ này có nghĩa là gì — để ngăn cản việc tiếp cận. Điều đầu tiên tôi sẽ nói nếu có một nhà lãnh đạo trước mặt là: “Hãy nghĩ về việc khi anh còn là một người di cư và họ không cho phép anh vào, khi anh muốn thoát khỏi miền đất của mình… và bây giờ anh là người xây các bức tường.”

Việc này có hiệu quả bởi vì những người xây tường mất đi ý thức về lịch sử của chính họ, câu chuyện của họ, của thời gian khi họ còn là nô lệ của một quốc gia khác. Không phải ai cũng có kinh nghiệm này, nhưng ít nhất phần lớn những người xây các bức tường có kinh nghiệm từng là nô lệ.

Anh có thể nói với tôi: nhưng các chính phủ có nhiệm vụ quản lý và nếu một làn sóng di cư lớn như vậy đến, họ không thể quản lý. Tôi sẽ nói điều này. Mọi chính phủ phải nói rõ ràng: “Tôi có thể nhận được nhiều.” Bởi vì những người lãnh đạo biết họ có thể nhận được bao nhiêu. Đó là quyền của họ, điều này là thật. Nhưng người di cư phải được chào đón, đồng hành, thăng tiến và hòa nhập. Nếu một chính phủ không thể làm được điều này, thì chính phủ phải đối thoại với những quốc gia khác và để các quốc gia khác quan tâm. Và điều này là quan trọng. Liên minh Châu Âu, bởi vì Liên minh Châu Âu có thể phối hợp giữa tất cả các chính phủ để phân phối người di cư. Hãy nghĩ về Síp. Hãy nghĩ về Hy Lạp. Hãy nghĩ về Lampedusa. Hãy nghĩ về Sicily. Những người nhập cư đang đến và không có sự phối hợp giữa các quốc gia trong Liên minh Châu Âu để gửi người này tới đây, người kia tới nơi khác, người này ở đây… Thiếu sự phối hợp cơ bản này.

Và từ cuối cùng tôi nói là hội nhập, phải không? Họ phải được chào đón, đồng hành, thăng tiến và hội nhập. Tại sao phải hội nhập? Bởi vì nếu bạn không hội nhập người di cư, người di cư này sẽ là công dân khu ổ chuột. Lấy một ví dụ, tôi không chắc là tôi đã nói trên máy bay trước đây hay không, đó là ví dụ khiến tôi xúc động nhất, thảm kịch Zaventem. Những người trẻ tuổi chịu trách nhiệm về vụ tàn sát tại sân bay là người Bỉ, nhưng là con của những người di cư sống trong khu ổ chuột, không được hòa nhập. Nếu anh không hòa nhập người di cư — bằng giáo dục, bằng việc làm, bằng sự chăm sóc cho người di cư — anh có nguy cơ tạo ra một chiến binh du kích, một người sẽ làm những điều này với anh. Chào đón người di cư không hề dễ dàng, không dễ giải quyết vấn đề người di cư, nhưng nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề di cư, chúng ta có nguy cơ làm đắm tàu một nền văn minh. Ngày nay, ở Châu Âu — như tình hình thực tế — không chỉ có những người di cư bị đắm tàu ở Địa Trung Hải, mà cả nền văn minh của chúng ta cũng vậy.

Đây là lý do tại sao đại diện của các chính phủ Châu Âu cần đi đến một thỏa thuận. Đối với tôi, một mô hình tiếp nhận và hội nhập vào thời đó là Thụy Điển, nơi đã chào đón tất cả những người di cư Mỹ Latinh của các chế độ độc tài quân sự — người Chile, người Argentina, người Uruguay, người Brazil — và hội nhập họ. Hôm nay tôi đến một trường học ở Athens, tôi nhìn sang người phiên dịch và nói: “Nhưng ở đây — tôi đã dùng một từ dùng trong gia đình — có một món salad trái cây của các nền văn hóa. Tất cả chúng đều được hòa trộn với nhau”. Và anh ấy nói với tôi: “Đây là tương lai của Hy Lạp”. Hội nhập. Hội nhập là phát triển. Nó rất quan trọng.

