Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Bảo vệ Di sản Văn hóa đang bị đe dọa trong những thời gian xung đột

Bảo vệ Di sản Văn hóa đang bị đe dọa trong những thời gian xung đột
Bảo vệ Di sản Văn hóa đang bị đe dọa trong những thời gian xung đột
19 tháng Tư, 2017
Tổng Giám mục Bernardito AuzaApostolic, Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc
Trình bày của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm sứ và Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc
tại một sự kiện của Phái bộ Tòa Thánh về việc bảo vệ di sản văn hóa đang bị đe dọa trong những thời gian xung đột
Liên Hợp Quốc, New York, 19 tháng Tư, 2017
Trọng kính quý đại diện cấp cao, Kính thưa quý vị,
Tôi rất hân hạnh được chào đón quý vị chiều nay tại sự kiện này với chủ đề rất đáng chú ý về việc bảo vệ những di sản văn hóa đang bị đe dọa trong những thời gian xung đột.
Ngày 30 tháng Mười Một vừa rồi, với sự mong đợi vào Hội nghị Quốc tế về việc bảo vệ những di sản văn hóa của tiền nhân để lại trong những vùng có xung đột diễn ra ngày 2 và 3 tháng Mười Hai ở Abu Dhabi, Đức Giáo hoàng Phanxico nói rằng chủ đề của hôm nay “đang vô cùng cấp bách.” Ngài nhấn mạnh “sự bảo vệ những tài sản văn hóa đóng góp một chiều kích trọng yếu cho việc bảo vệ con người” và ngài cũng đặt điểm nhấn rằng việc giữ gìn di sản văn hóa là “bước đi mới cấp thiết trong tiến trình áp dụng nhân quyền.”
Chiều nay tôi muốn chia sẻ với quý vị một suy tư về chủ điểm xoay quanh ba điều khẳng định của Đức Giáo hoàng Phanxico.
Trước hết, sự cần thiết phải bảo vệ gia tài văn hóa của cha ông là một quan tâm vô cùng cấp thiết. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự phá hủy và mạo phạm những nơi tôn nghiêm ở Mosul, Palmyra, Tikrit, Timbuktu, Bamiyan và ở rất nhiều nơi khác. Chúng ta đã chứng kiến những thư viện và khu lưu trữ bị tàn phá, những văn bản viết tay quý giá bị đốt; những bộ sưu tập khoa học bị san bằng; những đồ tạo tác vô giá bị cướp phá; những đền thờ, nhà thờ, tu viện, những khu khảo cổ và di tích văn hóa bị san bằng, và những tượng đài kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử bị xe ủi san phẳng hoặc nổ tung.
Nó nằm trong chiến lược liên kết hai mục tiêu: phá hủy để tuyên truyền nhằm chủ đích vào những tượng đài, tượng điêu khắc và đền đài nổi tiếng không thể bán lại được trên thị trường chợ đen, như là một cách biểu diễn cho quốc tế nhằm làm nản lòng địch thủ và tuyển dụng những thành viên mới; và trong khi những sự hung tàn đó tung ra một làn hỏa mù để cướp bóc và bán những cổ vật được chú ý nhiều nhằm lấy tiền rót cho những hoạt động khủng bố, hoặc phá hủy những tượng đài khổng lồ và “bán lẻ” những mảnh vỡ cho những kẻ buôn lậu.
