Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Vatican trình bày Văn kiện làm việc cho Thượng Hội đồng về giới trẻ

Young people from Chiavari offer "pesto" to Pope Francis 05/09/2017 © L'Osservatore Romano
Young People Offer "Pesto" To Pope Francis © L'Osservatore Romano

Vatican trình bày Văn kiện làm việc cho Thượng Hội đồng về giới trẻ

Đức Hồng y Baldisseri nói rằng giới trẻ được lắng nghe, kêu gọi họ nên thánh

19 tháng Sáu, 2018 12:59
Vatican trình bày Văn kiện làm việc cho Thượng Hội đồng về giới trẻ sắp tới.

Văn kiện làm việc của Đại Hội đồng chung thông thường 3-28 tháng Mười, 2018 của Thượng Hội đồng Giám mục với chủ đề “Giới trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi,” được xuất bản hôm nay 19 tháng Sáu, 2018, bằng tiếng Ý.

Đức Hồng y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, khẳng định với Zenit rằng bản dịch chính thức tiếng Anh của Vatican, cùng với bản dịch các ngôn ngữ khác, sẽ được phát hành trong những ngày sắp tới. Khi được phát hành, Zenit sẽ cung cấp cho độc giả toàn văn bản.

Đức Hồng y làm nổi bật rằng văn kiện làm việc sẽ được sử dụng như văn bản hướng dẫn xuyên suốt ba tuần lễ diễn ra Thượng Hội đồng, để “tìm ra những con đường cho sự chuyển biến về mục vụ và sứ mạng.”

Tài liệu hoàn tất ngày 8 tháng Năm, 2018 bao gồm ba phần trong đó có 13 chương, phần giới thiệu và kết luận.

“Lộ trình thượng hội đồng” được bắt đầu bằng “tài liệu giới thiệu,” xuất bản ngày 13 tháng Một, 2017, cùng với “Thư gửi giới trẻ” của Đức Thánh Cha Phanxico.

Tài liệu này có một “Bản câu hỏi” chủ yếu nhắm đến các hội đồng giám mục, thượng hội đồng các Giáo hội Công giáo Đông phương, và các tổ chức khác của Giáo hội: 15 câu hỏi gửi đến tất cả mọi bạn trẻ, ba câu hỏi đặc biệt dành cho mỗi châu lục, và một lời kêu gọi chia sẻ những kinh nghiệm “thực hành tốt đẹp.”

Đức Hồng y Baldisseri sau đó đề cập đến “Hội thảo quốc tế về tình hình của giới trẻ” diễn ra từ 11-15 tháng Chín, 2017, với sự tham dự của các chuyên gia và các bạn trẻ, thảo luận về tình hình của giới trẻ hiện nay.”

Cũng có những sáng kiến kêu gọi “sự tham gia của các bạn trẻ,” bắt đầu bằng một “Bản Câu hỏi online” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và được dịch bởi các hội đồng giám mục: khoảng 100.000 bạn trẻ đã gửi câu trả lời của họ.

“Cuộc họp tiền Thượng Hội đồng” giới trẻ diễn ra ở Roma, từ 19-24 tháng Ba, 2018, trong đó có 300 bạn trẻ từ năm châu lục tham dự, cùng với 15.000 bạn trẻ khác tham dự qua các mạng xã hội. Buổi họp kết thúc vào ngày Chúa nhật Lễ Lá, Ngày Giới trẻ Thế giới 2018, cùng với tài liệu đúc kết được các bạn trẻ chuẩn bị và trình lên Đức Thánh Cha.

Đức Hồng y Baldisseri nhấn mạnh rằng sáng kiến này cho thấy “cách thể hiện lòng khát khao muốn lắng nghe tất cả các bạn trẻ không loại trừ ai của Giáo hội.”

Ngài nói, “Tài liệu được thu thập từ bốn nguồn chính này – cùng với “những quan sát” của Ban thư ký Thượng hội đồng – chắc chắn rất bao quát. Nó đã được nghiên cứu rất kỹ bởi các chuyên gia, tổng hợp thật cẩn thận, và tóm lại trong “Tài liệu làm việc” được thông qua bởi Thượng Hội đồng Ngoại thường XIV của Ban Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha.”

