Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Đức Thánh Cha nhấn mạnh chủ đề: ‘Không để ai bị bỏ lại đằng sau’ vào Ngày Nước Thế giới

Đức Thánh Cha nhấn mạnh chủ đề: ‘Không để ai bị bỏ lại đằng sau’ vào Ngày Nước Thế giới

Đức Thánh Cha nhấn mạnh chủ đề: ‘Không để ai bị bỏ lại đằng sau’ vào Ngày Nước Thế giới

‘Phù hợp với điểm trụ cột trong Chương trình Nghị sự 2030 về sự Phát triển Bền vững’

22 tháng Ba, 2019 15:55

Dưới đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi đến ông Tổng Giám đốc của FAO, Giáo sư José Graziano da Silva, nhân dịp Ngày Nước Thế giới, kỷ niệm vào ngày 22 tháng Ba, 2019, về chủ đề: “Không để ai bị bỏ lại đằng sau”:


Thông điệp của Đức Thánh Cha

Gửi Giáo sư José Graziano da Silva

Tổng Giám đốc FAO

Thưa ngài,

Phù hợp với điểm trụ cột trong Chương trình Nghị sự 2030 về sự Phát triển Bền vững, Ngày Nước Thế giới năm nay được tổ chức với khẩu hiệu: “Không để ai bị bỏ lại đằng sau”. Nước là một lợi ích trọng yếu cho sự cân bằng của hệ sinh thái và sự tồn tại của con người, và cần phải quản lý và chăm sóc nó để nó không bị ô nhiễm hoặc mất đi.

Có thể thấy trong thời đại của chúng ta sự khô cằn của hành tinh đang lan rộng ra các khu vực mới, và ngày càng có thêm nhiều sự thống khổ do hậu quả thiếu các nguồn nước phù hợp cho sinh hoạt. Vì lý do này, “Không để ai bị bỏ lại đằng sau” có nghĩa là chúng ta phải cam kết chấm dứt sự bất công đó. Tiếp cận với nguồn ích lợi này là quyền cơ bản của con người, nó phải được tôn trọng vì sự sống của con người và phẩm giá của họ đang bị đe dọa (xem Tông huấn Laudato si’, 30).

Sự hợp tác là vô cùng cần thiết để diệt trừ sự dữ này đang làm ảnh hưởng đến quá nhiều anh chị em của chúng ta. Điều đó là có thể nếu chúng ta cùng chung nỗ lực tìm kiếm ích chung, khi xét đến người khác là con người với khuôn mặt thật, chiếm vị trí trung tâm và được đặt vào giữa những cuộc tranh luận và sáng kiến. Điều này trở nên hiện thực khi các biện pháp được thông qua sẽ mang nét đặc trưng của sự gặp gỡ, và giá trị của sự phản ứng trước một việc bất công cần được chữa lành.

“Không để ai bị bỏ lại đằng sau” cũng có nghĩa là ý thức được tính cần thiết phải đáp lời bằng những sự việc cụ thể; không những bằng việc duy trì hoặc cải thiện cấu trúc nước mà còn qua cách đầu tư vào tương lai, giáo dục các thế hệ mới trong việc sử dụng và chăm sóc nước. Nhiệm vụ nâng cao nhận thức này là một ưu tiên cho một thế giới trong đó mọi thứ bị loại bỏ và coi thường, và trong nhiều trường hợp không biết trân quý tầm quan trọng của những tài nguyên chúng ta có.

Các thế hệ mới được kêu gọi phải quý trọng và bảo vệ nguồn lợi ích tốt đẹp này cùng với tất cả cư dân trên hành tinh. Đó là một công việc bắt đầu bằng nhận thức của những người gánh chịu hậu quả không thể tránh khỏi của sự biến đổi khí hậu, và của tất cả những người là nạn nhân của một trong những hình thức bóc lột và ô nhiễm nước bởi các yếu tố khác nhau. Thách đố giáo dục này sẽ tạo ra một cái nhìn mới về nguồn lợi ích tốt đẹp này, tạo ra những thế hệ biết trân quý và yêu thương những tài nguyên mà mẹ chúng ta tặng ban cho Trái đất.

Tất cả chúng ta đều là những kiến trúc sư của tương lai, và Cộng đồng Quốc tế, với các quyết định và công việc của mình, đang đầu tư vào tương lai của hành tinh chúng ta. Cần phải phát triển những kế hoạch tài chính cũng như các dự án nước tầm xa. Sự quyết tâm này sẽ giúp vượt qua được cái nhìn xem nước là một loại hàng hóa đơn thuần, được kiểm soát bởi luật thị trường.

