Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) Panama 2019: Những tù nhân trẻ làm gậy giám mục cho Đức Thánh Cha

Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) Panama 2019: Những tù nhân trẻ làm gậy giám mục cho Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha với các tù nhân © Vatican Media

Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) Panama 2019: Những tù nhân trẻ làm gậy giám mục cho Đức Thánh Cha

Làm món quà cho chuyến thăm của ngài đến Trung tâm Pacora

 
14 tháng Một, 2019 14:17

Như là một món quà kỷ niệm cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxico đến Trung tâm Quản thúc Người trẻ của Pacora vào Thứ Sáu, 25 tháng Một, một nhóm bốn bạn trẻ tuổi từ 17-25 ở đó đã làm một món quà là chiếc gậy giám mục cho Đức Thánh Cha.

Các bạn trẻ có thể làm được món quà này nhờ những kỹ năng đã được học tại một trong các chương trình tái hòa nhập xã hội của trung tâm. Đức Thánh Cha sẽ đến Trung tâm này của người trẻ để cử hành nghi thức sám hối và giải tội cho một số bạn trẻ ở đó. Họ rất lạc quan và hạnh phúc vì Đức Thánh Cha sẽ đến thăm họ, và họ thể hiện điều đó bằng cách dành trọn khả năng cho công việc thực hiện với gỗ này, là một trong nhiều sáng kiến họ đang chuẩn bị cho chuyến thăm đặc biệt này.

Gậy giám mục đại diện cho tác vụ mục vụ của một giám mục và là một biểu tượng của sự hướng dẫn của giáo hội, và được các Hồng y mang theo trong tất cả các nghi thức phụng vụ mà các ngài chủ tế.

Gậy giám mục được các tù nhân của trung tâm Pacora thực hiện có bốn phần dài 18 inch. Thợ thủ công Ubaldino Batista của cộng đoàn Monagrillo, thuộc tỉnh Herrera, thực hiện phần chạm khắc trên đầu. Nó gồm logo của WYD Panama 2019, và ở mặt đằng sau là một dây xích bị thập giá của Chúa Giê-su cắt đứt đôi, tượng trưng cho sự thay đổi mà những bạn trẻ này đã trải nghiệm khi biết đức tin.

Cha Domingo Escobar, linh mục xứ của nhà thờ Đức Bà Núi Carmel của Juan Diaz và Santa Maria del Camino ở Ciudad Real, giám sát việc thực hiện phần này, nó đại diện cho Giáo hội Công giáo, và giúp bảo đảm rằng các bạn trẻ đã có được sự gặp gỡ riêng tư với Chúa, đó là điều giúp họ có thể đặt ra những mục tiêu mới cho bản thân.

Đây không phải là lần đầu tiên Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô đến gặp gỡ các bạn trẻ trong một trung tâm quản thúc. Ngài xem nhóm người này là một trong những người ở vùng ngoại vi phải được chăm sóc với lòng thương xót.

Các bạn trẻ rất biết ơn vì được xem như một nhóm khách hành hương, và nói rằng họ đang chuẩn bị tâm hồn để thể hiện sự hối cải của họ với Đức Thánh Cha, sẵn sàng thực hiện trọn án tù và sẽ đóng góp một cách tích cực cho xã hội.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2019]


Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước Ngoại Giao đoàn

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước Ngoại Giao đoànĐức Thánh Cha đọc diễn từ trước Ngoại Giao đoàn (Vatican Media)

 

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước Ngoại Giao đoàn

Đức Thánh Cha đọc diễn từ trước các thành viên của Ngoại Giao đoàn chính thức tại Tòa Thánh, với chủ đề về vấn đề ngoại giao đa phương.

07 tháng Một 2019, 11:37



DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO

TRƯỚC CÁC THÀNH VIÊN NGOẠI GIAO ĐOÀN

Thứ Hai, 7 Tháng Một, 2019

Kính thưa quý ngài, 

Thưa quý vị,

Sự khởi đầu một năm mới cho phép chúng ta tạm thời dừng bớt chút thời gian với nhịp điệu hối hả của những công việc hàng ngày để điểm lại các biến cố trong những tháng đã qua và suy tư về những thách đố mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai gần. Tôi xin cảm ơn sự có mặt đông đủ của quý vị trong buổi họp mặt thường niên này, nó cho chúng ta cơ hội để trao cho nhau những lời chào thân ái và những lời chúc tốt đẹp. Thông qua quý vị, tôi xin gửi đến các dân tộc mà quý vị là đại diện sự gần gũi và niềm hy vọng rằng năm mới vừa khởi đầu sẽ mang đến hòa bình và thịnh vượng cho từng thành viên của gia đình nhân loại.

Tôi vô cùng tri ân Ngài George Poulides là Đại sứ của Cyprus, về những lời chào ân cần ông gửi đến tôi thay mặt cho toàn thể quý vị với cương vị lần đầu tiên là Trưởng Ngoại Giao đoàn chính thức tại Tòa Thánh. Tôi xin gửi đến từng người trong quý vị lòng cảm kích đặc biệt vì những nỗ lực từng ngày của quý vị nhằm làm vững mạnh những mối quan hệ giữa chính quốc của quý vị và các tổ chức và Tòa Thánh, tất cả được thể hiện qua việc ký thông qua những hiệp định mới.

Tôi đặc biệt nghĩ đến sự thông qua Thỏa thuận khung giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Benin liên quan đến Tình trạng Hợp pháp của Giáo hội Công giáo ở Benin, và việc ký kết Thỏa thuận giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa San Marino liên quan đến việc giảng dạy môn Tôn giáo Công giáo trong các trường học công.

Trong lĩnh vực đa phương, Tòa Thánh cũng đã thông qua Hiệp định Khu vực Châu Á Thái Bình dương của UNESCO về việc công nhận những Văn bằng Học vấn Bậc cao. Tháng Ba vừa qua Tòa Thánh đã thực hiện Thỏa thuận Mở rộng Từng phần những Lộ trình Văn hóa của Hội đồng Châu Âu, một sáng kiến nhằm mục đích cho thấy rằng văn hóa có thể phục vụ cho hòa bình và là một cầu nối cho sự thống nhất giữa những xã hội Châu Âu, từ đó thúc đẩy sự hòa hợp giữa các dân tộc. Đây là một hành động thể hiện sự kính trọng đối với một Tổ chức mà năm nay kỷ niệm bảy mươi năm thành lập. Tòa Thánh đã hợp tác với Hội đồng Châu Âu suốt nhiều thập kỷ và nhận thấy vai trò đặc biệt của nó trong việc thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và tính pháp lý trong một phạm vi sẽ bao trùm toàn bộ Châu Âu. Cuối cùng, ngày 30 tháng Mười Một vừa qua, Nhà nước Vatican đã gia nhập vào Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (SEPA).

