Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico biến một ngày Chúa nhật bình thường thành một sự ngạc nhiên lớn

Đức Thánh Cha Phanxico biến một ngày Chúa nhật bình thường thành một sự ngạc nhiên lớn
Đức Thánh Cha Phanxico trong chuyến thăm đầy ngạc nhiên đến cơ sở 'Durante e dopo di Noi. Casa OSA' (Vatican Media)

Đức Thánh Cha Phanxico biến một ngày Chúa nhật bình thường thành một sự ngạc nhiên lớn

Đức Thánh Cha Phanxico có chuyến thăm đầy ngạc nhiên đến trung tâm “Casale 4.5” thuộc vùng ngoại ô của Roma vào chiều Chúa nhật — mang đến những lời động viên và những cái ôm của ngài cho khoảng 200 người khuyết tật.
Sr Bernadette Mary Reis, fsp
Chúng ta đã quen với những chuyến thăm viếng Thứ Sáu Thương xót của Đức Thánh Cha Phanxico. Lần này, ngài chuyển sang ngày Chúa nhật đến một Trung tâm được gọi là “Durante e dopo di Noi. Casa OSA”. Đức Thánh Cha Phanxico bắt tay và có vài lời ngắn gọn với từng người trong số 200 người có mặt.

Ông Luca Milanese, chủ tịch của nhóm, giải thích với Đức Thánh Cha Phanxico rằng “chúng con đã mang trong lòng niềm hạnh phúc và sự khỏe mạnh của những người chúng con trợ giúp — với con số khoảng 50.000 người trên khắp nước Ý. Ông tiếp tục giải thích rằng mục tiêu là mỗi người được phục vụ ở đây sẽ có thể cải thiện được cuộc sống của họ, tự mình di chuyển, cùng với sự giúp đỡ của những người thân và những nhân viên chăm sóc sức khỏe của họ.” Ông Milanese nói, ‘Casa OSA’ là một dự án đời sống nhằm gợi lên những tình cảm, những thái độ, những mối quan hệ và những khao khát của những người được trợ giúp và nhằm củng cố tinh thần của các gia đình với mong mỏi duy nhất là bảo đảm một tương lai cuộc sống đúng phẩm giá cho con cái của họ khi họ không còn hiện diện nữa.”

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng ngài rất trân trọng một “ngày gia đình,” và động viên những người hiện diện rằng “hãy tin vào những ước mơ và vào cái đẹp của cuộc sống kết hiệp với Chúa.”

Tổ chức “Dopo di Noi” là ai?

Cơ sở Đức Thánh Cha đến thăm là một chi nhánh trong chuỗi cơ sở chăm sóc người bị khuyết tật nặng và gia đình của họ để tạo ra những cơ hội và sự hỗ trợ lâu dài cho những người khuyết tật. Tổ chức “Dopo di Noi” phi lợi nhuận được thành lập năm 1984 nhằm hỗ trợ những người khuyết tật để phát triển một chương trình dài hơi cho tương lai của họ khi những thành viên gia đình không còn chăm sóc cho họ nữa. Nó là một phần của một tổ chức lớn hơn có tên là Anffas là tổ chức đã dành suốt 60 năm hỗ trợ pháp lý cho quyền của người khuyết tật..


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico ở Geneva: Toàn văn diễn từ tại Trung tâm Đại kết WCC

Đức Thánh Cha Phanxico ở Geneva: Toàn văn diễn từ tại Trung tâm Đại kết WCC
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico ở Geneva: Toàn văn diễn từ tại Trung tâm Đại kết WCC

‘Tiến bước trong Thần Khí có nghĩa là từ bỏ tính trần tục.’

21 tháng Sáu, 2018 13:57
Đức Thánh Cha Phanxico đã bắt đầu chuyến hành hương đại kết của ngài ngày 21 tháng Sáu, 2018, để đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập Hội đồng Đại kết các Giáo hội (WCC) với một bài diễn từ trong buổi cầu nguyện tại Trung tâm Đại kết WCC.


Toàn văn Diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã nghe những lời của Thánh Tông đồ Phaolo nói với giáo đoàn Ga-lát là giáo đoàn đang trải qua những xung khắc và chia rẽ. Các nhóm tranh chấp và lăng mạ tố cáo lẫn nhau. Chính trong bối cảnh này mà Thánh Tông đồ mời gọi chúng ta “tiến bước trong Thần Khí” (x. Gl 5:16.25) hai lần trong khuôn khổ vài câu văn.

