Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Công lý thực sự của Thiên Chúa là lòng thương xót cứu độ”

“Công lý thực sự của Thiên Chúa là lòng thương xót cứu độ”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh truyền tin

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Công lý thực sự của Thiên Chúa là lòng thương xót cứu độ”

Vatican Media


*******

Sau khi kết thúc cử hành Thánh lễ trong Nhà nguyện Sistine ngày Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa với Nghi thức Rửa tội cho Trẻ em, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin:

______________________________________

Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Hôm nay chúng ta cử hành Lễ Chúa chịu Phép Rửa, và Tin Mừng trình bày cho chúng ta một cảnh tượng đáng kinh ngạc: đó là lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng tại Nadarét sau khi Ngài sinh ra; Chúa đến bờ sông Giođan để được ông Gioan làm phép Rửa (Mt 3:13-17). Đó là một nghi thức mà những người ăn năn và cam kết sám hối; một bài thánh ca phụng vụ nói rằng những người đến chịu phép rửa với “tâm hồn trần trụi và chân trần” – một linh hồn rộng mở, trần trụi, không che đậy bất cứ điều gì – nghĩa là với lòng khiêm nhường và trong sáng. Nhưng, khi nhìn thấy Chúa Giêsu hòa mình giữa những người tội lỗi, chúng ta ngạc nhiên và tự hỏi: tại sao Chúa Giêsu lại chọn lựa như vậy? Ngài, Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa vô tội, tại sao lại lựa chọn cách đó? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong lời của Chúa Giêsu nói với ông Gioan: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (c. 15). Giữ trọn đức công chính: điều đó nghĩa là gì?

Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu mặc khải công lý của Thiên Chúa, công lý mà Ngài đến để mang cho thế giới. Chúng ta thường có một ý tưởng hạn chế về công lý, và nghĩ rằng công lý có nghĩa là: ai làm sai thì phải trả giá, và theo cách này, phải đền bù cho điều sai trái mà họ đã làm. Nhưng công lý của Thiên Chúa, như Kinh Thánh dạy, thì lớn lao hơn nhiều: mục đích của nó không phải là kết án kẻ có tội, mà là cứu rỗi và tái sinh họ, làm cho họ trở nên công chính: từ tội nhân thành công chính. Đó là công lý xuất phát từ tình yêu, từ lòng trắc ẩn và thương xót sâu thẳm của trái tim Thiên Chúa là Cha, Đấng động lòng thương khi chúng ta bị đè nặng bởi sự dữ và gục ngã dưới sức nặng của tội và sự mỏng giòn. Như thế, công lý của Thiên Chúa không nhằm mục đích đưa ra các hình phạt và sự trừng phạt, nhưng đúng hơn, như Thánh Tông đồ Phaolô khẳng định, nó bao gồm việc làm cho chúng ta, những người con của Thiên Chúa, nên công chính (x. Rm 3:22-31), giải thoát chúng ta khỏi cạm bẫy của sự dữ, chữa lành chúng ta, nâng chúng ta dậy. Chúa luôn ở đó, không phải để sẵn sàng trừng phạt chúng ta, nhưng với vòng tay giang rộng để giúp nâng chúng ta lên. Và vì thế, chúng ta hiểu rằng, trên bờ sông Giođan, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta ý nghĩa sứ vụ của Ngài: Ngài đến để thực thi công lý của Thiên Chúa, đó là công lý cứu độ người tội lỗi; Ngài đến để gánh trên vai tội lỗi của thế gian và bước xuống những vực nước sâu, là sự chết, để cứu chúng ta khỏi bị chết chìm. Hôm nay, Ngài cho chúng ta thấy rằng công lý thực sự của Thiên Chúa là lòng thương xót cứu độ. Chúng ta sợ nghĩ rằng Thiên Chúa giàu lòng thương xót, nhưng Thiên Chúa là Đấng thương xót, bởi vì công lý của Ngài thực sự là lòng thương xót cứu độ, là tình yêu chia sẻ thân phận con người của chúng ta, là tình yêu gần gũi, liên đới với những đau khổ của chúng ta, đi vào bóng tối của chúng ta để khôi phục lại ánh sáng.

Đức Bênêđictô XVI khẳng định rằng “Thiên Chúa khát khao giải thoát chúng ta bằng cách tự mình xuống tận đáy vực thẳm này để mọi người, kể cả những người đã rơi xuống quá sâu đến mức không còn nhận thức về Thiên Đàng, có thể tìm thấy bàn tay của Thiên Chúa để bám víu vào và vươn lên khỏi bóng tối để lại nhìn thấy ánh sáng mà người đó đã được tạo dựng cho nó” (Bài giảng, 13 tháng Một, 2008).