Trung thành với sứ mạng tinh thần dựa trên nền tảng lệnh truyền mà Chúa Giê-su đã trao cho Thánh Tông đồ Phê-rô, “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Ga 21:15), truyền lại cho Giáo hoàng – và do đó chính là Tòa Thánh – thể hiện sự quan tâm cho toàn gia đình nhân loại và những nhu cầu của con người, trong đó có cả mệnh lệnh về vật chất và xã hội. Tuy nhiên, Tòa Thánh không có ý định can thiệp vào đời sống của các Nhà nước; Tòa Thánh chỉ tìm cách trở thành một người lắng nghe chăm chú, nhạy cảm trước những vấn đề của nhân loại, với mong muốn chân thành và khiêm nhường nhằm phục vụ mọi người.

Sự quan tâm đó là bằng chứng cho cuộc họp mặt của chúng ta hôm nay và truyền cảm hứng cho những cuộc gặp gỡ của tôi với nhiều khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến viếng thăm Vatican, cũng như với các dân tộc và các cộng đồng mà tôi vui mừng được đến thăm trong những chuyến Tông du trong năm vừa qua của tôi đến Chile, Peru, Thụy Sĩ, Ireland, Lithuania, Latvia và Estonia.

Sự quan tâm đó thúc đẩy Giáo hội ở khắp nơi cùng làm việc vì sự phát triển hòa bình và hòa giải cho các xã hội. Đến đây tôi đặc biệt nhớ đến nước Nicaragua thân yêu, một đất nước mà tôi theo dõi sát sao tình hình trong tâm tình cầu xin và hy vọng rằng các nhóm chính trị và xã hội có thể tìm được một con đường chung qua việc đối thoại để chia sẻ ích lợi cho toàn dân tộc.

Đây cũng đã và đang là bối cảnh cho việc củng cố những mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt nam, về vấn đề bổ nhiệm một Đại diện Tòa thánh thường trực trong một tương lai gần, mà sự hiện diện đó trên hết là một dấu chỉ cho sự quan tâm của Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô dành cho Giáo hội địa phương.

Tương tự như vậy là việc ký kết Thỏa thuận Tạm thời giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa về việc bổ nhiệm các Giám mục ở Trung quốc, diễn ra vào ngày 22 tháng Chín vừa qua. Như quý vị biết, Thỏa thuận đó là kết quả của một cuộc đối thoại rất lâu và đầy cân nhắc đã dẫn đến quyết định tạo tính ổn định trong sự hợp tác giữa Tòa Thánh và chính quyền dân sự. Như tôi đã trình bày trong Sứ điệp gửi người Công giáo của Trung Hoa và với Giáo hội hoàn vũ,[1] tôi đã công nhận sự hiệp nhất trọn vẹn với hội thánh đối với các giám mục còn lại đã được tấn phong trước đó mà không có sắc lệnh tòa thánh, và thúc giục các ngài làm việc một cách quảng đại cho sự hòa giải người Công giáo Trung Hoa và cho nỗ lực canh tân phúc âm hóa. Tôi tạ ơn Chúa vì lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tất cả các giám mục Trung Hoa có sự hiệp nhất trọn vẹn với Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô và với Giáo hội hoàn vũ. Một dấu chỉ hữu hình cho việc này là hai đức giám mục từ Trung Hoa Đại Lục đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục gần đây về giới trẻ. Cũng hy vọng rằng những sự gặp gỡ tiếp theo liên quan đến việc áp dụng Thỏa thuận Tạm thời đã ký sẽ giúp giải quyết những vấn đề còn đang bỏ ngỏ và tạo ra không gian cần thiết cho quyền thi hành sự tự do tôn giáo.

Thưa các vị Đại sứ,

Năm mới vừa bắt đầu có một số các ngày kỷ niệm, ngoài kỷ niệm của Hội đồng Châu Âu như tôi đã đề cập ở trên. Trong số những ngày kỷ niệm này, ngày tôi đặc biệt muốn nhắc lại là kỷ niệm một trăm năm Liên minh các Quốc gia, được thành lập bởi Hiệp ước Versailles, ký ngày 28 tháng Sáu năm 1919. Tại sao tôi lại nhắc đến một tổ chức không còn tồn tại? Vì nó đại diện cho sự khởi đầu của chính sách ngoại giao đa phương, nhờ đó các chính phủ đã cố gắng tránh cho những mối quan hệ qua lại của họ không rơi vào trạng thái tâm lý muốn thống trị là tâm thế dẫn đến chiến tranh. Cuộc thử nghiệm của Liên minh các Quốc gia nhanh chóng vấp phải những khó khăn lớn mà đúng hai mươi năm sau ngày khai sinh đã làm này sinh ra một cuộc xung đột mới và tàn phá kinh hoàng hơn, đó là Thế Chiến Thứ Hai. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm đó mở đường cho sự thành lập Hội Quốc Liên năm 1945. Chắc chắn con đường đó còn đầy những khó khăn và trở ngại, và nó cũng không hiệu quả, vì ngày nay những cuộc xung đột vẫn còn nổ ra, tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận rằng nó tạo một cơ hội cho các quốc gia gặp gỡ và tìm ra những giải pháp chung.

Một điều kiện không thể thiếu được cho sự thành công trong chính sách ngoại giao đa phương đó là thiện chí và sự tin tưởng giữa các bên, họ sẵn sàng giải quyết với nhau một cách công bằng và trung thực, và cởi mở để chấp nhận những thỏa hiệp không tránh khỏi phát sinh từ những tranh chấp. Bất cứ khi nào một trong những yếu tố này bị thiếu đi, thì kết quả dẫn đến chỉ là sự tìm kiếm những giải pháp đơn phương, và cuối cùng là sự thống trị của người mạnh trên kẻ yếu. Liên minh các Quốc gia đã thất bại vì những lý do này, và điều đáng tiếc cần phải lưu ý rằng những thái độ đó gần đây đang đe dọa sự ổn định của các tổ chức quốc tế lớn.