Trong khi Al Qaeda lệ thuộc vào sự hỗ trợ của những nhà tài trợ giàu có để cấp nguyên liệu cho các hoạt động khủng bố của họ, thì ISIL cướp bóc, bắt cóc và tống tiền là cách để kiếm tiền của chúng, và việc cướp phá những cổ vật một cách đẫm máu đã trở thành một phần chính của chiến lược kinh tế của tổ chức này, với cái được gọi là “bộ cổ vật” của nó thậm chí cho phép khai quật cướp bóc, đánh thuế họ 20-50 phần trăm, và tạo điều kiện thuận lợi cho họ có một mạng lưới buôn lậu trên thị trường chợ đen với những yếu tố của tội phạm có tổ chức trên toàn cầu. Đó là một sách lược chiến tranh có chủ đích, có hệ thống, điều mà UNESCO gọi một cách khéo léo là “tẩy xóa văn hóa” và điều mà Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã nói theo luật quốc tế là tương đương với “tội ác chiến tranh.” Đó là điều đang xảy ra ở Trung Đông, đây cũng là nơi trung tâm của lịch sử của văn minh và của tôn giáo, làm cho nó càng trở nên đáng sợ hơn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, sau dầu hỏa, đó là nguồn tài chính sinh lợi đứng thứ hai của ISIL, ước tính nhiều tỷ đô-la một năm, cấp vốn nhiều hơn cho khủng bố và phá hủy văn hóa. Cục Điều tra Liên Bang Mỹ nói rằng tội phạm đồ cổ trở thành một trong năm loại tội phạm hàng đầu toàn cầu.
Vì vậy những gì chúng ta đang đối mặt quả thật vô cùng cấp bách.
Thứ hai, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh rằng việc bảo vệ những gia tài văn hóa của cha ông là một chiều kích quan trọng trong sự bảo vệ con người. Về phía những kẻ khủng bố, nó là một cố gắng tẩy xóa lịch sử, để cướp đi cội nguồn và giá trị của họ, để đánh vào quá khứ, tương lai và hy vọng của họ. Nó là một sự tấn công không chỉ nhắm vào những đồ vật tuy là giá trị, nhưng là nhắm vào con người của quá khứ, hiện tại và tương lai đã tặng ban giá trị cho họ. Nó là một sự tấn công vào môi trường văn hóa, giáo dục và tôn giáo mà con người rất cần cho sự phát triển toàn diện của họ.
Khi Đức Giáo Hoàng Phanxico đến Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ngày 25 tháng Chín, 2015, ngài nói đến chiều kích con người này, khi ngài ám chỉ nói đến “hoàn cảnh đau thương của toàn Trung đông, Bắc Phi và những quốc gia Châu Phi khác nơi các Ki-tô hữu cùng với những nhóm sắc tộc và văn hóa khác và thậm chí với những thành viên của tôn giáo đa số … đã bị bắt buộc phải chứng kiến sự phá hủy những nơi thờ phụng của họ, những di sản văn hóa và tôn giáo, nhà cửa và tài sản của họ.”
Tài sản văn hóa là một trong những yếu tố căn bản của một nền văn minh, thực hiện sự hủy diệt có chủ đích nhắm đến những gia tài văn hóa quý báu gần như tính cách diệt chủng có động cơ. Phá hủy nguồn gốc lịch sử của dân tộc là nhắm trực tiếp đến việc tiêu diệt một phần trọng yếu của bản chất dân tộc của họ. Đó là lý do tại sao những gì chúng ta đang đối mặt vượt xa vấn đề thuộc văn hóa. Nó là một tội ác chống lại nhân loại qua sự tàn phá có hệ thống di sản văn hóa của thế giới.
Đối với tôi, sự tấn công vào con người qua việc tàn phá có hệ thống hoặc bán ra thị trường những di sản văn hóa được minh họa đầy đủ tính chất độc ác đối với những gì đã xảy ra với ông Khalid al-Asaad, nhà khảo cổ và sử gia hàng đầu người Syria, ông đã dành trọn đời bảo tồn gia tài văn hóa của Palmyra. Ở tuổi 82 — 82 tuổi — ISIL tra tấn ông trong suốt một tháng để cố gắng bắt ông phải tiết lộ vị trí của những khu vực cất giấu và những cổ vật, trước khi chặt đầu ông và treo ông lộn ngược xuống để gây kinh hoàng cho thế giới. Việc tấn công vào tính thiêng liêng của con người và sự báng bổ những gì ông giữ gìn thân yêu cùng đi với nhau. Phá hủy văn hóa và những con người giữ gìn giá trị văn hóa đó là một phần của tính tàn bạo man rợ và báng bổ.
