Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

Gặp gỡ giới trẻ Hungary tại sân vận động Papp László Budapest Sportaréna: "Hãy đầu tư vào những mục tiêu vĩ đại của cuộc đời!"

Đức Thánh Cha với giới trẻ: Hãy đầu tư vào những mục tiêu vĩ đại của cuộc đời!

Gặp gỡ giới trẻ tại sân vận động Papp László Budapest Sportaréna

Gặp gỡ giới trẻ Hungary tại sân vận động Papp László Budapest Sportaréna: "Hãy đầu tư vào những mục tiêu vĩ đại của cuộc đời!"
Vatican Media
*******

Lúc 3:50 chiều nay, Đức Thánh Cha Phanxicô rời Tòa Khâm sứ ở Budapest và di chuyển bằng xe hơi đến sân vận động đa năng Papp László Budapest Sportaréna để gặp gỡ các bạn trẻ.

Khi đến nơi, sau khi đổi xe và chạy vài vòng trên xe điện giữa những người hiện diện, Đức Thánh Cha được chào đón bởi Đức Giám mục phụ trách Mục vụ Giới trẻ, Đức Tổng Giám mục Ferenc Palánki, Giám mục Debrecen-Nyíregyháza, trong tiếng ca của một bài hát vang lên.

Sau đó, sau lời chào mừng của Đức Giám mục, màn trình diễn vũ điệu truyền thống và chứng ngôn của hai bạn trẻ, một thanh niên thuộc cộng đoàn Công giáo Hy Lạp và một sinh viên đại học, Đức Thánh Cha Phanxicô ban huấn từ của ngài.

Cuối cuộc gặp gỡ, sau Kinh Lạy Cha, ban phép lành và bài hát kết, Đức Thánh Cha lên xe trở về Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Budapest, tại đây – lúc 6 giờ tối – ngài có cuộc gặp riêng các Thành viên của Dòng Tên có mặt tại Hungary tại Sảnh Đại diện Giáo hoàng.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha gửi đến những người hiện diện trong cuộc gặp gỡ:

________________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Dicsértessék a Jézus Krisztus! [Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!]

Anh chị em thân mến, cha muốn nói lời köszönöm! [cảm ơn!] vì điệu nhảy, bài hát và những chứng ngôn đầy can đảm của các con. Cha xin cảm ơn từng người có mặt ở đây ngày hôm nay: cha rất vui được ở bên các con! Xin cảm ơn.

Đức Giám mục Ferenc nói với chúng ta rằng tuổi trẻ là thời gian cho những câu hỏi và câu trả lời quan trọng. Đó là sự thật, và điều quan trọng là các con phải có ai đó động viên và lắng nghe câu hỏi của các con, không phải để đưa ra cho các con những câu trả lời đơn giản, đóng gói sẵn, vô ích và không thể làm chúng ta hạnh phúc, mà giúp các con can đảm đối mặt với tính phiêu lưu của cuộc sống khi các con đi tìm câu trả lời đúng đắn. Đó chính là những gì Chúa Giêsu đã làm. Bertalan, con nói rằng Chúa Giêsu không phải là nhân vật trong truyện hoặc một siêu anh hùng trong truyện tranh, và điều đó là đúng. Ngài là Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, là Thiên Chúa hằng sống đến gần chúng ta. Chúa Giêsu là một người bạn, người bạn tốt nhất. Ngài là một người anh, người anh tốt nhất, và Ngài rất giỏi trong việc đặt câu hỏi. Chúng ta đọc trong Tin Mừng thấy rằng Ngài, người Thầy, luôn đặt câu hỏi trước khi Ngài trả lời.

Cha nghĩ đến thời điểm khi Chúa đối mặt với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà tất cả mọi người đều chỉ tay lên án. Chúa Giêsu lên tiếng, và những người buộc tội chị bỏ đi. Chỉ còn lại một mình Ngài với người phụ nữ và Ngài nhẹ nhàng hỏi chị: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (Ga 8:10). Chị ấy trả lời: “Thưa ông, không có ai cả” (c. 11). Ngay cả khi chị ta nói, chị nhận ra rằng Chúa không muốn kết án chị, mà tha thứ cho chị. Các con hãy ghi nhớ điều này: Thiên Chúa không muốn kết án, nhưng muốn tha thứ. Chúa luôn tha thứ. Đừng quên điều đó! Chúa luôn luôn tha thứ; Ngài luôn ở đó để nâng chúng ta lên bất cứ khi nào chúng ta vấp ngã! Có Chúa ở bên, chúng ta không bao giờ sợ hãi tiến bước trong cuộc sống của mình. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến Maria Mácđala – một người phụ nữ có quá khứ tai tiếng! – mà vào sáng Phục sinh lại là người đầu tiên nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh. Khi bà đứng khóc bên ngôi mộ trống, Chúa Giêsu đến và hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? (Ga 20:15). Nghe câu hỏi này, Maria Mácđala mở rộng con tim, bày tỏ sự đau thương và bộc lộ những ước muốn sâu xa nhất trong lòng: “Chúa ở đâu?”