Tiến bước. Con người chúng ta liên tục di chuyển. Trong suốt cuộc đời, chúng ta được kêu gọi phải lên đường và tiến bước: từ trong cung lòng của mẹ chúng ta và trên mỗi giai đoạn của cuộc sống, từ lần đầu tiên chúng ta rời khỏi mái ấm gia đình đến ngày chúng ta chia tay cuộc sống nơi dương thế này. Phép ẩn dụ của sự tiến bước cho thấy ý nghĩa thật sự của cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống không tự thỏa mãn nhưng luôn tìm kiếm một điều gì đó cao cả hơn. Con tim thôi thúc chúng ta liên tục tiến bước, để theo đuổi một mục tiêu.

Tiến bước là một mệnh lệnh; nó đòi hỏi sự nỗ lực. Nó đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự thực hành, từng ngày từng ngày. Chúng ta phải từ bỏ nhiều con đường khác để chọn lấy một con đường dẫn đến đích. Chúng ta phải liên tục giữ vững mục tiêu đó trước mặt chúng ta, nếu không chúng ta sẽ bị trệch hướng. Hãy luôn nhớ mục tiêu. Tiến bước cũng đòi hỏi lòng khiêm nhường để có những lúc cần thiết phải sẵn sàng vạch lại những bước đi của chúng ta. Nó cũng đòi hỏi phải biết quan tâm đến những bạn đồng hành của chúng ta, vì chỉ khi cùng đồng hành với nhau thì chúng ta mới tạo ra những tiến bộ tốt đẹp. Tóm lại, tiến bước đòi hỏi sự hoán cải. Đó là lý do tại sao nhiều người từ chối thực hiện nó. Họ thích chọn cách ở lại trong sự yên tĩnh của ngôi nhà của họ, vì nó dễ dàng cho họ điều khiển những công việc mà không phải đối mặt với những thử thách trên đường đi. Nhưng điều đó chỉ là sự bấu víu vào tính an toàn tạm bợ, không đủ khả năng tìm kiếm được sự bình an và niềm vui mà tâm hồn chúng ta khát khao. Niềm vui và sự bình an đó chỉ có thể tìm được bằng cách vượt ra khỏi chính mình.

Đó là điều Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta ngay từ thuở khai sinh. Abraham được yêu cầu rời bỏ mảnh đất quê hương và dấn bước vào một hành trình, với hành trang duy nhất là sự tín thác vào Chúa (x. St 12). Môi-sê cũng vậy, cả Phê-rô và Phaolo, và tất cả những người bạn của Chúa Giê-su đều liên tục di chuyển. Nhưng chính Chúa Giê-su cho chúng ta một mẫu gương vĩ đại nhất. Chính Người là Đường (x. Ga 14:6). Người bỏ Nước trời (x. Phl 2:6-7) và xuống thế ở giữa chúng ta. Là Chúa và là Thầy của chúng ta, Người trở thành một lữ khách và là một người khách ở giữa chúng ta. Khi Người trở về với Chúa Cha, Người ban cho chúng ta Thần Khí, để về phần chúng ta cũng có sức mạnh để tiến bước theo Người. Như Thánh Phaolo nói với chúng ta: tiến bước trong Thần Khí.

Trong Thần Khí. Nếu con người chúng ta liên tục di chuyển, nhưng lại đóng cửa lòng trước người khác là chúng ta đã chối bỏ ơn gọi ban đầu của mình, điều này còn đúng hơn khi chúng ta là người Ki-tô hữu. Vì như Thánh Phaolo nhấn mạnh, đời sống Ki-tô hữu phải có một quyết định dứt khoát. Chúng ta hoặc là bước đi trong Thần Khí trên hành trình được mở ra bởi bí tích rửa tội của chúng ta, còn nếu không thì chúng ta “sống theo đam mê của tính xác thịt” (Gl 5:16). Cách diễn đạt này mang ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là tính toán con đường đến với sự kiện toàn bằng cách chiếm hữu, thu vén một cách ích kỷ để cất giữ mọi thứ chúng ta khao khát. Thay vì để cho bản thân âm thầm được dẫn dắt đến nơi mà Thiên Chúa muốn, thì chúng ta lại đi theo con đường riêng của mình. Rất dễ nhìn thấy kết quả của sự mất phương hướng này. Khao khát của cải vật chất làm chúng ta mù quáng không nhìn những bạn đồng hành trên đường, và sự thờ ơ đã thắng thế trên những con phố của thế giới hôm nay. Được thúc đẩy bởi bản năng, chúng ta trở thành nô lệ cho chủ nghĩa tiêu dùng vô độ, và tiếng nói của Thiên Chúa dần dần bị dập tắt. Những người khác, đặc biệt là những người không thể tự mình bước đi như các trẻ em và người già, liền trở thành những sự phiền toái và bị gạt ra bên lề. Từ đó tạo vật không còn mang một ý nghĩa gì khác ngoài việc làm thỏa mãn cho nhu cầu của chúng ta.