Và rồi một tình huống thảm kịch khác mà tôi muốn đề cập đến. Khi những người di cư, trước khi đến nơi, rơi vào tay những kẻ buôn người, những kẻ này sẽ lấy hết số tiền họ có và mang họ lên thuyền. Khi họ bị quay lưng, những kẻ buôn người này sẽ đưa họ đi. Trong Bộ Di dân [Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện — Phân bộ Di dân và người Tị nạn], có các video cho thấy những gì xảy ra ở những nơi mà người di cư phải quay trở về từ những vùng đất đó và bị đưa đến. Cũng như khi anh không thể chào đón họ thì bỏ họ, nhưng hãy chào đón họ, thăng tiến và hội nhập họ, vậy nếu tôi trả một người di cư trở về, tôi phải đồng hành cùng với người đó, thăng tiến và hòa nhập người đó trong đất nước của anh ta, chứ đừng bỏ mặc anh ta trên bờ biển Libya. Đây là sự tàn nhẫn. Nếu anh muốn biết thêm về điều này, hãy hỏi Bộ Di dân họ có những video này. Và có một bộ phim — chắc chắn là anh có biết — của tổ chức Open Arms, hơi mang tính tiểu thuyết một chút, nhưng nó cho thấy thực tế của tất cả những người đã bị chết chìm. Đó là một điều kinh khủng. Nhưng chúng ta đang mạo hiểm với nền văn minh của chúng ta, chúng ta đang mạo hiểm với nền văn minh của chúng ta!

Ông Matteo Bruni: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi tiếp theo bây giờ là của một ký giả nói tiếng Pháp: chị Cécile Chambraud, từ Le Monde

Chị Cécile Chambraud, Le Monde: Thưa Đức Thánh Cha, con sẽ đặt câu hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha cho các đồng nghiệp của con. Hôm thứ Năm, khi đến Nicosia, chúng con được biết người đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám mục Paris, Đức Cha Aupetit. Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết tại sao? Và tại sao lại vội vàng như vậy?

Câu hỏi thứ hai: sau báo cáo của một ủy ban độc lập về sự lạm dụng tình dục, Hội đồng Giám mục Pháp đã công nhận rằng Giáo hội có trách nhiệm về thể chế đối với những gì mà hàng ngàn nạn nhân đã phải gánh chịu. Họ cũng nói về chiều kích hệ thống của tình trạng bạo lực này. Cha nghĩ gì về những phát biểu của các giám mục Pháp? Chúng có ý nghĩa gì đối với Giáo hội hoàn vũ? Và, câu hỏi cuối cùng là Đức Thánh Cha sẽ tiếp các thành viên của ủy ban độc lập này không?

ĐTC Phanxicô: Tôi sẽ bắt đầu với câu hỏi thứ hai, sau đó chúng ta quay lại câu một.

Khi thực hiện các nghiên cứu này, chúng tôi phải hết sức cẩn thận trong việc diễn giải, việc này phải được thực hiện theo những khoảng thời gian. Khi chị làm việc đó trong một thời gian dài như vậy, sẽ có nguy cơ nhầm lẫn cách nhìn nhận vấn đề trong một khoảng thời gian, 70 năm trước là thời điểm khác. Tôi chỉ muốn nói điều này như một nguyên tắc: một hoàn cảnh lịch sử nên được giải thích bằng phương pháp chú giải văn bản của thời đó, không phải thời của chúng ta. Ví dụ, chế độ nô lệ. Chúng ta kêu lên: “thật là kinh khủng”. Những lạm dụng của 100 năm trước hay 70 năm trước “thật kinh khủng”. Nhưng kinh nghiệm của họ không giống như ngày nay có một cách thông diễn khác. Ví dụ, trong trường hợp lạm dụng trong Giáo hội, bị che đậy, đó là cách được sử dụng – thật đáng buồn – trong các gia đình, thậm chí cả ngày nay, trong rất nhiều gia đình và trong các khu phố, cố gắng che đậy nó. (Ngày nay) chúng ta nói, “không, che đậy không phải là cách”. Nhưng luôn luôn giải thích bằng phương pháp thông diễn học của thời đó chứ không phải là thời của chúng ta.

Đây là điều đầu tiên. Ví dụ, cuộc nghiên cứu Indianapolis nổi tiếng đã sụp đổ do thiếu cách giải thích chính xác: một số điều đúng, những điều khác thì không; chúng trộn lẫn các khoảng thời gian. Ở giai đoạn này, phân thành từng đoạn sẽ hữu ích.

Về phần báo cáo, tôi chưa đọc, tôi đã nghe ý kiến của các giám mục Pháp. Tôi thực sự không biết trả lời như thế nào. Các Giám mục Pháp sẽ đến trong tháng này và tôi sẽ yêu cầu họ giải thích sự việc cho tôi.