Chúng ta cũng có thể nhìn đến cuộc gặp gỡ đầu tiên của Chúa Giêsu với những người sẽ trở thành môn đệ của Ngài. Hai người trong số họ, được Gioan Tẩy Giả sai đến, bắt đầu đi theo Chúa Giêsu. Chúa quay sang họ và hỏi một câu duy nhất: “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1:38). Cha cũng hỏi mỗi người các con một câu hỏi; hãy âm thầm trả lời trong lòng các con. Câu hỏi của cha là: “Các con tìm kiếm điều gì? Điều các con đang tìm kiếm trong cuộc sống là gì? Các con tìm kiếm điều gì trong tâm hồn mình?” Mỗi người chúng ta hãy lặng lẽ trả lời trong lòng mình. Tôi tìm kiếm điều gì? Chúa Giêsu không rao giảng cho họ, nhưng đồng hành với họ, và với mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đi sát bên chúng ta. Chúa không muốn các môn đệ của Ngài giống như những cô cậu học trò đọc thuộc lòng lại các bài đã học, nhưng là những người thanh niên tự do và tiến lên phía trước, những người bạn đồng hành của một Thiên Chúa, Đấng lắng nghe những nhu cầuvà quan tâm đến những ước mơ của họ. Rồi một thời gian sau, hai môn đệ trẻ tuổi của Ngài phạm sai lầm – các môn đệ của Chúa thường phạm sai lầm! – và họ xin Chúa Giêsu một điều không đúng, cụ thể là được ngồi bên tả và bên hữu Người khi Người lên làm vua, vì họ muốn leo lên vị trí cao hơn. Điều đáng chú ý là Chúa Giêsu không quở trách họ vì sự bạo gan của họ. Chúa không nói: “Sao các anh dám như vậy? Đừng mơ về những điều như thế nữa!” Không, Chúa Giêsu không đập tan tham vọng của họ, nhưng chỉ dạy họ con đường đúng đắn để đạt được những điều đó.

Chúa chấp nhận khát khao muốn trở nên vĩ đại của họ, điều đó tốt, nhưng Ngài nhấn mạnh một điều mà chúng ta cũng phải luôn ghi nhớ: không phải bằng cách đạp lên người khác mà chúng ta trở nên vĩ đại, mà bằng cách cúi xuống giúp đỡ họ. Chúng ta không đạt được sự vĩ đại bằng cái giá phải trả của người khác, nhưng bằng cách phục vụ họ (x. Mc 10:35-45). Như các con thấy đấy, các con thân mến, Chúa Giêsu muốn chúng ta đạt tới những điều lớn lao. Chúa không muốn chúng ta trở thành lười biếng “nằm ỳ trên sofa”; Ngài không muốn chúng ta im lặng và rụt rè; ngược lại, Ngài muốn chúng ta năng động, tích cực, sẵn sàng đảm nhận và làm nên lịch sử. Ngài không bao giờ chê bai những kỳ vọng của chúng ta, mà ngược lại, Ngài nâng cao những mong muốn của chúng ta. Chúa Giêsu sẽ đồng ý với một câu châm ngôn của các con, mà cha hy vọng sẽ phát âm đúng: Aki mer az nyer [Những người dám làm, sẽ giành được phần thưởng].

Các con cũng có thể hỏi: làm thế nào để chúng ta chiến thắng trong cuộc sống? Cũng như trong thể thao, có hai bước cơ bản. Trước hết, hướng tới mục tiêu cao, sau đó là rèn luyện. Hướng mục tiêu cao. Các con có tài năng chứ? Tất nhiên là có, mọi người đều có! Đừng gạt nó sang một bên, cho rằng những gì tối thiểu cũng là đủ mang lại hạnh phúc: bằng cấp, việc làm để kiếm tiền, vui chơi… Không! Hãy sử dụng tốt tài năng của các con. Các con có phẩm chất tốt không? Hãy đầu tư vào nó, đừng e ngại! Trong thâm tâm các con có cảm thấy mình có khả năng giúp đỡ người khác không? Các con có cảm thấy yêu mến Chúa, có một gia đình đông con, giúp đỡ những người túng thiếu là tốt biết bao không? Sau đó hãy tiến hành, đừng nghĩ rằng đây là những mơ ước không thể đạt được. Nhưng hãy đầu tư vào những mục tiêu lớn của cuộc đời! Và đây là bước đầu tiên, hướng đến mục tiêu cao.

