Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Đức ông Camilleri trình bày tại Hội nghị OSCE về sự phân biệt đối xử chống lại người Ki-tô hữu

Đức ông Camilleri trình bày tại Hội nghị OSCE về sự phân biệt đối xử chống lại người Ki-tô hữu

Phần 1

Monsignor Antoine Camilleri, Under-Secretary for the Holy See's Relations with States - RV
Đức ông An-tôn Camilleri, Phó Ngoại trưởng Phân bộ Ngoại giao của Tòa Thánh - RV
15/12/2016 14:43
(Vatican Radio) Đức ông An-tôn Camilleri, Phó Ngoại trưởng Phân bộ Ngoại giao của Tòa Thánh, hôm thứ Tư có bài diễn văn chính tại Hội Nghị Chống Lại Những Thành Kiến Và Phân Biệt Đối Xử Với Người Ki-tô Hữu diễn ra tại Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) ở Vienna.
Dưới đây là toàn văn tham luận của đức ông.
ĐỨC ÔNG AN-TÔN CAMILLERI, PHÓ PHÂN BỘ NGOẠI GIAO CỦA TÒA THÁNH
THAM LUẬN CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ CHỐNG LẠI SỰ BẤT BAO DUNG VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ CHỐNG LẠI NGƯỜI KI-TÔ HỮU
Vienna
14 tháng 12, 2016
Kính thưa ông Chủ tịch,
Kính thưa quý vị,
Tòa Thánh xem đây là một bổn phận phải kiên trì tiếp tục nói về tầm quan trọng của sự tự do tôn giáo hay niềm tin, và phải lặp đi lặp lại. Từ cam kết ban đầu của Tòa Thánh tại đàm phán Helsinki, qua các thập kỷ với những hội nghị và các cuộc họp của OSCE, đến công việc mở rộng của OSCE hôm nay, bảo vệ và thúc đẩy sự tự do tôn giáo hay niềm tin, và vẫn còn đang duy trì, một ưu tiên hàng đầu và rất quan trọng trong những nỗ lực liên tục của Tòa Thánh bảo vệ phẩm giá vốn có của mỗi con người. Tòa Thánh làm như vậy, không phải vì Tòa Thánh đang theo đuổi những lợi ích riêng như là thẩm quyền lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo hoặc vì Tòa Thánh không quan tâm đến những quyền tự do khác, nhưng vì sự tự do tôn giáo hoặc niềm tin là yếu tố quyết định cho sự tôn trọng những nhân quyền và những sự tự do căn bản khác, vì nó là sự tổng hợp và nguyên tắc căn bản của những quyền khác.
Quả thật, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói rằng sự tự do tôn giáo góp phần vào “trọng tâm của nhân quyền”. [1] Vì vậy, sự tự do tôn giáo thật sự quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền cho mọi người, bất kể họ là người có tín ngưỡng hay vô tín ngưỡng, vì trong phạm vi lương tâm tạo thành phẩm giá của nhân vị, có những quyền con người có sự tương quan và không thể tách rời, chẳng hạn sự tự do tôn giáo hoặc niềm tin, sự tự do lương tâm và sự tự do bày tỏ. Thực sự, cuộc chiến chống lại Thành Kiến và Sự Phân Biệt Đối Xử Chống Lại Người Ki-tô Hữu có thể là một công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ nhân quyền của các tín hữu của tôn giáo khác, và nhân quyền của những người không tuyên xưng niềm tin tôn giáo nào.
Vì vậy, Tòa Thánh rất vinh dự được mời trình bày tham luận chính trong Hội Nghị Chống Lại Những Thành Kiến và Phân Biệt Đối Xử Người Ki-tô Hữu. Trước khi trình bày, tôi xin mở đầu bằng lời cảm ơn ngài Đại sứ Eberhard Pohl, Chủ tịch của Hội đồng Thường trực, và Tiến sĩ Michael Link, Giám đốc Văn phòng các Tổ Chức Dân Chủ và Nhân Quyền, về những lời khai mạc rất sâu sắc của hai vị. Tôi cũng xin bày tỏ lòng tri ân của Tòa Thánh với các nhân viên của ODIHR đã tổ chức sự kiện này.
Liên quan đến chủ đề Hội nghị của chúng ta, tôi xin nhấn mạnh vào ba vấn đề – cho dù hơi ngắn: 1) những thành kiến về tôn giáo và sự tự do tôn giáo và niềm tin; 2) nhiều hình thức khác nhau, trong đó có những hình thức mới, về thành kiến và phân biệt đối xử chống lại người Ki-tô hữu;  và 3) những tiềm năng thiện ích nằm trong sự ràng buộc về tôn giáo hoặc niềm tin.