Thưa anh chị em, chúng ta sợ khi nghĩ đến một công lý đầy thương xót như vậy. Chúng ta hãy tiến tới: Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Công lý của Người là thương xót. Chúng ta hãy cho phép bản thân được Chúa cầm lấy tay. Chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu, cũng phải thực thi công lý theo cách này, trong các mối tương quan với người khác, trong Giáo hội, trong xã hội: không phải bằng sự hà khắc của những người xét đoán và lên án, phân chia con người thành tốt và xấu, nhưng bằng lòng thương xót của những người biết chào đón qua cách chia sẻ những vết thương và sự yếu đuối của anh chị em mình, để nâng đỡ họ. Cha xin diễn đạt như thế này: không chia rẽ, nhưng hãy chia sẻ. Không chia rẽ, nhưng hãy chia sẻ. Chúng ta hãy làm như Chúa Giêsu đã làm: chúng ta chia sẻ, chúng ta hãy mang những gánh nặng cho nhau thay vì ngồi lê buôn chuyện và tàn phá, chúng ta hãy nhìn nhau với lòng trắc ẩn, chúng ta hãy giúp đỡ nhau. Chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi là người chia rẽ hay chia sẻ? Hãy suy nghĩ một chút: tôi là môn đệ của tình yêu của Chúa Giêsu, hay là môn đệ của sự buôn chuyện, gây chia rẽ. Buôn chuyện là một vũ khí chết người: nó giết chết, nó giết chết tình yêu, nó giết chết xã hội, nó giết chết tình huynh đệ. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tôi là người chia rẽ hay người chia sẻ? Và giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng đã trao sự sống cho Chúa Giêsu, đưa Ngài vào sự yếu đuối của chúng ta để chúng ta có thể đón nhận lại sự sống.

_____________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Theo thông lệ, sáng nay trong Nhà nguyện Sistine cha đã rửa tội cho một số trẻ sơ sinh, con của các nhân viên của Tòa Thánh và của Thị quốc Vatican. Tuy nhiên, giờ đây, nhân Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, cha vui mừng gửi lời chào và ban phép lành đến tất cả các em thiếu nhi hôm nay, hoặc trong thời gian này, đã lãnh nhận hoặc sẽ lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Đồng thời, cha xin nhắc lại với tất cả anh chị em – và trước hết là với chính cha – lời mời gọi hãy mừng ngày chúng ta được rửa tội, nghĩa là ngày chúng ta trở thành Kitô hữu. Cha xin hỏi anh chị em: có ai trong anh chị em biết ngày mình chịu Phép Rửa không? Một số anh chị em chắc chắn không biết. Hãy hỏi cha mẹ, họ hàng, cha mẹ đỡ đầu của anh chị em: và rồi hàng năm, hãy mừng ngày đó, bởi vì đó là một sinh nhật mới, một sinh nhật của đức tin. Đây là nhiệm vụ của ngày hôm nay, cho mỗi người trong anh chị em: tìm biết ngày Rửa Tội của mình, để có thể mừng ngày đó.

Đặc biệt, cha xin chào ca đoàn “Tiếng hát của các Thiên thần” đến từ Bêlem. Các bạn thân mến, cha chân thành cảm ơn các bạn, bởi vì, cùng với những bài thánh ca, các bạn đã mang đến “hương thơm của Bêlem”, và chứng tá của cộng đoàn Kitô hữu tại Đất Thánh. Cảm ơn các bạn! Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho các bạn, và chúng tôi gần gũi các bạn!

Và chúng ta đừng quên những anh chị em Ukraine của chúng ta. Họ đau khổ rất nhiều vì chiến tranh! Giáng sinh này trong chiến tranh, không có ánh sáng, không có sưởi ấm, họ đang đau khổ rất nhiều! Xin đừng quên họ. Và hôm nay, khi nhìn thấy Đức Mẹ ẵm Chúa Hài Nhi trong cảnh Chúa giáng sinh, đang chăm sóc Hài Nhi, tôi nghĩ đến những người mẹ của các nạn nhân chiến tranh, của những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến này ở Ukraine. Những người mẹ Ukraine và Nga, cả hai bên đều mất con. Đây là cái giá của chiến tranh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người mẹ đã mất đi những đứa con là chiến binh, cả người Ukraine và người Nga.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/1/2023]


Tại sao Thánh Phaolô VI bắt đầu Ngày Hòa bình Thế giới vào ngày 1 tháng Một

Tại sao Thánh Phaolô VI bắt đầu Ngày Hòa bình Thế giới vào ngày 1 tháng Một

Tại sao Thánh Phaolô VI bắt đầu Ngày Hòa bình Thế giới vào ngày 1 tháng Một

Public domain

Philip Kosloski

30/12/22


Ngày Hòa bình Thế giới đầu tiên là ngày 1 tháng Một năm 1968, do Thánh Phaolô VI khai mạc.

Trong Giáo hội Công giáo, ngày 1 tháng Một được gọi là “Ngày Hòa bình Thế giới,” và là ngày đức Giáo hoàng cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới.

Truyền thống này bắt đầu từ ngày 1 tháng Một năm 1968, do Thánh Giáo hoàng Phaolô VI khởi đầu.

Đức Giáo hoàng Phaolô giải thích hy vọng của ngài về việc cử hành hàng năm trong sứ điệp đầu tiên của ngài nhân Ngày Hòa bình Thế giới.