Bước thứ hai là rèn luyện. Các con rèn luyện như thế nào? Bằng cách đối thoại với Chúa Giêsu là huấn luyện viên giỏi nhất. Chúa lắng nghe các con, khuyến khích các con, tin tưởng các con. Các con có biết điều đó không? Chúa Giêsu tin tưởng các con và có thể phát huy những điều tốt nhất trong các con. Ngài liên tục mời gọi các con trở thành một thành viên trong nhóm, không bao giờ một mình mà cùng với những người khác: điều này rất quan trọng. Nếu các con muốn trưởng thành và phát triển trong cuộc sống, hãy luôn là một người chơi trong đội, trong cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm với những người khác. Chẳng hạn, cha nghĩ đến trải nghiệm của những Ngày Giới trẻ Thế giới, vì vậy cha sẽ nhân cơ hội này mời gọi các con tham dự đại hội sắp tới, sẽ được tổ chức tại Bồ Đào Nha, ở Lisbon, vào đầu tháng Tám. Ngày nay có một sự cám dỗ rất lớn là hài lòng với một chiếc điện thoại và một vài người bạn. Thật đáng tiếc! Ngay cả khi nhiều người sẵn sàng chấp nhận điều đó, hoặc ngay cả khi các con cũng vậy, thì điều đó cũng không phải là tốt hay lành mạnh. Các con không thể nhốt mình trong những nhóm nhỏ bạn bè, chỉ nói chuyện qua điện thoại. Làm như vậy – cho phép cha nói điều này – là hơi ngu ngốc.

Có một yếu tố quan trọng trong việc rèn luyện mà Krisztina đã nhắc nhở chúng ta, khi bạn nói rằng ngày nay, giữa tất cả những điều xung quanh mà chúng ta đang phải chạy đua, với quá nhiều hối hả và vội vàng, có một điều trọng yếu mà người trẻ tuổi cũng như người lớn đang thiếu. Con nói, “Chúng ta không dành thời gian thinh lặng giữa những huyên náo này, bởi vì chúng ta sợ cô đơn; kết quả là mỗi ngày chúng ta đều cảm thấy mệt mỏi”. Krisztina, cảm ơn con đã nói với chúng ta điều này. Điều cha muốn nói với các con là thế này: đừng sợ bơi ngược dòng, dành không gian cho một chút thinh lặng mỗi ngày, một phút dừng lại và cầu nguyện.

Ngày nay, chúng ta bị oanh tạc với thông điệp rằng chúng ta phải nhanh, nhanh, hiệu quả và hoàn hảo, giống như những cỗ máy – các con thân yêu, dù sao chúng ta không phải là những cỗ máy! Và rồi, chúng ta thường thấy rằng mình bị hết xăng và không biết phải làm gì. Chúng ta phải học cách dừng lại để đổ xăng đầy bình, để sạc lại pin. Tuy nhiên, ở đây, cha cũng muốn nói rằng: hãy cẩn thận đừng đắm chìm trong tâm trạng ủ rũ hoặc nghiền ngẫm về những rắc rối của các con. Đừng lãng phí thời gian nghĩ xem ai đã làm điều này điều nọ với tôi, đặt câu hỏi về động cơ của người khác. Điều đó không tốt cũng chẳng lành mạnh; trên thực tế, nó độc hại và tốt nhất nên tránh nó.