Sự tự do tôn giáo hoặc niềm tin và thành kiến/phân biệt đối xử
Sự phân biệt đối xử và thành kiến chống lại người Ki-tô hữu nhắm vào những người, không phải vì sắc tộc của họ, giới tính hay ngôn ngữ của họ, nhưng vì tôn giáo của họ, cho thấy một sự vi phạm và thách thức trực tiếp đối với quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin, một trong những quyền của con người đã được đề cập rõ ràng trong Hiệp ước Helsinki, và được bảo vệ trong những cam kết tiếp theo của OSCE, như là một ưu tiên của Tổ chức này và 57 Chính phủ thành viên của tổ chức.
Thoạt nhìn, chúng ta có thể thấy ngạc nhiên khi CSCE và OSCE – là một thỏa thuận an ninh khu vực – lại can dự vào những vấn đề tự do tôn giáo và niềm tin và những nỗ lực chống lại sự phân biệt đối xử và thành kiến chống lại người Ki-tô hữu, một phản ánh sâu rộng hơn về những vấn đề chứa đựng trong đó sẽ đưa ra những lý do rõ ràng cho sự quan tâm này. Thành kiến và sự phân biệt đối xử chống lại người Ki-tô hữu, cũng như thành kiến và sự phân biệt đối xử với các nền tảng tôn giáo khác, không chỉ cho thấy những sự vi phạm nhân quyền, nhưng chúng cũng được chứng minh là mảnh đất màu mỡ cho những sự vi phạm khác về nhân quyền làm suy yếu và đe dọa sự liên kết xã hội, và nó có thể dẫn đến bạo lực và xung đột, thậm chí giữa các Chính phủ. Nếu OSCE thực sự nỗ lực đưa những vấn đề về an ninh và hợp tác – từ Vladivostok đến Vancouver – thì chắc chắn tổ chức phải duy trì sự quan tâm liên quan đến thành kiến và sự phân biệt đối xử nhắm vào những người đơn thuần vì đức tin của họ vào Đức Giê-su Ki-tô.
Thành kiến và sự phân biệt đối xử chống lại người Ki-tô hữu – nhiều hình thức
Mặc dù trọng tâm chính của Hội nghị này tập trung vào khu vực OSCE, và không nghi ngờ gì, có nhiều bằng chứng và mức độ ảnh hưởng đáng quan tâm trong khu vực của chúng ta, nhưng tôi sẽ trở thành người thờ ơ nếu ít nhất tôi không nhắc đến sự bách hại man rợ nhắm vào người Ki-tô hữu diễn ra ở nhiều nơi khác trên thế giới, đáng buồn là nó xảy ra ngay cửa ngõ vào của OSCE. Những sự hung bạo chống lại người Ki-tô hữu ở Syria và Iraq quá khủng khiếp đến mức từ ngữ không thể nào diễn đạt cho đúng, và chúng ta không được lãng quên tình trạng tuyệt vọng của họ. Trong ít ngày qua, bóng đen chết chóc của chủ nghĩa khủng bố bạo lực một lần nữa trùm lên cộng đoàn Coptic ở Ai-cập.
Cân nhắc đến thực tại của vùng OSCE, chúng ta phải thừa nhận rằng sự phân biệt đối xử và bất bao dung, trong đó có những tội ác vì thù ghét, đã ảnh hưởng đến nhiều Ki-tô hữu và cộng đoàn Ki-tô hữu, cho dù vẫn thường có quan niệm rằng sự phân biệt đối xử và bất bao dung không xảy ra ở khu vực này trên thế giới. Dường như quan điểm đó cho rằng nếu thuộc về một tôn giáo chiếm đa số sẽ ngăn ngừa cho người Ki-tô hữu không bị xem là nạn nhân của sự bất bao dung. Tuy nhiên, quan niệm đó không dựa trên thực tế.
Những cuộc tấn công liên tục nhắm vào những nhà thờ Ki-tô giáo và các tòa nhà tôn giáo, lúc này, lúc khác, được khẳng định bởi dữ liệu của ODIHR, dễ dàng bác bỏ quan điểm rằng người Ki-tô hữu không chịu sự đố kỵ. Những tàn phá có kế hoạch nhằm vào các nhà thờ, nhà nguyện và sảnh đường, những hành động cố ý phá hoại những không gian và biểu tượng tôn giáo, trong đó có thánh giá, tượng và tác phẩm Ki-tô giáo khác, cũng như trộm cắp và việc phạm thánh đối với những gì mà người Ki-tô hữu coi là thánh thiêng, tất cả đều là những bằng chứng cho thấy những hành động không chỉ bất kính, mà còn là bất bao dung, và trong hầu hết các trường hợp những hành động tội phạm đều liên quan đến động cơ bất bao dung.