Thực tiễn này phải dẫn đến một câu trả lời quả quyết từ mọi phía. Có thể trước đây việc mua những cổ vật bị đánh cắp được xét duy lý như một tội phạm không có nạn nhân, hay thậm chí là một hành động có đạo đức, bảo đảm những đồ chế tác vô giá đó được chuộc lại và được bảo tồn. Nhưng chúng ta biết rằng việc mua những cổ vật vấy máu đó đang cấp nguồn tài chính cho những hành động khủng bố trên khắp địa cầu và tạo điều kiện thêm cho những sự mạo phạm đối với di sản văn hóa. Nó phải bị chặn đứng.
Điều này đem tôi đến ý thứ ba của Đức Giáo hoàng Phanxico đưa ra: bảo vệ di sản văn hóa phải được xem như một bước đi mới trọng yếu trong việc bảo vệ nhân quyền.
Từ lâu đã có những nguyên tắc bảo vệ tài sản văn hóa trong xung đột vũ trang, quay trở lại với Công ước The Hague năm 1899 và 1907, được bổ sung với những dự thảo năm 1954 và 1999, cũng vậy trong đó đòi hỏi phải có sự bảo vệ sự sống con người, nhưng rõ ràng ISIL không tuân theo những nguyên tắc nhân đạo căn bản như vậy.
Thật vui mừng, Liên Hợp quốc đã can thiệp vào theo một đường hướng cụ thể.
Hội đồng Bảo an, trong nhiều nghị quyết trong suốt hai năm qua — đáng lưu ý nhất là 2199, 2249, 2253, 2322 và 2347, được thông qua tháng trước — đã kết án một cách dứt khoát sự phá hủy của ISIL nhằm vào những khu vực di sản văn hóa ở Syria và Iraq và việc kiếm lợi của tổ chức này từ những gia tài văn hóa, đã đưa ra những cơ cấu để ngăn chặn việc buôn bán tài sản văn hóa nhằm cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố, và đã thúc giục các nhà nước ủng hộ sự hợp tác để ngăn chặn và chống lại việc buôn bán cổ vật vấy máu.
Đại Hội đồng đã lấy làm tiếc về những vụ tấn công vào những nơi thuộc tôn giáo, đền đài và những địa điểm văn hóa như là những vi phạm về nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế, và đã nói rằng những sự mạo phạm có chủ đích như vậy nhắm vào những tòa nhà dành riêng cho tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật hay những tượng đài lịch sử có thể quy vào những tội ác chiến tranh.
Tòa án Hình sự Quốc tế năm 2016 đã đạt được sự kết án đầu tiên cho tội “phá hủy văn hóa,” tuyên án Ahmad al-Faqi al-Mahdi của Al-Qaeda có liên quan đến nhóm khủng bố Ansar Dine 9 năm tù vì phá hoại những khu văn hóa cổ xưa ở Timbuktu, một bản án làm nổi bật tính nghiêm trọng của những tội phạm như vậy, bắt đầu xây dựng một khung hệ thống luật pháp, và gửi một thông điệp mạnh mẽ hơn đến những kẻ thực hiện những tội ác như vậy của hôm nay rằng những hành động chống lại di sản của các dân tộc và của nhân loại sẽ chắc chắn bị trừng phạt.
Sự hợp tác quốc tế đã được thành lập bao gồm UNESCO, INTERPOL, Văn phòng Liên Hợp quốc về Ma túy và Tội phạm, các phòng hải quan của chính phủ, các tổ chức quốc tế và khu vực, các viện bảo tàng, các thương nhân nghệ thuật và những nhà sưu tập cổ vật, ngành công nghiệp du lịch, các nhà khảo cổ, những công ty vận tải, những cơ quan bảo hiểm, các chuyên gia chống khủng bố và những nhà lãnh đạo truyền thông đã tìm kiếm sự hợp tác với nhau để ngăn chặn sự tàn phá và buôn bán bất hợp pháp những tài sản văn hóa, cấm việc vận chuyển trái phép những di sản như vậy, để cắt nguồn cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức và để nâng cao ý thức công chúng về việc buôn lậu những tài sản văn hóa và việc ngăn chặn. Liên Minh Quốc tế Bảo vệ Di sản trong những Vùng Xung đột, bắt đầu hoạt động một tháng trước, sẽ cấp vốn, cố vấn chuyên môn và hỗ trợ chính trị, là một bước tiến lớn.