Thinh lặng là mảnh đất để chúng ta vun đắp những mối quan hệ tốt đẹp. Nó cho phép chúng ta phó thác cho Chúa Giêsu bất cứ điều gì chúng ta đang cảm thấy, mang đến cho Ngài những khuôn mặt và tên tuổi, chia sẻ những khó khăn của chúng ta, nhớ đến bạn bè và cầu nguyện cho họ. Sự thinh lặng cho chúng ta cơ hội đọc một trang Tin Mừng có thể nói với tâm hồn chúng ta, để tôn thờ Thiên Chúa, để lấy lại sự bình an trong lòng. Sự thinh lặng cho phép chúng ta chọn một quyển sách mà chúng ta không cần phải đọc, nhưng là cuốn sách có thể giúp chúng ta học cách đọc được tâm hồn con người. Sự thinh lặng cho phép chúng ta quan sát thiên nhiên, để chúng ta không chỉ tiếp xúc với các thiết bị và đồ dùng mà còn khám phá được vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh chúng ta. Sự thinh lặng không phải để ngồi dán mắt vào điện thoại, hoặc mạng xã hội. Không, xin làm ơn! Cuộc sống là thật chứ không phải ảo. Nó không diễn ra trên màn hình, mà là trên thế giới! Xin đừng “ảo hóa” cuộc sống! Cha xin nhắc lại: đừng ảo tưởng hóa nó, vì đời sống là cụ thể. Các con hiểu chứ?

Vì vậy, thinh lặng là cánh cửa của cầu nguyện, và cầu nguyện là cánh cửa dẫn đến tình yêu. Dóra, cha cảm ơn con vì con đã nói với chúng ta một điều tuyệt vời, từ kinh nghiệm của con: rằng đức tin là một câu chuyện tình yêu, trong đó mỗi ngày con phải đối mặt với những vấn đề của tuổi mới lớn, nhưng con biết rằng luôn có một Người ở bên cạnh con, một Người ở đó vì con, và Người đó là Chúa Giêsu. Ngài không ngần ngại giúp các con vượt qua mọi trở ngại trên con đường của các con. Cầu nguyện giúp các con trong việc này, bởi vì cầu nguyện là đối thoại với Chúa Giêsu, cũng như Thánh lễ là cuộc gặp gỡ với Ngài, và Xưng tội là cái ôm mà các con nhận được từ Ngài. Điều này làm cha nhớ đến nhà soạn nhạc vĩ đại Franz Liszt của các con. Trong quá trình phục hồi cây đàn piano của ông, người ta đã tìm thấy một số hạt từ chuỗi tràng hạt của ông; tràng hạt đã bị đứt và những hạt đó rơi vào cây đàn. Điều này khiến chúng ta nhận ra rằng trước khi sáng tác hoặc biểu diễn, có lẽ ngay cả sau giây phút thưởng thức với cây đàn piano, ông thường cầu nguyện. Ông đã nói chuyện với Chúa và Đức Mẹ về những gì ông yêu thích và ông đã mang nghệ thuật và tài năng của mình vào việc cầu nguyện. Cầu nguyện không nhàm chán! Chính chúng ta làm cho việc cầu nguyện trở nên nhàm chán. Cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ với Chúa, một cuộc gặp gỡ rất đẹp.

Vì vậy, khi các con cầu nguyện, đừng ngại trình bày với Chúa Giêsu mọi điều đang diễn ra trong cuộc đời của các con: những cảm xúc và sợ hãi, các vấn đề và kỳ vọng, những ký ức và hy vọng, mọi điều, kể cả những tội của các con. Chúa Giêsu thấu hiểu tất cả. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại của cuộc sống; cầu nguyện là cuộc sống. Bertalan, hôm nay con đã không xấu hổ khi nói với mọi người về nỗi băn khoăn đôi khi đeo bám lấy con và về những cuộc đấu tranh của con với đức tin. Thật đẹp vô cùng khi có được lòng can đảm trung thực này. Thay vì phải hành động giả cách như thể con không bao giờ sợ hãi, con đã mạnh dạn chia sẻ sự yếu đuối của mình với Chúa và với những người khác, mà không cần che giấu hay ngụy trang bất cứ điều gì, không cần đeo mặt nạ. Bertalan, cảm ơn lời chứng của con. Cảm ơn con!

Trên mỗi trang, Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa không thực hiện những điều vĩ đại với những người xuất chúng, nhưng với những con người bình thường và yếu đuối như chính chúng ta. Những người cậy dựa vào khả năng của mình, và luôn băn khoăn về việc phải tỏ ra tốt đẹp trước mặt người khác, đẩy Thiên Chúa ra xa tâm hồn họ vì họ chỉ quan tâm đến bản thân họ. Chúa Giêsu, bằng những câu hỏi và bằng tình yêu của Ngài, cùng với Thần Khí của Ngài, tác động sâu xa trong chúng ta để biến chúng ta thành những con người thật, đích thực. Và ngày nay chúng ta rất cần những con người thật và đích thực như vậy. Cha nói cho các con một điều: các con có biết mối nguy hiểm ngày nay là gì không? Đó là trở thành một con người giả tạo. Xin đừng bao giờ là con người giả tạo, hãy luôn là con người thật và chân thật của các con! “Nhưng thưa Cha, con xấu hổ vì con người thật của con không tốt; cha biết đấy, thưa Cha, con có một số điều bên trong…” Hãy nhìn về phía trước, hướng lên Chúa, hãy can đảm! Chúa muốn chúng ta theo cách thức con người thật của chúng ta, con người của chúng ta lúc này, và Ngài yêu chúng ta với chính con người thật của chúng ta. Hãy can đảm và tiến về phía trước! Đừng e ngại sự nghèo khó của các con.