Anh chị em thân mến, hơn bao giờ hết hôm nay lời của Thánh Tông đồ Phaolo thách đố chúng ta. Bước đi trong Thần Khí có nghĩa là từ bỏ tính trần gian. Nó có nghĩa là chọn sự phục vụ và phát triển sự tha thứ. Nó có nghĩa là thực hiện vai trò của mình trong lịch sử theo thời gian của Thiên Chúa, đừng để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy của sự hủ hóa nhưng vững tâm tiến bước trên con đường với biển chỉ đường là “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (c. 14). Con đường của Thần Khí được đánh dấu bằng những điểm mốc mà Thánh Phaolo đặt ra: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (c. 22).

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi bước đi trên con đường này. Nó kêu gọi sự hoán cản liên tục và canh tân cách suy nghĩ của chúng ta để nó trở nên phù hợp với con đường của Chúa Thánh Thần. Trong lịch sử, những sự chia rẽ giữa các Ki-tô hữu thường nảy sinh vì trong gốc rễ của họ, trong đời sống cộng đoàn, một nếp suy nghĩ mang tính trần gian thấm dần vào. Trước tiên, tính ích kỷ lấn át lòng yêu mến Đức Ki-tô. Khi điều này xuất hiện, kẻ thù của Thiên Chúa và của loài người chẳng còn khó khăn trong việc làm chúng ta chia rẽ, vì hướng đi chúng ta đang chọn là của xác thịt, không phải của Thần Khí. Thậm chí một vài nỗ lực trong quá khứ nhằm chấm dứt sự chia rẽ này đã thất bại cay đắng vì chúng được khơi gợi bởi lối suy nghĩ theo tính thế gian. Nhưng phong trào đại kết, trong đó Hội đồng Đại kết các Giáo hội đã có một đóng góp quá lớn, vượt lên như là một ơn sủng của Chúa Thánh Thần (x. Unitatis Redintegratio, 1). Tinh thần đại kết khiến chúng ta lên đường phù hợp với ý định của Đức Ki-tô, và nó sẽ phát triển nếu nó luôn khước từ sự co cụm thu mình và đi theo sự hướng dẫn của Thần Khí.

Nó có thể bị chống lại vì bước đi theo con đường này là hoạt động với những mất mát, vì nó không bảo vệ cho những ích lợi riêng của mỗi cộng đoàn, thường có mối liên hệ rất gần với bản sắc sắc tộc hay phân chia theo các đường biên nhóm, hoặc là “bảo thủ” hoặc là “tiến bộ.” Hãy chọn thuộc về Chúa Giê-su trước khi thuộc về A-po-lô hay Kê-pha (x. 1 Cr 1:12); thuộc về Đức Ki-tô trước khi trở thành “người Do thái hay Hy lạp” (x. Gl 3:28); thuộc về Chúa Giê-su trước khi nhận ra trái hay phải; nhân danh Tin mừng hãy chọn anh chị em của chúng ta hơn cả bản thân … Theo con mắt của thế gian, việc này thường có nghĩa là hoạt động với những mất mát. Chúng ta đừng sợ hoạt động với sự mất mát! Tinh thần đại kết là “một doanh nghiệp lớn hoạt động với sự mất mát.” Nhưng sự mất mát đó là việc rao giảng Phúc âm, phản ánh lời của Chúa Giê-su: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9:24). Chỉ bấu víu vào những gì thuộc về chúng ta là bước đi theo con đường của xác thịt; đánh mất mọi thứ theo bước chân của Chúa Giê-su là bước đi trong Thần Khí. Chỉ bằng con đường này thì vườn nho của Chúa mới trổ sinh hoa trái. Như chính Chúa Giê-su giảng dạy, những ai tích trữ của cải cho bản thân không trổ sinh hoa trái trong vườn nho của Thiên Chúa, chỉ những ai qua cách phục vụ anh em, bắt chước “quan điểm” của Thiên Chúa, những người không bao giờ ngừng cho đi, thậm chí cả món quà quý giá nhất của bản thân (x. Mt 21:33-42). Đó là cách suy nghĩ của Phục sinh, chỉ như vậy thì mới trổ sinh hoa trái.