Tuy nhiên, song song với việc đó cần phải có bước đi vượt qua được lời nói để tiến đến hành động hiệu quả. Nghị quyết 2253 của Hội đồng Bảo an, được đồng lòng thông qua tháng Mười Hai vừa qua, đã bày tỏ trong đó “sự lo lắng ngày càng lớn về việc thiếu sự áp dụng những nghị quyết 1267 (1999), 1989 (2011), và 2199 (2015), trong đó quá thiếu báo cáo của các Chính phủ Thành viên lên Ủy ban về những biện pháp họ đã đưa ra để áp dụng phù hợp với những điều khoản của Ủy ban” và về sự thất bại của các Chính phủ Thành viên “đưa ra những biện pháp cần thiết để thi hành trách nhiệm của họ theo điều 12 của nghị quyết 2199 để báo cáo cho Ủy ban những lệnh cấm … cổ vật, cũng như kết quả của những vụ kiện được đưa ra chống lại những cá nhân và thực thể nhờ kết quả của một hoạt động như vậy.”
Với một đánh giá như vậy cho thấy rõ ràng một sự vô cùng cần thiết phải được thực hiện để bảo vệ nhân quyền của con người đối với di sản văn hóa của họ, một gia tài được lưu truyền cho họ từ những thế hệ đi trước và họ trở thành những người trông coi cho những thế hệ tương lai.
Quả thật, việc bảo vệ cho di sản văn hóa trong những vùng xung đột, như Đức Giáo hoàng Phanxico nói hôm 30 tháng Mười Một, là một vấn đề thảm kịch của hiện tại. Nó là một cuộc chiến không chỉ chống lại những tài sản không gì có thể thay thế được nhưng là chống lại những người trân trọng giữ gìn chúng, đã và đang trân trọng giữ gìn chúng, và trân trọng giữ gìn chúng trong những thế hệ tương lai.
Cũng như có một trách nhiệm bảo vệ người dân khỏi những tội ác hung tàn, tôi tin rằng, cũng phải có một bổn phận phải bảo vệ chiều kích văn hóa của con người và của những nền văn minh thoát khỏi sự mạo phạm đang diễn ra và thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của con người đối với lịch sử, giá trị, môi trường, nơi học hành, thờ phượng, tình cảm và nhiều điều khác.
Tôi hy vọng rằng sự kiện hôm nay sẽ thúc đẩy chúng ta làm mọi việc có thể để trả lời cho vấn đề thảm kịch hiện tại này bằng cách giải quyết thật kiên trì. Cảm ơn quý vị rất nhiều.
[Nguồn: holyseemission]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/04/2017]



Thông điệp của Vatican gửi Phật tử nhân ngày Lễ Phật đản

Thông điệp của Vatican gửi Phật tử nhân ngày Lễ Phật đản

Thông điệp của Vatican gửi Phật tử nhân ngày Lễ Phật đản
Đức Thánh Cha Phanxico với một nhà sư Phật giáo trong một buổi tiếp kiến liên tôn tại Vatican - ANSA
22/04/2017 10:51
Hôm thứ Bảy, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã gửi một thông điệp nhân ngày Lễ Phật đản của Phật giáo với chủ đề ‘Ki-tô hữu và Phật tử: Cùng Đồng Hành Trên Con Đường Bất Bạo Động.’
Thông điệp được ký bởi Chủ tịch Hội đồng, Đức Hồng y Jean-Louis Tauran và Thư ký Hội đồng, Đức Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ nhấn mạnh nhu cầu cấp bách thúc đẩy một văn hóa hòa bình và bất bạo động vì cả hai giá trị này đều được cổ vũ bởi Đức Giê-su Ki-tô và Đức Phật.