Theo tôi, ngày nay vấn đề quan trọng là đừng để giảm sút lòng mong muốn có những thảo luận bình tĩnh và mang tính xây dựng giữa các chính phủ. Rõ ràng các mối quan hệ trong cộng đồng quốc tế, và hệ thống đa phương nói chung, đang trải qua một thời kỳ khó khăn, với sự trỗi dậy của những khuynh hướng theo chủ nghĩa dân tộc không cho rằng các Tổ chức Quốc tế là một nơi để đối thoại và gặp gỡ cho tất cả các quốc gia. Điều này một phần do sự bất lực của hệ thống đa phương không đưa ra được những giải pháp hiệu quả cho một số vấn đề đã quá lâu không có cách giải quyết, như những cuộc xung đột kéo dài, hoặc đương đầu với những thách đố hiện hữu theo con đường làm hài lòng chung. Nó cũng một phần do sự phát triển những chính sách quốc gia được quyết định nhanh chóng hơn qua con đường tìm sự đồng lòng nhanh chóng của đảng phái hơn là chọn cách kiên nhẫn theo đuổi ích chung qua việc đưa ra những câu trả lời dài hạn. Ngoài ra nó cũng một phần là kết quả của sức ảnh hưởng từ các thế lực và những nhóm lợi ích đang lớn lên trong các Tổ Chức quốc tế muốn áp đặt những quan điểm và ý kiến của riêng họ, đang làm lóe lên những hình thức thuộc địa hóa hệ tư tưởng mới, thường không quan tâm đến bản sắc, phẩm giá và những tính nhạy cảm của các dân tộc. Một phần nào đó nó cũng là hậu quả của sự phản ứng tại một số vùng của thế giới trước sự toàn cầu hóa phát triển quá nhanh và không theo một trật tự, dẫn đến hệ quả là tạo sự căng thẳng giữa sự toàn cầu hóa và các thực tại địa phương. Chiều kích toàn cầu phải được cân nhắc theo con đường không đánh mất nét đặc thù của địa phương. Như là một phản ứng trước khái niệm “hình cầu” của sự toàn cầu hóa, người ta đồng nhất hóa những khác biệt và loại bỏ những đặc điểm riêng, điều đó dễ dẫn đến việc hình thành chủ nghĩa dân tộc để lấn át. Tuy nhiên, sự toàn cầu hóa có thể chứng minh là đầy triển vọng đến mức độ nó có thể trở thành tính “đa diện” trong sự ảnh hưởng lẫn nhau rất tích cực giữa bản sắc của các dân tộc và các quốc gia và chính sự toàn cầu hóa, phù hợp với nguyên tắc rằng một tập thể chung thì tốt hơn một cá nhân.[2]

Một số thái độ này quay trở lại giống như khoảng thời gian giữa hai cuộc Đại chiến Thế giới, khi những đòi hỏi của người theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc chứng minh mạnh mẽ hơn hoạt động của Liên minh các Quốc gia. Sự xuất hiện của những lực đẩy này ngày nay đang làm suy yếu hệ thống đa phương, hậu quả dẫn đến sự thiếu vắng niềm tin, một sự khủng hoảng về sự tín nhiệm trong đời sống chính trị đa phương, và dần dần gạt bỏ ra bên lề những thành viên yếu thế nhất của gia đình các dân tộc.

Trong bài Diễn từ đáng ghi nhớ tại Liên Hợp Quốc của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, người mà tôi vui mừng được tuyên phong thánh năm ngoái, – lần đầu tiên một Giáo hoàng đọc Diễn từ tại Đại Hội đồng – đã nói đến mục đích của chính sách ngoại giao đa phương, những đặc điểm và trách nhiệm của nó trong bối cảnh đương thời, nhưng ngài cũng nói đến những điểm có liên quan với sứ mạng tinh thần của Giáo hoàng và do đó là của Tòa Thánh.

Công bằng và luật pháp phải đứng hàng đầu

Điểm liên quan đầu tiên mà tôi muốn đề cập đến là vị trí hàng đầu của sự công bằng và luật pháp. Như Đức Giáo hoàng Phaolô trình bày trước Đại Hội đồng: “Quý vị đã chấp thuận nguyên tắc hàng đầu rằng những mối quan hệ giữa các dân tộc phải được điều chỉnh đặt nền tảng trên lẽ phải, công bằng, luật pháp, trên nền tảng của sự thương thuyết, không sử dụng sức mạnh, không sử dụng bạo lực, quân sự, chiến tranh, và cũng không tạo sự sợ hãi hay lừa gạt”.[3]

Hiện nay tình hình phức tạp được nhìn thấy qua sự nổi lên những khuynh hướng muốn áp đặt và theo đuổi những lợi ích quốc gia riêng lẻ mà không sử dụng những văn kiện được soạn thảo theo luật pháp quốc tế nhằm giải quyết những tranh chấp và bảo đảm rằng tính công bằng được tôn trọng, kể cả thông qua những Tòa án quốc tế. Thái độ đó có khi là kết quả của một phản ứng về phía các nhà lãnh đạo chính phủ trước sự khó chịu ngày càng nhiều của công dân không chỉ ở một vài quốc gia, họ nhận thấy những quy trình và luật điều hành cộng đồng quốc tế là chậm chạp, không thực tế và cuối cùng là rất xa rời những nhu cầu thật sự của riêng họ. Khi các nhà lãnh đạo chính trị lắng nghe tiếng nói cử tri của họ và tìm kiếm những giải pháp cụ thể để thúc đẩy ích lợi lớn hơn của họ thì cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, những đòi hỏi này phải tôn trọng luật pháp và sự công bằng trong các cộng đồng quốc gia của họ và trong cộng đồng quốc tế, vì những giải pháp theo cách đối phó, theo cảm tính và vội vàng có thể dễ dàng đạt được sự đồng thuận ngắn hạn, nhưng chắc chắn chúng không giúp giải quyết sâu vào các vấn đề; ngược lại chúng còn làm trầm trọng thêm.

