Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Đừng để chiếc điện thoại của chúng con trở thành một thứ nghiện, Đức Thánh Cha cảnh báo học sinh trung học

Đừng để chiếc điện thoại của chúng con trở thành một thứ nghiện, Đức Thánh Cha cảnh báo học sinh trung học

Đừng để chiếc điện thoại của chúng con trở thành một thứ nghiện, Đức Thánh Cha cảnh báo học sinh trung học

Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Tiếp Kiến Chung tại Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 18 tháng Tư, 2018. Credit: Daniel Ibanez/CNA.


Thành Vatican, 15 tháng Tư, 2019 / 05:28 chiều (CNA). - Cuối tuần này Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ một nhóm các học sinh trung học, động viên các em hạn chế việc sử dụng điện thoại, để không trở thành những trở ngại cho văn hóa gặp gỡ.

Học sinh từ trường Trung học Visconti đến viếng thăm Đức Thánh Cha trong Thính phòng Phaolô VI ngày 13 tháng Tư. Buổi gặp gỡ diễn ra một tháng sau kỷ niệm 450 năm ngày sinh Thánh Aloysius Gonzaga. Vị thánh nổi tiếng với công cuộc bác ái cho người nghèo, dẫn đến hậu quả ngài bị lây nhiễm bệnh dịch và chết ở tuổi 23.

Tòa nhà của trường học ở Roma lưu giữ những di sản của Thánh Gonzaga, ngài là thánh bổn mạng của giới trẻ. Chính Thánh Gonzaga đã học ở đây. Đức Thánh Cha Phanxico ngợi khen thánh nhân vì sự sẵn sàng gặp gỡ những người ở quanh mình, đặc biệt những người thiếu thốn.

Đức Thánh Cha cảnh báo, trong thời hiện đại chúng ta phải cẩn thận với bất cứ điều gì kéo chúng ta ra khỏi sự gặp gỡ và những mối quan hệ đích thực. Trong khi điện thoại có thể là một công cụ giá trị để giao tiếp, chúng cũng có thể giảm bớt sự tự do của chúng ta và biến thành một trở ngại cho sự đối thoại thật sự, ngài nói.

Đức Phanxico nói, “Xin chúng con hãy giải thoát mình khỏi sự lệ thuộc vào chiếc điện thoại! Chúng con chắc chắn đã nghe thấy thảm kịch của bệnh nghiện … Mà cái thứ này nó rất tinh vi.”

“Hãy cẩn thận, vì điều nguy hiểm là khi điện thoại trở thành thuốc phiện thì sự giao tiếp chỉ còn là ‘những liên lạc’ đơn giản. Nhưng cuộc sống không phải chỉ là ‘liên lạc,’ nó là sự giao tiếp!”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hệ thống trường học như là một nơi để giao tiếp, đặc biệt giữa các văn hóa. Giáo hội thúc đẩy tình huynh đệ, ngài lưu ý rằng điều này đòi hỏi một nền tảng về sự tự do, sự thật, tình đoàn kết, và công bằng.

Ngài nói, “Sự đối thoại giữa những văn hóa khác nhau và những con người khác nhau làm phong phú cho một đất nước, làm phong phú cho quê hương và giúp chúng ta có thể phát triển sự tôn trọng lẫn nhau, giúp chúng ta có thể có cái nhìn về một trái đất cho tất cả mọi người, không chỉ cho một số người.”

Đức Thánh Cha Phanxico cũng nói đến vai trò quan trọng của tính khiêm tốn và trung thực trong những tình bạn. Ngài nhấn mạnh rằng sự yêu thương không đơn thuần là một thực tại thuộc cảm xúc nhưng là một trách nhiệm.

“Ý thức về sự khiêm nhường nói lên một lương tâm thận trọng bảo vệ cho phẩm giá của con người và tình yêu đích thực, nó không hạ thấp giá trị của ngôn ngữ cơ thể. Vì thế lòng trung thực cùng với sự tôn trọng người khác là một chiều kích không thể thiếu được của một mối quan hệ yêu thương thật sự, vì người ta không thể đùa cợt với cảm xúc.”

Những sự lo lắng của Đức Thánh Cha Phanxico về bệnh nghiện điện thoại làm âm vang lại lời của những chuyên gia về công nghệ trong những năm gần đây, khi việc sử dụng điện thoại và vi tính trở nên phổ biến hơn với trẻ em và thiếu niên, làm dấy lên những lo ngại về việc học tập, sự lành mạnh của xã hội và chất lượng cuộc sống nói chung.

Nhà tâm lý học Jean Twenge, tác giả quyển “iGen: Tại sao những trẻ em được kết nối quá nhiều lớn lên ít năng động, ít hạnh phúc hơn - và hoàn toàn không sẵn sàng cho tuổi trưởng thành,” nói với CNA tháng Chín năm trước về những khuynh hướng trong công nghệ.

Thời gian gắn với màn hình mỗi ngày cho thiếu niên cao hơn nhiều so với 2 giờ theo khuyến cáo, bà Twenge lưu ý. Bà nói: “Vượt ra ngoài con số đó các nguy cơ sẽ gia tăng, nhất là ở những mức độ sử dụng cao nhất,” bà nói.