Về vấn đề này, cha nghĩ rằng tất cả chúng ta đều bị đánh động bởi những gì Tódor nói, bắt đầu bằng chính tên của bạn, tên này tôn vinh Chân phước Theodore, một người tuyên xưng đức tin vĩ đại, người đã truyền cảm hứng cho chúng ta không sống nửa vời. Con muốn đưa ra một “lời cảnh tỉnh”, nhắc nhở chúng ta rằng lòng nhiệt thành của chúng ta đối với sứ mệnh có thể bị giảm sút khi sống trong an toàn và sự tiện nghi, trong khi cách đây không xa chiến tranh và đau khổ là thực tại hàng ngày. Đây là thách đố thật sự: kiểm soát cuộc sống của chúng ta để giúp thế giới của chúng ta sống trong hòa bình. Mỗi người chúng ta nên đặt ra câu hỏi gây khó chịu: Tôi đang làm gì cho người khác, cho xã hội, cho Giáo hội hay cho kẻ thù của tôi? Có phải tôi chỉ nghĩ về bản thân không? Hay tôi dám gánh vác trách nhiệm cho người khác, mà không tính toán đến lợi ích của bản thân? Xin các con hãy suy tư về khả năng quảng đại, khả năng yêu thương, yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, đó là yêu thương và phục vụ tha nhân.

Các con thân mến, còn một điều cuối cùng cha muốn chia sẻ với các con. Đó là một trang Tin Mừng tóm tắt tất cả những gì chúng ta đã nói. Cách đây một năm rưỡi, cha đã đến đây dự Đại hội Thánh Thể. Trong chương sáu của Tin Mừng Thánh Gioan, có một đoạn tuyệt đẹp về tiệc thánh với một người trẻ tuổi ở trung tâm. Cậu là một người trong đám đông đang lắng nghe Chúa Giêsu, và cậu đã có chuẩn bị trước: cậu mang theo bữa trưa cho mình. Chúa Giêsu chạnh lòng thương đám đông hơn năm ngàn người, và muốn cho họ ăn; vì vậy, một lần nữa theo cách của Ngài, Ngài đặt câu hỏi cho các môn đệ để khiến họ hành động. Ngài hỏi một người trong số họ làm sao có thể cho đám đông ăn, và nhận được câu trả lời của một “nhân viên kế toán”: “Sáu tháng lương cũng chẳng đủ mua cho mỗi người một chút” (Ga 6:7). Dường như muốn nói rằng: thật sự, điều đó là không thể. Trong khi đó, một môn đệ khác nhìn thấy cậu thiếu niên và đưa ra một nhận xét bi quan không kém: “Ở đây có một cậu bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng như vậy có thấm vào đâu?” (câu 9). Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, năm chiếc bánh và hai con cá đó là đủ, đủ để thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều. Đối với chúng ta cũng vậy: những điều nhỏ bé của chúng ta, ngay cả tội lỗi của chúng ta, cũng đủ cho Chúa Giêsu. Và chúng ta nên làm gì? Hãy đặt chúng trong tay Chúa Giêsu: thế là đủ.

Tuy nhiên, có một chi tiết Tin Mừng không cho chúng ta biết, mà để chúng ta tự tưởng tượng. Làm cách nào các môn đệ thuyết phục được người thiếu niên đó dâng tất cả những gì cậu có? Có thể họ yêu cầu cậu chuẩn bị bữa trưa, và cậu nhìn quanh, thấy hàng ngàn người, và có lẽ đã có câu trả lời như họ, nói rằng: “Không đủ đâu; tại sao các ông lại hỏi tôi mà không tự mình giải quyết việc này, với tư cách là các môn đệ của Chúa Giêsu? Tôi là ai?” Có lẽ họ cũng nói với cậu rằng chính Chúa Giêsu là người đang hỏi. Trong mọi trường hợp, cậu thiếu niên đó đã làm một điều phi thường: cậu tin tưởng. Cậu thiếu niên đó, người mang theo bữa trưa cho mình, tin tưởng; cậu cho đi tất cả, không giữ lại chút gì. Cậu đến đó để đón nhận từ Chúa Giêsu, và bây giờ cậu thấy mình đang trao tặng cho Chúa Giêsu. Nhưng đó là cách phép lạ xảy ra. Nó bắt đầu từ việc chia sẻ: phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều của Chúa Giêsu bắt đầu từ một người trẻ tuổi đã chia sẻ với Ngài, vì lợi ích của những người khác. Trong tay Chúa Giêsu, một chút mà Ngài có được trở nên rất nhiều.