Và câu hỏi đầu tiên, về trường hợp Đức Cha Aupetit. Tôi tự hỏi: Đức Cha Aupetit, ngài đã làm gì mà nghiêm trọng đến mức phải từ chức vậy? Ngài đã làm gì? Có ai trả lời cho tôi ...

Chị Cécile Chambraud: Con không biết. Con không biết.

ĐTC Phanxicô: Nếu không biết sự buộc tội thì chúng ta không thể lên án. Lời buộc tội là gì? Có ai biết không? [Không ai trả lời]. Thật là tệ!

Chị Cécile Chambraud: Một vấn đề về điều hành [của giáo phận] hoặc điều gì đó khác. Chúng con không biết.

ĐTC Phanxicô: Trước khi trả lời tôi sẽ nói: hãy điều tra. Hãy thực hiện cuộc điều tra… bởi vì có nguy cơ sẽ nói rằng: “Ngài đã bị kết án”. Ai đã lên án ngài? “Dư luận, đàm tiếu ...” Nhưng ngài đã làm gì? “Chúng tôi không biết, một điều gì đó ...” Nếu chị biết rõ lý do tại sao thì hãy nói như vậy, nếu không, tôi không thể trả lời. Và chị sẽ không biết tại sao, bởi vì đó là sự vấp ngã của ngài, sự vấp ngã trước điều răn thứ sáu, nhưng không hoàn toàn mà là những sự mơn trớn đùa cợt mà ngài đã làm: đó là lời buộc tội. Đây là tội, nhưng một trong những tội trọng hơn, bởi vì tội về xác thịt không phải là tội trọng nhất: tội nặng nhất là những tội có đặc điểm của “Lucifer” hơn; kiêu ngạo, hận thù ... đây là những tội trọng nhất. Vì vậy, ngài Aupetit là một tội nhân, cũng như tôi. Tôi không biết chị có cảm nhận như vậy không, nhưng có lẽ… như Thánh Phêrô cũng vậy, vị Giám mục mà Chúa Kitô đã thành lập Giáo hội trên ngài. Làm sao cộng đoàn lúc bấy giờ lại chấp nhận được một giám mục tội lỗi? Và đó là người mang tội lỗi với đặc điểm như Lucifer, chẳng hạn như chối Chúa Giêsu Kitô! Nhưng đó là một Giáo hội bình thường, ý thức mình tội lỗi, mọi người. Đó là một Giáo hội khiêm nhường. Chị có thể thấy rằng Giáo hội của chúng ta không quen với việc có một giám mục là tội nhân, và chúng ta giả cách nói rằng “giám mục của tôi là một thánh nhân”. Không, đây là Cô bé quàng khăn đỏ. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Nhưng khi những lời đàm tiếu lớn lên, lớn lên, lớn lên và làm mất đi thanh danh của một người, thì người đó sẽ không thể lãnh đạo vì đã mất danh tiếng của mình, không phải vì tội, — đó là một tội, như tội của Thánh Phêrô, như tội của tôi, tội của chị: đó là một tội! — nhưng những đàm tiếu của con người chịu trách nhiệm báo cáo sự việc. Một người đã mất thanh danh một cách công khai như vậy không thể điều hành được. Và đây là một sự bất công. Đó là lý do tại sao tôi chấp nhận sự từ chức của ngài Aupetit, không phải trên bàn thờ của sự thật, mà là trên bàn thờ của sự đạo đức giả. Đây là điều tôi muốn nói. Cảm ơn chị.

Ông Matteo Bruni: Cảm ơn Đức Thánh Cha, có lẽ chúng ta có thời gian cho một câu hỏi khác. Nó là của chị Vera Shcherbakova thuộc hãng thông tấn Tass.

ĐTC Phanxicô: À, tốt quá! Người kế nhiệm của anh Alexey Bukalov ... Anh ấy rất giỏi.

Vera Shcherbakova: Vâng, con nhớ anh ấy rất nhiều. Con thường xuyên nói điều này. Xin chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha vì cử chỉ của cha dành cho anh Bulgakov của chúng con, anh là kho báu của nước Nga và của cơ quan của chúng con. Nhưng con muốn hỏi những điều sau: Trong chuyến đi này, Đức Thánh Cha đã gặp những vị đứng đầu các Giáo hội Chính thống. Cha đã nói những lời rất hay về sự hiệp thông và đoàn tụ. Vậy cuộc gặp tiếp theo của cha với Đức Thượng phụ Kirill sẽ là khi nào? Các dự án chung với Giáo hội Nga là gì? Và cha có thấy những khó khăn gì trong tiến trình đến gần nhau hơn? Cảm ơn Đức Thánh Cha.