Bà chỉ ra một nghiên cứu năm 2015 của nhóm nghiên cứu Common Sense Media. Nghiên cứu cho biết rằng hơn một nửa số thiếu niên ở Hoa kỳ dành ít nhất 4 giờ trước màn hình và 25% được báo cáo dành thời gian trước màn hình trên 8 tiếng mỗi ngày, với những hậu quả gây bất lợi.

“Chẳng hạn, những thiếu niên sử dụng các thiết bị điện tử từ 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ tự tử ở mức độ 71% cao hơn những thiếu niên sử dụng dưới 1 giờ một ngày,” bà Twenge nói. “51% các em ngủ không đủ giấc. Những thiếu niên lên mạng từ 5 giờ trở lên trong một ngày có thể không hạnh phúc bằng những em lên mạng dưới 1 giờ một ngày.”

Trước đây Đức Thánh Cha Phanxico đã nói về sự điều độ đối với công nghệ. Trong một bài giảng năm 2016, ngài nhấn mạnh đến những tàn phá mà truyền hình và điện thoại có thể có đối với những sự gặp gỡ trong gia đình.

“Trong các gia đình chúng ta, tại bàn ăn, khi đang ăn có bao nhiêu lần người ta lại xem TV hoặc gõ tin nhắn trên điện thoại? Mỗi người đều rất thờ ơ với sự gặp gỡ đó. Ngay cả trong trung tâm của xã hội đó là gia đình đã chẳng có sự gặp gỡ.”

Ngài nói rằng chính trách nhiệm của gia đình phải tìm ra sự đối thoại trong đó con người thật sự được nhìn thấy và được nghe thấy hơn là bị đối xử như một đối tượng của sự thờ ơ.

“Chúng ta trở nên quen thuộc với văn hóa thờ ơ và chúng ta phải cố gắng xin ơn biết xây dựng một văn hóa gặp gỡ, một sự gặp gỡ đầy hoa trái, một sự gặp gỡ phục hồi lại nơi từng con người phẩm giá được làm con cái của Thiên Chúa, phẩm giá của một con người sống động,” ngài nói.



[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/4/2019]


Tuần Bát nhật Phục sinh là gì?

Tuần Bát nhật Phục sinh là gì?

Tuần Bát nhật Phục sinh là gì?


24 tháng Tư, 2019


Chúa nhật Phục sinh và bảy ngày tiếp theo là một khoảng thời gian đặc biệt để đắm mình trong vinh quang phục sinh.

Tuần Bát nhật Phục sinh là một trong những cử hành phụng vụ ít được biết đến trong Giáo hội Công giáo. Nó bao gồm Chúa nhật Phục sinh và bảy ngày tiếp theo, đỉnh điểm là cử hành Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót (cũng còn được gọi là Chúa nhật thứ hai Phục sinh).

Đã bắt đầu ít nhất từ thế kỷ thứ 3 hoặc 4, người Ki-tô hữu bắt đầu kéo dài những ngày lễ theo sau ngày lễ chính. Điều này có nghĩa là những buổi cử hành hân hoan của Chúa nhật Phục sinh được kéo dài thêm trọn tám ngày.

Thật vậy, người Ki-tô hữu xem mỗi ngày trong tuần bát nhật giống như Chúa nhật Phục sinh. Truyền thống này được duy trì trong Nghi lễ Roma và nhiều Nghi lễ Đông phương khác, trong đó các bài đọc và cử hành mỗi ngày đều phỏng theo những gì diễn ra trong Chúa nhật Phục sinh.

Quyển St. Andrew Daily Missal giải thích thêm về sự liên kết giữa Tuần Bát nhật Phục sinh với những thành viên mới được rửa tội của Giáo hội Công giáo.

Tuần Bát nhật Phục sinh là một lễ kéo dài, trong suốt thời gian đó không có những công việc nô bộc. Hàng ngày những người tân tòng tham dự Thánh lễ tại một [nhà thờ khác nhau ở Roma], tại đó họ rước Mình Thánh. Buổi tối họ đến Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran để tham dự giờ Kinh Chiều.

Ngoài ra, người tân tòng sẽ mặc áo rửa tội trong suốt tuần bát nhật. Theo Bách khoa toàn thư Công giáo, Chúa nhật thứ Hai Phục sinh “được gọi là dominica in albis (deponendis), Chúa nhật (gấp cất) áo choàng trắng.”

Trong khi những truyền thống rửa tội này không còn được thực hành trong Giáo hội Công giáo nữa, nhưng Tuần Bát nhật Phục sinh vẫn là thời gian mừng vui của người Ki-tô hữu trên khắp thế giới và với ý nghĩa là thời gian hân hoan để sống vẻ đẹp phục sinh của Chúa.

Cũng như cách mừng Giáng sinh trong Giáo hội Công giáo, mùa Phục sinh bắt đầu với Chúa nhật Phục sinh. Đó là một mùa lễ mừng, ca khen Thiên Chúa và tận hưởng không khí đoàn tụ của gia đình và bạn bè.

Những ngày giữ chay của Mùa Chay đã qua! (thậm chí cả việc kiêng giữ thứ Sáu hàng tuần mà nhiều người Công giáo vẫn giữ suốt năm được hoãn lại vào Thứ Sáu Phục sinh). Bây giờ là thời gian của lễ lạc!



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2019]