Đức tin là như vậy: nó bắt đầu bằng việc cho đi cách nhưng không, với lòng nhiệt thành và quảng đại, vượt qua nỗi sợ hãi và tiến bước! Các con thân mến, mỗi người các con đều quý giá đối với Chúa Giêsu và cả với cha nữa! Hãy nhớ rằng không ai có thể thay thế vị trí của các con trong lịch sử thế giới và Giáo hội: không ai có thể thay thế vị trí của các con, không ai có thể làm điều mà chỉ các con mới có thể làm được. Vì vậy, chúng ta hãy giúp nhau để tin rằng chúng ta được yêu thương và quý giá, rằng chúng ta được tạo dựng cho những điều vĩ đại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều này và khuyến khích nhau trong điều này! Cha cũng xin các con, hãy giúp cha bằng những lời cầu nguyện của các con. Köszönöm! [Cảm ơn các con!]



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/5/2023]


Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Kossuth Lajos của Budapest: "Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy là những cánh cửa rộng mở”

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy là những cánh cửa rộng mở”

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Kossuth Lajos của Budapest

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Kossuth Lajos của Budapest: "Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy là những cánh cửa rộng mở”
(C) Vatican Media
*******

Sáng nay, sau khi rời Tòa Khâm sứ, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Quảng trường Kossuth Lajos để cử hành Thánh lễ.

Khi đến nơi, sau khi đổi xe giáo hoàng và chạy xung quanh ít vòng giữa cộng đoàn các tín hữu, lúc 9:30 sáng, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ Chúa nhật thứ tư Phục sinh.

Trong Thánh Lễ, sau phần công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha giảng lễ.

Cuối lễ, Đức Hồng y Péter Erdő, Tổng Giám mục Chính tòa Esztergom-Budapest, đã ngỏ lời chào và cảm tạ tới Đức Thánh Cha. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô xướng đọc Kinh Lạy Nữ Vương với các tín hữu hiện diện. Theo chính quyền địa phương, khoảng 50.000 người đã tham dự Thánh lễ, trong đó hơn 30.000 người ở Quảng trường Kossuth Lajos.

Sau Kinh Lạy Nữ Vương và ban phép lành cuối lễ, Đức Thánh Cha trở về Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Budapest bằng xe hơi.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ và những lời của ngài trước Kinh Kính Đức Mẹ:

____________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe tóm tắt ý nghĩa sứ vụ của Người: “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Đó là điều người mục tử nhân lành làm: hy sinh mạng sống vì đàn chiên của mình. Chúa Giêsu, là một mục tử đi tìm đàn chiên của mình, đã đến tìm chúng ta khi chúng ta lạc lối. Là một người chăn chiên, Ngài đến để kéo chúng ta ra khỏi cái chết. Giống như một người mục tử biết từng con chiên của mình và yêu thương chúng với sự dịu dàng vô bờ, Ngài đưa chúng ta trở lại đàn chiên của Chúa Cha và đưa chúng ta trở lại làm con cái của Người.

Vậy chúng ta hãy suy tư về hình ảnh của Vị Mục Tử Nhân Lành và về hai điều cụ thể mà theo Tin Mừng, Ngài làm cho đoàn chiên. Ngài gọi tên chúng, và sau đó Ngài dẫn chúng ra.