Thưa ông Tổng Giám đốc, những người bị thua thiệt trên trái đất thách đố chúng ta phải tìm ra được phương thức điều trị cho việc thiếu nước ở quốc gia của họ; họ cũng thách đố chúng ta, với sự nghèo đói và những giới hạn của họ, phải biết trân quý đúng giá trị đối với nguồn lợi ích tốt đẹp và trọng yếu này cho sự phát triển của tất cả các dân tộc.

Tôi cầu xin Chúa cho các công cuộc và sáng kiến được thực hiện trong Ngày Nước Thế giới này có thể mang lại lợi ích cho những người chịu đau khổ do sự khan hiếm của nguồn lợi ích tốt đẹp này; và như Thánh Phanxico Assisi nói, “nước là vô cùng hữu ích và khiêm nhường và quý giá và tinh tuyền,” có thể phục vụ cho sự sống và lợi ích của chúng ta và cho các thế hệ tương lai.

Vatican, 22 tháng Ba, 2019

FRANCISCO

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/3/2019]


Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 11 (114-118)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1
Thượng Hội đồng - Vatican Media

Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.


* * *

Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục


về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi



Bài đăng 11 (Số 114 - 118):


**************

PHẦN III



Họ liền lên đường

114. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24:32-35).

Từ việc lắng nghe Lời Chúa, chúng ta chuyển qua niềm hân hoan của một cuộc gặp gỡ ngập tràn trong tâm hồn, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và tạo sinh năng lượng mới. Những khuôn mặt bừng sáng và cuộc hành trình đạt được năng lượng mới: ánh sáng và sức mạnh của sự đáp lời cho ơn gọi trở thành sứ mạng đối với cộng đoàn và toàn thế giới. Không trì hoãn và không sợ hãi, các môn đệ trở lại trên con đường đã qua để cùng tham gia với anh em của mình và làm chứng cho cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Giê-su Phục sinh.

Một Giáo hội trẻ trung

Một biểu tượng phục sinh

115. Trong sự nối tiếp với nguồn cảm hứng vượt qua của Ê-mau, hình ảnh Maria Mac-đa-la (x. Ga 20: 1-18) soi sáng con đường mà Giáo hội tìm cách để cùng đi và với giới trẻ như hoa trái của Thượng Hội đồng này: một con đường phục sinh dẫn đến sự loan báo và rao truyền. Nuôi dưỡng một khát khao sâu sắc đến với Chúa và bất chấp bóng tối của đêm đen, Maria Mac-đa-la chạy đến với Phê-rô và người môn đệ kia; hành động của cô khơi nguồn cho hành động của họ, sự cống hiến của cô cho thấy trước hướng đi của các tông đồ và mở ra cho họ con đường. Vào buổi bình minh của ngày hôm đó, ngày đầu tuần, cô trải qua một cuộc gặp gỡ vô cùng bất ngờ: Maria đi tìm vì cô đã yêu, và cô tìm thấy vì cô được yêu. Đấng Phục sinh tỏ lộ mình khi Ngài gọi cô bằng chính tên của cô và Ngài yêu cầu cô đừng giữ chặt lấy Ngài, vì Thân thể Phục sinh của Ngài không phải là một kho báu để cất giấu, nhưng là một Mầu nhiệm để chia sẻ. Do đó, cô trở thành người môn đệ truyền giáo đầu tiên, người tông đồ của các tông đồ. Được chữa lành khỏi những vế thương (x. Lc 8: 2) và là chứng nhân của sự phục sinh, cô là hình ảnh của Giáo hội trẻ trung trong ước mơ của chúng ta.

Cùng đi với người trẻ

116. Say mê đi tìm kiếm sự thật, sự kỳ diệu trước vẻ đẹp của Chúa, khả năng chia sẻ và niềm vui của việc loan báo vẫn còn sống động đến ngày nay trong tâm hồn của nhiều người trẻ là thành viên nhiệt thành của Giáo hội. Đây không chỉ đơn thuần là làm một việc gì đó “cho họ”, mà là sống trong “sự hiệp thông với họ”, cùng trưởng thành trong sự hiểu biết về Tin Mừng và trong việc tìm kiếm những cách sống chân thực hơn và làm chứng cho nó. Sự tham gia có trách nhiệm của những người trẻ vào đời sống của Giáo hội không phải là một tùy chọn, nhưng đó là một đòi hỏi của đời sống theo bí tích rửa tội và là yếu tố thiết yếu cho đời sống của mỗi cộng đoàn. Những thử thách và sự yếu đuối của người trẻ giúp chúng ta trở nên tốt hơn, những câu hỏi của họ thách đố chúng ta, những hoài nghi của họ khiến chúng ta suy ngẫm về phẩm chất đức tin của chúng ta. Những sự chỉ trích của họ cũng cần thiết cho chúng ta, vì thường khi thông qua họ, chúng ta nghe thấy tiếng nói của Chúa yêu cầu chúng ta hoán cải tâm hồn và đổi mới các cấu trúc.