(Xin đọc phần 2 ngày mai)


[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/12/2016]

Đức Thánh Cha gọi điện đến chương trình Morning Show của Ý; chúc thính giả một “Giáng sinh Ki-tô”

Đức Thánh Cha gọi điện đến chương trình Morning Show của Ý; chúc thính giả một “Giáng sinh Ki-tô”

“Trong thế giới này nơi thần đồng tiền được tôn sùng, nguyện xin Chúa Hài Đồng giúp chúng ta biết nhìn đến sự bé nhỏ của Thiên Chúa, Đấng đã làm đảo lộn các giá trị trần gian”
22 tháng 12, 2016
Đức Thánh Cha gọi điện đến chương trình Morning Show của Ý; chúc thính giả một “Giáng sinh Ki-tô”
Lúc 9:08 sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxico được kết nối điện thoại với chương trình truyền hình TG1-RAII “Unomattina”, nhân dịp kỷ niệm 30 năm phát sóng của chương trình.
Dưới đây là bản dịch những lời nói của Đức Thánh Cha qua điện thoại.
* * *
Người dẫn chương trình (NDCT): Xin chào, Đức Thánh Cha …
ĐTC Phanxico: Chào anh!
NDCT: Xin chào cha, con cảm ơn cha!
ĐTC Phanxico: Tôi nghe nói hôm nay là ngày quan trọng cho quý vị của chương trình “Unomattina”: quý vị đang kỷ niệm 30 năm phát sóng ...
NDCT: Đúng vậy ...
ĐTC Phanxico: Xin chúc mừng quý vị, các tác giả của chương trình, những người dẫn chương trình, các phóng viên, giám đốc, kỹ thuật, nhân viên … nói chung tất cả những người cộng tác trong chương trình phát sóng rất nổi tiếng này. Tôi biết hôm nay các Giám đốc của TG1 và RAI 1 cũng có mặt: xin gửi lời chào đến họ và chúc mừng!
NDCT: Xin cảm ơn, Đức Thánh Cha. Chúng con — Francesca và con — cùng tất cả các nhà báo, các giám đốc, và kỹ thuật viên xin chúc mừng cha ngày sinh nhật 80 tuổi của cha. Và chúng con chuẩn bị một chút ngạc nhiên choh cha, thưa Đức Thánh Cha. Nó đây rồi … (chuyển một cảnh quay về Đức Thánh Cha Phanxico)
NDCT: Thưa Đức Thánh Cha, ngài vẫn còn đang nghe điện thoại chứ?
ĐTC Phanxico: Có, có, và tôi cảm ơn về cái ngạc nhiên đó.
NDCT: Chúng con cảm ơn cha, và chỉ còn vài ngày nữa là đến Giáng sinh, chúng con muốn biết liệu ...
NDCT: … ngay bây giời chúng con xin gửi lời chúc Giáng sinh đến Đức thánh Cha: Chúc Đức Thánh Cha Giáng sinh hạnh phúc!
NDCT: … Không biết cha có nhắn gửi gì với những khán giả đang theo dõi chúng ta tại nhà không: trong số đó cũng có những người già và người bệnh …
ĐTC Phanxico: Có. Có chứ. Tôi chúc các bạn một Giáng Sinh Ki-tô, đầu tiên là vì, khi Thiên Chúa muốn đảo lộn các giá trị của thế gian, Người hạ mình thành con người bé nhỏ trong một máng cỏ, những con người bé nhỏ, cùng với người nghèo, người bị gạt ra bên lề … Sự bé nhỏ. Trong thế giới này nơi thần đồng tiền được tôn sùng, nguyện xin Chúa Hài Đồng giúp chúng ta biết nhìn đến sự bé nhỏ của Thiên Chúa, Đấng đã làm đảo lộn các giá trị trần gian. Tôi xin chúc tất cả một Giáng sinh hạnh phúc và thánh thiện: một Giáng Sinh Hạnh Phúc và Thánh Thiện. Tôi yêu mến tất cả.
NDCT: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Xin chúc Đức Thánh Cha Giáng sinh hạnh phúc.
ĐTC: Chúc Giáng sinh hạnh phúc!
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/12/2016]