Văn bản nhắc lại con đường bất bạo động Chúa Giê-su đã đi cho đến trọn cùng, bước lên thập giá và kêu gọi những môn đệ của Người hôm nay thấm nhuần lời dạy bất bạo động của Ngài. Đức Phật cũng giới thiệu cùng một thông điệp và khuyến khích tất cả hãy vượt qua tính nóng giận bằng đức nhẫn; vượt qua sự độc ác bằng tính tốt lành, vượt qua tính bủn xỉn bằng sự rộng lượng; vượt qua dối trá bằng tính trung thực.
Vì thế thông điệp kêu gọi một sự hợp sức chung, để tìm hiểu những nguyên nhân của bạo lực, chống lại bạo lực và cầu nguyện cho hòa bình thế giới đồng thời cùng đồng hành trên con đường bất bạo động.

Dưới đây là toàn văn bản của thông điệp:

THÔNG ĐIỆP CHO NGÀY PHẬT ĐẢN 2017

Các bạn Phật tử thân mến,
1.    Nhân danh Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên Tôn, chúng tôi xin gửi lời chào nồng hậu nhất và những lời cầu chúc tốt lành nhất nhân dịp ngày Phật đản. Cầu cho ngày lễ này mang đến cho tất cả các bạn, gia đình, cộng đồng và quốc gia của các bạn, niềm vui và bình an
2.    Năm nay chúng tôi mong muốn suy tư về nhu cầu bức thiết thúc đẩy một văn hóa hòa bình và bất bạo động. Tôn giáo đang ngày càng phải đứng mũi chịu sào trong thế giới của chúng ta hôm nay, cho dù có những lúc theo các con đường đối nghịch. Trong khi nhiều tín đồ tôn giáo cam kết thúc đẩy hòa bình, có những người lợi dụng tôn giáo để biện minh cho những hành động bạo lực và thù hận của họ. Chúng ta chứng kiến sự chữa lành và hòa giải được đưa đến cho những nạn nhân của bạo lực, nhưng lại có những cố gắng xóa sạch mọi dấu tích và ký ức của “người khác”; thật vô cùng khẩn thiết phải có một sự hợp tác tôn giáo toàn cầu, nhưng đồng thời phải có tính chính trị của tôn giáo; và đã có sự nhận thức về nghèo đói theo vùng miền và nạn đói của thế giới, tuy nhiên cuộc chạy đua vũ trang đáng trách vẫn tiếp tục. Tình hình này đòi hỏi một tiếng gọi tính bất bạo động, một sự khước từ bạo lực dưới mọi hình thức của nó.
3.    Đức Giê-su Ki-tô và Đức Phật là những vị thúc đẩy tính bất bạo động cũng như những nhà kiến tạo hòa bình. Như Đức Giáo hoàng Phanxico viết, “Chính Đức Giê-su sống trong thời gian của bạo lực. Tuy nhiên, Ngài dạy rằng chiến trường thật sự, nơi bạo lực và hòa bình gặp nhau, là tâm hồn con người: vì ‘chính từ bên trong, từ trong lòng người, phát xuất những ý định xấu’ (Mc 7:21)” (Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2017: Bất bạo động: Một Phong cách Chính trị cho Hòa bình, số 3). Ngài nhấn mạnh thêm rằng “Đức Giê-su đã vạch ra con đường bất bạo động. Ngài đi trên con đường đó đến tận cùng, bước đến thập giá, nhờ đó Ngài trở thành sự bình an cho chúng ta và đặt dấu chấm hết cho sự thù địch (x. Ep 2:14-16)” (ibid.). Do đó, “trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Giê-su ngày nay cũng là mang lấy lời dạy của Ngài về tính bất bạo động” (nt.).