Khao khát đến với tất cả người trẻ

117. Tại Thượng Hội đồng, chúng tôi luôn tự chất vấn mình về những người trẻ, điều đó có nghĩa là chúng tôi không chỉ nghĩ riêng đến những người thuộc về Giáo hội và hoạt động tích cực trong Giáo hội, nhưng là tất cả những người có các tầm nhìn khác về cuộc sống, những người thuộc về các tôn giáo khác hoặc những người đã xa cách tôn giáo. Tất cả mọi người trẻ, không ngoại trừ ai, đều ở trong trái tim của Thiên Chúa và do đó cũng ở trong trái tim của Giáo hội. Nhưng chúng tôi chân nhận rằng tuyên bố này trên môi miệng chúng tôi không phải luôn luôn được thể hiện thực sự qua các hoạt động mục vụ của chúng tôi: thường chúng tôi vẫn khóa chặt trong môi trường của riêng mình, nơi tiếng nói của họ không lọt vào, hoặc chúng tôi cố sức dành cho các hoạt động ít phức tạp và vui vẻ hơn, chặn đứng sự thao thức mục vụ tốt lành thôi thúc chúng tôi rời bỏ sự an toàn của mình. Và Tin Mừng cũng yêu cầu chúng tôi phải táo bạo và chúng tôi muốn như vậy mà không đặt ra những giả định cũng như không chiêu mộ tín đồ, làm chứng cho tình yêu của Chúa và vươn tay ra với tất cả những người trẻ trên thế giới.

Sự hoán cải tinh thần, mục vụ và thừa sai

118. Đức Thánh Cha Phanxico thường nhắc nhở chúng ta rằng điều này sẽ không thể thực hiện nếu không có một hành trình hoán cải nghiêm túc. Chúng tôi ý thức rằng đây không chỉ là vấn đề kích hoạt các hoạt động mới, và chúng tôi cũng không muốn viết “các dự án tông đồ lớn, được lên chương trình tỷ mỷ, giống như các tướng bị đánh bại” (Phanxico, Tông huấn Evangelii Gaudium, 96). Chúng tôi biết rằng để trở nên khả tín, chúng tôi phải sống một cuộc cải tổ Giáo hội, hàm ý là sự thanh tẩy tâm hồn và thay đổi phong cách. Giáo hội phải thực sự cho phép mình mang lấy hình thức của Thánh Thể, là việc Giáo hội cử hành như là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống của mình – hình thức của một tấm bánh được làm từ nhiều hạt lúa mỳ và được bẻ ra cho sự sống của thế giới. Hoa trái của Thượng Hội đồng này, đó là sự lựa chọn mà Chúa Thánh Thần đã khơi gợi trong chúng ta thông qua việc lắng nghe và phân định, là cùng song hành với người trẻ, tiến đến với mọi người, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Chúng tôi có thể mô tả tiến trình này qua cách nói về công đồng tính cho sứ mạng, hay công đồng tính thừa sai: “Xây dựng một Giáo hội công đồng trở thành hiện thực là điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho một nguồn năng lượng thừa sai mới sẽ bao gồm toàn thể Dân Chúa.”[1] Ở đây chúng tôi giải quyết sứ ngôn của Công đồng Vatican II, mà chúng ta vẫn chưa tiếp thu được tất cả sự phong phú của nó và phát triển trên nền tảng hàng ngày của nó, như Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở chúng ta rằng: “Đây chính là con đường công đồng tính mà Thiên Chúa mong muốn nơi Giáo hội thuộc thiên niên kỷ thứ ba” (Phanxico Huấn từ nhân Kỷ niệm 50 năm Thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17 Tháng Mười, 2015). Chúng tôi tin chắc rằng sự lựa chọn này, hoa trái của sự cầu nguyện và tranh luận, nhờ ơn Chúa sẽ cho phép Giáo hội trở nên và thể hiện rõ ràng hơn như là “tuổi trẻ của thế giới.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/4/2019]