“Chúng tôi ngỏ lời với tất cả những người thiện chí để khuyến khích họ cử hành “Ngày Hòa bình” trên toàn thế giới vào ngày đầu tiên của năm, ngày 1 tháng Một năm 1968. Chúng tôi mong muốn rằng hàng năm việc kỷ niệm này sẽ được lặp lại như một niềm hy vọng và như một lời hứa vào đầu niên lịch để đo lường và vạch ra con đường của cuộc sống con người theo thời gian, Hòa bình với trạng thái cân bằng thật sự và ích lợi có thể chi phối sự phát triển của các biến cố sẽ đến.”

Thánh Phaolô VI tin rằng bắt đầu năm mới bằng một ngày hòa bình sẽ tập trung sự chú ý của thế giới vào việc cầu nguyện và hành động vì hòa bình trong Năm Mới.

Ngài cũng hy vọng ngày này sẽ được mọi người đón nhận chứ không riêng người Công giáo.

“Giáo hội Công giáo, với mục đích phục vụ và làm gương, chỉ đơn giản mong muốn ‘khởi động ý tưởng’, với hy vọng rằng ngày không chỉ nhận được sự đồng thuận rộng rãi của thế giới văn minh, mà ý tưởng như vậy có thể tìm được nhiều người ủng hộ ở khắp nơi, có thể và có khả năng tạo ấn tượng vào “Ngày Hòa bình,” được kỷ niệm vào ngày đầu tiên của mỗi năm mới, và tính cách chân thành và mạnh mẽ của con người có ý thức, được cứu thoát khỏi những cuộc xung đột hiếu chiến đáng buồn và gây tang thương, sẽ mang lại cho lịch sử của thế giới sự phát triển hạnh phúc hơn, trật tự và văn minh hơn.”

Đồng thời, ngài không muốn ngày này chỉ đơn thuần là cách thể hiện những lời hòa bình sáo rỗng, mà là một cam kết chân thành cho hòa bình thực sự và dài lâu.

Một cảnh báo phải được ghi nhớ. Hòa bình không thể dựa trên những lời hoa mỹ giả tạo được hoan nghênh vì chúng đáp ứng những khát vọng chân chính, sâu thẳm của nhân loại, nhưng chúng cũng có thể phục vụ, và đáng buồn là đôi khi chúng đã phục vụ, để che giấu sự thiếu tinh thần thật sự và những ý định chân thành đối với hòa bình, chưa nói đến việc để che đậy những quan điểm và hành động áp bức và lợi ích của đảng phái.

Do đó, chính vì nền Hòa bình đích thực, vì nền hòa bình công bằng và ổn định, chân thành công nhận quyền con người và nền độc lập của từng quốc gia, mà chúng tôi mời gọi những người khôn ngoan và mạnh mẽ cử hành Ngày này.

Tất cả các vị giáo hoàng sau Thánh Phaolô VI đã cử hành ngày này, và nó đã thực sự trở thành “Ngày Hòa bình Thế giới,” khi hàng triệu người trên toàn cầu cầu nguyện cho hòa bình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/1/2023]


Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy thao thức và đặt câu hỏi: đó là cách chúng ta tìm thấy Thiên Chúa

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy thao thức và đặt câu hỏi: đó là cách chúng ta tìm thấy Thiên Chúa

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy thao thức và đặt câu hỏi: đó là cách chúng ta tìm thấy Thiên Chúa


Kathleen N. Hattrup

06/01/23

Đức Thánh Cha Phanxicô động viên chúng ta hãy đương đầu với những sự khó chịu trong cuộc sống của mình, và từ mở ra cho đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ Hiển Linh trong Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, ngài động viên chúng ta hãy thao thức và đặt câu hỏi: “Những câu hỏi thách thức chúng ta bỏ lại phía sau giả định cho rằng mọi thứ đều tốt đẹp, những câu hỏi mở ra cho chúng ta những gì vượt xa hơn chúng ta.”

Ngài khuyến khích chúng ta hãy bước ra khỏi vùng an toàn của mình và cảnh giác trước những “liều thuốc an thần của linh hồn”.

Cuộc phiêu lưu thú vị của những Nhà Thông thái đến từ Phương Đông dạy chúng ta rằng đức tin không được sinh ra từ những công trạng, những tư tưởng và lý thuyết của chúng ta. Ngược lại, đó là món quà của Thiên Chúa. Ân sủng của Chúa giúp chúng ta rũ bỏ sự hờ hững và mở rộng tâm trí chúng ta để đặt ra những câu hỏi quan trọng trong cuộc sống.

Sau đây là bài giảng của ngài:

________________________________

Như vì sao xuất hiện (x. Ds 24:17), Chúa Giêsu đến để soi sáng cho mọi dân tộc và thắp sáng những đêm tối của nhân loại. Hôm nay, cùng với các Nhà Chiêm tinh, chúng ta hãy ngước mắt lên trời và đặt câu hỏi: “Đức Vua mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2:2). Chúng ta có thể tìm gặp và gặp Chúa ở đâu?