4.    Các bạn thân mến, vị sáng lập của các bạn, Đức Phật cũng đưa ra một thông điệp về tính bất bạo động và hòa bình. Ngài khuyến khích tất cả phải “vượt qua tính nóng giận bằng đức nhẫn; vượt qua sự độc ác bằng tính tốt lành, vượt qua tính bủn xỉn bằng sự rộng lượng; vượt qua dối trá bằng tính trung thực.” (Kinh Pháp Cú, số 17,3). Ngài dạy thêm rằng “sự chiến thắng sinh ra thù hận; sự thất bại nằm trong nỗi đau khổ. Sống bình an là hạnh phúc, loại bỏ chiến thắng và thất bại.” (nt. 15, 5). Vì vậy, ngài lưu ý rằng, chế ngự bản thân thì tốt hơn chế ngự người khác: “Cho dù một người có thể khuất phục một ngàn lần một ngàn con người trên chiến trường, nhưng người chiến thắng cao thượng nhất chính là người chiến thắng được bản thân mình” (nt, 8, 4).
5.    Bất chấp những lời giáo huấn cao quý này, nhiều xã hội của chúng ta vẫn còn níu lấy những ảnh hưởng của các vết thương của quá khứ và hiện tại do bạo lực và xung đột gây ra. Hiện tượng này gồm có trong bạo lực gia đình, cũng như bạo lực trong kinh tế, xã hội, văn hóa và tâm lý, và bạo lực chống lại môi trường, ngôi nhà chung của chúng ta. Thật đáng buồn, bạo lực sinh ra những sự ác độc khác của xã hội, và do vậy “sự lựa chọn tính bất bạo động cho một lối sống đang ngày càng đòi hỏi mạnh mẽ hơn trong việc thực hành trách nhiệm ở mọi mức độ […] ” (Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico nhân dịp Trình Ủy nhiệm thư, 15 tháng Mười Hai, 2016).
6.   Mặc dù chúng ta nhận tính duy nhất của hai tôn giáo của chúng ta, mà chúng ta giữ cam kết, chúng ta phải nhận rằng bạo lực vẫn diễn ra từ tâm hồn con người, và rằng ác tâm của mỗi cá nhân dẫn đến những ác tâm theo cấu trúc. Vì vậy chúng ta được kêu gọi để bước đến một sự hiệp sức chung: để tìm hiểu những nguyên nhân của bạo lực; để dạy cho tín đồ của chúng ta biết chống lại cái ác trong lòng; để giải phóng cho cả những nạn nhân và thủ phạm của bạo lực thoát khỏi ác tâm; để đưa cái ác ra ánh sáng và thách đố  những người kích động bạo lực; để huấn luyện cho tâm hồn và trí óc của mọi người, đặc biệt trẻ em, biết yêu thương và sống hòa bình với mọi người và với môi trường; để dạy rằng sẽ không có hòa bình nếu không có công bằng, và không có công bằng thực sự nếu không có sự tha thứ; để mời gọi mọi người chung sức với nhau trong việc ngăn chặn xung đột và tái xây dựng những xã hội đã bị tan vỡ; để thúc đẩy truyền thông tránh xa và phản đối lại những cách nói mang tính thù hận, và những tường thuật thiên lệch và kích động; để khuyến khích cải tổ giáo dục nhằm ngăn chặn sự bóp méo và giải thích sai lệch lịch sử và những văn bản kinh tôn giáo; và cầu nguyện cho hòa bình thế giới đồng thời đồng hành với nhau trên con đường bất bạo động.
7.    Các bạn thân mến, cầu xin cho chúng ta tích cực cống hiến bản thân trong việc thúc đẩy ngay trong gia đình, và trong các tổ chức xã hội, chính trị, công dân và tôn giáo một lối sống mới nơi bạo lực bị khước từ và nhân vị được tôn trọng. Chính trong tinh thần này chúng tôi một lần nữa xin chúc các bạn một ngày lễ Phật đản bình an và tràn đầy niềm vui!
Thành Vatican
Hồng y Jean-Louis Taura
Chủ tịch
Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Thư ký

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/04/2017]