Đức Hồng y Baldisseri phân tích rõ rằng văn bản mô tả các chủ điểm theo cách “thiết thực” mở ra cho thượng hội đồng: “Nhận biết” (năm chương), “Làm sáng tỏ” (bốn chương cho bốn “điểm then chốt”), “Chọn lựa” (bốn chương, “giúp các Nghị phụ Thượng Hội đồng làm sáng tỏ các đường hướng và quyết định đưa ra”).

Tài liệu kết luận với “sự lưu tâm đặc biệt” đến chủ điểm “nên thánh” để thượng hội đồng sẽ nhận ra “dung nhan đẹp nhất của Giáo hội,” như Đức Thánh Cha Phanxico đã nêu trong Tông huấn Gaudete et Exsultate” (s.9) và ngài biết cách giới thiệu nó “cho mọi bạn trẻ” hôm nay.


***



Dưới đây là bản dịch các tiêu đề chính của tài liệu:

Giới thiệu

I.Nhận biết: Giáo hội lắng nghe thực tại

Ch.1 Giới trẻ hôm nay

Ch.2 Những kinh nghiệm và ngôn ngữ

Ch.3 Văn hóa loại bỏ

Ch.4 Những thách đố về nhân loại và văn hóa

Ch.5 Lắng nghe giới trẻ

II.Làm sáng tỏ đức tin và sự phân định ơn gọi

Ch.1 Ơn lành của giới trẻ

Ch.2 Tiếng gọi đến với ánh sáng đức tin

Ch.3 Động lực của sự phân định ơn gọi

Ch. 4 Nghệ thuật đồng hành

III. Chọn lựa: những con đường chuyển biến mục vụ và sứ mạng

Ch.1 Viễn cảnh toàn diện

Ch.2 Hòa mình trong cuộc sống hàng ngày

Ch.3 Một cộng đoàn rao giảng phúc âm và được rao giảng phúc âm

Ch. 4 Nhiệt huyết và sự tổ chức mục vụ

Kết luận


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/6/2018]


TIẾP KIẾN CHUNG: Các điều răn

TIẾP KIẾN CHUNG: Các điều răn
© Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Các điều răn

‘Thiên Chúa là ông chủ hay là người cha? Chúa là một người Cha: đừng bao giờ quên điều này. Cả trong những lúc ngặt nghèo nhất, hãy nghĩ rằng chúng ta có một người Cha thương yêu tất cả chúng ta.’

20 tháng Sáu, 2018 13:41

Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9.35 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây D(ức THánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trước khi ra Quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm bệnh nhân trong Đại sảnh Phaolo VI, đặc biệt là nhóm bệnh nhân bị bệnh về hệ thần kinh vận động, trước thềm Ngày các Hiệp hội ALS/MND toàn cầu sẽ được tổ chức vào ngày mai 21 tháng Sáu.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tiếp tục một loạt giáo lý mới về các Điều Răn, tập trung vào chủ điểm “Mười lời dạy để sống Giao ước” (cf. 2 Cor 3: 5b-6.17).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện. Trước khi kết thúc Buổi tiếp kiến, sau khi thưởng thức phần trình diễn của các nghệ sĩ của đoàn xiếc Rony Roller Circus, Đức Thánh Cha có ít lời gửi tới các nghệ sĩ.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

Dưới đây là bản dịch của Vatican buổi Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha:

***

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Buổi tiếp kiến hôm nay diễn ra tại hai nơi: chúng ta ở đây trong quảng trường, và trong Đại sảnh Phaolo VI có hơn 200 bệnh nhân theo dõi qua màn hình khổng lồ. Tất cả chúng ta tạo thành một cộng đoàn. Chúng ta cùng chào những người trong Đại sảnh bằng một tràng pháo tay.

Thứ Tư trước chúng ta đã bắt đầu một loạt giáo lý mới về các điều răn. Chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su không đến để phá bỏ Lề luật, nhưng là để kiện toàn nó. Nhưng chúng ta phải có cái hiểu rõ hơn về điều này.

Trong Kinh thánh các điều răn không tồn tại một cách độc lập, nhưng là một phần của một mối quan hệ. Chúa Giê-su không đến để phá bỏ Lề Luật, nhưng để kiện toàn nó. Và có một mối quan hệ như thế của Giao ước [1] giữa Thiên Chúa và Dân Người. Đầu Chương 20 của sách Xuất hành chúng ta đọc được – và câu này rất quan trọng – “Và Thiên Chúa phán tất cả những lời này” (c. 1).