Từ kinh nghiệm của các Nhà Chiêm tinh, chúng ta biết rằng “nơi” đầu tiên mà Chúa thích được tìm thấy là trong những câu hỏi đầy thao thức. Cuộc phiêu lưu thú vị của những Nhà Thông thái đến từ Phương Đông dạy chúng ta rằng đức tin không được sinh ra từ những công trạng, những tư tưởng và lý thuyết của chúng ta. Ngược lại, đó là món quà của Thiên Chúa. Ân sủng của Chúa giúp chúng ta rũ bỏ sự hờ hững và mở rộng tâm trí chúng ta để đặt ra những câu hỏi quan trọng trong cuộc sống. Những câu hỏi thách thức chúng ta bỏ lại phía sau giả định cho rằng mọi thứ đều tốt đẹp, những câu hỏi mở ra cho chúng ta những gì vượt xa hơn chúng ta. Đối với các Nhà Chiêm tinh, đó là sự khởi đầu: sự thao thức của những người sẵn sàng đặt câu hỏi. Lòng đầy khát khao về sự vô cùng, họ ngắm nhìn bầu trời, kinh ngạc trước sự rực sáng của một vì sao, và trải qua cuộc tìm kiếm sự siêu việt thúc đẩy sự tiến bộ của các nền văn minh và việc tìm kiếm không mệt mỏi của tâm hồn con người. Ngôi sao để lại cho họ một câu hỏi: Đức Vua mới sinh, hiện ở đâu?

Thưa anh chị em, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, hành trình đức tin bắt đầu bất cứ khi nào chúng ta dành không gian cho sự thao thức làm cho chúng ta tỉnh thức và cảnh giác. Nó bắt đầu khi chúng ta sẵn sàng đặt câu hỏi, khi chúng ta không hài lòng với thói quen hàng ngày của mình và nghiêm túc đối mặt với những thách đố của mỗi ngày mới. Khi chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của mình và quyết định đương đầu với những khía cạnh khó chịu của cuộc sống: những mối tương quan của chúng ta với người khác, những biến cố bất ngờ, những dự án cần phải cam kết, các ước mơ cần thực hiện, những nỗi sợ hãi phải đối mặt, những đau khổ về thể chất và tinh thần. Những lúc như vậy, trong thẳm sâu tâm hồn, chúng ta thấy mình đứng trước những câu hỏi không thể không đặt ra dẫn đưa chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa: Tôi tìm hạnh phúc ở đâu? Tôi tìm sự viên mãn của cuộc sống mà tôi hằng khao khát ở đâu? Tôi tìm ở đâu một tình yêu không phai nhạt, một tình yêu vững vàng trong cả sự yếu đuối, thất bại và phản bội? Những cơ hội tiềm ẩn nào đang hiện hữu trong các khủng hoảng và đau khổ của tôi?

Hàng ngày, chính không khí chúng ta hít thở cũng đầy “những thuốc an thần cho linh hồn”, những thứ thay thế nhằm xoa dịu sự thao thức bên trong của chúng ta và dập tắt những câu hỏi: những món đồ mới để tiêu thụ, những lời hứa suông của lạc thú và những cuộc luận chiến không ngừng trên các phương tiện truyền thông, sự sùng bái ngẫu thần thể hình. Mọi thứ dường như nói với chúng ta: Đừng suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ; hãy bỏ qua và tận hưởng cuộc sống! Chúng ta thường cố gắng xoa dịu tâm hồn mình bằng những thứ chưng diện và ăn uống. Nếu các vị Đạo sĩ làm như vậy, họ đã không bao giờ gặp được Chúa. Tuy nhiên, Chúa luôn ở đó, ở đó trong câu hỏi thao thức của chúng ta. Trong câu hỏi đó, chúng ta “tìm kiếm Chúa như bóng đêm tìm ánh bình minh… Người hiện diện trong sự thinh lặng khiến chúng ta bối rối trước cái chết và sự chấm dứt của tất cả điều vĩ đại của con người. Chúa hiện diện trong niềm khao khát công bình và tình yêu sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta. Chúa là mầu nhiệm thánh thiện đáp lại lòng khao khát của chúng ta về Đấng Hoàn toàn Khác; khao khát nền công bình hoàn hảo và tột bực, hòa giải và hòa bình” (C.M. MARTINI, Incontri al Signore Risorto. Il cuore dello Spirito cristiano, Cinisello Balsamo, 2012, 66). Vì vậy, đó là nơi đầu tiên mà chúng ta có thể gặp gỡ Chúa: trong sự chất vấn đầy thao thức.