Trước hết, “Anh gọi tên từng con chiên của mình” (c. 3). Lịch sử cứu độ không bắt đầu với chúng ta, với công trạng, khả năng và cơ cấu của chúng ta. Lịch sử bắt đầu với tiếng gọi của Thiên Chúa, với mong muốn của Người đến với chúng ta, với sự quan tâm của Người dành cho mỗi người chúng ta, với lòng thương xót vô bờ của Người. Chúa muốn cứu chúng ta khỏi tội và sự chết, để ban cho chúng ta sự sống dồi dào và niềm vui vô tận. Chúa Giêsu đến như là Vị Mục Tử Nhân Lành của nhân loại, để gọi chúng ta và đưa chúng ta về nhà. Với lòng tri ân, tất cả chúng ta hãy nhớ lại tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta khi chúng ta lưu lạc xa Ngài. Khi chúng ta đã “lạc lối”, giống như những con chiên, và mỗi người chúng ta “đi theo đường của mình” (Is 53:6). Chúa Giêsu đã gánh lấy những lỗi lầm và mang lấy tội của chúng ta, dẫn đưa chúng ta trở về với trái tim của Chúa Cha. Đây cũng là điều mà chúng ta nghe từ Thánh Tông đồ Phêrô trong bài đọc hai hôm nay: “Trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1 Pr 2:25). Ngày nay cũng vậy, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, trong những lúc chúng ta cảm thấy hoang mang và sợ hãi, bị bủa vây và đè nặng bởi nỗi buồn phiền và tủi thân. Ngài đến với chúng ta như là người Mục Tử Nhân Lành, Ngài gọi tên chúng ta và nói cho chúng ta biết chúng ta quý giá biết bao trong mắt Ngài. Ngài chữa lành những vết thương của chúng ta, gánh lấy những yếu đuối của chúng ta và quy tụ chúng ta trong sự hiệp nhất của đoàn chiên của Ngài, là những người con của Chúa Cha và là anh chị em của nhau.

Và như vậy, thưa anh chị em, sáng nay, tại nơi này, chúng ta cảm nhận được niềm vui được làm dân thánh của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta được sinh ra từ ơn gọi của Ngài. Ngài gọi chúng ta lại với nhau, và vì vậy chúng ta là dân của Ngài, đoàn chiên của Ngài, Giáo hội của Ngài. Dù chúng ta đa dạng và đến từ những cộng đồng khác nhau, nhưng Chúa đã quy tụ chúng ta lại với nhau, để tình yêu bao la của Ngài có thể bao bọc chúng ta trong một vòng tay. Thật tốt lành cho chúng ta được ở bên nhau: các giám mục và linh mục, tu sĩ và giáo dân. Và thật tuyệt vời khi được chia sẻ niềm vui này của chúng ta với các phái đoàn đại kết, các nhà lãnh đạo của cộng đồng Do Thái, những vị đại diện của các tổ chức dân sự và ngoại giao đoàn. Đây là ý nghĩa của tính công giáo: tất cả chúng ta, được gọi tên bởi Vị Mục Tử Nhân Lành, được triệu tập để đón nhận và lan truyền tình yêu của Ngài, để làm cho đoàn chiên của Ngài bao gồm tất cả mọi người và không bao giờ loại trừ người khác. Theo đó, tất cả chúng ta được mời gọi vun trồng những mối quan hệ huynh đệ và hợp tác, tránh các chia rẽ, không thu hẹp vào trong cộng đồng của mình, không quan tâm đến việc cắm cọc lãnh thổ của riêng mình, nhưng thay vào đó mở rộng tấm lòng của chúng ta để yêu thương nhau.

Sau khi gọi chiên của mình, Vị Mục Tử “dẫn chúng ra” (Ga 10:3). Trước hết, Ngài đưa chúng vào đàn, gọi tên từng con chiên; bây giờ Ngài đưa chúng ra ngoài. Chúng ta trước hết cũng được quy tụ vào gia đình của Thiên Chúa để trở thành dân của Người; rồi chúng ta cũng được sai đi vào trong thế giới để chúng ta có thể trở thành những người loan báo Tin Mừng đầy can đảm và không sợ hãi, trở thành những chứng nhân của tình yêu đã tái sinh chúng ta. Chúng ta có thể hiểu rõ quá trình “vào” và “ra” này từ một hình ảnh khác mà Chúa Giêsu sử dụng. Ngài nói, “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (c. 9). Chúng ta hãy nghe lại những lời đó: “người ấy sẽ vào và ra”. Một mặt, Chúa Giêsu là cánh cửa rộng mở giúp chúng ta bước vào mối tương giao với Chúa Cha và cảm nghiệm lòng thương xót của Người. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, cửa mở không chỉ để vào mà còn để ra. Sau khi đưa chúng ta trở lại vòng tay của Thiên Chúa và vào trong đoàn chiên của Giáo hội, Chúa Giêsu là cánh cửa dẫn chúng ta trở lại thế giới. Ngài thúc giục chúng ta ra đi để gặp gỡ anh chị em mình. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng tất cả chúng ta, không trừ một ai, đều được kêu gọi làm điều này; chúng ta được kêu gọi bước ra khỏi vùng an toàn của mình và tìm được lòng can đảm vươn tới tất cả những vùng ngoại vi cần ánh sáng Tin Mừng (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 20).