Quan tâm đến vấn đề này, tôi đã dành trọn Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới của tôi năm nay được kỷ niệm vào ngày 1 tháng Một cho chủ điểm: Chính trị tốt là phục vụ hòa bình. Có một mối quan hệ rất gần giữa nền chính trị tốt và sự chung sống hòa bình của các dân tộc và quốc gia. Hòa bình không bao giờ là một ích lợi riêng, nhưng là ích lợi cho toàn thể nhân loại. Vì thế khía cạnh quan trọng của nền chính trị tốt là sự theo đuổi ích chung cho tất cả, tới mức độ nó trở thành “ích lợi cho tất cả mọi người và cho nhân vị”[4] và là một điều kiện của xã hội thúc đẩy các cá nhân và cộng đồng nói chung đạt được sự thịnh vượng thích đáng về của cải và tinh thần.

Chính trị phải có tầm nhìn xa và không bị giới hạn vào việc tìm kiếm những giải pháp ngắn hạn. Một nhà chính trị giỏi không phải là người chiếm giữ những không gian nhưng là người khởi xướng những tiến trình; người đó có trách nhiệm phải xây dựng sự hiệp nhất để chiến thắng những xung khắc, dựa trên nền tảng “sự thống nhất trong ý thức sâu thẳm nhất và đầy thách đố nhất”. Từ đó chính trị trở thành “một con đường tạo dựng lịch sử trong nền tảng cuộc sống nơi những xung khắc, những chia rẽ, và những đối đầu có thể đạt đến một sự hiệp nhất đa dạng và xây dựng cuộc sống.”[5]

Bước tiếp cận như vậy phải được cân nhắc theo chiều siêu việt của nhân vị, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Từ đó việc tôn trọng phẩm giá của mỗi con người trở thành tiền đề không thể thiếu được cho mọi sự chung sống trong hòa bình, và luật pháp trở thành một công cụ thiết yếu để đạt đến sự công bằng xã hội và nuôi dưỡng những mối ràng buộc huynh đệ giữa các dân tộc. Trong bối cảnh này, vai trò trọng yếu được thể hiện nơi nhân quyền được nêu lên trong Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền, mà chúng ta gần đây vừa kỷ niệm năm thứ bảy mươi. Mục tiêu chung và tính hợp lý của những quyền đó phải được tái khẳng định, vì sợ rằng những quan điểm cục bộ và chủ quan của con người sẽ thắng thế và có nguy cơ tạo ra những hình thức mới của sự bất bình đẳng, bất công, phân biệt đối xử, và trong những trường hợp cực đoan cũng có thể dẫn đến những hình thức bạo lực và đàn áp mới.

Bảo vệ những người hèn mọn nhất

Điểm liên quan thứ hai mà tôi muốn đề cập là việc bảo vệ những người hèn mọn. Theo lời của Đức Giáo hoàng Phaolô: “Chúng tôi muốn lên tiếng nói … thay cho người nghèo, người bị tước đoạt mọi quyền, người bất hạnh, và những người khát khao có công lý, khát khao một đời sống có phẩm giá, tự do, thịnh vượng và phát triển”.[6]

Giáo hội luôn cam kết giúp đỡ những người thiếu thốn, đồng thời bản thân Tòa Thánh trong những năm gần đây đã thúc đẩy nhiều dự án nhằm hỗ trợ những người hèn mọn nhất, những dự án cũng được hỗ trợ bởi nhiều chủ thể khác nhau trên tầm mức quốc tế. Trong số những dự án này, tôi muốn nhắc đến sáng kiến nhân quyền ở Ukraine thay mặt những người đau khổ, đặc biệt ở các khu vực phía đông của đất nước, trong cuộc xung đột đến nay đã kéo dài gần 5 năm và gần đây chứng kiến những diễn biến đáng lo ngại trong vùng Biển Đen. Nhờ vào sự đáp lời tích cực của các Giáo hội Công giáo của Châu Âu và của thành viên các cộng đoàn tín hữu khắp nơi trước lời kêu gọi của tôi vào tháng Năm năm 2016, một nỗ lực đã được thực hiện, cùng hợp tác với các tổ chức tôn giáo khác và các Tổ chức quốc tế, để trả lời một cách cụ thể cho những nhu cầu cấp bách của những người đang sống trong các vùng bị ảnh hưởng. Quả thật họ là những nạn nhân đầu tiên của chiến tranh. Giáo hội và nhiều tổ chức của Giáo hội sẽ theo đuổi sứ mạng này, cùng với hy vọng tạo được sự chú ý nhiều hơn đối với các vấn đề về nhân đạo, trong đó có sự đối xử với các tù nhân. Qua những hoạt động và sự gần gũi của Giáo hội với những người này, Giáo hội cố gắng thúc đẩy, một cách trực tiếp và gián tiếp,, những con đường hòa bình cho giải pháp của cuộc xung đột, những con đường tôn trọng công lý và luật pháp, kể cả luật quốc tế, vì đó là nền móng của sự an ninh và chung sống trong toàn bộ lãnh thổ. Để đạt được mục tiêu này, những công cụ bảo đảm cho việc tự do thực thi các quyền tôn giáo luôn rất quan trọng.

Về phần mình, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm lên tiếng nói thay cho những người không có tiếng nói. Trong số những người không có tiếng nói trong thời đại chúng ta, tôi muốn đề cập đến các nạn nhân của những cuộc chiến đang xảy ra, đặc biệt là cuộc chiến ở Syria với con số thương vong rất lớn. Một lần nữa, tôi lên tiếng thỉnh cầu cộng đồng quốc tế hãy thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột mà cuối cùng chỉ nhìn thấy một loạt những thất bại. Điều quan trọng nhất là phải chấm dứt những sự vi phạm luật nhân đạo, vì nó gây ra sự đau khổ khôn tả cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và sự tấn công vào những kiến trúc thiết yếu như nhà thương, trường học và các trại tị nạn, cũng như những nơi thờ phượng của các tôn giáo.

Và chúng ta cũng không thể quên nhiều người di tản do những cuộc xung đột; vấn đề này đã tạo ra nhiều gánh nặng cho những quốc gia láng giềng. Một lần nữa, tôi xin bày tỏ lòng cảm kích với nước Gio-đan và Li-băng vì đã tiếp nhận rất nhiều người trong tinh thần huynh đệ, và sự hy sinh đáng kể. Đồng thời, tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng những người tị nạn sẽ có thể trở về quê hương của họ trong những điều kiện sống an toàn và có phẩm giá. Tôi nghĩ đến nhiều quốc gia Châu Âu đã quảng đại thể hiện lòng hiếu khách đối với những người trong hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm.