ĐTC Phanxicô: Cảm ơn chị. Đó là một câu hỏi hay.

Một cuộc gặp gỡ với Đức Thượng phụ Kirill không còn xa ở phía chân trời. Tôi nghĩ rằng tuần tới [Đức Tổng Giám mục] Hilarion sẽ đến gặp tôi để sắp xếp một cuộc gặp gỡ khả thi. Vì Đức Thượng phụ có chuyến đi — tôi không biết đi đâu, có thể đến Phần Lan, nhưng tôi không chắc — Tôi luôn sẵn sàng, tôi cũng sẵn sàng đi Moscow: để nói chuyện với một người anh, không cần những nghi thức ngoại giao. Một người anh em là một người anh em vượt trên tất cả các giao thức. Và tôi với một hiền huynh Chính thống giáo, cho dù tên của ngài là Kirill, hay Chrysostomos, hay Ieronymos, đều là một người anh — chúng tôi là anh em, chúng tôi nói chuyện trực tiếp với nhau. Chúng tôi không đi lòng vòng; không, chúng tôi nói mọi điều mặt đối mặt. Nhưng như là anh em. Khi nhìn thấy anh em tranh luận với nhau có đẹp không: nó rất đẹp, bởi vì họ thuộc một Mẹ, Mẹ Giáo hội, nhưng họ có chút chia rẽ. Một chút vì di truyền, một chút vì lịch sử đã chia rẽ họ… nhưng chúng tôi phải cùng nhau cố gắng làm việc, tiến bước trong sự hiệp nhất và vì sự hiệp nhất.

Tôi biết ơn Đức Ieronymos, Đức Chrysostomos, tất cả các Thượng phụ mong muốn được cùng nhau tiến bước. Trong sự hiệp nhất ... nhà thần học Zizioulas vĩ đại của Chính thống giáo, khi nghiên cứu về thần học cánh chung, đã từng nói đùa rằng “chúng ta sẽ tìm thấy sự hiệp nhất trong ngày thế mạt”; đó là nơi sẽ có sự hiệp nhất. Đó là một nhận xét dí dỏm. Nó không có nghĩa là chúng ta phải đứng yên chờ các nhà thần học đi đến thỏa thuận, không. Đó là một việc không bàn đến, lời dí dỏm, đó là những gì người ta nói Athenagoras đã nói với Đức Phaolô VI: “Chúng ta hãy đưa tất cả các nhà thần học lên một hòn đảo và chúng ta đi đến một nơi khác”. Một bình luận hóm hỉnh. Nhưng, các nhà thần học nên tiếp tục nghiên cứu, bởi vì điều này là tốt cho chúng ta, nó giúp chúng ta hiểu nhau hơn, và tìm thấy sự hiệp nhất. Nhưng hiện tại, chúng tôi cùng nhau tiến về phía trước. Nhưng bằng cách nào? Cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau tham gia các công việc bác ái. Ví dụ, tôi nghĩ về Thụy Điển, về hội Caritas Công giáo-Tin lành Luther của họ, họ làm việc cùng nhau. Cùng nhau làm việc và cùng nhau cầu nguyện. Chúng tôi có thể làm điều này. Phần còn lại hãy để các nhà thần học làm, vì chúng tôi không hiểu cách làm như thế nào. Điều này chúng tôi có thể làm: sự hiệp nhất bắt đầu từ hôm nay, trên con đường này.

Ông Matteo Bruni: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Cảm ơn người vì thời gian người dành cho các câu hỏi của chúng con. Con nghĩ là chúng con, ít nhiều cũng đến giờ ăn trưa.

ĐTC Phanxicô: Cảm ơn anh chị em rất nhiều, và chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng.

Ông Matteo Bruni: Một số ký giả muốn cung cấp cho Đức Thánh Cha một ảnh chụp Thành cổ Parthenon của Athens, vì họ tiếc là Đức Thánh Cha không được nhìn thấy nó cận cảnh.

ĐTC Phanxicô: Đúng vậy, đã có nguy cơ là tôi sẽ rời đi mà không được nhìn thấy nó [Đền Parthenon], và đêm qua tôi đã nói: “Không, tôi muốn xem nó!”. Họ đưa tôi đến đó, tôi nhìn thấy nó từ xa, được chiếu sáng. Ít nhất thì tôi đã nhìn thấy nó. Tôi chưa đặt chân đến đó, nhưng tôi đã nói: “Cảm ơn vì nhã ý này”.


[Nguồn: vatican.va]
[Tham khảo: catholicnewsagency]


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/12/2021]