Nó có vẻ giống như phần mở đầu, nhưng không điều gì trong Kinh Thánh là sáo rỗng. Văn bản không nói, “Và Thiên Chúa phán những mệnh lệnh này,” nhưng nói “những lời này”. Truyền thống Do thái luôn luôn gọi Mười Điều răn là “Mười lời dạy.” Và thuật ngữ “Decalogue” (giới răn) ngụ ý nói về điều này. Tuy nhiên chúng có hình thức giống như luật, nhưng mục tiêu thật là những lời răn dạy. Vậy thì tại sao Tác giả lại sử dụng thuật ngữ “mười lời dạy?” Tại sao? Và tại sao không phải là “mười điều răn?”

Có sự gì khác biệt giữa một điều răn và một lời dạy? Điều răn là một cách giao tiếp không đòi hỏi đối thoại. Nhưng lời dạy lại hàm ý về những mối quan hệ khi đối thoại. Thiên Chúa Cha tạo dựng muôn loài qua Lời của Người, và Con Người là Ngôi Lời trở thành nhục thể. Tình yêu được nuôi dưỡng bằng lời nói, như việc giáo dục hoặc sự hợp tác. Hai người không yêu nhau không thể nào truyền đạt điều gì cho nhau. Khi một ai đó tâm sự động chạm đến trái tim của chúng ta, sự cô đơn của chúng ta liền tan biến. Một lời được đón nhận thì sự truyền đạt được tạo ra, và những điều răn là những lời của Thiên Chúa: Thiên Chúa truyền đạt Người qua mười Lời dạy này, và chờ đợi sự đáp lời của chúng ta.

Nhận một mệnh lệnh là một chuyện, nhưng hiểu được rằng một ai đó đang muốn nói chuyện với chúng ta là chuyện khác. Sự đối thoại còn vượt trên cả sự truyền tải một sự thật. Cha có thể nói với anh chị em rằng: “Hôm nay là ngày cuối cùng của mùa xuân, một ngày nóng của mùa xuân, nhưng hôm nay là ngày cuối.” Đây là sự thật, không phải là một sự đối thoại. Nhưng nếu cha nói với anh chị em, “Anh chị em nghĩ thế nào về mùa xuân này?” là cha bắt đầu một cuộc đối thoại. Các điều răn là một sự đối thoại. Sự giao tiếp được thực hiện vì niềm vui của việc chuyện trò và vì sự tốt đẹp được truyền tải giữa những người mong muốn những điều tốt lành cho nhau, qua ngôn ngữ nói. Đó là một sự tốt lành không chứa đựng trong của cải vật chất, nhưng trong những con người trao đổi qua lại cho nhau trong sự đối thoại (x. Tông huấn Evangelii gaudium, 142).

Nhưng sự khác biệt này không phải do con người tạo ra. Chúng ta cùng xem lại những gì đã xảy ra từ buổi khởi nguyên. Kẻ cám dỗ, ma quỷ, muốn lừa gạt con người về điểm này: hắn muốn thuyết phục con người tin rằng Thiên Chúa đã cấm họ không được ăn trái của cây biết tốt biết xấu và muốn bắt họ phải phục tùng. Thách đố chính ở điểm sau đây: điều răn thứ nhất Thiên Chúa trao cho con người có phải là một sự áp đặt của một kẻ chuyên quyền chỉ cấm cách và bắt buộc không, hay đó là sự chăm sóc của một người cha chăm lo cho những đứa con nhỏ của mình và bảo vệ chúng không tự làm hại chúng? Đó là một lời dạy bảo hay một mệnh lệnh? Sự dối trá xấu xa nhất trong biết bao dối trá mà con rắn nói với bà Ê-va, là sự gợi ý về một vị thần ghen tương: “Không phải đâu, Thiên Chúa ghen tức với các ngươi” – và một vị thần muốn chiếm hữu – “Thiên Chúa không muốn các ngươi có sự tự do”. Những sự thật cho thấy rõ ràng rằng con rắn nói dối (x. St 2: 16-17; 3: 4-5), hắn làm cho họ tin rằng lời dạy bảo là một mệnh lệnh.