Trong số những người bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn suốt nhiều năm thuộc vùng Trung Đông đặc biệt là các cộng đồng Ki-tô hữu đã ngụ cư trong những vùng đất đó từ thời các thánh tông đồ, và xuôi dòng nhiều thế kỷ đã góp phần vào sự phát triển và lớn mạnh. Vấn đề quan trọng là người Ki-tô hữu phải có một vị trí trong tương lai của khu vực, và vì thế tôi động viên tất cả những người đã tìm nơi tị nạn ở những nơi khác hãy tìm đủ mọi cách có thể để trở về quê nhà và dù biến cố gì xảy ra cũng hãy duy trì và củng cố những mối dây thắt chặt cộng đồng của mình với nguồn cội. Đồng thời, tôi hy vọng rằng các giới chức chính trị sẽ bảo đảm sự an toàn cho họ và tất cả những gì cần thiết để họ tiếp tục cư ngụ trong những đất nước mà họ là người có quyền công dân trọn vẹn, và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Thật đáng buồn, trong những năm gần đây Syria và nói rộng hơn là toàn bộ vùng Trung Đông đã trở thành chiến trường cho nhiều lợi ích xung đột. Ngoài bản chất chính trị và quân sự, chúng ta không quên những cố gắng khích động sự thù hận giữa người Hồi giáo và Ki-tô giáo. Cho dù “trong suốt nhiều thế kỷ đã có những tranh chấp và bất đồng nổi lên giữa người Ki-tô hữu và người Hồi giáo”,[7] nhưng trong nhiều khu vực ở Trung Đông từ lâu họ cùng chung sống trong hòa bình. Sắp tới đây, tôi có cơ hội được đến thăm hai quốc gia với đa phần dân số là người Hồi giáo, đó là Ma-rốc và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Đây sẽ là đại diện cho hai cơ hội quan trọng để thúc đẩy đối thoại liên tôn và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tín đồ của hai tôn giáo, và năm nay sẽ đánh dấu kỷ niệm tám trăm năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Thánh Phanxico Assisi và Quốc vương al-Malik al-Kāmil.

Trong số những người dễ bị xúc phạm trong thời đại chúng ta mà cộng đồng quốc tế có trách nhiệm bảo vệ không chỉ là những người tị nạn nhưng cả những người di cư. Một lần nữa, tôi thỉnh cầu các chính phủ hãy có sự hỗ trợ cho tất cả những người bị buộc phải di cư vì thảm họa của tình trạng nghèo đói và nhiều hình thức bạo lực và bắt bớ, cũng như những thiên tai và bất ổn về khí hậu, và áp dụng các biện pháp nhằm cho phép họ hội nhập vào những xã hội của các quốc gia đón nhận. Cũng cần phải đưa ra những nỗ lực để tránh cho các cá nhân không bị ép buộc phải rời bỏ gia đình và đất nước của họ, và cho phép họ trở về an toàn và được tôn trọng trọn vẹn phẩm giá và nhân quyền. Tất cả mọi người đều mong muốn có một đời sống tốt hơn và thịnh vượng hơn, và đừng để sự di cư vấp phải lối suy nghĩ mang tính bạo lực và thờ ơ, hoặc chỉ đưa ra những giải pháp cục bộ.

Vì vậy, tôi xin bày tỏ lòng cảm kích đối với những nỗ lực của tất cả các chính phủ và cơ quan đã chia sẻ cảm xúc trước ý nghĩa đoàn kết quảng đại và tình tinh thần bác ái Ki-tô giáo, cùng hợp tác trong tinh thần huynh đệ vì ích lợi cho những người di cư. Trong số này, tôi xin nhắc đến nước Colombia, đã cùng với các quốc gia khác trong châu lục, trong những tháng gần đây chào đón một số lượng rất đông người đến từ Venezuela. Đồng thời, tôi nhận thấy những làn sóng di cư trong các năm gần đây đã gây nên tâm lý e dè và lo ngại nơi nhiều người ở các quốc gia, đặc biệt ở Châu Âu và Bắc Mỹ, và điều này đã dẫn đến việc nhiều chính phủ giới hạn gắt gao số lượng nhập cư mới, ngay cả đối với những người quá cảnh. Tuy nhiên, tôi không tin rằng những giải pháp cục bộ kia có thể tồn tại cho giải pháp toàn cầu. Những biến cố gần đây đã cho thấy sự cần thiết phải có một hành động chung, có sự phối hợp hài hòa của tất cả các quốc gia, không có ngoại lệ và giữ sự tôn trọng đối với từng khát vọng hợp pháp, bất kể đó là của nhà nước hay của chính những người di cư và tị nạn.

Liên quan đến vấn đề này, Tòa Thánh đã tích cực tham gia vào những cuộc thương thuyết và ủng hộ việc thông qua hai Thỏa thuận Toàn cầu về Người Tị nạn và về Di cư An toàn, có Trật tự và Định kỳ. Đặc biệt, Thỏa thuận về Di trú thể hiện một bước tiến quan trọng cho cộng đồng quốc tế, mà bây giờ, trong bối cảnh lần đầu tiên Liên Hợp Quốc đang phải đối phó trên tầm mức đa phương với chủ đề này trong một tài liệu quan trọng như vậy. Cho dù những thỏa thuận này chưa bị ràng buộc bằng pháp luật, và một số Chính phủ đã vắng mặt trong Hội nghị Liên Hợp Quốc gần đây ở Marrakesh, nhưng các Thỏa thuận này sẽ phục vụ như những điểm tham chiếu quan trọng cho những cam kết chính trị và hành động cụ thể về phía các tổ chức quốc tế, các nhà lập pháp và các chính trị gia, cũng như tất cả những người đang làm việc để đạt được sự quản lý tình hình mang tính trách nhiệm nhiều hơn, hợp tác nhiều hơn và an toàn hơn cho những người tị nạn và người di cư. Trong cả hai Thỏa thuận, Tòa Thánh đánh giá rất cao mục đích và đặc điểm của chúng mang tính ứng dụng cao; đồng thời, nó thể hiện sự dè dặt đối với những tài liệu được đưa ra bởi thỏa thuận về di trú và có chứa những thuật ngữ và những hướng dẫn mâu thuẫn với những nguyên tắc của chính nó về sự sống và về quyền của con người.