Nơi thứ hai là ở trong sự mạo hiểm của hành trình. Việc đặt câu hỏi, gồm cả việc đặt câu hỏi thiêng liêng, có thể dẫn đến sự thất vọng và buồn phiền nếu chúng ta không bắt đầu một cuộc hành trình, nếu chúng ta không hướng mình về dung nhan của Thiên Chúa từ trong sâu thẳm con người chúng ta, và về vẻ đẹp của Lời Chúa. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói về các Nhà Chiêm tinh: “Cuộc hành hương của họ là biểu hiện của cuộc hành trình bên trong, cuộc hành hương bên trong tâm hồn của họ” (Bài giảng Lễ Hiển Linh, 6 tháng 1 năm 2013). Trên thực tế, các Nhà Chiêm tinh không chỉ nghiên cứu bầu trời và chiêm ngưỡng ánh sáng của vì sao; họ bắt đầu cuộc hành trình đầy rủi ro, không có những con đường an toàn và bản đồ rõ ràng. Họ muốn khám phá vị Vua dân Do Thái, muốn biết nơi vị Vua sinh ra, nơi họ có thể tìm thấy Ngài. Và vì vậy, họ hỏi Hêrôđê, ông ta triệu tập những người lãnh đạo dân chúng và những kinh sư, những người nghiên cứu Kinh thánh. Các nhà Chiêm tinh đang trong một cuộc hành trình; hầu hết các động từ được sử dụng để mô tả về họ là động từ chỉ sự chuyển động.

Điều này cũng đúng với đức tin của chúng ta: nếu không có một cuộc hành trình liên tục trong sự đối thoại thường xuyên với Chúa, không chăm chú lắng nghe lời Người, không kiên trì, thì đức tin không thể phát triển. Ấp ủ một ý tưởng mơ hồ nào đó về Thiên Chúa, đọc ít kinh để xoa dịu lương tâm của chúng ta là không đủ. Chúng ta cần phải trở thành những người môn đệ, theo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người, mang mọi sự đến với Chúa trong lời cầu nguyện, tìm kiếm Người trong các biến cố của cuộc sống hàng ngày và nơi khuôn mặt của anh chị em chúng ta. Từ tổ phụ Abraham, người đã lên đường đến một vùng đất xa lạ, đến các nhà Chiêm tinh lên đường đi theo vì sao, đức tin luôn luôn là một hành trình, một cuộc lữ hành, một lịch sử của những khởi đầu và khởi đầu trở lại. Chúng ta hãy tự nhắc mình rằng một đức tin không chuyển động thì không phát triển; chúng ta không thể gói gọn niềm tin vào một số cách sùng kính cá nhân hoặc giới hạn trong bốn bức tường của nhà thờ; chúng ta cần mang đức tin ra bên ngoài và sống đức tin trong một hành trình liên tục hướng về Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có đang tiến về với Thiên Chúa của sự sống, để Ngài trở thành Chúa của đời tôi không? Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ai đối với con? Chúa gọi con đi đâu, Chúa đòi hỏi gì nơi đời con? Chúa đang mời gọi con đưa ra những quyết định nào vì lợi ích của tha nhân?

Cuối cùng, sau những câu hỏi đầy thao thức và sự mạo hiểm của cuộc hành trình, nơi thứ ba mà chúng ta gặp Chúa là trong sự kinh ngạc thờ phượng. Kết thúc cuộc hành trình dài và tìm kiếm mệt mỏi, các Nhà Chiêm tinh bước vào nhà, nơi “Họ thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (c. 11). Đây mới là điều thực sự quan trọng: sự thao thức, những câu hỏi của chúng ta, hành trình thiêng liêng và việc thực hành đức tin của chúng ta, tất cả phải hội tụ trong sự thờ phượng Chúa. Ở đó, họ tìm thấy trung tâm và nguồn cội của mình, vì mọi điều bắt đầu ở đó, vì chính Thiên Chúa giúp chúng ta cảm nhận và hành động.

Mọi sự bắt đầu và kết thúc ở đó, vì mục đích của mọi việc không phải là để đạt được một mục tiêu cá nhân hay đón nhận vinh quang cho bản thân, mà là để gặp gỡ Thiên Chúa. Để chúng ta được bao bọc bởi tình yêu của Ngài, đó là nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta, là tình yêu giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, mở lòng chúng ta để yêu thương tha nhân, và làm cho chúng ta trở thành một dân tộc có khả năng xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Các hoạt động mục vụ của chúng ta sẽ trở nên vô ích nếu chúng ta không đặt Chúa Giêsu vào trung tâm và sấp mình xuống thờ lạy Người. Rồi chúng ta sẽ học cách đứng trước mặt Thiên Chúa, không phải để xin một điều gì đó hoặc làm một điều gì đó, mà chỉ dừng lại trong thinh lặng và phó mình cho tình yêu của Chúa, để Ngài nắm lấy tay chúng ta và phục hồi chúng ta bằng lòng thương xót của Ngài. Cũng như các Nhà Chiêm tinh, chúng ta hãy sấp mình xuống và phó thác cho Thiên Chúa trong sự kinh ngạc thờ phượng. Chúng ta hãy tôn thờ Chúa, không tôn thờ bản thân; chúng ta hãy tôn thờ Thiên Chúa chứ không phải những thần tượng giả tạo quyến rũ bởi danh vọng và quyền lực; chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa và không cúi đầu trước những điều chóng qua và những ý nghĩ xấu xa, quyến rũ nhưng giả dối và trống rỗng.

