Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Tại sao chúng ta nhắc tên Phongxiô Philatô trong Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ?

Tại sao chúng ta nhắc tên Phongxiô Philatô trong Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ?

Tại sao chúng ta nhắc tên Phongxiô Philatô trong Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ?


30 tháng Ba, 2019
Ông ta không phải là một “kẻ xấu” sao? Tại sao ông ta lại được nhắc đến mà không nhắc những người khác, chẳng hạn Giuđa Ítcariô?

Vào các ngày Chúa nhật và những lễ trọng đặc biệt theo lịch Giáo hội Công giáo, tín hữu đọc một Kinh với tên thường gọi là Nicene Creed (Kinh Tin Kính Nicêa). Trong các lời của Kinh Tin Kính này (cũng như trong Kinh Tin Kính các Tông đồ) những tên duy nhất được nhắc đến là Mẹ Maria Đồng trinh và Phongxiô Philatô. Kỳ cục, phải không các bạn?

Tại sao chỉ hai tên này được nhắc trong Kinh Tin Kính? Và đặc biệt, tại sao một “kẻ hung ác” lại được cho một vị trí nổi bật trong bản tóm tắt đức tin của Giáo hội như vậy?

Việc đưa tên Phongxiô vào trong Kinh Tin Kính có thể truy nguyên từ thuở sơ khai của Giáo hội Công giáo. Đoạn này trong bản kinh đã được đưa ra bởi Tertullian vào đầu thế kỷ thứ 3. Đối với những Ki-tô hữu tiên khởi, việc đưa tên Phongxiô vào là vô cùng quan trọng.

Một trong những lý do chính mà Giáo hội giữ lại phần này là để củng cố tính lịch sử của Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su. Có thể thẩm định sự hiện hữu của Phongxiô Philatô theo những nguồn bên ngoài Tin mừng và tên của ông ta là một sự nhắc nhở mạnh mẽ rằng cái chết của Chúa Giê-su xảy ra trong bối cảnh dưới sự thống trị của người Roma và tại một thời điểm xác định trong lịch sử loài người.

Cũng vậy, kinh Tin Kính được soạn trong vài thế kỷ đầu của Giáo hội, trong thời điểm khi người Ki-tô hữu vẫn nằm dưới sự thống trị của Đế quốc Roma. Việc đưa tên của Philatô vào là một cách để đặt Chúa Giê-su vào trong lịch sử của Đế quốc Roma, một cách đặc biệt là đối với người Roma Dân ngoại.

Về mặt khác, Cha Gioan Hardon tin rằng việc đưa tên của Philatô vào có ý trở thành biểu tượng của những nhà lãnh đạo chính trị đã bách hại người Ki-tô hữu qua các thế kỷ. Cha Hardon viết, “Không phải trùng khớp ngẫu nhiên mà Phongxiô Philatô được nói đến trong Kinh Tin Kính các Tông đồ. Philatô biểu trưng cho những đau khổ và sự bách hại của Giáo hội, đó là Nhiệm Thể của Đức Ki-tô.”

Có ba sự cáo buộc chính mà người Do thái đưa ra để chống lại Chúa Giê-su. Họ khẳng định, “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa” (Luca 23:2). Tất cả họ đều biết rằng những cáo buộc này là cố tình làm hại. Trong bản chất họ cũng đầy tính chính trị. Tuy nhiên họ có đủ lực để gây ảnh hưởng đối với Philatô nhát gan để kết án tử cho Chúa Giê-su. Kể từ đó điều này trở thành lịch sử của Giáo hội Công giáo. Cho đến nay hàng triệu triệu tín hữu tin theo Đức Ki-tô đã đổ máu mình ra vì sự trung thành với Đấng Cứu Thế. Cũng chẳng phải ngoại lệ, chính là những Philatô thuộc mọi thời đại đã bị những kẻ thù của Đức Ki-tô sử dụng để đàn áp Giáo hội mà Người thành lập.

Việc sử dụng tên của Philatô cũng được nhiều người xem là tượng trưng cho sự tham gia của chúng ta trong Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giê-su. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta chính là Philatô, kết án tử cho Chúa Giê-su, như Giáo lý Giáo hội Công giáo nói đến.

Trong giáo huấn theo Huấn quyền về đức tin của mình và trong những chứng tá của các Thánh, Giáo hội không bao giờ quên rằng “những tội nhân là tác giả và là người thực hiện tất cả những sự đau đớn mà Đấng Cứu Thế phải gánh chịu.” Xét đến sự thật rằng các tội của chúng ta làm ảnh hưởng đến chính Đức Ki-tô, Giáo hội không ngần ngại gán cho người Ki-tô hữu trách nhiệm lớn nhất đối với những khổ hình Chúa Giê-su phải chịu.