Trong số những người dễ bị xúc phạm, Đức Phaolô VI tiếp tục nói: “Chúng tôi lên tiếng cho … thế hệ trẻ hôm nay, những người đang tiến bước một cách đầy tin tưởng, với sự mong chờ một nhân loại tốt đẹp hơn”.[8] Những người trẻ, họ thường cảm thấy bị mất phương hướng và không chắc chắn về tương lai, là chủ thể của Đại Hội đồng chung Thông thường của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 15. Họ cũng sẽ là những người ở hàng tiền tuyến của chuyến Tông du mà tôi sẽ thực hiện đến Panama trong ít ngày sắp tới nhân dịp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34. Người trẻ là tương lai của chúng ta, và trách vụ của chính trị là vạch ra con đường cho tương lai đó. Vì lý do này, điều quan trọng là phải đầu tư vào những sáng kiến để giúp cho các thế hệ trẻ có thể định hình cho tương lai của họ, với cơ hội tìm được việc làm, xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái.

Cùng với giới trẻ, cũng cần phải có sự chú ý đặc biệt dành cho thiếu nhi, đặc biệt trong năm nay đánh dấu kỷ niệm năm thứ 30 thông qua Hiệp định về Quyền của Trẻ em. Đây là một cơ hội rất tốt để phản ánh nghiêm túc những bước đi đã được thực hiện để bảo vệ cho sự hạnh phúc cho các công dân nhỏ tuổi của chúng ta và sự phát triển xã hội và trí tuệ của các bé, cũng như sự phát triển thể lý, tâm lý và tinh thần. Đến đây tôi không thể không nói đến những căn bệnh dịch trong thời đại chúng ta, điều đáng buồn là cũng xảy ra với một số thành viên của hàng giáo sĩ. Sự lạm dụng tính dục đối với trẻ vị thành niên là một trong những tội ác ghê tởm nhất và tàn ác nhất. Sự lạm dụng như vậy rõ ràng quét sạch sự tốt đẹp nhất của đời sống con người dành cho tuổi thơ vô tội, và gây ra những tàn phá tồn tại cả đời và không có gì bù đắp được. Tòa Thánh và Giáo hội nói chung đang làm việc để chống lại và ngăn ngừa những tội ác này và sự bao che chúng, để xác định chính xác được sự thật của sự việc liên quan đến các giáo sĩ và để trả lại sự công bằng cho các trẻ vị thành niên là các trẻ đã gánh chịu bạo lực tình dục bởi sự lạm dụng quyền lực và lương tâm. Cuộc họp của tôi với toàn bộ hàng giám mục trên thế giới vào Tháng Hai tới sẽ nhằm mục đích bước thêm một bước trong những nỗ lực của Giáo hội để làm sáng tỏ sự thật và để xoa dịu những vết thương do những tội ác đó gây ra.

Điều thật đau khổ khi thường xuyên chứng kiến trong các xã hội của chúng ta những hoàn cảnh gia đình mong manh, chúng ta nhìn thấy sự gia tăng bạo lực đối với phụ nữ, mà phẩm giá của họ được nhấn mạnh trong Tông Thư Mulieris Dignitatem, được công bố ba mươi năm trước bởi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đứng trước nỗi đau do tình trạng lạm dụng thân xác và tâm lý phụ nữ, cần phải gấp rút phục hồi lại những hình thức quan hệ đúng đắn và cân bằng, đặt nền tảng trên sự tôn trọng và công nhận lẫn nhau, nơi mà mỗi con người có thể bày tỏ bản sắc riêng của mình theo một cách chân thật nhất. Đồng thời, việc khuyến khích một số hình thức không phân biệt các giới tính có nguy cơ bóp méo bản chất nguyên thủy của nam giới và nữ giới.

Lo lắng cho những người dễ bị xúc phạm nhất cũng bắt chúng ta phải suy tư về vấn đề nghiêm trọng khác trong thời đại chúng ta, đó chính là điều kiện của những người lao động. Nếu không được bảo vệ chặt chẽ, việc làm không còn là một con đường để phát triển bản thân con người nhưng trở thành một hình thức nô lệ hiện đại. Một trăm năm trước đã chứng kiến sự ra đời của Liên đoàn Lao động Quốc tế, tổ chức thúc đẩy những điều kiện làm việc phù hợp và nâng cao phẩm giá của người lao động. Đứng trước những thách đố của thời đại chúng ta, trước hết là sự phát triển của công nghệ đang ngày càng mạnh, nó lấy đi việc làm, và sự yếu kém của những bảo hiểm kinh tế và xã hội cho người lao động, tôi hy vọng rằng Liên đoàn Lao động Quốc tế sẽ tiếp tục là một mẫu gương đối thoại và cố gắng hài hòa để đạt được những mục tiêu cao quý của mình vượt ra ngoài những lợi ích phe nhóm. Cũng trong sứ mạng này, liên đoàn cũng được kêu gọi cùng với các cơ quan khác của cộng đồng quốc tế, hãy chống lại tội ác của tình trạng lao động trẻ em và những hình thức nô lệ mới, cũng như sự giảm sút liên tục giá trị đồng lương, đặc biệt trong những quốc gia phát triển, và sự phân biệt đối xử đối với người phụ nữ tại nơi làm việc.

Trở thành một cầu nối giữa các dân tộc và người xây dựng hòa bình

Trong diễn từ tại Liên Hợp Quốc, Thánh Phaolô VI trình bày rất rõ ưu tiên hàng đầu của Tổ chức quốc tế đó. Đây là lời của ngài: “Các bạn đang làm việc để liên kết các dân tộc, để kết giao với các nhà nước … để đem họ lại với nhau. Các bạn là một cầu nối giữa các dân tộc … Đã quá đủ khi nhắc lại máu của hàng triệu người, không biết bao nhiêu sự đau khổ không được nghe thấu, những sự tàn sát vô nghĩa và những sự đổ nát kinh hoàng đã khiến các bạn liên kết lại với nhau trong lời tuyên thệ phải thay đổi tương lai lịch sử của thế giới: không bao giờ có chiến tranh! Không bao giờ có chiến tranh! Chỉ có hòa bình, hòa bình, nó sẽ dẫn dắt cho vận mệnh của các dân tộc và của toàn nhân loại! [Và] như các bạn đều biết rõ, hòa bình không chỉ được xây dựng đơn thuần bởi chính trị và sự cân bằng về quyền lực và lợi ích. Nó được xây dựng bằng tâm trí, bằng ý tưởng, bằng công cuộc hòa bình”.[9]