Thưa anh chị em, cầu mong chúng ta không bao giờ ngừng đặt câu hỏi đầy thao thức; cầu mong chúng ta không bao giờ làm gián đoạn cuộc hành trình của mình bằng cách chiều theo sự hờ hững hoặc thuận tiện; và trong cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa, cầu mong chúng ta biết đắm mình trong sự kinh ngạc thờ phượng. Rồi chúng ta sẽ khám phá thấy một ánh sáng chiếu soi ngay cả trong những đêm đen tối nhất: ánh sáng của Chúa Giêsu, sao mai chói lọi, mặt trời công lý, vẻ huy hoàng đầy lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng yêu thương mọi người và mọi dân tộc trên trái đất.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/1/2023]


‘Đồng hành thiêng liêng là vô cùng quan trọng để hiểu biết bản thân’

‘Đồng hành thiêng liêng là vô cùng quan trọng để hiểu biết bản thân’

Bài giáo lý về phân định – đồng hành thiêng liêng

‘Đồng hành thiêng liêng là vô cùng quan trọng để hiểu biết bản thân’


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:00 sáng trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý kết thúc các bài giáo lý về sự phân định, Đức Thánh Cha tập trung suy niệm về chủ đề: “Sự đồng hành thiêng liêng” (Bài đọc: Tv 119:105,129-130,165).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt để các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

_________________________________


Giáo lý về sự Phân định. 14. Đồng hành thiêng liêng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trước khi bắt đầu bài giáo lý, cha muốn chúng ta cùng hiệp nhất với những người ở đây bên cạnh chúng ta đang bày tỏ lòng kính mến đối với Đức Benedict XVI, và cha hướng tâm trí về ngài, một vị thầy vĩ đại về các bài giáo lý. Tư tưởng sắc sảo và nhẹ nhàng của ngài không phải là tự quy chiếu, nhưng là về Giáo hội, vì ngài luôn mong muốn đồng hành với chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và Sống lại, Đấng Hằng sống và là Chúa, là cùng đích mà Đức Giáo hoàng Benedict dẫn đưa chúng ta đến, cầm tay dẫn dắt chúng ta. Xin ngài giúp chúng ta tái khám phá nơi Chúa Kitô niềm vui của đức tin và niềm hy vọng của cuộc sống.

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta sẽ kết thúc loạt bài giáo lý về chủ đề phân định, và chúng ta kết thúc bằng cách hoàn tất bài giảng về những sự trợ giúp có thể hỗ trợ và phải hỗ trợ cho sự phân định. Một trong những sự trợ giúp này là sự đồng hành thiêng liêng, là điều quan trọng hàng đầu để tự hiểu biết bản thân, mà chúng ta đã thấy là một điều kiện không thể thiếu cho sự phân định. Tự ngắm mình trong gương, một mình, thường không giúp ích nhiều, vì người ta có thể sửa đổi hình ảnh. Thay vì vậy, nhìn mình trong gương với sự giúp đỡ của một người khác, điều này sẽ giúp ích rất nhiều bởi vì người kia sẽ nói cho bạn biết sự thật – khi người đó chân thành – và cách này sẽ giúp ích cho bạn.

Ân sủng của Thiên Chúa trong chúng ta luôn hoạt động trên bản tính của chúng ta. Nghĩ đến một dụ ngôn trong Tin mừng, chúng ta luôn có thể so sánh ân sủng với hạt giống tốt và bản tính với đất (x. Mc 4:3-9). Trước hết, điều quan trọng là phải thổ lộ lòng mình, không sợ chia sẻ những khía cạnh mỏng giòn nhất, những khía cạnh mà chúng ta thấy mình nhạy cảm hơn, yếu đuối hoặc sợ bị xét đoán hơn. Thổ lộ mình, bày tỏ bản thân với người đồng hành cùng chúng ta trên hành trình cuộc sống. Không phải là người quyết định cho chúng ta, không: mà là người đồng hành với chúng ta. Vì trong thực tế, sự mong manh là sự giàu có thật sự của chúng ta: chúng ta giàu có trong sự mong manh, tất cả chúng ta, sự giàu có đích thực mà chúng ta phải học cách tôn trọng và đón nhận, bởi vì khi nó được dâng lên Thiên Chúa, nó làm cho chúng ta có khả năng dịu dàng, thương xót, và yêu thương. Khốn cho những người không cảm thấy mình mong manh: họ khắt khe và độc tài. Ngược lại, những người khiêm nhường nhận biết những yếu đuối của mình thì cảm thông hơn với người khác. Tôi dám nói rằng sự yếu đuối làm cho chúng ta nhân bản hơn. Không phải ngẫu nhiên mà cám dỗ đầu tiên trong ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc – cám dỗ liên quan đến cơn đói – cố gắng cướp đi sự yếu đuối của chúng ta, cho thấy nó như một sự dữ cần phải loại bỏ, một trở ngại để trở nên giống Chúa. Tuy nhiên, nó lại là kho tàng quý báu nhất của chúng ta: thật vậy, để làm cho chúng ta trở nên giống Ngài, Chúa mong muốn chia sẻ trọn vẹn sự mong manh của chúng ta. Hãy nhìn lên thập giá: Thiên Chúa đã bước xuống trong sự mong manh. Hãy nhìn vào cảnh Giáng sinh, nơi Chúa đến trong sự mong manh vô cùng của con người. Chúa chia sẻ sự mong manh của chúng ta.