Cuối cùng, Philatô được đưa vào Kinh Tin Kính không phải là đổ tất cả gánh nặng về cái chết của Chúa Giê-su lên vai ông ta, nhưng như là một cái tên đại diện cho những sự thật về tâm linh và thế tục khác nhau. Tội của chúng ta là nguyên nhân chính cho cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá. Chúa Giê-su hiến mạng mình một cách nhưng không cho tất cả chúng ta để chúng ta có thể trải nghiệm được vẻ đẹp của sự phục sinh.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/3/2019]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: chương về người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình

Huấn từ Kinh Truyền Tin: chương về người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: chương về người phụ nữ phạm tội ngoại tình

Chúa Giê-su ‘không đến thế gian để xét xử và kết án, nhưng để giải thoát và trao cho con người một đời sống mới’

07 tháng Tư, 2019 15:20

Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 7 tháng Tư năm 2019, trước và sau khi giờ Kinh Truyền Tin buổi trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Chúa nhật thứ năm Mùa Chay này, phụng vụ kể cho chúng ta chương nói về người phụ nữ phạm tội ngoại tình (x. Ga 8:1-11). Trong đó có hai thái độ đối chọi nhau: một mặt là thái độ của những Kinh sư và người Pha-ri-sêu, và mặt khác là thái độ của Chúa Giê-su; thái độ thứ nhất muốn kết án người phụ nữ vì họ xem bản thân là những người bảo vệ cho Lề Luật và việc thi hành Lề Luật đó. Thay vì vậy, Chúa Giê-su lại muốn cứu thoát cô ấy, vì Ngài là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa, qua cách tha thứ, cứu chuộc và bằng cách hòa giải, đổi mới.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại biến cố. Trong khi Chúa Giê-su đang giảng dạy trong Đền thờ, các Kinh sư và người Pha-ri-sêu mang đến cho Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ đặt cô ta ở giữa và hỏi Chúa Giê-su rằng cô ấy có đáng bị ném đá không, theo đúng như Luật Môi-sê nói. Tác giả Tin mừng trình bày rõ rằng họ đưa ra câu hỏi đó “để thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (c. 6). Chúng ta cũng có thể giả định mục đích của họ là như vậy — nhìn thấy được sự thâm hiểm của những con người này: nếu nói “không” ném đá sẽ là một cái cớ để tố cáo Chúa Giê-su không tuân theo Lề Luật. Nói “có” sẽ là sự lên án Ngài với chính quyền Roma, chính quyền đã lấy lại việc tuyên án và không cho phép việc hành hình chung. Và Chúa Giê-su phải trả lời.

Những kẻ đối thoại với Chúa Giê-su bị khép kín trong sự tuân thủ luật thái quá và muốn khóa Con Thiên Chúa và trong quan điểm phán xét và kết án của họ. Tuy nhiên, Người không đến thế gian để phán xét và kết án, nhưng là để giải thoát và trao ban đời sống mới. Và Chúa Giê-su phản ứng ra sao trước sự gài bẫy này? Trước tiên, Ngài giữ im lặng một lát, Người cúi xuống và dùng ngón tay viết trên mặt đất dường như để nhắc nhớ rằng chỉ duy nhất Thiên Chúa là Người Làm Luật và người Phán xét, là Đấng viết các Giới Răn trên đá. Rồi Ngài nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (c. 7). Như vậy Chúa Giê-su đánh động vào lương tâm của những con người đó: họ cảm thấy mình là “những người vô địch về công lý,” nhưng Người nhắc lại cho họ ý thức về tình trạng tội lỗi của con người để họ không thể đòi về cho mình cái quyền quyết định sự sống hay chết đối với đồng loại. Đến lúc đó, lần lượt từng người, bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất — đó chính là những người có kinh nghiệm hơn về những thống khổ của họ — bỏ đi, từ bỏ việc ném đá người phụ nữ. Cảnh này cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy ý thức rằng chúng ta là những tội nhân và hãy để cho cục đá của sự phỉ báng, sự kết án, sự nói hành nói xấu, những cục đá mà đôi khi chúng ta muốn ném vào người khác, rơi khỏi tay của chúng ta. Khi chúng ta nói xấu về người khác là chúng ta đang ném đá; chúng ta cũng giống như những con người này.

Cuối cùng, còn một mình Chúa Giê-su ở lại với người phụ nữ, tại đó, ở giữa “sự đau khổ và lòng thương xót,” như Thánh Augustine nói (In Joh 33:5). Chúa Giê-su là người duy nhất không có một lỗi lầm, là người duy nhất có thể ném đá cô ấy, nhưng Người không làm việc đó, vì Thiên Chúa “không có niềm vui thích trước cái chết của người xấu, nhưng vui mừng khi người xấu quay trở lại con đường của Người và sống theo con đường đó (x. 33:11). Và Chúa Giê-su để cho người phụ nữ ra về với những lời thật kỳ diệu này: “Hãy về đi. Và từ nay đừng phạm tội nữa” (c. 11). Và như vậy Chúa Giê-su mở ra một con đường trước mắt cho cô, được xây dựng bằng lòng thương xót, một con đường kêu gọi sự cam kết không phạm tội nữa. Đó là một lời mời gọi áp dụng cho mỗi người chúng ta: khi Chúa Giê-su tha thứ cho chúng ta Người luôn luôn mở ra một con đường mới cho chúng ta để tiến tới. Trong Mùa Chay này, chúng ta được kêu gọi phải biết chân nhận mình là những tội nhân và cầu xin sự tha thứ của Chúa. Và sự tha thứ làm cho chúng ta khởi đầu trở lại một lịch sử mới trong khi hòa giải chúng ta và trao cho chúng ta sự bình an. Mỗi sự hối cải thật sự đều đạt đến một tương lai mới, một đời sống mới, một đời sống rất đẹp, một đời sống thoát khỏi tội lỗi, một đời sống quảng đại. Chúng ta đừng e sợ cầu xin Chúa Giê-su sự tha thứ vì Người mở cánh cửa dẫn đến đời sống mới này cho chúng ta.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta làm chứng cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa với mọi người, là Đấng, qua Chúa Giê-su, tha thứ cho chúng ta và lấy lại cho chúng ta sự sống mới, trao cho chúng ta những cơ hội luôn mới.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/4/2019]