Thưa anh chị em, “ra đi” có nghĩa là chúng ta, giống như Chúa Giêsu, phải trở thành những cánh cửa rộng mở. Thật buồn và đau đớn vô cùng khi nhìn thấy những cánh cửa khóa chặt. Những cánh cửa khóa chặt trong sự ích kỷ của chúng ta đối với tha nhân; những cánh cửa khóa chặt của chủ nghĩa cá nhân của chúng ta giữa một xã hội ngày càng cô lập; những cánh cửa khóa chặt của sự thờ ơ đối với những người kém may mắn và những người đau khổ; những cánh cửa mà chúng ta đóng lại trước những người xa lạ hoặc không giống chúng ta, trước những di dân hoặc người nghèo. Những cánh cửa đóng lại ngay trong các cộng đoàn giáo hội của chúng ta: những cánh cửa đóng lại với người khác, đóng lại với thế giới, đóng lại với những người “khác thường”, đóng lại với những người khao khát sự tha thứ của Thiên Chúa. Xin anh chị em, chúng ta hãy mở những cánh cửa đó ra! Chúng ta hãy cố gắng trở nên giống như Chúa Giêsu – trong lời nói, việc làm và hoạt động hàng ngày – một cánh cửa rộng mở: một cánh cửa không bao giờ đóng trước mặt bất kỳ ai, một cánh cửa cho phép mọi người bước vào và cảm nghiệm vẻ đẹp của tình yêu và sự tha thứ của Chúa.

Tôi lặp lại điều này cách đặc biệt với bản thân tôi và với các anh em giám mục và linh mục: với những người mục tử. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng người mục tử nhân lành không phải là trộm cướp (x. Ga 10:8). Nói cách khác, người đó không tận dụng vai trò của mình; người đó không thống trị đàn chiên được giao phó cho anh chăm sóc; anh không chiếm chỗ của các anh chị em giáo dân của mình; anh không thực thi thẩm quyền cách cứng nhắc. Thưa anh em, chúng ta hãy khuyến khích nhau trở thành những cánh cửa ngày càng rộng mở: “những người thúc đẩy” ân sủng của Thiên Chúa, những bậc thầy của sự gần gũi; chúng ta hãy sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình, như Chúa Kitô, là Chúa và là tất cả của chúng ta, dạy chúng ta bằng vòng tay dang rộng từ ngai tòa thánh giá và hằng ngày tỏ cho chúng ta thấy Bánh hằng sống được bẻ ra cho chúng ta trên bàn thờ. Tôi cũng nói điều này với các anh chị em giáo dân chúng ta, với các giáo lý viên và nhân viên mục vụ, với những người có trách nhiệm chính trị và xã hội, và với những người phải đối phó với cuộc sống hàng ngày của họ, đôi khi không dễ dàng gì. Hãy là những cánh cửa rộng mở! Hãy để Chúa của sự sống đi vào tâm hồn chúng ta, với những lời an ủi và chữa lành của Người, để sau đó về phần chúng ta có thể đi ra như những cánh cửa rộng mở trong xã hội. Hãy rộng mở và bao gồm, và bằng cách này, giúp Hungary phát triển trong tình huynh đệ, đó là con đường hòa bình.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Vị Mục Tử Nhân Lành gọi tên từng người chúng ta và chăm sóc chúng ta bằng tình yêu vô cùng dịu dàng. Ngài là cửa, ai qua Ngài mà vào thì được sự sống đời đời. Ngài là tương lai của chúng ta, một tương lai của “sự sống dồi dào” (Ga 10:10). Chúng ta đừng bao giờ nản lòng. Chúng ta đừng bao giờ để mình bị cướp đi niềm vui và sự bình an mà Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ co cụm lại trong những vấn đề của riêng mình hoặc quay lưng lại với những người khác trong sự thờ ơ. Xin Vị Mục Tử Nhân Lành luôn đồng hành với chúng ta: cùng với Người, cuộc sống của chúng ta, gia đình của chúng ta, cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta và toàn thể đất nước Hungary sẽ triển nở với sự sống mới và dồi dào!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/5/2023]