Trong suốt năm qua, đã có những tín hiệu đặc biệt của hòa bình, bắt đầu với thỏa thuận lịch sử giữa Ethiopia và Eritrea, đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột kéo dài hai mươi năm và phục hồi những mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Cũng thế, thỏa thuận được ký kết giữa các nhà lãnh đạo của Nam Sudan, tạo cơ hội khôi phục lại sự chung sống của người dân và những hoạt động đổi mới của các cơ quan quốc gia, thể hiện một dấu hiệu hy vọng cho lục địa Châu Phi, là châu lục với những sự căng thẳng lớn và tình trạng nghèo đói lan rộng kéo dài. Tôi đặc biệt quan tâm theo dõi tình hình phát triển trong nước Cộng hòa Dân chủ Congo, và tôi hy vọng rằng đất nước này có thể phục hồi lại sự hòa giải mà nó đã mong chờ từ lâu và cam kết tiến bước dứt khoát trên hành trình phát triển, từ đó chấm dứt được tình trạng bất an như hiện nay đang làm ảnh hưởng đến hàng triệu người, trong đó có rất nhiều trẻ em. Để đạt mục tiêu đó, sự tôn trọng kết quả của tiến trình bầu cử là một yếu tố quyết định cho nền hòa bình dài lâu. Tôi xin bày tỏ tình liên đới với tất cả những người chịu đau khổ vì bạo lực của trào lưu chính thống, đặc biệt ở Mali, Niger và Nigeria, và vì những căng thẳng trong nước kéo dài ở Cameroon, nó đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân.

Nói chung, chúng ta cần lưu ý rằng Châu Phi, ngoài những tình hình đau khổ đó, cũng thể hiện tiềm năng rất lạc quan, dựa trên nền tảng văn hóa cổ xưa của họ và tinh thần truyền thống hiếu khách của họ. Một ví dụ về tình đoàn kết thiết thực giữa các dân tộc có thể nhìn thấy qua việc mở cửa các biên giới của nhiều quốc gia, để quảng đại tiếp nhận những người tị nạn và di tản. Một điều rất cảm kích khi chúng ta chứng kiến trong nhiều quốc gia sự phát triển sự chung sống hòa bình giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau và việc thúc đẩy những sáng kiến đoàn kết chung. Ngoài ra, việc áp dụng các chính sách bao gồm và sự tiến bộ của những tiến trình dân chủ đang chứng minh tính hiệu quả trên nhiều vùng trong công tác chống lại nạn nghèo đói và cải thiện công bằng xã hội. Vì thế, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế hơn bao giờ hết là vô cùng khẩn thiết để tạo điều kiện cho sự phát triển những cơ sở hạ tầng, phát triển những viễn cảnh cho các thế hệ tương lai, và giải phóng cho những khu vực dễ bị xúc phạm nhất của xã hội.

Những dấu hiệu tích cực cũng đang đến từ Bán đảo Triều Tiên. Tòa Thánh quan tâm hàng đầu đến những cuộc đối thoại đang diễn ra và bày tỏ hy vọng rằng họ cũng có thể giải quyết được những vấn đề phức tạp hơn trong thái độ xây dựng và từ đó dẫn đến những giải pháp chung và dài lâu đủ khả năng bảo đảm một tương lai phát triển và hợp tác cho dân tộc Triều Tiên nói chung và cho toàn khu vực.

Tôi cũng xin bày tỏ một hy vọng tương tự cho đất nước Venezuela thân yêu, để có thể tìm được những giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế, một giải pháp có thể tạo cơ hội hỗ trợ tất cả những người đau khổ do những căng thẳng trong các năm vừa qua, và tạo dựng được một chân trời hy vọng và hòa bình cho toàn thể dân tộc Venezuela.

Tòa Thánh cũng bày tỏ hy vọng rằng sự đối thoại giữa người Israel và Palestine sẽ được phục hồi, để cuối cùng có thể đạt đến một thỏa thuận và trả lời cho những khát khao chính đáng của cả hai dân tộc bằng cách bảo đảm sự chung sống của hai chính phủ và đạt được nền hòa bình được khát khao và mong mỏi từ lâu. Một cam kết chung về phía cộng đồng quốc tế là vô cùng quan trọng và cần thiết để đạt được mục tiêu này, cũng như để thúc đẩy hòa bình trong toàn khu vực, đặc biệt ở Yemen và Iraq, đồng thời bảo đảm rằng sự hỗ trợ nhân đạo cần thiết sẽ đến được với mọi người đang cần đến.

Suy xét lại vận mệnh chung của chúng ta

Cuối cùng, tôi muốn trình bày đặc điểm thứ tư trong chính sách ngoại giao đa phương: nó mời gọi chúng ta suy xét lại vận mệnh chung của chúng ta. Đức Phaolô VI đã nói về nó bằng những lời này: “Chúng ta phải làm quen với cách suy nghĩ mới … về đời sống cộng đồng của con người và về những con đường của lịch sử và vận mệnh của thế giới … Đã đến lúc … phải nghĩ đến nguồn gốc chung của chúng ta, lịch sử của chúng ta, vận mệnh chung của chúng ta. Sự kêu gọi lương tâm đạo đức của con người chưa bao giờ trở nên cần thiết hơn ngày nay, trong một kỷ nguyên được đánh dấu bằng những tiến bộ lớn của con người. Vì sự nguy hiểm không đến từ sự tiến bộ và cũng không đến từ khoa học … Mối nguy hiểm thật sự đến từ con người, khi họ có sẵn trong tay những công cụ mạnh mẽ hơn mà chúng có thể gây ra những tàn phá khủng khiếp để thỏa mãn những đòi hỏi kiêu ngạo.”[10]

Trong bối cảnh thời gian lúc đó, Đức Giáo hoàng đề cập đặc biệt đến việc phổ biến vũ khí nguyên tử. “Vũ khí, đặc biệt là những loại vũ khí kinh hoàng mà khoa học hiện đại đã cung cấp cho các bạn, sẽ đưa đến những giấc mơ tồi tệ, nuôi dưỡng cho những cảm xúc xấu xa, tạo ra những cơn ác mộng, những sự thù địch và những cách giải quyết đen tối, ngay cả trước khi chúng gây ra những sự tàn phá và nạn nhân. Chúng đòi hỏi những khoản chi tiêu khổng lồ. Chúng ngăn chặn những dự án đoàn kết và lao động hữu ích. Chúng làm méo mó cách nhìn của các dân tộc.”.[11]