Con người đứng trước những vấn đề trái nghịch nhau: Thiên Chúa áp đặt mọi điều hay Người chăm sóc tôi? Những điều răn dạy của Người chính là luật, hay là một lời dạy bảo, để chăm sóc tôi? Thiên Chúa là một ông chủ hay là một người cha? Thiên Chúa là một người cha: đừng bao giờ quên điều này. Ngay cả trong những lúc ngặt nghèo nhất, hãy nghĩ rằng chúng ta có một người Cha yêu thương tất cả chúng ta. Chúng ta là chủ thể hay chỉ là những người bên ngoài? Sự mâu thuẫn này, dù là trong nội quan hay ngoại quan của chúng ta, đều liên tục nổi lên: cả hàng ngàn lần chúng ta phải chọn lựa giữa cách suy nghĩ mình là những người nô lệ hay mình là những người con. Điều răn là của một người cha, lời dạy bảo là của một Chúa Cha.

Thánh Thần là Thần khí của những người con, Ngài là Thần khí của Chúa Giê-su. Tinh thần của các nô lệ không có cách gì khác ngoài việc bị bắt buộc phải thực thi Luật, và chỉ có thể dẫn đến hai kết quả trái ngược nhau: hoặc là một cuộc sống bị đè nặng với những trách nhiệm và mệnh lệnh phải thi hành, hoặc là một thái độ phản ứng bạo lực chống lại. Tất cả tinh thần Ki-tô giáo là một sự chuyển đổi từ chữ của Lề luật đến Thần Khí trao ban sự sống (x. 2 Cr 3: 6-17). Chúa Giê-su là Lời của Chúa Cha, không phải là sự kết án của Chúa Cha. Chúa Giê-su đến để giải thoát bằng Lời Người, không phải đến để kết án chúng ta.

Chúng ta có thể nhận thấy liệu một người đàn ông hay một phụ nữ đã trải qua sự chuyển đổi này hay chưa. Người ta nhận ra khi một người Ki-tô hữu lập luận giống như một người con hay một người nô lệ. Và chính chúng ta nhớ lại những thầy cô của chúng ta chăm sóc chúng ta như những người cha người mẹ, hay họ chỉ đơn giản áp đặt những quy tắc. Các điều răn là con đường dẫn đến sự tự do, vì chúng là lời của Chúa Cha làm cho chúng ta được tự do trong hành trình này.

Trần gian không cần đến chủ nghĩa tuân thủ tuyệt đối, nhưng là cần sự chăm sóc. Nó cần những người Ki-tô hữu với trái tim của người con thảo.[2] Nó cần những Ki-tô hữu với trái tim của người con thảo: đừng quên điều này.

__________________________________________

[1] Trước Chương 20 của Sách Xuất hành là sự công bố Giao ước trong Chương 19, trong đó những công bố dưới đây là trọng tâm: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19,5-6). Cách nói này có sự tổng hợp điển hình trong sách Lv 26,12: “Ta sẽ đi đi lại lại giữa các ngươi; Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, còn các ngươi sẽ là dân của Ta”, và thậm chí mang lấy tên gọi được báo trước bởi Đấng Mê-xi-a, trong sách Isaia 7: 14, còn gọi là “Immanuel”, trong Tin mừng theo Thánh Mát-thêu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’” (Mt 1: 23). Tất cả điều này cho thấy mối quan hệ đặc biệt của niềm tin của người Do thái và của niềm tin của người Ki-tô hữu tới một mức độ cao nhất.

[2] X. Gioan Phaolo II, Tông thư Veritatis splendor, 12: “Món quà của Mười điều răn là một lời hứa và dấu chỉ của Giao ước mới, trong đó lề luật được viết theo một cách thức mới và rõ ràng với tâm hồn của con người (x. Gr 31:31-34), thay cho lề luật về tội làm nặng nề tâm hồn (x. Gr 17:1). Vào những ngày đó, “một tâm hồn mới” sẽ được tặng ban Thần Khí của Thiên Chúa (x. Ez 36:24-28).



Lời chào các bệnh nhân trong Đại sảnh Phaolo VI

Chào anh chị em!

Cảm ơn sự thăm viếng của anh chị em. Trước khi ra ngoài quảng trường, cha muốn chào thăm anh chị em. Anh chị em sẽ theo dõi buổi tiếp kiến trong quảng trường qua màn hình khổng lồ; tất cả chúng ta sẽ cùng tham dự với nhau. Cảm ơn sự thăm viếng của anh chị em. Cha cầu nguyện cho anh chị em và cha xin anh chị em cũng hãy cầu nguyện cho cha. Bây giờ cha mời gọi anh chị em cùng đọc kinh Kính mừng.

Đọc kinh Kính mừng

Phép lành


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/6/2018]