Và sự đồng hành thiêng liêng, nếu vâng nghe theo Chúa Thánh Thần, sẽ giúp chúng ta vạch trần những hiểu lầm, ngay cả những hiểu lầm nghiêm trọng trong việc suy xét về bản thân và mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Tin mừng trình bày nhiều ví dụ về những cuộc đối thoại làm sáng tỏ và giải thoát với Chúa Giêsu. Chẳng hạn chúng ta nghĩ đến những đối thoại với người phụ nữ Samari mà chúng ta đọc đi đọc lại, và luôn có sự khôn ngoan và dịu dàng của Chúa Giêsu; hãy nghĩ về cuộc đối thoại với ông Dakêu, nghĩ đến người phụ nữ phạm tội, hãy nghĩ đến ông Nicôđêmô, và các môn đệ đi làng Emmau: cách Chúa đến gần. Những người có cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu không ngại mở lòng, để trình bày sự yếu đuối của họ, sự bất xứng, sự mong manh của họ. Bằng cách này, việc chia sẻ của họ trở thành một kinh nghiệm về ơn cứu độ, sự tha thứ đón nhận cách nhưng không.

Thuật lại những gì chúng ta đã sống hoặc đang tìm kiếm trước một người khác, giúp mang lại sự rõ ràng cho chính chúng ta, đưa ra ánh sáng nhiều suy nghĩ cư ngụ bên trong chúng ta và thường khiến chúng ta bất an với những điệp khúc liên tục của chúng. Rất nhiều lần, trong những thời khắc ảm đạm, các suy nghĩ như thế này đến với chúng ta: “Tôi đã làm sai mọi thứ, tôi vô dụng, không ai hiểu tôi, tôi sẽ không bao giờ thành công, tôi chắc chắn sẽ thất bại”, không biết bao lần những điều này đến trong suy nghĩ của chúng ta. Những suy nghĩ sai lầm và độc hại khi trao đổi với người khác sẽ giúp vạch rõ, để chúng ta có thể cảm thấy mình được Chúa yêu thương và đánh giá cao về con người của chúng ta, có khả năng làm những điều tốt đẹp cho Chúa. Chúng ta ngạc nhiên khám phá ra những cách nhìn sự việc khác nhau, những dấu hiệu của sự tốt lành luôn hiện hữu trong chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể chia sẻ những yếu đuối của mình với người khác, với người đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống, trong đời sống thiêng liêng, người thầy của đời sống thiêng liêng, dù là giáo dân, linh mục, và nói: “Hãy xem điều gì đang xảy ra với tôi: Tôi là một kẻ khốn khổ, những điều này đang xảy ra với tôi”. Và người đồng hành trả lời, “Vâng, tất cả chúng ta đều có những điều này”. Điều này giúp chúng ta làm rõ các vấn đề, nhìn thấy gốc rễ nằm ở đâu và từ đó vượt qua chúng.

Người đồng hành không thay thế Chúa, không làm thay công việc của người được đồng hành, nhưng bước đi bên cạnh họ, động viên họ giải thích những gì đang khuấy động trong lòng họ, nơi tinh hoa mà Chúa nói. Người đồng hành thiêng liêng, mà chúng ta gọi là vị linh hướng – cha không thích thuật ngữ này, cha thích người đồng hành thiêng liêng hơn, nó hay hơn – họ nói: “Tốt, nhưng nhìn đây, nhìn vào chỗ này”, họ thu hút sự chú ý của bạn vào những điều có lẽ đã trôi qua; họ giúp anh chị em hiểu rõ hơn những dấu chỉ của thời đại, tiếng nói của Chúa, tiếng nói của kẻ cám dỗ, tiếng nói của những khó khăn mà anh chị em không thể vượt qua. Do đó, điều rất quan trọng là không bước đi một mình. Có một câu ngạn ngữ khôn ngoan của người Châu Phi – vì họ có sự thần bí của bộ lạc – nói rằng: “Nếu bạn muốn đến nơi nhanh chóng, hãy đi một mình; nếu bạn muốn đến nơi an toàn, hãy đi cùng với những người khác”, hãy đi trong đoàn, hãy đi cùng với người của bạn. Điều này là quan trọng. Trong đời sống thiêng liêng, được đồng hành bởi một người biết về chúng ta và giúp đỡ chúng ta thì tốt hơn. Và đây là sự đồng hành thiêng liêng.