Thật đau khổ khi thấy rằng không chỉ ngành buôn bán vũ khí dường như không thể chặn lại, nhưng rõ ràng đang có sự lan rộng và phát triển những kho vũ khí, cả về phía các cá nhân và chính phủ. Một vấn đề khác rất đáng lo ngại là sự giải trừ vũ khí nguyên tử, được kêu gọi một cách chung chung và được theo đuổi một phần nào đó trong những thập niên gần đây lại đang chịu thua trước sự nghiên cứu những loại vũ khí ngày càng tinh vi hơn và có sức tàn phá lớn hơn. Đến đây tôi muốn khẳng định lại một cách chắc chắn rằng “chúng ta không thể không thật sự lo lắng trước những hậu quả thảm khốc về con người và môi trường khi sử dụng bất kỳ một loại vũ khí nguyên tử nào. Nếu chúng ta cân nhắc đến nguy cơ có thể xảy ra vụ nổ bất ngờ do một sai lỗi nào đó, thì nguy cơ của việc sử dụng và sở hữu chúng, cũng phải bị lên án mạnh mẽ. Vì chúng tồn tại để phục vụ cho việc tạo ra trạng thái tâm lý sợ hãi không chỉ đối với những phe đối nghịch nhưng đối với toàn thể nhân loại. Những mối quan hệ quốc tế không thể duy trì dựa trên sức mạnh quân sự, sự đe dọa lẫn nhau, và những cuộc trình diễn các kho vũ khí đạn dược. Những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí nguyên tử, chẳng tạo ra được điều gì ngoài cảm giác an ninh giả tạo. Chúng không thể góp phần trong nền tảng của sự chung sống hòa bình giữa các thành viên của gia đình nhân loại, sự chung sống hòa bình đó phải được khơi nguồn từ nền tảng đạo đức đoàn kết”.[12]

Suy xét lại vận mệnh chung của chúng ta trong bối cảnh hiện tại cũng là suy xét lại mối quan hệ của chúng ta với hành tinh của chúng ta. Cũng trong năm nay, những cảnh khốn cùng và đau khổ lan rộng do những trận mưa lớn, lũ lụt, hỏa hoạn, động đất và hạn hán đã tấn công những cư dân của nhiều vùng khác nhau thuộc Châu Mỹ và Đông Nam Á. Do đó, trong số những vấn đề đang khẩn thiết kêu gọi một sự nhất trí trong cộng đồng quốc tế đó là sự chăm sóc cho môi trường và biến đổi khí hậu. Về vấn đề này, trong sự đồng thuận đã đạt được tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu (COP24) gần đây được tổ chức tại Katowice, tôi hy vọng có sự cam kết dứt khoát hơn về phía các chính phủ để củng cố sự hợp tác nhằm chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu rất đáng lo ngại. Trái đất thuộc về mọi người, và những hậu quả của việc bóc lột nó sẽ ảnh hưởng đến mọi dân tộc trên thế giới, có những vùng gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn. Trong số những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề đó là vùng Amazon, và đó sẽ là trung tâm của Đại Hội đồng chung Đặc biệt sắp tới của Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức tại Vatican vào Tháng Mười năm nay. Song song với thảo luận ngắn về những con đường rao giảng phúc âm cho dân Chúa, chắc chắn Thượng Hội đồng sẽ thảo luận về những vấn đề môi trường trong bối cảnh của những tác động đến xã hội của chúng.

Thưa quý vị,

Ngày 9 tháng Chín năm 1989 Bức tường Berlin sụp đổ. Trong một vài tháng đã đặt dấu chấm hết cho di sản cuối cùng của cuộc Đại chiến Thế giới Thứ Hai: sự chia rẽ đau thương của Châu Âu được quyết định tại Yalta và cuộc Chiến tranh Lạnh. Những quốc gia ở phía đông Bức Màn Sắt đã tìm lại được sự tự do sau nhiều thập niên dưới sự áp bức, và nhiều quốc gia trong số đó đã tiến lên để gia nhập thành viên của Liên minh Châu Âu. Trong bầu khí hiện tại, nổi lên những khuynh hướng phân quyền mới và những cám dỗ muốn dựng lên các bức rèm mới, ước mong rằng Châu Âu không đánh mất ý thức của mình về những lợi ích – trên hết đó là nền hòa bình – được dẫn dắt trong hành trình của tình bạn và sự nối lại tình hữu nghị giữa các dân tộc đã bắt đầu từ thời kỳ hậu chiến.

Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến một ngày kỷ niệm khác. Chín mươi năm trước, ngày 11 Tháng Hai, Nhà nước Vatican ra đời nhờ kết quả của việc ký kết Hiệp ước Lateran giữa Tòa Thánh và nước Ý. Việc này chấm dứt một thời gian dài của “Vấn đề Roma” tiếp theo sau việc lấy Roma và chấm dứt những Nhà nước của Giáo hoàng. Với Hiệp ước Lateran, Tòa Thánh đã có thể sử dụng “một phần lãnh thổ nhỏ bé không thể thiếu được trong việc thực thi quyền bính tinh thần được trao phó cho con người vì lợi ích của nhân loại”,[13] như Đức Piô XI trình bày. Với Giáo ước này, Giáo hội một lần nữa có thể đóng góp trọn vẹn cho sự phát triển tinh thần và vật chất của Roma và nước Ý nói chung, một đất nước với bề dày lịch sử, nghệ thuật và văn hóa, mà Ki-tô giáo đã góp phần lớn trong việc xây dựng. Trong ngày kỷ niệm này, tôi xin dâng lời cầu nguyện đặc biệt cho người dân Ý, để cùng với lòng trung thành với những truyền thống thích đáng của họ, họ có thể gìn giữ sống động tinh thần đoàn kết huynh đệ là nét đặc trưng lâu đời của họ.

Xin gửi đến quý vị, các vị Đại sứ thân mến và những vị khách đáng kính đang hiện diện tại đây, và gửi tới đất nước của quý vị, những lời chúc thân ái của tôi rằng Năm Mới này sẽ chứng kiến sự vững mạnh trong những mối dây của tình bạn liên kết chúng ta và những nỗ lực thúc đẩy nền hòa bình mà toàn thế giới khát khao.

Cảm ơn quý vị!



[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/1/2019]