Nhìn lại hành trình của riêng chúng ta, chúng ta có thể tìm thấy sự phản ánh của chính mình nơi một số kinh nghiệm của những cộng đoàn Ga-lát tiên khởi. Quả thật vô cùng khó khăn để có thể vượt qua được những tình cảm nặng nề và thúc đẩy được tình thân ái! Thật vô cùng khó khăn để gạt lại sau lưng những sự bất đồng qua nhiều thế kỷ và những cáo buộc lẫn nhau! Nó thậm chí còn khó khăn hơn nhiều để chống lại được với cám dỗ không muốn hợp tác với nhau, cùng tiến bước chung, nếu không thỏa mãn một ích lợi riêng nào đó. Đây không phải là “quan điểm” của người Tông đồ, nhưng là quan điểm của Giu-đa, người đi theo Chúa Giê-su nhưng với mục đích riêng của anh ta. Chỉ có một cách duy nhất để làm vững những bước chân ngập ngừng: bước đi trong Thần Khí, thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi sự dữ, với sự gan lỳ thánh thiện hãy chọn lấy con đường của Tin mừng và khước từ những con đường tắt của thế gian đưa ra.

Sau quá nhiều năm cam kết tinh thần đại kết, trong dịp kỷ niệm lần thứ bảy mươi của Hội đồng Đại kết này, chúng ta hãy xin Thần Khí làm vững mạnh những bước đi của chúng ta. Tất cả chúng ta có thể rất dễ dàng dừng lại trước những khác biệt đang và sẽ tiếp tục tồn tại; tất cả chúng ta rất thường bị khựng lại khi vừa bắt đầu có một chút mệt mỏi nào đó và thiếu tính nhiệt huyết. Những khác biệt của chúng ta không được trở thành những cớ để biện hộ. Cho dù bây giờ chúng ta đang bước đi trong Thần Khí: chúng ta vẫn phải cùng chung lời cầu nguyện, cùng rao giảng phúc âm và cùng phục vụ. Điều này là khả thi và làm đẹp lòng Chúa! Cùng tiến bước, cùng cầu nguyện và cùng hoạt động chung: đây là con đường vĩ đại mà ngày nay chúng ta được kêu gọi phải đi theo.

Và con đường này có một mục tiêu rất rõ ràng, đó là sự hiệp nhất. Con đường nghịch lại, là con đường chia rẽ, sẽ dẫn đến những xung khắc và tan vỡ. Chúng ta cần phải mở lại các sách lịch sử. Chúa yêu cầu chúng ta một lần nữa phải khởi hành trên một con đường của tình thân ái dẫn đưa đến hòa bình. Việc thiếu tính hiệp nhất của chúng ta thật sự “đi nghịch lại với thánh ý của Chúa Ki-tô, và cũng là một sự đáng xấu hổ trước thế gian và làm tổn hại đến công cuộc thánh: rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Unitatis Redintegratio, 1). Chúa đòi hỏi sự hiệp nhất nơi chúng ta; thế giới của chúng ta cầu xin sự hiệp nhất vì nó đã bị xé tan bởi quá nhiều những chia rẽ đã làm ảnh hưởng đến những người hèn mọn nhất.

Anh chị em thân mến, tôi mong mỏi được đến đây, một người hành hương đi tìm sự hiệp nhất và bình an. Tôi cảm tạ Chúa vì đến đây tôi đã được gặp gỡ anh chị em, những người đã cùng xây dựng hành trình này. Với chúng ta là những người Ki-tô hữu, cùng đồng hành không phải là một chiến lược để củng cố cho vị trí riêng của mình, nhưng là một hành động vâng phục Thiên Chúa và thể hiện tình yêu thương nhân loại. Vâng phục Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, tình yêu thật sự giải thoát. Chúng ta cùng cầu xin Chúa Cha giúp chúng ta đồng hành một cách cương quyết trên những con đường của Thần Khí. Ước mong rằng Thập giá hướng dẫn những bước đi của chúng ta vì ở đó, nơi Đức Giê-su, những bức tường chia cách đã bị phá đổ và sự thù hằn được vượt qua (x. Eph 2:14). Nơi Người, chúng ta sẽ tìm thấy rằng không có điều gì chia cách chúng ta khỏi tình yêu của Người, bất kể những vấp phạm của chúng ta (x. Rm 8:35-39). Xin cảm ơn anh chị em.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/6/2018]