Sự đồng hành này có thể sinh hoa trái nếu cả hai bên đều cảm nghiệm được tình phụ tử và tình thân thuộc thiêng liêng. Chúng ta khám phá ra mình là con cái Thiên Chúa khi khám phá ra chúng ta là anh chị em, con của cùng một Cha. Đây là lý do tại sao điều cần thiết là phải trở thành một phần trong cộng đồng đang trên hành trình. Chúng ta không đơn độc, chúng ta thuộc về một dân tộc, một quốc gia, một thành phố đang chuyển động, một Giáo hội, một giáo xứ, nhóm này… một cộng đồng đang chuyển động. Một người không tự mình đến với Chúa: điều này sẽ không xảy ra. Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Như trong trình thuật Tin Mừng về người bại liệt, chúng ta thường được nâng đỡ và chữa lành nhờ đức tin của một người khác (x. Mc 2:1-5), giúp chúng ta tiến tới, bởi vì tất cả chúng ta đều có lúc bị tê liệt nội tâm và cần có người giúp chúng ta vượt qua mâu thuẫn đó, với sự giúp đỡ. Một người không tự mình đến với Chúa, chúng ta hãy nhớ rõ điều này; những lúc khác, chúng ta là những người đảm nhận cam kết này thay cho một anh chị em khác, và chúng ta là những người đồng hành giúp đỡ người đó. Nếu không có kinh nghiệm về tình phụ tử và tình thân thuộc thiêng liêng, việc đồng hành có thể làm nảy sinh những kỳ vọng không thực tế, những hiểu lầm, dưới những hình thức phụ thuộc khiến con người rơi vào tình trạng ấu trĩ. Đồng hành, nhưng với tư cách là con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau.

Đức Trinh Nữ Maria là một bậc thầy vĩ đại về sự phân định: Mẹ nói ít, lắng nghe thật nhiều và luôn ghi nhớ trong lòng (x. Lc 2:19). Ba thái độ của Đức Mẹ: nói ít, nghe nhiều và ghi nhớ trong lòng. Và một đôi lần Mẹ nói, Mẹ để lại dấu ấn. Chẳng hạn, trong Tin Mừng theo thánh Gioan, có một câu rất ngắn của Đức Maria, là một mệnh lệnh cho các Kitô hữu mọi thời: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (x. 2:5). Thật lạ lùng: có lần tôi nghe một bà cụ tốt lành, đạo đức, bà không học thần học, bà sống rất đơn sơ. Và bà nói với tôi, “Cha có biết Đức Mẹ luôn làm gì không?” “Tôi không biết, Mẹ ôm lấy bạn, Mẹ kêu gọi bạn… “Không, cử chỉ Mẹ làm là thế này” [bà chỉ ngón tay]. Tôi không hiểu, và tôi hỏi, “Nó có nghĩa là gì?”. Và bà cụ trả lời: “Mẹ luôn luôn chỉ vào Chúa Giêsu”. Điều này thật là đẹp: Mẹ không lấy gì cho mình, Mẹ chỉ vào Chúa Giêsu. Hãy làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu bảo bạn: Đức Mẹ là như thế. Mẹ Maria biết rằng Chúa nói với tâm hồn mỗi người, và yêu cầu chuyển những lời này thành hành động và lựa chọn. Mẹ biết cách làm việc này hơn bất kỳ người nào khác, và quả thực Mẹ hiện diện trong những thời điểm quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu, đặc biệt là trong thời khắc đỉnh điểm là cái chết trên Thập giá.

Anh chị em thân mến, chúng ta đang kết thúc loạt bài giáo lý về phân định: phân định là một nghệ thuật, một nghệ thuật có thể học được và có những quy tắc riêng của nó. Nếu học biết tốt, nó sẽ cho phép sống kinh nghiệm thiêng liêng cách trật tự và đẹp hơn bao giờ hết. Trên hết, sự phân định là một món quà từ Thiên Chúa, một món quà phải luôn được cầu xin, mà không bao giờ tự mãn và cho mình là chuyên gia. Lạy Chúa, xin ban cho con ơn biết phân định trong những thời điểm của cuộc sống, điều con phải làm, điều con phải hiểu. Xin ban cho con ơn phân định, và ban cho con người để giúp con phân định.

Tiếng nói của Chúa luôn có thể được nhận biết; tiếng Chúa có một phong cách riêng biệt, đó là tiếng nói làm yên lòng, khuyến khích và trấn an trong những khó khăn. Tin Mừng liên tục nhắc chúng ta lời này: “Đừng sợ” (Lc 1:30), lời Thiên thần nói với bà Maria sau khi Chúa Giêsu sống lại đẹp biết bao; “Đừng sợ”, “Đừng sợ”, đó là phong cách của Chúa, “Đừng sợ”. “Đừng sợ!” hôm nay Chúa cũng nhắc lại với chúng ta, “Đừng sợ”: nếu chúng ta tín thác vào Lời của Người, chúng ta sẽ sống cuộc đời tốt đẹp, và chúng ta sẽ có thể giúp đỡ người khác. Như Thánh Vịnh nói, Lời Chúa là ngọn đèn soi bước cho chúng ta và là ánh sáng cho đường lối chúng ta (x. 119, 105).


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/1/2023]